Monday, July 11, 2016

Bâng khuâng chiều nội trú

Trưa nay, nhớ lại thuở của khung trời tư pháp... Bâng khuâng chiều nội trú lại ùa về...

Câu chuyện bắt đầu từ hai bài thơ được một cô nữ sinh Trường Tư pháp Tp.HCM (nay là Đại học Luật Tp.HCM) viết trong một buổi chiều mưa tầm tã năm 1981. Bạn trai của cô gái ấy là bạn thân của nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang. Mối quan hệ “bắc cầu” ấy dẫn đến sự ra đời của bài hát Bâng khuâng chiều nội trú. Bài hát này được phổ biến ở hải ngoại từ trước rồi mới “dội” lại trong nước nên nhiều người vẫn tưởng đây là một ca khúc ra đời trước năm 1975 ở miền Nam chứ không biết rằng nó ra đời vào năm 1981.

Người đã viết ra hai bài thơ Bâng khuâng chiều nội trú (được NS Nguyễn Trung Cang lấy làm cảm hứng soạn ra phần đầu bài hát này) và Mưa (được đưa vào đoạn B trong cấu trúc A-B của bài Bâng khuâng chiều nội trú) là chị Hoài Mỹ, một “thi sĩ nghiệp dư” như cách gọi đùa của bạn bè chị. 
Nhiều năm trôi qua từ ngày bài thơ và bài hát ấy ra đời và chị gần như quên bẵng câu chuyện chiều mưa ký túc xá ấy thì đến một ngày, khi ấy Hoài Mỹ đang làm việc ở Long Xuyên (An Giang) chị nghe được bài hát này trong quán cà phê, qua giọng hát Tuấn Ngọc và chị mới nhớ lại là sau khi 2 bài thơ ra đời, anh Phương Thái (khi đó là người yêu sau này là ông xã của chị) đã đưa cho nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang xem, và nhạc sĩ đã thích thú phổ nhạc hai bài thơ này và Hoài Mỹ còn nhớ là chị đã được xem bản thảo gốc với chính nét bút của Nguyễn Trung Cang. 
Nhưng ở thời điểm ấy, những bài như Bâng khuâng chiều nội trú không thể có chỗ trên sân khấu ca nhạc do tính (dễ bị quy là) tiểu tư sản của nó. Dù rằng, lời thơ ban đầu khác khá xa với bài hát sau này.
Lời thơ (trích theo trí nhớ của chị Hoài Mỹ)
Bâng khuâng chiều nội trú
Chiều nội trú bâng khuâng
Trong đôi mắt anh học viên tư pháp
Tôi bắt gặp cái nhìn
Dù tôi đi gần
Dù tôi đi xa
Cái nhìn ấy suốt đời tôi nhớ
Ôi! Cái nhìn thân thuộc quá
Một cái nhìn làm tôi lớn khôn lên
Mưa
Mưa đầu mùa hạt nhỏ long lanh
Mưa tí tách giọt dài giọt vắn
Mưa hỡi mưa ơi có bao giờ nhớ nắng
Sao em buồn lại nhớ thương anh
Mưa tình đầu nghe rất mong manh
Mưa quấn quýt thì thầm trên ngói
Anh có nghe mưa tường chăng lời em nói
Rất nồng nàn tha thiết yêu anh
Như tiếng hát anh xưa
Tiếng hát êm đềm
Như mưa hôm nay
Mưa âm thầm gợi nhớ
Như em yêu anh em buồn vô cớ
Như anh rất gần mà anh rất xa
Chị Hoài Mỹ cũng tiết lộ là bài thơ Bâng khuâng chiều nội trú có một nhân vật chính khác ngoài chị. Đó là một anh bạn cùng trường, học trước chị một khóa. Một chiều mưa đến chơi phòng chị trong khu nội trú. Và ánh mắt của anh, cái nhìn của “anh học viên tư pháp” cùng cơn mưa rả rích bên ngoài đã khiến chị tức cảnh sinh… thơ. Bài thơ ra đời như thế. Còn bài Mưa là một trạng thái cảm xúc khác, một bài thơ dành cho người yêu. Anh bạn tư pháp ngày nào, tên là Chánh, giờ đang công tác tại Tòa dân sự Tòa án Nhân dân Tp.HCM, còn chị Hoài Mỹ giờ không làm trong ngành tư pháp nữa. 
Mỗi lần nghe lại bài hát này, chị thấy nhớ lại một thời đi học, nhớ lại tình bạn giữa chị và anh Thái với nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang. Chị cũng không quan tâm lắm đến chuyện tên mình có được gắn với bài hát hay không. Đó là một kỷ niệm đẹp với thời đi học, với những người bạn, với anh Nguyễn Trung Cang. Và bài hát này, giúp chị gìn giữ được những kỷ niệm ấy.
Lời bài hát Bâng Khuâng Chiều Nội Trú
Chiều nội trú bâng khuâng
như đôi mắt ai ngày nào tao ngộ
Chiều nội trú bâng khuâng
như đôi mắt ai vời vợi tha thiết
Ánh mắt thật gần mà cũng thật xa
Ôi yêu thương quá ánh mắt êm đềm
Mong tình yêu cho hồn trở lớn khôn thêm
Là một thoáng mây bay trong đôi mắt ai một ngày nắng đẹp
Là một thoáng giăng mây trong đôi mắt ai một ngày u ám
Ánh mắt mơ hồ phủ kín hồn tôi
Nghe sao chới với có thế quên người
Mưa chiều nay cho hồn tôi luống bâng khuâng
Mưa đầu mùa hạt nhỏ long lanh
Mưa quấn quít giọt dài giọt vắn
Mưa hỡi mưa ơi có bao giờ nhớ nắng
Sao ta buồn lại nhớ thương nhau
Mưa tình đầu nghe rất mong manh
Mưa tí tách thì thầm trên ngói
Em có nghe mưa tưởng chăng lời anh nói
Rất nồng nàn ngọt tiếng: YÊU EM

