Sunday, September 4, 2011

Khóc cho hôm nay...


Gạc Ma - Hãy để máu chúng ta nhuộm đỏ biển Đông !

Loạt đạn đầu tiên từ súng 37ly bắn thẳng vào những chiến sĩ Hải quân công binh dầm mình trong nước tay không giữ đảo.

Trận Hải chiến Trường Sa - Gạc Ma xảy ra ngày 14/3/1988 có chín người sống sót sau cuộc thảm sát giữa một bên tay không giữ đảo và một bên là súng máy phòng không 37ly cùng pháo 105ly bắn thẳng vào vòng người tay không giữ đảo. Chín người bị bắt, cùng sống, cùng chiến đấu để thể hiện phẩm chất người lính Hải quân Việt Nam suốt 4 năm trại giam quân thù, nhưng sau ngày trao trả năm 1992 đến nay họ mới lại gặp mặt. Thực ra là chỉ tám vì một người đã mất vì ung thư. Cảm giác tức ngực như thế nào khi đạn 37 ly cắm xuống nước; Dương Văn Dũng và Phạm Văn Nhân vừa bơi vừa cố giữ thăng bằng hai đầu ván cho Trương Minh Hiền bị thương ở ngực, gãy xương sườn, gãy cánh tay trái nằm giữa, không bị lật xuống nước suốt một ngày như thế; những câu chuyện trong nhà tù đấu tranh giằng co với giặc ngay trong từng câu nói, từng thái độ, cương quyết không hút thuốc lá “không đọc được chữ” ... đến giờ họ vẫn nhớ như in, tranh nhau kể và cả, ôm nhau khóc !
Trương Văn Hiền hiện ở thành phố Buôn Ma Thuộc Đắc Lắc; Dương Văn Dũng hiện ở Hòa Xuân, Cẩm Lệ, Đà Nẵng và Lê Minh Thoa hiện là chủ tiệm phở số 5 Tăng Bạt Hổ thành phố Quy Nhơn.

 Nhưng không hiểu sao đến sáng ngày khai mạc chỉ còn lại ba người, năm người đã lặng lẽ bỏ về trong đêm, ngay cả tư trang để trong nhà nghỉ Suối Lương cũng không buồn vào lấy. Không ai biết lý do tại sao họ lại bỏ đi. Qua điện thoại, họ chỉ a lô rồi nghe như có tiếng khóc. Có người đoán, hình như họ không chịu được những cảm giác như sang chấn tâm lý mạnh ngày ấy sống trở lại. Lại có người đoán hình như họ cảm thấy “sợ” vì ban tổ chức không phải là một cơ quan nhà nước chính thống, và cũng không có ai đại diện đơn vị cũ đến cùng họ. Ngày khai mạc, thành phố Đà Nẵng không có đại biểu và ngay cả chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa cũng xin vắng.

                                             Phút mặc niệm 64 anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988
Mặc dù vậy, buổi lễ gặp mặt của cuộc hội ngộ lần thứ nhất của những cựu chiến sĩ Hải quân và thân nhân các liệt sĩ từng tham gia trận Hải chiến Trường Sa, đã diễn ra thật cảm động và sâu lắng. Sau những nghi thức chào hỏi (đại diện chính thức duy nhất của chính quyền là giám đốc sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi) là chiếu phim “Hải chiến Trường Sa 1988”, trong đó có một đoạn phim tư liệu do Trung Quốc thực hiện mô tả rõ hình ảnh súng 37ly bắn thẳng vào vòng người tay không giữ đảo ấy. Có lẽ, cả hội trường, ai cũng đã xem đoạn phim này không dưới chục lần, nhưng đến đoạn những tiếng hô “Tả lơ ! Tả lơ !” vang lên và đạn dựng lên những cột nước cao ngất thì không ai chịu nổi. Đến đoạn thiếu úy Trần Văn Phương, người giữ cờ hô lớn trước khi hy sinh “Thà hy sinh chứ không để mất đảo! Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ tổ quốc” thì chị Mai Thị Hoa, vợ thiếu úy Trần Văn Phương, bật khóc thành tiếng. Câu khẩu hiệu của thiếu úy Trần Văn Phương được Trương Minh Hiền nhớ lại một cách khác, anh bảo lúc đó anh đứng gần chiếc xuồng, cũng là gần chỗ Trần Văn Phương cầm cờ, hình như đó là "Hãy để máu chúng ta nhuộm đỏ biển Đông chứ cương quyết không để mất đảo !".
 Chị Mai Thị Hoa vợ liệt sĩ thiếu úy Trần Văn Phương bật khóc khi xem đoạn phim kể chuyện chồng mình hô to khẩu hiệu “ Thà hy sinh chứ không để mất đảo. Hãy để máu chúng ta nhuộm đỏ biển Đông chứ quyết không để mất đảo”.

Đến lúc giao lưu, lúc cựu binh Dương Văn Dũng kể chuyện anh từ mũi tàu, nhảy bổ vào buồng lái thì thấy thuyền trưởng Vũ Phi Trừ toàn thân ướt đẫm máu đó nhưng vẫn gượng đứng bảo mọi người nhảy ra khỏi tàu, thì đến phiên con trai anh, chàng trai 25 tuổi Vũ Xuân Khoa bật khóc. 

                        Vũ Xuân Khoa bật khóc khi nghe kể về giây phút cuối của cha mình, thuyền trưởng Vũ Phi Trừ.

Anh nghe mẹ và nhiều người khác nữa nói nhiều về cha nhưng đây là lần đầu tiên anh được nghe kể về hình ảnh cuối cùng của cha mình từ chính người đã nhìn thấy cha anh lần cuối, đã tận tay xé áo băng cho cha anh trước khi tàu HQ604 chìm hẳn. Đã 23 năm nhưng chúng ta không hiểu tại sao đến giờ họ mới được gặp mặt. Chuyện đâu phải đáng để giấu, kẻ thù vẫn hằng ngày nói về ngày đó như là chiến thắng vinh quang của họ, còn làm phim để giáo dục con cháu họ kia mà ?
                                                          Trương Văn Hiền kể anh đứng gần chiếc xuồng này

Và chính anh cũng bật khóc khi xem lại cảnh đồng đội mình bị tàn sát, nhớ lại lúc viên đạn xuyên qua cánh tay làm vỡ nát xương cánh tay và vỡ toát một mảng ngực giờ còn sẹo.

 Vâng, chúng ta thường phong anh hùng cho những người đã diệt được nhiều quân thù, nhưng trong trường hợp này, cả 9 anh, chỉ riêng việc tồn tại thôi họ đã xứng đáng với danh hiệu anh hùng không thua kém bất cứ ai rồi. Chỉ với sự tồn tại thôi, những người thợ mỏ Chi Lê đã được cả thế giới xem như những anh hùng. Sao vậy ? Lẽ ra những người giải cứu mới xứng đáng được vinh danh hơn chứ? Cuộc sống nhiều khi chỉ cần tồn tại thôi, vượt qua sự thử thách khắc nghiệt nào đó cũng đủ cho người sống chúng ta tôn vinh họ với ý nghĩa đầy đủ nhất của danh hiệu anh hùng. Huống hồ, sự hiện diện, sự có mặt của họ đến hôm nay không chỉ là minh chứng cho sự vô nhân bất, tín nhất mà còn là sự sống thay cho 64 đồng đội đã hy sinh mất xác ở lòng biển Trường Sa. Thế nhưng, vì nhiều lý do, các anh như muốn được quên đi, không ai được nhắc tới.

                         Các bạn trẻ thuộc Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa (hàng ngồi) chụp ảnh với các nhân chứng Gạc Ma 1988 (hàng đứng)


Xin nói thêm về ban tổ chức cuộc gặp mặt lần thứ nhất này, đó là các bạn rất trẻ, tất cả đều trên dưới 20 tuổi tập hợp tự nguyện tại Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa (hoangsa.org) sau rất nhiều năm tìm kiếm, liên lạc với 64 gia đình liệt sĩ, với chín người sống sót, đã kêu gọi đóng góp và tổ chức cho cuộc gặp mặt này nhưng vẫn thiếu trước hụt sau, thậm chí chút phần quà kèm giấy khen mà Sở Văn hóa Thế thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi tặng các bạn cũng bỏ vào chi phí cũng vẫn cứ không đủ. Trong phát biểu với những cựu binh Trường Sa các bạn trẻ đã nói rõ rằng thực tế có những chuyện mà vì nhiều lý do nhà nước làm không được, người lớn cũng không làm được thì chúng cháu xin được làm. Mong các chú các bác ủng hộ.

 Bằng khen của Giám đốc sở Văn hóa Thê thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi tặng Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa

Hồ Trung Tú

Saturday, September 3, 2011

Con suối ở miền Đông


CON SUỐI Ở MIỀN ĐÔNG 
                   Duyên Anh 
Về một sự thay đổi tên truyện
 
Bạn đọc kính mến,
 

GIẤC MƠ MỘT LOÀI CỎ do nhà Trí Dũng xuất bản lần thứ nhất, mang tên LUẬT HÈ PHỐ. Vì truyện ấn loát thiếu mỹ thuật và lỗi lầm quá nhiều; sau đó, LUẬT HÈ PHỐ còn bị bọn bất lương xuất bản bừa bãi mà không cần hỏi ý kiến của tác giả cũng như không trả tiền bản quyền, nên lần tái bản này, tác giả cho nhà xuất bản Đời Mới đổi tên truyện LUẬT HÈ PHỐ thành GIẤC MƠ MỘT LOÀI CỎ và CON SUỐI Ở MIỀN ĐÔNG.
 

Nhiều bạn đọc vẫn tưởng LUẬT HÈ PHỐ là một truyện tương tự ĐIỆU RU NƯỚC MẮT. Thực ra, đây là một truyện thương yêu của những đứa trẻ sống bơ vơ bên lề cuộc đời. Cũng vì thế, LUẬT HÈ PHỐ được mang cái tên khác.

 Lần tái bản này, tác giả đã sửa đổi nhiều đoạn và sự ấn loát, tuy chưa hoàn hảo lắm nhưng đã bớt đi tới mức tối đa những lỗi chính tả. Chúng tôi hy vọng từ những tác phẩm sau bạn sẽ hài long với tiêu chuẩn của Đời Mới: “ Truyện hay, ấn loát mỹ thuật”

XE ĐÒ TỚI CẦU BẾN LỨC, NỐI đuôi nhau dừng lại.
Danh chui đầu ra cửa hông bên phải. Giòng song phẳng phiu, không gợn song. Vài chiếc ghe buồm no gió, lướt nhanh như có gắn máy. Những người bán hang mang bánh mì, nước mí, dứa, nem lại mời mọc khách. Tiếng nói tíu ta tíu tít làm Danh rất khó chịu.

Nó rút đầu vào tựa trên thành ghế, lim dim đôi mắt nghĩ ngợi. Bênh cạnh Danh, người cha đang kể chuyện cho con gái nghe. Con bé hỏi vớ va vớ vẩn mà cha nó cứ chọi khó trả lời. Danh lấy làm lạ. Nó mở mắt, nghiêng đầu về bên trái, ngắm nghía hai cha con người đồng hành.
Người cha nước da ngăm ngăm đen. Ông trạc bốn mươi tuổi. Vầng trán cao mái tóc hoa râm. Khuôn mặt in hằn nhiều vết đau khổ nhưng đôi mắt ông vẫn long lanh và nụ cười của ông còn tươi lắm. Đứa con gái nhỏ hơn Danh chừng hai ba tuổi. Con bé bầu bỉnh ngộ đáo để. Nó có cái răng khểnh, cười hai má lúm đồng tiền. Mắt nó to tròn, đen lay láy.
Người cha vuốt tóc con gái:
-      Chú nhìn coi, giòng sông kia có ngộ không?
Danh nhếch mép cười. Con gái tóc dài chấm ngang vai mà sao cha nó kêu bằng chú. Dang bắt đầu “cảm” cha con người đồng hành của nó.
Đứa con gái lắc đầu:
-      Chả có gì lạ cả, bố à… Chỉ có mấy cái ghe thôi.
Người cha làm bộ nhăn mặt:
-      Chú chắc chứ? Thử nhìn lại xem nào…
Con bé nắm lấy cánh tay cha nó:
-      Bố xạo hoài hà…
Người cha béo má con:
-      Bố đâu có xạo, chú dốt thì có…
Con bé vênh mặt làm nũng:
-      Bố bảo con dốt đầy nhá! Tối nay con chả thèm làm toán nữa, chả thèm đi mua cà phê cho bố nữa đâu. Con nghỉ bố ra luôn à! Bố làm tàng quá, bố à…

Danh mím môi. Nó tưởng người cha sẽ tát con gái một cái thật mạnh. Con bé hỗn ghê, dám bảo bố nó làm tàng. Danh đã lầm tưởng.
-      Chú nghỉ bố ra, bố lấy vợ lẽ à…
Người cha nhe răng cười hể:
-      Sợ chưa?
Con bé bĩu môi:
-      Bố lấy vợ lẽ thì con đi ăn mày cho bố biết tay.
Người cha lè lưỡi:
-      Eo ôi! Ăn mày khổ lắm, chú nhỏ ơi! Tối chú ngủ ở hè phố, lính mã tà xúc chú vào trại Tế Bần. Bộ, mỗi ngày chú xin được mấy đồng hả, chú?
Con bé ngả đầu vào lòng cha nó:
-      Bố đừng lấy vợ lẽ bố nhá! Con không nghỉ bố ra nữa. Con thương bố mà. Con cầm lon đi mua cà phê với thuốc “Ách chuồn” cho bố, bố nhá!

Danh nghĩ tới ba nó. Nó chớp mắt lia lịa. Người cha nâng đầu con gái lên:
-      Chú nhỏ nhõng nhẽo quá đi thôi. Nào giờ bố kể chuyện này chú nhớ thuộc nghe!
Con bé gật đầu vâng lời. Người cha chỉ ngón tay:
-      Giòng sông trước mặt chú là giòng sông lịch sử đấy.
-      Sao lại gọi là giòng sông lịch sử hả, bố?
-      Vì nó đã đi vào lịch sử.
-      Nó có chân đâu mà đi?
-      À, người ta mang nó đi.
-      Ai mang hả, bố?
-      Ông Nguyễn Trung Trực.
-      Ông Nguyễn Trung Trực là ai hả, bố?

Người cha móc túi lôi ra bao thuốc “Ách chuồn” mười điếu ông ta rút ra một điếu châm lửa hút. Con bé dục:
-      Ông Nguyễn Trung Trực là ai, bố nói mau đi bố!
Người cha nhả một vòng khói tròn. Gió lùa vào xe làm tan vòng khói trong chớp mắt. Ông ta nháy mắt true con gái.
-      Chuyện này hay lắm bố để dành.
-      Bố kể đi bố!
-      Nhưng tối nay con phải bóp lưng cho bố thật lâu nhé?
-      Con bóp vả chân nữa, bóp bằng dầu chổi Huê Kỳ cơ.

Người cha đăm đăm nhìn con. Thương mến ứa ra khỏi đôi mắt ông ta. Danh đã từng trông thấy sự thương mến đó ứa ra từ đôi mắt ba nó những lần nó câu cá giựt được chiếc giầy, những lần ba nó cao hứng nằm trên mặt ghế bố, vỗ bụng hát bội, và hỏi nó “có hay không con”. Nhưng lần này Danh mới thấy sự thương mến có hình ảnh. Nó chớp mắt lia lịa.

Đứa con gái đập khẽ vào tay cha nó:
-      Con nhổ tóc sâu cho bố nữa, nhổ râu cho bố nữa. Con lấy hai đồng bạc cắc nhỏ chứ không thèm nhổ bằng nhíp đâu bố ạ!

Danh chợt tiêng tiếc, nó mắng thầm nó ngu dốt. Hồi ba nó sống, nó đã không biết nhổ tóc sâu và râu cho ba nó. Tự nhiên, Danh có cảm tình với ba nó. Nó quên rằng con bé đã bảo cha nó làm tàng.
Con bé dục cha:
-      Đi, bố kể đi bố, ông Nguyễn Trung Trực là ai?
Người cha dụi điếu thuốc là chưa hút quá nửa xuống sàn xe:
-      Ông Nguyễn Trung Trực là người thợ chài.
Con bé tròn xoe mắt:
-      Người thợ chài hở, bố?
-      Ừ.
-      Người thợ chài có phép gì mà mang được giòng sông đi?
Người cha mỉm cười:
-      Thế mới giỏi chứ.
-      Bộ ổng là tiên hở, bố? Ổng có phép hở, bố?
-      Không có phép tắc gì hết trọi.
-      Vậy sao ông mang được giòng sông đi?
-      À, à, ông ấy là anh hùng, ông ấy đã đốt tàu của giặc Pháp, ông ấy giết lính Pháp như giết kiến.
Con bé reo to:
-      Chà, ông này bảnh dữ há!

Người cha kể hết chuyện anh hùng Nguyễn Trung Trực cho gái nghe. Con bé, dường như, không thích mấy. Nhưng thằng Danh thì thích thú vô cùng, Nó đã thuộc chuyện ông Nguyễn Trung Trực. Giá con nhà Lựa đừng ngu hơn con “kẹ”, nó đã được kể chuyện ông Nguyễn Trung Trực cho Lựa nghe. Và, chắc chắn, con nhà Lựa phải khen “sướng rên mé đìu hiu” vì chuyện này hay bằng mười chuyện ông Thừa Cung, ông Châu Trí, ông Tử Lộ.

Danh vén cánh tay áo lên. Hôm nay hình xâm hai thằng nhãi con xách hai cái hòm đánh giầy đã nổi rõ. Danh dí ngón tay vào hình Lựa, hỏi như thật:
-      Hay không mày?

Không có tiếng Lựa trả lời. Chỉ có chuỗi cười ròn của đứa con gái làm Danh sực tỉnh. Mặt nó nóng bừng. Nó giả vờ quay về bên cửa hông, ngắm hai bố con người hát dạo. Một lát, Danh quay lại. Nó bắt gặp hai cha con người đồng hành nhín nó. Danh len lén cúi thấp đầu.

Người cha vỗ vai Danh:
-      Chà, xe kẹt lâu dữ, em cũng về Mỹ Tho hả, cưng?
Danh ấp úng:
-      Dạ, cháu về Mỹ Tho ạ!
Ông ta ngắm Danh thân mật:
-      Chuyện ông Nguyễn Trung Trực hay hả, em?
-      Dạ hay lắm.
-      Vừa rồi em hỏi ai đó?
-      Dạ bạn cháu.
-      Nó đâu?
-      Nó chết rồi…
Ông khẽ nhíu đôi mày:
-      Chết rồi sao em còn hỏi nó?
-      Cháu hỏi hình nó.
-      Hình nó đâu?
Danh vén cánh tay áo lên:
-      Hình nó đây.

Hai cha con người bộ hành dán mắt vào cái hình xâm trên cánh tay Danh. Đứa con gái lè lưỡi:
-      Khiếp, kinh quá.

Danh vội kéo ống tay áo xuống. Nó bẽn lẽn và hơi giận. Người cha bèn cởi khuy áo ngực, khoe Danh:
-      Tôi cũng có hình trái tim rướm máu đây này…
Con bé lắc đầu nguây nguẩy:
-      Khiếp, ghê ghê là…
Người cha lắc đầu ngầm ý bảo Danh:
-      Con bé nhãi ranh, đâu biết cái gì.
Rồi ông ta hỏi:
-      Thằng nhỏ ngậm thuốc lá là em, hả?
-      Dạ.
-      Em hút thuốc gì đó?
-      Dạ, thuốc “Ách chuồn”.
Ông ta cười ha hả, coi hành khách trên xa không có ai, móc bao thuốc mời Danh:
-      Hút một điếu chơi.
Danh đưa tay véo mạnh tai mình:
-      Thưa ông, cháu không dám ạ!
Con bé nhìn Danh nó cười ranh mãnh. Khiến mặt Danh càng nóng bừng. Người cha vỗ vai Danh:
-      Hút đi, đừng sợ hư hỏng, hút thuốc phiện mới hỏng đời. Chú em biết không, tôi hút thuốc lá từ năm lên tuổi. Mà tôi đâu có hư, tôi vẫn lấy được vợ, có con có mà. Nào, hút đi…
Ông ta đẩy cái hộp giấy mời Danh:
-      Đây cũng “Ách chuồn” đàng hoàng.
Nhưng Danh lắc đầu:
-      Cháu thôi hút rồi.
Ông ta gật gù:
-      Lại hối hận điều gì phải không?
-      Dạ không.
-      Thằng bạn của chú em đâu?
-      Nó chết rồi.
-      Tội nghiệp. Nó chết bệnh à?
-      Không, bị xe cán chết, Quý đen…

Danh ngừng lại. Nó nuốt nước bọt chặn tâm sự của nó. Ông ta lờ đi, hỏi chuyện khác:
-      Chú em xuống Mỹ Tho làm gì?
-      Cháu kiếm thằng bạn.
-      Chú em có bạn ở Mỹ Tho lận?
-      Dạ chúng cháu gặp nhau ở … ở Sàigòn.
-      Ở Sàigòn chú em làm gì?
Danh ngó con bé. Nó trả lời người cha:
-      Cháu chẳng làm gì cả.
-      Thế thằng bạn của chú em ở Mỹ Tho làm gì?
-      Cháu chưa biết.
Danh hỏi lại:
-      Thưa ông, ông xuống Mỹ Tho làm gì ạ?
-      Làm đủ thứ nghề, gặp cái gì làm cái đó.
Xe kẹt ngót nửa tiếng đồng hồ. Bây giờ, tấm biển đỏ trên cầu đã xoay mặt trắng. Tài xế mở máy. Anh lơ dục đi dục lại hành khách:
-      Xe qua cầu, cô bác dập thuốc dùm nghe, ăn gì vất đại xuống sàn xe, đừng xả rác trên cầu.

Lần đầu tiên đi ra ngoài Sàigòn, Danh thấy sự gì cũng lạ mắt, lạ tai. Sớm nay lần mò đến bến xe lục tỉnh, nó thơ thẩn cả tiếng mói hỏi được chỗ đậu xe Saigon – Mỹ Tho. Nó mua vé, lên xe ngồi mà cứ ngỡ xe sẽ chở tuột nó đến một phương trời nào đó. Mãi lúc người lơ xe hô hoán hành khách, Danh mới chắc xe nó đang ngồi sẽ mang nó xuống Mỹ Tho.

Người đồng hành lớn tuổi ngồi cạnh nó đọc được vẻ ngơ ngác trên khuôn mặt nó. Ông ta dập điếu thuốc, bảo nó:
-      Chú em mới đi xe đò lần đầu, hả?
-      Dạ.
-      Qua cầu mà xả rác trên cầu thì xe phải dừng lại hàng tiếng. Lơ xe sẽ bị quét cầu. Họ phạt đó, chú em ạ! Còn hút thuốc trên xe có bẩn cầu đâu! Nhưng qua cầu cũng cứ bị cấm. Luật qua cầu là vậy. Hì hì luật với lệ. Đời sống càng nhiều luật càng mất tự do. Chú em có nghĩ thế không?
-      Cháu không biết ạ!
Đứa con gái “kê” cha nó.
 
-      Bố đi hỏi “người ta” những câu vớ vẩn, ai mà biết.
Người cha sực tỉnh:
-      Ở nhỉ!
Ông ta xoa hàm râu lún phún:
-      Còn qua một cái cầu lớn nữa ở Tân An là hết lo kẹt xe. Bao giờ chú em về Sài Gòn.
-      Cháu gặp thằng bạn cháu đã.
-      Nhỡ không gặp thì sao?
-      Cháu phải gặp nó.
-      Có chuyện chi dữ ấp chú em?
-      Dạ cháu gặp chuyện đau lòng lắm.

Người đồng hành lớn tuổi thôi hỏi Danh, xe đang qua cầu. Bánh xe lăn trên những thanh gỗ bắt đinh bù loong nghe ình ình như muốn sập cầu. Danh ngó xuống dòng nước. Nó vừa hiểu một chuyện thích thú. Giòng sông nó đang ngắm là giòng sông lịch sử. Người mang giòng sông này vào lịch sử là ông thuyền chài Nguyễn Trung Trực.

Xe qua cầu được một lát, chạy hết tốc độ. Cánh đồng hai bên đường đang mùa lúa chín vàng loe. Cảnh vật chạy ngược thật nhanh. Danh say sưa nhìn. Rẽ qua Tân Hiệp, qua ngã ba Trung Lương. Người đồng hành lớn tuổi bảo nó:
-      Sắp vào Mỹ Tho rồi đó, chú em ạ! Chú em xuống bến hay xuống đầu tỉnh?
-      Cháu xuống bến.
-      Tôi xuống đầu tỉnh, tôi sẽ xuống trước chú em. Chúc chú em vui vẻ với bạn chú em nhé.
-      Cháu cám ơn ông nhé!
-      Này chú em!
-      Dạ.
-      Tôi mến chú em lắm đó!

Danh nín lặng. Nó hơi đau lòng. Danh liếc con bé. Mặt con bé ngơ ngác. Chứ không nhõng nhẽo, vòi vĩnh và hỗn hào như lúc mới gặp. Danh muốn nói một câu gì với cha con người đồng hành của nó. Nhưng nó không biết nói làm sao. Mỗi lần nó định ngỏ lời thì nó lại tưởng tượng chuỗi cười ròn tan và đôi mắt ranh mãnh của con bé. Và thằng Danh nguội lửa. Nó ngồi, mắt thu lấy mái tóc con bé chảy ngang bờ vai, lười biếng chớp.
          Người bộ hành lớn tuổi của nó, mím môi, hất đầu:
-       Chú hiểu không?
-      Dạ.
-      Tôi có thằng con trai, nếu nó ở với tôi nó cũng bằng chú em. Tiếc quá nó lại “lên núi”. A! Tên chú kêu chi nhỉ?
-      Dạ cháu tên Danh.
-      Danh, tên hay lắm. Con nhỏ của tôi tên Thảo. Thảo là kẻ lạc loài chú ạ!
Con bé trách bố:
-      Sao bố bảo con lạc loài?

Người cha vờ vỗ trán:
-      Ờ, bố quên, con bố đâu chịu lạc loài…
-      Bố bạ ai cũng khoe tên con.
Xe đã tới tỉnh. Người tài xế nhả ga. Xe chạy từ từ và dừng lại bên đường. Danh nép người cho hai cha con Thảo xuống. Người bố chìa tay bắt tay Danh:
-      Chúc chú em tìm được bạn nhé!
-      Cám ơn ông!

Danh đờ đẫn. Tim nó đập mạnh. Xe chuyển bánh bỏ hai cha con Thảo đằng sau cát bụi. Danh ngoái lại. Nó chỉ trông thấy hai bàn tay ai đang vẫy. Mắt nó còn đọng lại hình ảnh con bé ngộ nghĩnh hay làm nũng bố. Con bé tên là Thảo. Danh lẩm nhẩm: “Tên là Thảo. Tên nó là Thảo”.
QUYỀN ĐÃ DẶN DANH:
-      Nếu rãnh, mày xuống Mỹ Tho kiếm tao thì xuống buổi chiều. Tao chỉ làm ăn ở  bến ghe, quanh quẩn mấy tiệm ăn nhậu thôi.

Danh xuống buổi trưa. Giờ này chắc có con nhà Quyền đang nằm ngữa nghêu ngao vọng cổ. Nó không lần ra bến ghe. Danh tìm tiệm hủ tiếu. Hủ tiếu Mỹ Tho khét tiếng ngon. Ăn hai tô lớn trừ cơm, Danh mò mẫm tới công viên gần căn cứ Hải Thuyền, nằm trên ghế đá nghỉ lưng.
Gió từ sông Cửu Long thổi mát rười rượi. Bọn nhã con kéo nhau ra đây tắm. Chúng nó nghich ngợm, la hét làm Danh hết buồn ngủ. Nó ngồi dậy, bước đến gốc dừa. Chiếc tẩu của Nhật bị phi cơ Mỹ đánh chìm nhô mình lên. Bọn nhãi con bơi lại gần, đùa rỡn.

Danh nhớ Lựa vô cùng. Giá lúc này có thằng Lựa, hai đứa cởi truồng này có thằng Lựa, hai đứa cởi truồng tồng ngồng “lông nhông” xuống nghịch nước, chắc sướng lắm. Bọn nhãi con mỗi lúc một reo hò ầm ỹ. Danh chịu hết nổi. Chân tay nó run bần bật. Nó lại kéo ống tay áo lên ngắm thằng Lựa. Quế bệu xâm hình thằng Lựa chẳng giống tí nào. Hồi thằng Lựa còn sống Danh chê Lựa hình nó giống ông Địa. Nhưng hôm nay, sao nó thấy Quế bệu vẽ giống Lựa thế! Cái mặt thằng Lựa ngô nghê dễ ghét quá! Nhất là cái miệng Lựa, in hệt cái miệng những lần nó kể chuyện ông Thừa Cung cho Danh nghe.

Danh ngồi bệt xuống gốc dừa, tựa lưng vào thân cây. Tiếng sóng vỗ, tiếng gió lùa vào tàu lá rào rào ru Danh ngủ thiếp đi. Khi nó giật mình vụt thức, nó ngạc nhiên thấy bốn thằng nhãi đứng trước mặt nó.Gói quần áo biến đâu mất. Danh đưa tay quệt giòng rãi nhiểu ra bên mép. Nó toan đứng dậy. Một thàng nhãi co chân đặt lên vai nó, ngầm ý bảo nó ngồi im.

Danh mím môi. Bàn chân thằng nhãi vẫn đặt lên vai nó. Danh ngước nhìn bốn thằng nhãi. Trong chúng nó không có vẻ gì hung ác  cả. Danh vững bụng. Nó hỏi:
-      Tụi mầy muốn chi vậy?
Thằng nhãi đặt chân lên vai Danh, rút chân về, cười hô hố:
-      Bộ thằng này ngon dữ đa! Mày ở đâu mà lại mò ra đây? Mày có biết buổi trưa đất này là của ai không?

Danh lắc đầu:
-      Tao không biết.

