Monday, January 28, 2013

Nhân văn giai phẩm - Chương 25

Chương 25

Une Voix dans la nuit
Vấn Đề Trí Thức và Độc Tài Đảng Trị

Trong phần hai của tiểu thuyết Une voix dans la nuit, Nguyễn Mạnh Tường dùng hình thức đối thoại để mô tả cuộc chiến một mất một còn giữa người cộng sản và người trí thức, qua các cuộc nói chuyện tay đôi giữa Năng và Tổng Bí Thư; giữa Hiên và Đắc; giữa luật sư Mạn và bác sĩ Xuân. Người đọc tinh ý sẽ nhận ra Hiên và Mạn là hình ảnh Nguyễn Mạnh Tường, Đắc là Nguyễn Hữu Đang, người đến mời Nguyễn Mạnh Tường tham gia phong trào NVGP, và Xuân chính là bác sĩ Nguyễn Xuân Nguyên, người được chánh án Châu -Đặng Châu Tuệ- mời vào đảng Xã Hội cùng một lúc với Nguyễn Mạnh Tường. Tổng Bí Thư xuất hiện hai lần trong tiểu thuyết, lần đầu sau khi hoàn tất chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất -trên thực tế, trước tháng 10/1956, Trường Chinh làm Tổng Bí Thư, từ tháng 10/1956 đến tháng 9/1960, Hồ Chí Minh làm Chủ Tịch kiêm Tổng Bí Thư- và lần thứ nhì, khi Đảng quyết định làm đám ma cho hai đảng Xã hội và Dân chủ[1] lúc đó Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí Thư.
Hình thức đối thoại này mở cửa vào nội bộ của hai phía cộng sản và trí thức, trong quá trình hành động từ 1945 đến 1990, cho thấy họ hiểu rõ nhau đến mức độ nào, đồng thời xác định: Sự căm thù trí thức tuy là sản phẩm Mác-Lê-Mao, nhưng khi được áp dụng ở Việt Nam, đã trở thành sản phẩm Việt, khó có thể quy trách nhiệm cho Nga Tàu.
Chúng tôi trích dịch những đoạn mấu chốt, không bình luận, để ngôn ngữ Nguyễn Mạnh Tường trực tiếp đi vào tim óc người đọc.

● Người trí thức Việt Nam dưới mắt người cộng sản
"Vị Tổng Bí Thư bước xuống bậc cuối của nấc thang danh dự đón Năng được ông triệu tập đến tư dinh để đàm luận một vấn đề quan trọng. Vừa ngồi xuống bộ salon, nhắp ngụm trà ướp sen, ông chủ nhà đi ngay vào đề:
- Tôi mời đồng chí đến để cùng thảo luận về vấn đề trí thức. Sau khi giải quyết vấn đề Cải Cách Ruộng Đất, đánh bại tầng lớp địa chủ và sau khi thực hành Cải Tạo Tư Sản, chấm dứt sự bóc lột của bọn tư sản thành thị, đã đến lúc chúng ta phải đánh vào vấn đề trí thức.
Không ai chối cãi được sự quan trọng của chất xám trong thế giới tân tiến. Thế kỷ chúng ta đã chứng kiến những thành quả sáng ngời của khoa học trong mọi địa hạt. Người trí thức đã đạt địa vị cao quý trong xã hội và được hưởng sự kính trọng và khâm phục của cả nhân loại. Các đoàn thể trí thức mở rộng chi bộ, thế lực, liên đới nhau trong vũ trụ, bảo vệ quyền lợi của họ trước dư luận thế giới. Vậy sự khôn khéo khuyên chúng ta phải cẩn thận cực kỳ trong mối quan hệ với từng lớp trí thức, tránh tất cả mọi bực mình, mọi kết án đến từ dư luận thế giới. Nhưng trước khi đi thẳng vào vấn đề, chúng ta cần phải khảo sát khái niệm trí thức Việt Nam.
- Đồng chí Tổng Bí Thư hoàn toàn có lý, trí thức Việt Nam có những dấu ấn đặc thù khiến họ có một chỗ đứng riêng trong thế giới chung của trí thức.
- Theo đồng chí, những dấu ấn đặc thù ấy là gì? Từ nhiều năm nay đồng chí đã có dịp tiếp xúc với trí thức. Trong tất cả chúng ta, chỉ có đồng chí là duy nhất được hưởng đặc điểm này.
- Tôi rất tiếc sẽ làm đồng chí Tổng Bí Thư thất vọng. Tuy đã giao dịch nhiều với trí thức, nhưng tôi không dám nói là biết rõ họ.
- Tại sao? Tôi tưởng cứ gặp luôn thì khắc biết rõ người.
- Dạ đúng, nhưng chỉ đối với những người không phải là trí thức. Chúng ta chỉ có thể biết rõ những người ta giao dịch nếu họ không tìm cách giấu ta, hoặc có thể nói, họ sống đúng theo bản chất của họ, nghiã là, thẳng thắn phô bày cá tính, lột trần nét tự nhiên của họ. Những người cộng sản là như thế, họ thoải mái xử sự như những vị chúa tể. Còn bọn trí thức, ngược lại, sống khép kín, không để lộ tâm tư. Họ đứng nghiêm thẳng hàng theo đúng nghi thức, tránh gây chú ý. Trong các hội nghị hay các chỗ tụ họp đông đảo, họ cũng hô khẩu hiệu, cũng giơ tay, giơ nắm đấm, y hệt mọi người; giữ cùng một vẻ tôn kính khi nói với người cộng sản cũng như khi nói về những Đảng viên. Nhưng ta đừng ngây thơ tin rằng họ thật tình. Bởi nhát gan, bởi sợ bị đánh, bởi ghê tởm nhà tù, mà họ trở thành bậc thầy của nghệ thuật đóng kịch, nhưng đây không phải là sự đạo đức giả, mà là sự tự vệ. Còn khi bắt buộc phải phát biểu ý kiến trên diễn đàn, trong nội dung và ngôn ngữ bài diễn văn, trong lối phát âm, hướng nhìn, họ luôn luôn khăng khít hướng về biểu tượng búa liềm. Một người ngoại cuộc quan sát, sẽ tưởng đó là một Đảng viên thực thụ, nhất là bao giờ họ cũng kết luận bằng công thức nghi lễ: Chủ Nghiã Cộng Sản muôn năm!
Sự căm thù chính trị của họ sánh ngang với sự sợ công an. Trước hết họ muốn bảo vệ sự bình an của tâm hồn và nếu được, không tham dự những cuộc mít-tinh hoặc chỉ có mặt trong chốc lát, đủ để cho người ta thấy sự hiện diện. Trong những hội họp công việc, họ lắng nghe tranh cãi, nhưng hầu như không bao giờ lên tiếng, hoặc nếu bị mời phát biểu, thì họ luôn luôn đồng ý với những nhà lãnh đạo cộng sản. Ta không thể chê trách gì họ được, trừ cái sự chẳng được tích sự gì!"[2]
Sau khi phân tích hành động và tâm lý trí thức, Năng định nghiã trí thức, phân biệt rạch ròi trí thức thực và giả:
"Ở đây, tôi muốn nói những nhà trí thức đích thực, đối cực toàn diện với những trí thức giả mạo, ngực bơm phồng những tước hiệu chẳng ai kiểm chứng tính chân xác, những bằng cấp tạp nham mà giới thẩm quyền cũng chẳng thèm xem là thật hay giả, nhưng khi được một vị lãnh đạo bảo lãnh, thì tức khắc là có giá, kẻ mang bằng được hưởng tất cả lợi thế, vinh dự và giá trị của nó được giới văn hoá chính thức công nhận! (...)
