NGUYỄN VY KHANH
Trong chuyến về Hội An-Đà Nẵng mùa Hè năm nay, tôi đã có dịp trở lại Vĩnh Điện - nay được gọi là thị trấn Vĩnh Điện và thuộc huyện Điện Bàn, Quảng Nam, nhưng không còn nhận ra nơi gia đình đã sinh sống gần 50 năm trước. Vĩnh Điện là một thị-trấn nhỏ nằm trên quốc lộ số Một và ngay trên ngã ba đường đi Hội An, Tam Kỳ và Đà Nẵng. Thời đó cậu bé tôi suốt ngày chơi quanh quẩn nơi nhà ga xe lửa hay nghịch với bạn ở ven sông, một nhánh sông Thu Bồn chảy về cửa Đà Nẵng, hay nhìn nước xoáy mạnh nơi chân cầu Vĩnh Điện, nơi tôi chắc chắn đã có lần mơ đi xa và chưa thể biết những dịp ngồi lại bên cầu mới là quí. Vì thế mà một ông cậu từ Hà Nội vào thăm đã gọi tôi là "xếp ga"!
Nhà ga của cậu bé tôi hình như không xa nhà ga của nhà thơ Luân Hoán:
"... bỗng dời ra tuốt xóm Ga
sờ thăm đường sắt thử xa cỡ nào
chân trời trong giấc chiêm bao
phủi tay tạm gởi mộng vào hư không ..."
(Những Năm Đầu Với Đất Sông Hàn).
Vì dù gì thì gần năm mươi năm của nhiều cuộc đổi đời và nước chảy qua cầu của ấu thời và nhiều nơi khác cùng với chiến-tranh, hòa bình, đã xóa đi nhiều nếp cũ, đời xưa. Ký vãng tôi nay không còn sức để có thể nhận ra dấu vết của khu phố ngày xưa, của căn nhà rất nhỏ bé thời đó. Một trở về để nhận chân thời gian và tuổi đời không ai giữ lại được!
Không xa đó là bến xe Vĩnh Điện nơi nhộn nhịp xe và người nhất là tiếng nói tiếng rao đậm đặc âm hưởng địa phương, âm hưởng trước đó đã làm tôi phải lắng nghe mới hiểu trong một resort của Hội An, tất cả đã làm tôi có cảm tưởng chính mình mới là kẻ xa lạ.
Trường Nguyễn Duy Hiệu bên kia chân cầu và ở hướng đi Đà Nẵng không gợi cho tôi ấn tương nào dù sân trường trồng nhiều phượng đỏ vốn vẫn gây xúc động nơi tôi. Phượng vĩ nơi đây nở rộ vào đầu mùa Hè trong khung cảnh học đường Việt-Nam đã làm bước đi tôi chậm lại như tiêng tiếc một mảnh đời thơ mộng nhất, rất khác với những cây phượng ở phía Nam tiểu bang Floriđa nước Mỹ; một bên cảnh vật có hồn và cả một quá khứ, còn một bên trơ trơ vô tình!
Vĩnh Điện ấu thời của tôi mới đây tôi được biết cũng là nơi nhà thơ Luân Hoán thuở vào đời (thơ và tình!) đã từng đến để tìm bóng dáng người thơ Nguyễn Thị Liên Phượng, một bút hiệu của Nguyễn Nho Sa Mạc, mà thời đầu anh cứ ngỡ là một người nữ địa phương. Mới đây ông kể lại trong Dựa Hơi Bè Bạn do nhà Nhân Ảnh ở Toronto xuất bản (2006) - nhà thơ dựa hơi cả bóng ... người trong thơ! Khoảng năm 1962 , Luân Hoán đã:
"Dắt xe qua cầu gió
Vào thị trấn buồn buồn
Mắt hỏi từng cửa phố
Trong dáng hoa qua đường
Thị trấn nửa cây số
Vốn là quê ngoại tôi
Bỗng nhiên đâm bỡ ngỡ
như chưa từng ghé chơi
Đứng giữa ngã ba bụi
ngó xuống hướng Hội An
ngó vào ngã Nam Phước
ngó ra thành phố Hàn...".
