Saturday, November 30, 2013

Tái cơ cấu và … “tứ khoái”

Kỳ Duyên
( Bản gốc của tác giả)'
Tái cơ cấu kinh tế trong rẽ ngoặt mới này, liệu sẽ hứa hẹn sự “bố tròn con vuông” hay tiếp tục… khó đẻ?

IKinh tế bao giờ cũng là xương sống của cơ thể xã hội một quốc gia. Nếu vậy, thì cơ thể xã hội Việt Nam chúng ta hiện đang trong tình trạng… loãng xương trầm trọng, không biết bao giờ mới có thể đi thẳng lưng, trên hành trình văn minh và hiện đại.


Nói vậy cùng không ngoa, bởi nhìn vào khu vực kinh tế nhà nước được coi là chủ đạo, những tháng năm này toàn thấy kêu lỗ là lỗ. 

Mặc dù, mới đây, Ts Nguyễn Minh Phong có hẳn một bài viết mang tính lý luận bênh vực cho khái niệm kinh tế Nhà nước với những diễn giải giảm nhẹ ảnh hưởng khuynh loát của khu vực này, thì thực tiễn, với sự yêu chiều từ vốn đầu tư tài chính, hạ tầng cơ sở vật chất và đặc biệt là cơ chế xin- cho mang nặng dấu ấn thời bao cấp vẫn nghênh ngang mũ áo, ghế trên ngồi tótsỗ sàng, DNNN vẫn cứ là ông hoàng ngự trị của một nền kinh tế.

tái cơ cấu, dát vàng, hiến pháp

Có điều tài năng kinh bang tế thế lại không được sỗ sàng như cái cách ngồi mâm trên. Công bố của Bộ Tài chính cho thấy nhiều tập đoàn, tổng công ty lấy “lỗ làm lãi”, khiến lương bình quân của người lao động giảm sút hẳn: 
Mức lỗ bình quân của DNNN cao gấp 12 lần khu vực ngoài quốc doanh (?) Tổng lỗ tính đến năm 2011 của 13 tập đoàn, tổng công ty lên tới 48.104 tỉ đồng, đứng đầu là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex), Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines)…

 Trong mọi sự đứng đầu, hẳn kiểu đứng đầu này, xấu hổ nhất.

Nếu biết rằng, kinh tế VN phát triển kiểu một mình một chợ, trong khi bức tranh sắc màu kinh tế thế giới năm 2014, theo khảo sát của Hãng tin Reuters, phân tích của các chuyên gia kinh tế thế giới dự báo có nhiều gam hồng. 

Credit Suisse (Ngân hàng chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính, trụ sở tại Thụy Sĩ) cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2014 sẽ từ 2,9% lên 3,7% (năm 2012 là 3,1%), trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế các nước phát triển sẽ gấp đôi- 2,1%, các thị trường mới nổi có khả năng tăng từ 4,7% đến 5,3%. 

Deutsche Bank (Tập đoàn ngân hàng tư nhân lớn nhất nước Đức) dự đoán tỷ lệ này là 3,7%, đặc biệt kế hoạch cải cách của Trung Quốc sẽ tác động sâu sắc và lâu dài đến hiệu quả kinh tế.

Goldman Sachs (Ngân hàng đầu tư và hãng chứng khoán toàn cầu- Mỹ) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2014 tăng lên 3,6%, tại các nước phát triển sẽ tăng gấp đôi lên 2,2%. (Thời báo KTSG, ngày 25/11)

Nhìn vào những dự báo của kinh tế thế giới, kinh tế VN vẫn đang một màu xám xám, bên một màu hồng hồng…(xin lỗi nhạc sĩ Trần Tiến).

Cái màu xám xám ấy có sự góp sức của 03 “cây cọ” kém cỏi:

Năng lực điều hành kém của các tập đoàn, tổng công ty, gắn với tính minh bạch không sòng phẳng trong quản lý. Bên cạnh quản lý Nhà nước quá lỏng lẻo, thậm chí thả nổi.

Sự đầu tư ngoài ngành thua lỗ của nhiều DNNN, và giờ đến lúc phải thoái vốn ngoài ngành, lại đối đầu với nguy cơ giẫm chân tại chỗ.

Sự lũng đoạn của các “nhóm lợi ích”, do bản chất của cơ chế quản lý các DNNN là xin- cho rất nặng nề; cũng là nguồn cơn của tệ nạn tham nhũng.

Cái màu xám xám đặt trong bức tranh tổng thể về kinh tế, mới thấy kinh tế VN vẫn tiếp tục ca bài tôi đi về đâu hỡi tôi? Mà theo Viện trưởng Kinh tế VN Trần Đình Thiên, kỷ lục lạm phát của VN đã vượt qua tất cả các quốc gia trong khu vực, tăng lên tới hơn 18% năm2011 và 6,8% năm 2012, cao hơn nhiều so với mức trung bình khoảng 3% của các nước như: Trung Quốc, Indonesia, Philippines và Thái Lan

Tái cơ cấu (TCC) kinh tế, vì thế, là mệnh lệnh sinh tử của thời đại. Chủ trương đúng đắn ấy tưởng đâu sẽ được triển khai tích cực bởi lợi ích phát triển một quốc gia. Tuy nhiên, hai năm qua, TCC kinh tế vẫn như người chửa trâu không chịu sinh nở. Vì sao?