Ở những nhà trí thức đích thực, nhân cách đi đôi với văn hoá. Văn hóa ở đây không có nghiã là kiến thức. Có những người đầy kiến thức, là chuyên viên hàng đầu trong địa hạt hoạt động của mình, nhưng họ vẫn vô văn hoá, bởi lối nhìn về con người, về vạn vật của họ ấu trĩ vô cùng. Sự nhận thức thực tế xã hội và con người của họ ngây ngô lạ lùng! Họ thiếu cái gì? Thiếu sự phán đoán được rèn luyện qua sách vở, thiếu sự giao tiếp với con người, thiếu tiếp cận những vấn đề của cuộc sống, thiếu trao đổi tư tưởng với người khác, thiếu sự suy nghĩ sâu xa và đúng đắn về những thành công và thất bại mà kinh nghiệm sống đem lại. (...)
Nhờ nhân cách và văn hoá mà người trí thức, trung quân trong thời phong kiến, có uy tín đối với quần chúng và được vương quyền nể trọng. Sau khi trúng những kỳ thi tuyển khó khăn, đỗ, ra làm quan cai trị dân là họ hoàn tất nhiệm vụ của mình. Dưới thời Pháp thuộc, giai cấp quan lại bị mất uy tín vì sa vào vòng thối nát hối lộ, mất đi cái hào quang xưa, trở thành cái bia cho báo chí và quần chúng chế giễu, phỉ báng. Nhưng lớp trí thức mới được đào tạo từ những trường hay đại học Pháp, lại nhận được di sản kính trọng mà những thế hệ xưa đã từng vinh dự được hưởng. Thêm một sự kiện mới nữa: Những trí thức tân học đích thực này đã tiếp nhận tinh thần dân chủ Pháp thoát thai từ cách mạng 1789. Họ không xa lạ gì với những quyền tự nhiên của con người.
Thưa đồng chí Tổng Bí Thư, cái nguy hiểm là ở chỗ đó: Con trùng dân chủ và nhân quyền đã thấm vào máu, nhất là tầng lớp quan lại xuất thân từ đại học Luật mới mở những năm gần đây. Dĩ nhiên có người vẫn còn chịu ảnh hưởng truyền thống cũ, có người là nạn nhân những di tật người trước để lại, nhưng trong đáy lòng họ, vẫn le lói ngọn lửa dân chủ"[3].
Trước những phân tích sáng suốt và minh bạch của Năng, Tổng Bí Thư trả lời:
- Tuy nhiên họ đều phục tùng cách mạng cả và họ đã phục vụ những lãnh đạo biết khai thác kiến thức và khả năng của họ. Họ đã giúp Đảng trong việc khởi thảo chế độ mới và xây dựng nhà nước Việt Nam mới, đứng trong hàng ngũ những nước dân chủ nhân dân.
- Xin đồng chí Tổng Bí Thư đừng nhầm! Nếu những người mà chúng ta nói ở đây quy phục cách mạng, là bởi vì họ bị lôi cuốn theo cái đà dân tộc để phá vỡ guồng máy bóc lột của thực dân và để phục hồi nền độc lập cho xứ sở. Tôi tin rằng không một ai chiến đấu trong hàng ngũ chúng ta không biết rằng, một khi độc lập rồi, chúng ta sẽ dừng lại ở đấy mà không tiếp tục tiến lên con đường cộng sản; con đường này ít người biết rõ những yếu tố cơ bản, ngay cả những người có học. Những kẻ xấu miệng nói thẳng rằng chúng ta bịp bợm. Nhưng có hề gì? Chúng ta không thể cứu kẻ không muốn cứu.
- Trong thâm tâm tôi thường tự hỏi rằng Hồ Chí Minh đã đem dân tộc bước qua con sông được xem là biên thùy của cộng sản; nhưng con người, nhân cách và cuộc đời của bác vẫn còn là một bí mật mà lịch sử sẽ phải giải quyết. Là con quan, trong tuổi thơ và tuổi thanh niên, bác đã nhận được một nền giáo dục cổ truyền của nhà nho. Những người yêu nước mà bác có dịp gần cận ở Paris lại chẳng có gì là cộng sản. Vậy bởi con đường bí mật nào mà ân sủng cộng sản đã đến với bác? Những kẻ hoài nghi cho là một phép lạ. Nhưng Đảng không hoài nghi niềm tin cộng sản của bác. Còn về phía kia, nhân dân vẫn luôn luôn tin vào khía cạnh truyền thống của bác. Về phần bác, bác cũng không làm gì để soi rõ bí ẩn này. Bên này hay bên kia đều bám vào định kiến của mình và vị lãnh tụ chơi và thắng trên cả hai bình diện. Điều lạ lùng là cả hai phía, thay vì đâm chém nhau, lại hoà hợp trong việc thờ phụng người anh hùng và còn tô vẽ thêm huyền thoại nữa.
- Hồ Chủ Tịch dường như đã thực hiện được sự đồng nhất hai cái tương phản: Trí thức và quần chúng gặp nhau trong cùng một sự tôn sùng. Nhưng nếu nhân dân cùng bước sau Đảng, bầy tỏ lòng tin vào chủ nghiã cộng sản, thì tự hỏi những người trí thức trong tận đáy lòng họ có chia sẻ niềm tin của nhân dân đối với chủ nghiã cộng sản hay không? Hay là thái độ của họ chẳng qua chỉ là vì sợ bị ngược đãi và bị khai trừ. Điều khiến chúng ta cần đặt vấn đề, là họ bị nhiễm độc con trùng dân chủ và các quyền tự nhiên của con người. Tôi không tin họ có thể chấp thuận vai trò lãnh đạo của giai cấp thợ thuyền; chấp nhận Đảng lãnh đạo Nhà Nước và tất cả mọi hoạt động kinh tế của xứ sở; chấp nhận Đảng sử dụng độc quyền chính trị, loại hết những tổ chức khác; chấp nhận Đảng đảm nhận lãnh đạo hành chính và luật pháp, cả các địa hạt văn chương, văn hoá, nghệ thuật!
- Dĩ nhiên rồi, thử nhìn lại toàn thể những phản đối mà bọn trí thức nuôi dưỡng chống lại chúng ta, là ta thấy họ không cam chịu quyền lực tuyệt đối mà Đảng nắm giữ không chia cho Nhà Nước và Chính Phủ trong sự phức tạp của phân quyền: hành chính, luật pháp, kinh tế, giáo dục, văn chương và nghệ thuật.
Tệ hơn nữa, chúng ta đã triệt hạ cá nhân và thay thế bằng tập thể, chúng ta đã ban hành sắc lệnh bãi bỏ sở hữu cá nhân để thay bằng sở hữu tập thể.
Chúng ta đã đưa giai cấp thợ thuyền lên cầm quyền thay cho trí thức bị truất địa vị cao quý và bị lột vòng nguyệt quế trước quần chúng.
