Tuesday, January 20, 2015
Monday, January 19, 2015
Saturday, January 17, 2015
Thursday, January 15, 2015
Một nền giáo dục bắt nạt
Hôm nay, trên trang http://www.voatiengviet.com/ content/vietnam-can-xay-dung- mot-nen-giao-duc-khong-bat- nat/2597862.html, có rút tít bài “Việt Nam cần xây dựng một nền giáo dục không bắt nạt”.
Có quá nhiều sự giả vờ
Tít bài này nằm trong câu trả lời phỏng vấn của nhà giáo Phạm Toàn, người lập ra nhóm làm sách Cánh Buồm, tác giả của nhiều sách giáo khoa thực nghiệm hệ thống phương pháp mới, phân tích căn nguyên và giải pháp cho những nhức nhối trong nền giáo dục Việt Nam hiện nay.
Trước sự việc em Lê Thị Phước Hải có bệnh sử động kinh, học lớp 6/7 trường trung học cơ sở Phan Bội Châu, quận Tân Phú, TP.HCM, qua đời sau khi bị cô Thảo Vy phụ trách môn Công Nghệ cặp nhiều chiếc thước kẻ đánh vào mông hôm 6-1, nhà giáo Phạm Toàn, nói: “Tôi ước mơ xây dựng một nền giáo dục không bắt nạt trẻ em. Sinh viên ngành sư phạm của ta không hề được học để biết những vấn đề về sinh lý, tâm lý trẻ em một cách cặn kẽ.
Các nhà sư phạm của ta được đào tạo ở Liên Xô và Trung Quốc về cũng không biết những vấn đề như thế và cũng không bao giờ tìm những giải pháp cho giáo viên cả. Vụ việc của em Hải vừa rồi thật đau lòng, nhưng nhìn toàn cục mà nói, nó không khiến mình ngạc nhiên vì nền giáo dục đào tạo giáo viên như hiện nay gây cái chết cho học sinh cả tâm trí lẫn thể xác”.
Nhà giáo Phạm Toàn cũng thẳng thắn phê phán: “Có quy định không được đánh, không được hành hạ hay làm ảnh hưởng đến cơ thể trẻ em. Nhưng người ta vẫn không thực hiện.
Công an cũng được quy định không đánh dân. Cụ Hồ nói công an là bạn dân mà. Thế nhưng họ cứ đánh, làm gì họ. Không ai kiểm tra cả. Đến lúc thanh tra ra thì lại che dấu. Ở Việt Nam có đầy đủ luật lệ cấm hành hạ về cơ thể nhưng người ta cứ vi phạm, chịu bó tay”.
Theo bài phỏng vấn trên VOA, nhà giáo Phạm Toàn bức xúc khi viện dẫn trường hợp của luật sư Võ An Đôn đứng ra bênh vực người nghèo tìm cách truy tố những kẻ có tội, để bây giờ đang là mục tiêu của các cơ quan cấp tỉnh hùa vào định tiêu diệt ông Đôn.
“Anh Đôn là một người hùng, người của dân, của một nền pháp trị mới hoàn toàn. Anh muốn làm việc tốt đẹp dựa vào luật pháp, thế mà giờ anh ấy bị thế đấy. Việt Nam bây giờ đang là sự vật lộn giữa luật có thật và luật giả vờ, giữa đạo đức có thật và đạo đức giả vờ, giữa một nền pháp trị có thật và một nền pháp trị giả vờ, giữa những chuẩn mực có thật và những chuẩn mực giả vờ. Việt Nam đang vật lộn để trở thành một đất nước ngay thật thoát ra khỏi sự giả vờ”.
Phóng viên Trà My của VOA hỏi: “Có luật mà mọi người không chấp hành phải chăng thiếu biện pháp xử pháp nghiêm minh, một yếu tố đi kèm rất quan trọng?”.
Nhà giáo Phạm Toàn: “Không, không. Vì có những kẻ đứng trên luật, nhân danh sự lãnh đạo để thực hiện cái gọi là luật ấy. Và có những kẻ đứng trên luật để xử. Ai đứng trên luật, mọi người đều biết cả rồi”.
Ai bất hạnh?
Cũng liên quan đến câu chuyện của “một nền giáo dục bắt nạt”, trên trang blog của ông Nguyễn Hưng Quốc, chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc, trong bài “Ai bất hạnh hơn ai?”, có đoạn viết:
“Nếu giới hạn trong quãng thời gian từ 1954 đến 1975, quả thực văn học miền Bắc, cũng như mọi nền văn học hiện thực xã hội khác dưới các chế độ cộng sản nói chung, bất hạnh hơn hẳn văn học miền Nam. Ở miền Nam, không có ai, chỉ vì một truyện ngắn vu vơ viết cho trẻ con như của Hoàng Cát, một bài thơ ngắn nêu những nghĩ ngợi bâng quơ về khói bom như của Phạm Tiến Duật, một cuốn tiểu thuyết vô thưởng vô phạm như “Vào đời” của Hà Minh Tuân… mà tác giả bị lên án kịch liệt; có người bị cấm xuất bản đến cả mấy chục năm.
Ở miền Nam cũng không hề có vụ án văn học nào như vụ Nhân Văn Giai Phẩm, ở đó, nhiều văn nghệ sĩ được xem là có tài nhất trong thế hệ của họ bị đẩy đi lao động cải tạo trong nhiều năm và cuối cùng, bị cấm xuất bản trong suốt 30 năm. Ở miền Nam, giới văn nghệ chưa bao giờ bị chính quyền khinh rẻ, coi như là “con nít” cần cầm tay chỉ đường như lời than thở của Nguyễn Đăng Mạnh ở miền Bắc. Ở miền Nam cũng không có nhà văn hay nhà thơ nào ở tình cảnh vừa viết được một câu trung lại phải vội vã viết một câu nịnh để tự thâm tâm lúc nào cũng thấy nhục nhã là mình “hèn” như lời kể của Nguyễn Minh Châu ở miền Bắc”.
Có lẽ “bất hạnh” như lời của ông Nguyễn Hưng Quốc muốn chia sẻ với ông Vương Trí Nhàn trong bài viết, cũng có gốc nguồn nguyên do từ “một nền giáo dục bắt nạt”.