Sunday, July 10, 2016

Một bài thơ trong ngày 10-7-2016 của Thái Bá Tân

GIÓ LỚN KHÔNG LAY ĐƯỢC NÚI
Một buổi sáng, Đức Phật
Trên đường đi hóa duyên
Cùng các đại đệ tử,
Đến làng nọ, bỗng nhiên
Có mấy người vô cớ,
Cả đàn ông, đàn bà,
Buông những lời thô bỉ,
Xúc phạm và xấu xa.
Ngài kiên nhẫn nghe họ
Rất chăm chú, và rồi
Đáp: “Cảm ơn các vị
Đã nói chuyện với tôi.
Tuy nhiên giờ tôi bận,
Đường đi cũng còn dài.
Các vị cần nói tiếp,
Tôi quay lại ngày mai”.
Mấy người kia kinh ngạc:
“Chúng tôi vừa chửi ông,
Mà ông không hề giận,
Mắng chửi lại cũng không”.
Ngài đáp: “Nếu các vị
Muốn thấy tôi bực mình,
Thì phải mười năm trước,
Khi tôi còn vô minh.
Giờ tôi đã thông tuệ,
Làm chủ được bản thân.
Không chú ý ngoại cảnh.
Chỉ làm việc mình cần”.
*
Khi ai đấy mắng bạn,
Đó là việc người ta.
Mọi chuyện có nhân quả.
Cứ thản nhiên cho qua.
Nhiều người tâm yếu ớt
Như ngọn cỏ giữa đồng,
Ngã nghiêng theo chiều gió,
Sang Tây hoặc sang Đông.
Khi tâm vững như núi
Thì không ngọn gió nào
Có thể làm lay chuyển
Dù núi lớn và cao.
Không giữ được bình tĩnh,
Tức là ta vô tình
Rơi vào bẫy chăng sẵn
Của người xúc phạm mình.
Tất nhiên nói thì dễ,
Vì ta chỉ là người.
Khó thì tu cho được.
Có khi tu cả đời