Chúng ta đã hoàn thành sự nghiệp cách mạng, không chỉ trong cấu trúc xã hội mà còn trong cả việc cấu trúc lại trí tuệ và các hoạt động trí óc của con người. Dù muốn dù không, chúng ta đã phá sập nền móng suy nghĩ và hành động theo lối truyền thống và tổ chức lại trên những nền tảng mới. Vậy sự chống đối của tầng lớp trí thức là tất nhiên. Sở dĩ họ chưa bùng nổ lòng thù hận chống lại cộng sản, và tung ra những cuộc xung đột phá hoại trật tự công cộng và an ninh xã hội, là chỉ vì họ sợ bị rơi vào nanh vuốt của công an và pháp luật. Vậy chúng ta đã hiểu tại sao bọn trí thức lại cứ bo bo thận trọng ngậm miệng; sự khôn ngoan khuyên họ đừng biểu lộ mạnh mẽ, nên thận trọng từ tốn, nên tuân theo quy lệ. Đảng bị dồn vào một vị trí khó khăn: Đảng không thể hoá cải những kẻ trí thức này về với Đảng, mà cũng không thể trừng phạt họ vì thiếu vắng tất cả mọi hành động phá hoại.
- Thưa đồng chí Tổng Bí Thư, đồng chí đã nhận thấy rằng bức tường yên lặng mà bọn trí thức ẩn náu chỉ là cái pháo đài phòng thủ, do sự bi quan của những kẻ chiến bại xây dựng, để che chở cho chúng, khỏi cuộc tấn công không ngừng của chủ nghiã cộng sản vinh quang, rạng ngời ánh sáng. Theo đồng chí Tổng Bí Thư, chúng ta sẽ phải chọn con đường chính trị nào đối diện với sự kháng cự mãnh liệt này? Ở đây, thật không có nhiều khả năng lựa chọn. Chính trị bị đặt trước một giao thế duy nhất: hoặc là ta cứ để nguyên sự việc như vậy, kéo dài tình trạng này, hoặc là ta thi hành biện pháp mạnh, tức là trừng trị những kẻ mà chúng ta coi là thủ phạm, kẻ thù của chế độ, những kẻ khả nghi có manh tâm đối lập, cho chúng một bài học đích đáng.
- Đồng chí có đo lường trước hậu quả của một biện pháp như thế, tiếng vang của nó trong xã hội và trong quần chúng ra sao, bởi vì ta chưa kiếm ra được tội gì cụ thể của bọn người mà ta sẽ trừng phạt. Không lẽ lại buộc tội sự im lặng!
- Đồng chí Tổng Bí Thư hoàn toàn có lý. Chúng ta tự hào là một dân tộc văn minh, có toà án, có luật hình sự, không thể kết án mà không có bằng chứng! Vì vậy ta sẽ lập mưu cho bọn trí thức rơi vào bẫy khiến chúng không thể thoát được. Đó là một thủ đoạn quỷ quyệt, nhưng cứu cánh biện minh cho phương tiện! Hiện tôi chưa thấy rõ ràng, nhưng đại thể là ta quyến rũ chúng bằng miếng mồi dân chủ, làm chúng vấp ngã trong cái lưới to đặt trên hố bẫy hổ, chúng ta chỉ việc tóm lấy và đeo còng cả bọn!"[4]

● Người cộng sản dưới mắt người trí thức
Sau những bàn bạc giữa Năng và Tổng Bí Thư về một chiến lược đối đầu với trí thức, Nguyễn Mạnh Tường quay ống kính về phía trí thức: Một đêm, Hiên và Đắc, bí mật gặp nhau để bàn về khẩu hiệu "Trăm Hoa Đua Nở" vừa được ban hành ở Trung Quốc và ngọn gió đang thổi đến Việt Nam. Hiên thận trọng nói:
- Rút từ những kinh nghiệm quá khứ chúng ta phải rất thận trọng với tất cả những sản phẩm nhập cảng từ nước Tầu. Nhưng việc đầu tiên là phải phân tích cái khẩu hiệu này để liệt kê nội dung và hậu quả của nó.
- Công thức này riêng tôi thấy quá sáng tỏ. Còn có nghiã gì ngoài sự tự do cho trăm hoa đua nở, để mọi người cất cao tiếng nói, khác hẳn thời tự do bị bịt miệng đã qua.
- Mới nhìn thì anh có vẻ có lý. Nhưng chúng ta đừng vội kết luận rằng tự do và dân chủ đã toàn thắng. Trước hết, Đảng có đủ thẩm quyền cấm trăm hoa đua nở không? Có chứ! Đảng chỉ việc cấm trồng hoa. Vậy mà bây giờ Đảng lại cho trồng hoa, nhưng Đảng không thể cấm hoa nở, Đảng bắt buộc phải chấp nhận trăm hoa đua nở. Vậy cái việc cho phép trồng hoa và để cho hoa nở này có nghiã gì? Rất có thể chỉ để tuyên bố công khai rằng Đảng không còn là kẻ thù của cái đẹp dưới tất cả mọi hình thức và tất cả sắc thái của nó, chăng?"[5] Rồi Hiên phân tích sâu xa các khía cạnh của vấn đề và kết luận:
"Theo quan điểm của tôi, mỗi chế độ có những phần tử bất hảo mà họ muốn loại trừ. (...) Nhưng những kẻ trú ẩn trong im lặng khó có thể dò ra được. Sự im lặng mà họ bo bo gìn giữ, che chở cho họ hữu hiệu chẳng khác gì chiếc áo đỡ đạn chống lại bọn trộm cướp. Nay, phương tiện duy nhất làm họ bỏ cái vỏ này là gãi trúng chỗ ngứa. Tụi bay khao khát tự do ư? Ta sẽ giải khát cho bay bằng cách cho tự do sáng tác. Tụi bay muốn chơi trò chính trị ư? Thì cứ chơi! Ta cho chúng bay mặc sức diễn thuyết những xác tín và những chương trình hành động của bay bằng máy phóng thanh... Đó là cái bẫy ta giương ra cho bọn ngây thơ tin vào lòng ngay thẳng và sự thành thật của chính quyền cộng sản. Một khi tụi bay đã tự phát giác bản chất, lộ diện cái trần truồng mà trước đây được im lặng che đậy, thì dễ như bỡn, ta sẽ làm cho tụi bay bất động mãi mãi trong cõi yên lặng đời đời!"[6]Sau khi "đọc" rõ tư tưởng của Năng và Tổng Bí Thư, Hiên phân tích hành trình và tâm lý người cách mạng:
"Điều đầu tiên mà mọi người đều biết là sự thất học mà những người cách mạng phải chịu thiệt thòi. Thiếu điều kiện để học hành tới nơi tới chốn, những người vô sản Việt Nam đói khổ vô cùng, khi không có cơm ăn, làm sao có thể học được? Con đường duy nhất mở ra trước mắt là làm cách mạng. Những người may mắn nhất, trải muôn nghìn hiểm nguy, xuyên rừng, leo núi, chắp nối được với vô sản Trung quốc đang tranh đấu chống tư sản. Vậy nhận xét đầu tiên là người cách mạng Việt Nam đau bệnh vô học! Hậu quả của tình trạng này như thế nào?