Dấu hiệu thành công đầu tiên của TCC mới là việc ban hành văn bản chính sách mang tính hành chính. Là gần 70 tập đoàn, tổng công ty DNNN được phê duyệt đề án TCC, và hơn 100 phương án sắp xếp đổi mới DN của các bộ, ngành được thông qua.
Nhưng thực tiễn, sự khó đẻ nằm ngay trong chính thứ tư duy tiểu nông khó hợp tác của người Việt, trong lợi ích của các “nhóm lợi ích”. Đó là vật cản âm thầm mà ngang ngược.
Hãy xem, nội dung đầu tiên của TCC nhằm vào thị trường tài chính, đầu tư, theo các chuyên gia kinh tế, có 04 vấn đề lớn cần giải quyết: Minh bạch, cơ chế giám sát, quản trị theo thông lệ quốc tế tốt nhất, tái cấu trúc lại ngân hàng trong đó có vấn đề nợ xấu. Nhưng Ts Lê Đăng Doanh cho biết,“đụng đâu cũng vướng lợi ích nhóm, thiếu thựclực. Có gì để đảm bảo không gây ra nợ xấu nữa, khi không xem xét về chính sách quản lý, giám sát các ngân hàng”.
Mục tiêu ưu tiên của TCC là nhằm giảm đầu tư Nhà nước, tăng đầu tư tư nhân. Vậy nhưng, phát hiện một cách tinh tế, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, việc giảm tỷ trọng đầu tư công/GDP trong 02 năm qua chủ yếu do những khó khăn của kinh tế vĩ mô, khan hiếm nguồn lực hơn là do nỗ lực TCC đầu tư.
Trong khi đó, tiến trình cổ phần hóa hết sức chậm chạp. Cả nước mới có 29 DN được cổ phần hóa. Đặc biệt, tư duy tiểu nông trở thành “bản sắc văn hóa” trong cách làm kinh tế. Dù trước yêu cầu TCC kinh tế, nhưng tỉnh nào tỉnh đó vẫn muốn có các dự án đầu tư do chính mình đề xuất và quản lý. Rút cục, 63 tỉnh, thành phố là 63 nền kinh tế chia rẽ, nơi chồng chéo, nơi phân tán, giữa cung và cầu, mạnh ai nấy ăn, thiệt dân nấy chịu.

Sự trì trệ, chậm chạp của TCC kinh tế, đặc biệt ở khối DNNN còn ở chỗ, TCC tăng tính tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm xã hội, xóa bỏ cơ chế xin- cho, thì còn đâu đất cho các loại “hoa hồng” nảy nở? Không phải không có lý khi người ta nói, trước khi TCC kinh tế, phải TCC tư duy- đó chính là cải cách thể chế, xây dựng nền quản trị quốc gia văn minh, khoa học, phù hợp quy luật thực tiễn, trong đó pháp luật thực sự thượng tôn.

Nếu không, cho dù xã hội hô hào TCC kinh tế, thì một sự bất công, bất bình đẳng giữa con người với con người, giữa các thang bậc gía trị lao động trong xã hội vẫn tiếp tục xảy ra, chứa chất bất bình, phẫn nộ và châm ngòi cho sự bất an về tinh thần, bất ổn về tâm lý và niềm tin, bởi đủ các tầng lớp “cường hào” mới…

Mà vụ việc lương khủng- cao nhất hơn 03 tỷ/ năm, thấp nhất hơn 01 tỷ/ năm của gần 20 vị sếp ở các tập đoàn, tổng công ty, DNNN tiếp tục được phơi bày giữa thanh thiên bạch nhật chỉ là một trong nhiều ví dụ sinh động về thang giá trị đảo ngược. 

Khiến nhà báo Bùi Hoàng Tám phải sử dụng “nghệ thuật sắp đặt” hình tượng bất công cay đắng này như… thơ: Sếp giàu có mà để nhân viên đói nghèo là sự bất nhân/ Sếp giàu có nhờ sự bớt xén mồ hôi, công sức của người lao động là bất lương/Sếp giàu có nhờ tham nhũng, tham ô là gian tham/ Sếp giàu có bằng nỗi đau và sự trả giá của cộng đồng là độc ác.
 
Tái cơ cấu kinh tế trong rẽ ngoặt mới này, liệu sẽ hứa hẹn sự “bố tròn con vuông” hay tiếp tục… khó đẻ?

Trong khi cơm áo không đùa với nhân dân. Đau cả thể chất… 

II- Và cũng đau cả bụng.

Sao không đau bụng được, vì cái sự hài hước, buồn cười nó vẫn luôn nảy nở trong đời sống vốn nhiều bi hài này. Nó nhắc nhở người Việt nhớ ra cái tính lạc quan nhất nhì thế giới của dân tộc mình.
Đó là cách đây hơn tuần, khi Liên Hợp Quốc vừa ra tuyên bố lấy Ngày 19/11 là Ngày Toilet Thế giới đầu tiên, thì lập tức, báo chí xôn xao vụ việc Hà Nội chủ trươngđầu tư 14 nhà vệ sinh công cộng với tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng. Toàn bộ chi phí lấy từ tiền ngân sách của thành phố, dự kiến sẽ khởi công xây dựng vào năm 2014. 

Nhấn mạnh ý tưởng nghiêm túc Ngày Toilet Thế giới, ông Mark Neo, Phó Đại diện thường trực của Singapore tại Liên Hợp Quốc khẳng định, không quan tâm báo chí và cộng đồng có cười cợt đề xuất này hay không, bởi đây là việc làm cần thiết để giúp mọi người trên thế giới nhớ đến tầm quan trọng của một hệ thống nhà vệ sinh tốt hơn cho tất cả mọi người, chứ không phải là chuyện mua vui cho thiên hạ.

Nhưng người Việt đâu có đùa. Vì việc thiết kế nhà vệ sinh tiền tỷ là chuyện nghiêm túc của Hà Nội. Con số đầu tư ước tính cho một nhà vệ sinh nhanh chóng được công khai trên các báo, tính đến cả con số lẻ. 


Hà Nội chưa phải nơi đi đầu. “Chơi sang” phải kể đến các tỉnh nghèo như Thừa Thiên- Huế, Quảng Bình, Quảng Ngãi, khiến người dân kính cẩn gọi là nhà vệ sinh dát vàng. “Dát vàng” thật, vì mỗi nhà ngót nghét cũng nửa tỷ đồng. Có điều, miền Trung vốn nghèo khó, con đường giải quyết một trong “tứ khoái” của con người, từ lúc là quận công… giữa đồng, đến lúc chễm chệ ngồi trong nhà “dát vàng”, không phải là bước tiến chung của văn minh, mà lại là bước thụt lùi về phẩm cách của một số vị nào đó có “trách nhiệm” dát vàng những nhà vệ sinh này.

Vì thế lẽ ra phải cười, người Việt nửa cười nửa mếu. 

