Monday, January 28, 2013

Nhân văn giai phẩm - Phụ lục 1

nhà cách mạng Nguyễn Hữu Đang

Tên tuổi Nguyễn Hữu Đang đã gắn liền với hai chữ tranh đấu: tranh đấu giành độc lập cho tổ quốc, tranh đấu cho tự do và dân chủ. Về hành trình dài và cam go này, nhà cách mạng lão thành sẽ dành riêng cho thính giả RFI hai chương trình đặc biệt. Chương trình hôm nay nói về ngày 2/9/1945, ngày lễ Độc Lập mà ông được chủ tịch Hồ Chí Minh giao trách nhiệm Trưởng Ban Tổ Chức. Trong chương trình chủ nhật tới 10/9/1995 ông Nguyễn Hữu Đang sẽ nói về phong trào Nhân Văn Giai Phẩm.

● Ngày lễ Độc Lập

- THỤY KHUÊ: Thưa ông Nguyễn Hữu Đang, 50 năm sau ngày 2/9/1945, có lẽ hiện nay không ai có thẩm quyền hơn ông để nói về ý nghĩa của ngày lễ này vì chính ông là trưởng ban tổ chức ngày lễ Độc lập 2/9.
NGUYỄN HỮU ĐANG: Thưa bà, khi tôi được chủ tịch Hồ Chí Minh trao nhiệm vụ tổ chức ngày này, lúc bấy giờ chủ tịch cũng như trung ương Đảng đề ra chỉ là một ngày lễ để chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân, đồng thời đọc một bản Tuyên Ngôn Độc Lập đối với dân trong nước và đối với cả thế giới. Sau đó, tôi cùng với ban tổ chức trao đổi ý kiến, muốn nâng cao giá trị ngày lễ đó lên cho nên chúng tôi đã đặt tên nó là Ngày Độc Lập để nói lên ý nghĩa trọng đại của ngày hôm đó trong lịch sử Việt Nam.
 Ngày Độc Lập đó có bốn tính chất như thế này: Một là tính chiến đấu của nó, hai là tính khẩn trương của nó, bà là tính nhân dân của nó, thứ tư là tính độc đáo của nó.
Tính chiến đấu của nó là do tình thế nghiêm trọng của nước Việt Nam lúc bấy giờ. Từ năm 1943, chính phủ lâm thời kháng chiến của Pháp thành lập ở Alger, tướng De Gaulle đứng đầu chính phủ, lập tức nghĩ ngay đến việc thu hồi lại thuộc địa đã mất, quyết tâm lấy lại Đông Dương bằng vũ lực. Chính phủ De Gaulle, khi đưa lực lượng vũ trang sang chuẩn bị lấy lại Đông Dương, phất cao ngọn cờ gọi là chính nghĩa của mình, đánh bọn "giặc cỏ phiến loạn". Điều đó làm cho nhân dân Pháp hiểu nhầm cách mạng Việt Nam. Chúng tôi không được sự ủng hộ của nhân dân thế giới và nhân dân Pháp, cho nên vấn đề là phải chính thức hóa nhà nước mới, chính thức hóa chính phủ lâm thời để thế giới trông vào, biết rằng chính nghĩa là thuộc về chúng tôi chứ không thuộc về thực dân Pháp. Chính thức hóa một nhà nước mới và một chính phủ được nhân dân ủng hộ. Tất cả hai điều đó, chúng tôi long trọng công bố trước nhân dân trong nước và cả thế giới.