Rời Vĩnh Điện, trở về Hội An, nhiều khu phố ở đây hình như không thay đổi nhiều nếu so với Sài-gòn và một và nơi khác. Với người du khách ngoại quốc có thể là lạ lẫm, nhưng với người trở về thì cuộc sống thực tế đã che mất những nét đẹp của phố cổ được ghi lại trong ký ức văn thơ và hội họa. Qua Ngũ Hành Sơn về Đà Nẵng, trường trung học Phan Chu Trinh vẫn còn đó nhưng cùng hoàn cảnh với các trường học nổi tiếng khác của miền Nam cũ, lớp sơn (hay vôi) được tô lên nhưng người từng có kỷ niệm nhìn vào sẽ đau lòng vì như phải chiêm ngưỡng một hoa hậu tuổi về chiều phải cần đến son phấn trét lên nhưng vẫn không thể che được vết loang lỗ tàn phá của thời gian!
Những ngày ở đó, tôi đã nghĩ đến những nhà thơ văn Thái Tú Hạp, Luân Hoán, Nguyễn Nam An, Hoàng Lộc, Lưu Nguyễn, Phan Xuân Sinh, Đặng Tiến, ... mà tôi quen biết sau này ở hải ngoại, những người từng sinh sống và khởi đầu sáng tác nơi đây. Nhưng nơi đây không còn dấu vết của họ, nếu có chăng là trong kỷ niệm của họ và những người từng sống với họ.
Các hiệu sách đều màu mè khoe nét thời thượng của kinh tế luật rừng và của phong hóa mã hào nhoáng mà ruột rỗng không. Tôi cũng nghĩ đến những nhà văn thơ đã một thời làm rạng danh địa phương, trong có hai nhà thơ vận yểu Nguyễn Nho Nhượng và Nguyễn Nho Sa Mạc (1944-1964). Văn-nghệ sĩ mệnh vắn không phải ít: Phạm Hầu, Nguyễn Nhược Pháp, Thạch Lam, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Vũ Trọng Phụng, ... thời tiền chiến, rồi những Doãn Dân, Y Uyên, Mặc Tưởng, Song Linh, Vũ Hữu Định, ... bên thơ văn và Dzũng Chinh bên nhạc, của thời chiến-tranh quốc-cộng; nhưng trường hợp Nguyễn Nho Sa Mạc để lại nơi tôi nhiều ấn tượng nhất.
Lúc mới biết yêu văn thơ, tức khi đã chớm biết mùi tình ái, sau vài lần thất bát đã cứ ngâm thơ J. Leiba "Người đẹp vẫn thường hay chết yểu, / Thi nhân đầu bạc sớm hơn ai!" như để tìm an ủi, dù người tình chưa ... chết, mà cứ cho là vậy cho đỡ buồn! Thật vậy, thơ Nguyễn Nho Sa-Mạc với tôi là thơ của thời học trò, của những mối tình đầu đời có thể gọi là trong trắng, đầy đam mê và cả thơ dại - đam mê và thơ dại thật và hơn cả thơ tình của những Đinh Hùng, Nguyên Sa, Phạm Thiên Thư, v.v. mà cũng khác với cái đam mê không dứt của Nguyễn Tất Nhiên một thời. Một thứ tình-yêu thân-phận pha chút triết-lý bi đát, phi lý! Nhà thơ bước vào đời và tình-yêu trước, do đó đã để lại "gia tài tình ái" cho đàn em (và hậu nhân).