Lẽ dĩ nhiên, họ không thể đọc những kinh điển Mác-xít, Lê-nin-nít trực tiếp qua văn bản, nên phải học lỏm nhờ sự sốt sắng của những người có khả năng, nhưng những người này cũng không đủ kiến thức để hiểu những vấn đề vô cùng đa dạng và phức tạp. Dầu sao đi nữa, những bí mật của thuật cai trị con người thoát khỏi tầm tay của họ. Kinh nghiệm cho thấy những người mắc bệnh mặc cảm thường bị cả tự ti lẫn tự tôn, hai mặc cảm bổ sung cho nhau, tiếp sức cho nhau, là hai mặt của cùng một trạng thái tinh thần. Người cộng sản vô học tự cảm thấy bị tổn thương khi tiếp xúc với người trí thức có văn hoá. Nhưng một khi lấy lại toàn bộ địa vị bề trên của mình, vị thủ lĩnh lập tức dùng quyền lực giáng đòn sấm sét xuống những kẻ bị nghi là thiếu kính trọng ông ta.
Vì thế, sau những hiểu lầm bi đát phát sinh từ những thành kiến vô lý, cộng sản thù ghét trí thức. Người cộng sản tưởng tượng rằng người trí thức khinh bỉ họ vì họ vô học. Người trí thức thì tin rằng người cộng sản say sưa quyền lực, dùng sự chuyên chế bạo ngược để củng cố và bảo tồn quyền lực của mình. Theo chỗ tôi biết, không có một cuộc đàm luận nào được tổ chức để hai phía nhìn rõ mặt nhau, giải thích, để hiểu nhau và đi đến chỗ cộng lực xây dựng đất nước. Đó là một giấc mộng đẹp, và như tất cả các giấc mộng, không thể thực hiện được. Chướng ngại vật là dân chủ"[7].
● Lý do thành lập Nhân Văn Giai Phẩm
Đắc tiếp lời:
- Như anh vừa nói, chúng ta là một bọn mưu phản. Một nhóm trí thức âm mưu đòi dân chủ. Ở nước khác, những cuộc hội thảo trí thức hay ý thức hệ được tổ chức giữa ban ngày, hoặc trên báo, hoặc trong những buổi họp mặt công cộng. Ở nước ta, sự cấm đoán đè nặng lên người trí thức, chính quyền chỉ chấp nhận một thái dộ duy nhất: quỳ gối, cúi đầu, ngậm miệng. Tất cả mọi tiếng nói cất lên cùng đồng thanh nhất trí hô khẩu hiệu trung thành với Đảng. Trong điều kiện đó, người cầm quyền có thể yên vị trị vì và hô hoán với bàn dân thiên hạ rằng ở Việt Nam tất cả đều VÌ dân, DO dân! (POUR le peuple, PAR le peuple!) Quần chúng thì quỳ mọp tung hô: Đảng thắng lợi! Đảng muôn năm! (...) Vậy ta thử hỏi: cái gì DO dân làm? Tất cả những biện pháp lập hiến và hành chánh, tất cả những quyết định, những nghị quyết mà dân chúng phải thi hành, không do người dân làm ra, mà do những cơ quan, những hội, những viện, mà TẤT CẢ mọi thành viên đều là cộng sản hoặc phục tòng cộng sản và áp dụng triệt để mệnh lệnh của Đảng. Vậy làm sao ta có thể chấp nhận rằng tất cả đều DO dân làm mà không khỏi chau mày? Đó là sự dối trá hiển nhiên, vô liêm sỉ, chỉ được chấp nhận bởi một số nhỏ những kẻ yếu tinh thần, say sưa ảo tưởng về Đảng hoặc hy vọng được Đảng nhận làm đầy tớ.
- Vậy thì phải làm thế nào? Hiên hỏi.
- Chúng tôi thành lập một nhóm nhỏ trí thức trong đó có vài người trong đảng. Không phải để tranh đấu đánh đổ chế độ, mà chỉ để đạt được một số cải cách giúp mọi người dễ thở hơn. Mặc dù mục đích khiêm nhượng -ít nhất dưới mắt anh em- chúng tôi làm theo cách của cộng sản: nghiã là trong bóng tối. Chỉ gặp nhau hai người một, không bao giờ ở trong nhà vì những bức tường thường có tai mà hẹn ở công viên hoặc trên vỉa hè thành phố. Dĩ nhiên là không có ủy ban lãnh đạo, và không giữ tài liệu gì trong túi hoặc trong nhà để có thể phương hại đến bản thân.
- Bây giờ tôi hiểu rồi. Vậy tôi có thể làm gì giúp các anh?
- Anh là một trí thức tầm cỡ: anh có văn hoá cao, lại không màng đến tiền bạc và vinh dự, sự liêm khiết của anh, phẩm cách của anh đã nổi tiếng trong đám chúng ta. Anh em hân hạnh muốn biết ý kiến của anh đối với những vấn đề mà anh em đang thắc mắc. Anh nghĩ sao về chế độ chúng ta đang sống?
Hiên im lặng trầm ngâm một lúc rồi trả lời:
Nếu lưu tâm đến thực tế hàng ngày đang quy định đời sống dân tộc và quan sát kỹ àngc, chúng ta có thể nhận thấy chế độ này có ba tính cách đặc thù:
1/ Cá nhân chủ nghiã bị hạ bệ và khai trừ. Tập thể lên ngôi và làm bá chủ trong tất cả mọi lãnh vực hoạt động.
2/ Đảng đảm nhiệm chỉ đạo và điều khiển tất cả.
3/ Chúng ta sống trong sự vắng mặt của tất cả mọi thứ tự do đương nhiên và quyền con người.
Vậy sẽ rất bổ ích nếu chúng ta khảo sát từng tính chất một và phân tích giá trị của nó[8].


 

● Cá nhân và tập thể
Để giải thích sự xung đột giữa những cặp phạm trù: Cá nhân và tập thể, trí thức và cộng sản, Hiên nhắc lại sự xâm nhập cá nhân chủ nghiã vào Việt Nam:
"Trước tiên, phải công nhận rằng cá nhân và cá nhân chủ nghiã không phải là sản phẩm Việt Nam mà được nhập cảng từ Pháp, nó phát sinh từ cách mạng 1789.
Trong xã hội cổ truyền của ta, tập thể gia đình ngự trị. Tất cả mọi thành viên trong gia đình sống chung dưới một mái nhà, cùng làm việc trên một mảnh đất, ăn chung một mâm cơm. Kết quả nẩy sinh một sức mạnh chung là tổng hợp những sức mạnh của mỗi cá nhân trong gia đình, và sợi dây liên lạc máu mủ cùng lợi ích vật chất và kinh tế cũng không bị lỏng lẻo, suy yếu.
Cá nhân chủ nghiã, được nhập cảng, đã đến nước ta từ khi Pháp xâm chiếm; bởi vì nó thúc đẩy và kích động sản xuất, bởi vì nó tác động trực tiếp tới lợi ích cá nhân, tới tính ích kỷ của người lao động cho nên nó kích thích mọi cố gắng (...)
Vì vậy, khi chính quyền Pháp đem kinh tế thị trường vào cùng với chủ nghĩa kinh tế cá nhân, hệ thống mới này chinh phục ngay xã hội ta, vì nó biểu hiệu một mô hình hoạt động vô cùng cao hơn hệ thống hiện hành. Những thành phố sinh sôi nẩy nở, kinh tế thành thị mở rộng tiểu công nghệ, tiểu sản xuất kỹ nghệ và thương mại.
Trong điều kiện mới này, sự sản xuất nông nghiệp trong kinh tế nông thôn suy đồi dần, tập thể gia đình bị giải tán. Con cái bỏ cha mẹ lên tỉnh làm việc, và không có gì ngạc nhiên khi thấy cá nhân chủ nghiã đã tiến những bước khổng lồ"[9].
