Monday, August 17, 2015

Tùng chùa


Khoảng cuối thập niên 90, trong giới hắc đạo có truyền tay nhau cuốn bằng cassette không có tên, không rõ xuất xứ, thậm chí cả tên ca sỹ cũng không mấy ai biết. 

Băng nhạc này ca sỹ hát trên nền nhạc guitar mộc mạc dưới dạng liên khúc, chất giọng miền Tây Nam Bộ, hơi ngọng, lời các bài hát được ca sỹ chế từ những bản nhạc vàng nổi tiếng một thời, kể về cuộc sống tiền, tình, tù tội. Theo lời kể của một số giang hồ mạng, băng nhạc có tên là “Giang hồ quận Tư”, kể về cuộc đời của các anh chị trưởng thành từ cái nôi của giang hồ Sài Gòn - người ta vẫn thường gọi nó bằng một cái tên khác, thân thiện hơn, đúng với bản chất của nó hơn, “Nhạc chế trong tù”.

Tương truyền, giọng ca khi ấy là Trần Cường Nhí sinh năm 1968, quê quán ở Đà Nẵng, đi bụi đời từ năm 20 tuổi, sở thích là uống rượu, hút thuốc, hát nhạc đường phố, chuyên môn chính là buôn ma túy, cướp giật, chém mướn, đâm thuê. Năm 1996 định cư ở Sài Gòn, 1998 bị xích, rồi giam ở Chí Hòa vì tội hát nhạc chế mất thuần phong mỹ tục. 2002 ra tù vẫn tiếp tục hát, tiếp tục gây án, 2005 lại bị bắt, kết hợp với tội trạng năm xưa nên bị kết án tử hình.

Lê Thanh Tùng, sinh năm 1974, thường xuất hiện trên các đường phố Sài Gòn với cây đàn guitar cổ điển, hát góp vui với bạn bè tại các quán nhậu. Với trang phục giản dị và đầu... không có tóc. Biệt danh Tùng chùa ra đời từ đó. Nhạc chế Tùng chùa thường chế lại các giai điệu bolero, các ca khúc nhạc vàng mang âm hưởng dân gian, bình dân trong cuộc sống và một số ca từ hơi thô tục.

Pháp luật XHCN: Vì sao nhập nhằng, khó chính xác?


Xin bắt đầu đăng tải các kỳ trong chương “Những quan niệm đang thay đổi về hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam”, nằm trong một cuốn sách của tác giả John Gillespie và Pip Nicholson, Đại học Quốc gia Australia xuất bản (năm 2005). Tác phẩm duyệt lại những khái niệm căn bản, như “làm chủ tập thể”, “pháp chế XHCN”, và cả tiến trình thay đổi, cải cách của luật pháp Việt Nam trong mối quan hệ với kinh tế và chính trị. Chương sách có thể khiến độc giả ngạc nhiên, ít nhất cũng tự hỏi vì sao một nhà nghiên cứu phương Tây có thể dụng công tìm hiểu về nền luật pháp ở Việt Nam đến như vậy.

Dịch giả: Étranger Nguyen

Dịch từ chương “Changing Concepts of Socialist Law in Vietnam” của tác giả John Gillespie

Trích từ “Asian Socialism and Legal Change: The Dynamics of Vietnamese and Chinese Reform” (“CNXH và thay đổi luật pháp ở châu Á: Động năng của cải cách ở Việt Nam và Trung Quốc”)

Các chú thích và cách phân đoạn chương sách cho từng kỳ để đăng là của dịch giả.

Kỳ 1

Một vài khía cạnh trong hệ thống pháp luật Việt Nam không hoàn toàn đúng với nghĩa gốc của khái niệm hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa. Sự nhập nhằng này ảnh hưởng tới cách mà Đảng Cộng sản Việt Nam “lãnh đạo” nhà nước, cách nhà nước “quản lý” xã hội, cũng như cách mà các viên chức nhà nước và công chúng thực hiện và tuân thủ luật pháp. Hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa không cần tới các định nghĩa chính xác.

“Hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa” tạo ra sự nhập nhằng bởi vì nó đã được trình làng từ hơn 40 năm trước, với mục đích ban đầu là để quản lý nền kinh tế kế hoạch, nhưng những thuật ngữ của ngày đó vẫn được sử dụng tới hôm nay để mô tả những quy tắc cho một thị trường hỗn hợp hiện đại. Việc sử dụng linh động [các thuật ngữ này] đặt ra một câu hỏi về tính chất xã hội chủ nghĩa của hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa. Liệu ý nghĩa của các thuật ngữ này có là bất biến, hay chúng đã trở thành những khẩu hiệu thuận miệng cho pháp luật của quốc gia?

Tồn tại hai vấn đề chủ yếu trong việc đánh giá sự liên tục và những thay đổi trong những ý nghĩa đi liền với thuật ngữ “hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa”. Thứ nhất, những khái niệm cốt lõi của chủ nghĩa Marx – Lenin vốn là nền móng cho “pháp luật xã hội chủ nghĩa” – bao gồm pháp chế xã hội chủ nghĩa, tập trung dân chủ và làm chủ tập thể – là những khái niệm quá trừu tượng để truyền tải những ý nghĩa cụ thể. Chủ nghĩa Marx – Lenin cho chúng ta biết rằng hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa có yếu tố giai cấp, chủ yếu phản ánh sự quản lý của nhà nước về tư liệu sản xuất, nhưng lại đề cập rất ít về các quan hệ xã hội khác như nhà ở, hôn nhân gia đình hay luật giao thông.

Các nguyên lý pháp quyền phương Tây “lẻn” vào học thuyết nhà nước pháp quyền mới đây đều không mang lại điều gì hữu ích. Nhà nước duy trì quan niệm cho rằng hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa phải bình đẳng, rõ ràng và nhất quán, nhưng hiếm khi thảo luận về những vấn đề rộng hơn mang tính quy tắc. Hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa cần những những lời tuyên bố ở [các lãnh đạo] trung cấp (trong một hoàn cảnh đặc thù) để hiểu được những ý nghĩa cụ thể và hệ thống của nó.

[Tóm lược của người dịch: Tác giả cho rằng hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa chỉ đưa ra những tuyên bố mơ hồ, và cần có phát biểu của các lãnh đạo cấp dưới (cấp trung) để mọi người hiểu được một điều luật cụ thể muốn nói điều gì].

Vấn đề khó khăn thứ hai khi phân tích hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa có nguyên do từ môi trường hình thành nên “pháp luật xã hội chủ nghĩa”, vốn đang thay đổi và bị chia cắt nhanh chóng. Lý thuyết chủ nghĩa xã hội – cho rằng việc nhà nước sở hữu toàn bộ “tư liệu sản xuất” là để bảo vệ quyền lợi của giai cấp công nhân – đã bị phai mờ bởi các chính sách của Đảng khuyến khích đầu tư nước ngoài, hội nhập kinh tế quốc tế và cổ phẩn hóa các doanh nghiệp nhà nước. Tuyên bố của Hồ Chí Minh “nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi” đã trở thành không tưởng khi đem so sánh với những nền “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” ngày nay [tham khảo https://www.marxists.org/glossary/terms/s/o.htm – ND]. (Thanh Duy 1997:27 – 8)

Những phân tích của chúng ta cần tách biệt những biến đổi của xã hội từ những vận động của xã hội [mà ta quan sát được]. Tất cả các xã hội đều luôn luôn vận động. Các nền kinh tế tăng trưởng và suy thoái, các chế độ xã hội phát triển rồi thoái trào, rồi công nghệ kỹ thuật và tương tác toàn cầu có mặt khắp mọi nơi. Thêm nữa, các vận động của xã hội lại hiếm khi thay đổi các ý nghĩa ẩn sâu trong luật pháp [hiện hành] (Grossman 1971). Chúng ta cần tìm kiếm những ý nghĩa pháp luật mới trong làn sóng kế tiếp của những thay đổi về mặt xã hội và pháp chế đã biến đổi pháp luật và chế độ xã hội Việt Nam.

Chương này sẽ xem xét những thay đổi đó bằng cách so sánh những bài báo đã đề cao tầm quan trọng của những tư tưởng chính trị – pháp luật Xô Viết bốn mươi năm trước với những quan niệm hiện đại về pháp luật. Thay vì cố gắng đưa ra một định nghĩa mang tính quyền uy – nỗ lực này đã trở thành thảm họa vì sự phân mảnh của xã hội – thảo luận này sẽ tìm kiếm những ý nghĩa mang tính đại diện trong các báo cáo được ghi lại cũng như qua các cuộc phỏng vấn với các viên chức của Đảng và nhà nước. Bằng việc xác định hoàn cảnh lịch sử nào truyền tải được những ý nghĩa tiêu biểu nhất, chương này sẽ đi sâu vào phân tích tính liên tục cũng như những thay đổi của “hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa”.