Wednesday, January 14, 2015
Thích Chúc Minh sẽ... hầu Tòa
Một số cơ quan truyền thông đã nhận được văn thư của luật sư Lê Thanh Sơn, đại diện của Văn Phòng Luật Sư AIC Lawyers & Consultants, yêu cầu đăng tải Giấy ủy quyền (tiếng Anh và tiếng Viêt) của bà Hiếu Phạm và luật sư của bà Hiếu Phạm là ông Micheal R. Vieira, luật sư thuộc Công ty ASHFORD WRISTON a Limited Liability Law Partnership LLP.
Giấy ủy quyền này yêu cầu luật sư Lê Thanh Sơn làm đại diện pháp lý cho bà Phạm tại Việt Nam, tiến hành khởi kiện tại Việt Nam đối với các cá nhân và/ hoặc tổ chức liên quan đến vụ trộm cắp và phát tán hình ảnh của bà Hiếu Phạm trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong thời gian qua.
Giấy ủy quyền cho biết bà Phạm Hiếu là “người nổi tiếng ở các cộng đồng Việt Nam trên toàn nước Mỹ” và đang “bị buộc phải tránh xa tác động ảnh hưởng xã hội”, “bị tổn hại về tinh thần vô cùng thậm tệ”.
Ngoài ra “bà Phạm còn bị buộc phải dành rất nhiều thời gian và nguồn lực với mục đích là chống lại những chỉ trích của công luận đang vẫn đang tiếp tục diễn ra”.
Giấy ủy quyền bằng tiếng Anh và bản dịch ra tiếng Việt của Văn phòng Luật sư AIC Lawyers & Consultants ở vụ việc này được trích đăng tải để tham chiếu.
“Chúng tôi đại diện cho bà Pham Hieu còn có tên gọi là Hieu Pham Stuart (bà Phạm). Bà Phạm là một công dân có quốc tịch Việt Nam và Hoa Kỳ hiện tại đang sinh sống tại Honolulu, Hawaii. Bà Phạm là một nạn nhân của một vụ vi phạm về trộm cắp và khai thác tình dục như được trình bày dưới đây đang mong muốn sự trợ giúp lập tức về pháp lý của ông tại Việt Nam”.
“Trở lại thời gian vài năm trước đây, một đoạn video clip về quan hệ giữa bà Phạm với người bạn trai trước đây của bà đã được quay video giữ lại. Đoạn video này đã bị mất cắp và bị chỉnh sửa lại. Sau đó, đoạn video này và một số hình ảnh đã được chỉnh sửa và bóp méo và đưa lên trên 125 trang websites mà không được sự đồng ý của bà Phạm”.
“Hiện tại đoạn video này đã thu hút được sự quan tâm của cả cộng đồng quốc tế bởi vì một trong những người trong video này được cho là có hình dạng giống với Thích Chúc Minh, một nhà tu sĩ Việt Nam. Theo hiểu biết của tôi thì ông (Lê Thanh Sơn) đang là đại diện pháp lý cho Chùa Từ Tôn Hòn Đỏ, Nha Trang, Khánh Hòa”.
“Việc phát tán thư tín (video) bị đánh cắp có mục đích làm tổn hại đến bà Phạm và thực tế là đã hủy hại danh tiếng của bà Phạm. Tên của bà Phạm đã được rất nhiều tờ báo kể cả báo giấy và các trang online đưa ra công khai. Bà đã bị gọi tên với rất nhiều sự lăng nhục công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bà Phạm đã bị làm nhục bị lăng mạ bởi công luận. Công luận đã gây ra cho Bà phải hứng chịu tổn hại về tinh thần vô cùng thậm tệ”.
“Bà Phạm là một người nổi tiếng ở các cộng đồng Việt Nam trên toàn nước Mỹ. Bà làm việc tại Trường Đại Học Tổng Hợp Hawaii University (University of Hawaii), Hội Đồng Thành Phố Honolulu và Hội Đồng Bang Hawaii (State of Hawaii)”.
“Bà cũng đang giữ các chức vụ trong rất nhiều các Hội đồng. Bà mang lại ích lợi cho cộng đồng và đã nhiều lần được Báo Bưu Điện Washington (Washington Post) và Chương Trình Truyền Hình Ngôi Sao Quảng Cáo Honolulu (Honolulu Star Advertiser) phỏng vấn”.
“Bởi vì việc truyền bá những thư tín, hình ảnh và video công khai nêu trên nên bà Phạm bị buộc phải tránh xa tác động ảnh hưởng xã hội. Bà cũng rất sợ hãi sự trả thù nếu trường hợp bà phải trở về Việt Nam”.
“Ngoài việc bị tổn hại về tinh thần vô cùng thậm tệ, bà Phạm còn bị buộc phải dành rất nhiều thời gian và nguồn lực với mục đích là chống lại những chỉ trích của công luận đang vẫn đang tiếp tục diễn ra”.
“Bà đã đưa ra giải thích về nội dung các thông tin công khai trái phép đến các trang mạng internet nơi đã phát tán đoạn video nêu trên. Nhưng vì số lượng quá nhiều các trang mạng đã đăng tải (posted) và/ hoặc đưa đường dẫn tới video này và các cơ quan thông tấn đưa lên công luận quá nhiều mỗi ngày nên chúng tôi không chắc chắn rằng khi nào thì bà Phạm có thể hoàn thành việc gở bỏ đoạn video khỏi công luận (public domain)”.
“Theo sự hiểu biết của tôi rằng hiện tại những người liên quan đến việc phát tán đoạn video này đã đưa ra lời xin lỗi công khai chính thức tới Thích Chúc Minh. Tuy nhiên không có một lời xin lỗi công khai nào đối với bà Phạm”.
“Bất kỳ một cá nhân nào liên quan đến việc trộm cắp, phát tán và quảng bá đoạn video nêu trên đều phải bị khởi tố theo quy định của pháp luật. Do chúng tôi không có sự hiểu biết về hệ thống pháp luật Việt Nam, dường như là Việt Nam có những quy định pháp luật cực kỳ nghiêm khắc chống lại hành vi khiêu dâm, khai thác tình dục và trộm cắp”.
“Trường hợp này, một video cá nhân bị đánh cắp đã được phát tán và quảng bá cho mục đích thương mại gây ra tổn hại vô cùng nghiêm trọng cho những người vô tội như là bà Phạm, thì thủ phạm phải bị truy tố là tội phạm”.