Trở lại vấn đề văn hoá, Hiên nói tiếp:
"Văn hóa là tinh chất của cá nhân, nó ưu đãi sự nẩy nở cá nhân chủ nghĩa nơi người trí thức. Trong thời phong kiến, mẫu người có văn hoá điển hình là ông quan cai trị. Nhưng ông ta được tôn kính không phải vì chức năng mà vì sự học rộng, vì cái nhã độ trong phong cách, vì sự lịch lãm trong ngôn ngữ và sự minh triết trong cách xử thế.
Khi kinh tế thực dân ngự trị đất nước, điều khiển những phương tiện sản xuất và bất động sản tư nhân, thì cá nhân chủ nghiã thắng lợi trên mọi phương diện. Những người trí thức tân tiến mà văn hoá đã cá nhân hoá trí tuệ, chễm chệ trong tiện nghi của căn nhà mới. Tuy nhiên, nhờ sự tự trọng và biết trọng danh dự, họ giữ vững được lương tri của mình và tôn trọng ý thức quần chúng, cộng thêm cái uy tín của sự hiểu rộng, người trí thức vẫn được quần chúng ngưỡng mộ".
Hiên kết luận: "Vấn đề trọng đại của nước ta và dân tộc ta là vấn đề xung đột giữa văn hoá và chính trị.
Sự xung đột này có thật và hiện hữu, phải liệt kê những lý do phát sinh. Mặc dù trí thức được vinh danh trong xã hội phong kiến, chế độ cộng sản đã quay ngược tình thế và tìm cách trói họ vào cột bêu đầu tội phạm, để công chúng nguyền rủa; trách họ không tha thiết đến số phận người dân, chui đầu vào những thú khoái lạc dâm ô, tự khép kín trong những tháp ngà mà cảm khoái nghệ thuật ngăn cản không cho họ nghe thấy tiếng thở than của lớp người cùng khốn. Sự hủ bại sâu xa của người trí thức, là do cá nhân chủ nghiã, nó đã giới hạn tầm nhìn của con người, đã ngăn chặn họ thừa nhận sự hiện diện của quần chúng bình dân, của tập thể lao động vất vả ngày đêm để đảm bảo tiện nghi đời sống. Cái cá nhân chủ nghĩa của bọn trí thức đáng bêu thây, sỉ nhục.
Nhưng chiến dịch phỉ báng những người có văn hoá cũng chỉ kéo được một số trí thức khốn khổ, bị sợ hãi và tham vọng bám riết, tới quỳ mọp dưới chân chính quyền, còn phần đông đều giữ vững quan điểm, giữ được sự tôn trọng và quý mến của quần chúng thành thị"[10].
Hiên nói tiếp: "Theo tôi, người cộng sản thấy người trí thức là đại diện quan trọng nhất, đủ tư cách nhất, thậm chí là hiện thân của chủ nghiã cá nhân. Thế mà chúng ta lại biết rằng chủ nghiã cá nhân là đối cực của chủ nghiã cộng sản, giữa hai thực thể này đã có cuộc đấu tranh quyết liệt chỉ ngừng khi một bên bị triệt hạ hoàn toàn. Mọi người cũng lại biết rằng người trí thức không thể chịu được bất cứ sự hỗn tạp, chung lộn nào, bởi chung lộn là bắt buộc phải chungđụng với những phần tử mà mình không thích. Một mặt khác, người trí thức cho rằng cái xác định con người, là nhân cách riêng của nó: mỗi cá thể là một nhân cách. Con người thay đổi và có nhiều mặt[11], chính tính cách đa diện là dấu ấn đặc biệt của con người. Chúng ta đã thấy dưới thời phát xít Hitler và Mussoloni, khi những thực thể sống động là con người phải mặc cùng một loạt đồng phục, cùng bước một nhịp, cùng hô một khẩu hiệu, cùng có một cử chỉ, thì những thực thể ấy đã trở thành người máy, sự tự động đã thay thế cho sự biến đổi, máy móc thay thế cho đời sống! Nhưng cuối cùng, không ai thành công trong sự máy móc hoá dân tộc mình mãi mãi.
Hơn nữa, sự thù nghịch của cộng sản đối với trí thức còn được giải thích bằng sự gắn bó không thể tiêu diệt (l'attachement indéfectible), không thể khước từ (irréfragable) của trí thức đối với những giá trị dân chủ. Vậy từ đâu mà có sự gắn bó này? Là bởi vì, trong mối song quan (dilemme): chính quyền - dân chúng, không một người trí thức nào lựa chọn chính quyền, trừ phi họ bị những tham vọng đê tiện dẫn dắt. Ta đứng về phía dân chúng bởi vì chính ta là người dân. Chế độ dân chủ cho tới bây giờ là hình thức chính quyền duy nhất thực hành công bằng và công lý, làm việc cho dân. Uy tín của chế độ này đã khiến chính những chế độ cộng sản cũng không ngừng tự xưng mình là dân chủ, là làm việc cho dân![12]

● Trí thức và cộng sản: ngày và đêm
Đào sâu hơn nữa vào sự xung đột giữa cộng sản và trí thức, Hiên nói tiếp: "Sự xung đột giữa đôi bên không thể giải quyết được bởi vì nó đụng tới bản chất và lý do tồn tại của chủ nghiã cộng sản. Thực thế, hai quan niệm về đời sống và về con người, chống nhau trong một sự kình địch chỉ có thể biến mất khi chế độ cộng sản xụp đổ!
Trước hết, chủ nghiã tập thể đặt nền móng trên một quan niệm toán học về con người. Theo đó, con người không là gì cả, chỉ một con số trừu tượng, có thể thay người này bằng người kia, hệt như một người lính thuộc quân số của một đơn vị nhà binh dưới mắt người chỉ huy. Tên, tuổi, trọng lượng, tầm vóc, của mỗi người không quan trọng, chỉ có tổng số lính là đáng kể! Thế mà cá nhân chủ nghiã lại nhấn mạnh đến chất lượng của cá thể, tức là những dấu hiệu đặc thù phân biệt người này với người kia trong cùng một chủng loại và tuyên bố mỗi con người là một thực thể khác nhau.
Chủ nghiã tập thể, không tha thiết gì đến con người và từ chối sự khác biệt giữa người và người. Con người được chính quyền tạo ra để sử dụng đã gây tổn thất nặng nề cho cá nhân, yếu tố mà tập thể không thèm biết đến sự hiện hữu.
Ngược lại, cá nhân chủ nghiã đưa con người lên mức quan tâm hàng đầu. Con người tự lấy mình làm cứu cánh, không phải là phương tiện để phục vụ bất kỳ một cái gì. Cây người phải được vun trồng cho nở hoa và đơm trái. Để đạt tới mục đích này, cần phải học, phải biết rõ con người, biết tất cả những dấu hiệu khác biệt của nhân cách qua những yếu tố tối giản của cá tính.
Vì vậy, chủ nghiã tập thể và chủ nghiã cá nhân đối nghịch như ngày với đêm: có cái này thì không thể có cái kia: hai bên không bao giờ gặp nhau. Chủ nghiã cộng sản tập thể không bao giờ hiểu được chủ nghĩa cá nhân của người trí thức.
