Monday, August 17, 2015

Pháp luật XHCN: Vì sao nhập nhằng, khó chính xác?


Xin bắt đầu đăng tải các kỳ trong chương “Những quan niệm đang thay đổi về hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam”, nằm trong một cuốn sách của tác giả John Gillespie và Pip Nicholson, Đại học Quốc gia Australia xuất bản (năm 2005). Tác phẩm duyệt lại những khái niệm căn bản, như “làm chủ tập thể”, “pháp chế XHCN”, và cả tiến trình thay đổi, cải cách của luật pháp Việt Nam trong mối quan hệ với kinh tế và chính trị. Chương sách có thể khiến độc giả ngạc nhiên, ít nhất cũng tự hỏi vì sao một nhà nghiên cứu phương Tây có thể dụng công tìm hiểu về nền luật pháp ở Việt Nam đến như vậy.

Dịch giả: Étranger Nguyen

Dịch từ chương “Changing Concepts of Socialist Law in Vietnam” của tác giả John Gillespie

Trích từ “Asian Socialism and Legal Change: The Dynamics of Vietnamese and Chinese Reform” (“CNXH và thay đổi luật pháp ở châu Á: Động năng của cải cách ở Việt Nam và Trung Quốc”)

Các chú thích và cách phân đoạn chương sách cho từng kỳ để đăng là của dịch giả.

Kỳ 1

Một vài khía cạnh trong hệ thống pháp luật Việt Nam không hoàn toàn đúng với nghĩa gốc của khái niệm hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa. Sự nhập nhằng này ảnh hưởng tới cách mà Đảng Cộng sản Việt Nam “lãnh đạo” nhà nước, cách nhà nước “quản lý” xã hội, cũng như cách mà các viên chức nhà nước và công chúng thực hiện và tuân thủ luật pháp. Hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa không cần tới các định nghĩa chính xác.

“Hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa” tạo ra sự nhập nhằng bởi vì nó đã được trình làng từ hơn 40 năm trước, với mục đích ban đầu là để quản lý nền kinh tế kế hoạch, nhưng những thuật ngữ của ngày đó vẫn được sử dụng tới hôm nay để mô tả những quy tắc cho một thị trường hỗn hợp hiện đại. Việc sử dụng linh động [các thuật ngữ này] đặt ra một câu hỏi về tính chất xã hội chủ nghĩa của hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa. Liệu ý nghĩa của các thuật ngữ này có là bất biến, hay chúng đã trở thành những khẩu hiệu thuận miệng cho pháp luật của quốc gia?

Tồn tại hai vấn đề chủ yếu trong việc đánh giá sự liên tục và những thay đổi trong những ý nghĩa đi liền với thuật ngữ “hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa”. Thứ nhất, những khái niệm cốt lõi của chủ nghĩa Marx – Lenin vốn là nền móng cho “pháp luật xã hội chủ nghĩa” – bao gồm pháp chế xã hội chủ nghĩa, tập trung dân chủ và làm chủ tập thể – là những khái niệm quá trừu tượng để truyền tải những ý nghĩa cụ thể. Chủ nghĩa Marx – Lenin cho chúng ta biết rằng hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa có yếu tố giai cấp, chủ yếu phản ánh sự quản lý của nhà nước về tư liệu sản xuất, nhưng lại đề cập rất ít về các quan hệ xã hội khác như nhà ở, hôn nhân gia đình hay luật giao thông.

Các nguyên lý pháp quyền phương Tây “lẻn” vào học thuyết nhà nước pháp quyền mới đây đều không mang lại điều gì hữu ích. Nhà nước duy trì quan niệm cho rằng hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa phải bình đẳng, rõ ràng và nhất quán, nhưng hiếm khi thảo luận về những vấn đề rộng hơn mang tính quy tắc. Hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa cần những những lời tuyên bố ở [các lãnh đạo] trung cấp (trong một hoàn cảnh đặc thù) để hiểu được những ý nghĩa cụ thể và hệ thống của nó.

[Tóm lược của người dịch: Tác giả cho rằng hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa chỉ đưa ra những tuyên bố mơ hồ, và cần có phát biểu của các lãnh đạo cấp dưới (cấp trung) để mọi người hiểu được một điều luật cụ thể muốn nói điều gì].

