Đi đâu, xa xa Sài Gòn, bỗng dưng nghe
một tiếng “Dạ!” cùng những tiếng “hen, nghen” lại thấy đất Sài Gòn như đang hiện
ra trước mắt với những nhớ thương…
Hồi còn đi học, vẫn hay chọc mấy đứa
bạn bằng 2 câu thơ nhại: Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ/ Gái Sài Gòn cái mỏ cong
cong… Chuyện con gái Sài Gòn “mỏ” có cong
không thì hông biết, chỉ biết con gái Sài Gòn có cái dẫu môi cong cong dễ làm
chết người lắm, nhất là khi cánh môi be bé ấy cong lên một chữ “hônggg…” khi đứa
con trai rủ rê đi đâu, năn nỉ gì đó. Lúc đó, lấy gương ra soi, chắc cái mặt của
đứa con trai đó tội lắm.
Mà con gái Sài Gòn có điệu đà, õng ẹo
chút thì mới đúng thiệt là con gái Sài Gòn. Ai mà chẳng biết vậy. Gọi đó là cái
duyên ngầm của người con gái đất Gia Định cũng chẳng có gì sai. Ai hiểu được sẽ
thấy sao mà yêu mà thương đến vậy…
Có dạo đọc trong một bài viết về Sài
Gòn – Gia Định của nhà văn Sơn Nam, có thấy ông viết giọng Sài Gòn, cũng như
văn hóa và con người Sài Gòn là một sự pha trộn và giao thoa đến hợp nhất của
nhiều nơi. Đó là những người Chăm bản địa, những người khách Hoa, những người
miền Trung đầu tiên đến đất Gia Định…Từ đó hình thành một loại ngôn ngữ vừa bản
địa, vừa vay mượn của những người đi mở đất.
Giọng người Sài Gòn được xem là giọng
chuẩn của miền Nam, cũng như giọng người Hà Nội được xem là giọng chuẩn của người
miền Bắc. Giọng chuẩn tức là giọng không pha trộn, không bị cải biến đi qua thời
gian. Như nói về giọng chuẩn của người Hà Nội, người ta nói đến chất giọng ấm
nhẹ, khi trầm khi bổng, khi sắc khi thanh, và chẳng ai phủ nhận người Hà Nội
nói chuyện rất hay và “điêu luyện“.
Cái “điêu luyện” ấy như thuộc về bản
chất của người Hà Nội mà chỉ người Hà Nội mới có được. Nếu nói là người Việt
Nam nói như hát, thì đúng ra chỉ có người Hà Nội là “nói như hát” mà thôi, họa
chăng chỉ có giọng Huế của người con gái Huế trầm tư mới cùng được ví von thế…
Người Sài Gòn thì khác, giọng Sài Gòn cũng khác.
Không ngọt ngào… mía lùi như một số
người dân Tây Nam Bộ ven vùng sông nước mênh mang chín rồng phù sa, không nặng
nề cục mịch như người miền Đông Nam Bộ nóng cháy da thịt, giọng người Sài Gòn
cũng ngọt, nhưng là cái ngọt thanh hơn, nhẹ hơn. Đó là chất giọng “thành thị” đầy
kiêu hãnh của người Sài Gòn, chẳng lẫn vào đâu được mà dù người khác có bắt chước
cũng khó lòng.
Dường như qua nhiều năm cùng với đất
Gia Định – Sài Gòn phù hoa trong nhịp sống, trong đổi mới và phát triển, thì giọng
nói của người Sài Gòn cũng trở nên “cao sang” hơn. Dù vậy, có cái “thanh” của một
vùng đất một thời là thủ phủ Nam Bộ, nhưng cũng chẳng mất đi đâu cái mộc mạc
không bỏ được của cái gốc chung Nam Bộ.
Giọng người Sài Gòn nói lên nghe là
biết liền. Ngồi nghe hai người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau ở một quán nước,
bên đường hay qua điện thoại, dễ dàng nhận ra họ. Cái giọng không cao như người
Hà Nội, không nặng như người Trung, mà cứ ngang ngang sang sảng riêng… Mà điều
đặc biệt trong cách người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau là mấy từ “nghen, hen,
hén” ở cuối câu…
Người miền khác có khoái, có yêu người
Sài Gòn thì cũng vì cách dùng từ “nghen, hen” này. Khách đến nhà chơi, chủ nhà
tiếp. Khách về, cười rồi buông một câu “Thôi, tôi dìa nghen!” – Chủ nhà cũng cười
“Ừ, dzậy anh dìa hen!”.