Dân chủ là chiến trường thứ nhì giữa trí thức và cộng sản. Ở thời điểm người cộng sản tranh đấu bí mật, họ dựa trên dân, nhờ dân nuôi dưỡng và che chở khỏi sự lùng bắt của mật thám. Từ khi lên nắm chính quyền, họ luôn luôn cam đoan trung thành đối với những ân nhân xưa, tuyên bố nguyện ước tranh đấu cho dân và làm tất cả vì dân. Nhưng đó chỉ là những lời hứa hão và cái hố càng ngày càng đào sâu giữa người dân và chính quyền cộng sản. Người trí thức, từ lòng dân tộc mà ra, tự cảm thấy mình có sứ mệnh dân chủ.
Người cộng sản khi lên cầm quyền, từ chối thay đổi khẩu hiệu, tiếp tục tuyên bố: Vì dân. Do dân. Nhưng cái dân tộc mà họ vin vào đó, biết rõ hơn ai hết rằng chẳng có cái gì do dân làm cả, lý do hiển nhiên là dân không có quyền bầu những đại biểu của mình trong chính quyền và vì vậy dân không có quyền biểu quyết những chính sách được áp dụng ở trong nước. Quốc hội và tất cả những cơ quan cầm quyền, trong mọi lãnh vực hoạt động, đều tràn đầy cộng sản, từ ủy ban chỉ đạo tới ủy viên bình thường, không có một cái gì làm ở trong nước mà không qua sự chỉ đạo và kiểm soát của những người cộng sản hoặc những người sắp vào đảng, họ đánh nhau để chiếm chỗ, ra sức ngoan ngoãn, dễ bảo, tận tụy với Đảng. Biểu thức "Do dân" vì vậy không có ý nghiã gì.
Trực diện với độc quyền mở vào con đường lộng hành, bất công, bất bình đẳng và những đàn áp đủ mọi hình thức, giấc mơ duy nhất để an ủi là quay về với dân chủ (...)
Những người trí thức bị nghi ngờ nuôi dưỡng hy vọng dân chủ trong lòng, bị coi là những kẻ thù của chế độ. Để cấp cho những hình phạt mà họ quyết định ở toà án một cái bề ngoài hợp pháp, những kẻ cầm quyền trở thành luật gia ngẫu hứng, bịa ra một tội ác không có ở bất cứ bộ luật nào, là tội "phản động". Tất cả mọi người trí thức không chia sẻ đường lối cộng sản đều bị coi là "kẻ phản động" và bị giáng từ 10 đến 20 năm tù. Những quyền tự do cơ bản và nhân quyền, phản ảnh kích thước văn minh của một nước bằng sự đề cao danh dự và phẩm cách con người, không được biết đến ở Việt Nam[13].

● Đảng Xã Hội và Đảng Dân Chủ
Nguyễn Mạnh Tường, thành viên của đảng Xã Hội, xoay ống kính vào hậu trường chính trị của sự ra đời và xoá sổ hai đảng Xã Hội và Dân Chủ. Năng được triệu tập đến dinh Tổng Bí Thư, để bàn về việc dẹp hai đảng Xã Hội và Dân Chủ, đã được dựng nên trong thời kháng chiến. Đầu tiên hết, Tổng Bí Thư giải thích nguồn cội sự ra đời của hai đảng để Năng nắm rõ tình hình:
"- Như đồng chí đã biết, Đảng ta đã lập ra đảng Xã Hội và đảng Dân Chủ. Đảng Xã Hội dành cho bọn trí thức và đảng Dân Chủ dành cho bọn tư sản. Đồng chí cũng biết rằng Đảng không làm điều gì mà không cân nhắc kỹ. Những người mác-xít cố chấp có thể trách ta đã xây dựng những đảng phái sai trật hẳn với quan niệm mác-xít của một đảng chính trị.
Rằng hai đảng này không đáp ứng đúng đòi hỏi mác-xít, chúng ta xin lỗi, nhưng ta có cái lý của ta. Trước cách mạng, trường Pháp đã đào tạo ra nhiều thế hệ trí thức đã theo ta trong kháng chiến. Nhưng trong 10 năm kháng chiến, trường Pháp còn đào tạo thêm những thế hệ trí thức khác. Khi trở về Hà Nội, một số đã bỏ ta, đi làm, đi học ở nước ngoài. Đối với những kẻ ở lại, ta không thể bỏ rơi họ. Trước hết, vì lợi ích của chính họ, giúp họ theo kịp những tiến bộ của nhân dân dưới sự lãnh đạo của ta. Rồi khi trở về Hà Nội sau mười năm kháng chiến, ta vấp phải một tầng lớp dân chúng đã quá quen nghe nói đến tự do và nhân quyền; vì không muốn lộ bộ mặt chậm tiến, nên ta phải nói cùng thứ ngôn ngữ với bọn thực dân Pháp cũ. Ta phải giả đò tôn trọng quyền của người dân được lập những đảng phái chính trị để bảo vệ quyền lợi của họ. Sau cùng, về mặt đối ngoại, chúng ta phải bảo đảm với dư luận thế giới, về những tự do chính trị mà chúng ta sẽ cho dân hưởng sau khi người Pháp đi khỏi. Nhưng dĩ nhiên là dưới cái bề mặt phỉnh gạt ấy, chúng ta không thể mất cảnh giác, mà phải tiếp tục điều khiển hai cái đảng mà chúng ta gọi là "anh em" từ lúc mới dựng chúng nên và trong suốt thời gian chúng còn hoạt động. Ta đã khuyến khích một vài trí thức nổi tiếng cái ý lập hai đảng. Vậy là dưới sự thúc đẩy của ta và nhờ sự cố vấn của ta mà hai cái đảng này được khai sinh trong đời sống chính trị và chập chững bước đầu. Chính ta cấp ngân quỹ cho hai đảng anh em. Chính ta đã gài trong mỗi đảng những uỷ viên chính trị có nhiệm vụ theo dõi hoạt động của chúng để báo cáo kịp thời cho ta biết những chệch hướng hay những lệch lạc có thể xẩy ra, và trực tiếp truyền lệnh của ta cho chúng thi hành. Bây giờ, đồng chí hãy báo cáo cho tôi biết sự hoạt động của chúng mà đồng chí có trách nhiệm theo dõi.
- Xin báo cáo đồng chí Tổng Bí Thư: tình hình là lạc quan. Hai đảng anh em cư xử rất được. Những ủy viên chính trị mà ta gài vào đã làm việc thật tuyệt vời. Ngay khi đến, họ đã biết kết hợp cương với nhu, họ đã làm cho hai uỷ ban trung ương và hai chủ tịch của hai đảng này hiểu rõ rằng không có một văn kiện chính thức nào - diễn thuyết, thông điệp, tuyên ngôn, diễn văn khai mạc hay bế mạc - có thể được ký mà không qua ý kiến của họ. Không có một cuộc trả lời phỏng vấn nào mà không có họ chứng kiến. Bọn kia tuân thủ răm rắp. Hai tên tổng bí thư cũng như toàn thể đảng viên của hai cái đảng này đều là kháng chiến cũ. Chúng đã được giáo dục tốt. Không màu. Không mùi. Vô hại. Có miệng nhưng câm như hến. Tránh liên quan. Cung kính tuyệt đối trước lãnh đạo! Đối với chúng, ta có thể yên tâm ngủ khò.