Ngoài những khó khăn do phe thực dân gây ra còn có một cái khó khăn cực lớn của Trung quốc: chính phủ Tưởng Giới Thạch. Ngày 9/8 chính phủ Trung quốc tuyên bố sẽ đưa quân vào Đông Dương để giải giáp quân Nhật theo quyết định của hội nghị Postdam tháng 7 năm 1945. Tiếp theo, ngày 27/8, quân Tàu Tưởng thuộc quyền chỉ huy của tướng Lư Hán, vượt biên giới Hoa Việt vào nước ta. Theo chân họ có các tổ chức Việt Nam Quốc Dân Đảng của Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam và Việt Nam Cách Mạng Đồng Chí Hội của Nguyễn Hải Thần. Quân của Lư Hán cùng với hai đảng, chống Việt Minh, chống từ trước chứ không phải về sau đâu, không dự vào mặt trận đoàn kết, mặt trận đánh Pháp bao giờ cả. Hai đảng ấy chống Việt Minh đến cùng. Nguyên cuộc tấn công của phe thực dân Pháp đã là một mối đe dọa lớn với nền độc lập của chúng ta rồi, thêm vấn đề Trung quốc vào đấy lại còn nguy hiểm hơn nữa. Tính chất khẩn trương là như thế. Tính chiến đấu đã nói rồi. Còn tính nhân dân thì cũng gọn thôi vì sau khi chúng tôi đăng thông cáo, nhân dân ủng hộ, tham gia rất tích cực, người góp của, người góp công. Tất cả việc chúng tôi làm đều không có phương tiện của Nhà Nước, mà toàn là phương tiện của nhân dân đem đến cả. Đấy là tính nhân dân. Tính thứ tư là tính độc đáo thì chúng tôi tổ chức một buổi mít-tinh huy động thành phố Hà Nội, huy động tất cả mọi người, không trừ một ai cả, coi như thành phố thiết quân luật, nhân dân đi mít-tinh, đi từ nửa đêm, cơm nắm muối vừng, đi từ sáng sớm cho đến tối, đêm mới trở về nhà. Đó là một tính độc đáo mà sau này không ai làm như vậy cả.
- TK: Thưa ông, ông đã làm sao để có thể tổ chức một ngày lễ lớn như thế?
- NHĐ: Vấn đề là chúng tôi bắt đầu việc tổ chức như thế nào. Hồ chủ tịch khi giao như thế thì chỉ còn có 4 ngày nữa thôi. Bốn ngày mà làm việc lớn như thế, không phải là tổ chức ở Hà Nội đâu, mà tổ chức trong cả nước, thì bốn ngày làm sao đủ để làm được, nhất là lúc bấy giờ chúng tôi không có bộ máy gì cả. Ông cụ giao cho tôi một mình, về rồi tôi tập hợp một số anh em, phương tiện thì chỉ có hai bàn tay trắng, một đồng xu không có, một ki-lô gỗ, ki-lô xi măng cũng không có thì làm thế nào bây giờ trong hoàn cảnh khó khăn quá như vậy. Tôi có nói là còn ít ngày nên khó quá thì cụ lại bảo có khó mới giao cho chú chứ. Qua câu đó tôi biết là khó cũng phải làm, mà làm ngay. Tôi hiểu không thể hoãn, không thể chậm được. Khi giao việc như thế, lúc bấy giờ cũng đã 10 giờ đêm rồi, tôi lập tức trở về bộ Tuyên Truyền. Ở thời điểm đó chưa thành lập chính phủ, chỉ mới phân công bộ nọ bộ kia; lúc bấy giờ tôi tạm thời đảm nhiệm thứ trưởng bộ Tuyên Truyền. Tôi chạy về bộ Tuyên Truyền, gọi dây nói cho các tờ báo, tôi đọc ngay lập tức cho họ một thông cáo tôi viết vội, kêu gọi quốc dân ai có nhiệt tình với nền độc lập đến tham gia việc tổ chức ngày hôm nay. Nhân dân hưởng ứng rất mạnh mẽ. Tôi giao cho anh Trần Kim Xuyến là đổng lý văn phòng bộ, liên lạc với các anh bạn ở trong ba tổ chức là hội Truyền Bá Quốc Ngữ, hội Văn Hóa Cứu Quốc và Hướng Đạo Sinh để thành lập ban tổ chức ngay tối hôm đó. Trước hết là chọn địa điểm. Địa điểm thì chọn ở đâu bây giờ? Đưa ra bãi đá bóng thì không long trọng. Có một khu rộng rãi, bây giờ gọi là quảng trường, ngày xưa tiếng Pháp gọi là rond point, chẳng nhẽ lại bảo là mời đến cái rond point phủ Toàn quyền à? Nghe nó vô duyên và kệch cỡm thế nào đó. Chúng tôi cũng lợi dụng việc chính phủ Trần Trọng Kim đã đặt tên chỗ đó là Vườn Hoa Ba Đình, chúng tôi bảo thế thì được, mời nhân dân đến Vườn Hoa Ba Đình biểu tình. Số người hôm đó trên nửa triệu người.
- TK: Xin ông nói về vai trò của cụ Hồ. Giả sử nếu không có cụ Hồ thì Cách Mạng Tháng Tám có thể thành công được hay không, thưa ông?