Những thảo luận trong chương này cần đặt trong một khung kiến thức hợp lý để so sánh những hiểu biết mang tính hoàn cảnh khác nhau về pháp luật xã hội chủ nghĩa. Một công cụ hữu ích là phân tích các diễn ngôn [Nguyên văn: “discourse”, được hiểu là các phát biểu, phát ngôn, bài viết trình bày một tư tưởng… Diễn ngôn là một thuật ngữ tương đối mới ở Việt Nam, xuất hiện trong các nghiên cứu về hậu hiện đại – ND], bởi các ý tưởng chính trị – pháp luật thường được hình thành thông qua các quá trình trao đổi và giao tiếp (Luhnmann 1987; Teubner 1993; Beck 1994). Chương này sử dụng diễn ngôn theo nghĩa rộng, bao gồm “tất cả các phát biểu, chính thức hoặc không, và tất cả các dạng văn bản”, đặc biệt là các tranh luận trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đạo đức, văn hóa và pháp luật (Potter và Wetherell 1987:7).

Việc phân tích các diễn ngôn không bao quát tất cả các mặt của “pháp luật xã hội chủ nghĩa”. Các văn bản chính thức của Đảng và nhà nước đã minh định một chân dung văn hóa Việt Nam được kiến tạo trong lòng châu thổ sông Hồng, dựa trên những quy luật về đạo đức, “được lãnh đạo” bởi một Đảng hoàn hảo về mặt đạo đức, và ít có ý thức về mặt pháp luật. Những quan điểm này nhắc nhở chúng ta rằng, chỉ tập trung vào các phát ngôn của Đảng và nhà nước sẽ giới hạn chúng ta vào một quan điểm [trong nhiều quan điểm khác nhau] về pháp luật xã hội chủ nghĩa (dù phải thừa nhận rằng đó là quan điểm có ảnh hưởng mạnh nhất). Rất cần phải nhớ rằng, tồn tại rất nhiều những quan điểm khác biệt về pháp luật giữa những cộng đồng tại Việt Nam. Những góc nhìn khác biệt với quan điểm của Đảng và nhà nước này đã được thảo luận ở một chỗ khác.

Chương này bắt đầu bằng việc xác định những nguyên lý chính trị – pháp luật cơ bản đã được du nhập vào nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa từ Liên bang Xô Viết. Sau đó chúng tôi sẽ đối chiếu những nguyên lý này trong những xu hướng vay mượn pháp luật từ Liên Xô, đồng thời đặt ra câu hỏi tại sao pháp luật Liên Xô vẫn được du nhập vào Việt Nam với rất ít nhượng bộ với thực tiễn địa phương và liệu thái độ vay mượn pháp luật hiện nay có thay đổi hay không.

Những lập luận trong chương này sẽ chỉ ra rằng những khác biệt trong phương pháp mà các nhà lập pháp Việt Nam vay mượn tư tưởng luật pháp đã thay đổi một cách sâu sắc những ý nghĩa được gán cho chủ nghĩa Marx – Lenin. Sau đó chúng tôi sẽ xem xét những giải thích hiện đại về pháp luật để xác định xem liệu các ý nghĩa cốt lõi về mặt pháp luật có khả năng thích nghi với thay đổi trong một số phát ngôn hay không. Chương này kết thúc bằng việc chỉ ra những ý nghĩa được nghiên cứu trong pháp luật xã hội chủ nghĩa đang bị phân mảnh cũng như các các nguyên lý chính trị pháp luật căn bản đã sẵn sàng cho những tư tưởng mới.

XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP CHẾ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Phải đợi tới Đại hội đầu tiên của Đảng Lao động Việt Nam vào tháng 9 năm 1951, nhiệm vụ “xây dựng pháp luật xã hội chủ nghĩa” mới được đặt ra (Hoang Quoc Viet 1962:14 – 15). Các viên chức của nhà nước non trẻ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước đó đã xây dựng hệ thống pháp luật dựa trên những khái niệm của dân luật Pháp về “pháp chế dân chủ”. Đại hội Đảng lần III năm 1960 đã thừa nhận học thuyết của Liên Xô về “sotsialisticheskaia zakonnost”, được dịch ra tiếng Việt là “pháp chế xã hội chủ nghĩa” (Tran Hieu 1971:108).

Đầu tiên, những luật sư nổi tiếng như là Đinh Gia Trinh đã lập luận rằng các điều kiện kinh tế trong các chế độ dân chủ nhân dân như nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là không phù hợp để áp đặt các nguyên lý pháp chế xã hội chủ nghĩa kiểu Xô Viết. Cuối cùng thì quan điểm của Liên Xô – cho rằng nền pháp chế trong các chế độ dân chủ nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa là tương tự nhau – đã thắng thế. Vào những năm 1970, giới pháp luật Việt Nam đã thống nhất chấp nhận hệ tư tưởng về pháp luật được nhập khẩu [từ Liên Xô] như là hệ tư tưởng của bản thân họ, và đồng nhất pháp luật Xô Viết với pháp luật xã hội chủ nghĩa (Phạm Văn Bách 1970, Ngô Văn Thâu 1982). Một sự thật rằng nền pháp luật của Liên Xô là một nền công pháp tương tự như các nền dân luật khác của châu Âu đã không bao giờ xuất hiện trong các bài viết cũng như phát biểu về pháp luật của Việt Nam.

Ba trụ cột cấu tạo nên cốt lõi của hệ thống chính trị – pháp luật xã hội chủ nghĩa là: pháp chế xã hội chủ nghĩa, tập trung dân chủ và làm chủ tập thể.

(Còn tiếp)

Còn có Mẹ, hạnh phúc lắm rồi, dẫu nhớ, dẫu quên, vì thiên thu chưa bao giờ là có thật...