Hồi ức nhà vệ sinh “dát vàng” giờ sắp tái hiện tại Hà Nội, dù trước đó thành phố xây hàng chục nhà vệ sinh bằng thép giá 600 triệu đến hơn 01 tỷ đồng, được lắp đặt từ năm 2010 nhưng chưa một lần nào được đánh giá hiệu quả sử dụng. Khiến ông Phan Đăng Long, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội vừa nghi ngờ vừa ước ao, khi cho rằng, đó là chủ trương rất đúng nhưng về mức giá thì phải chờ thẩm tra, và nếu có nhà vệ sinh tiền tỷ đó, cũng nên thử xem. 

Không chỉ có ông Phan Đăng Long, rất nhiều bạn đọc, khi nghe số tiền tỷ cho một nhà vệ sinh “dát vàng”, cũng mơ về… một nơi gần lắm. 

Và dù chưa được chiêm ngưỡng dung nhan nhà vệ sinh “dát vàng”, bạn đọc ở báo Đất Việt, ngày 23/11, đã đua nhau bình chọn nhà vệ sinh “dát vàng” sẽ trở thành di sản văn hóa thế giới vì những tiêu chí để lại dấu ấn về kiến trúc và tầm nhìn của một nhà vệ sinh hợp thời đại.

Có điều, không phải ai cũng bị tâm phục khẩu phục bởi ý tưởng này. Chứng cớ là mới đây Công ty cổ phần phát triển công nghiệp Thăng Long cho biết, sẵn sàng tham gia đấu thầu dự án 14 nhà vệ sinh của Hà Nội, cho rằng nhà vệ sinh tiền tỷ kiểu đó, chỉ đáng giá tiền triệu, con số cụ thể, từ 300- 350 triệu đồng. 

Thật ra, chẳng cứ người trong nghề thiết kế, ngay người dân chỉ nghe giá thành đã thấy quá vô lý. Vô lý như cán bộ Phòng Kế hoạch, đầu tư của Ban quản lý Chỉnh trang đô thị (đơn vị phụ trách xây dựng dự án 14 nhà vệ sinh), đến giờ, lại quay ngoắt 180 độ, cho biết “chưa có thiết kế chi tiết nào cả”.

Nhưng vẫn còn đây, phát biểu “chuẩn không cần chỉnh”: Người ta ăn của dân không từ một thứ gì. Không biết không từ một thứ gì, có bao gồm cả nhà … vệ sinh không?

Và cũng vẫn còn đây, cảnh báo của các ĐBQH tại phiên thảo luận về Dự án Luật Đầu tư công, khi ĐBQH Trần Du Lịch phải thốt lên: Tại sao chúng ta đầu tư lôm côm lãng phí thế này?
 
Khái niệm “lôm côm” dân dã ấy được thể hiện sinh động ở 63 nền kinh tế của 63 địa phương trong cả nước, lớn nhất như các dự án xây dựng hoành tráng, từ sân bay, cảng biển, đến trụ sở công đường lộng lẫy cung điện trọc phú, đến bé nhất như cái nhà vệ sinh, mà ai đó gọi đích danh, là tư duy “nhiệm kỳ”. 

Điều đáng nói, trong lúc mục tiêu của TCC kinh tế nhằm giảm đầu tư công, thì đầu tư công được tận dụng triệt để, bởi đầu tư công là cái nguồn tiền ‘Thạch Sanh”. Thế nên, “hoa hồng” lâu nay nở trên bất cứ chất liệu nào, nở trên giấy, trên những chữ ký dự án, trên sắt thép, và nay, nở trên cả … “tứ khoái” của con người. Người Việt rất lo sợ thực phẩm ô nhiễm, nhưng cái sự “ăn bẩn” ở một số kẻ nào đó từ lâu lại trở thành món khoái khẩu thượng thặng.

Vẫn còn đây, phát biểu của ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp tổ chiều 18/11, phải chấm dứt ngay cách làm như từ trước đến nay trong đầu tư, phải công khai, minh bạch, nếu không như vậy thì đất nước sẽ xuống bờ vực thẳm. Đất nước này cần sự minh bạch, đất nước này cần không có sự tham nhũng.
 
Thật ra, không quốc gia nào không cần sự minh bạch, và cần sự tham nhũng. Nhưng tham nhũng chỉ buộc phải ra đi khi minh bạch đến và ngự trị. Sự minh bạch chỉ đến bằng một cơ chế, một nền quản trị khoa học “pháp trị” đúng nghĩa. 

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được thông qua, rồi đây sẽ có trở thành “thượng phương bảo kiếm”, cho một xã hội phát triển lành mạnh, văn minh, thăng tiến hay không? 

Câu hỏi đó, xin dành hỏi gần 500 ĐBQH. Những người phải chịu trách nhiệm trước vận mệnh dân tộc, trước lịch sử!