Thơ Nguyễn Nho Sa-mạc vẽ đậm đặc chân dung những cậu học trò trung học bắt đầu biết yêu, biết"ta đứng dựa lũ cột đèn châm thuốc / Rất vô tư nhìn năm tháng thay màu", cái nhìn đầu đời đó là cái nhìn mở, đầy tin yêu và hy vọng. Trong Mùa Xuân Của Em, người trẻ tuổi Nguyễn Nho Sa-Mạc đối mặt với tình yêu hoặc nói với người tình mà như độc thoại cho cuộc tình:
Rồi xuân sang em nhìn mưa để khóc
kỷ niệm chong đèn thức suốt đêm qua
ngón tay nhỏ lần đan sầu cô độc
tưởng chừng như tuổi trẻ bỏ đi xa
Thứ bảy chiều em rong hè phố cũ
con đường xưa hoa đỏ nở rộn ràng
giòng sông đó bỗng nhiên buồn vô cớ
bơ vơ tìm thương cát sõi cồn hoang
Em đứng dậy xem mây chiều xuống thấp
trời tháng giêng mưa lạnh thấm vai chùng
sân ga nhỏ con tàu không dừng lại
đôi sao buồn ngủ giữa không trung
Gió thì mệt, mùa xuân đang cúi mặt
hàng dừa xanh xõa tóc đứng âm thầm
em muốn nói trên vòng tròn con mắt
hờn mùa xuân với khuôn mặt sa sầm
Rồi xuân đến sau lưng nhiều bão mộng
buổi em về xanh rừng tóc cao nguyên
đồi chiều xa biểu hiện nét mi hiền
tay trắng muốt nuôi linh hồn thảo mộc
Em ngồi khóc, mùa xuân nhăn mặt khóc
môi em buồn cho thời tiết buồn theo
con sông nhỏ bỗng vô cùng cô độc
trôi về xuân với một ít rong bèo..."
Có đứng ở những con sông, bờ biển, cồn hoang, sân ga, sân trường và nhìn bóng các học sinh nam nữ đi bên nhau và đứng ở đây mới 'thấy' được những hình ảnh thi ca mà Nguyễn Nho Sa-Mạc đưa lên giấy! Và cũng mùa Xuân, nhưng đã nhuốm buồn thương không lâu sau đó, với bài Mùa Xuân 21 - còn có tựa Xuân Của Một Người, của anh; phải chăng cũng là mùa Xuân cuối cùng của nhà thơ?
"Chiều cuối năm trải buồn lên vỉa phố
trời quê hương nhiều mây trắng sa mù
hai mươi tuổi những ngày nuôi mộng đỏ
đã xanh rồi cây trái mọc suy tư
Thân với máu xin thắp làm sương khói
giữa trần gian về tìm lại con người
vũng tóc đó tháng ngày qua cỏ úa
lửa của đời thiêu đời tuổi hai mươi
Con mắt trũng hôn vào vòng đất ấm
cọng rác khô da thịt cũng khô cằn
thiên nhiên vẫn mặt-trời-trên-cao-mọc
người tìm chi khu vườn cũ giá băng?
Tôi gọi nhỏ tên người sa nước mắt
ở trên đời vừa đúng hai mươi năm
máu sẽ khô - xin tim này đừng rụng
giữa hư vô phần mộ nhỏ yên nằm
Lũ bạn tôi đứa còng lưng nằm ngủ
đứa vùng lên trong số phận lưu đày
mỗi trái tim hằn vết thương chia cắt
nỗi nhục này cho con cháu mai sau
Tôi thì vẫn tháng ngày xa phiêu lãng
giữa lênh đênh tìm nắm một bàn tay
trời tháng giêng những ngày sầu nổi gió
nhớ Sàigòn thương Hà Nội mây bay "
Nơi mùa Xuân mới này (1964!), ngươi trẻ đã nhiều ưu tư nhân thế; thân thể, máu nồng đã bắt đầu tàn phai, khô khan. Tình-yêu như rời xa, phải thì thầm gọi tên người! Phải chăng chiến-tranh tàn bạo đã đến với những người trẻ những tâm hồn phẫn nộ?