Sunday, August 16, 2015

TIẾNG TÂY, TIẾNG TÀU LÀM SAO HAY BẰNG TIẾNG SÀI GÒN


Đi đâu, xa xa Sài Gòn, bỗng dưng nghe một tiếng “Dạ!” cùng những tiếng “hen, nghen” lại thấy đất Sài Gòn như đang hiện ra trước mắt với những nhớ thương…
Hồi còn đi học, vẫn hay chọc mấy đứa bạn bằng 2 câu thơ nhại: Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ/ Gái Sài Gòn cái mỏ cong cong… Chuyện con gái Sài Gòn “mỏ” có cong không thì hông biết, chỉ biết con gái Sài Gòn có cái dẫu môi cong cong dễ làm chết người lắm, nhất là khi cánh môi be bé ấy cong lên một chữ “hônggg…” khi đứa con trai rủ rê đi đâu, năn nỉ gì đó. Lúc đó, lấy gương ra soi, chắc cái mặt của đứa con trai đó tội lắm.
Mà con gái Sài Gòn có điệu đà, õng ẹo chút thì mới đúng thiệt là con gái Sài Gòn. Ai mà chẳng biết vậy. Gọi đó là cái duyên ngầm của người con gái đất Gia Định cũng chẳng có gì sai. Ai hiểu được sẽ thấy sao mà yêu mà thương đến vậy…
Có dạo đọc trong một bài viết về Sài Gòn – Gia Định của nhà văn Sơn Nam, có thấy ông viết giọng Sài Gòn, cũng như văn hóa và con người Sài Gòn là một sự pha trộn và giao thoa đến hợp nhất của nhiều nơi. Đó là những người Chăm bản địa, những người khách Hoa, những người miền Trung đầu tiên đến đất Gia Định…Từ đó hình thành một loại ngôn ngữ vừa bản địa, vừa vay mượn của những người đi mở đất.
Giọng người Sài Gòn được xem là giọng chuẩn của miền Nam, cũng như giọng người Hà Nội được xem là giọng chuẩn của người miền Bắc. Giọng chuẩn tức là giọng không pha trộn, không bị cải biến đi qua thời gian. Như nói về giọng chuẩn của người Hà Nội, người ta nói đến chất giọng ấm nhẹ, khi trầm khi bổng, khi sắc khi thanh, và chẳng ai phủ nhận người Hà Nội nói chuyện rất hay và “điêu luyện“.
Cái “điêu luyện” ấy như thuộc về bản chất của người Hà Nội mà chỉ người Hà Nội mới có được. Nếu nói là người Việt Nam nói như hát, thì đúng ra chỉ có người Hà Nội là “nói như hát” mà thôi, họa chăng chỉ có giọng Huế của người con gái Huế trầm tư mới cùng được ví von thế… Người Sài Gòn thì khác, giọng Sài Gòn cũng khác.
Không ngọt ngào… mía lùi như một số người dân Tây Nam Bộ ven vùng sông nước mênh mang chín rồng phù sa, không nặng nề cục mịch như người miền Đông Nam Bộ nóng cháy da thịt, giọng người Sài Gòn cũng ngọt, nhưng là cái ngọt thanh hơn, nhẹ hơn. Đó là chất giọng “thành thị” đầy kiêu hãnh của người Sài Gòn, chẳng lẫn vào đâu được mà dù người khác có bắt chước cũng khó lòng.
Dường như qua nhiều năm cùng với đất Gia Định – Sài Gòn phù hoa trong nhịp sống, trong đổi mới và phát triển, thì giọng nói của người Sài Gòn cũng trở nên “cao sang” hơn. Dù vậy, có cái “thanh” của một vùng đất một thời là thủ phủ Nam Bộ, nhưng cũng chẳng mất đi đâu cái mộc mạc không bỏ được của cái gốc chung Nam Bộ.
Giọng người Sài Gòn nói lên nghe là biết liền. Ngồi nghe hai người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau ở một quán nước, bên đường hay qua điện thoại, dễ dàng nhận ra họ. Cái giọng không cao như người Hà Nội, không nặng như người Trung, mà cứ ngang ngang sang sảng riêng… Mà điều đặc biệt trong cách người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau là mấy từ “nghen, hen, hén” ở cuối câu…
Người miền khác có khoái, có yêu người Sài Gòn thì cũng vì cách dùng từ “nghen, hen” này. Khách đến nhà chơi, chủ nhà tiếp. Khách về, cười rồi buông một câu “Thôi, tôi dìa nghen!” – Chủ nhà cũng cười “Ừ, dzậy anh dìa hen!”.
Nói chuyện điện thoại đã đời, để kết câu chuyện và cúp máy, một người nói “Hổng còn gì nữa, dzậy thôi hen!” “thôi” ở đây nghĩa là dừng lại, kết thúc, chấm dứt gì đó. Hai đứa bạn nói chuyện cùng nhau, bắt gặp cái gì vui, quay đầu sang đứa kế bên “Hay hén mậy?” bằng giọng điệu thoải mái…
Giọng người Sài Gòn đôi khi diễn đạt cùng một câu nói, nhưng lại bằng nhiều cung bậc giọng điệu khác nhau lại mang ý nghĩa khác nhau. Đám nhỏ quậy, nghịch phá, người chị mắng, giọng hơi gằn lại và từng tiếng một, có chút hóm hỉnh trong đó “Dzui dzữ hen!”. Đám bạn cùng tuổi, ngồi chơi chung, cười đùa, một người nói giọng cao cao vui vẻ “Dzui dzữ hen!”…
Người Sài Gòn có thói quen hay “đãi” giọng ở chữ cuối làm câu nói mang một sắc thái khác khi hờn giận, khi đùa vui như “Hay dzữuuu“, “Giỏi dzữưưu…!” Nghe người Sài Gòn nói chuyện, trong cách nói, bắt gặp “Thôi à nghen” “Thôi à!” khá nhiều, như một thói quen và cái “duyên” trong giọng Sài Gòn.
Người Sài Gòn nói chuyện, không phát âm được một số chữ, và hay làm người nghe lẫn lộn giữa âm “d,v,gi” cũng như người Hà Nội phát âm lẫn các từ có phụ âm đầu “r” vậy. Nói thì đúng là sai, nhưng viết và hiểu thì chẳng sai đâu, đó là giọng Sài Gòn mà, nghe là biết liền.
Mà cũng chẳng biết có phải là do thật sự người Sài Gòn không phát âm được những chữ ấy không nữa, hay là do cách nói lẫn từ “d,v,gi” ấy là do quen miệng, thuận miệng và hợp với chất giọng Sài Gòn. Ví như nói “Đi chơi dzui dzẻ hen mậy!” thì người Sài Gòn nói nó… thuận miệng và tự nhiên hơn nhiều so với nói “Đi chơi vui vẻ hen!”.
Nói là “vui vẻ” vẫn được đấy chứ nhưng cảm giác nó ngường ngượng miệng làm sao đó. Nghe một người Sài Gòn phát âm những chữ có phụ âm “v” như “về, vui, vườn, võng” nó cảm giác sao sao á, không đúng là giọng Sài Gòn chút nào…
Nhìn lại một quãng thời gian hơn 300 năm hình thành và phát triển của Sài Gòn từ Phiên Trấn, Gia Định Trấn, Gia Định Thành, Phiên An, Gia Định Tỉnh…cho đến Sài Gòn, Tp HCM, dân Sài Gòn đã là một tập hợp nhiều dân tộc sinh sống như Việt, Hoa, Kh’mer…
Các sử sách xưa chép lại, khi người Việt bắt đầu đến Đồng Nai – Gia Định thì người Kh’mer đã sinh sống ở đây khá đông, rồi tiếp đó là người Hoa, và một số người tộc láng giềng như Malaysia, Indonesia (Java) cũng có mặt. Sự hợp tụ này dẫn đến nhiều sự giao thoa về mặt văn hóa, làm ăn, cũng như những mặt khác của đời sống, trong đó dĩ nhiên phải nói đến ngôn ngữ.
Tiếng nói của người Sài Gòn không chỉ thuần là tiếng Việt, mà còn là sự học hỏi, vay mượn nhiều từ ngữ của dân tộc bạn, đâm ra mang nhiều “hình ảnh” và “màu sắc” hơn. Những từ như “lì xì, thèo lèo, xí mụi, cũ xì…” là mượn, những từ như “xà quầng, mình ên…” là của người Kh’mer.
Nói riết đâm quen, dần dần những từ ngữ đó, những tiếng nói đó được người dân Sài Gòn sử dụng một cách tự nhiên như của mình, điều đó chẳng có gì lạ…Thêm vào đó, nó được sửa đổi nhiều cho phù hợp với giọng Sài Gòn, thành ra có những nét đặc trưng riêng.
Vậy nói cho cùng thì người Sài Gòn cũng có những tiếng gọi là “tiếng địa phương” (local dialect !?). Những tiếng này thể hiện rõ nhất khi người Sài Gòn nói chuyện cùng người miền khác. Nghe một người Sài Gòn nói chuyện cùng một người khác vùng, dễ dàng nhận ra những khác biệt trong lời ăn tiếng nói giữa hai người, hai miền.
Có một số từ người Sài Gòn nói, người miền khác nghe rồi… cười vì chưa đoán ra được ý. Cũng như khi nghe người Huế dùng một số từ lạ lạ như “o, mô, ni, chừ, răng…” trong khi nói chuyện vậy thôi. Khác là mấy tiếng người Sài Gòn nói, vẫn có chút gì đó nó…vui vui tai, là lạ, ngồ ngộ làm sao.