Thằng nhãi thứ hai đạp Danh một cái. Danh tóm lấy chân nó, rồi đứng vụt dậy. Nó vẫn giữ chân thằng nhãi, mặc cả:
-      Đem trả ông gói quần áo không ông đẩy thằng này xuống sông.
Thằng nhãi đứng một chân, chỉ muốn ngã. Ba đứa bạn nó thúc thủ chưa tính sao. Thình lình, một thằng nhào vô. Danh đẩy mạnh thằng nhãi. Nó rơi tõm xuống nước. Ba thằng nhãi xấn lại quần Danh. Nó chống trả mãnh liệt. Nhưng cuối cùng một không địch nổi ba. Danh bị trận đòn “hội chợ” nhừ tử. Những cú đấm, những cú đá liên tiếp bồi vào thân thể Danh. Nó nghiến răng chịu đòn. Máu tươi trào ra hai bên mép nó.

Bọn nhãi tỉnh lỵ đấm đá ghê chán chê, khiêng Danh liệng xuống sông. Buổi trưa ở tỉnh yên lặng, chẳng ai biết chuyện gì. Gió cứ lùa vào những tàu lá dừa và sóng cứ vỗ. Bọn nhãi đá tung gói quần áo của Danh rồi bỏ về phố.

Danh bị liệng xuống sông. Nó còn đủ sức để níu lấy chân cầu, ngóc đầu lên thở hổn hển. Nước cuốn mạnh, chỉ làm thân hình Danh nổi lềnh bềnh. Nước mát đã xoa dịu đòn cho Danh. Nó muốn ngâm mãi. Tới khi nó cảm thấy lạnh, Danh mới men lội vào bờ. Nó lết lên gốc dừa nằm phơi nắng ngủ như chết.

Đến chiều, Danh tỉnh giấc. Quần áo của nó đã khô cứng. Nó đứng dậy, vươn vai. Ba răng vàng đánh nó không đau bằng bọn khốn nạn này. Luật của Ba răng vàng đã dành riêng một điều để cảnh cáo những thằng đánh giầy hành nghề trên đất của nó không có giấy phép. Còn bọn nhãi tỉnh lỵ, Danh đã làm gì đâu mà chúng nó trừng phạt Danh?

Tiếng chó gầm gừ nhau làm Danh chú ý. Nó nghiến răng ken két, nom hai con chó đang dằng co chiếc quần mồi của nó. Bọn nhãi đã rỡ tung bọc nhật trình, xé nát hành lý của Danh. Nó thọc vội tay vào túi quần. Số tiền mọn của nó còn nguyên tuy đã đóng lại thành một mảng, tờ nọ dính chặt lấy tờ kia. Danh lần ra ghế đá. Nó lột những tấm giấy năm đồng vuốt lại phẳng phiu. Xong xuôi, Danh thất thiểu đi về bến ghe tìm Quyền.

Danh gặp Quyền ngay. Lúc ấy, Quyền đang ngồi trên hòm gỗ hút thuốc lá. Con nhà Quyền ném mẩu thuốc, đứng vụt dậy, nắm chặt cánh tay Danh. Nó vén cánh tay áo của nó. Năm cái chấm xâm ở Tế Bần Sài gòn hiện ra với đủ ý nghĩa. Hai thằng đánh giầy nhìn nhau, thương mến.
Quyền buông tay bạn:
-                  Mày xuống hồi nào?
Danh buồn rầu đáp:
-                  Buổi trưa.
-                  Sao mày không đợi buổi trưa hãy ra bến?
-                  Tao muốn gặp mày ngay.
-                  Có chuyện gì thế?
-                  Nhiều chuyện lắm.
-                  Thằng Lựa đâu?
-                  Nó chết rồi.

Quyến đờ người. Miệng nó há hốc. Nó cúi xuống hòm đồ nghề, khoác vai Danh:
-                  Ra bờ sông lớn nói hết tao nghe.

Danh để mặc bạn dìu đi. Với Quyền, nó đóng vai thằng Lựa. Đất này là đất làm ăn của Quyền. Thằng Quyền còn khôn ngoan hơn Danh, nó biết đủ thứ chuyện. Quyền đưa Danh ra chỗ mà buổi trưa nó bị bốn thằng bắt nạt. Nhưng Danh chưa nói chuyện này.

Hai đứa ngồi dưới gốc dừa. Bây giờ công viên đã đông người ra hóng gió sông. Và trên hông chiếc tàu chìm, trẻ con đã có mấy chục thằng đang rỡn nước. Quyền vỗ vai Danh:
-                  Kể chuyện thằng Lựa đi mày.
Đôi mắt Danh đột nhiên trở nên hung ác lạ lùng. Nó nhìn Quyền hất đầu:
-                  Con dao của mày còn không?
Quyền rùng mình:
-                  Quý đen giết thằng Lựa à?
Danh gật đầu. Quyền nuốt nước bọt:
-                  Con dao của tao còn.
-                  Mày cho tao nhé?
-                  Định giết Quý đen, hả?
-                  Ừ.
-                  Mày chưa đủ tuổi hạ nó đâu. Danh ơi! Để tao hạ nó dùm mày. Tao đã đâm người một lần, tao hết ớn rồi. Lần này giết Quý đen tao không ớn nữa và nó chết hết ngáp.

Danh ôm mặt khóc tức tưởi. Quyền vỗ về bạn:
-                  Biết mà, tao biết mày chưa đủ “thớ” hạ nó mà, em út. Anh mày đây hơn mày ba tuổi, anh mày hiểu hơn mày. Anh mày hết khóc rồi, mày còn con nít quá đi thôi.

Danh càng khóc to hơn. Thình lình, nín khe, đưa cánh tay quệt nước mắt:
-                  Tao sẽ giết Quý đen!
Quyền cười khẩy:
- Mày can đảm lắm mới tới gần kẻ thù, can đảm lắm mới dám rút dao ra. Rồi mày run rẩy, mày hoảng mày đâm liền. Kẻ thù của mày giỏi lắm chỉ bị thương nó sẽ quật mày chết, em út ạ! Quý đen “ chì “ lắm, dễ gì nó để mày tới gần nó? Nó không chết, mày sẽ đi tù hay mày sẽ bị nó giết mày. Nghe tao, cứ để nó đấy cho tao. Tao giết chắc ăn hơn.
Danh nắm chặt hai bàn tay. Nó dằn giọng:
-                  Mày có nhìn thấy thằng Lựa chết đâu? Tao mới nhìn thầy nó chết. Óc nó phọt tung tóe ra đường. Mày đâu có nghe thấy thằng Lựa hét lên khi nó bắt gặp Quý đen. Tao trông thấy, tao sẽ giết Quý đen được.

Quyền gật gù:
-                  Rồi, rồi, mày sẽ đi giết Quý đen và mày sẽ bị Quý đen giết. Nhưng tao cứ cho mày cho dao của tao.
Danh hỏi:
-                  Mày không muốn Quý đen giết à?
Quyền móc điếu thuốc lá lẻ châm lửa hút.
-                  Tao đâu muốn thằng khốn nạn đó sống
-                  Sao mày quả quyết tao giết được nó?
-                  À tao hiểu, mày chưa đủ “thớ”. Mày còn khóc, còn hiền khô. Chừng nào hết khóc mới cầm dao đi giết người được, em út ạ!
-                  Tao chỉ giết Quý đen!
-                  Ừ, mày sẽ giết nó nhưng đừng giết vội. Đợi mày lớn hơn nữa đã, Danh ơi!

Danh lặng im. Quyền nhếch mép cười. Nó biết những lời của nó đã thấm vào đầu óc thằng Danh. Quyền đưa Danh điếu thuốc:
- Tao hút “Ruby” quen rồi, lát nữa đi ăn hủ tiếu tao khao mày thuốc “Ách chuồn”.

Danh đẩy tay bạn lại:
-                  Tao không hút thuốc lá nữa!
Quyền ngạc nhiên:
-                  Sao lạ dữ vậy?
Danh không trả lời câu thắc mắc của bạn. Nó hỏi:
-                  Con dao mày để đâu?
-                  Ở nhà
-                  Mày cho tao luôn nhé?
-                  Ừ, cho mày luôn, tao đâu có tiếc. Nhưng chớ dại trở về Sài Gòn giết Quý đen là toi mạng.

Danh lặng im. Nó nhìn sông nước. Chiếc phà nhấp nhô trên sóng đã sang quá nửa khúc sông rộng. Rừng dừa trước mặt nó là tỉnh Bến Tre. Danh có ý nghĩ muốn được sang Bến Tre và qua những khúc sông rộng khác. Cho tới khi nó lớn hơn, nó can đảm hơn, nó không khóc nữa, nó sẽ trở về đâm ngực của Quý đen bằng con dao của thằng Quyền. Hay được ngồi bên cạnh cha con bé Thảo bầu bĩnh trên một chuyến xe đi mãi không đến bến.

Quyền vớ hòn gách ném xuống nước:
-                  Mày tính ở lại Mỹ không?
Danh sực tỉnh. Nó dựa lưng vào gốc dừa, duỗi chân thoải mái:
-                  Ở Mỹ làm gì?
-                  Thì lại đi đánh giầy. Mỹ Tho không có Quý đen; mạnh thằng nào thằng đó kiếm ăn. Tụi tao sống sướng như tiên. Nhưng tao vẫn thích về Sài Gòn. Mày biết chưa, ở đây không có xi nê “bẹc ma năng” chán thấy mồ!
-                  Tao chán nghề đánh giầy rồi.
          Quyền cười khanh khách:
- Bộ mày muốn nối nghề ba mày à? Phải hai mươi mấy tuổi mới lấy bằng lái xích ô máy được. Đừng rỡn mày. Tạm ở đây, đất này hiền khô à..
Danh văng tục:
-                  Hiền cáo con “kẹ”. Ông vừa bị bốn thằng “kiện” một trận nhừ tử.
-                  Danh thuật truyện nó bị bốn thằng nhãi quần nhừ người cho Quyền nghe.

Quyền đứng lên kéo vai áo Danh:
-                  Đi với tao tìm bốn thằng cắc ké đó
-                  Thôi bỏ đi, tao chưa chết mà.
-                  Tao bảo mày đi với tao. Mẹ kiếp, tụi nó dám “xực” mày, hả? Ông sẽ quăng từng thằng xuống nước.
Danh vẫn chưa thèm đứng dậy. Nó lắc đầu.
-                  Bỏ qua đi, tao còn sống ở đây lâu, mày ơi!
Quyền gắt:
-                  Sống ở đây lâu mới cần ra oai. Tao làm trọng tài, một “công” một, mày sẽ cho bọn ôn Mỹ Tho biết dân Sài Gòn “chì” số dzách.

Nó khích Danh:
-                  Căm thù cho quen đi rồi mới hết khóc và mới giết được Quý đen.

Danh nghe bùi tai. Nỗi uất ức tưởng chừng tiêu tan khi nó nghĩ tới cái răng khểnh của con bé Thảo lại bừng dậy cuồn cuộn, sôi nổi. Nó theo thằng Quyền.
NGƯỜI SƠN ĐÔNG ĐÃ THU DỌN xong chỗ bán thuốc.

Những tiếng thanh la mở màn quyến rũ bọn nhãi con trước tiên. Rồi con khỉ đeo giây xích được thả khỏi cái hòm gỗ. Và sáu chiếc vòng sắt từ tay người sơn đông tung lên cao, dính chặt lấy nhau chừng mười phút thì đám đông bu quanh bố con ông ta đến chừng trên năm chục người.
Người sơn đông mặc bộ đồ "bi da ma" xọc xanh dọc. Ông ta đeo cái mũi lõ giả và cặp kính râm đen xì, to tướng.

Đứa nhỏ, có lẽ là con trai ông ta, mặc quần cao bồi, áo thung có tay ngắn. Nó đội mũ "kết " và đeo mặt mạ "hiệp sĩ "
Người sơn đông ra lệnh:
- Đánh thanh la đi.
- Đứa nhỏ lượn chung quanh đám đông gõ thanh la ba tiếng một "Phèng, phèng, phèng." Không khí ở đám diễn võ bán thuốc cao đơn hoàn tán nào cũng giống nhau. Ồn ào cực độ. Nói cười thỏa thuê. Con nít đông hơn người lớn.
Người sơn đông búng ngón tay:
- Hầy!

 Đứa nhỏ ngừng đánh đánh thanh la. Người sơn đông nhảy tót lên chiếc ghế đầu. Ông ta huýt sáo. Con khỉ cũng nhẩy lên bám chặt ống quần ông ta. Bọn nhãi con trầm trồ khen ngợi. Vài đứa tinh nghịch búng những viên đá nhỏ trúng nó, khiến con khỉ nhăn mặt, lè lưỡi kêu "khẹc khẹc" chửi bới. Người sơn đông chỉ tay vào bọn nhãi:
- Muốn coi xiệc không? Con khỉ sẽ gánh nước, thổi cơm, đi xe máy. Các em chọc nó, nó giận nó hết làm trò à ...
 
Bọn nhãi con thôi búng khỉ. Người sơn đông đạo lời:
- Thưa bà con, bố con tôi từ Lèo qua đây làm xiệc mua vui cho bà con không dám xin một cắc. Bà con có cho tiền, bố con tôi cũng không lấy. Ở Lèo, tôi học được nhiều môn ảo thuật, biến hóa khôn lường, tôi sẽ biểu diễn bà con coi chơi.

Đám đông thích thú ra mặt. Người sơn đông nhảy xuống đất, móc túi ra một con búp bê, ông ta bóp khẽ vào rốn con búp bê:
- Ông tướng ơi!
Con búp bê "É"  một tiếng. Người sơn đông giải thích :
-      Ông tướng ông ấy «ơi» đấy bà con ạ !
-      Đám đông tròn xoe mắt kinh ngạc. Người sơn đông tiếp tục hỏi ông tướng :
-       Ông tướng có thích ăn hủ tiếi Mỹ Tho không ?
-      " É "
-      À, ông tướng có, hả. Thế ông tướng có thích coi xiệc không ?
-      " É "
-      Có hả ông tướng ?
Nhìn đám khán giả, người sơn đông phân trần ..
-      " Ẹ ".
-      Ông coi xiệc gì, coi tôi nuốt quả trứng hay biến giấy báo thành tiền mua cơm ăn đây ?
-      " É é è è "…
-      À, ông tướng muốn biến thành tiền, hả ? Được rồi coi đây…
Người sơn đông đút «ông tướng» vô túi. Ông ta cúi xuống lượm một bao giấy nhỏ, toét miệng cười :
-      Thưa bà con, trước khi làm giấy báo biến thành giấy bạc, tôi xin thưa cùng bà con.
-      Người sơn đông quay lại giục đứa nhỏ :
-      Đánh thanh la !
Ông ta giơ gói giấy nhỏ thật cao :
-      Thưa bà con …

Đứa nhỏ đã ăn ý với người sơn đông. Khi ông ta ngừng thì nó đánh ba tiếng " phèng, phèng, phèng "…
-      Thưa bà con (phèng phèng phèng). Bà con thương con thương cháu (phèng phèng phèng), đi xa về gần (phèng phèng phèng), thấy bụng đứa nhỏ to tướng (phèn phèng phèng), da giẻ xanh xao vàng vọt ‘phèng, phèng, phèng) thì phải hiểu ngay rằng (phèng phèng phèng) đứa nhỏ bi giun sán.

Người sơn đông ngừng giây lát. Đứa nhỏ thôi đánh phèng, phèng. Ông ta giơ gói thuốc, lượn quanh đám đông một vòng rồi lại trở về chỗ cũ .. Người sơn đông hất đầu :
-      Hầy !
Đứa nhỏ vung tay đánh thanh la.
-      Phèng phèng phèng …
Ông ta tiếp tục đấu chuyện giun sán:
-      Trong bụng đứa nhỏ mà có giun sán thì đứa nhỏ ăn bao nhiêu cũng cứ ốm o, mòn teo. Vì đồ ăn vô bụng nó, họ hàng giun sán đớp hết. Chẳng mấy đổi, đứa nhỏ sẽ chỉ còn xương bọc da và chết ngỏm.
Đứa nhỏ tiếp tục đánh thanh la ở mỗi chổ người sơn đông ngừng:
-      Phèng phèng phèng …
-      Vậy thương con cháu, đi xa về gần, nhớ mua cho cháu một gói "Cam tích tán” nhãn hiệu cái Tàu Thủy.
Một khán giả chặn lời người sơn đông:
-      Mua ở đâu?
Người sơn đông vui vẻ đáp:
-      Mua ở Sài Gòn.
-      Có bán ở đây không?
-      Không, ở đây chúng tôi không bán. Bà con coi xiệc chơi, lát nữa tôi sẽ biếu thuốc bà con, không dám lấy một cắc.

Người sơn đông biễu diễn vài màn ảo thuật. Ông ta nhai một đóng giấy bóng, nuốt vào bụng rồi rút mãi ra không hết. Khiến bọn nhãi căng mắt thán phục. Sau đó, người sơn đông làm trò biến giấy báo thành giấy bạc. Tới chỗ khán giả hồi hộp tột độ, người sơn đông tốp lại cầm gói thuốc giun dơ cao:
-      Hầy
-      Phèng phèng phèng…
-      Hãy để dành trò này một chút,  lát nữa biến giấy báo thầnh giấy bạc bà cho con tiêu sài chơi. Giờ tôi sắp biếu bà con mỗi người một gói thuốc giun.

Đám khán giả hí hửng. Tưởng sắp được biếu đến nơi, chen lấn nhau chìa tay ra. Người sơn đông nói:
-      Chưa, chưa biếu ngay tôi còn vài lời thưa với bà con…

Nhưng đám khán giả vẫn chen lấn chửi bới, văng tục ầm ỹ. Người nào cũng muốn tầm tay mình gần người sơn đông. Ông khẻ nhếch mép cười:
-      Bà con đi đâu mà gấp dữ vậy? Tôi sẽ biếu mỗi người một gói, ai cũng có hết à …

Đám khán giả yên tâm bớt chen lấn. Người sơn đông ba hoa:
-      Chắc bà con sợ tôi nói dối, hả? Tôi đi quảng cáo thuốc đã ăn lương của nhà thuốc ở Sài Gòn. Ông chủ bảo tôi xuống đây giới thiệu với bà con vài môn thuốc gia truyền thuộc. Hây :
-      Phèng phèng phèng …
-      Như môn thuốc giun tức là “Cam tích tán” nhãn hiệu cái tàu Thủy công hiệu như thần này đây. Trẻ con bụng ỏng da vàng khè, uống ba gói là giun sán chết hết không còn mống nào. Sau đó, cho đứa nhỏ uống “Sâm nhung bổ tì hoàn” là nó mập ú ngay. Hầy!
-      Phèng phèng phèng …
-      Thuốc “Sâm nhung bổ tì hoàn” chúng tôi có mang theo, lát nữa sẽ biếu bà con. hầy!
-      Phèng phèng phèng …
-      Như mỗi gói “Cam tích tán” ở Sài Gòn bán năm đồng, ông chủ nhà thuốc bảo chúng tôi biếu không bà con. Hầy!
-      Phèng phèng phèng …
-      Bà con không phải trả tiền thuốc mà chỉ trả tiền giấy gói thuốc mà thôi. Hầy!
-      Phèng phèng phèng …
-      Thưa bà con, vậy chúng tôi làm theo lời ông chủ dặn chỉ xin hai đồng là tiền giấy gói, còn thuốc biếu bà con. Bà con chiếu cố dùm, mười năm sau tôi mới qua đây, không mua rồi tiếc đã để con cháu mình bụng ỏng da vàng vọt, chết vì giun sán.

Đám khán giả móc túi xột soạt:
-      Cho tôi năm gói đi!
-      Dạ dạ …
   Người sơn đông lượm thuốc đem “tặng” khán giả, ,người năm gói, kẻ mười gói, tùy theo nhu cầu khán giả. Đứa nhỏ cầm cái nón theo sát ông ta. Người sơn đông thu tiền “giấy” bỏ liền vào cái nón đứa nhỏ cầm.
-      Cho bảy gói đi, ông ơi!
-      Dạ dạ …

Không đầy mười lăm phút, một trăm gói thuốc “Cam tích tán” đựng một cái hộp “các tông” đã hết sạch.
Người sơn đông lắc đầu tiếc rẻ:
-      Uổng quá, hết mất rồi, lần khác đi, bà con ơi.
-      Bao giờ ông mới lại qua đây
-      Mai tôi còn ở đây mà.
-      Uống ra sao, hả ?
-      Đã có toa ở trong đó?

Người sơn đông lui về chỗ cũ. Đứa nhỏ bê cái nón đầy nhóc bạc lẻ theo ông ta. Nó đặt cái nón xuống bên đồ nghề ảo thuật. Người sơn đông “hầy” một tiếng. Đứa nhỏ vớ vội cái thanh la ba tiếng “phèng, phèng, phèng”
-      Bây giờ tôi làm tiếp trò biến giấy báo thành giấy bạc.

Người sơn đông biến hóa một lúc. Ông ta bắt quyết đọc thần chú, hò hét om sòm và đốt mớ giấy vụn. Người sơn lật cái khăn ra. Khán giả trầm trồ ca ngợi. Con nhà Danh véo thằng Quyền một cái:
-      “Chì” quá hé, mày?
-      Khỏi nói.
-      Giá tụi mình biến được giấy báo thành tiền để tiêu thì đỡ quá hé, mày?

Quyền văng tục:
-      Mẹ, xiệc đó mày. Tiền đó đâu có tiêu sài …
Danh tròn xoe mắt:
-      Bạc thật hẳn hoi.
-      Thật thì bọn sơn đông đâu cần đi bán thuốc. Tụi nó cứ nằm nhà đốt giấy hóa ra bạc mà sài cho khoẻ chứ.

Danh thấy bạn nói đúng. Nó có vẻ phục thằng Quyền. Người sơn đông làm xong trò khá hấp dẫn, hứa sẽ làm trò khác. Ông lại quảng cáo món thuốc “Sâm nhung bổ tì hoàng” lại biếu không khán giả và chỉ lấy lại tiền ve chai, tiền hộp. Khán giả dễ tính, bỏ tiền mua, chẳng cần tính toán.

Người sơn đông bán được hàng, vui vẻ lắm. Ông ta nói:
- Giờ tôi làm trò này biến ảo khôn lường, Tôi cần hai em bé, em nào thích làm xiệc vô đây
Ông ta “tuyển lựa” người:
-      Em nhỏ này nhé?
Bọn nhãi sợ sệt. Người sơn đông khuyến khích:
-      Đừng có sợ, làm xiệc mà…
-      Nhưng bọn nhãi không đứa nào dám hưởng ứng lời mời của người sơn đông, mặc dù chúng nó dám trêu chọc con khỉ và cười nói như điên. Danh nóng lòng quá. Nó bảo Quyền:
-       Tao ra nghe, mày.
Quyền nhếch mép cười:
-      Bộ mày muốn học nghề sơn đông bán thuốc, hả?
-      Đâu có.
-      Thế ra mà chi?
-      Ra chơi.
Người sơn đông dục:
-      Không có em nhỏ nào vô đây thì trò khỉ này phải bỏ.
Danh gạ Quyền:
-      Tao với mày vô đi.

Quyền lắc đầu. Đứa nhỏ cầm thanh la lượn quanh cái vòng đai nhãi con, gõ phèng phèng. Danh bị tiếng thanh la quyến rũ. Nó đứng dậy chạy vào giữa:
-      Tôi vô đây ông ơi!
Người sơn đông vui vẻ:
-      Tốt lắm, có một em rồi, còn một em nữa. Nào lẹ lên …
Ông ta khen Danh:
-      Em nhỏ này giỏi quá ta. Tên em kêu chi?
Danh ưỡn ngực, kiêu hãnh:
-      Tên  tôi là Danh.
-      Tốt, em Danh năm nay bao nhiêu tuổi?
-      Dạ, mười bốn tuổi rưỡi.
-      Tốt, em muốn học trò ảo thuật không?
-      Dạ muốn.
-      Dễ ợt, ta sẽ dạy em trò “nuốt giấy móc họng”.
Danh hỏi:
-      Có học trò biến giấy báo thành tiền không?
-      Được. Cần gấp một em nhỏ nữa lẹ lên không trưa rồi.
Danh nhìn Quyền ra hiệu. Quyền chạy tọt vô:
-      Có tôi nữa.
Người sơn đông dang hai tay đón nó:
-      Tốt lắm.
Bọn nhãi con lũ lượt xin “xung phong”.
 Người sơn đông xua tay:
-      Đủ rồi, đủ rồi … Giờ tôi làm trò. Hầy!
-       Phèng phèng phèng.
-      Trước khi làm trò này, tôi xin giới thiệu với bà con môn thuốc trị bịnh sâu răng thần sầu quỷ khóc của nhà thuốc “Tàu Thủy”
-      Phèng phèng phèng.
-      Người sơn đông giơ một cái ve chai nhỏ:
-      Sâu răng, nhức răng, sưng bọng răng, xức một giọt thuốc này, hết đau ngay lập tức.

Ông ta mở nắp ve thuốc sâu răng ra:
-      Bà con có ai bị sâu răng, nhức răng, sưng bọng răng mời vô đây, tôi nhỏ giùm một giọt hết liền à …
Đám khán giả có người vào nhỏ thuốc. Rồi vẫn cái lối biếu thuốc bán ve chai, người sơn đông tiếp tục làm tiền đám dân khờ khạo. Cứ hết một xen bán thuốc lại đến một xen trò ảo thuật.
-      Hầy!
-      Phèng phèng phèng…
-      Bây giờ, nhất định tôi không biếu thuốc nữa. Một ngàn bạc một gói “cam tích tả tôi cũng không bán. Tôi hiến bà con màn phóng dao bà con chơi rồi mời bà con đến chiều lại bến xe đò tôi quảng cáo vài môn thuốc khác.

Người sơn đông dựng miếng gỗ mỏng to bằng cái cánh cửa mà ông ta mới mướn ở gần đây. Ông ta ngoắt tay ra hiệu. Danh bước tới. Người sơn đông lắc đầu. Ông ta chỉ Quyền.

Con nhà Quyền đỡ sau miếng gỗ. Người sơn đông lấy phấn phác lẹ một hình người. Khán giả được dịp khen tài vẽ của ông ta. Sau đó, ông ta mở hòm lôi ra một bọc dao chừng sáu con. Ông ta bắt Danh và Quyền, mỗi đứa giữ một mép của miếng gỗ và dựng thật thẳng. Đoạn ông vẽ trái tim lớn hơn cái bàn tay lên ngực hình người.

Người sơn đông lùi cách miếng gỗ độ ba thước thì dừng lại. Ông ta, bất thần phóng một lưỡi dao trúng con mắt bên phải của hình người. Đám khán giả xanh mặt sợ hải. Thằng Quyền hét lên:
-      Tôi giả ông đây, ông ơi!
Người sơn đông nhếch mép cười:
-      Đâu dễ vậy em nhỏ, ta đã đọc thần chú, em buông ra là chết ngay à …

Thằng Danh nuốt nước bọt ừng ực. Trong khi ấy, đứa nhỏ đánh thanh la toét miệng nhìn hai đứa. Danh thấy nụ cười giống hệt nụ cười con bé Thảo trên chuyến xe đò hôm qua. Ở đứa nhỏ cũng có cái răng khểnh. Mặc dù nó mặc quần áo con trai. Danh ngắm kỹ, thấy vẫn chỉ là đứa con gái. Nó là con gái thật rồi. danh nghĩ thế và nó cố mím môi, bậm chân cho bớt run rẩy.

Thằng Quyền chớp mắt lien hồi:
-      Có sao không hở, ông?
Người sơn đông dọa:
-      Nếu em nhỏ sợ làm tay run là con dao sẽ cắm vào tay à …
Ông ta trấn tỉnh nó ngay:
-      Nhưng không sao đâu.
Bọn nhãi con đứng xem xỉ nhục hai đứa:
-      Cứ tưởng bở!
Danh liếc nhìn lưỡi dao cắm phập vào con mắt hình người, nhìn đứa nhỏ cầm thanh la. Mắt nó hoa lên. Nó thấy thằng Lựa chết phọt óc và thấy lưỡi dao con cắm phập vào Quý đen. Bỗng nhiên, Danh cam đảm lạ lùng. Nó bào khẽ Quyền:
-      Không sao đâu mày ….

Người sơn đông phóng lưỡi dao thứ hai trúng con mắt bên trái. Hai đứa đứng im không nhúc nhích. Trống ngực hai đứa cùng đánh thình thịch. Cứ một mũi dao trúng vào chỗ hiểm, khán giả lại trầm trồ tán thưởng. Rồi mũi dao thứ ba trúng miệng hình người, mũi thứ tư trúng tim và mũi thứ năm trúng rốn thì hết dao.

 
Người sơn đông bước tới miếng gỗ, rút đủ năm lưỡi dao ra. Con nhà Quyền toát mồ hôi. Người sơn đông vỗ vai Danh:
-      Em không sợ?
-      Không, ông phóng dao “chì” một cây.
-      Em dám ra trước mãnh gỗ không?
-      Để làm chi vậy ông?
-      Để ta phóng dao.
Danh lè lưỡi:
-      Cháu không dám đâu.
Người sơn đông xoa đầu nó nói:
-      Ta đùa chút chơi, phóng dao nhỡ trúng mặt cháu thì chết.

Người sơn đông ném dao vào hòm đồ nghề. Ông ta đỡ miếng gỗ, nằm rạp xuống đất rồi tuyên bố giải tán. Bọn nhãi lại lấy gạch chọi con khỉ khiến nó “khẹc khẹc” luôn miệng.

Đám khán giả lục tục kéo nhau ra về. Danh nán lại. Nó đâm ra “cảm” cái tài phóng dao của người sơn đông. Quyền dục Danh:
-      “Doọc” đi mày, bộ muốn theo ông ta sao?
Danh lắc đầu. Nó bảo Quyền:
-      Mày về trước đi.
Quyền hỏi:
-      Mày ở lại làm gì?