Rồi mùa Hạ đến nhưng trong lòng nhà thơ không có cùng vị trí trân trọng như mùa Thu và Xuân. Mùa Hè với Nguyễn Nho Sa-Mạc là của trống vắng vì là mùa nghĩ, bóng dáng thân thương phải lùi vào tâm tưởng và ký ức:
"Sao không phải là thu cho trời bớt nắng
Mây lưng trời từng buổi sáng đong đưa
dòng sông xanh đến vô cùng yên lặng
Em trở về qua lối nhỏ ngày xưa
Sao không phải là đông để anh rời thành phố
Buổi trưa buổi chiều nối với sân ga
chuyến tàu đi chôn sâu kỷ niệm
Những hoang tàn đổ vỡ tuổi niên hoa
Sao không phải là xuân cho trời cứ đẹp
Cho loài người ca tụng mãi thiên nhiên
để muôn triệu mảnh hồn còn đóng khép
Theo chúng mình ôm hát khúc thiêng liêng...
Là mùa hạ nắng khô rồi anh ơi
Hai người yêu nhau không tìm ra chỗ hẹn
lạc tinh cầu theo gió mát mây trôi...
Hai đứa nhìn nhau không biết cười hay thẹn"
(Mùa Hạ)
Không gian là Vĩnh Điện, Hội An hay Đà Nẵng, thì cũng là trong một chu vi ngắn. Ngoài sân trường, hè phố, ... thì sân ga thường xuyên hiện diện, sân ga của bản tình ca trước mặt hay sân ga của tâm tưởng! Tình yêu ở Nguyễn Nho Sa-Mạc rõ là không phơn phớt, nơi trần bì, mà đã thẩm thấu trong hình hài và tâm tưởng.
Một trong những bài thơ tình đầu tiên của Nguyễn Nho Sa-Mạc là bài Vàng Lạnh ký Nguyễn Thị Liên Phượng, đăng trên tạp-chí Mai năm 1962, một tạp-chí cung cách thủ cựu, khép kín và nổi tiếng với những bài nghị luận khô khan về triết lý và văn-hóa. Bài thơ đến với giới thưởng ngoạn thi ca lúc bấy giờ như một làn gió lạ. Nội dung một thiên tình sử dù chỉ mới bắt đầu và lời thơ được chăm sóc, trau chuốt một cách tuyệt vời. Cái nhất nửa là lời thơ của một nhân vật nữ, lãng mạn nhưng dứt khoát trong tình-yêu - bên cạnh một Trần Thy Nhã Ca rất nữ tính mà cũng rất hiện đại:
Chuyện bữa ấy chiều nay em kể lể
màu môi chôn kỷ niệm đã lâu rồi
mi mắt đó ghi ân tình đổ vỡ
đời nữ sinh vàng lạnh tháng ngày trôi
Em đã khóc cả buổi chiều hôm trước
chúng bạn đùa đã biết chuyện riêng tư
nỗi yêu thương trong đời người con gái
bảo em buồn nức nở trước trang thư
Mới hôm nao người và em gặp gỡ
chiều Quảng Nam còn khép kín chân em
người bước đi qua con đường phố nhỏ
trời mùa xuân em đứng đón bên thềm
Em thầm bảo em thương người ấy lắm
thương những chiều đại lộ bóng người sang
em đứng đâý với môi hồng má thắm
nhìn phố dài bỗng chốc biến rừng hoang
Chuyện bữa ấy chỉều nay em kể lể
dáng mi trầm nuối tiếc những ngày qua
thứ bảy chiều chúng mình mừng sinh nhật
của mối tình sớm nở sớm đi qua".
Lời thơ như vậy làm sao không gây nức lòng mộng mơ cho nhiều chàng tuổi trẻ cho được! Luân Hoán đã là một trong những 'chàng' đó và đã để lại dấu vết trong thi ca!