Wednesday, July 6, 2016

Tăng lương từ ngày 15-7-2016

Sau đây là 03 chính sách mới nổi bật về tiền lương, đầu tư sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành trong giữa tháng 7 này (từ ngày 11 - 20/7/2016).
1. Tăng mức lương cơ sở mới từ ngày 01/5/2016
Mức lương cơ sở mới là 1.210.000 đồng/tháng và được tính hưởng kể từ ngày 01/5/2016.
Đây là nội dung nổi bật quy định tại Nghị định 47/2016/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang có hiệu lực từ ngày 15/7/2016.
Ngoài ra, Nghị định hướng dẫn rõ về người có hệ số lương từ 2.34 trở xuống đã được hưởng tiền lương tăng thêm tại Nghị định 17/2015/NĐ-CP như sau:
- Nếu tổng tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh và phụ cấp lương (nếu có) tính theo mức lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng thấp hơn tổng tiền lương, tiền lương tăng thêm tính theo mức lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng thì được hưởng chênh lệch cho bằng tổng tiền lương hưởng tháng 4/2016.
- Mức chênh lệch này không dùng để tính đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các loại phụ cấp lương.
Nghị định 66/2013/NĐ-CP và Nghị định 17/2015/NĐ-CP hết hiệu lực từ ngày 01/5/2016.
2. Tăng thu nhập cho công chức trong Tổng cục Thuế, Hải quan
Tổng cục Thuế (TCT), Tổng cục Hải quan (TCHQ) được sử dụng kinh phí tiết kiệm để chi cho các nội dung quan trọng, như là:
- Bổ sung thêm thu nhập cho công chức, viên chức và người lao động bình quân của TCT, TCHQ tối đa 0,2 lần mức lương đối với cán bộ, công chức viên chức do Nhà nước quy định.
Mức chi này do Thủ trưởng cơ quan quyết định dựa trên hiệu quả công việc, công bằng, hợp lý, đồng thời phải thống nhất với tổ chức công đoàn cơ quan và được công khai trong toàn cơ quan.
- Trợ cấp ngoài chính sách cho những người tự nguyện nghỉ chế độ trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại lao động; hỗ trợ công chức, viên chức và người lao động gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo…
Nội dung trên được quy định tại Thông tư 76/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 17/7/2016, được áp dụng cho năm ngân sách 2016 - 2020.
3. Chậm đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận doanh nghiệp: Phạt đến 15 triệu
Đây là nội dung quy định tại Nghị định 50/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư (có hiệu lực từ ngày 15/7/2016).
Đồng thời, doanh nghiệp vi phạm buộc phải đăng ký thay đổi các nội dung Giấy chứng nhận doanh nghiệp theo quy định với hành vi nêu trên.
Ngoài ra, Nghị định này còn có những quy định đáng chú ý khác, như là:
- Phạt từ 10 - 20 triệu đồng nếu không đăng ký thay đổi với với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký.
- Hộ kinh doanh thường xuyên sử dụng từ 10 lao động trở lên sẽ bị phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng; đồng thời buộc phải đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014.

Một số vấn đề pháp lý về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường qua “vụ việc Formosa Hà Tĩnh”