Nói chuyện điện thoại đã đời, để kết
câu chuyện và cúp máy, một người nói “Hổng còn gì nữa, dzậy thôi hen!” “thôi” ở
đây nghĩa là dừng lại, kết thúc, chấm dứt gì đó. Hai đứa bạn nói chuyện cùng
nhau, bắt gặp cái gì vui, quay đầu sang đứa kế bên “Hay hén mậy?” bằng giọng điệu
thoải mái…
Giọng người Sài Gòn đôi khi diễn đạt
cùng một câu nói, nhưng lại bằng nhiều cung bậc giọng điệu khác nhau lại mang ý
nghĩa khác nhau. Đám nhỏ quậy, nghịch phá, người chị mắng, giọng hơi gằn lại và
từng tiếng một, có chút hóm hỉnh trong đó “Dzui dzữ hen!”. Đám bạn cùng tuổi,
ngồi chơi chung, cười đùa, một người nói giọng cao cao vui vẻ “Dzui dzữ hen!”…
Người Sài Gòn có thói quen hay “đãi”
giọng ở chữ cuối làm câu nói mang một sắc thái khác khi hờn giận, khi đùa vui
như “Hay dzữuuu“, “Giỏi dzữưưu…!” Nghe người Sài Gòn nói chuyện, trong cách
nói, bắt gặp “Thôi à nghen” “Thôi à!” khá nhiều, như một thói quen và cái
“duyên” trong giọng Sài Gòn.
Người Sài Gòn nói chuyện, không phát
âm được một số chữ, và hay làm người nghe lẫn lộn giữa âm “d,v,gi” cũng như người
Hà Nội phát âm lẫn các từ có phụ âm đầu “r” vậy. Nói thì đúng là sai, nhưng viết
và hiểu thì chẳng sai đâu, đó là giọng Sài Gòn mà, nghe là biết liền.
Mà cũng chẳng biết có phải là do thật
sự người Sài Gòn không phát âm được những chữ ấy không nữa, hay là do cách nói
lẫn từ “d,v,gi” ấy là do quen miệng, thuận miệng và hợp với chất giọng Sài Gòn.
Ví như nói “Đi chơi dzui dzẻ hen mậy!” thì người Sài Gòn nói nó… thuận miệng và
tự nhiên hơn nhiều so với nói “Đi chơi vui vẻ hen!”.
Nói là “vui vẻ” vẫn được đấy chứ
nhưng cảm giác nó ngường ngượng miệng làm sao đó. Nghe một người Sài Gòn phát
âm những chữ có phụ âm “v” như “về, vui, vườn, võng” nó cảm giác sao sao á,
không đúng là giọng Sài Gòn chút nào…
Nhìn lại một quãng thời gian hơn 300
năm hình thành và phát triển của Sài Gòn từ Phiên Trấn, Gia Định Trấn, Gia Định
Thành, Phiên An, Gia Định Tỉnh…cho đến Sài Gòn, Tp HCM, dân Sài Gòn đã là một tập
hợp nhiều dân tộc sinh sống như Việt, Hoa, Kh’mer…
Các sử sách xưa chép lại, khi người
Việt bắt đầu đến Đồng Nai – Gia Định thì người Kh’mer đã sinh sống ở đây khá
đông, rồi tiếp đó là người Hoa, và một số người tộc láng giềng như Malaysia,
Indonesia (Java) cũng có mặt. Sự hợp tụ này dẫn đến nhiều sự giao thoa về mặt
văn hóa, làm ăn, cũng như những mặt khác của đời sống, trong đó dĩ nhiên phải
nói đến ngôn ngữ.
Tiếng nói của người Sài Gòn không chỉ
thuần là tiếng Việt, mà còn là sự học hỏi, vay mượn nhiều từ ngữ của dân tộc bạn,
đâm ra mang nhiều “hình ảnh” và “màu sắc” hơn. Những từ như “lì xì, thèo lèo,
xí mụi, cũ xì…” là mượn, những từ như “xà quầng, mình ên…” là của người Kh’mer.