Tuyên bố về Hiến pháp sửa đổi

Quốc hội khóa XIII, tại kỳ họp thứ 6, ngày 28-11-2013 đã thông qua và ra nghị quyết thực hiện bản Hiến pháp vẫn giữ nội dung cơ bản của thể chế chính trị như Hiến pháp 1992, mặc dù đã nhận được yêu cầu của nhiều người nặng lòng vì nước đòi dừng việc thông qua Hiến pháp sửa đổi, trả quyền hiến định cho nhân dân. Quốc hội khóa XIII đã thông qua một bản hiến pháp thể chế hóa cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), coi thường nguyện vọng của đông đảo nhân dân muốn xây dựng một hiến pháp làm nền tảng cho một chế độ dân chủ với nhà nước pháp quyền thật sự của dân, do dân và vì dân.  Như vậy, Quốc hội khóa XIII đã tự chứng tỏ không đại diện cho nhân dân và phải chịu trách nhiệm trước lịch sử và dân tộc; hiến pháp này không thật sự là hiến pháp của nhân dân và người dân có thể sử dụng quyền bất tuân dân sự của mình.
 Hiến pháp mới được thông qua trên thực tế vẫn tiếp tục giữ cho ĐCSVN đứng ngoài và đứng trên pháp luật, duy trì một thể chế tập trung mọi quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp nhằm duy trì sự lãnh đạo tuyệt đối độc quyền của ĐCSVN đối với toàn xã hội, tiếp tục giữ đất đai thuộc sở hữu toàn dân, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, lực lượng vũ trang phải trung thành với ĐCSVN. Nhiều quyền công dân và quyền con người tuy được ghi nhận, song vẫn giữ cụm từ được thực hiện “theo quy định của pháp luật,” tạo điều kiện cho việc vô hiệu hóa các quyền này bằng các văn bản pháp quy dưới luật như đã thể hiện rõ trong thực tiễn nhiều năm qua.
 Chúng tôi đòi Quốc hội, Chính phủ và cơ quan lãnh đạo ĐCSVN tôn trọng các quyền tự nhiên của con người và quyền tự do dân chủ của công dân, trước hết là quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền lập hội, quyền biểu tình, quyền bầu cử và ứng cử. Đặc biệt chúng tôi yêu cầu ngay từ bây giờ phải làm mọi việc cần thiết cho một cuộc bầu cử trung thực Quốc hội khóa XIV để Quốc hội thực sự đại diện cho dân, có năng lực và thực quyền đáp ứng được trách nhiệm của mình. 
Chúng tôi kêu gọi những người có lương tri trong giới cầm quyền cùng với nhân dân cả nước và đồng bào ở nước ngoài nhận rõ thực trạng hiện nay của đất nước, không nản lòng mà tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước kiên cường, đoàn kết và hợp sức đấu tranh bằng các phương thức ôn hòa để thực hiện các quyền con người và quyền công dân của mình, để thúc đẩy tiến trình cải cách chính trị nhằm đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng và lạc hậu, phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.
 Ngày 29-11-2013                       
Những người khởi xướng, hưởng ứng kiến nghị 72*  và đã ký lời kêu gọi dừng việc thông qua Hiến pháp sửa đổi gửi Quốc hội ngày 15-11-2013

* Kiến nghị ngày 19-1-2013 về sửa đổi Hiến pháp, mang chữ ký trực tiếp của 72 người và tiếp đó có gần 15 nghìn người ký hưởng ứng
 Là một trong hai đại biểu Quốc hội không bấm nút thông qua Hiến pháp (sửa đổi), ông Dương Trung Quốc đã công khai việc này. Bên lề kỳ họp Quốc hội, trước giờ bế mạc chiều 29-11, ông đã trao đổi thẳng thắn với phóng viên Tuổi Trẻ.