Có gì giống nhau giữa vụ việc Formosa Hà Tĩnh với vụ Vedan Đồng Nai? Xin cùng nhìn lại các vấn đề pháp lý về bồi thường này. Lưu ý, vụ Vedan Đồng Nai bị phát hiện vào tháng 9-2008 và kéo dằn dai cho đến năm 2013 vẫn chưa xong. Đến nay, khu vực sông Thị Vải nơi mà Vedan đã “đầu độc” vẫn không có cá tôm. Người ta đã chuyển đổi nơi này thành khu công nghiệp cảng biển.
Nhà nước có quyền đòi nửa tỷ USD, và người dân cũng được quyền đòi đền bù riêng
Các phân tích tiếp theo đây dựa trên các quy định của pháp luật hiện hành, và từ vụ việc Vedan Đồng Nai xảy ra vào năm 2008.
Chủ thể có quyền đòi bồi thường, chủ thể phải bồi thường và vấn đề đại diện
Về bản chất, tranh chấp về bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường là tranh chấp ngoài hợp đồng, là tranh chấp giữa chủ thể có hành vi gây tổn hại tới môi trường, gây ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe, tài sản của chủ thể khác. Chủ thể có quyền đòi bồi thường thiệt hại là chủ thể bị xâm hại lợi ích hợp pháp.
Thời điểm xảy ra vụ Vedan Đồng Nai, các căn cứ pháp lý như sau: Theo quy định của Điều 130 Luật bảo vệ môi trường 2005, các loại thiệt hại bao gồm: Suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường và thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản và lợi ích hợp pháp khác. Theo quy định tại Điều 17 Hiến pháp 1992, Điều 200 Bộ luật dân sự 2005, các thành phần môi trường chủ yếu, trong đó có nguồn nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là người đại diện chủ sở hữu và chức năng, tính hữu ích của môi trường là một lợi ích công cộng mà người đảm bảo cho lợi ích này cũng là Nhà nước. Như vậy, chủ thể có quyền đòi bồi thường trong trường hợp này là Nhà nước.
Đối với những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản và lợi ích hợp pháp thì chủ thể có có quyền đòi bồi thường là tổ chức, cá nhân bị thiệt hại.
Theo quy định tại các Điều 93, 127 Luật Bảo vệ môi trường 2005, Điều 624 Bộ luật dân sự 2005 và Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8-7-2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì chủ thể phải bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường khi thỏa mãn các yếu tố sau: i) có hành vi trái pháp luật; ii) có thiệt hại xảy ra và iii) có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp pháp luật. Theo quy định tại Điều 624 Bộ luật dân sự, chủ thể gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại kể cả trong trường hợp không có lỗi.  
Với việc Vedan bị lập biên bản vi phạm vào ngày 13-9-2008, hành vi trái pháp luật đã được chúng minh. Các thiệt hại về tài sản của người dân và sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của dòng sông Thị Vải và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra cũng đã được cơ quan khoa học chứng minh thông qua kết quả giám định của Viện Tài nguyên và Môi trường (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Như vậy, trong vụ việc này, chủ thể có quyền đòi bồi thường thiệt hại là Nhà nước và tổ chức, cá nhân bị thiệt hại về tài sản, sức khỏe do công ty TNHH Vedan có hành vi làm ô nhiễm dòng sông Thị Vải gây ra.
Đối với quyền đòi bồi thường thiệt hại của Nhà nước, theo quy định tại Điều 56 khoản 2 Bộ luật tố tụng dân sự, cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Toà án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách. Theo đó, cơ quan được giao quản lý nhà nước về môi trường theo quy định tại Điều 121, 122 Luật bảo vệ môi trường sẽ đại diện cho Nhà nước đòi bồi thường thiệt hại về môi trường.
Đối với các hộ gia đình và cá nhân bị thiệt hại, theo quy định tại Điều 107 Bộ luật dân sự 2005, chủ hộ là người đại diện của hộ gia đình trong các giao dịch dân sự vì lợi ích chung của hộ (bao gồm cả trường hợp đòi bồi thường thiệt hại). Các chủ thể này có thể ủy quyền cho người khác đại diện thực hiện việc đòi bồi thường theo quy định tại Điều 139, 142, 143, 144, 145, 146, 147 Bộ luật dân sự 2005. Theo đó, chỉ những người được các chủ hộ bị thiệt hại ủy quyền đại diện thực hiện việc đòi bồi thường thiệt hại mới có tư cách pháp lý tham gia vào việc giải quyết tranh chấp và những người được ủy quyền đại diện này phải thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi được ủy quyền đại diện theo hợp đồng giữa các bên. 
Với vụ việc đang diễn ra tại Formosa Hà Tĩnh, các lập luận pháp lý cũng tương tự: từ điều 159 đến điều 165 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 (hiệu lực từ 1-1-2015), cùng các điều khoản liên quan của Hiến pháp 2013, Bộ Luật dân sự 2015, Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8-7-2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Như vậy, số tiền 500 triệu USD là thỏa thuận giữa chủ thể Nhà nước với Formosa Hà Tĩnh. Đối với các hộ gia đình và cá nhân bị thiệt hại từ việc Formosa Hà Tĩnh xả thải, thì chưa có thỏa thuận nào về vấn đề này. Do đó cần thiết nhanh chóng thực hiện các bước khởi kiện dân sự để yêu cầu Formosa Hà Tĩnh phải đền bù thỏa đáng cho người dân.