- NHĐ: Vai trò của Hồ chủ tịch rất quan trọng. Cụ có thành lập Mặt Trận Việt Minh thì mới có Cách Mạng Tháng Tám. Nếu đảng Cộng Sản đứng ra vận động cuộc Cách Mạng Tháng Tám, tôi tin là không được kết quả như là Mặt trận Việt Minh, đó là một mặt trận gồm nhiều thành phần, nhiều tầng lớp tham gia cho nên phát triển mạnh, được nhân dân ta hưởng ứng hơn chứ còn nếu đảng Cộng Sản đứng ra thì vẫn bị hạn chế đấy. Cho nên Hồ chủ tịch đã sáng suốt, thứ nhất là chủ trương mặt trận dân tộc để thu hút quần chúng, thứ hai là cụ đã nhằm được đúng thời cơ chiến tranh thế giới tạo ra, đưa đến đảo chính Nhật, rồi đưa đến Nhật đầu hàng, đấy là một thời cơ vô cùng quý giá. Nếu không có thời cơ đó, thì Cách Mạng Tháng Tám cũng không làm gì được, dù có thiên binh vạn mã cũng không làm trò gì được. Đảng Cộng Sản lúc bấy giờ có 5000 người chứ ăn thua gì đâu. Quần chúng tự khắc người ta nổi lên thành ra một làn sóng cách mạng đưa đến kết quả như vậy.
- TK: Tại sao từ một khí thế của ngọn sóng toàn quốc kháng chiến những năm 45-46 lại đi đến chỗ đổ vỡ, bắt bớ, và thủ tiêu những đảng phái đối lập những năm sau đó?
- NHĐ: Phải nói như thế này là những cuộc đấu tranh của nước nào cũng vậy, khi nó rộng rãi quá, ban đầu nó đoàn kết, về sau nó phân hóa. Nó có những mâu thuẫn vì trong xã hội các tầng lớp có phải nhất trí quyền lợi với nhau đâu; không nhất trí về quyền lợi, có khi còn không nhất trí về quan điểm với nhau nữa, đến lúc phân hóa thì do mâu thuẫn quan điểm, mâu thuẫn quyền lợi thì phải đấu tranh với nhau. Điều này chúng ta còn lạ gì nữa, về chính trị thì một mất một còn chứ còn có dung hòa gì được nữa, có phải là việc gia đình đâu. Cả hai đảng, chắc bà cũng nghĩ đến, là Quốc Dân Đảng và Cách Mạng Đồng Minh Hội không hề hợp tác với Mặt Trận Việt Minh, lúc khởi nghĩa cướp chính quyền không hợp tác gì cả, nhưng sau khi đã có chính quyền rồi thì hai đảng đó dựa vào quân đội Tàu trở về nước, ý định là tranh quyền, cướp nước cho nên là hai bên đấu nhau. Nhưng rồi cuối cùng quân đội Tàu cũng thấy rằng không thể lật đổ chính quyền Việt Minh được, phải giàn xếp. Chúng tôi cũng rất mềm dẻo và đoàn kết với họ thành lập một chính phủ liên hiệp đấy. Thành lập chính phủ liên hiệp rồi vẫn không hết mâu thuẫn cho nên sau cũng đi đến đổ vỡ thôi.
- TK: Ông vừa nói đến những đảng phái đối lập, nhưng trong nội bộ đảng Cộng Sản cũng có những đổ vỡ. Tại sao từ một khí thế đoàn kết năm 45, 10 năm sau đó dẫn đến cuộc Cải Cách Ruộng Đất và những vụ thanh trừng khác?