“Ngoài trách nhiệm hình sự, thì tất cả những người có liên quan đến việc đánh cắp, phát tán video này còn phải chịu trách nhiệm dân sự về những tổn hại đã gây ra cho bà Phạm”.
“Bà Phạm đã cực lực tố cáo những người là thủ phạm việc gây ra tổn hại nghiêm trọng cho bà về vật chất bao gồm cả những tổn hại thậm tệ về tinh thần mà bà đang phải hứng chịu”.
“Chúng tôi đang tiếp tục điều tra vụ việc tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, vì lý do trình tự và thủ tục tố tụng phức tạp về việc lựa chọn thẩm phán để khởi kiện các bị đơn quốc tịch nước ngoài, nên bà Phạm đang tìm kiếm một đại diện pháp lý xuất sắc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Phạm tại Việt Nam”.
Tuesday, January 13, 2015
Tay đã nhúng chàm, không thể chống tham nhũng
“Bản thân mỗi đồng chí và cả gia đình, vợ, con, phải giữ gìn sự trong sạch, rồi mới chống tham nhũng được, nếu không nói chẳng ai nghe, tay đã nhúng chàm thì không thể làm gì khác được” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói tại Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng vào sáng ngày 4-2-2013, trong phiên họp lần thứ nhất khi chức danh Trưởng Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng được chuyển từ Thủ tướng sang Tổng Bí thư.
Trên cương vị mới, có lẽ quá bề bộn công việc nên trọng trách này được giao gần như toàn bộ cho ông Nguyễn Bá Thanh vị trí phó thường trực Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Nói như vậy để thấy rằng nếu căn cứ vào Luật phòng, chống tham nhũng, thì ghế Trưởng Ban Chỉ đạo của Tổng Bí thư hiện nay gần như “hữu danh vô thực”.
Xin được trao đổi.
Tố cáo tham nhũng là gây chia rẽ nội bộ?
Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương chiều 29-12-2014, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang khẳng định, “năm 2015 lực lượng công an sẽ quyết liệt tập trung ngăn chặn thế lực thù địch phát tán tài liệu xuyên tạc trên mạng internet nhằm bôi nhọ, đả kích các đồng chí lãnh đạo, gây chia rẽ nội bộ”.
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh bày tỏ sự đồng tình với Bộ trưởng Công an và đề nghị Bộ Thông tin - Truyền thông, các bộ ngành chức năng cần quản lý tốt mạng internet.
“Vừa qua, trên mạng nói xấu cả Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị, cả lãnh tụ là rất căng, gây phân tâm. Trong Quân đội có giáo dục cán bộ chiến sĩ nhưng về nhà, hay ra quán đọc thì rất khó kiểm soát. Anh em bảo vệ biên giới, biển đảo mà đọc những điều này thì rất gay. Phải có biện pháp chứ không nên thả nổi”, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đề nghị.
Thế nào là “nói xấu” Đảng và Nhà nước?
“Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng Đặng Hoàng Đa có lịch sử chính trị gia đình nội, ngoại (cha đẻ, cha vợ) đã có thời gian theo địch thì không thể đứng trong hàng ngũ Công an nhân dân; có nhiều dấu hiệu sai phạm chưa được xử lí theo quy định của pháp luật”. Báo Người cao tuổi đã kết như vậy trong bài viết đặt nghi vấn “Cố tình che giấu lí lịch?” của đương kiêm Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng Đặng Hoàng Đa.
Cũng trên báo Người cao tuổi còn có loạt bài về Thiếu tướng Giám đốc Công an tỉnh Bến Tre Hồ Quốc Việt.
“Thời gian qua, Báo Người cao tuổi đăng loạt bài phản ảnh nhiều tiêu cực xảy ra tại tỉnh Bến Tre nhưng chưa được xử lí như: “Vườn phố Thường vụ”, “Ban Thường vụ Tỉnh ủy bao che cho kẻ phá 25,8 ha rừng đặc dụng”, “Một đường dây làm hộ chiếu giả”, “Nhiều vụ án giết người không bị khởi tố hình sự”, v.v… liên quan đến ngành Công an Bến Tre vẫn đang bị bưng bít, ém nhẹm… Ai bảo kê cho các loại tội phạm trên? Báo Người cao tuổi tiếp tục đăng chân dung một vị tướng công an từng gây ra nhiều tai tiếng ở tỉnh này…”.
Báo Người cao tuổi hoạt động theo Giấy phép số: 256/GP-TTĐT do Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 03-12-2010. Tổng biên tập là ông Kim Quốc Hoa. Tòa soạn ở 12 Lê Hồng Phong - Ba Đình - Hà Nội.
Đây cũng là tờ báo đầu tiên đã có bài viết tố cáo những dấu hiệu sai phạm của ông Trần Văn Truyền, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Bí thư Ban Cán sự Đảng, cựu Tổng Thanh tra Chính phủ…
Trang blog “Chân dung quyền lực” với tiêu chí “Nhận diện các gương mặt trong Bộ Chính trị Khóa 11 và các gương mặt mới sẽ vào Bộ Chính trị Khóa 12: Những thông tin trung thực, khách quan để Nhân dân có thể đánh giá năng lực, nhân cách của những người sẽ quyết định vận mệnh của dân tộc”, đã lần lược tố cáo chi tiết, có địa chỉ từng hành vi tham nhũng của từng cá nhân cụ thể (trích):
Bài viết có tựa “Ông Phùng Quang Thanh: ông có thể cho biết những điểm nào trong khối tài sản khổng lồ sau đây là xuyên tạc, bịa đặt?”, đã thống kê về tài sản của Đại tá Phùng Quang Hải, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty 319, con trai Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh đang sở hữu 06 biệt thự, căn hộ hạng sang với tổng trị giá là 230,4 tỷ đồng.
“Đề nghị TW thanh tra khối tài sản hàng nghìn tỷ của Vũ Chí Hùng, con rể Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc”, là bài viết kèm chứng cứ bản scan kê khai tài sản của Vũ Chí Hùng, con rể Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được lập vào cuối năm 2013 khi chuẩn bị rời công ty PTSC về Hà Nội nhậm chức Phó Vụ trưởng, Vụ Quản lý Thuế doanh nghiệp lớn thuộc Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính.