Nên ra tòa hay thương lượng?
Vụ việc Vedan Đồng Nai kéo dài, và số tiền đền bù như thỏa thuận sau đó đã không đến tay người dân đầy đủ. Đây là những việc rất cần có những đánh giá minh bạch để cân nhắc lựa chọn việc khởi kiện Formosa Hà Tĩnh ra tòa, hay chấp nhận thương lượng “song phương” ngoài tòa.
Vì sao nên chọn tòa án?
Nghị quyết 04/2012/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 3-2-2012 hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự về chứng minh, chứng cứ thì các bên phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình. Chứng minh và đưa ra chứng cứ là quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia tranh chấp. Do đó, các bên đều có quyền đưa ra những mức thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại khác nhau, phụ thuộc vào ý chí và các chứng cứ thu thập được. Một bên có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận mức độ thiệt hại do bên kia đưa ra. Trong trường hợp các bên không thống nhất được thì phải trưng cầu giám định.
Trong trường hợp phải trưng cầu giám định thì việc lựa chọn cơ quan giám định phải được sự đồng thuận của của bên đòi bồi thường và bên phải bồi thường. Trường hợp không thống nhất được thì việc chọn tổ chức giám định thiệt hại do cơ quan được giao trách nhiệm giải quyết việc bồi thường thiệt hại quyết định.
Theo những quy định này thì việc trưng cầu giám định thiệt hại trong “vụ việc Formosa Hà Tĩnh” cần có sự đồng thuận của bên bị thiệt hại (cơ quan nhà nước đại diện cho lợi ích về môi trường, các hộ gia đình bị thiệt hại hoặc người đại điện theo ủy quyền của các hộ gia đình bị thiệt hại) và chủ thể gây hại - Công ty Hưng Thịnh Formosa. Trong trường hợp không thống nhất được thì cơ quan trưng cầu giám định thiệt hại là tòa án nhân dân thụ lý, giải quyết tranh chấp này. Những giám định thiệt hại không tuân thủ quy định này không trở thành chứng cứ pháp lý để giải quyết tranh chấp nhưng có thể là căn cứ tham khảo khi các bên tự thương lượng.
Như vậy, chọn tòa án là nơi giải quyết tranh chấp, người dân sẽ có lợi là đội ngũ luật sư sẽ đại diện để thực hiện tất cả các bước quy trình tố tụng; đồng thời cũng giúp minh bạch tất cả các khoản thiệt hại và đền bù hơn rất nhiều so chuyện ngồi thương lượng.
 Đối với thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường, điều 181 Bộ Luật tố tụng dân sự quy định không được hòa giải trong trường hợp yêu cầu đòi bồi thường gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước. Theo tinh thần của quy định này thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng không được thỏa thuận về mức bồi thường với Công ty Hưng Thịnh Formosa mà phải khởi kiện tại tòa án. 
Một vài vấn đề đặt ra từ “vụ việc Vedan”
Công luận đang đặt câu hỏi là căn cứ vào đâu để chính phủ Việt Nam chấp nhận số tiền đền bù là 500 triệu USD từ Công ty Hưng Thịnh Formosa? Liệu có một thỏa thuận nào khác không được công bố trong vụ việc? Băn khoăn này nhất thiết phải được đặt ra như điều kiện tiên quyết.
Như đã trình bày ở trên, đối với những tranh chấp bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường, người bị hại là người dân thường có vị thế yếu thế hơn so với người gây hại. Do đó, cần có sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan nghiên cứu. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này phải dựa trên lợi ích của người dân và không thể xâm phạm tới quyền tự định đoạt của các đương sự trong mối quan hệ dân sự.
Ở vụ việc Vedan Đồng Nai, người ta nhận ra rằng các cơ quan quan lý nhà nước cũng như của Hội nông dân đã can thiệp quá sâu vào quyền định đoạt của các bên tranh chấp. Tranh chấp về bồi thường thiệt hại giữa những người dân bị thiệt hại với Công ty Vedan hôm qua, và Formosa Hà Tĩnh hiện tại là tranh chấp dân sự. Các ý kiến, kể cả bằng hình thức văn bản, của cơ quan hành chính nhà nước được nhìn nhận là những gợi ý, những ý kiến của người thứ ba trong quan hệ tranh chấp nhằm tìm ra những phương án giải quyết chứ không phải là những quyết định mang tính chất quyền lực buộc các bên tuân thủ.
Hội nông dân được hiểu là tổ chức đại diện cho lợi ích của người nông dân. Khi lợi ích của người nông dân bị xâm hại thì tổ chức này có trách nhiệm, trong chức năng quyền hạn của mình, giúp hội viên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Tuy nhiên, diễn biến vụ việc Vedan trong quá khứ, và Formosa Hà Tĩnh hiện tại cho thấy tiếp tục tình trạng Hội nông dân “chờ đợi ý kiến chỉ đạo” của cơ quan hành chính nhà nước và do đó có thể chưa thực hiện đúng, đủ và hết chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ theo Điều lệ Hội nông dân.
Việc hình thành những liên minh các văn phòng luật sư để cùng giúp người dân kiện Formosa Hà Tĩnh ra tòa, được đánh giá là một giải pháp phù hợp và đã được khởi động tại Hà Nội và Sài Gòn.