Danh liếc nhìn đứa nhỏ. Và nó dán mắt vào khuôn mặt vẻ hề. Sao ông ta lại gọi nó bằng cháu nhỉ? Mà giọng của ông ta sao giống giọng của người đồng hành lớn tuổi của nó trên chuyến xe SaiGon - Mỹ Tho thế! Danh không thể lầm được. Đúng rồi đứa nhỏ có chiếc răng khểnh và nụ cười hóm hỉnh đang thu dọn đồ nghề kia là con bé Thảo, con bé hay hỏi cha những chuyện vớ vẩn và làm nũng cha tới độ hỗn láo.

 
Danh sực nghĩ đến cái hòm to tướng khi hay người lơ trèo lên mui xe rỡ xuống ở đầu tỉnh lỵ. Nó liên tưởng tới cái hòm đồ nghề của người sơn đông. Tâm hồn nó nao noa, khó tả. Nó nhớ lại giấc mơ ngắn ngủi, gẫy vụn vào buổi chiều ngồi dựa lưng vào gốc cây dừa bên bờ sông Cửu Long. Danh đã ước ao được ngồi chung một chuyến xe với cha con bé Thảo. Chuyến xe đi mãi không dừng ở bến nào.
Quyền vỗ mạnh vai nó:
-      Mày “mết” tài phóng dao của ổng hả?
 
Danh mỉm cười, nụ cười méo mó, thương hại. Mắt nó chớp mau. Hình ảnh thằng Lựa chết phọt óc hiện nguyên hình. Hình thằng Quý đen với cái giây lưng cá sấu khóa đồng. Nó mím môi:
-      Phải chi tao biết phóng dao!
Quyền dìu Danh bước đi:
-      Thì mày tập, khó chó gì?
-      Tập lâu không?
-      Hai ba năm.
-      Hai ba năm nhỡ thằng Quý đen nó chết mẹ nó mất rồi thì sao?

Quyền bĩu môi:
-      Tụi mình khó chết lắm, mày hiểu chưa? Khổ thấy bà nội mà trời cứ bắt sống. Hồi ở khám Chí Hòa tao đã đập đầu vào tường mà vẫn không chết. Quý đen có chết bệnh đâu. Phải có đứa giết nó mới chết. Anh chị có thằng nào "ngỏm” ngon lành đâu mày!
Danh nghiến răng ken két:
-      Tao sẽ giết Quý đen!
Quyền cười hề hề:
-      Thì tao có bảo mày không giết thằng chó đẻ đó đâu. Nhưng đợi mày biết phóng dao đã. Mày đã tả nó cho tao nghe. Nó hay ngồi uống bia đặc ở lầu Bồng lai buổi trưa, hả?
-      Ừ.
-      Nó quay mặt ra cửa sổ, hả?
-      Ừ.
-      Có người lên nó cũng đâu thèm ngoảnh mặt lại, hả?
-      Ừ.
-      Mẹ kiếp nó hách thật. Vậy nó mới dễ “tỏi”. Hai năm sau mày trở về, mày lên lầu Bồng lai vào giờ nó uống bia, mày đứng cách nó ba thước mày réo tên nó chửi bới. Nó quay lại mày phóng liên tiếp ba lưỡi dao vào tim nó.
-      Tao muốn phóng năm lưỡi như người sơn đông.
Quyền xiết cánh tay vào cổ bạn:
-      Khó quá, vậy mày phải theo ổng mà học.

Quyền tưởng nói rỡn bạn chơi.
Nhưng Danh ngó lại. Nó thấy đứa nhỏ đã tháo mặt nạ ra và người sơn đông cũng đã tháo cái mũi lõ giả. Đứa nhỏ lấy khăn ướt lau mặt rồi đưa cho người sơn đông.

Trái tim Danh đập liên hồi. Nó gỡ tay Quyền ra:
-      Mày về trước đi!
Quyền ngạc nhiên:
-      Bộ mày theo ổng thật, hả?

Danh không trả lời. Nó cắm cổ chạy nhanh tới chỗ người sơn đông. Danh mở to mắt. Đứa nhỏ đúng là con bé Thảo. Và người sơn đông là người đồng hành lớn tuổi của nó người đã kể chuyện gã thuyền chài Nguyễn Trung Trực mang giòng sông Bến Lức vào lịch sử.

Danh đứng chôn chân ngó hai bố con bé Thảo chằm chằm. Nó run rẩy hồi hộp. Cho tới lúc người sơn đông nhìn thấy nó. Ông ta cười, dang rộng hai tay:
-      À, chú em đấy à, đã kiếm được bạn phải không?
Danh đần người ra. Người sơn đông bỏ việc thu dọn đồ nghề, bước tới gần nó:
-      Thế nào, chú em vui vẻ không?
Danh bị xúc động. Nước mắt ứa ra. Người sơn đông vỗ nhẹ lên đầu nó:
-      Sao chú em khóc?
Con bé Thảo trố mắt nhìn Danh. Thằng nhãi vội đưa tay quệt ngang mặt. Người sơn đông vẫn dịu dàng:
-      Đứa nào bắt nạt chú em, hả?
Danh lắc đầu. Người sơn đông ái ngại:
-      Thế sao chú em khóc?

Danh ngước mắt lên. Nó thấy người sơn đông mất hết cái vẻ hề ban nãy. Đôi mắt ông ta trìu mến như đôi mắt cha Danh khi cha nó mắng yêu nó. Danh bớt ngượng ngịu, lung túng. Nó nắm lấy cánh tay người sơn đông.
-      Ông cho cháu theo ông với.
Chưa để người sơn đông trả lời, Danh tiếp:
-      Cháu lạy ông, ông cho cháu theo ông với ông nhé?
Người sơn đông vuốt ve bàn tay Danh:
-      Bố mẹ cháu không chịu đâu.
-      Bố cháu chết rồi, ông ạ!
-      Còn mẹ cháu?
-      Mẹ cháu cũng chết rồi. Chú cháu sợ thím cháu, đuổi cháu đi từ hai năm nay.
 
Người sơn đông kéo Danh về chỗ hòm đồ nghề. Con khỉ ngửi hơi người lạ kêu khèn khẹc. Người sơn đông bảo Danh ngồi trên cái thùng nhốt khỉ. Nhưng Danh không dám ngồi. Con bé Thảo hóng chuyện. Làm Danh luống cuống. Người sơn đông hỏi nó:
-      Hai năm nay cháu làm gì?
-      Cháu sống một mình.
-      Bác hỏi cháu làm gì cơ mà?

Lối xưng hô “bác cháu” của người sơn đông, khiến long Danh ấm hẳn lên. Nó không cần giữ kẽ nữa:
-      Thưa bác, cháu … đánh giày!
Người sơn đông thản nhiên:
-      Kiếm ăn được không?
-      Vất vả lắm bác ạ, phải đóng tiền thuế cho Quý đen mỗi ngày hai mươi đồng.
-      Quý đen là ai?
-      Là vua đánh giày, nó đặt ra luật lệ và bắt bọn đánh giày trên hè phố của nó phải tuân lệnh.

Danh nói luôn:
-      Bác cho cháu theo bác, cháu sẽ đứng cho bác phóng dao.
-      Nhỡ chết thì sao?
-      Thì thôi.
Người sơn đông mỉm cười:
-      Đi với bác cực lắm.
-      Cực cháu cũng chịu nổi. Quý đen nó quất chúng cháu bằng dây lưng da cá sấu khóa đồng mà cháu còn chịu được là…
Người sơn đông hỏi:
-      Cháu theo bác làm gì?
Danh nói thật:
-      Để học bác tài phóng dao!
Người sơn đông trợn trừng mắt:
-      Học phóng dao!
-      Dạ
-      Cháu muốn đi bán thuốc à?
-      Không.
-      Tốt lắm, bán thuốc phải bôi hề lên mặt, phải nói láo mới có cơm ăn. Cháu học phóng dao làm gì?

Danh sợ nói rõ cái ý định của nó, người sơn đông sẽ từ chối. Nó “phịa”:
-      Cháu thích lên Ban Mê Thuột. Nghe nói trên rừng nhiều rắn độc, cháu muốn học phóng dao để đi rừng cho vững bụng.
-      Tốt lắm, bác sẽ dạy cháu.
Danh hớn hở. Nó ôm chầm lấy người sơn đông:
-      Bác cho con theo bác hả, bác?
-      Ừ.
-      Cháu sẽ đánh thanh la cho bác để …
Danh nín lại, liếc nhìn con bé Thảo. Người sơn đông nối lời nó:
-      Để chú Thảo ngồi chơi, hả?
-      Dạ …
-      Được rồi, ta thu dọn đồ nghề đi ăn cơm. Mai mốt bác cháu mình đi An Giang.

      Danh bắt tay vào việc ngay. Lát sau, chiếc hòm đồ nghề của người sơn đông đã được buộc khóa cẩn thận. Người sơn đông thuê xe ba bánh chở hòm tới tiệm cơm. Danh ngồi bên con Thảo. Nó quên hẳn thằng Quyền …
Thảo hỏi Danh:
-      Anh này, má anh có đẹp không?
Danh ném viên sỏi xuống sông:
-      Má anh bán chè khoai bột báng, đẹp sao được mà đẹp…
Thảo không chịu. Con bé cải lý:
-      Bán chè khoai cũng vẫn đẹp chứ!
Danh cười:
-      Nhưng má anh không đẹp đâu. Chắc má em đẹp lắm nhỉ?
Thảo chớp mắt:
-      Em có thấy mẹ em bao giờ đâu. Bố bảo mẹ chết khi em lọt lòng. Bố chỉ bảo thế thôi rồi mắt bố đỏ ngầu dễ sợ là là …

Danh tiếp tục ném những viên đá sỏi xuống sông. Ở Long Xuyên có một cái công viên thơ mộng lắm. Công viên ở ngay bờ sông An Giang. Trên mỗi chiếc ghế có giàn hoa tim tím đẹp mắt vô cùng. Nhất là vô số đá sỏi. Đôi tình nhân mới yêu nhau rủ nhau ra công viên này ngồi nhỏ to tâm sự thì tình yêu đã tha thiết sẽ còn thiết tha gấp vạn lần.

Ngồi quay mặt ra giòng sông thì sau lưng là cái hồ nước.Cạnh hồ có con đường dăm. Tiếng chân bước lên nghe lạo xạo đó. Nó chỉ nghe thấy tiếng gió lùa vào giàn hoa trên đầu nó. Nó và con Thảo cũng không phải là đôi tình nhân mới yêu nhau. Danh chưa biết yêu là gì. Con Thảo cũng thế. Nhưng cứ thích ném đá sỏi xuống giòng  nước và con Thảo, cứ thích ngắt những cánh hoa tím vò nát rồi vất đầy chỗ ngồi.

Danh theo bố con ông Nghị được hai tuần. Nó đã biết Vĩnh Long, Sa Đéc và hôm nay nó biết thêm Long Xuyên. Danh thế chân con Thảo, đánh thanh la và làm công việc phụ giúp tay ông Nghị. Nó đã thương con Thảo từ hôm nghe ông Nghị kể chuyện gã chài lưới Nguyễn Trung Trực. Nên Danh không muốn con Thảo mặc áo cao bồi, đeo mặt nạ ông Địa, đánh thanh la nữa.

Ông Nghị bắt Thảo gọi Danh bằng anh xưng em và bắt Danh gọi Thảo bằng em xưng anh. Xa vắng vỉa hè, xa vắng cái xã hội đánh giày luộm thuộm ăn tục chửi bậy, sống cạnh ông Nghị, người bán thuốc quảng cáo có tâm hồn bao dung, và con bé Thảo ngây thơ, nhí nhảnh. Danh thấy nó hiểu ra. Nó không được chửi thề, văng tục nữa. Nhưng nó vẫn nhớ thằng Lựa. Nhớ ghê gớm.

Càng nhớ Lựa, mối thù Quý đen càng bốc lên. Nó ước làm sao học được một góc cái tài ném dao của ông Nghị là nó có thể giết Quý đen rửa hận cho thằng Lựa. Danh ném sỏi mà tâm hồn nó để ý chuyện đâu đâu. Đến nổi con Thảo hỏi hai ba lần Danh mới sực tỉnh.
Thảo trách móc:
-      Anh không nghe gì à?
-      Có chứ.
-      Thế em đã nói gì anh?
Danh vuốt mớ tóc lòa xòa trước trán:
-      Em hỏi lại đi?
Thảo ném một cánh hoa vào mặt Danh:
-      Phạt anh đấy.

Lời nói của Thảo, cử chỉ của Thảo khác hẳn thằng Lựa. Sao Danh cứ nghĩ Thảo là thằng Lựa. Suốt cuộc đời thơ ấu của Danh, bây giờ nó mới hiểu thế nào là nhõng nhẽo, nũng nịu. Hồi ba nó còn sống, ba nó mắng yêu nó: “Mày nhõng nhẽo như con gái ấy”. Thì ra thế, con bé Thảo đã nhõng nhẽo như thế đó.

Tâm hồn thằng Danh xốn xang quá thể. Bất chợt, nó mở miệng:
-      Em phạt anh nữa đi!
Con Thảo ném một cánh hoa trúng tóc Danh. Cánh hoa dính vào mớ tóc rồi, bám chặt lấy. Thảo mỉm cười thích thú:
-      Đừng lắc đầu nghe anh.
-      Ừ.
-      Trông anh kỳ cục lắm, anh ạ!

Danh hơi nóng ở tai. Nó muốn có ngay cái gương để xem mặt mũi nó ra sao mà Thảo bảo nó kỳ cục. Danh hỏi:
-      Mặt anh xấu lắm, hở?
Thảo nhe cái răng khểnh:
-      Đâu có xấu, ngồ ngộ thì có …
Danh thở phào nhẹ nhỏm. Nó nói lảng:
-      Lúc nãy em hỏi gì anh nhỉ?
-      À, bố anh có cừ bằng bố em không?
-      Chắc không đâu.
-      Thế bố anh làm gì?
Danh ngần ngừ một lát rồi khẽ trả lời:
-      Ba anh làm nghề chạy xích lô máy.
Thảo nghe không rõ hỏi lại:
-      Cái gì máy hở, anh?
-      Xích lô máy!
-      À xích lô máy em đã đi rồi, gió thổi tung cả tóc. Ngồi chỉ sợ xe chạy chui vào gầm xe nhà binh hé …
-      Ừ …
-      Bố anh chạy xích lô máy cừ không?

Danh bị xúc động. Một “xen” khốn nạn dưới mái nhà lá hiện ra. Ba nó nằm gối đầu trên chiếc gối rách, máu miệng trào ra đầy cổ, thấm ướt áo. Danh phải chạy đi mua đá cục đập nhỏ vào miệng ba nó. Máu cầm chừng một lúc. Rồi lại ọc ra cả lon sữa bò. Sau đó chú nó chở ba nó vô nhà thương. Bác sĩ chích thuốc và cũng bắt ba nó ngậm đá. Nửa đêm hôm đó ba nó chết. Xác ba nó được mang về đặc trên chiếc ghế bố. Chiếc gối đẫm máu chưa kịp giặt. Ba nó chết không có đồ gối đầu …

Danh nghẹn ngào nói với Thảo:
-      Xích lô máy cực thấy mồ, cừ quái gì đâu, cừ dập ngực thì có …
Thảo tròn đôi mắt:
-      Sao lại dập ngực?
-      Máy nó kêu ầm ầm, bụi lùa vào mắt, đường Sài Gòn gập ghềnh mấp mô, chạy xích lô máy riết, ngực bể nát.
-      Bố anh có bị ngực bể không?
-      Có chứ.
-      Bể ngực ra sao hở, anh?
-      Bể ngực máu nó trào ra có vòi.
-      Eo ơi …
Thảo quay sang hỏi chuyện khác:
-      Đi đánh giày vui không hở anh?
Danh lắc đầu:
-      Cực lắm.
-      Sao anh lại đi đánh giày?
-      Chả biết làm gì thì đi đánh giày chứ sao nữa.
Thảo nhớ tới cái hình xâm trên cánh tay Danh, con bé dục:
-      Anh cho em xem cánh tay anh đi.

Danh ngó Thảo. Nó bắt gặp đôi mắt đen lay láy ánh lên sự cầu khẩn. Danh vén cánh tay áo . Thảo xích bên Danh. Con bé thản nhiên nắm lấy cánh tay Danh. Khiến thằng bé đánh giày nhồn nhột. Danh có cảm tưởng, bàn tay Thảo cơ hồ một cục đá mà thằng Lựa nghịch ngợm thường hay bỏ vào cổ nó khi nó ngủ trưa quên không kịp dậy. Cục đá của thằng Lựa lạnh buốt. bàn tay của con Thảo mát rười rượi.

Danh lại nhớ đến má nó. Có một lần nó đi trồng trái ở cánh tay xưng có mủ khó chịu lắm, má nó đã bắt nó vén cánh tay áo lên, nắm cánh tay bảo rằng: “Tốt tốt Danh à, trái lên thế này mày hết bị rỗ hoa”. Rồi mủ xẹp đi, những vết sứt sát ăn da non, ngứa ngáy. Má nó đã dùng móng tay út gãi gãi nhẹ chung quanh ba mụn trồng trái. Không còn gì thú vị bằng có cái mụn ăn da non ngứa ngáy được người khác gãi giùm. Nhứt là gãi vào buổi trưa để ngủ một giấc ngon lành.

Con Thảo cũng đang lần những ngón tay thon nhỏ lên hình của nó, của thằng Lựa ở chỗ vết xâm đang ăn da non. Thảo nó:
-      Bạn anh là thằng không hút thuốc, hở?
-      Ừ.
-      Tên nó kêu chi?
-      Lựa.
-      Nó cũng đánh giày à?
-      Ừ.
-      Giá em là con trai, em cũng đi đánh giày lấy tiền mua cà phê cho bố em.
Danh mỉm cười:
-      Quý đen nó lấy hết tiền của em à…

Nó nói dứt, nỗi buồn và mối hờn hoen lên mắt. Và cái cảm giác “ăn da non” chợt biến mất.
Thảo ngây người ra:
-      Quý đen là ai?
-      Là thằng dữ tợn, cần phải phóng dao vào tim nó.

Thảo vẫn nắm cánh tay Danh, mơn man những ngón tay thon nhỏ trên làn sa xạm nắng mưa của nó:
-      Nó ác lắm hở, anh?
-      Ừ, nó lấy dây lưng da cá sấu khóa đồng quất vào mình mẩy thằng Lựa. Rồi nó ở lầu Bồng Lai bước xuống, thàng Lựa sợ quá chạy vù ra đường. Xe hơi cán chết thằng Lựa.
Danh làm như Thảo hiểu hết chuyện thằng Lựa. Nó say sưa kể:
-      Em biết rồi chứ, thằng Lựa phọt óc. Máu và óc bắn tóe ra đường. Mẹ kiếp, con nhà Lựa ngu như con “kẹ” ấy!

Thảo buông cánh tay Danh ra. Con bé lè lưỡi:
-      Anh nói bậy bạ nhé!
Danh xấu hổ. Nó giả vờ ngoái lại đằng sau:
-      Ơ, giá có cần câu đi câu cá ở hồ thì tuyệt cú mèo …
Thảo lè lưỡi:
-      Lúc nãy anh bảo Lựa ngu như con “kẹ”. Con “kẹ” là gì hở, anh?
Danh lúng túng. Nó hỏi Thảo :
-      Em đã đi câu chưa ?
Thỏa toét miệng cười :
-      Con gái ai lại đi câu.

Danh nhớ tiếng  “chú” mà bố Thảo hay gọi nó từ hôm mới gặp Thảo. Nhưng nó quên. Lúc này cần biết rõ để vừa lảng quên chuyện “con kẹ”, vừa hiểu tại sao ông Nghị đã gọi con gái bằng “chú”.
-      Thảo đâu có là con gái ?
Thảo bỉu môi :
-      Em là con gái mà.
-      Con gái sao bố em cứ gọi em bằng “chú” nhể ?
Thảo chúm chím :
-      À, à tại bố em cứ thích em làm con trai.
Danh đùa :
-      Thế em thích là con trai hay con gái ?
-      Em thích cả hai.
-      Kỳ vậy ?
-      Đâu có kỳ, khi nào đi câu thì em thích là con trai, khi đi vòi vĩnh bố, em thích là con gái. Đi câu thích không hở, anh ?
-      Thích. Giật được cái giày rách còn khoái nữa.
-      Giật cái giày thì khoái nỗi gì ?
-      Thì đi ăn hủ tiếu.
Thảo không rõ chuyện đi câu của Danh. Nó mới chỉ kể chuyện này cho Lựa nghe thôi. Tuy chẳng hay gì, Thảo vẫn gật đầu :
-      Thế thì khoái thật. Anh này, chắc anh thương thằng Lựa lắm, hở ?

Danh chớp mắt thật mau. Giấc mơ có căn nhà, nuôi một đàn gà, một con chó “si” cơ hồ hai hạt cát lớn bay vào mắt danh. Nó đưa tay dụi mắt :
-      Ừ thương nó lắm.
-      Nó kêu chi anh nhỉ ?
-      Lựa.
-      Nó thương anh khgông ?
-      Nó chỉ làm khổ anh.
-      Nó làm khổ anh sao anh còn thương nó ?
-      Ừ, anh thích nó làm khổ anh. Nó chết không có đứa nào để anh bênh nữa, em không biết chứ thằng Lựa nó kể chuyện ông Thừa Cung, ông Tử lộ hay lắm cơ.
-      Thế à ?
-      Đáng lẻ nó còn đi học, đọc truyện Tam Quốc Chí cho anh nghe nữa. Em biết truyện Tam Quốc Chí không ?
-      Không.
-      Bây giờ anh chẳng thèm đi học nữa . Thằng Lựa chết rồi. Anh hết muốn nghe truyện, chỉ muốn học phóng dao.
Con Thảo để tay lên cằm suy nghĩ một lát :
-      Anh biết đọc không ?
-      Không.
-      Anh không biết chữ à ?
-      Cần gì biết chữ, dân đánh giày biết chữ cũng vậy thôi. Giỏi lắm là đọc được mấy cái “pồ gam” tuồng cải lương.
Thảo khoe :
-      Bố em dạy em học, em biết đọc biết viết. Anh có học không bảo bố em dạy.
Danh xua tay :
-      Không anh chỉ học phóng dao thôi.
-      Anh vẫn thích lên Ban Mê Thuột à ?
Danh lắc đầu :
-      Không.
-      Sao anh bảo bố anh lên rừng phóng rắn ?
Danh sực nhớ ra :
-      Ừ, ừ, anh thích phóng rắn lắm anh sẽ phóng trúng tim con rắn Quý đen.

Chiều xuống vội vã. Mặt trời đã khuất ở dưới lùm cây bên kia sông. Gió lạnh hơn. Hai đứa bé vẫn ngồi sát bên nhau. Một lúc sau Danh đứng dậy.
-      Về chợ đi, kẻo bố đợi.
Thảo nũng nịu :
-      Anh ngắt một cành hoa tím cài lên tóc em đi !
Danh ngơ ngẩn :
-      Để làm gì ?
Thảo cũng đã đứng lên nhìn thẳng vào mặt Danh :
-      Không biết nữa …

Nhưng dù cả hai đều không biết, Danh cứ ngắt bông hoa tím cài lên tóc Thảo. Hai đứa bé rời công viên " Nguyễn Du". Chúng tôi qua cầu sang bên đường Lê Lai.
Đường chiều tỉnh lỵ nuốt hai đứa trẻ mồ côi lưu lạc.
DANH KHÔNG NGỦ TRƯA.
Nó lần ra bến dò Thuận Giang. Hôm nay Danh theo bố con ông Nghị tới tận làng Mỹ Lương, thánh địa Hòa Hảo. Cái cù lao nhỏ này nằm bên bờ Tiền Giang, nơi ông ông Huỳnh Phú Sổ ra đời và lớn lên đã trở thành Đức Thầy của hàng triệu tín đồ Hòa Hảo.

Sống ở vỉa hè Sài Gòn, mắt Danh đã quen nhìn những con người văn minh. Nay xuống Hòa Hào, gặp những người đàn ông tóc lòa xòa ngang vai và mặc áo bà ba đen, Danh có cảm tưởng nó đã gặp những người này trong tuồng cao bồi có lính Mỹ đánh nhau với mọi da đỏ.

Nhưng nhìn riết cũng quen mắt, Danh bớt sợ và nó lén ông Nghị một mình thủ con dao của thằng Quyền ra bến đò Thuận Giang chơi. Đứng ngắm sông nước một lúc, Danh trở vào đình làng Mỹ Luông.

Trong sân đình, một vài đứa trẻ con nhà quê đàng đùa rỡn nhau. Danh không thèm để ý tới bọn nhãi này. Nó kiếm một thân cây phẳng phiu, rút trong túi ra một miếng phấn, vẽ hình thằng người lên.

Danh không biết vẽ. Hình người của nó trông buồn cười lắm. Bọn nhãi con ngừng đùa rỡn, bu quanh Danh. Khi nhận được Danh là “con” người sơn đông, chúng nó lè lưỡi, nhăn mặt có vẻ khiếp phục lắm.

Một đứa hỏi Danh:
- Mày tính làm trò gì đây?

Danh nín thinh, nó móc con dao của thằng Quyền bấm rắc một cái. Lưỡi dao bật ra. Danh lùi lại ba bước. Nó cầm mũi dao phóng biểu diễn một đường. Lưỡi dao cắm phập váo thân cây nhưng không trúng hình người. Tuy vậy, bọn trẻ con cũng vỗ tay hoan hô ầm ỹ. Cao hứng Danh cởi áo. Hình trên cánh tay nó nổi bật dưới ánh nắng. Bọn nhãi con đứa nọ nói với đứa kia:
- Thằng nhỏ xâm mình hả mày?

Danh tiến lại chỗ thân cây. Nó vẽ hình trái tim giống hình quả xoài vào giữa ngực hình người rồi nói với bọn nhãi:
- Tụi bay biết thằng nào đây không?
Bọn nhãi con ngơ ngác. Danh khuyến khích:
- Đứa nào đoán trúng tao làm trò ảo thuật cho coi...
Một thằng đáp:
- Tây hở mày?
Danh cười:
- Tây phải mũi lõ chứ thằng này mũi tẹt mà.
Thằng khác giơ tay:
- Tao biết rồi, phải thằng Việt Minh không?
- Trật lất, thằng Quý đen đó.
Bọn nhãi con ngẩn tò te, nuốt nước bọt tiếc rẻ đã chẳng đoán trúng để dược xem thằng “con” người sơn đông làm trò ảo thuật. Danh đã lùi khỏi thân cây ba bốn bước. Nó hỏi:
- Đố tụi bay tao có phóng dao trúng tim thằng Quý đen không?
Bọn nhãi con cùng hét:
- Trúng chứ, mày phóng giỏi thấy mồ...
- Nhỡ tao phóng trật thì sao?
- Thì thôi.

Danh nhích chân lại một chút. Nó co chân phải lên, cầm mũi con dao ngắm nghía. Nó kéo tay về phía sau, sắp sửa phóng mũi dao thì mũi dao đã cắm phập vào tim Quý đen. Và một chuỗi cười ròn:
- Ngắm lâu thế thì trật rồi, chú ạ!
Danh cụt hứng quay lại. Nó đã biết người vừa chê nó. Danh bẻ lưỡi dao rồi đút vội vào túi. Ông Nghị trách Danh:
- Không ngủ trưa hả, cháu?
Danh bối rối:
- Cháu không buồn ngủ ạ!

Bọn nhãi con thấy người sơn đông, sợ ông ta làm phép hóa thành quả trứng, rủ nhau chuồn vào. Sân đình còn có hai người khách lạ, một già một trẻ. Ông Nghị nói:
- Gặp rắn, cháu ngắm nghía lâu thế thì rắn nó đã nhảy tới mổ vào người cháu rồi.

Danh chạy tới hình Quý đen rút mũi dao nhà nghề của ông Nghị khỏi trái tim Quý đen. Nó thấy hình như máu Quý đen phọt ra. Danh đưa dao cho ông Nghị, nằn nì:
- Bác dạy cháu phóng dao đi!
Ông Nghị xoa đầu Danh:
- Có thật cháu muốn lên Ban Mê Thuột không?
Danh gật đầu:
- Cháu muốn lên Ban Mê Thuột, bác ạ!
- Rồi cháu tính làm gì ở trên đó?

Danh quay mặt đi chỗ khác để che giấu khuôn mặt đang sắp đặt sự nói dối của nó. Nó chưa kịp trả lời thì ông Nghị đã quàng tay lên vai nó:
- Vào chỗ kia bác nói chuyện này cho cháu nghe!
Danh nghe theo ông Nghị lại gốc cây xoài. Khi hai người đã ngồi xuống, ông Nghị rút bao “Ách chuồn” mười điếu mời Danh:
- Cháu hút một điếu.
- Cháu bỏ thuốc lâu rồi ạ!
- Thì hôm nào hút một điếu chơi, không ghiền thôi chứ sao.
- Dạ, cháu không hút.
- Cháu nhất định không hút à? Tại sao đang hút thuốc cháu lại bỏ?
- Từ hôm thằng bạn cháu chết, cháu hết muốn hút thuốc.
- Kỳ vậy?
- Cháu không còn đứa nào để khoe thuốc “Ách chuồn” ngon nữa.

Ông Nghị gật đầu. Ông rút điếu thuốc cắm vào môi rồi châm lửa đốt. Nhả một hơi khói, ông Nghị nói:
- Bác đã có hồi ngủ vỉa hè, chung với bọn trẻ con đánh giày. Cháu đi theo bác chắc khổ sở lắm nhỉ!
- Không ạ!
- Cháu không được nói cái gì cháu thích nói. Bác thấy cháu cũng khó khăn lắm. Cháu sắp lên rừng vậy có biết thú rừng không? Con ngựa chẳng hạn...
- Không ạ!
- À, con ngựa rừng nó chạy nhởn nhơ. Nó cậy nó là ngựa hoang không chủ, muốn hí thì rướn cổ, co hai cẳng trước lên hí. Muốn nằm thì nó kiếm chỗ nằm cựa quậy cho sướng thân. Nhưng rồi người ta bắt được nó, mang nó về đồng bằng, dạy dỗ nó, đặt yên lên lưng nó, đóng hàm thiếc vào miệng nó, đóng móng sắt vào chân nó, bịt mắt nó hết nhìn ngang và làm những công việc nó không thích.