Nói riết đâm quen, dần dần những từ
ngữ đó, những tiếng nói đó được người dân Sài Gòn sử dụng một cách tự nhiên như
của mình, điều đó chẳng có gì lạ…Thêm vào đó, nó được sửa đổi nhiều cho phù hợp
với giọng Sài Gòn, thành ra có những nét đặc trưng riêng.
Vậy nói cho cùng thì người Sài Gòn
cũng có những tiếng gọi là “tiếng địa phương” (local dialect !?). Những tiếng
này thể hiện rõ nhất khi người Sài Gòn nói chuyện cùng người miền khác. Nghe một
người Sài Gòn nói chuyện cùng một người khác vùng, dễ dàng nhận ra những khác
biệt trong lời ăn tiếng nói giữa hai người, hai miền.
Có một số từ người Sài Gòn nói, người
miền khác nghe rồi… cười vì chưa đoán ra được ý. Cũng như khi nghe người Huế
dùng một số từ lạ lạ như “o, mô, ni, chừ, răng…” trong khi nói chuyện vậy thôi.
Khác là mấy tiếng người Sài Gòn nói, vẫn có chút gì đó nó…vui vui tai, là lạ,
ngồ ngộ làm sao.
Người Sài Gòn nói riêng và miền Nam
nói chung, có thói quen dùng từ “dạ” khi nói chuyện, khác với người miền Bắc lại
dùng từ “vâng”. Để ý sẽ thấy ít có người Sài Gòn nào nói từ “vâng”. Khi có ai gọi,
một người Sài Gòn nói “vâng!” là trong dáng dấp của câu nói đó có giọng đùa, cười
cợt. Khi nói chuyện với người lớn hơn mình, người dưới thường đệm từ “dạ” vào mỗi
câu nói. “Mày ăn cơm chưa con ? – Dạ, chưa!”; “Mới dìa/dzề hả nhóc? – Dạ, con mới!”…
Cái tiếng “dạ” đó, không biết sao
trong cảm giác nghe của một người Sài Gòn với một người Sài Gòn thấy nó
“thương” lạ… dễ chịu mà gần gũi, nhẹ nhàng mà tình cảm lắm lắm. Cảm giác nó thật
riêng so với những nơi khác. Nghe một tiếng “dạ” là biết ngay tên này là dân miền
Nam cái đã rồi hẳn hay…
Một người miền khác, có thể là Bắc hoặc
Trung, diễn tả một khoảng thời gian ngắn vài ngày thì nói “Từ bữa đó đến bữa
nay“, còn người Sài Gòn thì nói “Hổm nay“, “dạo này“… người khác nghe sẽ không
hiểu, vì nói chi mà ngắn gọn ghê. (Lại phát hiện thêm một điều là người Sài Gòn
hay dùng từ “ghê” phía sau câu nói để diễn tả một sắc thái tình cảm riêng.
Tiếng “ghê” đó chẳng hàm ý gì nhiều,
nó mang ý nghĩa là “nhiều”, là “lắm”. Nói “Nhỏ đó xinh ghê!” nghĩa là khen cô
bé đó xinh lắm vậy.) Lại so sánh từ “hổm nay” với “hổm rày” hay nghe ở các vùng
quê Nam Bộ, cũng một ý nghĩa như nhau, nhưng lại không hoàn toàn giống nhau.
Nghe người Sài Gòn dùng một số từ “hổm
rày, miết…” là người Sài Gòn bắt chước người miền sông nước vậy. Nhưng nghe vẫn
không trái tai, không cảm thấy gượng, vì trong người Sài Gòn vẫn còn cái chất
Nam Bộ chung mà.
Nghe một đứa con trai Sài Gòn nói về đứa
bạn gái nào đó của mình xem… “Nhỏ đó xinh lắm!“, “Nhỏ đó ngoan!”…Tiếng “nhỏ”
mang ý nghĩa như tiếng “cái” của người Hà Nội. Người Sài Gòn gọi “nhỏ Thuý, nhỏ
Lý, nhỏ Uyên” thì cũng như “cái Thuý, cái Uyên, cái Lý” của người Hà Nội thôi.