“Gia đình Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận bao nhiêu Cổ phiếu, Cổ phần của đại gia Hoa kiều Đặng Văn Thành?” là bài viết kèm theo hình ảnh chứng cứ chụp lại hợp đồng chuyển nhượng vốn cổ phần của ngân hàng này với ông Vũ Chí Hùng. Ngoài ra còn kèm cả sao chụp chứng cứ sổ đăng ký sở hữu cổ phần số VSDSCR200420074, đứng tên bà Trần Nguyệt Thu (vợ ông Phúc).
Theo thống kê vào tháng 3-2013, bà Thu đang giữ 1.578.170 cổ phần của Thành Thành Công, chiếm tỷ lệ 1,1% sở hữu. Xét về cổ đông cá nhân, tỷ lệ sở hữu tại Thành Thành Công của vợ chồng Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ thua một số người chủ chốt như Đặng Hồng Anh (9%), Triệu Phi Yến (4,61%), Đặng Nhãn Dung (4,23%), Văn Hồng My (3,04%), Nguyễn Ngọc Anh Thư (2,21%) và Chung Thị Mỹ Dung (1,65%).
Ông Nguyễn Xuân Phúc hiện còn giữ chức phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Tố cáo tham nhũng chứ không phải nói xấu Đảng
“Công dân có quyền phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng; có nghĩa vụ hợp tác, giúp đỡ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, xử lý người có hành vi tham nhũng”. (Điều 6. Quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tham nhũng, Luật phòng, chống tham nhũng).
“Blog” là một thuật ngữ có nguồn gốc từ cặp từ “Web Log” hay “Weblog” dùng để chỉ một tập san cá nhân trực tuyến, một quyển nhật ký dựa trên nền web hay một bản tin trực tuyến nhằm thông báo những sự kiện xảy ra hàng ngày về một vấn đề gì đó.
Các chứng cứ được viện dẫn để tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của một cá nhân, quan chức nào đó trên trang “blog” là phù hợp với nội dung của Điều 6 nói trên.
Tại Điều 10 của luật này có quy định về việc cấm đe doạ, trả thù, trù dập người phát hiện, báo cáo, tố giác, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng; và cấm lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để vu cáo, vu khống cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác.
Như vậy một khi chưa tìm hiểu đúng sai về các nội dung tố cáo mà đã vội vã kết luận là “bôi nhọ, đả kích các đồng chí lãnh đạo, gây chia rẽ nội bộ”, cho thấy sự tắc trách của cơ quan công quyền. Đặc biệt là ở vị trí Trưởng Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư đã không thực hiện đầy đủ các quy định của Luật phòng, chống tham nhũng.
“Chúng ta phải cam kết với nhau, mỗi thành viên Ban Chỉ đạo phải là một tấm gương về liêm sáng, trung thực, công tâm, khách quan, nếu không dân không tin”, Tổng Bí thư nhấn mạnh như vậy tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tổ chức vào ngày 4-2-2013 tại Trụ sở Trung ương Đảng.
Liệu tay của những ai đã nhúng chàm?
Vạch áo cho người xem lưng
Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành.
Mục đích của việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, là “bảo đảm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của Nhân dân”.
Giới thiệu tiếp theo đây là trích từ “tài liệu lưu hành nội bộ” của Bộ Tư pháp, có tên “Báo cáo đánh giá tác động của dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi)”.
Bộ luật dân sự là… chưa tin cậy
Báo cáo có đoạn viết: Quy định của Bộ luật dân sự (BLDS) hiện hành chưa tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và tin cậy để những người không phải là chủ sở hữu có thể mạnh dạn, yên tâm đưa tài sản của mình vào lưu thông kinh tế. Mặt khác, các quy định về giao dịch, đại diện, nghĩa vụ và hợp đồng trong BLDS hiện hành còn có nhiều hạn chế như chưa rõ ràng, chưa cụ thể, dẫn đến việc rất khó áp dụng trong thực tiễn. Đặc biệt là, nhiều quy định còn tỏ ra cứng nhắc, có thể tạo nguy cơ cao cho việc tuyên bố giao dịch bị vô hiệu hoặc bị hủy bỏ.
Ngoài ra, cũng chưa có cơ chế pháp lý hữu hiệu để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bên thứ ba ngay tình, của bên thiện chí trong quan hệ dân sự… (…) Thực tiễn cho thấy, BLDS hiện hành, nhiều vấn đề đáng ra chỉ phải quy định chung thì lại được quy định quá cụ thể và ngược lại, nhiều vấn đề đáng phải quy định cụ thể thì lại được quy định hết sức chung chung. Vì vậy, trong điều kiện hiện nay, khi mà bên cạnh BLDS, đã và đang tồn tại ngày càng nhiều các đạo luật điều chỉnh các lĩnh vực hoạt động đặc thù như Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật hôn nhân và gia đình… thì nhược điểm này lại càng thể hiện rõ.
Với vị trí của mình, BLDS phải đóng vai trò là công cụ pháp lý hữu hiệu để bảo vệ những người yếu thế trong quan hệ pháp luật dân sự. Tuy nhiên, BLDS hiện hành chưa phát huy cao nhất được vai trò này, đặc biệt, trong việc xây dựng chế độ trợ giúp cho nhóm cá nhân yếu thế về năng lực hành vi dân sự cũng như về cơ chế để bảo vệ bên yếu thế khác trong quan hệ tài sản, nhân thân.
Người dân còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, thực hiện, bảo vệ các quyền dân sự của mình, dẫn tới mức ảnh hưởng của BLDS đối với người dân không tương xứng với vị trí, vai trò của Bộ luật, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của BLDS nói riêng, pháp luật dân sự nói chung; gây cản trở cho sự phát triển của kinh tế - xã hội, của đất nước.
Lâu nay Tòa vẫn… “lánh nặng, tìm nhẹ”
Báo cáo viết: Một trong những giải pháp được nhiều nước áp dụng để đảm bảo sự ổn định của BLDS và hệ thống luật tư là thừa nhận quyền của tòa án trong giải thích pháp luật; Tòa án nhân dân tối cao thông qua xét xử giám đốc thẩm mà ban hành án lệ.