Danh ngây ngô:
- Cháu chẳng hiểu gì!
Ông Nghị cười:
- Cháu đâu có thích đi làm sơn đông bán thuốc, phải không?
Danh liếm môi dưới:
- Cháu thích theo bác và em Thảo.
- Theo bác đâu có sướng bằng hồi cháu sống ở vỉa hè?
Danh cảm thấy thèm khóc quá. Giá nó khóc được thì sướng biết mấy. Ông Nghị nhìn đôi mắt đỏ hoe của Danh, vuốt tóc nó.
- Cháu muốn khóc à?
Danh òa lên khóc. Nó gục đầu vào lòng ông Nghị, nức nở:
- Cháu đâu có thích ở vỉa hè, tại ba má cháu chết, chú thím cháu đuổi cháu đi...

Trong nước mắt, Danh nhìn rõ thằng Quyền đang đứng trước mặt nó. Thằng Quyền cầm con dao, phóng vào thân cây dừa. Nó nghe rõ thằng Quyền mỉa mai nó, bảo nó còn khóc thì khó lòng giết nổi Quý đen. Danh ngẩng đầu lên, vén áo thun lau ráo nước mắt.

Ông Nghị đập khẽ vai nó:
- Khóc nữa đi, bác nhiều lúc muốn khóc như cháu mà không khóc được. Già rồi, khóc người ta cười chết cháu nhỉ? Cháu khóc nữa đi...
Danh nuốt nước miếng pha trộn với nước mắt vòng vào mép nó:
- Cháu không khóc nữa, từ nay cháu không khóc nữa. Cháu thề không khóc nữa.
- Đừng thề chú bé.
- Cháu thề thật mà.
- Cháu nghe bác đi, đừng thề gì cả. Thề hôm nay, mai hối hận đấy, cháu ạ!
- Nhưng cháu thề trả thù cho thằng Lựa!

Danh đã buột miệng. Nó tiếp lời:
- Thằng Lựa bị rắn cắn chết, bác ơi!
Ông Nghị dập mẩu thuốc lá xuống đất. Ông nói vu vơ:
- Miếu Hòa Hảo này huyền bí quá chừng. Cháu biết không, vừa nghe người ở bến đò Thuận Giang kể chuyện lạ hơn ảo thuật. Họ bảo Đức Thầy sang làng Long Kiến thăm giáo dân bị lỡ đò. Đức Thầy thả cái nón ngồi lên khỏi cần chèo và cái nón lá lướt sóng qua sông nhanh hơn ghe máy.

Ông Nghị mỉm cười. Ông kéo sát Danh gần khít:
- Chú bé Thảo nói lại với bác rằng ba cháu chạy xích lô máy bị dập phổi, chết khổ lắm.
- Dạ
- Chú bé Thảo nói lại với bác rằng cháu không biết chữ.
- Dạ.
- Cháu không thích biết chữ, hả?
- Dạ.
- Này, chú bé Thảo nói chuyện của cháu cho bác nghe. Cháu không biết chữ thì sao đọc được truyện Tam Quốc?
- Cháu không cần đọc truyện Tam Quốc nữa!
Ông Nghị ngước mắt lên ngắm mấy con chim đang líu ríu trên cây xoài. Ông nói:
- Truyện Tam Quốc hay lắm, cháu ạ! Thế cháu đã biết truyện Tam Quốc chưa?
- Cháu mới biết một chút.
- Cháu kể bác nghe nào!
- Ba cháu biểu truyện Tam Quốc có thằng Trương Phi hét bự, thằng Quan Công mặt đỏ tựa giấy hồng điều, râu dài quá rốn. Hai thằng này chơi thân với nhau lắm, phải không hở, bác?
Ông nghị phá ra cười, Danh ngơ ngác:
- Bác cười gì vậy? Ba cháu nói sai hở, bác?
Ông Nghị lắc đầu:
- Không, ba cháu nói đúng. Nhưng sao cháu gọi Trương Phi và Quan Công là hai thằng?
Danh toét miệng cười:
- Cháu và thằng Lựa hay gọi vậy. Đứa nào tụi cháu cũng gọi là thằng hết trọi.
Ông nghị lại ngước mắt lên ngắm mấy con chím líu ríu trên cây xoài chưa bay. Ông kéo Danh:
- Cháu nhìn mấy con chim đi.
Danh nhìn theo ông Nghị, ngước mắt lên: Ông Nghị dựa hẳn đầu vào thân cây xoài.
- Mấy con chim còn non lắm, phải không cháu?
- Cháu không biết.
- Cháu muốn biết không?
- Để làm chi vậy bác?
- Để biết chim non hay chim già. Cháu cứ nghe lời bác.
Danh đứng lên nhặt viên gạch nhỏ. Nó đưa cho ông Nghị. Ông bảo nó:
- Cháu đuổi bọn chim đi!
Danh tung viên gạch lên cành cây. Lũ chim bay chuyền cành cây khác gần đó. Ông Nghị nói:
- Cháu biết chưa?
- Cháu chẳng biết gì cả!
- Chim non đấy, nó chưa bay xa được. Cháu có định ném nó chết nó cũng chỉ bay chuyển ngắn thôi. Nếu là chim già nó bay mất rồi.
Ông Nghị vẫy tay ra hiệu cho Danh về chỗ ngồi. Ông bỏ quên chuyện chim non, chim già.
- Cháu chưa biết Trương Phi, Quan Công còn chơi thân với một “thằng” nữa à?
- Chưa, ba cháu mới biểu thế thì đã chết.
Ông Nghị mím môi một lát. Rồi ông nói:
- Uổng quá. Cháu ạ, còn một “thằng” nữa, đó là “thằng” Lưu Bị.
Danh rửng rưng truyện Tam Quốc. Ông Nghị cũng biết thế. Ông vỗ vai nó:
- Cháu như chim non ấy, Danh ạ! Cháu chưa thể “giang hồ” một mình được đâu. Cháu phải học, phải đọc được truyện Tam Quốc chứ không, cháu không giết được con rắn Quý đen đâu.
Danh sửng sốt, ông Nghị nói tiếp:
- Cháu thương bạn cháu lắm, bác biết. Bác biết cháu đã nói dối bác, cháu sợ nói thật bác không dạy phóng dao.
Danh bỗng òa lên khóc. Ông Nghị ôm nó vào lòng, vỗ về nó:
- Cứ khóc đi chứ bé, để lớn lên hết khóc nổi rồi hối tiếc hồi con bé không khóc.
Danh khóc nức nở hơn. Nó quên hằn thằng Quyền, quên hẳn những lời thằng Quyền mắng mỏ nó khóc thương thằng Lựa. Ông Nghị ấp nó trong đôi tay giang hồ của ông, nhỏ nhẹ:
- Bác không trách cháu đâu, cứ khóc đi...
Danh cựa quậy trong lòng ông Nghị. Nó nấc lên từng cơn:
- Rồi bác có dạy cháu phóng dao không?
- À, bác sẽ dạy cháu phóng dao.
- Thật không bác?
- Thật mà, bác sẽ dạy cháu phóng dao.
Danh thoát đầu khỏi lòng ông Nghị:
- Cháu sẽ đâm trúng tim thằng Quý đen.
- Ừ, cháu sẽ đâm trúng tim nó.
- Nó sẽ hết làm vua đánh giày?
Danh ngừng lại. Ông Nghị hỏi:
- Rồi sao nữa hả, cháu?
Danh đưa tay quệt nước mắt:
- Cháu cũng chưa biết rồi sao nữa.
Danh chợt nghĩ ra, nó nói:
- À, cháu lại về sống với hè phố. Cháu nhớ hè phố lắm bác ơi!
Rồi không để cho ông Nghị hỏi thêm, nó kể luôn chuỗi ngày sống ở hè phố của tụi nó, bạn bè nó và Quý đen. Danh đã kể giấc mơ của thằng Lựa, của nó và cái chết thê thảm của bạn nó. Ông Nghị vừa hút thuốc vừa lắng tai nghe.
Buổi trưa ở Hòa Hảo thật yên lặng. Ông Nghị nghe rõ tiếng thuốc lá cháy. Và trong cái sự im lặng muôn đời của thôn ổ, ông Nghị còn nghe rõ cả tiếng bước chân của dĩ vãng vang vọng trong tâm hồn ông.
Thời thơ ấu của ông Nghị, tuổi thanh niên và những mối tình tuyệt đẹp. Ông nghị yêu một cô đào hát trẻ. Ông bỏ dở học hành, ăn cắp một món tiền đi theo người lưu diễn khắp phương trời. Gia đình ông từ bỏ ông. Ông không cần gia đình, chỉ cần cô đào hát. Hai người lấy nhau: lấy nhau vì tình.
Đào hát có người yêu đã xuống giá, có chồng còn xuống giá hơn. Tồi có bầu, cô đào hát xuống giá tới mức thê thảm. Ông bầu, nhà đạo diễn phải loại cô đào khỏi vai chính. Đồng lương sa sút. Tình yêu không đẹp nữa. Sự tan vỡ hứa hẹn khi đứa con của tình yêu ra đời.
Ông Nghị, bây giờ, như người mù. Khói tình đã vướng vào mắt ông, khó thoát, thì con bé Thảo lọt lòng mẹ, người vợ tình yêu của ông bắt đầu ruồng rẫy ông. Ánh đèn sân khấu và những mảnh tình vụn vặt quyến rũ cô đào trẻ hơn là sống gò bó với một người học trò kiết và đứa con nhỏ khóc oe oe tối ngày. Cô đào trẻ vĩnh biệt ông Nghị, để lại con bé Thảo cho ông và theo một kép chuyên đấu kiếm.
Ông Nghị thất tình thất chí. Nhìn lại, ông thấy cuộc đời ông rỗng tuếch, bơ vơ. Ông uống rượu, chửi người, hận thù đời. Gà trống nuôi con vất vả quá, ông đã phải làm đủ mọi nghề. Ông đâm ra từng trải và ưa triết lý vụn với bất cứ ai ông gọi là tri kỷ.
Giang hồ luyện cho ông nhiều tài vặt. Ngày kia, năm con Thảo lên bốn tuổi, ông gặp lại người yêu cũ cặp kè với kép tài hoa hơn ông thuở trước. Lòng ghen và sự căm thù trỗi dậy, ông Nghị đã chọn đúng dịp, đúng lúc, đúng chỗ, phóng hai lưỡi dao. Và hai kẻ khốn nạn gục ngã trên vũng máu.
Giết chết kẻ phụ tình và tình địch, ông Nghị vẫn chưa nguôi nổi hận đời. Ông uống rượu nhiều. Nhưng con Thảo càng lớn càng xinh xắn, dễ thương. Ông Nghị nghĩ đến tương lai con, ông bỏ rượu và tâm hồn ông dịu hẳn lại. Thời buổi khó khăn học hành dang dở, cuối cùng ông Nghị chọn nghề sơn đông bán thuốc. Hai bố con lưu lạc nhiều nơi. Tiền kiếm được, ông Nghị tiêu dè sẻn. Ông để dành để hy vọng có thể gởi con Thảo vào trường nội trú nhỡ bất thần ông chết.
- Cháu thương Lựa lắm, bác ạ! Cháu đã xâm hình nó và bốn chữ “Sống Chết Có Nhau”.
Danh phá tan sự suy nghĩ của ông Nghị. Nó chỉ ngón tay vào hình xâm:
- Cháu không biết chữ, nhưng tụi nó bảo bốn chữ này là “Sống Chết Có Nhau”.
Ông Nghị ngắm nghía Danh, khiến Danh bẽn lẽn. Ông Nghị dịu dàng:
- Cháu cứ nói tiếp đi.
Danh móc con dao của thằng Quyền tặng nó. Nó bấm tách một cái, lưỡi dao bật ra:
- Thằng Quyền bảo cháu chưa đủ “thớ” để giết Quý đen.
Ông nghị gật đầu:
- Cháu còn nhỉ lắm.
- Nhưng nếu bác dạy cháu phóng dao, cháu sẽ giết Quý đen dễ như giết kiến.
Nó nhìn ông Nghị phân vân:
- Mà cháu giết Quý đen có sao không hở, bác?
Ông Nghị dáp”
- Khi người ta quá đau khổ, người ta hoặc sẽ giết người không gớm tay hoặc sẽ hiền như đất.
Danh nói:
- Cháu chỉ giết Quý đen thôi, giết một thằng Quý đen thôi bác ạ!
Ông Nghị không nói chuyện phóng dao nữa. Ông dựa đầu vào thân cây xoài, đăm đăm thả hồn theo khói thuốc thơm. Khi điếu thuốc con mẩu ngắn, ông Nghị búng ra xa. Ông xoay người, kéo Danh gần lại:
- Cháu phải học chữ đã rồi học phóng dao sau.
Danh mếu máo, lắc đầu:
- Cháu không thích học chữ, cháu đã thề với nó, cháu không học chữ để nó đi học về nó đọc “pồ gam” tuồng cải lương và truyện Tam Quốc cháu nghe. Nó chết rồi, cháu không thiết gì nữa, cháu chỉ thích giết được Quý đen.
- Cháu giết Quý đen để trả thù cho Lựa à?
- Vâng, cháu trả thù cho thằng Lựa và bọn đánh giày. Chúng cháu cực lắm, bác ơi! Làm quần quật mà moỗi ngày phải đóng cho nó hai chục còn gì đâu. Thiếu nó, nó lôi lên lầu quật dây lưng da, quất cả khóa đồng vào mình mẩy...
Danh vừa nói vửa mường tượng những trận đánh người của Quý đen mà nó đã chứng kiến một lần. Không nén được căm hờn, Danh gầm lên:
- Mẹ mày, ông sẽ giết mày!
Tiếng thét của Danh vang đi xa. Nó giật mình, ngó ông Nghị thì ông nghị hất hàm, khuyến khích nó:
- Chưa giết được kẻ thù, cháu cứ chửi đi, chửi càng nhiều càng tốt.
Danh hơi nóng mặt:
- Cháu xin lỗi bác!
- Xin lỗi gì?
- Cháu đã chửi bậy.
Ông Nghị xiết cổ Danh vào cánh tay ông:
- Tại sao mày lại khổ sở thế hả cháu? Bác nghĩ đời thiếu gì thằng chó đẻ, đáng bị hành hạ mà chúng nó cứ sống phây phây. Cách ngôn dạy: khổ sở mới khôn ra vì nó là cái lò luyện người. Bác cho là láo toét. Mấy thằng làm cách ngôn có biết khổ là gì đâu, chỉ ngồi viết láo. Bác già nửa đời khổ sở, cuối cùng thì đi làm sơn đông, bôi hề bán thuốc gạo rang.
Danh ngạc nhiên. Nó thấy ông Nghị tự nhiên nói nhiều ngôn ngữ của nó. Danh hỏi khẽ:
- Bác đã giết ai chưa?
Ông Nghị phá ra cười:
- Bác hả, bác đã giết đời bác trước hết.
Danh há hốc mồm:
- Bác “cừ” thế sao bác bảo đã giết đời bác?
- Cừ gì đâu, cháu kể bác nghe.
- Bác biết phóng dao!
Ông Nghị cười to hơn, và hai giọt nước mắt ứa ra khỏi hai con mắt.
- Bác biết phóng dao nên gặp cháu bác mới đành đưa cháu đi xuống Hòa Hảo. Phải chi bác không biết phóng dao nhỉ?
Danh không hiểu gì. Ông Nghị cũng rõ nó không hiểu gì. Ông đưa tay xoa mặt:
- Cháu nhất định không học hả?
- Không, cháu đã biết truyện Tam Quốc rồi, chỉ biết có thằng Trương Phi và thằng Quan Công thôi bác ạ!
- Thằng Lưu Bị nữa.
- Thằng Lựa chưa biết có thằng Lưu Bị, bác ơi!
Ông Nghị nín thinh. Danh tưởng ông giận mình.
- Bác buồn cháu hở, bác?
- Không, cháu nghe bác, học chữ hơn là học phóng dao. Học phóng dao giết được Quý đen và giết luôn cả đời cháu. Học chữ không chắc giết được Quý đen nhưng đời cháu sẽ thay đổi, cháu sẽ không sợ lêu bêu ở hè phố nữa.
Danh không nói năng gì. Ông nghị bảo nó:
- Bác yêu con bé Thảo lắm. Bác muốn nó là con trai như cháu. Bác yêu nó như bác yêu cháu. Cháu hiểu không?
Danh nuốt nước miếng:
- Dạ, cháu hiểu.
- Cháu có thương em cháu không>
- Cháu thương lắm.
- Vậy cháu nghe bác, bỏ ý định phóng dao đi. Mai bác dạy cho học. Ít ra bác cũng dạy cháu đọc được truyện Tam Quốc, Truyện Ba Người Ngự Lâm Pháo Thủ.

Danh thắc mắc:
- Cháu biết chữ rồi bác có dạy cháu phóng dao không?
Ông Nghị vỗ vai Danh âu yếm:
- Cứ biết chữ đã, mọi chuyện tính sau, cháu ạ!
Không đề Danh hỏi thêm, ông Nghị nắm nay nó, lôi nó dậy:
- Đi ăn hủ tiếu đi cháu.
Danh ngoan ngoãn đứng lên. Nó phủi bụi ở đũng quần:
- Em Thảo có đi ăn không hở, bác?
- Chú bé đang ngủ ngon giấc. Thôi để nó ngủ, bác cháu mình ra quán. Bác uống cà phê, cháu ăn hủ tiếu.

Danh ngửi thấy hơi ba nó toát ra từ người ông nghị. Ông Nghị giống mặt ba nó quá, giống in hệt những lần nó câu cá giật được chiếc giày rách.
Bây giờ gánh Sơn Đông bán thuốc của ông Nghị đã về miền Đông. Sáu tháng lưu lạc miền Tây mầu mỡ ông Nghị đem Thảo, Danh và con khỉ tới miền Đông nghèo nàn, xơ xác.  Danh đã tạm quên Quý đen, tuy nó vẫn nhớ thằng Lựa.  Dạo này nó biết đọc biết viết, nó càng nhớ thằng Lựa.

Nhiều khi ngồi một mình, Danh thường vén ống tay áo lên, nói chuyện với thằng Lựa.  Nó tưởng chừng như cái hình xâm hiểu hết những điều tâm sự của nó.  Và những lúc ấy là lúc nó sống lại với vĩa hè, với cuộc đời không ngày mai của những bạn hẩm hiu giống nó.

Hôm nay, ông Nghị bán thuốc ở Trảng Lớn.  Trảng Lớn toàn là rừng là rừng, cách thị xã Tây Ninh chừng ba, bốn cây số.  Từ ngày dân di cư ở đây, Trảng Lớn mới có một cái nhà thờ.  Rồi dân địa phương cũng tìm về cất nhà chung quanh trại nên Trảng Lớn biến thành một cái làng như làng Bắc Việt.

Chợ tan, Danh phụ giúp ông Nghị thu dọn đồ nghề.  Ăn cơm xong xuôi nó không ngủ trưa, lần mò ra con suối nhỏ ngắm đỉnh núi Bà Đen.  Danh cởi phăng áo, chỉ mặc mỗi chiếc quần sà lỏn.  Nó dầm hai chân xuống nước.  Nước làm Danh thèm tấm.  Nó lội ra giữa giòng nằm ngửa gối đầu trên một phiến đá mòn.

Nước suối cạn, trong vắt, vừa ngập thân thể Danh.  Nó vã nước vào cánh tay trái, toét miệng cười:
   - Mát không hở, mày ? Ờ mát hé !

Tao kể chuyện  này cho mày nghe nhá Lựa nhá! Hay chứ, chuyện này "chì" hơn chuyện Tam Quốc nhiều.  Mày muốn nghe không?  À, truyện "Bạch Tuyết với bảy thằng lùn".  Mụ Phù thủy còn ác mấy trăm lần Quý đen mày ạ !  Mẹ kiếp, mụ Phù thủy cho Bạch Tuyết ăn trái táo có thuốc độc mày ơi ! Mấy thằng lùn tốt ghê, nó chôn Bạch Tuyết bằng cái hòm thủy tinh.  Rồi Bạch Tuyết không ngỏm mới kỳ cục chứ.  Sao, mày bảo chuyện hay hở.  Để rồi tao kể chuyện " Nàng công chúa ngủ trong rừng " cho mày nghe.  Hè hè, chuyện này tuyệt cú mèo, mày ạ ! Mày có nghe không ?

   Ông dìm mày xuống nước bây giờ.
   Danh làm bộ giận dữ ngâm cánh tay xuống lòng con suối:
   - Tha hồ mà uống nước nhá, Lựa nhá !
   Nó nhấc cánh tay lên:
   - Thôi thôi, tao xin lỗi mày, Lựa ơi ! Mày đừng bỏ tao nữa.  Mày trở lại viện mồ côi, tao buồn chết mất.
   
   Một chuổi cười ròn tan, khiến Danh giật mình.  Nó chưa kịp ngoái đầu lên bờ thì tiếng nói đã tiếp chuỗi cười:
   - Ê, kể chuyện thằng Lựa, hở ?
   Danh xấu hổ.  Nó đã nhận ra tiếng nói của con Thảo.  Danh xoay người, nằm sấp.  Thảo hỏi:
   - Tắm mát không ?
   - Mát lắm.
   Cho em tắm với nhé !
   - Ừ, xuống đây tắm đi.
   Con Thảo chạy phăng từ trên bờ xuống giòng suối.  Nó để nguyên quần áo, dầm mình.  Danh ngạc nhiên:
   Không cởi áo à ?
   - Không.
   - Không cởi áo ướt thì sao ?
   - Ướt thì thôi.  Cởi áo kỳ chết !
   - Kỳ cái gì ?
   Không biết.
   Thảo chụm hai bàn tay, múc nước tạt vào mặt Danh.  Thằng bé hét lên :
   - Thôi, cay mắt người ta ...
   Thảo cười thích chí :
   - Cay mắt người ta chứ đâu có cay mắt em.

   Nó tiếp tục tạt vào mặt Danh.  Danh nhắm mắt lại.  Nó nằm im không thèm nhúc nhích.  Nó thấy nó đã nói dối.  Nước không làm cay mắt nó.  Nước chỉ làm mát rượi tâm hồn nó, rửa sạch con đường lưu lạc đầy rác rưởi ngoài hai mươi năm nay để kỷ niệm thơ ấu của nó trở về với nó.

   Hồi ba nó còn sống, Danh thường cùng bọn nhãi trong xóm bơi lội dưới sình khi nước lên.  Nước sình bẩn lắm.
   ... 54 chữ
  
   Mấy đứa rủi ro "gặp nạn", cáu tiết nhào xuống nước té, vật lộn với những đứa chế nhạo mình.  Và cuộc thủy chiến hào hùng xẩy ra.  Nước dơ bắn tóe vào mắt cay sè.  Lúc cuộc chiến ngừng, đứa nào đứa ấy mặt mày tái mét, mắt đỏ ngầu.  Nhưng vẫn thích té nước vào mắt nhau.

   Từ ngày rời Khánh Hội sốngl ang thang ở vỉa hè, Danh chỉ được tắm ghé ở "phông tên" về buổi trưa hay đêm khuya.  Nó không được tắm sình, bơi lội nghịch ngợm nữa.  Mãi hôm nay nói mới lại được tạt nước vào mặt.  Danh nằm yên cho dĩ vãng sống dậy.

   Con Thảo tạt nước hoài mà không thấy Danh tại lại mình thì ngừng tay.  Danh vuốt mặt, mở mắt hỏi :
   - Mỏi tay rồi à ?
   - Đâu có.
   - Sao không té anh nữa đi ?
   - Tại anh không té em.
   Danh trườn người rồi ngồi trên phiến đá mòn.  Nó nhìn con Thảo, nhìn cái răng khểnh của Thảo, nhìn đôi mắt nai tơ của Thảo đang nhìn nó.  Nó khoanh đôi tay vào ngực:
   - Té em cay mắt em thì sao ?
   - Thì thôi.
   Danh lắc đầu.
   - Không được đâu.
   Thảo ngúng nguẩy:
   - Sao mà không được hở, anh ?
   - Nước vào mắt em đau mắt chết.
   - Đã có thuốc của bố em.
   Danh bỗng ré lên cười.  Khiến Thảo ngạc nhiên:
   - Anh cười cái gì thế ?
   - Đâu có cười em.
   - Thế anh cười ai ?
   - Anh cười thuốc đau mắt của bố em.
   Thảo chợt hiểu ra.  Con bé toét miệng.
   - Ờ nhỉ, thuốc của bố em không hay hé, anh ?
   Nó ngây người giây lát rồi lại bảo Danh:
   - Nhưng anh cứ té nước em đi, không sợ đau mắt đâu.
   Danh đứng lên:
   - Thật hở ?
   Thảo nũng nịu:
   - Thật mà ...

   Và con bé lại cúi xuống múc nước vào đôi bàn tay tạt Danh, Danh tạt lại, hai đứa bé đùa rỡn nhau.  Con suối nhỏ xao động.  Bọn chim đậu trên cây bên bờ suối líu lo chuyền nhẩy.  Chúng nó không bay.  Và dường như, loài chim cũng bắt chước đôi trẻ nghịc ngợm cho vui rừng vui suối.

   Thảo bị nước bắn tung tóe vào mắt phải nhắm nghiền mắt lại.  Nó loạng choạng và ngã xuống suối.  Danh chạy tới đỡ Thảo, lôi lên bờ.  Nghịch một lúc hai đứa cùng mệt nhoài.  Chúng nó nằm ngửa, mặc cho nắng chiều chói mắt.

   Danh vòng đôi bàn tay làm gối gối đầu.  Nó bảo Thảo:
   - Em có đau không ?
   Thảo nhỏ nhẹ:
   - Không đau, nghịch nữa đi anh !
   - Thôi.
   - Ừ thôi, nằm cho khô tóc.  À, lúc nãy anh định kể chuyện "Công chúa ngủ trong rừng" cho Lựa nghe, hở ?
   - Ừ.
   - Anh kể tiếp đi.
   - Anh chưa nhớ hết chuyện, mới đọc có ba tờ.
   Thảo trách:
   - Thế mà đòi kể.  Để em kể cho anh nghe nhé !
   Ừ, em kể đi.

   Hai đứa nằm phơi nắng bên con suối nhỏ.  Danh vắt tay lên che nắng.  Còn Thảo nhắm nghiền mắt lại y hệt "Công chúa ngủ trong rừng".  Khác chăng là công chúa Thảo không nằm dưới gốc cây và miệng tươi như hoa dại sớm mai đang kể chuyện thần tiên cho thằng Danh nghe.

   Tự nhiên, chim chóc thôi líu lo.  Trưa rừng dường như dài ra.  Tiếng suối róc rách chảy tiếng những con mối bò trên lá khô và tiếng con Thảo cùng chui vào hai tai thằng Danh để thấm vào tâm hồn nó.

   - ... " Thế rồi, có một vị hoàng tử đi săn lạc vào khu rừng.  Hoàng tử trông thấy công chúa nằm ngủ mê mệt.  Hoàng tử đứng ngắm hàng giờ không chán mắt.  Hoàng tử ngắm công chúa đến nỗi quên cả sợ hãi vì hoàng tử bị lạc mà ... Hoàng tử mê công chúa liền.  Hoàng tử đến gần công chúa.  Công chúa vẫn ngủ.  Hoàng tử cúi xuống hôn nhẹ lên môi công chúa.  Công chúa từ từ mở mắt.  Công chúa đỏ mặt xấu hổ.  Hoàng tử cũng đỏ mặt xấu hổ.  Rồi chả biết hai người nói năng với nhau những gì.  Vừa lúc đó, bọn lính của hoàng tử tìm được hoàng tử.  Hoàng tử mừng rở, dắt tay công chúa lên kiệu.  Về sau, hai người lấy nhau.  Hoàng tử làm vua, công chúa là hoàng hậu, ăn ở hiền lành, đẻ ra một lô con đẹp như hoàng tử và công chúa ..."

   Tiếng con Thảo nhỏ lần, nhỏ dần rồi tắt luôn.  Tay nó ấp trên ngực.  Bóng nắng đã đi quá xa.  Mắt hai đứa trẻ không còn bị chói.  Danh chống tay ra sau lưng nhỏm người nhìn Thảo.  Con bé đã ngủ.

   Danh đứng lên.  Quần nó khô rồi.  Chắc quần áo của con Thảo cũng khô rồi.  Nó ngắm con Thảo ngủ cơ hồ hoàng tử đi săn lạc vào rừng ngắm công chúa ngủ.  Danh lẩm bẩm:
   - "Hoàng tử đến gần, công chúa vẫn ngủ.  Hoàng tử cúi xuống, hôn nhẹ lên môi công chúa".

   Danh mỉm cười.  Nó vội vàng quay mặt đi rồi xuống suối vục mặt cho nước ướt cả đầu tóc.  Danh vuốt mặt.  Nó thấy cái bóng nó in trên mặt nước.  Danh mới hay nó đã hơi lớn.  Và nó hiểu tại sao con Thảo không cởi trần tắm như nó.

   Danh vội lên bờ mặc áo.  Nó liên tưởng đến những phim cao bồi nó và thằng Lựa đã xem.  Thỉnh thoảng có pha con gái đẹp của ông chủ trại ôm chàng cao bồi hôn nhau.  Nhưng Danh chưa biết hôn để làm gì và hôn có cảm giác gì.  Có khoái bằng hút thuốc lá "Ách chuồn" không ?
   - "Hoàng tử đến gần công chúa.  Công chúa vẫn ngủ.  Hoàng tử cúi xuống, hôn nhẹ lên môi công chúa.  Công chúa từ từ mở mắt".
   Danh phỏng chừng thay vì gọi ơi ới đánh thức công chúa tựa thằng Lựa gọi nheo nhéo đánh thức nó, hoàng tử đã hôn lên môi công chúa.  Hôn để đánh thức dậy.  Danh đến gần Thảo.  Con bé vẫn ngủ.

   Nó đứng tần ngần bên con bé hơi lâu.  Song con Thảo không hề biết.  Danh đã định gọi Thảo.  Mấy lần nó toan mở miệng.  Lại thôi.  Danh cảm thấy tai nó nóng, tay chân nó luống cuống, tim nó đập mạnh.