Nói một ai đó chậm chạp, người Sài
Gòn kêu “Thằng đó làm gì mà cứ cà rề cà rề… nhìn phát bực!” Nghe cứ như là đùa,
chẳng làm câu nói nặng nề lắm. Một người lớn hơn gọi “Ê, nhóc lại nói nghe!”
hay gọi người bán hàng rong “Ê, cho chén chè nhiều nhiều tiền ít coi!”… “Ê” là
tiếng Sài Gòn đó, coi gọi trổng không vậy mà chẳng có ý gì đâu, có thể nói đó
là thói quen trong cách nói của người Sài Gòn.
Mà người Sài Gòn cũng lạ, mua hàng gì
đó, thường “quên” mất từ “bán”, chỉ nói là “cho chén chè, cho tô phở“… “cho” ở
đây là mua đó nghen. Nghe người Sài Gòn nói chuyện với nhau, thường bắt gặp thế
này “Lấy cái tay ra coi!” “Ngon làm thử coi!” “Cho miếng coi!” “Nói nghe coi!”…
“Làm thử” thì còn “coi” được, chứ “nói” thì làm sao mà “coi” cho được nè?
Vậy mà người Sài Gòn lại nói, từ
“coi” cũng chỉ như là một từ đệm, dân Sài Gòn nói dzậy mà. Ngồi mà nghe người
Sài Gòn nói chuyện cùng nhau thì quái lắm, lạ lắm, không ít người sẽ hỏi “mấy từ
đó nghĩa là gì dzậy ta ?” – Mà “dzậy ta” cũng là một thứ “tiếng địa phương” của
người Sài Gòn à.
Người Sài Gòn có thói quen hay nói
“Sao kỳ dzậy ta?” “Sao rồi ta?” “Được hông ta?”…Nghe như là hỏi chính mình vậy
đó, mà…hổng phải dzậy đâu nghen, kiểu như là nửa hỏi người, nửa đùa đùa vậy mà.
Tiếng Sài Gòn là thế đó, nếu bạn giả
giọng Sài Gòn nói chuyện, dù có giống cách mấy mà bỏ quên mấy tiếng đệm, mấy tiếng
Sài Gòn riêng riêng này thì đúng là… “bạn hông biết gì hết chơn hết chọi!”
Mà giọng Sài Gòn đã thế, cách người
Sài Gòn xưng hô, gọi nhau cũng có phần mang “màu sắc” riêng.
Người Sài Gòn có cái kiểu gọi “Mày”
xưng “Tao” rất “ngọt”. Một vài lần gặp nhau, nói chuyện ý hợp tâm đầu một cái
là người Sài Gòn mày tao liền. Nếu đúng là dân Sài Gòn, hiểu người Sài Gòn, yêu người Sài Gòn sẽ thấy
cách xưng hô ấy chẳng những không có gì là thô mà còn rất ư là thân thiện và gần
gũi.
Mày-tao là kiểu xưng hô hay thấy
trong mối quan hệ bạn bè của người Sài Gòn. Cách xưng-hô này thấy dàn trải từ đủ
các mối quan hệ bạn bè; từ bạn học giữa mấy đứa nhóc chút xíu, cho đến mấy bác
mấy anh lớn lớn tuổi.
Hổng biết cái máu dân Sài Gòn nó chảy
mạnh quá hay sao mà thấy mấy cách gọi này nó…tự nhiên và dễ nói hơn là mấy từ
như “cậu cậu – tớ tớ” của miền Bắc. Nói chuyện bạn bè với nhau, thân thiết mà gọi
mấy tiếng mày mày tao tao thì nghe thật sướng, thật thoải mái tự nhiên, và
khoai khoái làm sao ấy. Gọi thế thì mới thiệt là dân Sài Gòn.
Đấy là ngang hàng, ngang vai vế mà gọi
nhau, chứ còn như đám nho nhỏ mà gặp người lớn tuổi hơn, đáng bậc cha, chú thì
khác. Khi ấy “tụi nhỏ” sẽ gọi là chú, thím, cô, dì, hay bác và xưng “con” ngọt
xớt. Có vẻ như người Sài Gòn “ưa” tiếng chú, thím, dì, cô hơn; cũng như đa phần
dân miền Nam khác vậy mà.