Theo pháp luật Việt Nam hiện hành, Tòa án chưa có thẩm quyền này. Đây là một khó khăn lớn để thực hiện mục tiêu xây dựng BLDS có sự ổn định và tính khái quát cao.
Kết quả khảo sát ý kiến của các thẩm phán, chuyên gia pháp luật về việc giải quyết trong trường hợp quan hệ pháp luật có tranh chấp không có quy định pháp luật điều chỉnh cho thấy, có 51% (293/557) thẩm phán và 76% (419/550) chuyên gia pháp luật được hỏi, đã thể hiện quan điểm ủng hộ phương hướng pháp luật dân sự và tố tụng dân sự cần được sửa đổi theo hướng quy định rõ Tòa án không được từ chối thụ lý giải quyết vụ việc dân sự cho dù không có quy định cụ thể điều chỉnh tranh chấp phát sinh.
Tuy nhiên vẫn có 49% thẩm phán cho rằng không nên quy định nguyên tắc này bởi nguyên tắc "thẩm phán xét xử độc lập và tuân theo pháp luật" đã được hiến định và “ăn sâu” vào cách thức giải quyết tranh chấp của hệ thống Tòa án. Bên cạnh đó, các thẩm phán cho rằng hiện chúng ta thiếu cơ chế để giải quyết các dạng tranh chấp này do hệ thống pháp luật Việt Nam chưa cho phép Tòa có thẩm quyền giải thích pháp luật, chưa chấp nhận việc áp dụng án lệ và việc áp dụng tương tự pháp luật cũng chưa được quy định cụ thể. Bởi vậy, để nguyên tắc Tòa án không được từ chối thụ lý giải quyết tranh chấp được thừa nhận và thực hiện, đòi hỏi phải có sự hoàn thiện hệ thống pháp luật một cách tổng thế.
Lẽ công bằng là chuyện… mơ hồ
Cùng với logic trên, Nhóm nghiên cứu cũng đã khảo sát ý kiến của các thẩm phán, chuyên gia pháp luật về trường hợp các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định cụ thể, không có tập quán, không có quy định pháp luật tương tự để áp dụng thì pháp luật có nên cho phép thẩm phán giải quyết vụ việc theo lẽ công bằng như quy định của nhiều nước hay không?
Kết quả khảo sát cho thấy phần lớn các ý kiến thể hiện sự ủng hộ phương hướng hoàn thiện quy định pháp luật dân sự, tố tụng dân sự theo hướng cho phép thẩm phán giải quyết tranh chấp “theo lẽ công bằng” 71.4% (402/563). Các ý kiến không đồng ý phương hướng này bày tỏ sự băn khoăn và cho rằng trong bối cảnh hệ thống pháp luật nước ta đang xây dựng theo hướng hệ thống pháp luật thành văn, vai trò, thẩm quyền của thẩm phán trong công tác xét xử ở nước ta rất khác với thẩm phán ở các nước theo hệ thống pháp luật án lệ. Bởi vậy, trong trường hợp pháp luật không có quy định cụ thể thì thẩm phán được giải quyết tranh chấp theo lẽ công bằng chung là chưa hợp lý với mô hình pháp luật nước ta.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh trình độ, năng lực xét xử của thẩm phán đang cần được nâng cao, khái niệm “lẽ công bằng” cũng tương đối mơ hồ, việc trao thẩm quyền quyết định cho thẩm phán cần được nghiên cứu, cân nhắc thêm.
Thế giới không ai như Việt Nam
“Việt Nam xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chưa có “tiền lệ”. Do đó, việc xây dựng BLDS với mục tiêu là luật của quan hệ thị trường gặp nhiều vướng mắc, khó khăn cả về lý luận và thực tiễn”.
Báo cáo của Bộ Tư pháp có câu nhận định khá sốc như vậy.
Monday, January 12, 2015
OAN ÁN HUỲNH VĂN NÉN - BÀI 3: VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO NÓI GÌ?
BÀI 3: VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO NÓI GÌ?
Nguyễn Phúc Thành (phải) - người đã tố giác thủ phạm gây ra vụ án giết chết bà Lê Thị Bông |
Viện phúc thẩm 3 – Viện KSND Tối cao trong Thông báo số 809/TB-VKSTC-V3, về vụ án Huỳnh Văn Nén đã nhìn nhận “Công tác điều tra và kiểm sát điều tra có nhiều sai sót trong việc thu thập vật chứng, khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai bị can, nhân chứng”.
Theo đó:
+ Không thu giữ được số vật chứng như: sợi dây dù Nén khai dùng để siết cổ bà Bông, ổ khóa nhà bà Bông và 01 chỉ vàng 24K của bà Bông. Các sợi dây được thu giữ trong quá trình điều tra lại không liên quan đến sợi dây Nén dùng để siết cổ bà Bông. Cơ quan điều tra không lấy lời khai của chị Hồng để làm rõ cách buộc mô tơ để thực nghiệm lại cách thức cắt, vị trí cắt dây…
+ Khám nghiệm hiện trường thu được hai loại dấu chân: Tại sân gần hiên nhà chính có dấu bàn chân phải dài 23cm, rộng 9cm, rộng gót 4,5cm. Trên mặt ghế salon trong nhà có ba vết dấu chân kích thước: dài 22cm, rộng bàn 8,5cm, rộng gót 4cm (dấu chân bên phải nằm giữa ba dấu chân).
Các dấu chân này thì dấu chân nào có đặc điểm trùng với chân của Nén không chưa được làm rõ. Ngày 12-5-2000, Cơ quan điều tra đưa chiếc ghế salon của gia đình bà Bông đến trại giam để Huỳnh Văn Nén đứng lên ghế, kết quả dấu chân của Nén thu được dài 22,5cm, rộng bàn 8,5cm, rộng gót 4cm.
Theo giải thích của Cơ quan điều tra tại công văn số 37/PC21 ngày 29-5-2000 thì khó tiến hành giám định so sánh được giữa dấu vết bàn chân thu của Nén và dấu vết bàn chân thu tại hiện trường do có nhiều yếu tố tác động nên kích thước bàn chân có thể bị sai lệch.