- NHĐ: Có thể hiểu việc đó như thế này: Ngay trong cương lĩnh của đảng Cộng Sản Đông Dương cũng ghi rõ là làm cách mạng để tiến tới Cách Mạng Xã Hội Chủ Nghĩa. Cho nên 10 năm sau, nhất định nước Việt Nam phải tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội và muốn tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội thì phải tiến hành Đấu Tranh Giai Cấp, phải xóa bỏ địa vị, quyền lợi của hai giai cấp bóc lột là giai cấp địa chủ và giai cấp tư sản. Trước kia đoàn kết Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc, giờ đây phải Đấu Tranh Giai Cấp để tiến tới Chủ Nghĩa Xã Hội. Trong Đấu Tranh Giai Cấp như thế thì quyết liệt lắm, có ảnh hưởng chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Mao Trạch Đông là quá tả, rất ác liệt, cuối cùng Việt Nam cũng tiến hành Đấu Tranh Giai Cấp như thế. Diện gọi là đoàn kết cũng thu hẹp lại, xã hội tiến lên cần phải như thế, đây là tôi nói về quan điểm của đảng Cộng Sản, cho nên có những Cuộc Cải Cách Ruộng Đất. Sau này những đảng khác được thành lập cũng phải trên cơ sở phục tùng đảng Cộng Sản thì mới tồn tại được. Nếu không phục tùng đảng Cộng Sản thì không thể tồn tại được. Tiến lên Đấu Tranh Giai Cấp, tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hộithì phải tăng cường chuyên chính, phải độc quyền lãnh đạo. Ai vi phạm những điều này sẽ bị xử trí rất nghiêm khắc.
- TK: Trách nhiệm của cụ Hồ trong các việc ấy, cụ Hồ có biết hay là người dưới lạm quyền?
- NHĐ: Cái việc mà người ta cứ nói là việc nọ việc kia là người dưới làm chứ cụ Hồ không biết, cụ Hồ không thực tiễn làm, đó là một cách nói không đúng sự thật. Người ta thấy việc gì mà có dư luận kêu ca, thắc mắc thì không muốn để cái kêu ca thắc mắc đó hướng vào vị lãnh tụ mà người ta suy tôn tuyệt đối. Có thể nói là người ta thần thánh hóa cụ Hồ. Vì cái lý do nó là như thế. Thực chất thì cụ Hồ không phải là người bị vô hiệu hóa trong bộ máy lãnh đạo của đảng và của dân tộc. Cụ Hồ lúc nào cũng là người có đầy đủ quyền hành, lúc nào cụ cũng sáng suốt, linh lợi, lúc nào cụ cũng có uy tín với dân và cũng có quyền đối với các đồng chí trong đảng, đối với những người lãnh đạo khác. Chắc bà cũng biết rằng những vị lãnh đạo khác của đảng, đối với cụ Hồ là học trò chứ không phải như ở các đảng Cộng Sản khác đâu. Cho nên uy tín của cụ Hồ, quyền hành của cụ Hồ bao giờ cũng rất vững, cụ Hồ biết hết cả, và việc đó cụ Hồ cũng đồng tình làm. Có thể nói tóm một câu là cho đến mấy năm sau cùng, vì cụ yếu cụ ít chăm nom công việc, cụ khoán cho Bộ Chính Trị, cụ ít can thiệp trực tiếp, chứ còn trước đó thì bất cứ việc gì cũng là trong phạm vi chỉ đạo của cụ cả. Hay cũng ở cụ, dở cũng ở cụ. Cụ phải gánh trách nhiệm đó, điều đó rõ ràng. Có khi nào một lãnh tụ tối cao đối với dân tộc, lãnh tụ tối cao của Đảng mà lại không có trách nhiệm về việc nọ, việc kia. Điều đó không đúng. Chế độ gọi là báo cáo thỉnh thị rất chặt chẽ trong nội bộ đảng Cộng Sản và trong bộ máy chuyên chính của nhà nước cũng thế, nghiêm ngặt lắm.

● Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm
- TK: Thưa ông Nguyễn Hữu Ðang, trước hết xin ông cho biết thực chất của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm là gì?