Người Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung, có thói quen dùng từ “dạ” khi nói chuyện, khác với người miền Bắc lại dùng từ “vâng”. Để ý sẽ thấy ít có người Sài Gòn nào nói từ “vâng”. Khi có ai gọi, một người Sài Gòn nói “vâng!” là trong dáng dấp của câu nói đó có giọng đùa, cười cợt. Khi nói chuyện với người lớn hơn mình, người dưới thường đệm từ “dạ” vào mỗi câu nói. “Mày ăn cơm chưa con ? – Dạ, chưa!”; “Mới dìa/dzề hả nhóc? – Dạ, con mới!”…
Cái tiếng “dạ” đó, không biết sao trong cảm giác nghe của một người Sài Gòn với một người Sài Gòn thấy nó “thương” lạ… dễ chịu mà gần gũi, nhẹ nhàng mà tình cảm lắm lắm. Cảm giác nó thật riêng so với những nơi khác. Nghe một tiếng “dạ” là biết ngay tên này là dân miền Nam cái đã rồi hẳn hay…
Một người miền khác, có thể là Bắc hoặc Trung, diễn tả một khoảng thời gian ngắn vài ngày thì nói “Từ bữa đó đến bữa nay“, còn người Sài Gòn thì nói “Hổm nay“, “dạo này“… người khác nghe sẽ không hiểu, vì nói chi mà ngắn gọn ghê. (Lại phát hiện thêm một điều là người Sài Gòn hay dùng từ “ghê” phía sau câu nói để diễn tả một sắc thái tình cảm riêng.
Tiếng “ghê” đó chẳng hàm ý gì nhiều, nó mang ý nghĩa là “nhiều”, là “lắm”. Nói “Nhỏ đó xinh ghê!” nghĩa là khen cô bé đó xinh lắm vậy.) Lại so sánh từ “hổm nay” với “hổm rày” hay nghe ở các vùng quê Nam Bộ, cũng một ý nghĩa như nhau, nhưng lại không hoàn toàn giống nhau.
Nghe người Sài Gòn dùng một số từ “hổm rày, miết…” là người Sài Gòn bắt chước người miền sông nước vậy. Nhưng nghe vẫn không trái tai, không cảm thấy gượng, vì trong người Sài Gòn vẫn còn cái chất Nam Bộ chung mà.
Nghe một đứa con trai Sài Gòn nói về đứa bạn gái nào đó của mình xem… “Nhỏ đó xinh lắm!“, “Nhỏ đó ngoan!”…Tiếng “nhỏ” mang ý nghĩa như tiếng “cái” của người Hà Nội. Người Sài Gòn gọi “nhỏ Thuý, nhỏ Lý, nhỏ Uyên” thì cũng như “cái Thuý, cái Uyên, cái Lý” của người Hà Nội thôi.
Nói một ai đó chậm chạp, người Sài Gòn kêu “Thằng đó làm gì mà cứ cà rề cà rề… nhìn phát bực!” Nghe cứ như là đùa, chẳng làm câu nói nặng nề lắm. Một người lớn hơn gọi “Ê, nhóc lại nói nghe!” hay gọi người bán hàng rong “Ê, cho chén chè nhiều nhiều tiền ít coi!”… “Ê” là tiếng Sài Gòn đó, coi gọi trổng không vậy mà chẳng có ý gì đâu, có thể nói đó là thói quen trong cách nói của người Sài Gòn.
Mà người Sài Gòn cũng lạ, mua hàng gì đó, thường “quên” mất từ “bán”, chỉ nói là “cho chén chè, cho tô phở“… “cho” ở đây là mua đó nghen. Nghe người Sài Gòn nói chuyện với nhau, thường bắt gặp thế này “Lấy cái tay ra coi!” “Ngon làm thử coi!” “Cho miếng coi!” “Nói nghe coi!”… “Làm thử” thì còn “coi” được, chứ “nói” thì làm sao mà “coi” cho được nè?
Vậy mà người Sài Gòn lại nói, từ “coi” cũng chỉ như là một từ đệm, dân Sài Gòn nói dzậy mà. Ngồi mà nghe người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau thì quái lắm, lạ lắm, không ít người sẽ hỏi “mấy từ đó nghĩa là gì dzậy ta ?” – Mà “dzậy ta” cũng là một thứ “tiếng địa phương” của người Sài Gòn à.
Người Sài Gòn có thói quen hay nói “Sao kỳ dzậy ta?” “Sao rồi ta?” “Được hông ta?”…Nghe như là hỏi chính mình vậy đó, mà…hổng phải dzậy đâu nghen, kiểu như là nửa hỏi người, nửa đùa đùa vậy mà.
Tiếng Sài Gòn là thế đó, nếu bạn giả giọng Sài Gòn nói chuyện, dù có giống cách mấy mà bỏ quên mấy tiếng đệm, mấy tiếng Sài Gòn riêng riêng này thì đúng là… “bạn hông biết gì hết chơn hết chọi!”
Mà giọng Sài Gòn đã thế, cách người Sài Gòn xưng hô, gọi nhau cũng có phần mang “màu sắc” riêng.
Người Sài Gòn có cái kiểu gọi “Mày” xưng “Tao” rất “ngọt”. Một vài lần gặp nhau, nói chuyện ý hợp tâm đầu một cái là người Sài Gòn mày tao liền. Nếu đúng là dân Sài Gòn, hiểu người Sài Gòn, yêu người Sài Gòn sẽ thấy cách xưng hô ấy chẳng những không có gì là thô mà còn rất ư là thân thiện và gần gũi.
Mày-tao là kiểu xưng hô hay thấy trong mối quan hệ bạn bè của người Sài Gòn. Cách xưng-hô này thấy dàn trải từ đủ các mối quan hệ bạn bè; từ bạn học giữa mấy đứa nhóc chút xíu, cho đến mấy bác mấy anh lớn lớn tuổi.
Hổng biết cái máu dân Sài Gòn nó chảy mạnh quá hay sao mà thấy mấy cách gọi này nó…tự nhiên và dễ nói hơn là mấy từ như “cậu cậu – tớ tớ” của miền Bắc. Nói chuyện bạn bè với nhau, thân thiết mà gọi mấy tiếng mày mày tao tao thì nghe thật sướng, thật thoải mái tự nhiên, và khoai khoái làm sao ấy. Gọi thế thì mới thiệt là dân Sài Gòn.
Đấy là ngang hàng, ngang vai vế mà gọi nhau, chứ còn như đám nho nhỏ mà gặp người lớn tuổi hơn, đáng bậc cha, chú thì khác. Khi ấy “tụi nhỏ” sẽ gọi là chú, thím, cô, dì, hay bác và xưng “con” ngọt xớt. Có vẻ như người Sài Gòn “ưa” tiếng chú, thím, dì, cô hơn; cũng như đa phần dân miền Nam khác vậy mà.
Mà có lẽ cách gọi này cũng còn tuỳ vào việc ước lượng tuổi của người đối diện. Gặp một người phụ nữ mà mình nhắm chừng tuổi nhỏ hơn mẹ mình ở nhà thì “Dì ơi dì… cho con hỏi chút…!” – còn lớn hơn thì dĩ nhiên là “Bác ơi bác…” rồi. Những tiếng mợ, thím, cậu,… cũng tuỳ vào vai vế và người đối diện mà gọi.
Có người chẳng bà con thân thuộc gì, nhưng là bạn của ba mình, lại nhỏ tuổi hơn, thế là gọi là chú và vợ của chú đó cứ thế gọi luôn là thím. Gọi thì gọi thế, còn xưng thì xưng “con” chứ không phải “cháu cháu” như một số vùng khác.
Cái tiếng “con” cất lên nó tạo cho người nghe cảm giác khoảng cách giữa mình với đứa nhỏ đang nói kia tự dưng… gần xịt lại. Nghe sao mà quen thuộc, và gần gũi đến lạ lùng. Tự dưng là thấy có cảm tình liền.
Nói tiếp chuyện xưng-hô, người Sài Gòn có kiểu gọi thế này:
            Ông đó = ổng
            Bà đó = bả
            Anh đó = ảnh
            Chị đó = chỉ
            …..
Không hiểu sao mà dấu hỏi tự nhiên cái trở nên giữ vai trò quan trọng… ngộ nghĩnh vậy nữa. Nhưng mà kêu lên nghe hay hay đúng hông? Gọi vậy mới đúng là chất Nam Bộ – Sài Gòn á nghen.
Người Sài Gòn cũng có thói quen gọi các người trong họ theo… số. Như anh Hai, chị Ba, thím Tư, cô Chín, dượng Bảy, mợ Năm… Mà nếu anh chị em họ hàng đông đông, sợ gọi cùng là chị Hai, anh Ba mà hổng biết nói về ai thì dzậy nè, thêm tên người đó vào. Thành ra có cách gọi : chị Hai Lý, chị Hai Uyên, anh Ba Long, anh Ba Hùng…
Thêm nữa, nếu mà anh chị em cùng nhà thì tiếng “anh-chị-em” đôi khi được…giản lược mất luôn, trở thành “Hai ơi Hai, em nói nghe nè…” và “Gì dzạ Út ?”… Tôi thích cách gọi này, đâm ra ở nhà gọi Dì Út tôi chỉ là một tiếng Út gọn lỏn. Có chuyện nhờ là cứ “Út ơi…con nhờ chút!” hoặc với mấy chị tôi thì “Hai ơi Hai…em nói nghe nè!”.
Cách gọi này của người Sài Gòn nhiều khi làm người miền khác nghe hơi…rối. Có lần, kể cho người bạn ở Hà Nội nghe về mấy người anh chị trong gia đình. Ngồi kể lể “anh Hai, chị Hai, dì Hai, Út, cậu Hai, mợ Hai, chú Ba…” một hồi cái bị kêu là hổng hiểu, xưng hô gì rối rắm quá chừng, làm phải ngồi giải thích lại suốt một hồi…lâu.
Cách xưng hô của người Sài Gòn là vậy. Nghe là thấy đặc trưng của cả một mảnh đất miền Nam sông nước.
Cứ thế, không sang trọng, điệu đà như giọng người dân đất Bắc, cũng chẳng trầm lắng, thanh thanh như tiếng Huế Thần Kinh, cái giọng Sài Gòn đi vào tai, vào lòng, vào cách cảm, và nỗi nhớ nhung của người Sài Gòn lẫn dân miền khác bằng sự ngọt ngào, bằng cái chân chất thật thà của truyền thống xa xưa, và bằng cả cái “chất Sài Gòn” chảy mạnh trong từng mạch máu người dân Sài Gòn.
Đi đâu, xa xa Sài Gòn, bỗng dưng nghe một tiếng “Dạ!” cùng những tiếng “hen, nghen” lại thấy đất Sài Gòn như đang hiện ra trước mắt với những nhớ thương…