Mà có lẽ cách gọi này cũng còn tuỳ
vào việc ước lượng tuổi của người đối diện. Gặp một người phụ nữ mà mình nhắm
chừng tuổi nhỏ hơn mẹ mình ở nhà thì “Dì ơi dì… cho con hỏi chút…!” – còn lớn
hơn thì dĩ nhiên là “Bác ơi bác…” rồi. Những tiếng mợ, thím, cậu,… cũng tuỳ vào
vai vế và người đối diện mà gọi.
Có người chẳng bà con thân thuộc gì,
nhưng là bạn của ba mình, lại nhỏ tuổi hơn, thế là gọi là chú và vợ của chú đó
cứ thế gọi luôn là thím. Gọi thì gọi thế, còn xưng thì xưng “con” chứ không phải
“cháu cháu” như một số vùng khác.
Cái tiếng “con” cất lên nó tạo cho
người nghe cảm giác khoảng cách giữa mình với đứa nhỏ đang nói kia tự dưng… gần
xịt lại. Nghe sao mà quen thuộc, và gần gũi đến lạ lùng. Tự dưng là thấy có cảm
tình liền.
Nói tiếp chuyện xưng-hô, người Sài
Gòn có kiểu gọi thế này:
Ông đó = ổng
Bà đó = bả
Anh đó = ảnh
Chị đó = chỉ
…..
Không hiểu sao mà dấu hỏi tự nhiên
cái trở nên giữ vai trò quan trọng… ngộ nghĩnh vậy nữa. Nhưng mà kêu lên nghe
hay hay đúng hông? Gọi vậy mới đúng là chất Nam Bộ – Sài Gòn á nghen.
Người Sài Gòn cũng có thói quen gọi
các người trong họ theo… số. Như anh Hai, chị Ba, thím Tư, cô Chín, dượng Bảy,
mợ Năm… Mà nếu anh chị em họ hàng đông đông, sợ gọi cùng là chị Hai, anh Ba mà
hổng biết nói về ai thì dzậy nè, thêm tên người đó vào. Thành ra có cách gọi :
chị Hai Lý, chị Hai Uyên, anh Ba Long, anh Ba Hùng…
Thêm nữa, nếu mà anh chị em cùng nhà
thì tiếng “anh-chị-em” đôi khi được…giản lược mất luôn, trở thành “Hai ơi Hai,
em nói nghe nè…” và “Gì dzạ Út ?”… Tôi thích cách gọi này, đâm ra ở nhà gọi Dì
Út tôi chỉ là một tiếng Út gọn lỏn. Có chuyện nhờ là cứ “Út ơi…con nhờ chút!”
hoặc với mấy chị tôi thì “Hai ơi Hai…em nói nghe nè!”.
Cách gọi này của người Sài Gòn nhiều
khi làm người miền khác nghe hơi…rối. Có lần, kể cho người bạn ở Hà Nội nghe về
mấy người anh chị trong gia đình. Ngồi kể lể “anh Hai, chị Hai, dì Hai, Út, cậu
Hai, mợ Hai, chú Ba…” một hồi cái bị kêu là hổng hiểu, xưng hô gì rối rắm quá
chừng, làm phải ngồi giải thích lại suốt một hồi…lâu.
Cách xưng hô của người Sài Gòn là vậy.
Nghe là thấy đặc trưng của cả một mảnh đất miền Nam sông nước.
Cứ thế, không sang trọng, điệu đà như
giọng người dân đất Bắc, cũng chẳng trầm lắng, thanh thanh như tiếng Huế Thần
Kinh, cái giọng Sài Gòn đi vào tai, vào lòng, vào cách cảm, và nỗi nhớ nhung của
người Sài Gòn lẫn dân miền khác bằng sự ngọt ngào, bằng cái chân chất thật thà
của truyền thống xa xưa, và bằng cả cái “chất Sài Gòn” chảy mạnh trong từng mạch
máu người dân Sài Gòn.
Đi đâu, xa xa Sài Gòn, bỗng dưng nghe
một tiếng “Dạ!” cùng những tiếng “hen, nghen” lại thấy đất Sài Gòn như đang hiện
ra trước mắt với những nhớ thương…
Hải Phan
No comments:
Post a Comment