+ Về lời khai nhận tội của Huỳnh Văn Nén:
Trước khi bà Lê Thị Bông bị giết, Huỳnh Văn Nén đang bị điều tra về hành vi hủy hoại tài sản và trộm cắp tài sản; sau khi bà Bông bị giết, tại cơ quan điều tra, Huỳnh Văn Nén có nhiều lời khai và tự khai đã nhận giết bà Bông.
Tuy nhiên, các lời khai nhận tội ban đầu của Huỳnh Văn Nén không phù hợp với hiện trường, biên bản khám nghiệm tử thi. Các lời khai nhận tội sau không thống nhất, mâu thuẫn với nhau, mẫu thuẫn với lời khai của chị Lê Thị Hồng con gái bà Bông, lời khai của một số nhân chứng, như: về cách thức thực hiện hành vi giết bà Bông, ban đầu Nén khai dùng tay bóp cổ, lời khai sau Nén khai vòng dây từ phía sau siết cổ bà Bông, có lời khai Nén khai vòng dây qua cổ rồi giật mạnh làm bà Bông ngã ngửa sau đó mới dùng dây siết xuống cổ bà Bông.
Mâu thuẫn về vị trí giết bà Bông: nhiều lời khai Nén khai giết bà Bông ở nhà dưới nhưng tại lời khai ban đầu giết bà Bông ở nhà trên nhưng không phủ chăn lên xác bà Bông sau khi giết. Bị cáo khai sau khi gây án không tắt đèn nhà bà Bông, nhưng chị Lê Thị Hồng khai khi về nhà thấy đèn tắt nên mới bật đèn.
Huỳnh Văn Nén khai không lục lọi đồ vật trong nhà bà Bông, nhưng khi chị Hồng về thì thấy trong nhà có sự xáo trộn, đệm giường của chị bị kéo lệch, cửa tủ giường của chị bị mở…
+ Về khoảng thời gian sau khi giết bà Bông, Nén đi đâu, làm gì cũng chưa được làm rõ. Ban đầu Nén khai sau khi giết bà Bông, Nén về nhà anh Thành ngủ, sau đó lại khai ngủ ở dưới suối Yên Ngựa, anh Thành có lời khai không thống nhất, cơ quan điều tra cũng không cho đối chất để làm rõ.
+ Về dấu vết trên cơ thể người bị hại: Theo Biên bản khám nghiệm tử thi, trên người bà Lê Thị Bông còn có một vết bầm xuất huyết hình chữ V (mỗi cạnh dài 5,5cm và 4,5cm, hai đầu cạnh cách nhau 5,5cm) ở dưới ngoài vú trái 13cm.
Nén khai đứng phía sau quàng dây qua cổ rồi giật mạnh ra phía sau làm bà Bông ngã ngửa xuống đất rồi tiếp tục siết dây cho đến khi bà Bông không còn phản ứng gì. Cơ quan điều tra chưa làm rõ được cơ chế hình thành vết thương này.
+ Quá trình truy tố xét xử chỉ căn cứ vào các lời khai nhận tội của Huỳnh Văn Nén, đánh giá chứng cứ một cách chủ quan, sơ sài:
Trong quá trình kiểm sát điều tra, Kiểm sát viên chỉ căn cứ vào lời khai nhận tội của bị cáo mà không kiểm tra, đánh giá xem xét lại những mâu thuẫn trong lời khai của bị cáo với những tài liệu khác như khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường… mà đã dùng lời nhận tội của bị cáo làm chứng cứ duy nhất để truy tố và kết tội Huỳnh Văn Nén.
Tại phiên tòa sơ thẩm Huỳnh Văn Nén nhận tội, nhưng những vấn đề mâu thuẫn trong lời khai nhận tội và chưa rõ như đã nêu trên cũng không được xét hỏi để làm rõ. Bản án sơ thẩm mô tả diễn biến hành vi mâu thuẫn với cáo trạng như: án sơ thẩm mô tả khi Nén vào bếp thì thấy bà Bông đang ngủ, trong khi Cáo trạng thể hiện khi Nén vào nhà thì bà Bông đang giũ giường ngủ.
Cáo trạng, Bản án sơ thẩm căn cứ vào các dấu chân để lại hiện trường, căn cứ vào kết quả giám định giải thích “do có nhiều yếu tố tác động nên kích thước bàn chân có thể bị sai lệch” để xác định đó là dấu chân của Huỳnh Văn Nén là không có cơ sở khoa học.
Ngoài ra, sau khi Huỳnh Văn Nén bị kết án về tội giết người và cướp tài sản, anh Nguyễn Phúc Thành có đơn tố cáo người có tên là Nguyễn Thọ đã giết bà Bông. Đây là nguồn tin tố giác tội phạm nhưng chưa được điều tra xác minh làm rõ…
OAN ÁN HUỲNH VĂN NÉN - BÀI 2: CỰU GIÁM THỊ TRẠI GIAM ĐÃ TỐ CÁO GÌ?
BÀI 2: CỰU GIÁM THỊ TRẠI GIAM ĐÃ TỐ CÁO GÌ?
Trò chuyện với giới truyền thông, ông Phạm Văn Phóng, nguyên Giám thị Trại giam Sông Cái, khẳng định ngoài Cục V26, ông còn gửi nội dung tố giác cho Công an tỉnh Bình Thuận để xem xét làm sáng tỏ vụ án Huỳnh Văn Nén.
Ông Phóng kể khoảng tháng 7, 8 năm 2000, Nguyễn Phúc Thành (trú thị trấn Tân Minh, trước là xã Tân Minh, tỉnh Bình Thuận) đang thụ án tại Trại giam Sông Cái. Khi hay tin Huỳnh Văn Nén có thể lĩnh án nặng vì tội giết bà Lê Thị Bông (ngụ xã Tân Minh), Thành tâm sự với quản giáo rằng thủ phạm không phải là Nén mà là Nguyễn Thọ và Hồ Văn Việt (ngụ cùng địa phương).
“Nghe thuộc cấp báo cáo vụ việc, tôi rất bất ngờ nên gặp phạm nhân Thành để xác nhận thông tin. Thành tiếp tục khẳng định Nén bị oan vì không phải là thủ phạm của vụ án. Với lương tâm của một người làm công tác quản giáo, tôi nghĩ tố giác của Thành liên quan đến sinh mạng không chỉ của Nén mà còn cả gia đình, người thân của anh này nên tôi yêu cầu Thành viết tường trình” - ông Phóng nhớ lại.