Bài Vàng Lạnh xem như vừa mới đến với giới thưởng ngoạn thơ thì chỉ hai năm sau, Vàng Lạnh 2 đã xuất hiện, lần này trên tạp-chí Văn Sài-Gòn (số 7, 4- 1964) là tờ báo văn-học nghệ thuật 'IN' nhất thời đó! Câu chuyện tình vẫn đẹp như huyền thoại ấy một lần nữa đến với người yêu thơ, dù mối tình năm nào nay đổ vỡ và bài thơ mang cái không khí Chàm tan hoang tàn tạ nhưng lời thơ vẫn đầy hình ảnh và tình ý:
"Đừng nói nữa bài thơ vàng lạnh ấy
tình ngày xưa xin trả lại cho người
kỷ niệm buồn vui một thuở xa xuôi
chợt đứng dậy đi lần vào thương nhớ
Anh bỏ đi tìm tình yêu thành phố
những khi buồn muốn nhắc lại tên em
đếm những vì sao rơi rụng bên thềm
chợt thức giấc thấy đời mình cô độc
Làm con trai lần đầu yêu để khóc
tập thư màu xanh nước mắt đau thương
xin trả lai em thành phố với con đường
từng buổi sáng buổi chiều ta qua đó
hai mươi tuổi hôm nào yêu người em môi đỏ
tình khai sinh bằng tiếng hát hoàng hôn
những âm thanh não nuột chảy qua hồn
em có thấy tình ra đi nhè nhe
Em còn nhớ chuyện hôm nào kể lể
đôi bàn tay chưa siết chặc làm cầu
khi tâm hồn hai đứa chửa yêu nhau
con nước chảy đi xa rồi cát lỡ
Em có nghe muôn hành tinh đổ vỡ
những mảnh buồn bốc cháy giữa không trung
tình yêu hôm nay mệt mỏi vô cùng
đời vàng lạnh xin em đừng nói nữa".
Phải đọc hết bài mới thấm được cái hay của thơ Nguyễn Nho Sa-Mạc. Hai bài Vàng Lạnh đó đã đi vào văn học sử dù tác-giả chúng đã sớm rời cõi đời ở đầu lứa tuổi đôi mươi! Riêng tuổi học trò trung học của chúng tôi thích nhất bài Sinh Nhật đầy hình ảnh, của một người trẻ mới vào đời nhưng vô tình đã có những lời thơ như tiên đoán trước vận số nhà thơ:
"Bằng đôi tay ôm kín nỗi buồn
Ta đi trong trời đất hoàng hôn
Mà nghe sữa mẹ chan hòa cháy
Máu ở buồng tim cùng loạn cuồng
Ta siết hình em trong tiếng hôn
Im nghe da thịt và linh hồn
Giữa không gian rộng ta vùng dậy
Cuộc sống đi vòng quanh áo cơm
Ôi nửa cuộc đời ta đảo điên
Đêm nằm ru giấc ngủ cô miên
Hai mươi tuổi trong hồ suy tưởng
Ngửa mặt nhìn trời đi ngả nghiêng".
Rõ lời và ý thơ chứa nét hiện sinh của thời 1963- 1964 cộng với tí nội dung phận người của thơ Hoài Khanh, Phổ Đức một thời!
Thơ Nguyễn Nho Sa-Mạc trong mấy năm ngắn ngủi đã liên tục xuất hiện trên các tạp chí Mai, Văn, Văn Học, Bách Khoa,... ở thủ đô miền Nam. Sáng tác không nhiều nhưng tất cả đều được trân trọng đón nhận, Nguyễn Nho Sa-Mạc đã là một trong những hiện tượng của một hiện tượng lớn hơn: sự xuất hiện đa dạng và phong phú phẩm lượng cửa những cây viết miền Trung.
Với tôi, cuộc trở về với những kỷ niệm cá nhân đã là một hành trình trở về một thời thi ca của miền Nam tự do và khai phóng!
No comments:
Post a Comment