Nhưng tôi có bổn phận phải báo cáo đồng chí Tổng Bí Thư cái mặt trái của mề đai. Trước hết, số đảng viên quá ít. Ngoài phố họ cười ầm lên, mỗi đảng không được một trăm mống! Điều bất hạnh là trong cái đảng Xã Hội mệnh danh "trí thức", chỉ có độ mươi mống trí thức chính hiệu! Chỗ còn lại là giáo viên tiểu học, thợ thủ công, cán bộ hạng xoàng, được đưa vào để gồng số đảng viên. Trong cái đảng Dân Chủ, số tư sản có chút vốn chỉ độ hai, ba mạng, phần còn lại toàn bọn buôn bán lẹt đẹt, cán bộ tép riu. Để được vào hai đảng này, chỉ cần xuất trình phẩm trật kháng chiến!
Bọn chúng được cấp giấy hạnh kiểm tốt, chứng nhận tận tụy với Đảng cầm quyền mà chúng khoe là "anh em". Uy tín của chúng đối với quần chúng là zê-rô, chúng cũng chẳng có ảnh hưởng chính trị gì, mặc dù những tên cầm đầu vênh vang trên ô tô nhà nước và trong những buổi hội họp công cộng, chúng được nhận những chức vụ mà ta dùng cho lãnh đạo Đảng ta, nhưng của chúng chỉ để gáy. Đúng là một vở tuồng mà ta cho chúng diễn và chúng đóng trò hề này rất cần mẫn chăm chỉ. Mặc tất cả những cung kính mà ta dành cho chúng trong những lễ nghi chính thức, những kẻ xấu miệng vẫn gọi chúng là con rối, là bù nhìn, họ kêu ầm lên: "Giễu! Sao Đảng chẳng chọn những diễn viên khôi hài hơn, dệt những con rối tức cười hơn để giải trí!"
- Nếu chúng ta quyết định dẹp hai cái đảng này và ra sắc lệnh chấm dứt trò hề, đồng chí có thấy bất tiện không?
- Nếu được phép nói thật, tôi sẽ thú thực với đồng chí Tổng Bí Thư rằng xây dựng một cái đảng đã là tế nhị, mà giải tán một cái đảng lại còn vô cùng tế nhị hơn. Nhất là trong hoàn cảnh hiện thời! Dù bọn nhà trò có giễu dở đến đâu, dù vở tuồng có nhạt nhẽo thế nào, công chúng đã có thói quen xem chúng múa may trên sân khấu, chơi trò hề và làm phụ diễn hài hước cho khán giả cười bể bụng. Không hiếm người than phiền chế độ ta hà khắc bởi chính trị len vào khắp cả và cơ hội được cười thả cửa quá hiếm. Hai đảng "anh em" bộ điệu nghiêm trọng không hề nao núng, chấp hành hết sảy công tác nhái mà ta dạy, kích thích khán giả phì cười, nhưng trước bàn dân thiên hạ, mọi người lại phải ôm bụng nhịn, về nhà mới dám xả láng với bà con bè bạn.
- Những lời đồng chí vừa nói khiến ta càng dứt khoát quyết định không làm trò hề cho thiên hạ nữa. Thực ra, Đảng cũng ớn việc cứ giơ sườn ra cho chúng chế giễu, nhạo báng làm mất uy tín. Chúng ta rất nhạy cảm với sự châm biếm và không gì làm chúng ta đau lòng hơn là thấy quần chúng giễu ta và những nhân vật chỉ có một tội ác duy nhất là đã vâng mệnh ta một cách dễ bảo không ngờ, thậm chí bất ngờ! Khi ta hạ màn, trả họ về với những bận rộn hàng ngày, phẩm giá của những người "anh em" đã sốt sắng tự hạ mình để phục vụ ta, sẽ đỡ bị sứt mẻ và Đảng ta sẽ lấy lại được cái uy tín mà những sai phạm đã ít nhiều làm tổn hại.
Ngoài ra, như đồng chí cũng đã biết, gần đây ở một vài nước châu Âu đã bắt đầu có mầm mống phong trào đa nguyên. Bổn phận của chúng ta là phải trang bị một ý thức chính xác về mối nguy cơ này cho Đảng.
 Lấy cớ rằng mỗi đầu người có một ý kiến, và chính sự đối chất giữa các ý kiến khác nhau sẽ nẩy sinh ra sự thật, rằng sự độc quyền một đảng, bất cứ giá trị của đảng viên như thế nào, cũng dẫn thẳng đến sự chuyên chế, độc tài; bọn chúng đề nghị chúng ta cho phát triển sự đa đảng. (...)
Chúng ta không đặt mình vào địa vị đối lập với chân lý và tiến bộ. Nhưng chúng ta từ chối làm kẻ Bị Lừa Bịp, tin lời Lường Gạt của bọn Lang Băm. Những điều mà chúng đề nghị tưởng mới mẻ gì, thực ra đã cũ mèm từ hai thế kỷ: chế độ đại nghị! Một chế độ chính trị cũ rích.
Dưới mắt những người cộng sản chúng ta, chủ nghiã đa nguyên là một trò hề nực cười nhất. Bắt đầu bằng cuộc bầu cử. Trong đó kẻ nào chửi bới đối phương một cách hèn hạ nhất sẽ thắng, người ta sáng chế ra những dối trá nếu cần, để hạ địch thủ. Còn về chương trình hành động, người ta đua nhau ném ra những lời hứa biết trước là không thể giữ được. Có quan hệ gì? Miễn là được bầu. Một khi đã qua cầu rồi thì không kẻ nào quay nhìn phía sau, nhớ lại những điều lường gạt đã tung ra để lấy phiếu. Cử tri đóng vai ngố rừng trong trò bịp bợm này. (...)
Làm sao một chính quyền thối nát ngay từ đầu có thể làm tròn phận sự? Lại càng khó khăn hơn khi chính quyền này bị chia cắt làm ba: Lập Pháp chiếm ưu thế, được chọn thành phần Cầm Quyền (Hành Pháp), rồi tới phiên Hành Pháp chọn nhân viên của Tư Pháp. Đúng lô gích thì Lập Pháp mạnh thế, bởi được dân bầu trực tiếp, có quyền chỉ định thành phần Cầm Quyền. Rủi thay, quyền của họ chỉ dừng ở đó. Họ không có quyền kiểm soát hữu hiệu và thường trực hoạt động của nhà Cầm Quyền, và họ cũng không có quyền hội họp hàng ngày, phải đợi được triệu tập trong những điều kiện pháp định.
 Về Tư Pháp, người ta nhìn nhận nó có quyền độc lập khi thi hành nhiệm vụ, nhưng cũng không thể chối cãi là ngành này gồm những công chức, phụ thuộc vào nhà Cầm Quyền để được thăng quan tiến chức, vậy họ phải tìm cách ở trong ân sủng của nhà Cầm Quyền, điều này có nghiã gì, ai mà chẳng biết (...)
Thấy ông Tổng Bí Thư có vẻ lạc đề, hăng hái trong việc "mô tả" chế độ đại nghị, Năng tìm cách đưa ông trở lại đề tài quan trọng trước mắt là làm sập tiệm hai cái đảng Xã Hội và Dân Chủ:
- Thưa đồng chí Tổng Bí Thư, nếu đồng chí cho phép dùng thứ ngôn ngữ hình ảnh, tôi xin so sánh hai đảng này như hai cái nhà chòi được dựng trong hội chợ và tháo rỡ khi tan hội. Để thu hút khách xem, có một kẻ cầm loa rêu rao khoác lác những điểm lạ thường trên thân chú lùn, người khổng lồ, hoặc người đàn bà mình cây, ở trong chòi. Nhưng đám đông cứ tỉnh bơ, bởi chủ nhà chòi làm ăn dở quá. Ngược lại, Đảng ta gợi hình ảnh một toà lâu đài vĩ đại mà nền móng thách đố sự vận chuyển nhiều thế kỷ, đầy tràn một xã hội công an hoá và một lớp hầu cận kiểu cách (personnel stylé).