Theo vị cựu Giám thị Trại giam Sông Cái, để có căn cứ xác đáng về tố giác, ông yêu cầu Thành viết 2 đơn tố cáo, đồng thời cử cán bộ lập “biên bản hỏi - đáp” với Thành.
“Tôi đã gửi văn bản báo cáo cấp trên là Cục V26 (Cục quản lý trại giam và các cơ sở giáo dục, giáo dưỡng thuộc Bộ Công an), đồng thời gửi cho Công an tỉnh Bình Thuận để đơn vị này xem xét làm sáng tỏ vụ án” - ông Phóng khẳng định.
Cũng theo ông Phóng, sau khi nhận được công văn của trại giam, Công an tỉnh Bình Thuận có cử điều tra viên ra gặp Thành để xác tín đơn tố giác của anh này.
+ Trong ảnh là Huỳnh Văn Nén và mẹ vợ ông ta, bà Nguyễn Thị Lâm. Từ lời khai của ông Nén về việc bà Lâm và các con, cháu giết bà Dương Thị Mỹ ở vườn điều thôn 2 (xã Tân Minh, nay là thị trấn Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận) đêm 18-5-1993, bà Lâm và 7 con, cháu đã bị bắt giam oan, tổng cộng hơn 33 năm, trong “vụ án vườn điều” nổi tiếng.
Ông Huỳnh Văn Nén bị oan trong “vụ án vườn điều” nhưng vẫn vẫn bị giam giữ, vì bị án tù chung thân trong một vụ khác, vụ bà Lê Thị Bông bị giết đêm 23-4-1998, cũng ở thôn 2, Tân Minh. Vụ bà Bông, ông Nén cũng có thể bị oan - án oan chồng lên án oan, có thể còn hơn vụ Nguyễn Thanh Chấn.
Sunday, January 11, 2015
OAN ÁN HUỲNH VĂN NÉN - BÀI 1: VỤ ÁN… KHÔNG QUẢ TANG
BÀI 1: VỤ ÁN… KHÔNG QUẢ TANG
Chiều 2-12-2014, ông Huỳnh Văn Truyện (90 tuổi, cha của Huỳnh Văn Nén) đã vào trại giam T17 (Bộ Công an, đóng tại TP.HCM) thăm Huỳnh Văn Nén.
Cụ Huỳnh Văn Truyện liên tục đi kêu oan cho con. |
Chiều 2-12-2014, ông Huỳnh Văn Truyện (90 tuổi, cha của Huỳnh Văn Nén) đã vào trại giam T17 (Bộ Công an, đóng tại TP.HCM) thăm Huỳnh Văn Nén.
Cùng thời điểm, Liên đoàn Luật sư VN vừa gửi văn bản cho ban chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bình Thuận đề nghị xem xét kiến nghị của gia đình bị oan trong vụ án vườn điều, về việc xét đơn gia nhập đoàn luật sư của ông Cao Văn Hùng.
Chín người trong vụ án oan vườn điều phản ánh ông Cao Văn Hùng (trước đây là điều tra viên) dùng nhục hình ép buộc Huỳnh Văn Nén thừa nhận giết bà Dương Thị Mỹ tại vườn điều, dẫn đến việc chín người trong một gia đình bị kết án. Vụ án này sau đó được xác định là oan sai.
Riêng trường hợp của ông Huỳnh Văn Nén mặc dù được giải oan trong vụ giết bà Dương Thị Mỹ nhưng lại bị cáo buộc tội giết bà Lê Thị Bông và phải nhận mức án chung thân. Đến nay Tòa án Nhân dân (TAND) tối cao tuyên hủy án sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Thuận để điều tra lại.
Vụ án xảy ra đêm 23-4-1998, bà Lê Thị Bông ở xã Tân Minh bị hung thủ đột nhập nhà dùng dây dù siết cổ chết tại chỗ và cướp đi một chiếc nhẫn vàng 24K.
Sau đó, Công an tỉnh Bình Thuận đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt giam ông Huỳnh Văn Nén để điều tra hành vi giết người, cướp tài sản. Cuối tháng 8-2000, Nén bị TAND tỉnh Bình Thuận phạt tù chung thân dù bị cáo này khai bị điều tra viên đánh đập, mớm cung, ép cung. Sau phiên tòa, ông Nén không kháng cáo.
Theo Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao, đây là vụ án không quả tang, quá trình điều tra, xét xử về tội “Giết người” và “Cướp tài sản” đã có nhiều thiếu sót, vi phạm.
Cụ thể, trong việc thu thập vật chứng, khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra không thu giữ được số vật chứng như: sợi dây dù Nén khai dùng để siết cổ nạn nhân (bà Lê Thị Bông), ổ khóa nhà bà Bông và 1 chỉ vàng 24K của bà Bông. Các sợi dây thu giữ trong quá trình điều tra không liên quan đến sợi dây Nén dùng để siết cổ bà Bông.
Bên cạnh đó, VKSND Tối cao nhận thấy các lời khai nhận tội ban đầu của Nén không phù hợp với hiện trường và biên bản khám nghiệm tử thi. Các lời khai nhận tội sau mâu thuẫn với nhau, mâu thuẫn với lời khai của chị Phạm Thị Hồng (con bà Bông) và một số nhân chứng.
Điển hình ban đầu, Huỳnh Văn Nén khai dùng tay bóp cổ, lời khai sau Nén nói vòng dây từ phía sau siết cổ, có lời khai lại bảo vòng dây qua cổ bà Bông rồi giật mạnh làm bà ngã ngửa, sau đó mới dùng dây siết.
Vị trí giết bà Bông cũng không đồng nhất khi nhiều lời khai Nén nói giết bà ở nhà dưới nhưng lời khai ban đầu lại nói ở nhà trên. Bị cáo khai sau khi gây án không tắt đèn nhà bà Bông nhưng chị Hồng khai khi về nhà thấy đèn tắt nên mới bật. Bị cáo khai không lục lọi đồ vật trong nhà bà Bông nhưng khi chị Hồng về thì thấy trong nhà có sự xáo trộn ở một số vị trí.