- NHĐ: Tôi nhớ có một lần Lê Ðạt nói chuyện với bà đấy, nói rằng đó là một cố gắng đối thoại đầu tiên giữa những đảng viên, cán bộ, trí thức, để tìm một giải phóng tốt đẹp hơn cho xã hội. Kết cục cuộc đối thoại đó không có kết quả. Thực chất phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, nếu đứng về mặt chính trị, thì đó là một cuộc đấu tranh của một số người trí thức, văn nghệ sĩ và một số đảng viên về chính trị nữa, là chống -không phải chống Đảng Cộng Sản đâu, mà đấy là chống- cái chủ nghĩa Staline và chống chủ nghĩa Mao Trạch Ðông. Sự thâm nhập của chủ nghĩa Staline và chủ nghĩa Mao Trạch Đông đưa đến nhiều hiện tượng -nói là chuyên chính thì chưa đủ- phải nói là cực quyền toàn trị, nó gay gắt ghê lắm. Nó gay gắt ghê lắm! Ðảng Cộng Sản đã phạm sai lầm trong Cải Cách Ruộng Đất, rồi thì Chỉnh Huấn, Chấn Chỉnh Tổ Chức, Ðăng Ký Hộ Khẩu v.v... Tất cả những cái đó đều do những cái quá tả, từ phương Bắc nó xâm nhập vào, chứ không phải chờ đến bây giờ nó mới đem cái tả khuynh hữu trí vào nước Việt Nam. Cái thời mà cụ Hồ chưa về nước và ông Trần Phú làm tổng bí thư, thì làm cái cuộc gọi là Xô Viết Nghệ Tĩnh, đưa ra cái khẩu hiện rất quái gở tức là "Trí, phú, địa, hào đánh tận gốc, trốc tận rễ". Nó quá tả như thế thì còn làm sao giành được độc lập! Như thế là chia rẽ dân tộc. Lúc bấy giờ chúng tôi cũng cảnh giác, chúng tôi theo đảng Cộng Sản nhưng chống chủ nghĩa Staline và chống chủ nghĩa Mao Trạch Ðông. Nhưng rất tiếc là lúc bấy giờ, thế lực của Liên Xô rất mạnh, áp lực của Trung Quốc cũng rất mạnh cho nên cuộc đối thoại ấy không có kết quả.
- TK: Thưa ông, từ thời Mặt Trận Bình Dân, ông đã từng là cán bộ hùng biện tuyên truyền cho Ðảng. Rồi đến năm 45, ông làm bộ trưởng Bộ Tuyên Truyền cho cụ Hồ. Vậy đến lúc nào thì ông bắt đầu nghi ngờ Ðảng?
- NHÐ: Tôi bắt đầu -cái tin tưởng của tôi có yếu đi- là bởi vì ban Tuyên Huấn Ðảng có đưa ra một thông tri, một chỉ thị khẳng định là những đảng viên thuộc giai cấp tiểu tư sản không đáng tin cậy lắm, phải cảnh giác. Thì tôi rất buồn. Theo đó mấy tháng, thì có một cuộc Chỉnh Huấn. Trước khi vào chỉnh huấn, tôi biết rằng, tôi sẽ bộc lộ thành phần của tôi, tức là tiểu tư sản trí thức. Tôi sẽ phải nhận không biết bao nhiêu là khuyết điểm, do cái thành phần tiểu tư sản bấp bênh dao động nọ kia... Tôi có ý cũng như là giận dỗi, chán nản đó. Tôi có hỏi một người bạn cũng như là một người anh, là ông Nguyễn Khánh Toàn, tôi bảo: "Tôi muốn xin ra Ðảng thì có nên không?" Thì ông ấy khuyến khích tôi, ông ấy bảo không nên, cứ cố gắng đấu tranh bản thân, rồi khắc phục, rồi nhờ giúp đỡ của tập thể nọ kia... Ðấy! Thì cuối cùng tôi cũng không ra Ðảng. Nhưng mà từ đấy trở đi, tinh thần hăng hái của tôi cũng kém đi nhiều. Ðến khi có Cải Cách Ruộng Đất thì tôi không đồng ý tí nào, nhưng mà kỷ luật lúc bấy giờ nghiêm ngặt lắm. Bất cứ ai có lời nói, việc làm, cử chỉ, hay một thái độ tỏ rằng không đồng tình -chẳng nói là không đồng tình về việc lớn là Cải Cách Ruộng Đất đâu- mà chỉ không đồng tình về một vài chi tiết nhỏ, cũng không được. Ðồng thời với việc phát hiện Cải Cách Ruộng Đất, thì ở Liên Xô lại họp Ðại Hội Đảng Cộng Sản XX, lúc bấy giờ nó lại phát hiện ra rằng: Ðảng Cộng Sản cũng có thể phạm sai lầm! Lúc bấy giờ trong người tôi bùng lên một tư tưởng: Vì chân lý mà đấu tranh. Kỷ luật của Ðảng không thể trói buộc mình được, nếu mình thấy phải, mình cứ làm, cứ nói. Lúc bấy giờ không sợ tổ chức nhiều quá nữa. Bấy giờ mới tự tin ở mình, phải thẳng thắn đấu tranh. Ở thời đó, thì tư tưởng gọi là đấu tranh, phê bình của anh em văn nghệ cũng lên cao lắm. Thành thử tư tưởng đấu tranh của tôi gặp tư tưởng đấu tranh của anh em, cho nên cuối cùng tập hợp nhau thành phong trào Nhân Văn Giai Phẩm.