   Nó đã cắn môi thật đau, nắm tay thật chặt rồi mới bắt chước hoàng tử, cúi xuống.  Danh cúi xuống.  Nó nhìn khuôn mặt xinh xắn của con Thảo.  Nó nhìn trước nhìn sau sợ có người trông thấy nó.  Danh thở dồn dập.  Nó đứng lên.

   Đứng một lúc, nó lại cúi xuống.  Danh luống cuống.  Nó đã tìm ra cảm giác khi định hôn lên môi một đứa con gái.  Đó là thứ cảm giác sợ bị mắng.

   Danh đưa lưỡi liếm môi.  Nó muốn gọi Thảo.  Lại muốn con Thảo ngủ rất say, rất lâu.  Danh chớp mắt lia lịa.  Nó cúi xuống, cúi thấp xuống.  Và nó dán môi nó lên môi con Thảo không muốn rời nữa.

   Thảo từ từ mở mắt.  Y hệt chuyện "Công chúa ngủ trong rừng".  Con Thảo đỏ mặt xấu hổ.  Thằng Danh xấu hổ luôn.  Nó không dám nhìn Thảo.  Một lát, Thảo đập vào người Danh.  Danh quay lại.  Hai đứa toét miệng cười.  Bây giờ, Danh tìm ra cảm giác khác.  Đó là thứ cảm giác không biết so sánh với sự sung sướng nào trên đời.  Cảm giác tuyệt cú mèo !

   Suối rừng lại im lặng.  Hai đứa trẻ nhìn nhau không chớp mắt.  Con Thảo bĩu môi rất đáng yêu:
   - Anh mà đòi làm hoàng tử hở?
Danh gật đầu.  Nó có cần biết hoàng tử là cái gì đâu mà chẳng gật đầu.
   Thảo cười rộ:
   - Hoàng tử gì mà mặc quần sà lỏn vậy cà ?
   Danh nằm dài ra.  Thảo cũng nằm bên Danh.  Thằng bé hỏi:
   - Thế hoàng tử mặc quần gì ?
   - Không biết.
   - Không biết mà đòi hạch người ta.
   Thảo ranh mãnh.
   - Ai thèm hạch người ta.  Em hạch anh đấy chứ.
   - Ừ nhỉ !

   Sống bên ông Nghị, lại đã biết đọc sách, Danh khôn ngoan và thông minh ra.  Sách truyện và những câu chuyện của ông Nghị mở cho Danh một con đường mới.  Nó mới hiểu, biết chữ không phải chỉ để đọc mấy cái "pồ gam" tuồng cải lương chớp bóng.  Sách truyện đã cấy tâm hồn nó cơ hồ người nông phu vỡ đất hoang cấy lúa trồng khoai...  Nó mới hiểu tại sao con nhà Lựa đứng cả buổi trước cổng trường mà không mỏi chân, chán tai.  Nó lại càng thương thằng Lựa.

   Giá chỉ sống với ông Nghị thôi, lớn lên nó sẽ thành ông Nghị, thành một thứ người đau khổ quá hóa thành hiền lành.  Nhưng Danh được sống bên cạnh con Thảo nữa nên đó lây cái hồn nhiên, thơ ngây của Thảo.  Nó cũng hồn nhiên, ngây thơ, đáng mến.  Nó hầu như quên hết ngôn ngữ hè phố của tháng ngày lưu lạc đánh giầy.
   - Cái gì anh cũng ừ nhỉ ?
   Danh bị Thảo cắt đứt cảm nghĩ vụn vặt.  Nó nhếch mép cười:
   - Chả ừ nhỉ thì nói sao ?
   Thảo nghiêng người sang phía Danh:
   - Anh không biết câu gì khác à?
   - Không.
   - Em dạy anh nhé!
   - Ừ.
   Thảo lại bĩu môi.
   - Ừ ư, tưởng dễ hở, phải mất cái gì chứ ...
   Danh thật thà:
   - Mất cái gì?
   Thảo lấy hai ngón tay xoăn xe mấy sợi tóc ...
   - Anh xem anh có cái gì?
   Danh nghĩ một lát:
   - Anh chả có cái gì.
   Rồi nó ngồi nhỏm dậy:
   - À, anh có con dao.  Anh mất con dao với em nhé!
   Thảo lè lưỡi!
   - Ai thèm dao.
   Danh tròn mắt:
   - Ơ, con dao quý lắm, con dao của thằng Quyền.  Em biết không con dao này thằng Quyền đã ...
   Danh kịp ngừng lại.  Con Thảo hỏi:
   - Anh kể nốt đi.
   Danh xua tay:
   - Chuyện kỳ thấy mồ.
   Danh phịa:
   - À, con dao này thằng Quyền đã ... đã ... đã cắt tiết một con gà mái.
   Thảo cười thành tiếng:
   - Thế mà cũng quý!

   Danh vui miệng phịa thêm:
   - Nhưng con gà mái này thằng Quyền ăn cắp của người ta, nó lấy cái rổ chống lên bằng khúc cây.  Rồi nó buộc giây vào khúc cây.  Cửa nó rắc gạo, nằm ở xa.  Con gà mái ngu dại rũ bầy gà con vào ăn gạo.  Thằng Quyền giật giây.  Cái rỗ úp chặt lấy mẹ con gà mái.
   Con Thảo thích chí.  Nó chống tay vào mang tai lắng nghe ...
   - Rồi nói bắt con gà mái, tha tội cho lũ gà con.
   Thảo nhăn mặt:
   - Mất mẹ thì tụi gà con ở với ai ?
   - Nó kêu liếp nhiếp một lúc rồi lại chọi nhau chí chết.
   - Tội nghiệp nhỉ ?
   - Thằng Quyền tóm cổ con gà đem về cắt tiết.  Nó vừa vặt lông cổ cứa lưỡi dao và da con gà thì con gà dẫy mạnh.  Em biết không, móng con gà sắc quá đâm vô bàn tay anh.
   - Thằng Quyền ác ghê, nó giết mẹ của tụi gà con.
   Danh nói tiếp:
   - Anh buông con gà ra.  Nó kêu "om sòm" rồi vỗ cánh chạy.  Nó không bay được.
   - Rồi sao nữa?
   - Rồi con gà mái về với bọn gà con.  Mấy hôm sau cổ nó lành vết thương.
   Con Thảo "à" một tiếng khoan khoái.  Danh hỏi:
   - Chuyện hay không?
   - Hay lắm.
   Giá con Thảo hỏi nhà con gà ở đâu, nhà thằng Quyền ở đâu, chắc chắn thằng Danh bí.  Cũng may, con Thảo chỉ hỏi chuyện gà:
   - Bọn gà con gặp mừng không hở, anh?
   - Mừng là cái chắc.
   Thảo bỗng quên chuyện con dao quý của thằng Quyền chuyện dạy thằng Danh nói câu khác thay cho hai tiếng "ừ nhỉ".  Nó chớp mắt giọng buồn buồn:
   - Giá em cũng gặp lại mẹ em, anh nhỉ?
   Danh an ủi Thảo:
   - Em còn bố em sướng chán.
   - Nhưng bố không phải là mẹ.  Còn cả bố lẫn mẹ chắc sướng nhiều nữa.  Bố em bảo em giống mẹ.  Chắc mẹ em chết khổ lắm anh nhỉ? Vừa đẻ em đã vội chết chắc mẹ em đau nặng.  Em chả biết mặt mẹ em ra sao.  Bố không có ảnh mẹ.
   Danh đăm đăm nhìn Thảo:
   - Mẹ em đẹp lắm.
   - Sao anh biết ?
   Danh ngập ngừng một lát rồi nói:
   - Vì vì ... mẹ em giống em ...
   Má con Thảo đỏ ửng.  Nó nhắm nghiền mắt lại:
   - Em mà đẹp hở, anh ?
   Danh quay mặt, tránh tia mắt nhìn bất chợt của Thảo:
   - Em đẹp thật mà ...

   Im lặng.  Chỉ còn tiếng chim líu lo tiếng suối chảy róc rách, tiếng loài mối di chuyển trên lá khô và tiếng trưa rừng thủ thỉ với thời gian rằng sắp nhường chổ cho chiều tối.  Danh bảo Thảo:
   - Về đi Thảo ơi, trể rồi.
   Nhưng Thảo không trả lời, Danh giục:
   - Về đi kẻo bố mong.
   Thảo đãtoan ngồi dậy.  Nghĩ sao nó nói:
   - Lại đây anh.
   - Lại làm gì?
   - Thì anh cứ lại đây em bảo cái này.
   - Bảo cái gì?
   - Anh lại gần em đã nào.
   - Thôi về đi.
   - Về làm chi ?
   - Anh về học đây.
   - Ở đây em dạy anh.

   Danh ngoan ngoãn xích gần đến chỗ Thảo.  Con bé lấy tay ra hiệu.
   - Anh nằm xuống bên em đi.
   Danh ngần ngừ:
   - Thôi về đi.
   Tuy thế nó vẫn nghe lời con Thảo.  Hai đứa nằm sát bên nhau.  Danh duỗi cánh tay ngang ra cho Thảo gối lên.  Con bé mặc kệ Danh nâng đầu nó.  Nó cảm thấy cánh tay nhỏ của thằng Danh êm hơn gối bông.  Thằng Danh thì cảm thấy đầu con Thảo nhẹ như bông.  Nó, có thể, dùng cánh tay làm gối cho con Thảo suốt đời cũng không mỏi.

   Thảo đặt bàn tay lên ngực Danh.
   - Lớn lên anh làm nghề gì?
   Danh nghẹn thở.  Đầu con Thảo nhẹ thế sao bàn tay nó nặng thế?  Dần dần sức nặng bớt đi.  Danh thấy tâm hồn nó lâng lâng ...  Thảo hỏi lại, tiếng nói của nó thoang thoảng tựa tiếng nhạc cổ điển.
   - Lớn lên anh làm nghề gì?
   Danh nắm lấy tay Thảo:
   - Anh chưa biết làm nghề gì.
   - Bố em không bảo anh à?
   - Ừ.
   - Lớn lên anh đừng đi bán thuốc như bố em nhé!  Bán thuốc vẽ hề, làm trò, kỳ cục và cực muốn chết, anh ạ!
   - Ừ.  Thế lớn lên em làm gì?
   Thảo phân vân.  Hai bàn tay của hai đứa trẻ đang đan lấy nhau.
   - Em ấy à ?
   - Chứ ai!
   - Lớn lên ... Anh đừng chế em nhá !
   - Ừ.
   - Em sợ anh chế em quá đi thôi.
   - Anh không chế em đâu.
   - Thật nhé !
   - Ừ.
   - Anh thề đi!
   - Thề gì?
   - Thề độc địa cơ.
   - Ừ, anh mà chế em, anh sẽ bị xe cán chết.

   Thảo rút tay khỏi bàn tay Danh bịt miệng Danh:
   - Thề gì kinh thế, anh thề lại đi.  Bị xe cán chết như thằng Lựa sợ thấy mồ.
   - Ừ nhỉ !
   - Lại "ừ nhỉ" nữa.
   Danh vuốt ve bàn tay Thảo:
   - Thế nói làm sao ?
   - Anh thề lại đi.
   - Thề thế nào ?
   - Thề nhè nhẹ một tí.
   - Anh mà chế em thì anh là con khỉ!
   Danh đẩy ngón tay cái của Thảo vào giữa hai hàm răng của mình, cắn khẻ một cái.  Khiến Thảo "ái" trách móc:
   - Nhỡ chẩy máu thì sao ?
   - Ai bảo bắt người ta thề hoài.  Chịu thôi không thề đâu.
   Thảo hất tay Danh ra:
   - Không thề thì em chả nói nữa, câu này hay lắm cơ ...
   - Anh thề rồi mà.
   - Nhưng anh thề sợ ghê ghê là ...
   Danh muốn nắm tay Thảo, mặc cả:
   - Để anh cầm tay em nhé !
   - Không thèm, nghỉ anh ra luôn.
   - Anh thề lại nghe em.
   Thảo chộp lấy bàn tay Danh dục:
   - Thề đi.
   - Anh mà chế em anh là con khỉ !
   Thảo xiết chặt tay Danh:
   - Thật nhé !
   - Ừ.
   - Em nói xong cấm anh cười nhé !
   - Ừ.
   - Thề lần nữa đi.
   - Anh mà chế em thì anh là con khỉ !
   - Thật nhé !
   - Anh hỏi lại em đi.

   Danh muốn cuộc đời nó mãi mãi như lúc này.  Để nó không thèm biết tương lai nó ra sao, nó không thèm nhớ tới Quý đen nữa.  Danh muốn thời gian kéo dài vô tận.  Nó ỡm ờ.
   - Hỏi gì ?
   - Hỏi câu lúc nãy ấy.
   - Quên mất rồi.
   - Để em nhắc giùm nhé !
   - Ừ.
   - Anh hỏi " lớn lên em làm gì " đi.
   - Lớn lên em làm gì ?
   - Anh đừng chế em cơ.
   - Ừ.
   - Anh thề đi.
   - Thề rồi thôi.
   - Thề nữa đi.
   - Anh mà chế em thì anh là con khỉ !
   - Thật nhé !
   - Ừ.

   Tâm hồn Danh chơi vơi.  Tim nó ngừng đập.  Mắt nó chỉ nhìn thấy chiếc răng khểnh duyên dáng của con Thảo.
   - Anh bằng lòng không ?
   - Bằng lòng gì ?
   - Bằng lòng lớn lên lấy em không ?
   Danh đưa cả hai tay nắm chặt lấy bàn tay thon mềm của Thảo.  Nó ấp tay Thảo vào giữa ngực nó :
   - Anh thương emm như thương thằng Lựa.
   Thảo ngúng nguấy:
   - Thương hơn cơ.
   - Ừ, thương hơn.
   - Ngày xưa, anh với thằng Lựa mơ ước nhiều lắm, em ạ !
   - Anh mơ ước gì ?
   - Anh mơ có cái nhà lá.
   - Có thế thôi à ?

   Danh để hồn nó về dỉ vãng:
   - Anh trồng cây vú sữa, nuôi hai con gà mái và một con trống.  Rồi anh có một đàn gà con.  Còn thằng Lựa nuôi chó "xi".  Anh ghét nó lắm, sợ nó đuổi gà của anh.  Nhưng thằng Lựa bảo rằng nó sẽ dạy con chó của nó không đuổi gà của anh.  Em biết không, sáng sớm nghe con gà trống của mình nó vỗ cánh gáy thì tuyệt cú mèo !
   - Có thế thôi à ?
   - Thằng Lựa còn dạy con chó "xi" của nó ngoạm cái bàn chải nữa.
   - Có thế thôi à ?
   - Nó đi học, nó sẽ đọc chuyện Tam Quốc cho anh nghe.  Đêm mưa, thấp ngọn đèn mà đọc chuyện thì sướng rên lên, thằng Lựa bảo thế.
   - Có thế thôi à ?
   - Ừ, có thế thôi, có thế mà chẳng nên thân.  Mơ mãi sắp thành thì lại vỡ ngay ...

   Giọng Danh buồn buồn, khiến con Thảo ngậm ngùi.  Nó thấy nước mắt của thằng Danh ứa ra.  Thảo không biết mặt thằng Lựa thế nào.  Nhưng nó cứ nhận được thằng Lựa đang dạy con chó "xi" ngoạm cái bàn chải trong đôi mắt đẫm lệ của thằng Danh.
   Danh mặc kệ cho nước mắt nó rơi xuống má vòng vào miệng nó.  Nó nói khẽ:
   - Em có thích nuôi chó "xi" không ?
   - Em thích lắm.
   - Em có thích ở nhà lá không ?
   - Em thích lắm.
   - Em có thích nuôi hai con gà mái và một con gà trống không ?
   - Em thích lắm.
   - Em có thích trồng cây vú sữa không ?
   - Em thích lắm.
   - Em thích cả những thứ mà anh thích à ?
   - Vâng ạ !

   Danh ngạc nhiên đến xao xuyến.  Lần đầu tiên con Thảo "vâng a" với nó.  Danh xiết chặt tay Thảo.
   - Đau quá anh ơi !
   Danh bối rối:
   - Đau thật hở, em ?
   - Vâng.
   - Anh xin lỗi em nhé !
   Thảo ấp tay lên ngực Danh:
   - Lại hết đau rồi, anh ạ !
   Danh không còn chuyện gì để nói với Thảo nữa.  Đôi bàn tay của hai đứa trẻ đan lấy nhau cơ hồ kết thúc câu chuyện  "lớn lên làm gì" của hai đứa.  Bỗng nhiên, Thảo hỏi:
   - Sao trống ngực anh đập mạnh thế ?
   Danh nhắm mắt lại:
   - Không biết nữa.
   - Anh nói dối.
   - Thật mà.
   Danh lẩm bẩm trong miệng:
   - Rồi mình sẽ không phải lưu lạc nay đây mai đó nữa.  Anh sẽ có cái nhà ở Khánh Hội ...
   Thảo nghe rõ, nói tiếp:
   - Anh trồng vú sữa, nuôi gà, em nuôi chó "xi" anh bằng lòng không ?
   Danh mỉm cười.  Đôi mắt nó hiện ra những hình ảnh đẹp tuyệt vời.  Nó ghé sát tai Thảo, thầm thì.
   - Anh bằng lòng lắm.

   Hai đứa cùng đứng dậy phủi bụi bám đầy quần áo.  Rồi chúng nó dắt nhau rời khỏi con suối nhỏ.  Nỗi vui đang nhẩy múa trong tâm hồn thằng Danh.
Ngày tháng, đối với Danh bây giờ cứ vùn vụt trôi qua.  Nhắm mắt ngủ một tí đã sáng.  Nói chuyện với con Thảo một lát đã tối.  Mùa đông trong cuộc đời ấu thơ của hai đứa trẻ hầu như đã hết.  Và mùa xuân tới làm cho môi con Thảo hồng lên, làm cho Thảo xanh mướt và đôi mắt thằng Danh bớt ngơ ngác, u buồn.  Rồi mùa hạ về.  Mùa hạ là hoa kết trái, là mùa cây cối vươn mình lên cao.

 Như hai cây đu đủ, hai đứa trẻ mồ côi, lưu lạc cũng vươn minh cao lên.  Con Thảo đã biết ngượng ngùng mỗi lần đi bên Danh ở chỗ đông người.  Còn thằng Danh đã biết dấu cái lược trong túi quần.  Đôi lúc Danh lén lút sấp nước ướt tóc rồi hí hoáy rẽ ngôi.  Nó ngắm mái tóc chải kỹ lưỡng, ngắm khuôn mặt của nó một cách say mê.  Nhưng chỉ một lát, Danh lại cất gương lược, xoa bù đầu tóc.  Nó sợ con Thảo chế nhạo nó.

 Danh đâu có biết, con Thảo cũng sắm cái gương cái lược.  Và hơn cả Danh, nó còn để dành tiền mua ve nước hoa hai chục đồng.  Sự hồn nhiên biến dần đi.  Danh và Thảo cũng không thích làm trẻ con nữa.

 Ông Nghị hiểu Danh đã lớn khôn và con gái ông chớm mơ mộng.  Hơn một năm trời rồi còn gì nữa.  Má ông nhiều vết nhăn thì tóc con Thảo phải dài ra.  Tâm hồn ông se sắt để cho tâm hồn con gái ông cởi mở.  Ông Nghị hiểu con gái ông đang là cái lồng kết đầy hoa và cửa đã mở.  Và thằng Danh là con chim trôi dạt từ phương trời xa sắp xà xuống chui tọt vào lồng.

 Ông Nghị bằng lòng lắm.  Ông sẽ không xua đuổi cánh chim côi cút đó.  Song ông Nghị muốn chim hót thật hay để xứng với cái lồng kết đầy hoa của ông.  Một hôm, ông Nghị rủ Danh ra quán hủ tiếu.  Ông gọi hai ly cà phê.  Danh ngạc nhiên hỏi.
 - Bác uống liền hai ly ?
 Ông Nghị cười:
 - Bác uống một ly " con " một ly.

 Danh càng ngạc nhiên.  Nó tự hỏi không biết tại sao đang kêu mình bằng "cháu", ông Nghị lại kêu nó bằng "con".  Tiếng "con" nghe thân thiết làm sao.  Hồi ba nó còn sống, thường chỉ gọi nó bằng "mày".  Hôm nào âu yếm lắm mới gọi nó bằng "con".  Nó cố nhớ và có thể đếm được những tiếng "con" ba nó đã gọi nó.  Những bận Danh ốm, ba nó mua cho nó trái táo, rờ nó, hỏi nó:
 - Con bớt chưa con ?

 Những lần ba nó buồn bực, mắng nó hay bợp tai nó rồi tối về đi xem cải lương, vuốt tóc nó:
 - Con muốn ăn mỳ vịt không con ?
 Những lần nó bị bắt nạt, ba nó chửi bới om sòm tụi bắt nạt nó rồi cầm tay nó, hỏi nhỏ:
 - Nó đánh con đau không hả, con ?

 Mấy năm trời lưu lạc, nó không còn được nghe tiếng "con" tha thiết rót vào tai nó.  Nó thèm thuồng và thèm thuồng quá thành ra hết dám thèm thuồng.  Nay, bỗng dưng, ông Nghị đánh thức sự khát khao của nó đã chết giấc từ lâu dậy.  Danh cảm động đến nghẹn lời.

 Nó mấp máy đôi môi, muốn nói gì mà chẳng nói được.  Ông Nghị bảo Danh:
 - Bây giờ con uống cà phê được rồi.
 Danh chớp mắt.  Miệng nó méo xệch đi một cách thê thảm.  Ông Nghị ngọt ngào:
 - Con sợ cà phê à ?
 Danh lắc đầu.  Nước mắt nó ứa ra:
 - Không ... cháu ...
 Ông Nghị xua tay !
 - Đừng, đừng khóc nữa con, con lớn rồi đâu còn bé như năm ngoái.  Giờ có buồn thì đọc sách chứ đừng khóc nghe con.
 Danh mím môi để khỏi bật ra tiếng nấc.  Ông Nghị vẫn ngọt ngào, bao giờ ông cũng ngọt ngào.
 - Con sợ uống cà phê riết rồi nghiện cà phê hả ? Đừng sợ.  Trong đời một người con trai nếu về sau có muốn nên thân, thì chỉ tránh nghiện có ba thứ là thuốc phiện, rượu và cờ bạc.
 Danh đã đưa tay quyệt nước mắt:
 - Thưa bác ... cháu ...
 - Gì con ?
 - Cháu ... sao bác ... gọi cháu .. bằng con ...
 Ông Nghị đặt điếu "Ách chuồn" lên môi.  Ông quẹt diêm mồi thuốc.  Nhả một làn khói, ông Nghị nói:
 - Thì bác coi cháu như con Thảo.  Bác gọi cháu bằng con chứ sao.  Cháu không thích làm con bác à ?
 Giá ở chỗ khác, không là quán hủ tiếu, chắc Danh đã lăn xả vào lòng ông Nghị nức nở.  Nhưng ở đây, dẫu muốn khóc, như lần mẹ chết, như lần cha chết, như lần thằng Lựa chết, Danh cũng đành ngậm miệng.  Nước mắt nó lại ứa ra.  Giá nó khóc to ra được sung sướng biết mấy.
 Ông Nghị rút khăn "mùi xoa" đưa cho Danh:
 - Con lau nước mắt đi rồi bác nói chuyện cho con nghe.
 Danh ngoan ngoãn vâng lời.  Ông Nghị bảo nó:
 - Con không muốn uống cà phê uống thứ khác.  Nước chanh nhé !
 Ông Nghị gọi ly nước chanh.  Đợi cho Danh qua cơn xúc động, ông Nghị hỏi:
 - Con đọc hết chuyện " Người anh cả " của Lê văn Trương chưa ?
 - Rồi ạ !
 - Con thấy thế nào ?
 - Dạ, người anh cả tốt ghê, cả đời chỉ lo cho các em.  Ông Lê văn Trương viết làm con đọc muốn khóc.
 Ông Nghị gạt tàn thuốc:
 - Con mau khóc lắm.  Con gái thì không sao chứ con trai phải tập luyện cho tâm hồn rắn rỏi một chút, nghe con.

 Danh muốn nói " sao dạo trước bác bảo con cứ khóc đi kẻo lớn lên không khóc được rồi lại hối hận hồi nhỏ mình đã chẳng khóc thật nhiều."  Song nó không dám nói.  Ông Nghị chép miệng:
 - Giá người ta sinh ra không phải tranh đấu vất vả với cuộc sống thì cần gì phải luyện tập tâm hồn.  Khoái thì khóc, sung sướng biết bao.
 Ông Nghị xoa cằm:
 - Con chưa biết ông Lê văn Trương nhỉ ?  Ông ấy tốt lắm.  Ông đáng là anh cả của những đàn em nghèo khổ.  Hồi ở Sàigòn, hay đến khu Sáu Lèo uống cà phê, bác đã gặp ông Lê văn Trương.  Ông ấy đi chiếc xe Peugeot hai trăm lẻ ba có tài xế lái.  Vừa thấy ông bước vô quán, hàng chục người cả đàn ông lẫn đàn bà đứng lên chào ông.  Những người này rách rưới, có người nghiện thuốc phiện ... Ông Lê văn Trương móc bóp dúi vào tay mỗi người vài trăm.  Cuối cùng ông ta hết tiền trả chủ quán, phải chịu ly cà phê đá năm đồng.

 Ông Nghị ngậm ngùi:
 - Thế mà ông ấy chết rồi.
 Danh hỏi:
 - Ông ấy chết người ta đi đưa đông lắm hở, bác ?
 Ông Nghị thở dài:
 - Nghe nhà báo thuật đám tang ông Lê văn Trương chả có mống đàn em nào của ông.  Trước đây hai năm, bác có dịp gặp ông ta lang thang ở phố.  Ông ta tiều tụy quá nhiều.  Người như ông ta, có tiền thì vung cho thiên hạ tiêu, giầu sao được.  Ông ta chết khổ sở lắm.
 Ông Nghị bỏ rơi chuyện Lê văn Trương.  Ông thân mật:
 - Mày biết nhận xét chuyện "Người anh cả" cảm động muốn khóc là mày thông minh lắm rồi đấy, con ạ !  Chịu khó đọc nhiều đi rồi con sẽ đọc được truyện Tam Quốc.
 - Truyện Tam Quốc khó lắm hở, bác ?
 - Ừ, khó lắm.
 - Con đọc bây giờ được chưa ?
 - Được chứ, nhưng con chưa biết "thằng" Khổng Minh "chì" tới mực nào.

 Một già, một trẻ toét miệng cười.  Ông Nghị nhấp ly cà phê thứ hai:
 - Mai bác mua cho con một bộ truyện " Ba người ngự lâm pháo thủ ".
 - Truyện này hay không ?
 Ông Nghị làm điệu bộ.
 - Ui cha, đấu kiếm ác !
 Ông lại bỏ rơi truyện " Ba người ngự lâm pháo thủ" :
 - Năm nay con lên mấy nhỉ ?
 - Dạ, sắp mười sáu.
 - Năm nữa là mười bẩy, trai mười bẩy bẻ gẫy sừng trâu.  Hồi bác mười sáu tuổi bác đã mê đào hát cải lương.
 - Thế ạ ! Mười sáu bác mê cô nào ?
 - Một cô sàng sê hay lắm.
 - Bằng Kim Cương không ?
 - Hơn.
 - Giờ cô ấy ở đâu, bác ?
 - Cô ấy đi Tây rồi.
 Ông Nghị bùi ngùi:
 - Cô đào của bác cũng đi Tây rồi ạ !
 Ông đổi giọng:
 - À, cứ lưu lạc mãi buồn ghê con nhỉ ?  Bác tính mai mốt về Sàigòn, con nghĩ sao ?

 Danh vẫn mường tượng ra những vỉa hè Sàigòn với đủ thứ luật lệ, thuế má: thuế hòm, thuế chỗ ngủ ... Nó thấy vỉa hè Sàigòn không có con suối nhỏ như ở miền Đông đất khô cằn, nơi đó, nó và Thảo đã nằm bên nhau tính chuyện "lớn lên".  Danh rùng mình.  Nó thoáng trông Quý đen vung giây lưng da cá sấu quất thằng Lựa.  Và nó trông rõ thằng Lựa nằm bất động dưới gầm chiếc xe hơi.  Những gì nó tưởng đã quên lại vụt thức trong đầu óc nó.

 Danh không trả lời câu ông Nghị hỏi nó.  Nó mím môi ngước nhìn ông Nghị:
 - Bác chưa dạy con phóng dao à ?
 Ông Nghị lắc đầu:
 - Không con ạ.
 - Bác hứa dạy con biết đọc, biết viết rồi sẽ dậy con phóng dao mà?
 - Bác đổi ý rồi.
 - Về Sàigòn con lại gặp Quý đen.  Không biết phóng dao chắc nó giết con mất.

 Ông Nghị nhếch mép cười:
 - Con không phải gặp nó nữa.  Bác con mình sẽ có căn nhà và con không thèm lang thang ở vĩa hè thì sao mà đụng độ Quý đen.
 Danh sực nhớ giấc mơ "căn nhà có cây vú sữa" mà trước khi cùng mơ với con Thảo nó đã mơ với thằng Lựa.  Hình ảnh Quý đen chết ngay đi, nhường chỗ hình con Thảo hiện ra.  Danh liếm môi:
 - Bác sẽ mua một căn hà ở Khánh Hội hở, bác ?
 - Ở đâu chẳng được.
 - Ở Khánh Hội thích hơn bác ạ !
 - Ừ.
 - Rồi bác con mình còn đi bán thuốc nữa không ?
 - Không.
 - Thế bác làm gì ?
 - Bác mướn cái tắc xi chạy lai rai.
 Danh vỗ đùi bốp một cái:
 - Tuyệt cú mèo !
 Ông Nghị nhắc lại:
 - Ừ, tuyệt cú mèo con ạ !
 - Rồi con sẽ làm gì ?
 - Bác định cho con đi học nghề thợ máy, con bằng lòng không ?
 - Máy gì hở, bác ?
 - Máy xe hơi.
 Danh nheo mắt:
 - À, chắc để sửa xe tắc xi của bác ?
 - Đúng quá.
 - Rồi em Thảo làm gì ?
 - Em Thảo sẽ đi học may quần áo.
 Danh im lặng.  Ông Nghị dục nó:
 - Rồi sao nữa, con biết không ?
 Danh lịm vào nỗi sung sướng.  Nó không biết nói gì hơn.  Ông Nghị nói nhỏ:
 - Rồi con lớn hơn bây giờ, em Thảo cũng lớn hơn bây giờ.  Rồi con phải có vợ, em Thảo phải có chồng ...
 Ông Nghị bỗng triết lý vụn:
 - Bác ước vọng nhiều nhưng bây giờ bác đã hiểu, đầu óc mình bằng bàn tay thì chỉ nên ước ao những điều tầm thường vừa vặn bằng bàn tay.  Ao ước to hơn, chắc sự ước ao sẽ bọc kín lấy đầu óc mình.  Rốt cuộc, mình chẳng ao ước được gì.  Con biết không, hồi lớn hơn con vài tuổi, bác đã ước ao sẽ làm ông bầu gánh cải lương.  Bác theo đuổi một cô đào hát và cuối cùng bác đi làm sơn đông bán thuốc.