* Thưa ông, ông giải thích như thế nào về việc này với cử tri của mình?
- Trước hết tôi muốn đại diện cho một bộ phận nhân dân mà như trong lời phát biểu khi Quốc hội chuẩn bị bỏ phiếu thông qua Hiến pháp (sửa đổi) thì Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nói rằng: Trong một bộ phận nhân dân và ngay cả một số đại biểu Quốc hội cũng còn có ý kiến khác. Tôi muốn nói rằng tôi đánh giá cao thái độ tôn trọng ấy.
Còn lý do trực tiếp thì như nhiều lần tôi đã phát biểu, và bản thân tôi cũng trực tiếp tham gia vào dự thảo Hiến pháp với tư cách là một thành viên ban biên tập, rằng tôi có thể khẳng định công tác chuẩn bị đã tiến hành trong thời gian dài, đầu tư nhiều công sức, thảo luận dân chủ. Trong quá trình đó, hầu như tất cả ý kiến đều được ghi nhận và có hồi âm, giải trình rõ ràng. Tuy nhiên, tôi vẫn có suy nghĩ riêng của mình. Đó là vào thời điểm này đã chín muồi cho việc chúng ta không chỉ sửa đổi Hiến pháp năm 1992, mà với tất cả trải nghiệm của hơn 20 năm vừa qua, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập, chúng ta nên có những bước đi căn bản hơn. Hiện nay tôi thấy có những vấn đề chưa ngã ngũ, ví dụ như vấn đề sở hữu, vấn đề liên quan đến chính quyền địa phương..., vậy mà chúng ta khép lại như vậy thì tôi cho rằng nó hơi nửa vời.
Vả lại, dẫu là sửa đổi, Hiến pháp vẫn là đạo luật gốc chi phối chúng ta trong nhiều chục năm nữa, giữa lúc thế giới đang thay đổi như thế này. Và điều cuối cùng mà tôi đã thể hiện trước Quốc hội là tôi rất băn khoăn trước lịch sử lập hiến: lần đầu tiên chúng ta ghi thẳng vào Lời nói đầu là Hiến pháp cũng chỉ thể chế hóa cương lĩnh của Đảng. Tôi tự đặt câu hỏi rằng đây có phải là một nhận thức tiến bộ hay không? Sự lãnh đạo của Đảng thì có lẽ chúng ta không phải bàn nữa, nhưng nghệ thuật lãnh đạo của Đảng là điều hết sức quan tâm. Chúng ta hãy đọc lại các bản Hiến pháp trước đây, nhất là các Hiến pháp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh còn trực tiếp lãnh đạo, chúng ta thấy rằng Đảng luôn đóng vai trò quyết định, thế nhưng nghệ thuật lãnh đạo lại khác, không thể hiện trực tiếp vào Hiến pháp như vậy, mà đặt dân tộc và nhân dân lên trên hết.
Với những lý do đó, tôi đã lựa chọn là không biểu quyết. Nó cũng thể hiện suy nghĩ của tôi và có lẽ là của một bộ phận nhân dân như Chủ tịch Quốc hội đã đề cập.
* Vậy tại sao ông không dứt khoát ấn vào nút “không tán thành”?
- Đọc bản Hiến pháp này và là người trực tiếp tham gia quá trình soạn thảo, tôi phải khẳng định rằng những người soạn thảo đã thể hiện một tinh thần rất cầu thị. Nhưng hình như tinh thần cầu thị ấy không vượt qua được ngưỡng của tính nguyên tắc, tức là những gì đã có trong cương lĩnh. Như chúng ta biết, cương lĩnh nói về những vấn đề cơ bản nhất cho cả một thời kỳ dài, Đảng gọi là thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, còn sự phát triển của đất nước trong bối cảnh hiện nay thay đổi từng ngày từng giờ. Đó là chưa kể một kiến nghị của tôi chưa được đưa vào trong Hiến pháp là phải có quy định đúng tầm mức về biến đổi khí hậu mà dự báo VN là một trong những quốc gia phải hứng chịu nhiều nhất.
* Trước khi Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói rằng những ý kiến khác sẽ tiếp tục được nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình đổi mới đất nước. Ông hiểu thế nào về ý kiến này?
- Tôi hiểu được giải thích đó. Bởi dẫu sao chúng ta cũng phải có một điểm dừng và điểm dừng đó phải tạo được đồng thuận tối đa. Nhưng ngay cả về lý thuyết thì cũng không thể có đồng thuận tuyệt đối. Cho nên tôi muốn thể hiện cái tính không tuyệt đối ấy và nhận thức đó là chuyện hết sức bình thường. Tôi không biểu quyết về dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) nhưng tôi vẫn đồng thuận khi Quốc hội thông qua nghị quyết thi hành Hiến pháp. Và tôi muốn nói rằng bản Hiến pháp này nếu đi vào cuộc sống sẽ tạo nên nhiều sự thay đổi, vì trong nó chứa đựng những quy định tiến bộ hơn nếu so với Hiến pháp năm 1992.
* Ông đã nhận được phản hồi như thế nào khi dư luận biết rằng ông là người công khai thừa nhận không biểu quyết Hiến pháp (sửa đổi)?
- Có rất nhiều người hỏi tôi câu đó và tôi đã trả lời như vừa trả lời bạn. Sáng nay, gặp Chủ tịch Quốc hội, tôi có nói rằng chính ý kiến của Chủ tịch phát biểu mà tôi rất chia sẻ là Quốc hội tôn trọng ý kiến khác biệt. Và Chủ tịch Quốc hội nói với tôi rằng Quốc hội không những tôn trọng mà còn là trân trọng nữa. Bởi đất nước chúng ta vẫn đang phát triển và thực tế sẽ yêu cầu phải có nhiều lần sửa đổi Hiến pháp nữa.
* “Đại biểu Quốc hội có quyền biểu quyết tán thành, không tán thành hoặc không biểu quyết.
Luật, nghị quyết và các quyết định khác của Quốc hội phải được quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Trường hợp Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của Quốc hội, hoặc sửa đổi Hiến pháp thì phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành”.
(Điều 23, nội quy kỳ họp Quốc hội)
* Trả lời câu hỏi của phóng viên: “Ông nghĩ gì khi có hai đại biểu không bấm nút thông qua Hiến pháp (sửa đổi)?”, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói: “Tôi nghĩ đó là quyền của họ. Họ thể hiện chính kiến của họ. Và đây cũng là điều bình thường trong xã hội bây giờ. Chúng ta không thể áp đặt họ được”.
* “Chúng tôi cũng hiểu rằng trong một bộ phận, một số người thuộc các tầng lớp nhân dân chúng ta và ngay cả một số vị đại biểu Quốc hội còn có những ý kiến khác. Tuy nhiên, tuyệt đại bộ phận nhân dân và Quốc hội có thể khẳng định rằng đã đồng tình cao với dự thảo thông qua lần này. Những ý kiến còn khác so với dự thảo ở khoản này, điều kia, câu nọ thì chúng tôi, Quốc hội chúng ta hết sức trân trọng để tiếp tục nghiên cứu trong quá trình đổi mới đất nước”.
(Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu trước khi Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi ngày 28-11)
Sáng ngày 28/11/2013, sau hai năm tiêu phí không biết bao nhiều tiền bạc của dân để thực hiện các cuộc thảo luận và lấy ý kiến giả hiệu dân chủ, 486/488 Đại biểu Quốc hội Nhà nước Cộng sản Việt Nam đã thực hiện cuộc bỏ phiếu “ấn nút” để chấp thuận Hiến pháp sửa đổi, hay còn được gọi là Hiến pháp 2013, đạt tỷ số gần 100%. Có 2 Đại biểu không bỏ phiếu, nhưng danh tính không được tiết lộ.

Không có phiếu nào chống Hiến pháp mới cũng là điều dễ hiểu vì hầu hết người bỏ phiếu là đảng viên Cộng sản.

Hiến pháp mới có 11 Chương, 120 Điều, giảm 1 Chương và 27 Điều so với Hiến pháp 1992, nhưng vì Hiến pháp làm ra chỉ để thi hành Cương lĩnh của đảng Cộng sản nên quyền quyết định Hiến pháp của người dân đã không được tôn trọng.

Nội dung bài Phỏng vấn của chúng tôi (Phạm Trần) với Luật sư Trần Thanh Hiệp, một chuyên gia Pháp luật và Hiến pháp thời Việt Nam Cộng hòa là nhằm đưa ra ánh sáng những âm mưu tăm tối ghi trong Hiến pháp mới của đảng CSVN.

Cuộc phỏng vấn được phổ biến trong Chương trình “Những Vấn Đề Việt Nam” của Đài Truyền hình SBTN ngày 29/11/2013, vào lúc 8:00 PM giờ miền Tây Hoa Kỳ, hay 11:00 PM giờ Đông bộ nước Mỹ.

Phạm Trần


Nhà báo Phạm Trần (Phải) và Ls. Trần Thanh Hiệp Trái

Sau đây là toàn văn cuộc phỏng vấn: 

H: Một cách tổng quát, xin ông cho biết sự khác biệt quan trọng nhất giữa Hiến pháp cũ 1992 và Hiến pháp mới 2013?

TTH: Theo tôi, cái gọi là Hiến pháp cũ 1992 với cái gọi là Dự thảo sửa đổi Hiến pháp mới 2013 vừa rất giống nhau lại vừa rất khác nhau. Tại sao rất giống nhau? Tại vì cả hai văn bản này đều là hai tài liệu xuất phát từ một nguồn gốc chung, đó là “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên xã hội chủ nghĩa (sửa đổi và bổ sung năm 2011)”. Và cả hai đều được dung để áp dụng cương lĩnh ấy. Thế tại sao lại còn khác nhau? Tại vì cái gọi là bản dự thảo mới, năm 2013 đã sửa lại rất nhiều tài liệu cũ, đến mức tổng cộng đã sửa trên 100 điều cũ và còn thêm vào 12 điều mới nữa. Điều rất ngộ nghĩnh là tuy sửa và thêm quá nhiều như vậy mà rút lại cũng chỉ để thực hiện đường lối cai trị cũ là bản Cương lĩnh toàn trị nói trên của đảng. Tôi rất tiếc đã phai trả lời một cách không bình thường có vẻ như chọc cười như thế, nhưng có nói như vậy mới đúng với cách nói và cách làm “vẫn như cũ” của những người cầm quyền cộng sản ở trong nước.