- TK: Thưa ông, điểm gặp gỡ mấu chốt giữa ông và các anh em văn nghệ sĩ là gì ạ?
- NHÐ: Anh em có một điểm gặp nhau là dù thế nào đi nữa cũng không thể chấp nhận được cái chế độ cực quyền, chế độ toàn trị, là cái biến dạng của chuyên chính vô sản. Nhưng mà thể hiện đấu tranh để chống lại chủ nghĩa Mao hay chủ nghĩa Staline sẽ cụ thể ra bằng cái gì? Thì cuối cùng cũng chỉ có vấn đề là: Tự do sáng tác, tức là không chấp nhận chủ nghĩa xã hội của Staline Zhdanov đẻ ra mà trái lại cũng vẫn muốn thể hiện cái hiện thực phê bình như là ở thế kỷ XIX ở phương Tây như là những Balzac, Flaubert, rồi Maupassant, rồi Hugo, Stendhal... lúc bấy giờ anh em tha thiết lắm.
- TK: Thưa ông, rút cục vụ án Nhân Văn Giai Phẩm đã kết thúc ra sao? Ông và các bạn đã trải qua những giai đoạn như thế nào?
- NHÐ: Thì tất nhiên tôi là người -tiếng bấy giờ gọi là- "đầu sỏ trong cái bọn Nhân Văn Giai Phẩm" thì tôi bị bắt giữ và đưa ra tòa. Ra tòa thì họ buộc cho cái tội là "phá hoại về chính trị". Lúc đầu thì đề ra phạm kỷ luật tuyên truyền, nhưng phạm kỷ luật tuyên truyền thì nhẹ lắm, mà thêm một cái là "phá hoại về chính trị" thì tội đó rất nặng. Ở trước tòa án thì tôi nhận mấy điểm như thế này:
1/ Tôi có phạm kỷ luật của Ðảng và của nhà nước về phương diện gọi là tuyên truyền.
2/ Trong việc làm của tôi, cũng có những vụng về sai sót. Anh em cũng như tôi thôi, thế nhưng tôi gánh trách nhiệm nặng hơn.
3/ Ðộng cơ thì nhất định là tốt: Chúng tôi chỉ vì dân, vì nước mà tin rằng việc mình làm có ích nước lợi dân cho nên làm thôi.
Cho nên ra tòa tôi nhận hết, chứ tôi không có bào chữa, không cãi cọ gì nhiều cả. Thậm chí là sau khi bị kết án 15 năm thì tôi cũng không ký chống án gì cả. Từ bấy giờ đến nay tôi cũng không viết một cái đơn nào để thanh minh, phân trần, xin xỏ, khoan hồng hay là nọ kia. Không! Cái việc đó không!
Ở đây tôi phải nói ngay với bà về việc bà hay quan tâm đến bà Thụy An. Người ngoài người ta cũng nói đến bà Thụy An rất nhiều, nhưng mà thật ra thì thế này: Bà Thụy An không tham gia gì vào nhóm Nhân Văn Giai Phẩm cả! Bà ấy không viết một bài, một câu, một chữ nào cho Nhân Văn. Bà ấy cũng không hề mách nước, bàn bạc gì với người khác hay với tôi bao giờ. Không! Không hề có! Tuy rằng có quan hệ, thỉnh thoảng gặp nhau, cũng nói chuyện. Nhưng tại sao lại cứ quy cho bà ấy là Nhân Văn và bà ấy cũng cứ nhận như thế, thì cái đó tôi có thể hiểu như thế này: Bà Thụy An bị cơ quan an ninh nghi bà ấy làm gián điệp cho Pháp, vì thời tạm chiếm, bà ấy có quan hệ với nhiều người Pháp. Ðến lúc đi, người ta sắp cử bà ấy làm giám đốc đài phát thanh cơ mà! Như thế là bà ấy cũng có địa vị, có uy tín, thì đáng nhẽ là bà ấy phải theo chính quyền ngụy vào trong Nam chứ, bà ấy lại không theo vào, bà ấy ở lại vì lý do chuyện cá nhân của bà. Vì bà ấy ở lại như thế thì người ta lại càng nghi: Ờ, thế là bà này