Về diễn biến hành vi phạm tội, bản án sơ thẩm mô tả khi Nén vào bếp thì thấy bà Bông đang ngủ trên giường nhà dưới, trong khi cáo trạng thể hiện lúc Nén vào nhà thì bà Bông đang giũ giường ngủ...
Từ những tình tiết này, kháng nghị của VKSND Tối cao nhận định Tòa án cấp sơ thẩm kết án Huỳnh Văn Nén tội “Giết người” và “Cướp tài sản” là chưa đủ căn cứ vững chắc.
Ngoài ra, hồ sơ vụ án thể hiện VKSND tỉnh Bình Thuận đã thay thế Cáo trạng số 84/KSĐT-TA ngày 27-7-2000 bằng Cáo trạng số 84/KSĐT-TA ngày 16-8-2000 nhưng Bản án hình sự sơ thẩm số 96/HSST ngày 31-8-2000 của TAND tỉnh Bình Thuận lại căn cứ vào Cáo trạng số 84 ngày 27-7-2000 để xét xử. Cáo trạng này không có trong hồ sơ nên việc xét xử như vậy là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Saturday, January 10, 2015
Người dân oan hãy mạnh dạn yêu cầu khởi kiện
Khiếu nại về đất đai, nhà cửa tại Việt Nam hiện là một vấn nạn vì rất nhiều vụ việc rơi vào bế tắc, suốt nhiều năm trời vẫn không giải quyết được. Hằng ngày vẫn có biết bao nhiêu người dân bị lấy đất đai, phá nhà cửa một cách trái luật tiếp tục kêu oan ở các cơ quan trung ương.
Ghi nhận từ Tổ Tư vấn pháp luật của Việt Nam Thời báo, nhiều hồ sơ khiếu nại của người dân đã bị xử ép. Thay vì mạnh dạn yêu cầu khởi kiện, người dân lại tiếp tục làm đơn kêu oan lên các cấp cao hơn.
Tư cách khởi kiện
Điều 48, Luật Tố tụng hành chính quy định người khởi kiện phải có năng lực chủ thể khi tham gia quan hệ pháp luật về tố tụng hành chính. Năng lực chủ thể này gồm có năng lực pháp luật tố tụng hành chính và năng lực hành vi tố tụng hành chính.
Nôm na, mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức đều có quyền yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Trường hợp là người chưa thành niên (dưới 18 tuổi), chưa có quyền trực tiếp khởi kiện vụ án thì thông qua người đại diện là cha mẹ, hoặc anh chị.
Hồ sơ khởi kiện
Bộ hồ sơ khởi kiện cần có các loại giấy tờ như sau: Đơn khởi kiện (theo mẫu); Các tài liệu chứng minh cho yêu cầu của người khởi kiện; Bản sao quyết định hành chính gây oan sai, bản sao quyết định giải quyết khiếu nại (nếu có), cung cấp các chứng cứ khác để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình; Cung cấp cho Tòa án hồ sơ giải quyết khiếu nại (nếu có) và bản sao các văn bản tài liệu trong hồ sơ giải quyết; Giấy uỷ quyền (nếu người khởi kiện cử người đại diện); Bản sao hộ khẩu, chứng minh nhân dân (có chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền); Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn kiện (ghi rõ bản chính, bản sao).
Người khởi kiện nộp 02 (hai) bộ hồ sơ khởi kiện để Tòa án thông báo việc khiếu kiện cho người bị kiện. Ngoài ra, người khởi kiện cung cấp biên lai nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm, trong trường hợp người khởi kiện kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm; trừ trường hợp người khởi kiện được miễn nộp tiền tạm ứng án phí hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí.
Thời hiệu khởi kiện
Theo quy định tại Điều 104 Luật Tố tụng hành chính, thời hiệu khởi kiện hành chính là thời hạn mà cá nhân, cơ quan, tổ chức được quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.
Thời hiệu khởi kiện đối với từng trường hợp được quy định như sau: 01 năm, kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính đã xâm phạm quyền về lợi ích; 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc.
Khi chứng minh còn trong thời hiệu khởi kiện, phải xem xét các vấn đề sau: Thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính; Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan; Thời hiệu khởi kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến quản lý đất đai.
Trường hợp cá nhân bị ảnh hưởng trực tiếp từ quyết định hành chính ấy, và người đó cũng là đối tượng được nhận quyết định, thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện là kể từ ngày cá nhân ấy nhận được quyết định hành chính.
Trường hợp cá nhân không phải là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi quyết định hành chính, và cũng không phải là đối tượng được nhận quyết định và thực tế là cũng không nhận được quyết định đó, thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện là kể từ ngày cá nhân ấy biết được quyết định đó.
Trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm cho người khởi kiện không khởi kiện được trong thời hạn quy định, thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hiệu khởi kiện.
Các quy định của Bộ luật Dân sự về cách xác định thời hạn, thời hiệu cũng được áp dụng trong tố tụng hành chính. Không tính vào thời hiệu khởi kiện thời gian xảy ra các sự kiện sau đây: Thiên tai, địch họa, nhu cầu chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc do lỗi của cơ quan Nhà nước; Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; Chưa có người đại diện khác thay thế hoặc vì lý do chính đáng khác mà không thể tiếp tục đại diện được (người đại diện chết).
Kiện liên quan đất đai
Đối với các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai, mà quyền khởi kiện phát sinh trước ngày 01-7-2011 khi thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính đã hết, thì người khởi kiện vẫn được quyền khởi kiện trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực pháp luật (ngày 01-7-2011).
Lưu ý, quyền khởi kiện này chỉ được chấp nhận nếu trước đó người khởi kiện đã thực hiện việc khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp tỉnh từ ngày 01-6-2006 đến ngày Bộ luật Tố tụng hành chính có hiệu lực, mà khiếu nại không được giải quyết, hoặc đã được giải quyết nhưng người dân không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại.
Trường hợp người khiếu nại không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh thì Tòa án yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại cung cấp cho mình tài liệu, chứng cứ về việc người khởi kiện đã thực hiện việc khiếu nại và hồ sơ giải quyết khiếu nại (nếu có).
Người dân đang chịu oan ức, xin hãy mạnh dạn khởi kiện thay vì cứ nhẫn nhục khiếu nại.
Subscribe to:
Posts (Atom)