H: Tại sao Hiến pháp mới phải dựa vào “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên xã hội chủ nghĩa” (bổ sung và phát triển năm 2011) để viết hầu bảo vệ cho bằng được quyến lãnh đạo độc tôn cho đảng như quy định trong Điều 4 trong khi Hiến pháp mới là bộ “luật cơ bản” và “có hiệu lực pháp lý cao nhất” của nhà nước Việt Nam? 

TTH: Tại vì đối với những người cầm quyền cộng sản thì chỉ có “Cương Lĩnh” mà thôi, không có Hiến pháp. Cái mà họ gọi tên là Hiến pháp là chỉ để cho người dân trong nước cũng như dư luận quốc tế lầm tưởng rằng ở Việt Nam đã có những bản Hiến pháp theo đúng nghĩa của Luật Hiến Pháp phương Tây. Kỳ thực chưa hề bao giờ có loại Hiến pháp “đồ ngoại” này, chỉ có những văn bản mang tên Hiến pháp nhưng, như Stalin, Mao Trạch Đông đã nói, là để thể chế hóa đường lối cầm quyền của đảng cộng sản, không khác gì ngày xưa vua chúa ban hành Hiến Chương để tuyên bố cho dân biết dân được cai trị theo luật lệ nào. Chứ không phải là để cam kết tôn trọng, thực hiện và bảo vệ nguyện vọng, ý chí của dân, như tại các nước dân chủ hiện nay trên thế giới. Nói cách khác và nói một cách dễ hiểu thì chuyện ban hành, sửa đổi Hiến pháp dưới nhưng chế độ cộng sản là những màn ảo thuật để biến hóa độc tài thành dân chủ. Không phải chỉ ở trên sân khấu tuồng kịch mà ở trong xã hội. Ngày xưa thì nhờ vào bưng bít, khủng bố tập đoàn cộng sản đã lừa được dân. Nhưng này nay dân đã trưởng thành nên các chế độ độc tài đảng trị cộng sản đã lần lượt nối tiếp nhau sụp đổ như những lâu đài trên bãi cát. Chỉ còn lại dăm ba chế độ tàn dư còn hấp hối trên giường bệnh chờ đợi giây phút lìa đời. 

Những mâu thuẫn và hạn chế


H: Theo ông, có hay không có sự “mẫu thuẫn” trong Điều 53 mới, viết rằng: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.”? 

TTH: Đương nhiên là có mâu thuẫn vì nếu toàn dân là chủ sở hữu thì không thể đồng thời lại còn thuộc quyền sở hữu của bất cứ người chủ nào khác nữa. Ở đây, những người cầm quyền cộng sản ở Hà Nội lập luận rằng Nhà nước do họ thiết lập và áp đặt bằng luật pháp đảng tri, tòa án, công an, nhà tù đã “đại diện” dân để “quản lý”. Nhưng thử hỏi dân đã ủy cho họ quyền “đại diện” hồi nào? Nếu bảo là do bầu cử thì chỉ có bầu cử gian lận kiểu “đảng cử dân bầu” nghĩa là tập đoàn cầm quyền cộng sản ở Hà Nội đã tự phong cho mình quyền “đại diện” dân để lấy công làm tư, tự quyền hưởng dụng tài nguyên, tài sản của quốc gia thậm chí còn đem bán và cầm cố cho nước ngoài để thỏa mãn nhu cầu cá nhân và phe đảng. Cho nên họ đã đặt ra điều 53 trong Hiến pháp 2013 là để hợp pháp hóa việc họ đã trắng trợn tiếm quyền, đúng ra là tước đoạt quyền sở hữu riêng và chung của dân

H: Trong Chương quy định về “Quyền con người”, tôi thấy có rất nhiều “mâu thuẫn” và “suy thoái” hơn Hiến pháp 1992 chẳng hạn như họ viết trong Điều 14 mới rằng: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Hay trong Điều 15 ghi rằng: “Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.”

Là một Nhà Luật học và đấu tranh cho quyền con người Việt Nam trong nhiều năm, ông giải thích như thế nào về những “hạn chế” này?

TTH: Như ở trên tôi đã trình bày, đối với những người cộng sản cầm quyền ở Hà Nội thì không có Hiến Pháp của dân mà chỉ có Cương Lĩnh của đảng. Vậy thì tất nhiên là đảng phải hạn chế tối đa quyền của dân để độc tài. Tôi không coi việc tôi phát biểu về một số điều khoản trong bản Hiến pháp sửa đổi năm 2013 là những trao đổi về Luật Hiến Pháp mà là những nhận định về đường lối cầm quyền của đảng Cộng sản ở Việt Nam. Từ góc độ nhìn này, tôi có mấy nhận xét sau đây: Một, khi họ nói “chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.” họ đã lập luân một cách rất vụng về để hạn chế quyền của dân. Vì họ đã đưa ra một loạt những lý do rất mơ hồ như lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng là những lý do vu vơ, không có tiêu chuẩn, để giới hạn, hay đúng hơn, tước đoạt một cách thô bạo quyền làm người của dân. Tức là một cách để tùy tiện cấm đoán. Rồi lại còn nói đãi bôi rằng: Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Họ quên rằng khi họ tìm cách hạn chế một cách độc đoán như đã được ghi trong các điều 14, 15 kể trên là họ đã xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.


Mập mờ - Khuất tất


H: Cũng trong Chương này tôi thấy Quốc hội đã “lạm dụng” và “chủ tâm” sử dụng Pháp luật để “điều chỉnh” những Quy định trong Hiến pháp theo ý muốn của Nhà nước, bằng chứng như họ viết trong 2 Điều quan trọng:

Điều 23: “Công dân có quyền. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”

Điều 25: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”

Ông có thấy như thế không?