là địch cài lại đây! Nguy hiểm lắm đây! Rồi người ta theo dõi. Bà ấy không tham gia vào Nhân Văn nhưng làm một, vài việc không hợp ý lãnh đạo lắm. Thí dụ như bà ấy thuê những phim như Hamlet chẳng hạn. Người ta nhìn vào đó người ta cho rằng: Ðấy! Cũng là một cách để đánh lạc hướng, cạnh tranh với những phim Tàu, Liên Xô không được hay, đưa cái phim Hamlet ra để át những phim kia! Thế rồi đến vở kịch, bà ấy cùng với anh Phan Tại, ở cùng nhà và có thân thiết đấy, tổ chức vở kịch Thầy Tú tức là Topaze của Marcel Pagnol, thế thì người ta cũng lại cho rằng tại sao trong nước cũng viết vở nọ, vở kia, thiếu gì, không diễn, mà lại đem vở kịch ấy ra. Khi đã nghi thì trông gà hóa cuốc, cái nọ thành ra cái kia. Thế là người ta quy bà cùng với anh Phan Tại vào tội gọi là "phá hoại chính trị" và đem ra xử, xử cùng một phiên tòa. Nhưng mà họ không hỏi tôi về bà Thụy An bao giờ cả. Lúc hỏi cung cũng thế và lúc ra tòa cũng thế, không hỏi về bà Thụy An. Và họ cũng không hỏi gì bà Thụy An về chuyện Nhân Văn cả mà cứ hỏi về chuyện riêng của bà ấy thôi. Nhưng người ta gây ra một sự hiểu nhầm, tức là tưởng như bà Thụy An cùng một vụ với tôi. Trong thời sự cũng như trong các tài liệu sách báo ghi lại này khác, thì bà Thụy An cứ là người trong Nhân Văn.
Có lần giam ở Hà Nội xong rồi người ta đưa chúng tôi lên trại giam Yên Bái. Chuyến đi ô-tô đó cùng đi có Thụy An, và cả tôi. Ðến lúc lên Yên Bái, ở trại giam người ta hỏi để ghi sơ bộ lý lịch. Người ta hỏi tôi thì tôi nhận tôi làm báo Nhân Văn Giai Phẩm, rồi phạm kỷ luật tuyên truyền nọ kia. Còn bà Thụy An, khi hỏi đến tội bà ấy, bà ấy trả lời một câu gọn lỏn, tôi ngạc nhiên hết sức, bà ấy khai: "Ðịch trong Nhân Văn!" Úi giời! Tôi giật nẩy mình. Tôi bảo: "Quái, cái bà này sao lại khai lạ lùng như thế này?"
Ðến năm 1973, trước khi được trả lại tự do, tôi có gặp lại bà ấy ở bệnh xá của một trại giam, Người ta chăm sức khỏe để cho về đấy. Tôi mới hỏi chị là:"Chị, tại sao chị lại nhận là "Ðịch trong Nhân Văn" là thế nào? Chị có ở trong Nhân Văn bao giờ đâu?" Thì bà ấy bảo: "Tôi bị công an nó hỏi cung, nó đe dọa, nó truy bức nặng quá, tôi đành phải nhận như thế cho qua chuyện. Tôi nhận liều. Tôi xin lỗi anh." Thế thôi. Chuyện nó buồn cười như vậy đó.
- TK: Thưa ông, ông được về trong trường hợp nào?
- NHÐ: Không phải là hết án mà về đâu chị ạ. Cũng không phải là nhà nước khoan hồng. Tôi về là ở trong cái diện gọi là "Ðại xá chính trị phạm trong hiệp định Paris." Bên miền Nam người ta cũng đại xá chính trị phạm. Miền Bắc cũng đại xá chính trị phạm. Trại tôi ở là thuần túy chính trị. Họ giải tán trại đó, tất cả những người giam ở đó đều được đưa về. Nhưng mà về rồi, cũng còn phải chịu cái tự do hạn chế, bị phân biệt đối xử thế nào đó, nhưng về danh nghĩa thì được đại xá đấy!
- TK: Thưa ông, ông có thể cho biết là hiện giờ ông sống như thế nào?
