Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành.
Mục đích của việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, là “bảo đảm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của Nhân dân”.
Giới thiệu tiếp theo đây là trích từ “tài liệu lưu hành nội bộ” của Bộ Tư pháp, có tên “Báo cáo đánh giá tác động của dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi)”.
Bộ luật dân sự là… chưa tin cậy
Báo cáo có đoạn viết: Quy định của Bộ luật dân sự (BLDS) hiện hành chưa tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và tin cậy để những người không phải là chủ sở hữu có thể mạnh dạn, yên tâm đưa tài sản của mình vào lưu thông kinh tế. Mặt khác, các quy định về giao dịch, đại diện, nghĩa vụ và hợp đồng trong BLDS hiện hành còn có nhiều hạn chế như chưa rõ ràng, chưa cụ thể, dẫn đến việc rất khó áp dụng trong thực tiễn. Đặc biệt là, nhiều quy định còn tỏ ra cứng nhắc, có thể tạo nguy cơ cao cho việc tuyên bố giao dịch bị vô hiệu hoặc bị hủy bỏ.
Ngoài ra, cũng chưa có cơ chế pháp lý hữu hiệu để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bên thứ ba ngay tình, của bên thiện chí trong quan hệ dân sự… (…) Thực tiễn cho thấy, BLDS hiện hành, nhiều vấn đề đáng ra chỉ phải quy định chung thì lại được quy định quá cụ thể và ngược lại, nhiều vấn đề đáng phải quy định cụ thể thì lại được quy định hết sức chung chung. Vì vậy, trong điều kiện hiện nay, khi mà bên cạnh BLDS, đã và đang tồn tại ngày càng nhiều các đạo luật điều chỉnh các lĩnh vực hoạt động đặc thù như Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật hôn nhân và gia đình… thì nhược điểm này lại càng thể hiện rõ.
Với vị trí của mình, BLDS phải đóng vai trò là công cụ pháp lý hữu hiệu để bảo vệ những người yếu thế trong quan hệ pháp luật dân sự. Tuy nhiên, BLDS hiện hành chưa phát huy cao nhất được vai trò này, đặc biệt, trong việc xây dựng chế độ trợ giúp cho nhóm cá nhân yếu thế về năng lực hành vi dân sự cũng như về cơ chế để bảo vệ bên yếu thế khác trong quan hệ tài sản, nhân thân.
Người dân còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, thực hiện, bảo vệ các quyền dân sự của mình, dẫn tới mức ảnh hưởng của BLDS đối với người dân không tương xứng với vị trí, vai trò của Bộ luật, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của BLDS nói riêng, pháp luật dân sự nói chung; gây cản trở cho sự phát triển của kinh tế - xã hội, của đất nước.
Lâu nay Tòa vẫn… “lánh nặng, tìm nhẹ”
Báo cáo viết: Một trong những giải pháp được nhiều nước áp dụng để đảm bảo sự ổn định của BLDS và hệ thống luật tư là thừa nhận quyền của tòa án trong giải thích pháp luật; Tòa án nhân dân tối cao thông qua xét xử giám đốc thẩm mà ban hành án lệ.
Theo pháp luật Việt Nam hiện hành, Tòa án chưa có thẩm quyền này. Đây là một khó khăn lớn để thực hiện mục tiêu xây dựng BLDS có sự ổn định và tính khái quát cao.
Kết quả khảo sát ý kiến của các thẩm phán, chuyên gia pháp luật về việc giải quyết trong trường hợp quan hệ pháp luật có tranh chấp không có quy định pháp luật điều chỉnh cho thấy, có 51% (293/557) thẩm phán và 76% (419/550) chuyên gia pháp luật được hỏi, đã thể hiện quan điểm ủng hộ phương hướng pháp luật dân sự và tố tụng dân sự cần được sửa đổi theo hướng quy định rõ Tòa án không được từ chối thụ lý giải quyết vụ việc dân sự cho dù không có quy định cụ thể điều chỉnh tranh chấp phát sinh.
Tuy nhiên vẫn có 49% thẩm phán cho rằng không nên quy định nguyên tắc này bởi nguyên tắc "thẩm phán xét xử độc lập và tuân theo pháp luật" đã được hiến định và “ăn sâu” vào cách thức giải quyết tranh chấp của hệ thống Tòa án. Bên cạnh đó, các thẩm phán cho rằng hiện chúng ta thiếu cơ chế để giải quyết các dạng tranh chấp này do hệ thống pháp luật Việt Nam chưa cho phép Tòa có thẩm quyền giải thích pháp luật, chưa chấp nhận việc áp dụng án lệ và việc áp dụng tương tự pháp luật cũng chưa được quy định cụ thể. Bởi vậy, để nguyên tắc Tòa án không được từ chối thụ lý giải quyết tranh chấp được thừa nhận và thực hiện, đòi hỏi phải có sự hoàn thiện hệ thống pháp luật một cách tổng thế.
Lẽ công bằng là chuyện… mơ hồ
Cùng với logic trên, Nhóm nghiên cứu cũng đã khảo sát ý kiến của các thẩm phán, chuyên gia pháp luật về trường hợp các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định cụ thể, không có tập quán, không có quy định pháp luật tương tự để áp dụng thì pháp luật có nên cho phép thẩm phán giải quyết vụ việc theo lẽ công bằng như quy định của nhiều nước hay không?
Kết quả khảo sát cho thấy phần lớn các ý kiến thể hiện sự ủng hộ phương hướng hoàn thiện quy định pháp luật dân sự, tố tụng dân sự theo hướng cho phép thẩm phán giải quyết tranh chấp “theo lẽ công bằng” 71.4% (402/563). Các ý kiến không đồng ý phương hướng này bày tỏ sự băn khoăn và cho rằng trong bối cảnh hệ thống pháp luật nước ta đang xây dựng theo hướng hệ thống pháp luật thành văn, vai trò, thẩm quyền của thẩm phán trong công tác xét xử ở nước ta rất khác với thẩm phán ở các nước theo hệ thống pháp luật án lệ. Bởi vậy, trong trường hợp pháp luật không có quy định cụ thể thì thẩm phán được giải quyết tranh chấp theo lẽ công bằng chung là chưa hợp lý với mô hình pháp luật nước ta.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh trình độ, năng lực xét xử của thẩm phán đang cần được nâng cao, khái niệm “lẽ công bằng” cũng tương đối mơ hồ, việc trao thẩm quyền quyết định cho thẩm phán cần được nghiên cứu, cân nhắc thêm.
Thế giới không ai như Việt Nam
“Việt Nam xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chưa có “tiền lệ”. Do đó, việc xây dựng BLDS với mục tiêu là luật của quan hệ thị trường gặp nhiều vướng mắc, khó khăn cả về lý luận và thực tiễn”.
Báo cáo của Bộ Tư pháp có câu nhận định khá sốc như vậy.
No comments:
Post a Comment