TTH: Theo chỗ tôi biết, các chuyên gia của nhả cầm quyền cộng sản ở Hà Nội đã phải đổi nhóm chữ “theo luật định” trước đây vẫn đọc thấy trong các bản Hiến pháp cũ của họ bằng nhóm chữ mới “do pháp luật quy định:” như nhà báo Phạm Trần vừa nêu lên qua các điều 23 và 25. Ý hẳn họ muốn người dân cũng như dư luận quốc tế hiểu lầm rằng nếu phải có hạn chế thì đó sẽ chỉ có thể là những hạn chế của “pháp luật” (tiếng pháp là droit) chứ không phải của những đạo luật (loi) do họ đặt ra. Nhưng phải hỏi rằng “pháp luật” mà họ muốn qui chiếu là “pháp luật” nào? Đương nhiên là sẽ không phải là thứ pháp luật dân chủ, văn minh, tiến bộ của nhân loại mà là thứ pháp luật riêng do những người cộng sản Việt Nam sáng chế ra, với quyền hạn phi nhân quyền mà họ gọi là “pháp quyền”. Tức là trước sau cũng vẫn chỉ là những hạn chế phi pháp, phi nhân quyền, nếu nhìn dưới ánh sáng của luật quốc tế và phổ biến về nhân quyền, dân quyền. Tức là người dân trong tương lai gần nhất, vẫn chưa có các quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Đúng là những người cầm quyền cộng sản ở Hà Nội đã mượn cách nói khéo để che đậy vụng về chủ ý của họ là tước đoạt quyền làm người của dân.

H: Câu hỏi cuối cùng của tôi trong Cuộc phỏng vấn này là: Ông có bi quan về tương lai Chính trị của nhân dân Việt Nam khi Bản Hiến pháp mới mới chỉ do Quốc hội chấp thuận mà không do dân biểu quyết?

TTH: Tôi sẽ có hai câu trả lời và một câu hỏi trước câu hỏi của nhà báo Phạm Trần. Trước hết, tôi không bi quan hay lạc qua mà chỉ kinh ngạc và phẫn nộ. Kinh ngạc vì những người cầm quyền cộng sản ở Hà Nội vẫn không chịu tìm học những bài học lịch sử của Liên Xô, Đông Âu cũ và nhất là của Trung Đông, Bắc Phi hiện nay để kịp thời thay đổi đường lối cầm quyền đảng trị đã lỗi thời. Phẫn nộ vì họ vì quyền lợi riêng của mình, của đảng mà giam hãm mãi gần trăm triệu đồng bào trong áp bức nghèo đói, tụt hậu. Họ còn muốn hy sinh bao nhiêu thế hệ người dân nữa?

Ngoài ra, nói chung, bất cứ một Hiến Pháp nào cũng phải do dân biểu quyết dưới hình thức này hay hình thức khác. Lại còn có trường hợp cũng không cần đến cả Hiến Pháp nữa như tại Anh Quốc. Nhưng ở Việt Nam thì dân phải được quyền biểu quyết Hiến pháp vì nếu dân không được quyền làm Hiến Pháp thì đảng Cộng Sản sẽ chỉ đặt ra “Cương Lĩnh” thay vì Hiến Pháp để cầm quyền. Trên nguyên tắc là như vậy nhưng cũng cần phải hỏi là đến bao giờ và bằng cách nào dân mới được làm Hiến Pháp?

(11/013)


Lúc 9:53:09 sáng ngày 28/11/2013, Quốc hội Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 đã biểu quyết thông qua bản Hiến pháp mới 2013 với 486 phiếu thuận, 2 phiếu trắng và không có phiếu chống trong tổng số 488 đại biểu có mặt đã bỏ phiếu tại Hội trường Quốc hội.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam cho biết các vị đại biểu đồng loạt đứng lên vỗ tay mừng “giờ phút lịch sử” sau khi có kết quả như lời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Cũng cần nói thêm rằng trên 90% đại biểu Quốc hội hiện nay là đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN).
Hiến pháp 2013 vừa được thông qua có tổng cộng 11 chương, 120 điều, sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2014, trong đó tiếp tục tái khẳng định vai trò độc quyền lãnh đạo của ĐCSVN về cả 2 mặt chính trị và kinh tế.

Đảng lãnh đạo, định hướng xã hội chủ nghĩa

Theo lời phát biểu của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu với báo giới thì “Báo cáo của Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội sáng nay (28/11) đã khẳng định bản Hiến pháp sửa đổi lần này đã thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng,” “… Hiến pháp chúng ta sửa đổi lần này vẫn tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của ĐCSVN …”
Và ông còn cho biết thêm: “Đây là bản kết tinh giữa ý Đảng, lòng dân, phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân … đáp ứng nhu cầu bảo vệ phát triển đất nước.”
Vì thế cho nên điều 4 Hiến pháp 2013 là hết sức cần thiết để tái khẳng định ĐCSVN là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Về kinh tế, ông Phó chủ tịch Quốc hội kết luận rằng “Để bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) của nền kinh tế, việc quy định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước là cần thiết, khẳng định vai trò của Nhà nước và kinh tế nhà nước trong việc định hướng, điều tiết sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”.
Cho nên mới có quy định tại điều 51 khoản 1 Hiến pháp 2013 rằng “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; (trong đó) kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.
Chẳng lẽ cần hiểu rằng “Nhà nước là Ta; Hiến pháp là Ta; Pháp luật cũng chính là Ta”. Và cái “Ta” đó là Đảng Cộng sản? Nếu thế thì đâu cần gọi là Hiến pháp; phải gọi là “Đảng pháp” mới đúng! 
» Luật sư Vũ Đức Khanh
Nhưng như vậy thì định hướng XHCN trong Hiến pháp đó là gì khi ngay chính ông Tổng bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng cách đây không lâu cũng đã thổ lộ rằng “Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”.
Đảng CSVN luôn đòi độc quyền lãnh đạo đất nước, dựng ra cái “thiên đường XHCN” đã hơn nửa thế kỷ nay và bắt nhân dân đi theo mà nay lại bảo rằng đi thêm một thế kỷ nữa có thể vẫn chưa tới? Và tại sao lại còn đưa định hướng quái gở đó vào Hiến pháp?