 Tiếng nói ông Nghị sũng sầu hận.  Danh nhìn ông.  Nó thấy trán ông Nghị chồng chất đủ lớp bụi giang hồ.  Danh gọi nhỏ:
 - Bác ơi !
 Ông Nghị đưa tay vuốt mặt:
 - Gì thế con ?
 - Con thương bác.
 Ông Nghị cười, âu yếm:
 - Lúc nào cũng thương bác, thương bác ít thôi.
 Danh chớp mắt:
 - Con thương bác suốt đời.
 Ông Nghị đùa:
 - Đừng xạo mầy, vài năm nữa mày lấy vợ, mày hết thương bác suốt đời cho mà xem.

 Ông Nghị rút điếu thuốc nữa đặt lên môi.  Danh vội chợp lấy bao diêm quẹt lửa cho ông mồi thuốc.  Thả một vòng khói bay vào ly  nước chanh của Danh, ông Nghị nói:
 - Con bằng lòng về Sàigòn chứ ?
 - Vâng.
 - Bằng lòng học nghề sửa máy xe hơi chứ ?
 - Vâng.
 - Bác muốn cho con học ngành máy móc sau này có tương lai hơn.  Đất nước ta đang chuyển mình sang kỹ nghệ.  Ngành nào cũng được cơ giới hóa hết.  Ngành sữa máy móc hợp thời nhất.

 Ông Nghị đã cho Danh niềm vui để sống.  Bây giờ, ông còn chọn nghề cho Danh nữa.  Tuy biết nghề sửa máy là nghề tay chân lem luốt nhưng Danh cứ vui vẻ bằng lòng.  Nó nghĩ nhiều về con Thảo.  Và nó bất cần tay chân lem luốc.  Miển là con Thảo vẫn thích gối đầu trên cánh tay nó và đan bàn tay thợ máy của nó.

 Danh nâng ly nước chanh, uống cạn.  Miếng đá nhỏ lọt vô miệng nó.  Nó nhai rau ráu:
 - Bác mua nhà ở Khánh Hội thật à, bác ?
 - Ừ, con thích mua ở đâu thì bác mua ở đó.
 - Mua ở Khánh Hội bác ạ !
 - Con thích sống ở Khánh Hội hả ?
 - Nhà con ngày xưa ở Khánh Hội.  Bác mua lại cái nhà của bố con đi, rẻ lắm, có mấy ngàn.
 Ông Nghị vươn vai nắm lấy cánh tay Danh:
 - Nhỡ người ta không bán thì sao ?
 Danh quả quyết:
 - Người ta bán mà, bác cho thêm năm trăm là người ta bán gấp.
 - Ừ, để bác mua cái nhà ấy.
 Danh đã thấy cây vú sữa mọc cao dần, nó hỏi:
 - Bác có thích vú sữa không ?
 - Vú sữa ngon lắm.
 - Chúng con trồng cây vú sữa trước cửa nhé !
 - Ừ.
 - Bác thích nuôi gà không ?
 - Nuôi gà vui lắm.
 - Chúng con sẽ nuôi hai con gà mái với một con gà trống cho nó đẻ ra một đàn gà con bác nhé !
 - Ừ.
 - Bác thích nuôi chó "xi" không ?
 - Chó "xi" ngộ lắm.
 - Chúng con sẽ nuôi một con chó "xi" nhé !
 - Ừ.

 Danh kể lại mộng ước của nó và thằng Lựa.  Tai nó thoang thoảng nghe tiếng con gà trống gáy, tiếng con gà mái cục ta cục tác nhẩy ổ đẻ và tiếng bầy gà con liếp nhiếp.  Bất giác nó nói với ông Nghị.
 - Con thương bác.
 Thì ông Nghị lại cười, âu yếm:
 - Lúc nào cũng thương bác, thương bác ít thôi còn để thì giờ đọc sách chứ.

 Ông Nghị gõ cái muỗng vào ly cà phê.  Chủ quán chạy tới tính tiền.  Hai bác cháu bước ra khỏi quán.  Giấc mộng nhỏ nho, khiêm tốn bắt đầu nẩy mầm trong thửa vườn tâm hồn của hai kẻ lưu lạc một già một trẻ.
Danh mở mắt... Nó không biết nó đã ngủ từ bao giờ. Nó ngạc nhiên thấy mình nằm trên chiếc giường sắt có đệm. Danh trừng trừng nhìn chiếc màn “tuyn” trắng mướt. Nó khẽ cựa quậy. Tiếng kêu cót két khiến nó rợn người. Danh hỉnh hỉnh mũi. Nó bắt buồn mửa vì cái mùi khó chịu quá. Nó đảo mắt nghiêng người. Ô hay, sao nhiều giường và người nằm thế. Nó đưa tay sờ đâu. Ai đã quấn khăn lên trán nó dày cộm. Danh sợ quá, hét lớn. Một bàn tay đặt vào trán nó.

Và giọng nói êm đềm.
- Nằm yên em bé, không sao đâu. Nhắm mắt lại gnủ đi...
Danh vẫn mở mắt thao láo, bỗng nó chụp lấy bàn tay.
Giọng nói thiết tha hơn:
- Em may mắn còn nguyên chân tay, chỉ bị thương ở đầu thôi.
Danh bóp chặt bàn tay của người đang nói chuyện với nó.
- Tôi làm sao?
- Em bị thương ở đầu.
- Bác Nghị đâu?
- Bác Nghị nào?
- Em Thảo đâu?
- Em Thảo nào?
- Bác Nghị và em Thảo của tôi!

Danh toan ngồi dậy. Nhưng lần này cả hai bàn tay để lên đôi vai nó:
- Nằm yên em bé.
Danh đã thấy người nói với nó. Đó là một người đàn bà mặc áo trắng. Danh toát mồ hôi:
- Cháu đang ở nhà thương hở, cô?
- Ừ, cháu đang ở nhà thương.
Danh nhớ lại sự kiện đã xảy ra, nó la lối um sùm.
- Ối giời ơi!
Cô y tá khẽ “suỵt suỵt”:
- Nằm yên em bé, chóng ngoan nào...
Danh òa lên khóc:
- Bác ơi! Em Thảo ơi! Bác ở đâu?
Danh vùng vẫy đòi bước xuống. Cô y tá giữ nó không nổi phải gọi thêm bạn đồng nghiệp. Danh la hét, giãy giụa, nức nở. Một lát, bác sĩ bước vào. Cô y tá trình:
- Thưa bác sĩ, em nhỏ bị sốt.
- Cặp ống thủy chưa?
- Dạ rồi.
- Bao nhiêu độ?
- Dạ 39.
Bác sĩ bắt mạch, nghe ngực cho Danh xong, chích vào mông nó hai phát thuốc liền. Ông dặn cô y ta:
- Lấy đá chườm lên mặt em nhỏ.
- Dạ.
- Khi cơn sốt dứt, nó tỉnh, cho nó uống viên thuốc an thần cho nó ngủ đi. Thằng nhỏ chắc bị xúc động mạnh. Nó la lối những gì?
- Thưa bác sĩ nó hỏi bác và em nó.
- Nó có kêu tên không?
- Dạ có.
- Tên chi?
- Bác nó tên Nghị và em nó tên Thảo.
Bác sĩ hơi cúi đầu:
- Vũ Văn Nghị và Vũ Thị Thảo, hai bố con đấy. Tội nghiệp! Đừng nói gì với thằng nhỏ, khi nào vết thương lành hẳn hãy cho nó biết.
- Dạ.
Bác sĩ chép miệng:
- Thêm một đứa nhỏ bơ vơ, không biết có bố mẹ không!

Người thầy thuốc chỉ đủ thì giờ thương hại Danh bấy nhiêu lời. Rồi ông ta rời khỏi phòng. Cô y ta chăm sóc Danh cho đến khi cơn sốt của nó dứt, Danh được uống thuốc an thần, ngủ mê mệt.

Khi nó thức giấc, nó nghe rõ từng tiếng chim hót. Tiếng chim hót sao mà giống tiếng chim ở con suối nhỏ gần làng Trảng Lớn miền Đông thế! Danh đưa tay sang bên cạnh để nắm một bàn tay. Nhưng không có bàn tay nào cả. Danh khẽ gọi:
- Thảo!

Im lặng. Tiếng thở của ngót hai chục bệnh nhân làm thành một tiếng thở của con hổ trong sở thú Sài Gòn. Tiếng chim mất đi... Phòng bệnh còn tối om mặc dù tiếng gà gáy từ xa vẳng lại. Danh đã biết nó đang nằm ở nhà thương. Nhưng nó chưa rõ nó ở nhà thương nào.

Mấy hôm trước, nó cùng bố con ông Nghị bỏ miền cao nguyên đất đỏ về Sài Gòn. Ông Nghị đã bán tống hết đồ nghề sơn đông. Mọi thứ thuốc cao đơn hoàn tán ông đổ xuống suối và con khỉ ông thả nó về rừng. Khỉ ở với người quen rồi, không muốn về rừng nữa. Đến nỗi, ông Nghị phải rút dao dọa phóng nó chết nó mới hoảng hốt bỏ chạy.

Ông Nghị quyết định về Sài Gòn làm gì, ông đã nói cho Danh hay. Nó sung sướng trong chuyến về này. Nó đã thấy cánh cửa tương lai hé mở, xe từ Ban Mê Thuột rời bến từ lúc bảy giờ sáng. Quá trưa, xe tới Phước Long. Xe đang chạy ngon trớn thì một tiếng nổ long trời làm tung xe lên. Và rồi Danh chẳng biết gì nữa. Mãi chiều hôm sau nó mới tỉnh, thì quang cảnh chung quanh nó làm nó phát sốt. Nó được uống thuốc an thần, ngủ đi cho tới bây giờ.

Có lẽ lúc này mới năm giơ. Danh gọi Thảo, Thảo đi đâu không trả lời nó. Tiếng nổ! Nó sực nhớ tiếng nổ làm tung chiếc xe. Danh hét ầm:
- Thảo ơi, bác ơi!
Cô y tá trực đẩy cửa phong bước vào. Cô rờ đầu nó. Rồi cô nói:
- Nằm yên em bé!
Danh hổn hển:
- Bác tôi đâu hở, chị?
- Bác em nằm ở phòng kia.
- Còn em Thảo tôi?
- Nằm chung phòng với bác em.
- Tại sao chị không cho tôi nằm cùng phòng với bác tôi?
- Tại phòng đó hết chỗ rồi
Danh chộp lấy cổ tay cô y tá:
- Xe đò bị làm sao hở, chị?
- Xe đò bị lật.
- Tiếng nổ gì to vậy?
- Xe bị bể bánh đấy mà...
- Có ai chết không hở, chị?
- Bác Nghị tôi có chết không?
- Không ai chết cả mà.
- Còn em Thảo tôi?
- Bị thương nhẹ.
Danh buông cổ tay cô y tá ra, năn nỉ:
- Chị cho tôi sang phòng thăm bác tôi, em tôi nhé!
Cô y tá vỗ vai Danh:
- Bác sĩ cấm mà em. Chừng nào mọi người lành vết thương mới được gặp nhau.
Cô y tá gợi chuyện hỏi Danh:
- Em có khát không?
- Không ạ.
- Nhà em ở đâu?
- Tôi không có nhà, ba má tôi chết rồi, tôi đi đánh giày, Bây giờ tôi theo bác Nghị và em Thảo.
- Em không có họ hàng với ông Nghị của em à?
- Không chị ơi, nhưng bác Nghị tốt hơn chú ruột tôi. Chú tôi đuổi tôi ra khỏi nhà, bán nhà của ba tôi đi. Còn bác Nghị thương tôi, bác sắp cho tôi học nghề thợ máy.
- Em sợ bác Nghị bỏ em à?
Danh có vẻ giận.
- Sao, chị nói sao?
Cô y tá vẫn xoa vai Danh:
- Nhỡ bác Nghị bỏ rơi em thì sao?
- Không đâu, bác ấy tốt lắm, bác ấy cho tôi sà đầu vào lòng bác ấy và bảo tôi khóc đi, khóc nhiều đi...
Cô y tá cúi đầu và chớp mắt. Nhưng Danh không hiểu vì sao cô chớp mắt. Có lẽ vì phòng còn tối, nó cũng chẳng nhìn rõ khuôn mặt cô:
- Đây là ở đâu, hở chị?
- Bệnh viện em ạ!
- Tôi biết đây là bệnh viện nhưng thuộc miền nào cô?
- Đây là tỉnh Phước Long.
- Từ đây về Sài Gòn còn xa không?
- Còn khá xa.
Danh lại nhớ đến ông Nghị nhớ đến con Thảo. Nó đưa tay sờ trán.
- Đến hôm nào mời khỏi hở, chị?
- Vài hôm nữa.
- Em nhờ chị một chút được không?
- Được em ạ!
- Lát nữa trời sáng, chị cho em mượn cây viết và tờ giấy em viết cho bác Nghị em vài chữ, rồi nhờ chị đưa giúp cho bác em, chị nhé!
Danh đổi cách xưng, khiến cô y tá cảm thấy thương nó. Cô y tá chưa kịp trả lời, Danh nói tiếp:
- Chị bằng lòng không?
- Có chi mà chị không bằng lòng. Vậy bây giờ em nằm yên, la hết bác sĩ rầy nghe chưa. Chút nữa chị mang giấy vút vào cho em.
Cô y tá trở ra. Danh ngoan ngoãn nằm yên. Nó mơ màng đến căn nhà cũ của nó ở Khánh Hội. Căn nhà cũ có cây vú sữa, có đàn gà, có con cho “xi” và nhất là có ông Nghị, có con Thảo. Danh nhắm mắt tưởng tượng. Nó nghe chừng hạnh phúc đang bò vào trong tâm hồn nó. Và cả hồn thằng Lựa cũng bén mảng về leo lên hạnh phúc đó. Nó lại thích ngủ.

Đến tám giờ Danh mới thức. Cô y tá y hẹn mang giấy bút cho Danh. Nó nhờ cô nàng đỡ nó ngồi dựa vào cái gối kê ở đầu giường, hí hoáy viết thư cho ông Nghị. Danh cắn bút thật lâu mà không hiểu nên viết gì. Cuối cùng, Danh viết cho Thảo, hỏi thăm con Thảo bị thương có đau không và có nhớ nó không. Nó kể cho Thảo nghe những ngày mê mệt, buồn rầu ở phòng bệnh và nỗi nhớ nhung cha con Thảo.

Danh viết lửng lơ có đầu mà chẳng có cuối. Nó cũng chẳng ký tên. Lần đầu tiên nó viết thư mà. Viết hết ý, Danh gấp tờ giấy lại trao cho cô y tá:
- Chị đưa giùm em nhé!
Cô y tá hỏi:
- Đưa cho ông Nghị hở, em?
Cô y tá ái ngại nhìn Danh. Nó dặn:
- Chị nhớ bảo em Thảo viết trả lời em, chị nhé!
Cô y tá không dám nhìn Danh nữa. Cô quay mặt nhìn ra cửa sổ:
- Nhỡ Thảo không viết thì sao?
Danh to tiếng:
- Em cá với chị Thảo sẽ viết.
- Nhỡ Thảo mệt chưa viết được cơ mà?
- Thì chị cố báo Thảo viết cho em vài chữ để em yên lòng nằm ở đây.
- Nếu Thảo không viết được thì chị nhắn lời Thảo tới em nhé?
Cô y tá bịa chuyện:
- Em chưa biết à, mà có ai nói với em đâu, Thảo bị thương ở tay phải, sao viết được.

Danh hoảng hốt:
- Liệu có gãy tay không chị?
Cô y tá lắc đầu:
- Gãy tay sao được, bị thương nhẹ mà.
- Thế chị bảo em Thảo viết cho em vài chữ thôi.
- Tay thảo bó bột chưa gỡ ra, chắc chưa viết nổi đâu em.
- Thế thì làm sao bây giờ?
- Thì Thảo nhắn lời chị, chị nói lại với em.
Cô y tá nói thêm:
- Em không thương Thảo ư, em bắt Thảo ráng viết cho em nhỡ bị nằm thêm vài hôm nữa thì sao?

Danh hiểu ý cô y ta. Nó chép miệng:
- Buồn quá chị nhỉ? Thôi, chị bảo em Thảo kể chuyện “ Giọt nước mắt tím của nàng tiên” cho chị nghe rồi chị kể lại nghe.

Cô y tá gật đầu. Lòng cô dâng một tình thương khác hẳn với tình thương cô đã san sẻ cho bao nhiêu người bệnh. Trong tình thương Danh, cô y tá không khỏi bùi ngùi trước cuộc chiến tranh tương tàn tủi nhục. Và cô đâm ra hận thù những kẻ cố gắng kéo dài chiến tranh để thỏa mãn những mục đích đê hèn của họ.

Mắt cô đã chứng kiến bao nhiêu người chết, bao nhiêu người què cụt, mù lòa vị mìn, chất nổ của kẻ gây chiến tranh khủng bố. Nhưng chưa lần nào cô xúc động và tê tái bằng lần này. Sự thơ ngây của đứa trẻ có người thân bị chết làm cô đau đớn. Cô đã biết, trước khi đứa trẻ hiểu người thân của nó chết thê thảm, chết vô lý bởi quả mìn của lũ người bỉ ổi. Và rồi nó nghĩ sao về người còn sống nói dối nó, nó làm gì, nó sẽ ra sao...

Nước mắt cô muốn ứa ra. Cô đã mím chặt nỗi xúc cảm đang dày vò lương tâm. Danh mơ hồ tưởng chừng cô y tá đã hiểu được nỗi lòng nó đối với con Thảo. Tự nhiên, nó hớn hở khoe:
- Em Thảo của em đẹp lắm, chị ạ!
Cô y tá nuốt nước miếng để khỏi bị tiếng khóc:
- Thế à?
- Chị đã trông rõ mặt em Thảo của em chưa?
- Trông từa tựa đào hát Kim Cương, chị ạ!
- Đẹp quá nhỉ?
- Lớn lên chúng em sẽ lấy nhau, chị ạ!
- Thích quá nhỉ?
- Em khoái trồng cây vú sữa, Thảo cũng khoái.
- Vui nhỉ?
- Em khoái nuôi gà, Thảo cũng khoái.
- Ngộ ghê hé?
- Thảo khoái nuôi chó “xi”, em cũng khoái mới chết chứ.
- Chị thích chó “xi” lắm.
- Bác Nghị định cho em học nghề máy xe hơi, còn em Thảo học nghề thợ may. À, hay là chị bảo bác em viết cho em vài hàng, chị nhe!
- Nếu bác em không mệt chị sẽ bảo giùm.
- Bác em tốt lắm, chị ơi!
- Chị biết rồi... Thôi để chị đi, em nhé!
- Vâng chị đi, mau lên chị nhé!

Cô y tá rời Danh. Cô đem bức thư của Danh đi và cô nghĩ sẽ đốt giùm nó vào ngày giỗ đầu của con Thảo. Bây giờ cô y tá mới dám khóc.
DANH ĐÃ RÕ SỰ THỰC. NÓ nhìn thấy mấy cô y tá, muốn phóng mũi dao của Quyền vào tim từng cô một. Nó muốn hét lớn. Nhưng căm hờn như lớp màng sương bọc kín trái tim nó. Nó không thể nói được.
Mắt nó ngầu đỏ. Nó đã quên hết những gì nó thấm nhuần trong hồn nó những ngày tháng sống bên ông Nghị, con Thảo. Nó trở nguyên vẹn thằng Danh của vỉa hè SàiGòn lúc nào cũng nuôi hận thù Quý đen. Ba răng vàng.

Danh ngồi bất động trên ghế. Bác sĩ giám đốc hỏi nó cả chục lần mà nó vẫn câm miệng. Hai hàm răng nó nghiến chặt. Hai bàn tay nó nắm chặt. Mồ hôi trán nó toát ra. Mặt nó xanh mét. Bác sĩ đẩy cho nó ly nước cam, giải thích :
-    Chiến tranh nó giết chứ đâu phải chúng tôi giết mà em ghét chúng tôi. Em uống nước đi.

Danh đưa tay chụp ly nước. Nó bóp mạnh. Chiếc ly bể tan và nước cam chảy tóe xuống quần nó. Mấy cô y tá hoảng hốt toan bước gần lại bên Danh. Nhưng nó trừng trừng đôi mắt điên dại. Khiến các cô hết hồn, Danh xòe nắm tay ra. Mảnh thủy tinh lẫn với máu bám chặt làn da tay nó. Danh đứng lên. Nó lững thững đi về giường, nằm ôm mặt khóc. Rồi nó ngủ vùi.

Cô y tá thuật chuyện nó cho bác sĩ nghe. Vị thầy thuốc già sửa gọng kính, chép miệng :
-    Nó khổ sở quá nhiều, mới tìm ra nơi nương tựa đó như tấm mảng mục. Vừa    mò vào đã nát tan. Tôi nghiệm thấy rằng những đứa như nó, nếu được người thương yêu, lớn lên nó sẽ khác những đứa bằng tuổi nó. Chiến tranh có hàng muôn vạn cảnh não lòng, mình xoa dịu được phần nào hay phần ấy.
Vị thầy thuốc già rời phòng Danh, đi thăm các bệnh nhân khác . Cô ý tá trực đã quen thân với Danh có nhiệm vụ săn sóc Danh. Ở tỉnh nhỏ không khí bớt ồn ào, lòng người còn lưu lại nhiều tỉnh cảm nên người ta dễ rung động trước một nghịch cảnh. Danh trở thành một « nhân vật » của bệnh viện tỉnh lỵ miền rừng núi.

Đến chiều, nó thức giấc. Nó quên hết sự kiện đã xảy ra buổi sáng, tại văn phòng của bác sĩ. Thoạt tiên, Danh đòi uống nước. Cô y tá cho nó uống nước suối Vĩnh Hảo. Khi Danh đưa tay ra định đỡ ly nước, nó mới hay, tay nó bị băng bó. Danh ngơ ngác vài phút.

Rồi dần dần nó nhớ lại những việc nó đã làm.

Nó nhìn cô y tá. Cô y tá có khuôn mặt buồn lo và đôi mắt trủng sâu, có quầng vì thiếu ngủ. Cô y tá, một tay đỡ Danh, một tay nâng ly nước đặt vào miệng nó, Danh uống ừng ực. Nó đòi uống nữa. Cô y tá cho nó uống ly khác. Uống đỡ cơn khát, Danh nằm dài thoải mải. Nó nghiêng đầu gọi nhỏ :
-    Chị ơi !
Cô y tá bớt lo, vì Danh không lên cơn điên như buổi sáng. Cô nhếch miệng cười :
-    Gì thế em ?
Danh ngập ngừng :
-    Em xin lỗi chị nhé !
Cô y tá xoa tay :
-    Em làm gì đâu mà xin lỗi.

Danh bỗng òa lên khóc. Cô y tá vuốt tóc nó. Bàn tay thon mềm của cô đặt lên da thịt mình khiến Danh nhớ lại kỹ niệm vừa mất. Nó càng khóc nức nở. Cô y tá để mặc Danh khóc. Cô rút khăn thấm nước mắt cho Danh. Tới lúc chiếc khăn của cô sũng ướt vắt ra nước. Danh mới ngừng khóc. Nó nắm lấy tay cô y tá :
-    Em khổ quá chị ơi !
Cô y tá chớp mắt :
-    Chị biết.
-    Tên chị là gì hở chị ?
-    Tên chị xấu lắm ?
-    Là gì ?
-    Là Hảo.
Danh nắm chặt tay cô y tá hơn :
-    Chị Hảo ơi, chị tha lỗi cho em nhé !
-    Em có lỗi gì đâu ?
-    Em đã nghĩ sẽ phóng mũi dao vào tim chị.
Cô y tá cười :
-    Chắc em giận chị đã nói dối em chứ gì ?

Danh không trả lời. Nó nói :
-    Mai em về Mỷ Tho, chị ạ !
-    Em có bà con ở Mỹ Tho à ?
-    Không, em về với thằng bạn của em. Tên nó là Quyền.
-    Nó làm gì ?
-    Nó đánh giày, chị ạ ! Em đánh giày và em sẽ giết thằng Quý đen.
Cô y tá Hảo tròn xoe mắt :
-    Quý đen là ai ?
-    Là con rắn độc mà bác Nghị bảo em nên quên nó đi. Nhưng khi bác Nghị em đã chết, em sẽ giết rắn độc Quý đen. Nó chết thì em mới yên thân làm nghề đánh giày.

Cô y tá thật sự không hiểu gì về đời sống của dân đánh giày và những luật lệ của hè phố. Song vì muốn an ủi Danh, cô đã gật đầu nói :
-    Thế à ?
Danh đáp.
-    Quý đen giết bạn thân nhất của em là thằng Lựa, em sẽ giết nó.
Danh không nói nữa. Nó vừa chợt bắt gặp hình ảnh con Thảo hiện trên khuôn mặt cô y tá Hảo. Danh nhìn Thảo không chớp mắt. Khiến cô y tá thoạt đầu hơi lạ lùng, sau đâm ra xấu hổ.
Hảo toan đứng dậy. Danh nắm lấy tay cô :
-    Chị tính bỏ em đi đâu ?

Hảo bỗng hết ngượng ngùng. Vì cô vừa thấy mình già quá so với Danh. Và nỗi buồn có duyên cớ khơi dậy trong tâm hồn cô y tá tỉnh nhỏ. Hảo nói :
-    Em nhất định về Mỹ Tho à ?
-    Vâng, em nhất định về Mỹ Tho.
-    Em có muốn ở lại đây không ?
-    Ở lại đây với ai ?
-    Với bác sĩ. Ông không có con cái gì cả. Ông già rồi, ông cũng thương em như bác Nghị thương em. Em ở lại đây làm con nuôi bác sĩ nhé !
Danh lắc đầu :
-    Không ai thương em bằng bác Nghị đâu, chị ạ !
-    Nhưng em phải lo đời em chứ ?
Danh cười. Nụ cười của nó méo mó, thê thảm làm sao ! Nó trườn người lên cho đầu đụng vào thành giường sắt :
-    Đời em còn gì nữa đâu mà lo hở chị ?
-    Còn chứ !
-    Còn gì !
-    Em hãy còn trẻ lắm … Em sẽ có tương lai tốt đẹp nếu em ở lại với bác sĩ.

Danh mím môi. Đôi mắt nó đã mang sự đau xót. Và giọng nó sũng buồn.
-    Chẳng cần nữa chị ạ, em Thảo của em đã chết rồi, tương lai tốt đẹp cũng vô ích. Em trở về hè phố chọn lấy tương lai của em.
Hảo vuốt bàn tay Danh. Ở bàn tay của nó, Hảo có thể tìm được cảm giác khác hẳn với những lần cô cầm những bàn tay của bệnh nhân. Cô quên rằng Danh chỉ là thằng bé đánh giày. Hai mươi mùa xuân trôi qua, Hảo chở tuổi chồng chất lên đôi vai mà không tìm đâu ra mối tình trai gái. Hơi thuốc, không khí bệnh viện, cuộc sống đìu hiu tỉnh nhỏ làm cho mộng mơ  của cô ngột ngạt.
Hảo thầm trách tại sao Danh không nhiều tuổi hơn. Cô chép miệng:
-    Chị mong ước đời em sẽ khá.
-    Còn đời chị?
-    Đời chị đã có đoạn kết rồi.
-    Đoạn kết có khá không?
-    Buồn lắm.
-    Em cũng có đoạn kết rồi, từ ngày bác em chết và từ ngày em không nhìn thấy chiếc răng khểnh của Thảo.

Danh hồi tưởng kỹ niệm. Những buổi chiều ngồi ở công viên Nguyễn Du tỉnh lỵ Long Xuyên, những buổi trưa tắm suối ở Tây Ninh. Nó nghẹn ngào:
-    Đi hết đời em chắc chắn không tìm được con bé nào có chiếc răng khểnh thương mình, đòi lớn lên làm vợ mình.
Hảo nói một câu ngớ ngẩn:
-    Em nhất định về Mỹ Tho à?
Cốt ý, muốn Danh quên chuyện đau thương của nó và chuyện riêng đau thương của riêng cô nữa.
-    Vâng, em nhứt định về Mỹ Tho.
Do dự một lát, Hảo nói:
-    Hay nếu em không thích làm con nuôi bác sĩ, em ở đây sống với chị. Chị sẽ chăm lo em như bác Nghị em.
-    Không được đâu chị. Trước kia, khi chưa theo bác em, em là thằng “ngựa hoang” hễ mở miệng là chửi thề bậy bạ. Sống với bác em, bác dạy em học, dạy đủ thứ, em hết chửi thề. Nhưng giờ bác em chết rồi, em khó mà ngoan ngoãn nỗi. Em sống với chị, chị sẽ khó chịu lắm.
-    Chị chịu được.
-    Em cám ơn chị, em phải về Mỹ Tho. Nếu chị thương em, chị cấp cho em vài trăm bạc.
-    Chuyện này dễ quá, bác sĩ sẽ lo cho em. Và chị sẽ tặng em thêm chút tiền để em tiêu vặt.
-    Em không tiêu gì đâu?
-    Bao giờ em về Mỹ Tho?
-    Mai.
-    Sao không đợi khỏi tay đã?
-    Ở đây ngày nào là nhớ người chết ngày ấy. Em sợ nổi điên đập phá mất thôi.
-    Rồi đời em sẽ ra sao?
-    Em cũng chả biết nữa.