Hải Phan

Người ta đang mua tuổi trẻ của bạn

Các ông bà chủ nhìn vào bạn, thấy bạn 18 -20 tuổi, trẻ khỏe, xinh đẹp, có thể dắt xe không mỏi tay, đứng lâu không mỏi chân, hay xinh đẹp cho khách đến nhìn cho đẹp mắt (giống một cái bình hoa). Người ta trả tiền để mua tuổi trẻ và tháng ngày của bạn, với giá 100 ngàn/24 giờ (giá siêu rẻ!)

Tôi đến Tây Ninh. Buổi chiều hôm ấy ngồi trong quán cà phê, nói chuyện với một em trai 17 tuổi. Nhà em ở huyện Bến Cầu, nghỉ học giữa chừng, em đi làm giữ xe ở quán cafe, một tháng kiếm 2 triệu, chủ quán bao cơm. Em ngồi như vậy từ 7 giờ sáng đến 11 giờ tối, cùng với 1 người nữa, có thay phiên để nghỉ ngơi chút đỉnh trong giờ vắng khách. Mỗi ngày em kiếm được chừng 70.000đ. Em không phải người trẻ đầu tiên tôi gặp phải bán thời gian trẻ nhất của mình, để kiếm đủ số tiền lo hai bữa ăn và giúp đỡ một người thân nào đó trong cuộc sống thường nhật.
Ở Sài Gòn cũng không khác. Hàng chục ngàn em trai, em gái, 13 -15 tuổi, trẻ trung, xinh đẹp, lơ ngơ vào thành phố, làm một công việc gì đó như giữ xe, ngồi ghi vé xe, ngồi xếp trái cây, đứng xếp sữa lên kệ, ngồi đánh dấu người ra vào cơ quan. Những công việc ấy có ưu điểm: đem lại miếng ăn – vốn cực kỳ ngặt nghèo và khó khăn với những đứa trẻ ở nông thôn, sinh ra trong gia đình nghèo khó và không có việc làm. Em nói với tôi: “Em may mắn có việc, chứ bạn em ngồi quán cafe cả ngày, không việc làm, lại nợ tiền… cà phê”.
Chuyện nói ra như đùa. Thật là một tin mừng vì cuối cùng những người trẻ ở nông thôn cũng tìm được việc gì đó làm, kiếm được chút tiền cho bữa ăn hàng ngày, và họ không phạm tội ác gì ghê gớm vì… quá rảnh. Nghĩ như vậy cho lạc quan, bởi còn biết bao người trẻ ngoài kia la cà ngoài quán game, thất nghiệp thành trộm cướp, cắn đá, ăn bám gia đình.
Nhưng tương lai của họ là gì, nếu năm tháng đáng giá nhất này, họ chỉ ngồi để kiếm tiền. Họ ngồi hết 8 tiếng, 12 tiếng rồi trở về nhà, ngã lăn trên những tấm chiếu tạm bợ của phòng trọ, ngủ say ngất đi, để rồi sáng mai lại tỉnh dậy, ngồi tiếp những ngày tháng khác hòng có tiền lương mỗi tháng. Họ không tiến triển chút nào trong nghề nghiệp – hoặc có thêm rất ít chuyên môn, vì chuyên môn chính chỉ là ngồi, nhìn, đứng, đi lại, hỏi han, dắt xe.
Đó là các nghề lương thiện. Nhưng đó là các nghề bán đổi tuổi trẻ và thời gian để lấy tiền mưu sinh, nơi các ông bà chủ nhìn vào bạn, thấy bạn 18 -20 tuổi, trẻ khỏe, xinh đẹp, có thể dắt xe không mỏi tay, đứng lâu không mỏi chân, hay xinh đẹp cho khách đến nhìn cho đẹp mắt (giống một cái bình hoa). Người ta trả tiền để mua tuổi trẻ và tháng ngày của bạn, với giá 100 ngàn/24 giờ (giá siêu rẻ!)
Tôi quen một thầy giáo, ông rất giỏi tiếng Anh. Khi ông theo một chương trình nghiên cứu đi Mỹ, chúng tôi ngồi nói chuyện. Ông kể rằng năm ông 14 tuổi, vì gia đình gặp nạn, cha ông đi tù, mẹ ông từ người làm công chức phải ra hàng chạy chợ kiếm tiền nuôi 4 đứa con. Ông “đã lớn” nên phải theo mẹ ra chợ giữ xe, nghỉ học sớm. Hàng ngày ông xé một trang trong quyển từ điển tiếng Anh loại rẻ tiền mà ông mua ở một hàng sách cũ, dắt theo trong người, rồi ra bãi giữ xe.
Hết ngày hôm đó, dù có phải dắt xe hay không dắt xe, đông khách hay không đông khách, ông cũng quyết phải học thuộc các từ trong ấy, dùng bút chép lung tung vào quyển vở mang theo. Quyển từ điển vơi dần, ông cũng thuộc thêm nhiều từ, nhiều câu, cộng với mấy quyển sách học viết, ông tự học tiếng Anh và vẫn đi giữ xe, kiếm tiền phụ mẹ nuôi em. Khi tiễn ông ra sân bay, tôi không thể tin người đàn ông chững chạc và thành đạt trước mắt mình lại có ngày 14 tuổi, đi giữ xe, chạy chợ và học thành thạo một ngôn ngữ.
Khi nhìn thấy những ánh mắt trẻ làm các nghề ngồi, nghề giết thời gian đổi tiền, tôi nghĩ tới ông, nghĩ tới cả những người Nhật tôi từng gặp, đi một chuyến tàu 20 phút về nhà cũng giở sách ra đọc, coi như đọc được vài trang. Mỗi ngày thầy học 1 trang giấy, mỗi ngày người công chức Nhật đi làm đọc 3 trang sách, 30 ngày là được 30 trang từ điển và 90 trang sách. Cái thời gian ngắn ngủi, ngán ngẩm và tiêu tốn mà các bạn đang phải đem ra để đánh đổi lấy tiền ăn, tiền sống, thực ra cũng có thể tận dụng theo một cách nào khác.
Bạn có thể đọc hết 1 quyển sách trong 3 tháng, có thể chậm hơn 1 em sinh viên ngồi cả ngày trong thư viện. Bạn có thể học hết một quyển chuyên đề trong 4 tháng, càng chậm hơn so với một người có chuyên ngành và được cha mẹ trả tiền cho đi học. Nhưng dù chậm trễ đến vậy, bạn cũng đang tiêu xài những khoảnh khắc ngắn một cách có ích, thay vì ngán ngẩm ngồi nhìn khách vào tòa nhà, ngán ngẩm ngồi canh kệ thuốc lá, ngán ngẩm ngồi chờ khách ra xe, ngán ngẩm mở những clip hài trên mạng cho nhau xem, cười hề hề, xem truyện sex (nên đọc khi về nhà ngủ), check Facebook, tán dóc điện thoại, tốn tiền xem hàng online giá rẻ mà không có lúc nào đi mua được.
Lâu rồi, trên đài phát thanh tôi từng nghe, có kể chuyện một anh chế máy nông cụ. Người ta hỏi anh vì sao làm công chức giấy tờ lại biết chế máy cho nông dân, mà chế có vẻ thực tế vậy. Anh kể, hàng ngày tôi đi làm, đều phải ngồi xe công ty một tiếng để tới thành phố vào làm. Một tiếng đó tôi ngồi đọc sách, vẽ mẫu, xong đâu đấy thì chế thử, cuối cùng cũng ra.
Vậy là khi vài chục người khác cùng công ty trên chuyến xe của anh đang ngủ, đang tán dóc, đang nghe nhạc, đang nói xấu đồng nghiệp, thì anh ta đọc sách. Với một năm đi làm, anh ta vừa có lương, vừa “thặng dư” được 200-300 giờ đọc sách, tức là tương đương 8 -12 ngày đọc sách 24 giờ liên tiếp. Mớ kiến thức tưởng chừng đùa giỡn của anh công chức, trang từ điển tưởng chừng xé ra chơi của ông thầy, gom lại đã thành một tương lai rất khác của người ta – khi ta trẻ và thừa thãi thời gian để tiêu phí.
Bây giờ còn dễ hơn xưa cả trăm lần. Ông thầy tôi phải tốn công xé giấy, anh công chức phải vác sách theo. Chớ bây giờ, ai cũng có cái điện thoại để nghe nhạc, chơi Facebook, xem phim, xem clip hài. Mấy cái điện thoại đó có thể xem được vô số loại sách vở trên đời, cứ mở ra nhìn vô là thấy thứ để đọc.
Hãy tưởng tượng mà xem, khi bạn 18 -20 tuổi, người ta sẵn sàng thuê bạn để ngồi, để làm bảo vệ, làm tiếp viên, làm nhân viên đón khách… vì bạn trẻ, đẹp, có nụ cười tươi, có sức khỏe, có vóc dáng. Đến khi bạn 40 tuổi, nhan sắc tàn, sức khỏe xấu, vóc dáng béo phệ, và bạn vẫn chẳng biết làm gì hơn là bán thời gian của mình để… ngồi, liệu có còn ai thuê bạn không?
Vào một lúc nào đó… ta phải chi xài tuổi trẻ của mình một cách hợp lí, dù đang bị trăm thứ cơm áo gạo tiền ghì lấy.
Mình phải biết một thứ gì đó thật tốt, phải có một “chuyên môn” gì đó, dù nhỏ tí xíu và đơn giản, phải có tri thức cho chính mình, dù ít hay nhiều. Trong một bài nói chuyện trên TED tui từng nghe, bà diễn giả bảo bà cực kỳ ngạc nhiên về sự thay đổi của công nhân Trung Quốc, ở khu công nghiệp bà khảo sát, có những lớp dạy tiếng Anh cả 2-3 giờ sáng, dạy theo bất cứ ca nào có công nhân cần học. Và giờ thì giá tiền lương công nhân TQ hết rẻ nhứt rồi vì họ chăm quá mà.


