Trong 64 chiến sĩ hy sinh trong cuộc hải chiến ngày 14-3-1988, phần lớn vẫn còn nằm lại giữa vùng biển thân yêu của Tổ quốc. Nhiều người ra đi khi tuổi đời mới đôi mươi
Cựu binh Mai Xuân Hải, hiện sống ở huyện Bố Trạch - Quảng Bình, người có mặt trên tàu HQ-604 giữ đảo Gạc Ma khi bị hải quân (HQ) Trung Quốc (TQ) nã pháo, xúc động: “Đồng đội tôi hy sinh rất nhiều. Khi tàu chìm dần, họ không chịu nhảy xuống biển. Tôi cũng thế nhưng vì nước tràn vào tàu, bị đẩy ra ngoài”. Theo anh Hải, vào thời khắc sinh tử ấy, nhiều chiến sĩ quyết tâm ở lại dù tàu chìm vì những chỉ huy của họ đã không hề tiếc mạng sống.
Cụ Lê Thị Niệm cùng các cựu binh Trường Sa trong ngày giỗ liệt sĩ Phan Tấn Dư. Ảnh: HỒNG ÁNH
Quyết không lùi bước
Trên tàu HQ-604, người chỉ huy cao nhất không phải là đại úy - thuyền trưởng Vũ Huy Trừ mà là trung tá - lữ đoàn phó Lữ đoàn 125 Trần Đức Thông. Đầu tháng 3-1988, khi vẫn đang nghỉ phép ở quê nhà (huyện Hưng Hà - Thái Bình), trung tá Thông nhận được điện của đơn vị thông báo tình hình căng thẳng ở quần đảo Trường Sa. Ngay lập tức, ông lên đường trở về đơn vị.
Lữ đoàn 125 giao cho trung tá Thông chỉ huy lực lượng đóng chốt tại cụm đảo Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao. Chiều 13-3, ông có mặt sát đảo Gạc Ma, nhanh chóng tổ chức cho các chiến sĩ công binh HQ bốc dỡ hàng hóa, vật liệu xây dựng xuống đảo. Đang thực hiện nhiệm vụ, ông bị tàu TQ vây ráp bắt rời khỏi đảo. Sau khi thông báo tình hình với Sở Chỉ huy tiền phương, trung tá Thông quyết tâm: “Địch có thể bao vây, chúng ta có thể mất tàu nhưng tôi và anh em sẽ không lùi bước”.
Khi HQ TQ cho lính tràn lên Gạc Ma định nhổ Quốc kỳ của ta, trung tá Thông liền cử thêm lực lượng từ tàu HQ-604 đến hỗ trợ. Biết không thể kêu gọi chúng ta rời đảo, lính TQ đã bắn điên cuồng vào tàu HQ-604. Trung tá Thông đang đứng trên mũi tàu chỉ huy lực lượng chống trả địch thì trúng đạn hy sinh...
Chị Trần Thị Hà, con gái liệt sĩ Trần Đức Thông, hiện công tác tại Công an tỉnh Hà Nam, nhớ lại: “Năm 1988, bố được nghỉ phép về ăn Tết với gia đình. Đầu tháng 3, khi chưa hết phép, ông đã vội vã trở lại đơn vị. Nhận được thông báo bố hy sinh, gia đình sững sờ nhưng không tin vì một tháng sau khi ông rời nhà, gia đình vẫn còn nhận được thư của ông. Sau này, tôi mới biết trước đó, bố đã viết nhiều bức thư trao lại đồng đội. Ông dặn đồng đội khi nào gửi thư đi thì mới điền ngày, tháng để vợ con ở nhà không lo lắng”.
Hy sinh gần như cùng lúc với trung tá Thông là thuyền trưởng Vũ Huy Trừ. Năm 1988, anh mới 31 tuổi. Sáng 13-3, anh được lệnh cơ động từ đảo Đá Lớn sang Gạc Ma. Lính TQ đã cho nhiều tàu chiến tới chặn đường, khiêu khích và đe dọa tàu HQ-604. Đại tá Vũ Huy Lễ, khi đó là thuyền trưởng tàu HQ-505 đóng giữ đảo Cô Lin, tự hào: “Tàu TQ chặn ngang mũi tàu của Trừ nhưng cậu ấy vẫn giữ đúng hướng lái tiến vào đảo Gạc Ma, buộc chúng phải lùi lại rồi nã pháo dồn dập…”.