Danh đòi uống nước. Hảo cho nó uống. Hai người không tính chuyện gì khác. Hảo lặng lẽ rời khỏi phòng. Cô khép cửa lại. Còn Danh đã thiu thỉu ngủ.
Nó phóng phát nào là phát ấy trúng vào thân cây.  Nhưng mũi dao vẫn chưa chịu ghim vào chỗ nó mong muốn.  Đó là trái tim của Quý đen.  Tuy thế, Danh vẫn không nản lòng.  Nó kiên nhẫn phóng rồi lại kiên nhẫn bước tới đích rút mũi dao ra.  Hết buổi sáng đến buổi chiều.  Và tính ra, Danh nó đã "tiêu" mất đúng tuần lễ trong việc tập luyện phóng dao.

   Về Mỹ Tho hôm trước, hôm sau Danh tính chuyện rửa hờn ngay.  Nó trút cả nỗi căm thù chiến tranh lên đầu Quý đen.  Bác sĩ giám đốc bệnh viện và các cô y tá ở Phước Long cho nó ngót hai ngàn bạc.  Riêng cô y tá Hảo đã cho nó năm trăm đồng rồi.  Giá hồi thằng Lựa còn sống hai đứa có số bạc vĩ đại này, thì phải biết sướng ơi là sướng.  Nhưng bây giờ thằng Lựa đã chết, ông Nghị đã chết, con Thảo đã chết, hai ngàn bạc đối với Danh chẳng có nghĩa gì cả.

   Nó tặng thằng Quyền năm trăm.  Con nhà Quyền đánh bài cào nướng hết.  Danh cũng không tiếc rẻ hoặc trách móc bạn.  Nó còn một ngàn rưởi để đủ ăn cơm, hút thuốc lá, uống cà phê, nằm lỳ ở nhà tập luyện phóng dao.  Danh chắc mẩm khi tiền hết, mũi dao của thằng Quyền sẽ trúng tim tưởng tượng của Quý đen.  Hễ nó vung tay phóng là dao trúng đích nó mong muốn.  Và nó sẽ trở lại Sàigòn lên lầu Bồng Lai hỏi thăm Quý đen.

   Căn nhà Danh và Quyền đang ở là một căn nhà tồi tàn, mỗi tháng Quyền mướn năm mươi đồng.  Vừa ở vừa trông vườn tược ao cá cho chủ.  Trước nhà có cây dừa thẳng tắp.  Danh lấy phấn vẽ hình người lên thân cây dừa.  Nó dùng mũi dao khắc cho cái hình thằng người không bị mưa nắng phai đi.  Dưới trái tim nhỏ của hình người.  Danh viết hai chữ Quý đen.
   Nó viết hai chữ Quý đen tưởng nó sẽ bỏ ý định giết Quý đen. Danh muốn quên thù hận, muốn sống cuộc đời đáng sống, muốn được ấp ủ trong tình thương mến của những người thân yêu của nó như ông Nghị, con Thảo.  Thế mà, mộng ước nhỏ mọn, khiêm tốn cu/a nó cứ bị người ta phá hủy, đốt cháy.  Ông Nghị chết, không ai biết khuyên bảo nó đừng nghĩ tới Quý đen, hãy nghĩ tới tương lai của nó.  Tương lai ấy có căn nhà cũ ở Khánh Hội, có cây vú sữa, có đàn gà, có con chó "xi".

   Danh đưa tay quệt mồ hôi trên trán.  Nó nghiến răng ken két.  Lại đứng chỗ cũ, Danh phóng mũi dao còn cách chút xíu nữa là trúng tim Quý đen. Quyền đang nằm hút thuốc lá, cười ha hả:
   - Sắp về tới Sàigòn rồi, xe đến cầu Bến Lức...

   Danh khoan khoái đứng ngắm tác phẩm gần hoàn thành của mình:
   - Về tới Chợ Lớn là cái chắc.  Mày ngó lại coi, chỉ còn một ly ông cụ nữa là chạm tim nó.
   - Phải trúng giữa tim nó mới "chì".
   Danh bỉu môi:
   - Ông cóc cần trúng giữa tim, chỉ cần chạm tim thằng khốn nạn là nó gục rồi.
   Quyền hất hàm:
   - Sao mày đ. nói "ông đ. cần" mà lại nói cóc cần ?
   Danh nhăn mặt:
   - Nói thế nào kệ tao.
   Quyền không chịu:
   - Bộ bác Nghị mày cấm mày văng tục, chử thề, hả ?
   Danh nín thinh.  Quyền hỏi tiếp:
   - Hay mày mết con Thảo, mày ăn nói tử tế ?

   Danh trừng trừng mắt nhìn Quyền.  Quyền to con hơn, và nó có thể hạ thằng Danh không khó khăn gì.  Nhưng đôi mắt Danh hôm nay ánh ra một vẽ gì thật dữ dội tàn bạo.  Khiến Quyền sợ hãi.  Danh bước tới thân cây dừa, rút mạnh lưỡi dao.  Nó gấp dao lại, đút vào túi.  Danh gọi:
   - Quyền.
   - Từ nay mày đừng nhắc tên bác Nghị và em Thảo tao nữa.
   - Tao nhớ rồi.
   - Mày còn gọi là con Thảo, tao sẽ giết mày.
   Quyền nói lảng:
   - Nghỉ tập phóng dao à ?
   - Ừ.
   - Gần thành công rồi, tập rán tí nữa đi mày.
   - Thôi, tao mệt quá mày ạ !  À Quyền này ...
   - Gì ?
   - Vừa rồi tao nói nhảm nhí, mày quên đi nhé !
   - Tao quên à ?
   - Mày quên thật không ?
   Danh rầu rĩ nói:
   - Tao còn có mỗi một mình, chả lẽ tao để bụng thù mày nữa hay sao ?

   Tự nhiên, Quyền thấy thương Danh.  Nó nhìn Danh bằng con mắt khác hẳn ngày đầu tiên nó gặp Danh ở trại Tế Bần.  Và nó cũng thấy, sau một năm xa cách, Danh không còn giống Danh ngày xưa.  Nó lớn hơn, có vẻ đứng đắn hơn và nhiều ưu tư hơn.  Quyền đang định nói với Danh một câu gì thân mến.  Thì Danh đã thở dài:
   - Sắp tới mùa mưa rồi mày nhỉ ?
   - Ừ.
   - Có mưa là bọn ễnh ương đua nhau kêu, buồn bỏ mẹ đi ấy.
   - Ễnh ương kêu buồn thối ruột.
   - Thế mà con nhà Lựa lại thích ễnh ương kêu mày ạ !
   - Kỳ cục quá hé !
   - Nó bảo nghe ễnh ương kêu nó ngủ ngon.  Nó tả cho tao nghe cái viện mồ côi của nó.  Ôi cha, viện khỉ mốc gì chung quanh toàn ruộng.  Ễnh ương kêu điếc cả hai tai.
   Danh chớp mắt:
   - Giờ nó nằm cong queo dưới mộ, nó hết được nghe ễnh ương kêu rồi.
   Quyền hỏi:
   - Mày có biết người ta chôn nó ở đâu không ?
   Danh lắc đầu:
   - Biết làm cái quái gì.  Nó chết tao mất hết cả.  Tao như thằng bị què một cẳng.  Giá nó còn sống, tao đâu cần theo ông Nghị.  Tao theo ông Nghị, gặp con Thảo tao lại khổ sở gấp bội.  Cứ có người thân yêu của mình chết là hết ham sống, mày ạ !
   Quyền lảng sang chuyện khác để cho bạn quên buồn:
   - Bao giờ tụi mình về Sàigòn hả, mày ?
   - Bao giờ mũi dao của tao trúng tim Quý đen thì về.
   - Gần trúng rồi còn gì nữa.
   - Phải trúng giữa tim nó cho nó hết dẫy dụa.  Đêm qua tao nằm mơ thấy thằng Lựa hiện về, nó dặn tao xẻo tay thằng khôn kiếp đó cho mày coi.
   - Thằng Lựa nó hiện về à ?
   - Ừ, mặt nó bê bết máu.
   Quyền nghiến răng:
   - Mày đần bỏ cha đi, muốn giết Quý đen mà mày không nài nỉ ông Nghị dạy mày phóng dao.  Giá học được tài phóng dao của ổng, mày phóng một mũi vào tim nó.  Rồi tao dựng lên để mày phóng vào hai con mắt nó, vào miệng nó vào rốn nó thì tuyệt cú mèo biết mấy.  Bọn nhãi đánh giầy hay tin mày "chì" thế, nó sẽ bầu mày làm vua liền.

   Danh liếm mép:
   - Ông Nghị chỉ dạy tao đọc sách thôi.
   - Tại sao ổng không thích dạy mày phóng dao ?
   - Ổng bảo đọc sách nhiều sẽ hết muốn giết kẻ thù.
   - Ổng không dạy mày thù Quý đen, hả ?
   Quyền xòe bàn tay trái, nắm đấm tay phải bấm bốp nắm đấm vào bàn tay:
   - Mẹ kiếp, ổng đ... biết đời sống ở hè phố.  Không giết nó, nó cũng giết mình.
   Danh nằm dài trên manh chiếu rách cạnh Quyền:
   - Cho tao điếu thuốc.
   Mồi lửa xong, Danh lẩm bẩm:
   - Nhưng bác tao đâu để tao sống hè phố.  Bác tao định xây dựng cho tao một cuộc đời không có hận thù...
   Quyền nghe rõ, nó tặc lưỡi:
   - Cuộc đời nào chả có hận thù.  Không hận thù là người gỗ à?  Đ.m. nghèo khổ là hận thù hết trọi.  Đi đánh giầy thì hận thù vua đánh giầy, hận thù thằng trả mình ít tiền.  Bị nhốt vào Tế Bần thì hận thù bọn giám thị ...

   Danh vắt tay lên trán.  Nó không cần nghe thằng Quyền giãi tỏ nỗi căm hờn của nó.  Danh nói một mình:
   - Tao đi học nghề thợ máy xe hơi.  Em Thảo học may, bác Nghị chạy tắc xi.  Tao đâu còn lang thang ở hè phố Sàigòn mà phải giết Quý đen nhỉ ?

   Quyền lắng tai nghe bạn tâm sự.  Nó xen vào:
   - Nhưng rốt cuộc mày phải gặp Quý đen !
   Danh rút dao ra khỏi túi, bấm nút cho lưỡi dao bật ra:
   - Và ông sẽ phóng mũi dao này trúng tim Quý đen.  Ông không rửa máu nó, ông thắp hương cúng thằng Lựa.
   - Mày tính giết cả chiến tranh nữa hả ?
   - Ông sợ gì.  Đ.m. chiến tranh !  Bác Nghị ông, em Thảo ông tốt thế mà nó giết chết hết.  Tại nó nên ông đ. được về căn nhà cũ ở Khánh Hội trồng cây vú sữa và nuôi gà.

   Quyền thấy bạn thật sự trở về nếp sống của hè phố.  Nó đã chịu chửi thề, văng tục rồi.  Quyền cảm giác trái tim nó đau nhói một cái.  Danh muốn cuộc đời của nó thoát khỏi luật lệ của hè phố.  Nhưng số phận nó, số phận cu/a những đứa trẻ nghèo khổ côi cút luôn luôn rủi ro.  Rốt cuộc, nó trở về hè phố để chịu đựng tủi nhục và nuôi dưỡng hận thù.

   Quyền chép miệng:
   - Hay là ...
   Danh hỏi:
   - Mày muốn nói gì ?
   - Hay là mày để tao "thịt" thằng Quý đen ...
   Danh vụt ngồi dậy:
   - Đ. cần mày, mày đâu có trông thấy thằng Lựa bị xe cán phọt óc tùm lum đầy đường.
   - Tao cũng thương thằng Lựa.
   Danh nín lặng.  Một lúc lâu, nó nói:
   - Thôi ra chợ ăn cơm mày.

   Hai đứa rửa mặt, lau mình mẩy, mặc áo rồi sang chợ.  Buổi trưa, chờ Quyền ngủ, Danh lại ra cây dừa tập phóng dao.  Và buổi nào cũng thế.

   Ngày tháng trôi đi vùn vụt.  Nhưng dao thằng Quyền vẫn chưa trúng giữa tim tưởng tượng của Quý đen.  Danh buồn lắm.  Nó đã cầu thằng Lựa, cầu ông Nghị và con Thảo phù hộ nó để nó phóng dao thật "chì".  Thằng Lựa thỉnh thoảng hiện hồn về trong những giấc mơ đứt quãng của nó.  Chứ, ông Nghị với con Thảo thì không bao giờ hiện hồn về cả.
  
    Danh bỏ Sài gòn đã lâu.  Nó không biết sinh hoạt của bọn đánh giầy ở hai vỉa hè Lê Lợi, Nguyễn Trung Trực còn như xưa không.  Và Quý đen có còn sống để dùng dây lưng da cá sấu quất vào thân thể những thằng nhãi thiếu thuế của nó ? Rồi chỗ ngủ ở chợ Cũ thế nào ? Bọn đầu nậu còn bóc lột không ? Danh tự hỏi thế và nó nghĩ luôn rằng những đứa ác thường sống lâu.  Chỉ có người hiền lành như ông Nghị, con Thảo mới dễ chết thôi.  Danh chẳng còn biết tin ở cái gì nữa.  Trời đâu có mắt.  Nếu trời có mắt, ông Nghị, con Thảo đã thoát bị chiến tranh tàn sát.

   Danh thấy sự hận thù càng ngày càn réo sôi trong huyết quản nó.  Nó phải hạ Quý đen nếu không nó cũng chết vì buồn hay điên mất.  Một buổi tối sau ba tháng ở Mỹ Tho.  Danh rủ  Quyền ra gốc cây dừa có khắc hình Quý đen.  Hai đứa hút thuốc lá.

   Danh hút hết điếu này châm liền điếu khác.  Đến nỗi Quyền phải ngạc nhiên:
   - Có dạo mày cai cơ mà ?
   - Bây giờ tao đ. cai nữa, làm được đồng nào tiêu cha nó đi.  Có còn ai thân nữa đâu mà để dành tiền.  Ngày xưa tao cai để đóng tiền trường cho thằng Lựa ...
   Nhắc tới thằng Lựa, Danh liệng điếu thuốc xuống rạch nước.  Tiếng "sèo" nghe rõ như tiếng căm hờn của Danh.  Nó nghiến răng kèn kẹt:
   - Mai tao về Sàigòn mày ạ.
   - Đã trúng tim Quý đen đâu mà về ?
   - Chưa trúng tao cũng về.
   - Thế thì mày bị nó hạ mất.
   - Dễ gì nó hạ nổi tao.  Mày có về với tao không, tao cần có mày, Quyền ạ !
   - Mày cần thì tao về với mày, sợ đ. gì.
   - Mày không sợ nó hạ cả tao lẫn mày à ?
   Quyền cười gằn:
   - Hạ được tao còn "khuya" ... À, hạ xong Quý đen rồi mày làm gì ?
   - Tao lại đi đánh giầy, chờ đủ tuổi tao đi lính.
   Quyền vỗ vai Danh:
   - Không ngờ mày tính toán ghê quá.  Trả thù cho thằng Lựa xong mày trả thù cho bác Nghị và em Thảo mày, phải không ?
   Danh không trả lời.  Quyền nói tiếp:
   - Hạ Quý đen mày sẽ được tụi nhãi đóng thuế cho mày, mày sẽ lên ngôi vua đánh giầy chịu không ?
   Danh lại đốt điếu thuốc khác:
   - Tao chưa biết.
   Quyền đập muỗi "đốp" một cái:
   - Mẹ kiếp, không lên ngôi vua là ngu.
   - Tao chỉ cần giết Quý đen thôi.
   - Giết Quý đen rồi lên làm vua tụi nhãi.  Đ. m. chúng nó bầy ra luật lệ thì mình phải theo chứ mày ...

   Danh không muốn nghe Quyền nói nhiều nữa.  Tự nhiên nó có cảm giác rờn rợn và thấy ghét Quyền quá.  Danh đứng lên:
   - Thôi, mày để một mình tao hạ Quý đen, mày nói gì đâu như cái củ c. ấy.
   Quyền bắt đầu giận Danh.  Nó cũng đứng dậy:
   - Kệ mày vậy, ông bàn khôn mày không nghe thì thôi.
   Hai đứa bỏ cây dừa, mỗi đứa đi ra chỗ khác.  Danh lần mò sang chợ.  Đi được một quãng.  Nó ngoảnh lại gặp thằng Quyền lẽo đẽo theo nó.

   Quyền chạy nhanh bắt kịp Danh.  Nó khoác vai bạn:
   - Mai về buổi sáng hay buổi chiều ?
   - Buổi chiều.

   Hai đứa song song bước trên đường đêm tỉnh lỵ.  Ánh điện vàng khè hắt xuống hai khuôn mặt méo mó, đầy những vết nhăn của hận thù.

   Nhưng buổi chiều hôm sau Danh vẫn chưa về Sàigòn.  Nó lại phóng dao vào trái tim tưởng tượng của Quý đen.  Còn Quyền nằm trên mảnh chiếu rách, xem Danh biểu diễn tài nghệ.  Cứ thế một tuần lễ nữa trôi đi.  Cho tới một buổi trưa, Quyền đang thiu thiu ngủ bỗng giựt mình ngồi vụt dậy vì tiếng kêu của Danh !
   - Cái gì đó mày ?
   - Trúng tim Quý đen rồi, sướng quá, sướng quá.  Chiều mai tụi mình về Sàigòn.  Đi sang chợ tao khao mày một chầu hủ tiếu Mỹ Tho.
   Quyền đáp lời mời của bạn.  Hai đứa trẻ khoác vai nhau sang chợ.  Danh véo cánh tay Quyền:
   - Tao thử ba lần, trúng giữa tim nó cả ba lần.  Ôi, sướng rên mé đìu hiu ...

   Quyền, hích khuỷu tay vào cạnh sườn bạn.  Hai đứa vừa đi vừa đùa nghịch.
Quý đen đã nốc cạn hai chai bia 33 đặt trên mặt chiếc bàn tròn nhỏ bừa bải tàn thuốc.  Rút hết điếu này sang điếu khác, cứ hít được vài hơi hoặc kiên nhẫn lắm, gần tới nữa, Quý đen lại dập đi.

   Thỉnh thoảng, nó xoay người, ngó về đằng sau xem con "mồi" của nó đã "lên lầu" chưa.  Quý đen mất ăn mất ngủ từ hai hôm nay khi nó hay tin vài thằng đàn em của nó phản nó, muốn truất phế địa vị "vua đánh giầy" của nó.

   Quý đen đã điều tra ra đám phản phúc đó.  Sáng nay, nó đích thân đi mua giây lưng da to gấp đôi chiếc dây lưng da cá sấu của nó.  Và, dỉ nhiên chiếc khóa đồng cũng to gấp đôi.

   Nó ngồi trên lầu Bồng Lai từ mười hai giờ.  Trưa nó không ngủ.  Căm thù như một ly cà phê đặc làm nó tỉnh táo vô cùng.  Tuy lòng dạ sôi sục.  Nó nóng ruột muốn gặp ngay mấy đứa phản phúc để thử chiếc giây lưng da mới.  Bọn đàn em thân tín hứa với nó nội trưa nay sẽ tóm cổ mấy đứa phản phúc nộp cho nó.

   Và Quý đen, vẫn cái kiểu ngồi ghếch chân lên bàn, nhìn qua cửa sổ, uống bia, hút thuốc lá chờ đợi lúc thi hành luật hè phố.  Nó đợi chờ đúng hai tiếng đồng hồ.  Bọn nhãi ranh chưa thấy tăm tích.  Quý đen mím môi rồi nghiến răng ken ket.

   Rồi chịu hết nổi, nó đạp tung cái bàn, xỏ chân vào giầy đứng dậy.  Nó cúi xuống lươm vỏ chai đập bốp vào thành ghế.  Cái vỏ chai vở đôi.  Quý đen tiện tay đâm một phát tưởng tượng.  Và nó ném luôn nửa cái vỏ chai trúng tường.

   Chưa đã cơn hận, Quý đen rút giây lưng da mới, quất lia lịa vào khoảng trống.  Tiếng kêu vun vút nghe rợn người.  Nó bước tới gần chiếc cột nhỏ, asy mê quất đầu khóa vô cái cột tóe lửa ra.

   Giữa lúc hận thù bừng bừng ấy, năm thằng nhãi xuất hiên.  Quý đen tiếp tục quất cái cột mà nó nghĩ cái cột là kẻ thù không đội trời chung của nó.  Đến nỗi, một thằng đàn em phải nói lớn:
   - Thưa anh, bắt được chúng nó rồi ...

   Quý đen mới chợt tỉnh và ngừng quất dây lưng da vào cái cột.  Mồ hôi nó toát ra đẫm áo đầm đìa trên khuôn mặt nó.  Trông nó giống hệt một thợ đánh người vừa tra tấn xong.
   Xoay tay mấy vòng cho chiếc giây lưng da cuộn tròn vô cổ tay nó, Quý đen hất hàm:
   - Mấy thằng ?

   Mồ hôi từ trán nó rơi xuống sàn lầu nghe rõ cơ hồ giọt nước từ mái tranh nhỏ xuống đất.  Im lặng.  Ghê rợn đang bao trùm kín những con mồi của Quý đen.  Thằng đàn em thân tín đáp:
   - Thưa anh, ba đứa ạ !
   Quý đen nhổ bãi nước miếng:
   - Tụi bây lùi ra !

   Hai thằng đàn em hiểu ý đàn anh, đẩy ba con mồi chúi ngã rồi bước về phía cầu thang.  Quý đen lại xoay tay vài vòng.  Chiếc dây lưng tung ra.  Nó nhắc cánh tay quật ngang trán:
   - Đ. m. chúng mày "đảo chánh" ông hả ?
   Ba con mồi khốn nạn chưa kịp kêu xin, chiếc khóa đồng tới tấp quật lên thân thể chúng nó.
   - Đ.m. này "đảo chính" này, ông cho chúng mày "đảo chính".
   Chiếc dây lưng da khóa đồng quất vun vút, veo véo vào ba thằng nhãi.  Một chập, ba đứa mềm nhũn, ngã quỵ trên sàn lầu.  Quý đen buông chiếc dây lưng da bộp xuống sàn, bước xích lại "địch thủ" dùng mũi giầy xúc má một đứa bất hạnh.  Đầu thằng nhãi nhô cao một chút rồi rơi phịch.  Nhưng nó không cảm thấy đau đớn.  Chiếc khóa đồng đã làm nó tê dại.  Quý đen đặt chiếc gót giầy lên mặt thằng khác.  Thằng này cũng không nhúc nhích.  Quý đen búng tay:
   - Thằng ba, cầm tao hộp quẹt đây !
   Tên đàn em thân tín chạy tới, móc túi đưa hộp quẹt cho Quý đen.  Nó trừng mắt nhìn đàn em:
   - Bộ phải dục mày nữa hả ?
   Tên đàn em thân tín bật que diêm.  Que diêm cháy hết đầu diêm sinh vào tới gỗ một chút, nó búng xuống cổ tên "phản phúc".  Thằng nhãi hét lớn:
   - Ối giời ơi !
   Quý đen cười gằn:
   - Chơi nữa đi Ba !
   Ba bật que diêm thứ hai.  Nó chưa búng thì tên "phản phúc" đã ôm lấy chân Quý đen.
   - Lạy anh tha em, em oan uổn không phải em ...
   Quý đen như không nghe rõ.  Chân nó vẫn đặt lên mặt thằng khốn nạn và lấy mắt ra hiệu cho đàn em thân tín.
   Thằng Ba lại búng đầu diêm sinh đã cháy còn than đỏ xuống cổ thằng "phản phúc".  Kẻ chủ mưu "đảo chính" ôm chặt lấy chân Quý đen hơn, giẫy dụa:
   - Em lạy anh, bọn thằng Quới xúi em không nạp thuế cho anh.  Em vẫn nộp, chứ có dám nghe nó đâu.  Anh tha em, em oan uổng quá trời, anh ơi !
   Quý đen co cẳng lên.  Hai cánh tay thằng "phản phúc" chới với.  Nó hỏi:
   - Thật thằng Quới hả !
   - Dạ.
   Quý đen đặt chân lên mặt thằng thứ hai:
   - Cho nó nếm "đạn lửa" xem nào ?

   Con mồi thứ hai của Quý đen tuy mềm nhũn trên sàn nhưng mắt vẫn hé theo rõi bạn mình nếm đòn mới lạ của vua đánh giầy.  Nó phải cắn môi để khỏi bật ra tiếng hãi hùng.  Đến khi chân Quý đen đặt lên mặt nó, thằng nhãi thấy ớn xương sống.  "Cho nó nếm đạn lửa xem nào ?"  Bẩy tiếng từ miệng Quý đen phóng ra, mới nghe đã có cảm giác đau đớn gấp chục lần chiếc khóa đồng quất lên da thịt.

   Con mồi của Quý đen nhắm nghiền mắt lại.  Tiếng que diêm "xòe" khiến nó rú lên.  Nó giẫy dụa.  Nó tiểu tiện ướt đẫm chiếc quần sà lỏn, tràn trề chỗ nó nằm.  Quý đen búng tay tách một cái.  Tên đàn em thân tín rời khỏi cầu thang.
   - Mày đập gẫy cẳng nó đi, Hội.
   Thằng Hội co cẳng lên đạp mạnh xuống ống quyển của đồng nghiệp nó.  Thằng nhỏ lép vế la lối.  Quý đen thản nhiên rút thuốc lá, quẹt diêm...  Nó hít hà một cách khoan khoái.  Thở một làn khói đầu, Quý đen dục đàn em:
   - Còn một cẳng nó còn giẫy dụa.  Đ.m., nó dẫy tung nước đái thì sao ?

   Đàn em Hội mím môi, co cẳng lần thứ hai.  Và ống quyển của kẻ bị khép tội âm mưu đải chính Quý đen hưởng thêm một cú đánh đau điếng.  Nó hốt kêu.
   Quý đen hất đầu.
   - Nó biết điều rồi.  Hội, mày lại ra cầu thang coi chừng có thằng nào bén mảng tới đây không.  Thằng Ba cho tên chó đẻ nếm "đạn lửa" xem nào ...

   Hội làm xong nhiệm vụ, lừng lững về chỗ cũ.  Quý đen có bốn thằng đàn em thân tín.  Những thằng này khỏi phải đóng thuế cho nó.  Quý đen ban ân huệ cho chúng nó để sai khiến chúng nó trong những vụ này.  Ngoài ra, bọn đàn em thân tín còn làm "mật vụ" xem có đứa nào chửi sau lưng Quý đen hay toan lật đổ Quý đen.  Như xã hội lớn chúng ta đang sống, xã hội đánh giầy tuy bớt hèn mọn hơn nhưng tổ chức chặt chẽ hơn.

   Thằng Ba lại bật que diêm.  Nó chưa kịp búng đầu que diêm sinh đã chán còn than đỏ xuống cổ thằng "phản phúc".  Thì thằng khốn nạn đã dùng hai tay đẩy chân Quý đen rồi lồm cồm ngồi dậy lạy Quý đen như tế sao:
   - Em cắn cỏ lại anh, thằng Quới nó định "chơi" anh.  Em đâu dám trái luật của anh.  Thằng Hội ghét em nên bắt oan em.  Em đang ngủ chớ có theo thằng Quới đâu.

   Quý đen đập thằng "phản phúc" một cái:
   - Đ.m. mày, giá thằng Quới hạ nổi ông, mày sẽ đái vào mặt ông.  Đồ chó đẻ, ông lạ gì tụi bây.
   Thằng "phản phúc" nhăn nhó:
   - Thưa anh, đời nào em dám, em lạy anh.  Em sẽ chỉ chỗ cho anh bắt thằng Quới.
   Quý đen hài lòng câu này lắm.  Nó chứng tỏ đàn em của nó oan thật.  Nhưng vẫn ra oai:
   - Toại !
   - Dạ ...
   - Thật tình mày theo tao, hả ?
   - Dạ ...
   - Mày dám liếm nước đái ăn thề không ?
   Thằng Toại nghĩ tới cái đầu diêm sinh đã cháy còn than đỏ, nghĩ tới hai cú giáng xuống ống quyển, nghĩ tới chiếc khóa đồng bự của Quý đen.  Nó gật đầu lia lịa:
   - Dạ, dám ạ !
   - Thì mày thề đi.

   Thằng bé đánh giầy cúi xuống sàn gác lè lưỡi ra liếm bãi nước đái của mình.  Nó ứa nước mắt.  Nước mắt rơi hòa cùng nước đái.  Nó nuốt cả vào dạ dày.  Quý đen đạp khẽ vào người nó:
   - Thôi mày ...
   Thằng Toại ngừng liếm tủi nhục.  Quý đen bảo nó:
   - Cởi áo mày ra lau khô nước đái đi kẻo tụi bồi càu nhàu tau, lại bắt tội tay tao ngứa ngáy.
   - Dạ.

   Thằng Toại cởi áo thấm nước đái.  Lưng nó rơm rướm máu.  Nó lết ra cửa sổ vắt áo rồi mặc luôn.  Nước đái thấm vào những vết khóa đồng làm rướm máu khiến Toại xót muốn chết.  Quý đen trừng trừng mắt nhìn nó:
   - Ngồi bên thằng kia rồi tao tính chuyện với mày sau.
   - Dạ.
   Đến con mồi thứ ba. Quý đen bắt đầu chán đánh.  Bao nhiêu căm hờn nó dồn cả vào thằng Quới.  Quý đen hỏi Toại:
   - Thằng Bào có theo thằng Quới không ?
   - Dạ không.
   - Sao mày biết ?
   - Ba chúng em chỉ lo đánh giầy kiếm cơm ăn và đóng thuế cho anh còn thừa gửi về quê cho má chúng em.
   - Tao biết.
   - Thằng Bào nó ngất xỉu rồi, anh tha nó.