- NHÐ: Sau việc đàn áp rồi thì đến năm 73 tôi được về quê, quản chế mà. Cưỡng bức cư trú. Thì tôi cứ ở quê thôi. Ði đâu cũng phải qua công an cho giấy mới đi được. Còn anh em có phần dễ dàng hơn. Các anh ấy cũng bị đưa đi cải tạo, lao động, thực tế lao động này khác, chứ còn giam giữ thì chỉ có tôi với Phùng Cung thôi. Tôi bị 15 năm, anh Phùng Cung 12 năm. Một số anh em sau đó đã được phục hồi như chị đã biết đó: Trần Dần, Lê Ðạt, Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh, v.v..., Phùng Quán nữa. Bây giờ thì đời sống các anh ấy cũng đã tạm ổn định. Ðời sống của tôi thì trước gay go lắm, nhưng mà từ 1990, tôi đã được hưởng một cái lương hưu hạn chế, thực chất nó là một thứ trợ cấp thôi. Cách đây vài tháng thì tôi đã được cấp một gian nhà ở, vì tôi thuở bé đến giờ chưa bao giờ có nhà cả, bây giờ người ta cấp nhà, tuy rằng nhà cho thuê thôi, như thế cũng là phấn khởi lắm.
- TK: Trước khi từ giã, xin hỏi ông một câu hỏi chót là nếu so sánh với thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm thì việc tự do sáng tác ở thời này, khác với thời kỳ ấy như thế nào?
- NHÐ: Chị hỏi về việc sáng tác, thì riêng phần tôi, bây giờ tôi cũng có thể viết sách báo được. Người ta vẫn kiểm duyệt rất chặt chẽ, nhưng nếu mình viết khéo, mình viết cho đúng với đường lối chính sách, thì người ta cũng có thể in cho đấy. Có khả năng người ta in cho. Tôi chưa được in quyển nào bao giờ cả, nhưng mà viết báo thì tôi cũng viết năm, mười bài, người ta cũng để cho đăng thôi, miễn là đừng có động chạm gì lắm. Còn nói về cái sáng tác chung của mọi người, chuyện tự do sáng tác bây giờ như thế nào, thì tôi nói thật với chị là cái nguyên tắc chuyên chính vô sản, nguyên tắc của một nhà nước xã hội chủ nghĩa là quản lý rất chặt những sản phẩm tinh thần, sảm phẩm văn hóa. Cho nên ở Hà Nội này và cả trong nước, văn nghệ sĩ mà viết lách như thế là có hai cơ quan giám sát để người ta sàng lọc, người ta kiểm duyệt. Tức là:
1/ Ban Tư Tưởng Văn Hóa. Nó thay Ban Tuyên Huấn ngày xưa đấy. Ban Tư Tưởng Văn Hóa của Ðảng.
2/ Có những cơ quan an ninh thuộc Bộ Nội Vụ đấy.
Những cơ quan đó cũng theo dõi và khi cần, người ta cũng can thiệp vào nội dung của thơ văn. Hiện bây giờ nó như thế. Tóm lại là nó cũng không thay đổi gì lắm đâu! Cũng như thời trước thôi. Thực tế thì vẫn là phải lãnh đạo chặt chẽ ngành văn học nghệ thuật. Phải lãnh đạo chặt chẽ và anh em muốn làm được cái gì thì cũng phải phục tùng sự lãnh đạo đó, sự kiểm soát đó, sự sàng lọc đó. Nếu có những tác phẩm nào có giá trị, muốn được in ra, thì cái đó cũng phải trông nhờ sự sáng suốt của những cơ quan kiểm soát, những cơ quan lãnh đạo ấy, chứ không phải là tự cái hay, cái tốt của nó mà nó có thể ra đời, nó có thể đi đến quần chúng được. Tôi cho cái đó là rất tự nhiên thôi. Chừng nào mà Ðảng còn giữ độc quyền lãnh đạo, chừng nào còn có chuyên chính vô sản, thì việc đó phải là như thế thôi, không thể nào khác được. Tự do sáng tác phải lệ thuộc rất nhiều vào dân chủ hóa. Bao giờ có dân chủ hóa nhiều thì bấy giờ mới có tự do sáng tác nhiều. Hai cái đó nó gắn liền với nhau.
TK: Xin cám ơn ông Nguyễn Hữu Ðang.

Chương trình Văn Học Nghệ Thuật
 RFI ngày 3-9-1995 và 10/9/1995

© 1984-2012 Thụy Khuê

No comments:

Post a Comment