Thắm tình đồng đội
25 năm đã trôi qua, nhiều người lính Trường Sa trở về với đồng ruộng, làng quê hoặc tiếp tục phục vụ trong Quân chủng HQ nhưng đến hẹn lại lên, cứ đến những ngày này, họ lại rủ nhau tưởng niệm đồng đội đã hy sinh. Trong cuộc hải chiến ngày 14-3-1988, tỉnh Phú Khánh ngày ấy có 3 chiến sĩ hy sinh ở Gạc Ma: Trương Văn Thịnh, Phan Tấn Dư và Võ Đình Tuấn, tất cả đều không tìm được thi thể. Ngày giỗ của 2 liệt sĩ Dư và Tuấn được tổ chức vào ngày 8-3, còn liệt sĩ Thịnh là 6-3.
Căn nhà nhỏ của cụ Lê Thị Niệm, mẹ liệt sĩ Dư (huyện Tây Hòa - Phú Yên), chật cứng cựu binh Trường Sa trong ngày giỗ anh. Cựu binh Huỳnh Bá Thoại (TP Tuy Hòa - Phú Yên) quay sang cụ Niệm: “Hồi đi lính, Dư có người yêu chưa má?”. Cụ Niệm lau nước mắt: “Trước khi ra Trường Sa, Dư về thăm nhà. Má hối tìm vợ, nó cười bảo: “Con còn làm trả nợ xây nhà nữa”. Chuyến đó, nó đi luôn…”.
Trước bàn thờ, một thương binh hết lúi húi lau chùi rồi lại mang di ảnh liệt sĩ Dư ra ngắm. Đó là cựu binh Nguyễn Văn Dũng, hiện ngụ tại TP Nha Trang, bạn thân của anh Dư. “Lẽ ra chuyến ấy tôi chứ không phải Dư ra đảo. Tôi đã chuẩn bị lên đường nhưng trước đó một hôm, thủ trưởng phát hiện tôi bị viêm họng nên yêu cầu Dư đi thay. Dư đã đi và nằm lại ngoài ấy thay tôi…” - anh bồi hồi.
Năm nay, giỗ liệt sĩ Thịnh được tổ chức tại nhà của người anh ruột Trương Văn Cảnh tại TP Tuy Hòa. “Sau ngày 14-3-1988, gia đình nhận giấy báo Thịnh mất tích. Cha tôi không cho làm giỗ, ông quả quyết: “Rồi Thịnh sẽ về”. Đợi mãi vẫn không thấy, thương em, tôi lén gia đình đến ngày 14 lại làm mâm cơm cúng. Sau này, khi cha tôi biết, ông chỉ lặng lẽ khóc” - anh Cảnh thổ lộ.
Căn nhà tình nghĩa của gia đình liệt sĩ Võ Đình Tuấn nằm sâu trong một xóm nhỏ ở thị xã Ninh Hòa - Khánh Hòa. “Ngày ấy, gia đình rất nghèo. Năm 1987, Tuấn về phép thăm gia đình, mua cho 2 em đứa cái quần, đứa cái áo. Tuấn hẹn năm sau về sẽ mua đủ bộ quần áo cho 2 em, vậy mà nó đi mãi…” - bà Phan Thị Đay, mẹ anh Tuấn, nghẹn ngào.
Mỏi mòn chờ xác người thân
Cưới nhau 27 năm nhưng đằng đẵng 25 năm nay, chị Đỗ Thị Hà vẫn thui thủi một mình nuôi con. Chị Hà cho biết hồi ấy, chị đến được với anh Đinh Ngọc Doanh (quê Ninh Bình) là nhờ công mai mối của thiếu úy Trần Văn Phương, người chiến sĩ HQ anh hùng nổi tiếng với câu nói: “Thà hy sinh chứ không thể để mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng HQ”. Anh Doanh cũng đã hy sinh cùng chiếc tàu HQ-604.
Chị Hà hiện sống trong căn nhà tình nghĩa ở TP Cam Ranh - Khánh Hòa. Thắp nén hương trên bàn thờ chồng, chị bùi ngùi: “Trước đây, một số đồng đội của anh Doanh trên tàu HQ-604 đến thăm tôi cho biết ngư dân có vớt được 4 thi thể. Tôi rất hy vọng nhưng cuối cùng, kết quả xét nghiệm ADN không phải anh Doanh. Năm 2009, khi tượng đài Cam Ranh xây dựng, tên tuổi anh được khắc ghi trên đó. Tôi thấy ấm lòng hơn, vợi bớt nỗi buồn hàng chục năm mòn mỏi chờ xác chồng”.
|
HỒNG ÁNH - MẠNH DUY - KỲ NAM
No comments:
Post a Comment