   Quý đen bước lại bàn, bưng ly bia đặc đã tan nhưng vẫn còn lạnh đỗ vào mặt Bào.
   - Lát nữa nó tỉnh.  Nó không tỉnh thì nó chết luôn việc đ. gì mà lo.  Mày đi giờ được chưa ?
   - Thưa anh chân em đau lắm.
   - Mày chỉ chổ thằng Quới trốn đi.
   - Dạ, thưa anh, hiện giờ nó đang ngủ ở gầm cầu Mống với bọn Ba răng vàng.
   - Có thằng Ba răng vàng không ?
   - Không ?
   - Sao mày biết ?
   - Lúc nãy nó rủ tụi em, tụi em không đi.  Giờ nó theo Ba răng vàng rồi.
   Quý đen búng tay tách một cái.
   - Ê, Hội !
   - Dạ.
   - Mày, thằng Ba đi kiếm thằng Bần, thằng Đởm, đến ngay gầm cầu Mống xem có thấy thằng chó đẻ Quới không.  Nếu nó ngủ với bọn Ba răng vàng thì về ngay kẻo Ba răng nó "thịt" cả bọn mày.  Để tao trị thằng Ba răng vàng mới nổi.  Nếu nó ngủ một mình, thộp cổ nó về đây cho tao gấp.

   Lại trừng mắt nhìn Toại, Quý đen dọa:
   - Nó không có ở gầm cầu Mống mày biết tao !
   Hai tên đàn em thân tín xuống lầu.  Quý đen bảo Toại:
   - Lôi cổ thằng Bào dậy ! Tụi mày vô góc phòng mà nằm.

   Quý đen về bàn của nó.  Nó đã tụt giầy ra, ghếch chân lên bàn, nhìn qua cửa sổ, uống bia và hút thuốc lá.  Quý đen vắt óc nghĩ đủ mọi hình phạt để trừng trị tên chủ mưu "đảo chính" Quới.  Nó dám đập vỡ đôi chai bia, đâm thẳng vào mặt thằng Quới không gớm tay.  Chuỗi tháng năm đói rách của nó hiện ra đầy đủ kỷ niệm tủi nhục ê chề.  Nó leo lên địa vị hôm nay không phải là cầu âu hay trúng số.  Mà phải trả giá bằng những nhát dao, sẹo còn đầy người.

   Những vết sẹo tạo sự nghiệp vua đánh giầy cho Quý đen khÔng thể xây sát được nữa.  Quý đen bảo vệ đến cùng.  Nó sẽ giết bất cứ đứa nào toan tính lật ngôi vua đánh giầy của nó.  Nó sẽ nhét giẽ vào miện thằng Quới, sẽ đạp vỡ ngực thằng Quới, sẽ chặt ngón tay thằng Quới, sẽ rạch lên trán thằng Quới hai nhát dao cạo.  Còn đòn gì xứng đáng hơn không.

   Quý đen lẩm bẩm " Bố mày sẽ xẻo tai mày con ạ !" Men hờn bốc cay mắt nó.  Quý đen ngã người vào thành ghế, liệng mẩu thuốc đi.
   - Quý đen !

   Vua đánh giầy không nhúc nhích, đôi mắt nó đang lim rim.  Dường như khói thuốc và men bia cộng với nỗi mệt nhọc sau trận đánh đàn em làm nó muốn ngủ.
   - Quý đen !

   Nó giật mình.  Nhưng vẫn không thèm ngó lại đằng sau.  Chỉ lải nhải:
   - Thằng khốn nạn đã về đấy à ?
   - Ừ, bố mày đây Quý đen ạ !

   Quý đen nuốt nước bọt ực một cái.  Nó hơi run.  Tuy thế, Quý đen đã vụt đứng dậy, xoay người.  Khi nhận ra thằng Danh, nó yên dạ:
   - Tưởng chúng nó lôi cổ thằng chó đẻ Quới về đây để chọc tiết nó.  Ai dè mày.  Bỏ đi đâu biệt tích cả năm trời hả, thằng ông ? Mày cũng dám chửi tao cơ à ?

   Danh bấm nút dao.  Lưỡi dao bật khỏi cán.  Tiếng người ở cầu thang dục nó:
   - Hạ nó đi !
   Quý đen xua tay:
   - Để tao nói, có chuyện gì, để tao nói ...
   Danh bước thêm hai bước.  Nó cách Quý đen vừa tầm.  Vua đánh giầy toan lùi.  Danh nghiến răng ken két:
   - Quý đen, mày giết thằng Lựa, tao giết mày.
   Quý đen dơ hai tay phân trần:
   - Tao ... tao ...

   Mũi dao phóng ra không đợi Quý đen nói hết câu.  Vua đánh giầy ôm ngực khuỵu ngã.  Danh chạy lại, đe chân lên cổ Quý đen.  Vua đánh giầy mở to mắt nhìn kẻ giết mình.  Nó thều thào:
   - Mày ... mày ... phe ... thằng .. Quới ...

   Danh mím môi, dùng chân phải đặt lên cổ Quý đen làm điểm tựa, đứng hẳn lên.  Chân trái nó lơ lửng Quý đen há hốc miệng.  Danh day day chân lên cổ Quý đen một lát rồi cúi xuống rút mũi dao ra.  Máu của Quý đen vọt lên cao.  Danh vén tay bên trái, quệt lưỡi dao nhuốm máu Quý đen vào hình xâm thằng Lựa.
   - Tao trả thù cho mày rồi, Lựa ơi !
   Thằng Quyền bước hẳn lên lầu.  Nó tới gần Danh, vẫy vai bạn.
   - Chẩu đi !

   Danh đứng trân trân nhìn máu Quý đen tràn ướt đỏ áo nó.  Quyền rút cái khăn, giật con dao khỏi tay bạn, gói lại.
   - Chẩu đi kẻo rũ tù, mày !

   Nó kéo thằng Danh bước xuống lầu.  Bọn thằng Toại tận mắt chứng kiến Danh phóng dao kết liễu Quý đen.  Tự nhiên, ba đứa khỏe hẳn.  Chúng nó hết đau đớn.  Danh đã rửa hờn giùm chúng nó, mối hờn mà sống hết đời người, chưa chắc đứa nào dám nuôi dưỡng.

   Ba thằng nhãi đánh giầy rủ nhau chuồn gấp.  Còn lại trên lầu Bồng lai, xác của vua đánh giầy, máu đang chảy ròng ròng.  Khi bọn thằng Ba trở về, thấy đàn anh bị thanh toán, vội vàng mỗi đứa biến đi một khu vực khác trốn trách.  Chúng nó sợ thằng Quới sẽ hỏi thăm chúng nó.  Chúng nó đâu có biết kẻ hạ Quý đen là thằng Danh.
CÁI CHẾT CỦA QUÝ ĐEN LÀ MỘT tin mừng đối với bọn nhãi đánh giày trên giang sơn của nó. Nhà chức trách mở cuộc điều tra. Bí mật trùm lên xác Quý đen. Có ba đứa biết người “anh hung” giết Quý đen. Nhưng luật hè phố dạy chúng nó phải câm miệng và tránh cảnh sát không thì sẽ bị xử giống Quý đen. Nên cái chết vô thừa nhận, không giấy tờ, vô gia cư không lấy gì làm quan trọng. Phòng trà ca nhạc ngày đêm vẫn hát, nhẩy nhót. Lũ bồi chỉ quét rửa chừng hai tiếng sau khi nhà chức trách đã khám nghiệm xong xuôi là sạch hết vết máu của Quý đen.

Về phía bọn đánh giày, chúng nó coi Danh như kẻ “giải phóng” . Được thằng Toại thêu dệt thêm chuyện. Danh đã trở thành thứ “chì” nhất Sài Gòn. Và chung quanh nó, một huyền sử bí mật bao vây. Bọn đánh giày bàn ra tán vào chuyện đi đăng đăng của nó.

Nửa tháng sau, Danh sắm sửa đồ nghề, Quyền gằn nó:
-    Mày không cần xách hòm, chìa tay nhặt từng ba đồng đâu.
Danh hỏi:
-    Tại sao?
Quyền không đáp. Nó nói:
-    Rồi mày sẽ biết. Chiều nay mày đến Kim Sơn đi. Tao tin mày không muốn đánh giày nữa.

Chiều hôm đó, Danh và Quyền đến Kim Sơn. Bọn đánh giày đang hành nghề, ngừng lại, nhìn kẻ “giải phóng”. Mười lăm ngày không phải nộp thuế cho Quý đen, không còn ghê rợn khi tưởng tượng chiếy dây lưng da khóa đồng quất lên thân mình, bọn nhãi mừng lớn hẳn người lên. Danh muốn xà tới thăm viếng tụi bạn cũ. Nhưng Quyền kéo nó đi thẳng và lôi nó lên lầu Bồng Lai. Kéo ghế ngồi, rút thuốc lá hút, Quyền nhìn Danh:
-         Chúng nó biết mày giết thằng Quý đen rồi đấy!
-         Thật à?
-         Bộ tao giỡn hả?
-         Làm sao chúng nó biết được? Bỏ mẹ, chúng nó có báo cảnh sát không?

Quyền nhếch mép cười:
-         Dân đánh giày đâu có thân tình với cảnh sát. Đừng lo mày.
Nó xô ghế đứng lên:
-         Mày ngồi đây chờ tao một chút nhá!
-         Mày đi đâu?
-         Tao xuống đường.
-         Lâu không?
-         Chóng.
 
Quyền xuống lầu. Danh ngồi một mình. Nó vén ống tay áo lên, ngắm nghía hình thằng Lựa:
-         Tao hạ thằng chó đẻ rồi mày ạ! Máu nó chảy tùm lum. Giờ tao đọc nổi truyện Tam Quốc, Lựa ơi! Nhưng tao đã ham nữa, đ. ham gì hết trọi. Thằng Quyền tao chán ngấy, tao thích mày nhất đời, tao đâu coi thằng Quyền hơn mày. Đ. đứa nào hơn mày được.
 
Nước mắt Danh ứa ra. Nó gục đầu xuống mặt chiếc bàn nhỏ. Khi cơn xúc động qua đi, nó rút khăn thấm khô mắt. Thì vừa lúc Quyền trở về. Hai đứa chỉ thuốc hút mà không nói năng. Một lát, hai thằng nhãi đánh giầy xách hòm lên. Chúng nó bước lại gần bàn Danh, đặt hòm đồ nghề, móc túi đưa Danh hai chục và lễ phép:
-         Thưa anh, thuế chiều nay của em.
Danh sững sờ. Quyền trả lời thay em.
-         Để đó rồi cút xuống!

Danh chết lặng người. Chợt nó tỉnh ngộ. Câu nói hách dịch của con nhà Quyền sao giống Quý đen thế! Câu nói ấy nó đã nghe Quý đen nói nhiều lần. Câu nói ấy y hệt chiếc dây lưng da khóa đồng quất lên mình thằng Lựa. Danh bất bình. Nó đứng lên trừng trừng nhìn Quyền:
-         Ông không làm vua đâu.
Và hất hàm ra hiệu cho hai thằng nhãi:
-         Cầm lấy đi tụi bây, chả lẽ, tao lại là Quý đen?

Hai thằng nhãi đứng im. Trong mắt chúng, chúng đã nhìn thấy uy quyền của Quý đen ở kẻ “giải phóng” dù kẻ “giải phóng” Danh không có chiếc dây lưng da khóa đồng. Hai đứa khúm núm:
-         Thưa anh tụi em không dám.

Danh đập nắm tay xuống mặt bàn:
- Đ.m, chúng mày. Hời. Tê ạ! Ngày xưa chúng mày, mày mày, tao tao với tao, sao dở chứng kêu tao bằng anh?
 
Hai thằng nhãi trợn mắt nhìn Quyền. Con nhà Quyền nháy mắt ra hiệu. Thằng Hời nói:
-         Giờ anh là vua, anh đã hạ Quý đen, tụi em phải phục tùng anh. Chúng em vui lòng đóng thuế cho anh.
Danh hét lên:
-         Ông đ.làm vua chúa gì hết trọi.
Tê tiếp lời bạn:
-         Anh làm vua anh không đánh tụi này bằng dây lưng da khóa đồng. Anh mà không làm vua, tụi này sẽ khốn nạn với thằng Quý đen khác.

Danh đứng dậy. Quyền cũng đứng dậy. Nó dùng hết sức của nó đè tay lên vai Danh và ấn mạnh Danh ngồi xuống, Tê năn nỉ:
-         Tụi này biết anh đã phóng dao vào tim Quý đen. Bọn thằng Toại kể lại. Chúng nó vừa bị Quý đen đánh mềm nhũn nằm một xó, anh không nhìn thấy chúng nó nhưng chúng nó nhìn thấy anh. Tụi bồi ở Bồng Lai sợ anh một vành rồi. Còn tụi này bằng lòng bầu anh làm vua. Anh cứ làm đi, anh không ác như Quý đen, anh thương tụi này, tụi này đóng thuế cho anh, tụi này không phản phé đâu …
Anh không làm, thằng Quới nó làm thì uổng quá …
 
Danh đã bịt tai lại. Nên nó nghe tiếng rõ tiếng không. Và, vì thế con nhà Tê mới lải nhải dài giòng … Khi cái miệng thằng Tê ngừng mấp máy. Danh nện gót trên sàn lầu :
-         Đừng gọi tao là anh, đứa nào gọi tao là anh …
Danh ngậm miệng ngay. Nó chợt thấy một lô nhãi khác đã xuất hiện ở cầu thang. Hai đứa mang bia đặt và hai cái ly tới bàn Danh. Nó vừa để xuống mặt bàn, Danh gạt ngang tay, bia và ly văng hết xuống sàn . Danh ôm mặt gầm lên :
-         Ông đâu có phải là Quý đen.

Bọn nhãi sợ hết hồn. Danh chỉ vào mặt chúng :
-         Tao không thu thuế, không làm vua gì hết trọi. tao sẽ đi đánh giày như tụi mày. Đứa nào gọi tao là anh xưng em, tao sẽ giết như tao đã giết Quý đen. Ông đ. Làm vua đâu, đ. có luật gì cả. Đ. m. đứa nào đóng thuế. Làm đồng nào ăn đồng ấy, đ. phải đóng thuế cho thằng nào.

Bọn nhãi tươi tỉnh nét mặt. Một thằng hỏi :
-         Anh nhất định ở đây với đàn em chứ ?
Danh văng tục :
-         Đàn em cái con “kẹ”, ông lại tán bỏ mẹ mày bây giờ, Mãi !

Thằng Mãi toét miệng cười :
-         Ờ, mày trước sau vẫn vậy, Danh ạ ! Tao khoái mày gấp bội đó.
Nhưng nó câm họng ngay vì nó vừa bắt gặp tia nhìn hằn học của thằng Quyền. Từ nãy, Quyền ngồi im, tuy trong lòng nó, trận cuồng phong của giận hờn nỗi đùng đùng. Song nó chỉ tái mặt, mím môi và dậm chân trên sàn lầu. Danh quát :
-         Tụi mày cút xuống đi ! Mang la de xuống luôn. Xuống mà làm ăn chứ.

Bọn nhãi ngoan ngoãn vâng lời. Chúng nó cảm giác trong sự mắng mỏ của Danh có một vẻ gì thương xót, đùm bọc, che chở. Đợi bọn nhãi đi khuất mắt, Danh trách Quyền :
-         Mày xúi tụi nó hả ?
Quyền gật đầu :
-         Có sao không ?
-         Sao lại không ? Tao cần bạn chứ không cần đàn em. Tao còn tay còn chân chứ chưa què. Bây giờ tao không làm nghề đánh giày tao có thể làm nghề khác. Tao khôn rồi, tao biết đọc sách báo, tao ham cái khác chứ không ham chức vua đánh giày đâu.

Quyền mỉa mai:
-         Mày tưởng mày “cừ” lắm hả?
-         Tao đâu có tưởng tao “cừ”.
Quyền mỉa nói:
-         Tài cán mày được mấy ký? Đ.m, giỏi giang gấp cả ngàn lần mày còn đ. đi đến đâu nữa là dúm chữ của mày.
Danh nín thinh. Quyền xả cơn giận:
-         Mày giết nổi thằng chó đẻ Quý đen là cầu âu, là có tao ám trợ. Một mình với tài phóng dao cắc ké của mày, nó sẽ thịt mày như thịt con ngoé.

Danh nhăn nhó:
-         Biết rồi, tao cám ơn mày …

Quyền đạp tung cái bàn, đứng lên:
-         Thế mà ông bảo mày làm vua, mày lại chê! Mày không làm vua. Nó sẽ đối xử với bạn mày tàn nhẫn hơn Quý đen. Ông nói trước cho mày biết, lúc này nó giết mày đ. có ông đâu.

Danh búng ngón tay tách một cái:
-         Đ. có mày thì thôi. Tao nhất định không sống phè phỡn bằng tiền của chúng nó.

Quyền nhổ một bãi nước miếng:
-         Xong rồi, mày trả con dao đây. Tao với mày kể từ giờ là cạn tình nghĩa!
Danh chộp lấy cánh tay bạn:
-         Khoan …
Quyền giật mạnh:
-         Khoan cái củ c. Trả tao con dao đây!
Danh chớp mắt lia lịa:
-         Mày bỏ rơi tao à?
-         Ừ, ông bỏ rơi mày. Trả tao con dao đây !

Danh nuốt nước bọt ừng ực. Nó móc túi đưa con dao cho Quyền. Quyền vồ ngay rồi phăng phăng bước xuống lầu. Danh chết lặng nhìn theo. Nước mắt nó ứa ra. Nhưng nước mắt chỉ đọng trên mi, không xuống má.
QUYỀN BỎ RƠI DANH. NÓ KHÔNG về Mỹ Tho. Nó vẫn nấn ná ở Sàigòn nuôi hy vọng Danh dẹp bỏ ý nghĩ làm đẹp cho xã hội đánh giầy. Quyền giận Danh lắm tuy nó thương Danh vô cùng. Bây giờ, xa Danh nó lại càng thương.
Nửa tháng thoáng qua trên giang sơn của Quý đen. Mất Quý đen, bọn nhãi đánh giầy đâm ra lười biếng. Chúng nó chỉ làm việc lai rai đủ ăn, đủ tiền cơm, chơi bài cào. Hình ánh chiếc giây lưng da khóa đồng đã chết hẳn trong tâm tưởng chúng nó. Và hình ánh kẻ "giải phóng" Danh cũng sắp chết.
Danh chưa xách hòm đi đánh giầy. Nó còn dư tiền để ăn uống, hút thuốc lá, coi tuồng cải lương. Hạ được Quý đen rồi, nỗi buồn trong lòng nó đùn cao lên. Nó mới hiểu thấm thía tại sao ông Nghị đã không muốn dạy nó phóng dao mà chỉ muốn dạy nó đọc sách, coi truyện.
Danh đợi chờ ngày nó đủ tuổi đăng lính. Ngày tháng dường như dài vô tận. Danh thấy nó lẻ loi, cô độc. Nó không thể hòa mình vào thế giới đánh giầy nữa. Nó đã khác xưa dù có văng tục, chửi thề luôn miệng. Một ngày nào đó, Danh sẽ bỏ đất sống củ của nó, đi thật xa. Danh nghĩ thế. Danh chợt nhớ tới bệnh viện tỉnh lỵ Phước Long, chợt nhớ tới cô y tá Hảo.
Lầu Bồng Lai trưa nay lạnh lẽo quá. Danh ngồi dựa lưng vào thành ghế. Nó hút gần hết gói "Ách chuồn". Trong khói thuốc, Danh nhìn rõ thằng Lựa, ông Nghị, con Thảo hiện về rồi tan đi, bay biến.
Có tiếng chân người ở cầu thang. Danh giật mình ngoái cổ lại. Thằng Qưới toét miệng cười. Nó cắt lời khen ngợi :
- Mày "chì" hết sức, mày đánh dập đầu con rắn Quý đen rồi...
Qưới là kẻ chủ mưu "đảo chính" Quý đen. Âm mưu "thịt" Quý đen tranh ngôi vua đánh giầy của nó bị bại lộ. Nó lánh nạn ở giang sơn của Ba răng vàng. Qưới không dám chiềng mặt ra. Nó lẩn lúc như kẻ tử tù vượt ngục. Nó hiểu Quý đen thộp được cổ nó, thằng khốn nạn này sẽ không tha thứ nó.
Đến hôm nay Qưới mới dám trở về vì nó dò hỏi biết chắc Danh đã hạ Quý đen. Qưới chạy xô lại ôm lấy Danh :
- Không có mày thế nào Quý đen cũng giết tao.
Nó kể cho Danh nghe tội ác của Quý đen và âm mưu "thịt" Quý đen của nó. Cuối cùng, Qưới rủ Danh đi chơi. Nó đưa Danh vào rạp Long Thuận coi phim diễu. Buổi chiểu hai đứa đi ăn mì rồi đi coi cải lương luôn. Đêm về Qưới hỏi Danh :
- Mày ngủ ở đâu ?
- Ở chỗ của Quý đen.
- Gầm cầu thang Bồng Lai à ?
- Mày rõ rồi còn hỏi làm chi ?
Qưới vỗ vai Danh, thân yêu.
- Về gầm cầu Mồng ngủ với tao cho vui.
Danh đang buồn, bằng lòng ngay. Hai đứa gọi xích lô máy về cầu Mồng. Qưới khoác tay Danh y hệt Lựa đã khoác vai Danh. Nó nằm bên Qưới tìm lại hơi nóng của Lựa. Và thiếp ngủ.
Khi Danh thức dậy, chân tay của nó đã bị trói chặt. Miệng nó bị dán đầy băng keo kín mít. Danh giẫy dụa. Vô ích. Tiếng thằng Qưới :
- Ổn rồi...
Tiếng thằng Ba răng vàng :
- Sáng mai mày sẽ lên làm vua sướng nhé con, nhe ! Đừng quên mỗi ngày chia cho tao một nửa kẻo lại giống thằng chó đẻ này !
Danh đã bị bọn thằng Qưới lường gạt. Nó ức quá, nước mắt chảy ràn rụa. Nó giẫy mạnh. Qưới đánh một cú.
- Ông định "thịt" Quý đen lên làm vua, ông làm cỗ cho mày xơi à ?
Danh muốn giải thích nó không hề muôn làm vua, bọn thằng Qưới thả nó, nó sẽ đi Phước Long ngay. Nhưng miệng nó bị dán kín. Nó ú a ú ớ. Ba răng vàng đục Qưới.
- Mày lại đằng kia lượm hòn đá đi !
Qưới vâng dạ luôn miệng. Không đầy mười lăm phút. Ba răng vàng và Qưới đã cột hòn đá bự vào bụng Danh.
- Cho nó đi tầu ngầm... Tiên sư này Qưới ơi ! Mày không nghe ông, mày xơi nó ở Bồng Lai thì mầy "tỏi" cha mày rồi. Thôi lẹ lên !
Danh nhắm mắt chờ chết. Nó sắp chết một cách đau đớn, khốn nạn mà nó đoán trước được. Danh muốn cắn lưỡi chết cho khỏi sợ. Song nó lại do dự. Nó còn hy vọng sự may mắn cuối cùng, hy vọng phép thiêng nào đó sẽ cứu nó khỏi chết chìm. Nó nhắm mắt cầu thằng Lựa, ông Nghị, con Thảo hiện lên giải thoát cho nó.
Danh mở mắt ra. Không thấy thằng Lựa, ông Nghị, con Thảo. Trời tối om. Chỉ thấy hai đóm lửa đỏ trên đầu điếu thuốc của thằng Qưới và Ba răng vàng. Hai đóm lửa đó cơ hồ hai con mắt của tử thần đang say mê nhìn nó trước khi hút máu nó, xả thịt nó. Danh lại giẫy dụa. Nước mắt nó khô từ lúc nào. Nó đã cạn nước mắt. Tuyệt vọng đã làm tê tái trái tim nó. Tuyệt vọng đã chụp thuốc mê vào mắt nó. Nó thôi không giẫy dụa nữa, nằm yên chờ chết. Tiếng Ba răng vàng :
- Cho nó xuống âm phủ đi, tao buồn ngủ lắm rồi.
Tiếng thằng Qưới :
- Khoan đã.
- Khoan cái củ c.  á !
- Có ghe tới.
- Nằm xuồng, dập thuốc đi. Nhỡ ghe của "cớm" ngứa mắt ép vô thì lúa.
Tiếng động cơ nghe mỗi lúc một lớn. Và chiếc ghe máy rẽ nước đến gần cầu. Tia hy vọng lóe lên, xẹt qua đầu óc Danh. Nó ú a ú ớ. Qưới hơi khẽ Ba răng vàng :
- Liệu sao không ?
- Liệu cái mồm mày ấy. Máy nổ thế đâu có ai nghe nó cầu cứu.
- Hay là...
- Ông bảo mày câm họng lại.
Chiếc ghe máy chui qua cầu. Khoảnh khác, nó đã đến cầu Quay. Ba răng vàng nói :
- Vừa nãy mày muốn nói gì ?
- Hay là tha cho nó, nó đâu có muốn làm vua, nó không thu thuế, thằng bạn xúi nó lên làm vua, nó quát tháo ầm ỹ mà...
Ba răng vàng khạc đờm trúng mặt Qưới.
- Mày tha nó rồi một năm sau nó sẽ về "thịt" mày lẫn ông. Nó "thịt" mày thì kệ mẹ mày. Chứ, nó "thịt" ông thì ai nuôi má ông ? Bộ má ông đi ăn xin à ?
Danh muốn hứa hẹn với Ba răng vàng rằng nếu Ba răng vàng tha nó, nó sẽ đi Phước Long ngay. Không bao giờ nó trở về Sài gòn nữa. Nó chẳng còn nợ nần gì ở Sàigòn. Nhưng miệng nó bị bịt kín. Nó chỉ biết ú a ú ớ. Nước mắt nó ứa ra. Lần này nó thương thằng Quyền, nó thấy thằng Quyền đã dạy khôn nó. Mà khăng khăng không chịu nghe.
- Đ. m tài cán mày được mấy ký.
Quyền đã chửi Danh thế.
- Cho nó mò tôm đi !
Ba văng vàng quát.
- Nhất định không tha nó hả ?
Qưới nằn nì lần chót. Ba răng vàng nghiến răng ken két :
- Rồi sẽ đến lượt mày không quất chúng nó mạnh tay hơn Quý đen và chia đôi thuế cho tao. Nghe chưa ôn con !
- Dạ.
- Kéo nó xuống !
Qưới làm theo lệnh Ba răng vàng như cái máy. Hai đứa hì hục lôi Danh xuống cái mặt cát lởm chởm đá gạch dốc thoai thoải. Danh giẫy dụa lần chót như con gà bị cắt tiết không cựa quậy, tới lúc hết máu mới giẫy để báo hiệu sự chết. Hai đứa lội hẳn xuống nước, dìu Danh cách bờ khá xa. Rồi chúng nó đẩy Danh ra giữa giòng. Hòn đá nặng kéo cái xác đầy oan nghiệt của một thằng bé đánh giầy xuống lòng sông.
QUYỀN BẮT BỌN NHÃI CỞI HẾT áo ra. Hơn mười thằng đánh giầy tuân lệnh nó răm rắp. Nó đứng dậy rút chiếc dây lưng da khỏi quần. Nó vẫy tay :
- Thằng Hườn lại gần đây !

Hườn xanh mặt, run rẩy bước tới. Khi đã vừa tầm tay, Quyền quất chiếc giây lưng da mới toan của nó lên lưng Hườn. Nó chỉ cần quất năm phát, thằng Hườn co rúm người từ từ khụy xuống sân lầu Bồng lai.

Quyền nhổ bãi nước miếng trúng người Hườn.
- Mày "bợ" ngay thằng chó đẻ Quới. Mày tưởng thằng Danh chết là tao chết luôn à ? Bố mày cho cả hai tên chó đẻ Qưới và Ba răng vàng về chầu tố nội chúng nó rồi, con ạ !

Nó quất chiếc giây lưng da vào đầu Hườn, rút con dao "kỷ niệm" ra. Nó bấm tách, lưỡi dao bật khỏi cán. Nó phóng mũi dao xuồng mặt bàn. Lưỡi dao rung rinh một lát rồi đứng im.

Quyền liếm mép :
- Ông có đòn mới, cho chúng mày "thưởng thức" nếu thiếu thuế hay phản phé...

Nó móc túi lấy gói muối mở ra, rắc vô bàn tay rồi ngồi xuống chà vào những chỗ rướm máu trên lưng thằng Hườn. Thằng khốn nạn này giẫy dụa như đĩa phải vôi. Bọn nhãi con mặt cắt không còn giọt máu.

Biểu diễn uy quyền xong. Quyền nghiến răng, rít lên :
- Bố chúng mày nói cho chúng mày hay mà bảo nhau nghe các con. Ông sẽ tàn thẫn gấp mười Quý đen. Thằng Danh ngu chứ ông không ngu. Ông ở đây đến già và chúng mày rán nộp thuế cho đủ. Đứa nào phạm luật; ông giết chết. Thôi cút đi !

Bọn nhãi con thở phào, mặc vội áo vào rồi dìu thằng Hườn xuống lầu. Còn một mình Quyền. Nó trở lui chiếc bàn nhổ lưỡi dao lên, khép lại, bỏ vô túi. Nó không quên ra nhặt chiếc đây lưng da, luồn vào cạp quần.

Rồi nó rút thuốc châm lửa hút. Nó cũng uống bia đặc. Nó không quay lưng về phía cấu thang. Nó chỉ uống mỗi lần một chai bia thôi. Quyền còn khác ở Quý đen một điểm luôn luôn nghi ngờ. Nên thỉnh thoảng, nó lại rời ghế ra cầu thang ngó xuống. Và nó định mỗi đêm nó sẽ ngủ một chỗ để được sống lâu trả thù cuộc đời.

DUYÊN ANH
(Viết xong tại Phú Nhuận 12-5-1965)