Thôi mình đừng ngồi ngơ ngác nhấn chìm thời gian nữa…. chỉ để đổi lấy vài triệu ít ỏi cho cơm áo hàng ngày…
Khải Đơn

Vụ án “con ruồi đốc-tờ Thanh”: tội phạm “rất nghiêm trọng”!?


Ông Võ Văn Minh bị bắt ngày 27-1-2015 khi trao chai “Number One có con ruồi” cho đại diện nhà sản xuất Tân Hiệp Phát, để lấy số tiền “được cho là 500 triệu đồng”. Ông Minh bị cáo buộc phạm tội cưỡng đoạt tài sản, quy định tại Điều 135 Bộ Luật hình sự. Khung hình phạt cho trường hợp ông Minh là từ 3 năm đến 10 năm do số tài sản cưỡng đoạt lên tới 500 triệu đồng.
Lưu ý, sở dĩ dùng cụm từ “được cho là 500 triệu đồng”, vì trên thực tế ông Minh chưa cầm số tiền này, chưa có bất kỳ kiểm đếm nào về số tiền mà đại diện Tân Hiệp Phát công bố.
Nửa năm vẫn loay hoay một con ruồi
Tính đến ngày 16-8-2015, ông Minh vẫn bị tạm giam, và cơ quan điều tra vẫn chưa có kết luận điều tra “con ruồi đốc-tờ Thanh”. Đã hơn nửa năm đi qua, từ khi Võ Văn Minh bị bắt, vụ án chưa xong khâu điều tra khiến những nghi ngờ trên một lần nữa dấy lên trong dư luận.
Bộ Luật tố tụng hình sự, Điều 119. Thời hạn điều tra, quy định: 1. Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra. 2. Trong trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn điều tra, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra. Việc gia hạn điều tra được quy định như sau: a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá hai tháng; b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng và lần thứ hai không quá hai tháng; c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá bốn tháng; d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng.
Trường hợp của ông Minh, nếu cáo buộc “cưỡng đoạt tài sản” được thành lập, thì vẫn chưa có bất kỳ một ghi nhận về hậu quả nào do ông Minh gây ra. Như vậy chưa rõ vì lý do gì để cơ quan điều tra tỉnh Tiền Giang tiếp tục gia hạn tạm giam bị can Võ Văn Minh.

Ai đã tiếp tay cho hành vi phạm tội?
Tình tiết đáng luận bàn ở đây là Tân Hiệp Phát đã có đến 3 lần gặp gỡ ông Võ Văn Minh để thương lượng giải quyết vụ việc. Ban đầu ông Minh ra giá cho chai nước Number 1 chứa ruồi là 1 tỷ đồng, nếu Tân Hiệp Phát không đồng ý, Minh sẽ đưa vụ việc ra Ban bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Bình Dương, thông tin cho báo chí, in 5.000 tờ rơi về vụ việc nhằm làm mất uy tín công ty.
Sau ba lần thương lượng, Công ty Tân Hiệp Phát đã đồng ý đưa số tiền 500 triệu đồng theo yêu cầu của ông Minh, nhưng đồng thời công ty đã trình báo công an vụ việc bị tống tiền. Khi ông Minh đến quán cà phê như đã hẹn để lấy tiền thì bị công an bắt giữ. Dù Tân Hiệp Phát khăng khăng nói rằng không thương lượng với  ôngVõ Văn Minh, nhưng vì sao lại có chuyện chốt mức thỏa thuận từ 1 tỷ đồng xuống 500 triệu đồng? Tại sao Tân Hiệp Phát không báo cáo cơ quan chức năng ngay từ lần gặp ông Minh đầu tiên? Và việc đưa 500 triệu đồng có phải "bẫy" người tiêu dùng kém hiểu biết?


Liệu có nên đưa vào vòng tố tụng hành vi đưa 500 triệu đồng của Tân Hiệp Phát là phạm tội tiếp tay cho hành vi cưỡng đoạt tài sản của bị can, khi đồng ý thương lượng giảm số tiền từ 1 tỷ đồng xuống 500 triệu đồng?
Minh Tâm

Một Thoáng Nguyễn Nho Sa Mạc


NGUYỄN VY KHANH


     Chân dung Nguyễn Nho Sa Mạc
(Nguyễn Nho Châu vẽ)
Trong chuyến về Hội An-Đà Nẵng mùa Hè năm nay, tôi đã có dịp trở lại Vĩnh Điện - nay được gọi là thị trấn Vĩnh Điện và thuộc huyện Điện Bàn, Quảng Nam, nhưng không còn nhận ra nơi gia đình đã sinh sống gần 50 năm trước. Vĩnh Điện là một thị-trấn nhỏ nằm trên quốc lộ số Một và ngay trên ngã ba đường đi Hội An, Tam Kỳ và Đà Nẵng. Thời đó cậu bé tôi suốt ngày chơi quanh quẩn nơi nhà ga xe lửa hay nghịch với bạn ở ven sông, một nhánh sông Thu Bồn chảy về cửa Đà Nẵng, hay nhìn nước xoáy mạnh nơi chân cầu Vĩnh Điện, nơi tôi chắc chắn đã có lần mơ đi xa và chưa thể biết những dịp ngồi lại bên cầu mới là quí. Vì thế mà một ông cậu từ Hà Nội vào thăm đã gọi tôi là "xếp ga"!

Nhà ga của cậu bé tôi hình như không xa nhà ga của nhà thơ Luân Hoán:
"... bỗng dời ra tuốt xóm Ga
sờ thăm đường sắt thử xa cỡ nào
chân trời trong giấc chiêm bao
phủi tay tạm gởi mộng vào hư không ..."
(Những Năm Đầu Với Đất Sông Hàn).

Vì dù gì thì gần năm mươi năm của nhiều cuộc đổi đời và nước chảy qua cầu của ấu thời và nhiều nơi khác cùng với chiến-tranh, hòa bình, đã xóa đi nhiều nếp cũ, đời xưa. Ký vãng tôi nay không còn sức để có thể nhận ra dấu vết của khu phố ngày xưa, của căn nhà rất nhỏ bé thời đó. Một trở về để nhận chân thời gian và tuổi đời không ai giữ lại được!