Chính mình - Hoài Lâm

Chính mình - Hoài Lâm

 

Sunday, July 3, 2016

LHMH TẬP 10 | TRAILER (06/07/2016)

Đặc biệt, Làng hài mở hội sẽ là chương trình thi hài đầu tiên trên sóng truyền hình có hình thức thi hài tình huống bên cạnh các chủ đề do Ban tổ chức quy định. Tình huống của Làng hài mở hội sẽ do đích thân giám khảo chuyên môn Việt Hương, Trấn Thành đưa ra để thách thức năng lực của các đội chơi khi rơi vào vòng nguy hiểm vào cuối mỗi đêm thi.

 

Đấu Trường Tiếu Lâm | TRAILER TẬP 13: Tập cuối của Vòng Đạo Cụ

Đấu Trường Tiếu Lâm tập 13 sẽ là tập cuối của vòng đạo cụ. Tập này sẽ xuất hiện 5 chiến binh gồm: Duy Khương, Phúc Zelo, Thảo Ly, Quốc Bảo và Hạ Xuyên.

Đấu Trường Tiếu Lâm tập 13 phát sóng vào 21h45 ngày 05/07/2016 trên kênh HTV7.

Đấu Trường Tiếu Lâm là gameshow tìm kiếm và đào tạo diễn viên hài hàng đầu Việt Nam. Một chương trình giúp bạn thay đổi số phận.

Người chơi sẽ được chia thành 4 đội và được những Huấn luyện viên là những danh hài, đạo diễn đạo cội trong nghề dẫn dắt. 

Ở mỗi vòng thi, thí sinh có biểu hiện yếu nhất sẽ bị loại. Cứ như vậy, 4 thí sinh xuất sắc nhất sẽ có mặt tại đêm trực tiếp để giành lấy ngôi vị quán quân của “Đấu trường tiếu lâm”