Vấn đề khó khăn thứ hai khi phân tích hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa có nguyên do từ môi trường hình thành nên “pháp luật xã hội chủ nghĩa”, vốn đang thay đổi và bị chia cắt nhanh chóng. Lý thuyết chủ nghĩa xã hội – cho rằng việc nhà nước sở hữu toàn bộ “tư liệu sản xuất” là để bảo vệ quyền lợi của giai cấp công nhân – đã bị phai mờ bởi các chính sách của Đảng khuyến khích đầu tư nước ngoài, hội nhập kinh tế quốc tế và cổ phẩn hóa các doanh nghiệp nhà nước. Tuyên bố của Hồ Chí Minh “nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi” đã trở thành không tưởng khi đem so sánh với những nền “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” ngày nay [tham khảo https://www.marxists.org/glossary/terms/s/o.htm – ND]. (Thanh Duy 1997:27 – 8)

Những phân tích của chúng ta cần tách biệt những biến đổi của xã hội từ những vận động của xã hội [mà ta quan sát được]. Tất cả các xã hội đều luôn luôn vận động. Các nền kinh tế tăng trưởng và suy thoái, các chế độ xã hội phát triển rồi thoái trào, rồi công nghệ kỹ thuật và tương tác toàn cầu có mặt khắp mọi nơi. Thêm nữa, các vận động của xã hội lại hiếm khi thay đổi các ý nghĩa ẩn sâu trong luật pháp [hiện hành] (Grossman 1971). Chúng ta cần tìm kiếm những ý nghĩa pháp luật mới trong làn sóng kế tiếp của những thay đổi về mặt xã hội và pháp chế đã biến đổi pháp luật và chế độ xã hội Việt Nam.

Chương này sẽ xem xét những thay đổi đó bằng cách so sánh những bài báo đã đề cao tầm quan trọng của những tư tưởng chính trị – pháp luật Xô Viết bốn mươi năm trước với những quan niệm hiện đại về pháp luật. Thay vì cố gắng đưa ra một định nghĩa mang tính quyền uy – nỗ lực này đã trở thành thảm họa vì sự phân mảnh của xã hội – thảo luận này sẽ tìm kiếm những ý nghĩa mang tính đại diện trong các báo cáo được ghi lại cũng như qua các cuộc phỏng vấn với các viên chức của Đảng và nhà nước. Bằng việc xác định hoàn cảnh lịch sử nào truyền tải được những ý nghĩa tiêu biểu nhất, chương này sẽ đi sâu vào phân tích tính liên tục cũng như những thay đổi của “hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa”.

Những thảo luận trong chương này cần đặt trong một khung kiến thức hợp lý để so sánh những hiểu biết mang tính hoàn cảnh khác nhau về pháp luật xã hội chủ nghĩa. Một công cụ hữu ích là phân tích các diễn ngôn [Nguyên văn: “discourse”, được hiểu là các phát biểu, phát ngôn, bài viết trình bày một tư tưởng… Diễn ngôn là một thuật ngữ tương đối mới ở Việt Nam, xuất hiện trong các nghiên cứu về hậu hiện đại – ND], bởi các ý tưởng chính trị – pháp luật thường được hình thành thông qua các quá trình trao đổi và giao tiếp (Luhnmann 1987; Teubner 1993; Beck 1994). Chương này sử dụng diễn ngôn theo nghĩa rộng, bao gồm “tất cả các phát biểu, chính thức hoặc không, và tất cả các dạng văn bản”, đặc biệt là các tranh luận trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đạo đức, văn hóa và pháp luật (Potter và Wetherell 1987:7).

Việc phân tích các diễn ngôn không bao quát tất cả các mặt của “pháp luật xã hội chủ nghĩa”. Các văn bản chính thức của Đảng và nhà nước đã minh định một chân dung văn hóa Việt Nam được kiến tạo trong lòng châu thổ sông Hồng, dựa trên những quy luật về đạo đức, “được lãnh đạo” bởi một Đảng hoàn hảo về mặt đạo đức, và ít có ý thức về mặt pháp luật. Những quan điểm này nhắc nhở chúng ta rằng, chỉ tập trung vào các phát ngôn của Đảng và nhà nước sẽ giới hạn chúng ta vào một quan điểm [trong nhiều quan điểm khác nhau] về pháp luật xã hội chủ nghĩa (dù phải thừa nhận rằng đó là quan điểm có ảnh hưởng mạnh nhất). Rất cần phải nhớ rằng, tồn tại rất nhiều những quan điểm khác biệt về pháp luật giữa những cộng đồng tại Việt Nam. Những góc nhìn khác biệt với quan điểm của Đảng và nhà nước này đã được thảo luận ở một chỗ khác.

Chương này bắt đầu bằng việc xác định những nguyên lý chính trị – pháp luật cơ bản đã được du nhập vào nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa từ Liên bang Xô Viết. Sau đó chúng tôi sẽ đối chiếu những nguyên lý này trong những xu hướng vay mượn pháp luật từ Liên Xô, đồng thời đặt ra câu hỏi tại sao pháp luật Liên Xô vẫn được du nhập vào Việt Nam với rất ít nhượng bộ với thực tiễn địa phương và liệu thái độ vay mượn pháp luật hiện nay có thay đổi hay không.

Những lập luận trong chương này sẽ chỉ ra rằng những khác biệt trong phương pháp mà các nhà lập pháp Việt Nam vay mượn tư tưởng luật pháp đã thay đổi một cách sâu sắc những ý nghĩa được gán cho chủ nghĩa Marx – Lenin. Sau đó chúng tôi sẽ xem xét những giải thích hiện đại về pháp luật để xác định xem liệu các ý nghĩa cốt lõi về mặt pháp luật có khả năng thích nghi với thay đổi trong một số phát ngôn hay không. Chương này kết thúc bằng việc chỉ ra những ý nghĩa được nghiên cứu trong pháp luật xã hội chủ nghĩa đang bị phân mảnh cũng như các các nguyên lý chính trị pháp luật căn bản đã sẵn sàng cho những tư tưởng mới.

XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP CHẾ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Phải đợi tới Đại hội đầu tiên của Đảng Lao động Việt Nam vào tháng 9 năm 1951, nhiệm vụ “xây dựng pháp luật xã hội chủ nghĩa” mới được đặt ra (Hoang Quoc Viet 1962:14 – 15). Các viên chức của nhà nước non trẻ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước đó đã xây dựng hệ thống pháp luật dựa trên những khái niệm của dân luật Pháp về “pháp chế dân chủ”. Đại hội Đảng lần III năm 1960 đã thừa nhận học thuyết của Liên Xô về “sotsialisticheskaia zakonnost”, được dịch ra tiếng Việt là “pháp chế xã hội chủ nghĩa” (Tran Hieu 1971:108).

Đầu tiên, những luật sư nổi tiếng như là Đinh Gia Trinh đã lập luận rằng các điều kiện kinh tế trong các chế độ dân chủ nhân dân như nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là không phù hợp để áp đặt các nguyên lý pháp chế xã hội chủ nghĩa kiểu Xô Viết. Cuối cùng thì quan điểm của Liên Xô – cho rằng nền pháp chế trong các chế độ dân chủ nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa là tương tự nhau – đã thắng thế. Vào những năm 1970, giới pháp luật Việt Nam đã thống nhất chấp nhận hệ tư tưởng về pháp luật được nhập khẩu [từ Liên Xô] như là hệ tư tưởng của bản thân họ, và đồng nhất pháp luật Xô Viết với pháp luật xã hội chủ nghĩa (Phạm Văn Bách 1970, Ngô Văn Thâu 1982). Một sự thật rằng nền pháp luật của Liên Xô là một nền công pháp tương tự như các nền dân luật khác của châu Âu đã không bao giờ xuất hiện trong các bài viết cũng như phát biểu về pháp luật của Việt Nam.

Ba trụ cột cấu tạo nên cốt lõi của hệ thống chính trị – pháp luật xã hội chủ nghĩa là: pháp chế xã hội chủ nghĩa, tập trung dân chủ và làm chủ tập thể.

(Còn tiếp)

No comments:

Post a Comment