Không xa đó là bến xe Vĩnh Điện nơi nhộn nhịp xe và người nhất là tiếng nói tiếng rao đậm đặc âm hưởng địa phương, âm hưởng trước đó đã làm tôi phải lắng nghe mới hiểu trong một resort của Hội An, tất cả đã làm tôi có cảm tưởng chính mình mới là kẻ xa lạ.
Trường Nguyễn Duy Hiệu bên kia chân cầu và ở hướng đi Đà Nẵng không gợi cho tôi ấn tương nào dù sân trường trồng nhiều phượng đỏ vốn vẫn gây xúc động nơi tôi. Phượng vĩ nơi đây nở rộ vào đầu mùa Hè trong khung cảnh học đường Việt-Nam đã làm bước đi tôi chậm lại như tiêng tiếc một mảnh đời thơ mộng nhất, rất khác với những cây phượng ở phía Nam tiểu bang Floriđa nước Mỹ; một bên cảnh vật có hồn và cả một quá khứ, còn một bên trơ trơ vô tình!

Vĩnh Điện ấu thời của tôi mới đây tôi được biết cũng là nơi nhà thơ Luân Hoán thuở vào đời (thơ và tình!) đã từng đến để tìm bóng dáng người thơ Nguyễn Thị Liên Phượng, một bút hiệu của Nguyễn Nho Sa Mạc, mà thời đầu anh cứ ngỡ là một người nữ địa phương. Mới đây ông kể lại trong Dựa Hơi Bè Bạn do nhà Nhân Ảnh ở Toronto xuất bản (2006) - nhà thơ dựa hơi cả bóng ... người trong thơ! Khoảng năm 1962 , Luân Hoán đã:

"Dắt xe qua cầu gió
Vào thị trấn buồn buồn
Mắt hỏi từng cửa phố
Trong dáng hoa qua đường
Thị trấn nửa cây số
Vốn là quê ngoại tôi
Bỗng nhiên đâm bỡ ngỡ
như chưa từng ghé chơi
Đứng giữa ngã ba bụi
ngó xuống hướng Hội An
ngó vào ngã Nam Phước
ngó ra thành phố Hàn...".

Rời Vĩnh Điện, trở về Hội An, nhiều khu phố ở đây hình như không thay đổi nhiều nếu so với Sài-gòn và một và nơi khác. Với người du khách ngoại quốc có thể là lạ lẫm, nhưng với người trở về thì cuộc sống thực tế đã che mất những nét đẹp của phố cổ được ghi lại trong ký ức văn thơ và hội họa. Qua Ngũ Hành Sơn về Đà Nẵng, trường trung học Phan Chu Trinh vẫn còn đó nhưng cùng hoàn cảnh với các trường học nổi tiếng khác của miền Nam cũ, lớp sơn (hay vôi) được tô lên nhưng người từng có kỷ niệm nhìn vào sẽ đau lòng vì như phải chiêm ngưỡng một hoa hậu tuổi về chiều phải cần đến son phấn trét lên nhưng vẫn không thể che được vết loang lỗ tàn phá của thời gian!

Những ngày ở đó, tôi đã nghĩ đến những nhà thơ văn Thái Tú Hạp, Luân Hoán, Nguyễn Nam An, Hoàng Lộc, Lưu Nguyễn, Phan Xuân Sinh, Đặng Tiến, ... mà tôi quen biết sau này ở hải ngoại, những người từng sinh sống và khởi đầu sáng tác nơi đây. Nhưng nơi đây không còn dấu vết của họ, nếu có chăng là trong kỷ niệm của họ và những người từng sống với họ.

Các hiệu sách đều màu mè khoe nét thời thượng của kinh tế luật rừng và của phong hóa mã hào nhoáng mà ruột rỗng không. Tôi cũng nghĩ đến những nhà văn thơ đã một thời làm rạng danh địa phương, trong có hai nhà thơ vận yểu Nguyễn Nho Nhượng và Nguyễn Nho Sa Mạc (1944-1964). Văn-nghệ sĩ mệnh vắn không phải ít: Phạm Hầu, Nguyễn Nhược Pháp, Thạch Lam, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Vũ Trọng Phụng, ... thời tiền chiến, rồi những Doãn Dân, Y Uyên, Mặc Tưởng, Song Linh, Vũ Hữu Định, ... bên thơ văn và Dzũng Chinh bên nhạc, của thời chiến-tranh quốc-cộng; nhưng trường hợp Nguyễn Nho Sa Mạc để lại nơi tôi nhiều ấn tượng nhất.

Lúc mới biết yêu văn thơ, tức khi đã chớm biết mùi tình ái, sau vài lần thất bát đã cứ ngâm thơ J. Leiba "Người đẹp vẫn thường hay chết yểu, / Thi nhân đầu bạc sớm hơn ai!" như để tìm an ủi, dù người tình chưa ... chết, mà cứ cho là vậy cho đỡ buồn! Thật vậy, thơ Nguyễn Nho Sa-Mạc với tôi là thơ của thời học trò, của những mối tình đầu đời có thể gọi là trong trắng, đầy đam mê và cả thơ dại - đam mê và thơ dại thật và hơn cả thơ tình của những Đinh Hùng, Nguyên Sa, Phạm Thiên Thư, v.v. mà cũng khác với cái đam mê không dứt của Nguyễn Tất Nhiên một thời. Một thứ tình-yêu thân-phận pha chút triết-lý bi đát, phi lý! Nhà thơ bước vào đời và tình-yêu trước, do đó đã để lại "gia tài tình ái" cho đàn em (và hậu nhân).

Thơ Nguyễn Nho Sa-mạc vẽ đậm đặc chân dung những cậu học trò trung học bắt đầu biết yêu, biết"ta đứng dựa lũ cột đèn châm thuốc / Rất vô tư nhìn năm tháng thay màu", cái nhìn đầu đời đó là cái nhìn mở, đầy tin yêu và hy vọng. Trong Mùa Xuân Của Em, người trẻ tuổi Nguyễn Nho Sa-Mạc đối mặt với tình yêu hoặc nói với người tình mà như độc thoại cho cuộc tình:

Rồi xuân sang em nhìn mưa để khóc
kỷ niệm chong đèn thức suốt đêm qua
ngón tay nhỏ lần đan sầu cô độc
tưởng chừng như tuổi trẻ bỏ đi xa
Thứ bảy chiều em rong hè phố cũ
con đường xưa hoa đỏ nở rộn ràng
giòng sông đó bỗng nhiên buồn vô cớ
bơ vơ tìm thương cát sõi cồn hoang
Em đứng dậy xem mây chiều xuống thấp
trời tháng giêng mưa lạnh thấm vai chùng
sân ga nhỏ con tàu không dừng lại
đôi sao buồn ngủ giữa không trung
Gió thì mệt, mùa xuân đang cúi mặt
hàng dừa xanh xõa tóc đứng âm thầm
em muốn nói trên vòng tròn con mắt
hờn mùa xuân với khuôn mặt sa sầm
Rồi xuân đến sau lưng nhiều bão mộng
buổi em về xanh rừng tóc cao nguyên
đồi chiều xa biểu hiện nét mi hiền
tay trắng muốt nuôi linh hồn thảo mộc
Em ngồi khóc, mùa xuân nhăn mặt khóc
môi em buồn cho thời tiết buồn theo
con sông nhỏ bỗng vô cùng cô độc
trôi về xuân với một ít rong bèo..."

Có đứng ở những con sông, bờ biển, cồn hoang, sân ga, sân trường và nhìn bóng các học sinh nam nữ đi bên nhau và đứng ở đây mới 'thấy' được những hình ảnh thi ca mà Nguyễn Nho Sa-Mạc đưa lên giấy! Và cũng mùa Xuân, nhưng đã nhuốm buồn thương không lâu sau đó, với bài Mùa Xuân 21 - còn có tựa Xuân Của Một Người, của anh; phải chăng cũng là mùa Xuân cuối cùng của nhà thơ?

"Chiều cuối năm trải buồn lên vỉa phố
trời quê hương nhiều mây trắng sa mù
hai mươi tuổi những ngày nuôi mộng đỏ
đã xanh rồi cây trái mọc suy tư
Thân với máu xin thắp làm sương khói
giữa trần gian về tìm lại con người
vũng tóc đó tháng ngày qua cỏ úa
lửa của đời thiêu đời tuổi hai mươi
Con mắt trũng hôn vào vòng đất ấm
cọng rác khô da thịt cũng khô cằn
thiên nhiên vẫn mặt-trời-trên-cao-mọc
người tìm chi khu vườn cũ giá băng?
Tôi gọi nhỏ tên người sa nước mắt
ở trên đời vừa đúng hai mươi năm
máu sẽ khô - xin tim này đừng rụng
giữa hư vô phần mộ nhỏ yên nằm
Lũ bạn tôi đứa còng lưng nằm ngủ
đứa vùng lên trong số phận lưu đày
mỗi trái tim hằn vết thương chia cắt
nỗi nhục này cho con cháu mai sau
Tôi thì vẫn tháng ngày xa phiêu lãng
giữa lênh đênh tìm nắm một bàn tay
trời tháng giêng những ngày sầu nổi gió

nhớ Sàigòn thương Hà Nội mây bay "

Nơi mùa Xuân mới này (1964!), ngươi trẻ đã nhiều ưu tư nhân thế; thân thể, máu nồng đã bắt đầu tàn phai, khô khan. Tình-yêu như rời xa, phải thì thầm gọi tên người! Phải chăng chiến-tranh tàn bạo đã đến với những người trẻ những tâm hồn phẫn nộ?