“Đảng pháp”

Điều 119 khoản 1 Hiến pháp 2013 quy định như sau: “Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp. Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý.”
Vậy cái “Cương lĩnh của Đảng” mà ông Phó chủ tịch Quốc hội nói đó là gì? Nó có phải là một văn bản pháp luật không? Và nếu “không” thì nó thực sự có giá trị gì trong hệ thống pháp luật Việt Nam? Hoặc giả nếu “có” thì sao?
Ông TBT Nguyễn Phú Trọng cho biết như sau: “Hiến pháp … là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng!”
Thật sự không ai hiểu nổi ông TBT muốn nói gì và càng ngạc nhiên hơn khi ông Phó chủ tịch Quốc hội cũng tuyên bố rằng “Bản Hiến pháp sửa đổi lần này đã thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng.”
Chẳng lẽ cần hiểu rằng “Nhà nước là Ta; Hiến pháp là Ta; Pháp luật cũng chính là Ta”. Và cái “Ta” đó là Đảng Cộng sản? Nếu thế thì đâu cần gọi là Hiến pháp; phải gọi là “Đảng pháp” mới đúng!
Đảng CSVN cuối cùng đã hất một gáo nước lạnh tạt thẳng vào mặt nhân dân.
Nhưng Đảng thực sự đã lầm to! Nhân dân đưa quý vị lên được thì nhân dân cũng có thể hạ quý vị xuống được.
Đảng CSVN hôm nay có thể hân hoan vỗ tay trong “giờ phút lịch sử” trọng đại nhưng nên nhớ rằng việc biểu quyết Hiến pháp hôm nay đang đưa đất nước này và chính Đảng CSVN vào ngõ cụt, bế tắc.

Các đại biểu Quốc hội sẽ phải trả lời trước lịch sử, trước Tổ quốc, trước nhân dân cho hành động hôm nay khi ngày phán xét đến.

Tin thứ Bảy, 30-11-2013

CHÍNH TRỊ-PHÁP LUẬT
Công an VN ‘tạm giữ ông Phạm Chí Dũng’ (BBC).  – Audio phỏng vấn ông Phạm Chí Dũng: ‘An ninh muốn biết tôi ra Hà Nội làm gì?’“Ngăn chặn quyền tự do đi lại như thế này nó lộ liễu và nó phô diễn quá, tôi cho là không nên một chút nào.”
- Hà Sĩ Phu: Lại bàn về ĐA SỐ và DÂN CHỦ (Boxitvn).
Các nhà lập pháp VN bỏ phiếu sửa đối hiến pháp (VOA).  – Phản ứng về Hiến Pháp đã được sửa đổi của Việt Nam.   – Luật sư Vũ Đức Khanh: Hiến pháp hay Đảng pháp? (BBC).  – Audio phỏng vấn Tiến sỹ Hàn Mạnh Tiến (Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam): ‘Ý thức hệ Đảng chi phối hiến pháp 2013′. – Audio phỏng vấn ông Nguyễn Lân Thắng: Về Hội không đồng ý Hiến pháp mới.
Ai ưa nói gì thì nói (FB Xê Nho/Phước béo).
- Phỏng vấn ông Nguyễn Quang A: Luật đất đai: ‘Sự khôn lỏi của nhà nước’ (BBC). “Thực sự là nhà nước rất khôn, trốn tránh trách nhiệm chủ sở hữu để không ai kiện được nhà nước về đất đai với tư cách là chủ sở hữu. Nhà nước lại đùn cho một ông vô hình dung gọi là ‘ông toàn dân’. Đó là một sự vô trách nhiệm của nhà nước, khôn lỏi của nhà nước, chỉ hưởng, chỉ có quyền mà không chịu trách nhiệm. Đó là một khái niệm mà không một từ xấu xa nào mô tả được”.  – Thông qua Luật Đất đai sửa đổi: “Bức xúc” của người dân đã được tiếp thu (TBNH).  – Luật Đất đai (sửa đổi): Vẫn cho phép thu hồi đất để xây khu đô thị mới (TN).  – Kỳ vọng (NLĐ). – Cơ quan nhà nước quyết định giá đất.
- Vụ ông Huỳnh Uy Dũng tố cáo chủ tịch tỉnh Bình Dương: Bài 1: Ai cho phép Đại Nam biến khu công nghiệp thành đất ở? (MTG).
THU UYÊN giữa muôn trùng vây (Lê Thiếu Nhơn).
TRƯ CUỒNG (phần 4) (Thùy Linh).
9h00′:
- 50 NĂM SAU VỤ ÁM SÁT HAI TỔNG THỐNG KENNEDY VÀ NGÔ ĐÌNH DIỆM: John F. Kennedy và lá bài Việt Nam (Kỳ 1) (PT).
Tại dân trí? (PT).
KINH TẾ
The power of bargain (Nguyễn Vạn Phú).
VAMC: Người mua khó tính (TBNH). Phỏng vấn PGS. TS. Trần Hoàng Ngân: “Xử lý nợ xấu qua VAMC là một nghệ thuật”.
Đặc sản đón Tết (NLĐ). =>
9h00′:
VĂN HÓA-THỂ THAO
Giáo sư Đinh Gia Khánh (Trần Đình Sử).
- VĂN HỌC NGHỆ THUẬT THIẾU TÁC PHẨM HAY: Lúng túng giải pháp (NLĐ).
THIÊN DI (Trần Mỹ Giống). – PHẢN ĐÒN (Tương Tri). - Chu Thụy Nguyên: Chuyện những cái giá treo (Tiền vệ). – bước cao bước thấp (Da màu). – Tồn tại.
9h00′:
GIÁO DỤC-KHOA HỌC
- Nguyễn Duy Xuân: Toán “xạo” và đồng dao phản cảm (DT).
9h00′:
XÃ HỘI-MÔI TRƯỜNG
Người Uzbekistan (Kichbu).
Rừng mưa Amazon (Sơn Trung).
9h00′:
QUỐC TẾ 
9h00′:
* RFA: Audio: Tối 28-11-2013Sáng 29-11-2013 * RFI: