Mật nghị Hồng y lịch sử nhằm chọn người kế vị của giáo hoàng đầu tiên thoái vị trong 600 năm bắt đầu vào hôm nay, 12.3, trong khi một ứng cử viên nổi bật nhất vẫn chưa thấy xuất hiện.
115 vị hồng y cử tri bầu vị lãnh đạo kế tiếp của Giáo hội Công giáo 1,2 tỉ người sẽ di chuyển vào một khu nhà bên trong những bức tường của Vatican, nơi họ sẽ ăn ngủ trong suốt thời gian diễn ra Mật nghị, dự kiến kéo dài vài ngày.
Các hồng y tiến vào Nhà nguyện Sistine trong kỳ Mật nghị năm 2005 - Ảnh: AFP |
Các hồng y sẽ bị cô lập hoàn toàn, cấm mọi hình thức liên hệ với thế giới bên ngoài cho đến khi bầu ra một vị giáo hoàng trong số họ.
Nghi thức sẽ bắt đầu bằng một buổi lễ đặc biệt cầu nguyện cho việc bầu giáo hoàng tại Đại thánh đường Thánh Peter vào lúc 9 giờ, giờ GMT (16 giờ, giờ Việt Nam).
Cảnh sát Ý gác trước Quảng trường Thánh Peter hôm 11.3 - Ảnh: AFP |
Các hồng y sau đó sẽ di chuyển sang Nhà nguyện Sistine từ 15 giờ 30, giờ GMT (22 giờ 30, giờ Việt Nam) và cầu nguyện Chúa Thánh thần soi sáng cho sự chọn lựa của họ.
Một khi họ đã tuyên thệ giữ bí mật, Trưởng ban Nghi lễ Phụng vụ của Giáo hoàng, ông Guido Marini, sẽ hô câu tiếng Latin “Extra omnes”, tức “Tất cả ra ngoài”, và cửa nhà nguyện sẽ được đóng lại với bên ngoài.
Mật nghị qua các con số
115 vị hồng y cử tri
2/3 số phiếu, tức 77 phiếu bầu, cần có để trở thành giáo hoàng
4 vòng bỏ phiếu trong một ngày, 2 vòng buổi sáng và 2 vòng buổi chiều, trừ ngày khai mạc chỉ có một vòng
Tân giáo hoàng sẽ là vị giáo hoàng thứ 266
|
Các lá phiếu trong những ngày tiếp theo sẽ được đốt vào khoảng 11 giờ, giờ GMT (18 giờ, giờ Việt Nam) sau hai vòng bỏ phiếu vào buổi sáng và khoảng 18 giờ, giờ GMT (1 giờ ngày hôm sau, giờ Việt Nam) sau hai vòng bỏ phiếu vào buổi chiều cho đến khi có hồng y đạt được 2/3 số phiếu. Khói sẽ có màu trắng có nghĩa là vị giáo hoàng thứ 266 đã được bầu ra.
Trong số những ứng cử viên giáo hoàng, có ba người nổi lên như những gương mặt sáng giá. Đó là Hồng y người Ý Angelo Scola, Hồng y người Brazil Odilo Scherer và Hồng y người Canada Marc Ouellet, theo AFP.
Giáo hoàng Benedict XVI đã làm chấn động cả thế giới vào ngày 11.2 khi thông báo ông không còn đủ sức khỏe để lãnh đạo Giáo hội Công giáo.
Trong một loạt những lần phát biểu từ biệt, Giáo hoàng 85 tuổi nói ông sẽ sống ẩn dật với thế giới và chỉ muốn trở thành một người hành hương trong chặng hành trình cuối cùng của cuộc đời.
Các kỳ Mật nghị gần đây
Trong lịch sử Giáo hội Công giáo, có kỳ Mật nghị kéo dài đến ba năm song các cuộc bầu cử giáo hoàng trong thời hiện đại chỉ diễn ra tối đa là vài ngày. Dưới đây là thời gian của tám Mật nghị bầu tân giáo hoàng gần nhất:
1914: Nhóm họp sau khi Thế chiến thứ nhất nổ ra, các hồng y mất ba ngày (10 vòng bỏ phiếu) để bầu Hồng y Giacomo Della Chiesa, người trở thành Giáo hoàng Benedict XV.
1922: Mật nghị dài nhất trong thế kỷ 20 kéo dài năm ngày (14 vòng bỏ phiếu). Tổng giám mục Milan Ambrogio Ratti trở thành Giáo hoàng Pius XI trong cùng năm Benito Mussolini tiến hành cuộc đảo chính phát xít.
1939: Quốc vụ khanh Eugenio Pacelli, một nhà ngoại giao của Vatican, được bầu chỉ sau hai ngày (3 vòng bỏ phiếu). Ông trở thành Giáo hoàng Pius XII ngay khi thế giới lao vào một cuộc xung đột toàn cầu.
1958: Hồng y Angelo Roncalli, Thượng phụ thành Venice, trở thành Giáo hoàng John XXIII trong bốn ngày (11 vòng bỏ phiếu).
1963: Hồng y Giovanni Montini được bầu sau ba ngày (6 vòng bỏ phiếu) và trở thành Giáo hoàng Paul VI khi Giáo hội Công giáo đón làn sóng cải cách với Công đồng Vatican đệ nhị.
1978: Thượng phụ thành Venice Albino Luciani trở thành Giáo hoàng John Paul I trong hai ngày (4 vòng bỏ phiếu). Ông được kể là miễn cưỡng chấp nhận đề cử. Ông qua đời sau 33 ngày nhậm chức, châm ngòi cho hàng loạt thuyết âm mưu.
1978: Nhân vật được xem là người ngoài cuộc người Ba Lan Karol Wojtyla được bầu sau ba ngày (8 vòng bỏ phiếu). Ông trở thành vị giáo hoàng không phải người Ý đầu tiên kể từ thời Giáo hoàng Adrian VI (sinh ra tại Hà Lan) vào thế kỷ 16.
2005: Niên trưởng Hồng y đoàn Joseph Ratzinger được bầu ra sau hai ngày (4 vòng bỏ phiếu).
|
No comments:
Post a Comment