Rồi mùa Hạ đến nhưng trong lòng nhà thơ không có cùng vị trí trân trọng như mùa Thu và Xuân. Mùa Hè với Nguyễn Nho Sa-Mạc là của trống vắng vì là mùa nghĩ, bóng dáng thân thương phải lùi vào tâm tưởng và ký ức:

"Sao không phải là thu cho trời bớt nắng
Mây lưng trời từng buổi sáng đong đưa
dòng sông xanh đến vô cùng yên lặng
Em trở về qua lối nhỏ ngày xưa
Sao không phải là đông để anh rời thành phố
Buổi trưa buổi chiều nối với sân ga
chuyến tàu đi chôn sâu kỷ niệm
Những hoang tàn đổ vỡ tuổi niên hoa
Sao không phải là xuân cho trời cứ đẹp
Cho loài người ca tụng mãi thiên nhiên
để muôn triệu mảnh hồn còn đóng khép
Theo chúng mình ôm hát khúc thiêng liêng...
Là mùa hạ nắng khô rồi anh ơi
Hai người yêu nhau không tìm ra chỗ hẹn
lạc tinh cầu theo gió mát mây trôi...
Hai đứa nhìn nhau không biết cười hay thẹn"
(Mùa Hạ)

Không gian là Vĩnh Điện, Hội An hay Đà Nẵng, thì cũng là trong một chu vi ngắn. Ngoài sân trường, hè phố, ... thì sân ga thường xuyên hiện diện, sân ga của bản tình ca trước mặt hay sân ga của tâm tưởng! Tình yêu ở Nguyễn Nho Sa-Mạc rõ là không phơn phớt, nơi trần bì, mà đã thẩm thấu trong hình hài và tâm tưởng.

Một trong những bài thơ tình đầu tiên của Nguyễn Nho Sa-Mạc là bài Vàng Lạnh ký Nguyễn Thị Liên Phượng, đăng trên tạp-chí Mai năm 1962, một tạp-chí cung cách thủ cựu, khép kín và nổi tiếng với những bài nghị luận khô khan về triết lý và văn-hóa. Bài thơ đến với giới thưởng ngoạn thi ca lúc bấy giờ như một làn gió lạ. Nội dung một thiên tình sử dù chỉ mới bắt đầu và lời thơ được chăm sóc, trau chuốt một cách tuyệt vời. Cái nhất nửa là lời thơ của một nhân vật nữ, lãng mạn nhưng dứt khoát trong tình-yêu - bên cạnh một Trần Thy Nhã Ca rất nữ tính mà cũng rất hiện đại:

Chuyện bữa ấy chiều nay em kể lể
màu môi chôn kỷ niệm đã lâu rồi
mi mắt đó ghi ân tình đổ vỡ
đời nữ sinh vàng lạnh tháng ngày trôi
Em đã khóc cả buổi chiều hôm trước
chúng bạn đùa đã biết chuyện riêng tư
nỗi yêu thương trong đời người con gái
bảo em buồn nức nở trước trang thư
Mới hôm nao người và em gặp gỡ
chiều Quảng Nam còn khép kín chân em
người bước đi qua con đường phố nhỏ
trời mùa xuân em đứng đón bên thềm
Em thầm bảo em thương người ấy lắm
thương những chiều đại lộ bóng người sang
em đứng đâý với môi hồng má thắm
nhìn phố dài bỗng chốc biến rừng hoang
Chuyện bữa ấy chỉều nay em kể lể
dáng mi trầm nuối tiếc những ngày qua
thứ bảy chiều chúng mình mừng sinh nhật
của mối tình sớm nở sớm đi qua".

Lời thơ như vậy làm sao không gây nức lòng mộng mơ cho nhiều chàng tuổi trẻ cho được! Luân Hoán đã là một trong những 'chàng' đó và đã để lại dấu vết trong thi ca!

Bài Vàng Lạnh xem như vừa mới đến với giới thưởng ngoạn thơ thì chỉ hai năm sau, Vàng Lạnh 2 đã xuất hiện, lần này trên tạp-chí Văn Sài-Gòn (số 7, 4- 1964) là tờ báo văn-học nghệ thuật 'IN' nhất thời đó! Câu chuyện tình vẫn đẹp như huyền thoại ấy một lần nữa đến với người yêu thơ, dù mối tình năm nào nay đổ vỡ và bài thơ mang cái không khí Chàm tan hoang tàn tạ nhưng lời thơ vẫn đầy hình ảnh và tình ý:

"Đừng nói nữa bài thơ vàng lạnh ấy
tình ngày xưa xin trả lại cho người
kỷ niệm buồn vui một thuở xa xuôi
chợt đứng dậy đi lần vào thương nhớ
Anh bỏ đi tìm tình yêu thành phố
những khi buồn muốn nhắc lại tên em
đếm những vì sao rơi rụng bên thềm
chợt thức giấc thấy đời mình cô độc
Làm con trai lần đầu yêu để khóc
tập thư màu xanh nước mắt đau thương
xin trả lai em thành phố với con đường
từng buổi sáng buổi chiều ta qua đó
hai mươi tuổi hôm nào yêu người em môi đỏ
tình khai sinh bằng tiếng hát hoàng hôn
những âm thanh não nuột chảy qua hồn
em có thấy tình ra đi nhè nhe
Em còn nhớ chuyện hôm nào kể lể
đôi bàn tay chưa siết chặc làm cầu
khi tâm hồn hai đứa chửa yêu nhau
con nước chảy đi xa rồi cát lỡ
Em có nghe muôn hành tinh đổ vỡ
những mảnh buồn bốc cháy giữa không trung
tình yêu hôm nay mệt mỏi vô cùng
đời vàng lạnh xin em đừng nói nữa".

Phải đọc hết bài mới thấm được cái hay của thơ Nguyễn Nho Sa-Mạc. Hai bài Vàng Lạnh đó đã đi vào văn học sử dù tác-giả chúng đã sớm rời cõi đời ở đầu lứa tuổi đôi mươi! Riêng tuổi học trò trung học của chúng tôi thích nhất bài Sinh Nhật đầy hình ảnh, của một người trẻ mới vào đời nhưng vô tình đã có những lời thơ như tiên đoán trước vận số nhà thơ:

"Bằng đôi tay ôm kín nỗi buồn
Ta đi trong trời đất hoàng hôn
Mà nghe sữa mẹ chan hòa cháy
Máu ở buồng tim cùng loạn cuồng
Ta siết hình em trong tiếng hôn
Im nghe da thịt và linh hồn
Giữa không gian rộng ta vùng dậy
Cuộc sống đi vòng quanh áo cơm
Ôi nửa cuộc đời ta đảo điên
Đêm nằm ru giấc ngủ cô miên
Hai mươi tuổi trong hồ suy tưởng
Ngửa mặt nhìn trời đi ngả nghiêng".

Rõ lời và ý thơ chứa nét hiện sinh của thời 1963- 1964 cộng với tí nội dung phận người của thơ Hoài Khanh, Phổ Đức một thời!

Thơ Nguyễn Nho Sa-Mạc trong mấy năm ngắn ngủi đã liên tục xuất hiện trên các tạp chí Mai, Văn, Văn Học, Bách Khoa,... ở thủ đô miền Nam. Sáng tác không nhiều nhưng tất cả đều được trân trọng đón nhận, Nguyễn Nho Sa-Mạc đã là một trong những hiện tượng của một hiện tượng lớn hơn: sự xuất hiện đa dạng và phong phú phẩm lượng cửa những cây viết miền Trung.

Với tôi, cuộc trở về với những kỷ niệm cá nhân đã là một hành trình trở về một thời thi ca của miền Nam tự do và khai phóng!

Nguyễn Vy Khanh

19-12-2006
Nguồn: Thư Quán Bản Thảo tập 26, tháng 1-2007
Chủ đề đặc biệt về nhà thơ Nguyễn Nho Sa Mạc