 Ở đây ta làm tốt công việc, dưới quyền điều khiển của những xếp thông minh, nhìn suốt hiện tại đến tương lai, bước ra ngoài phạm vi lâu đài để ôm lấy toàn thể đất nước và ra khỏi bọn cư dân để đến với toàn thể nhân dân!
- Này đồng chí, ý ta muốn đạp đổ luôn hai cái nhà chòi của đảng Xã Hội và đảng Dân Chủ. Bởi chúng huỷ hoại cảnh đẹp, làm xấu tầm nhìn, gây sốc cho cảm quan. Vậy theo đồng chí, nếu hai cái nhà chòi này biến mất có làm dư luận bất bình không?
- Tôi chắc là không. Hai cái đảng này thiếu đảng viên và không có một ảnh hưởng nào trong xã hội. Dĩ nhiên ai cũng biết bọn đảng viên của hai cái đảng này vô hại, không mùi, không màu, và người ta cũng biết chúng là con hoang của Đảng ta, không ai chú ý đến sự hiện diện của chúng! Vì chẳng ai để ý đến sự có mặt của chúng cho nên cũng chẳng ai thấy sự biến mất của chúng! Nhưng tôi vẫn chưa hiểu tại sao chúng ta lại từ chối quyền sống cho hai cái đảng này? Chúng chỉ chiếm một chỗ rất nhỏ, chỉ mở miệng để hô khẩu hiệu và hót muôn năm, vạn tuế Đảng.
- Chúng ta đã phạm sai lầm khi khai sinh ra chúng và đã để chúng héo mòn không cho chúng quyền hiện hữu, không cho chúng quyền cộng tác với chúng ta, cùng làm việc cho hạnh phúc vĩnh cửu chung. Trong những điều kiện như thế, ta nhận thấy rằng hài kịch đã kéo dài quá lâu mà chẳng có lợi lộc gì cho ta và nhất là cho lũ con rối mà ta đã tạo ra! Lý do trọng đại hơn, chính là chúng ta phải hết sức cảnh giác vì trên thế giới mới xuất hiện một phong trào, dưới nhãn hiệu bảo vệ dân chủ, kích thích sự sinh xôi nẩy nở các đảng phái chính trị để chặn đứng con đường chuyên chế vinh quang của đảng cộng sản!
Thưa đồng chí Tổng Bí Thư, làm sao mà đồng chí không có lý cho được. Một khi những căn nhà chòi đã bị tiêu diệt, chỉ cần vài nhát chổi là xoá sạch dấu vết. Trong tất cả mọi gia đình người ta đều quên tiệt bọn con hoang.
 Với sự cho phép của đồng chí Tổng Bí Thư, chúng tôi sẽ tìm cách tổ chức cho chúng một đám ma trọng thể để chứng tỏ lòng ngưỡng mộ của chúng ta đối với hai cái đảng "anh em" mà sự dễ bảo xứng đáng được hưởng những lời khen thưởng của tất cả những chủ nhân ông đang thiếu kẻ hầu người hạ!"[14]

● Đám ma đảng Dân Chủ và Xã Hội
"Buổi chiều đó, Đảng Cộng sản tổ chức tại nhà hát Hà Nội đám ma hai đảng anh em: đảng Xã Hội và đảng Dân Chủ.
Trên sân khấu, những chiếc ghế bành được dành cho chóp bu ba đảng. Khách mời bước vào nhà hát chói mắt vì sự lạm phát màu sắc: màu đỏ choé lên khắp các băng vải trúc bâu giăng trên tường, chữ vàng óng dán trên vải tán dương sự vinh quang của bộ ba mác-xít Mác - Enghen - Lênin, của chủ tịch Hồ và con đường chính trị của Đảng. Nhưng lần này, những băng-rôn cất tiếng ca tụng sự đoàn kết, tình hữu nghị anh em ba đảng. Điều thiếu nhất là không khí đưa ma, đáng lý phải làm cho cử tọa nghiêm chỉnh lên tới độ u ám đau buồn. Nhưng người ta cứ cười nói tự nhiên như không. Tất cả đều cho thấy, nếu như người ta không thích thú, thì cũng chẳng ai buồn bã gì cho cái chết của hai đảng con hoang. Mấy tay giễu dở còn tuyên bố rằng quét sạch hai đảng anh em khỏi sân khấu chính trị, chúng ta để dành được món tiền to đã trợ cấp cho chúng. Một kẻ khác chêm vào: Ôi may mắn thay! Từ nay, trong những buổi họp công cộng cũng như trong ra-đi-ô hay trên truyền hình, ta chỉ phải chịu (trận) diễn văn của Đảng cầm quyền và được tha bổng khỏi diễn văn nhái của hai đảng anh em. Tổng cộng, chúng ta không phải rỏ một giọt nước mắt nào cho số phận người quá cố, ngược lại, chúng ta được cười hể hả vì thoát khỏi bọn rách việc!"[15]
Trong buổi lễ, chẳng ai nghe diễn văn chính thức, riêng các thành viên của hai đảng mới chết, ghé tai nhau thì thầm những giai thoại, những bi hài kịch mà họ đã trải qua.
"Sự kết án tử hình đảng Xã Hội mà đảng cộng sản là cha đẻ, là vú nuôi, không gây một tiếng vang nào trong giới trí thức Việt Nam. Nó sống hay chết, người trí thức cũng không mất ăn mất ngủ vì nó!
Mỗi năm, vào ngày 3 tháng 2, sinh nhật Đảng Cộng Sản, là ngày lễ quốc khánh. Chính quyền không ban sắc lệnh gì về việc này, nhưng tất cả các tổ chức, không loại trừ hình thức nào, dưới sự hướng dẫn của Đảng Cộng Sản, đều hết sức vinh hạnh được long trọng tổ chức những buổi họp mặt để ca tụng vinh quang và thắng lợi của Đảng Cộng Sản trong quá khứ và chúc mừng Đảng tương lai ngày càng sáng lạng hơn. Một cái đảng cầm đầu một dân tộc; dân tộc này, ít ra ngoài mặt, tung hô niềm tin vào Đảng, quỳ mọp trước Đảng để thề nguyện trung thành, vì lợi mà cũng vì hèn, sợ bị hành hạ, bị trừng phạt dưới mọi hình thức, đó là cảnh tượng bầy ra trước mắt những người cộng sản cầm quyền. Trước thành công tuyệt vời đã đạt được, họ ngủ yên mãn nguyện vì đã thoả lòng ham muốn, đã toại nguyện ước ao"[16].

● Đối thoại giữa hai trí thức, thành viên đảng Xã Hội
"Hai người, bác sĩ y khoa Xuân và luật khoa tiến sĩ Mạn đi từ từ xuống bậc thềm, dáng mơ mộng. Hai thành viên của cái đảng Xã Hội bị giết và chôn hôm nay trao đổi kỷ niệm với nhau.
- Anh còn nhớ thời ở Hà Nam, cách Hà Nội sáu mươi cây số trong Liên Khu Hai không? Gia đình tôi trú ngụ trong nhà một địa chủ. Tôi chữa mắt cho bệnh nhân và dạy nhãn khoa trong trung tâm huấn luyện y khoa bên kia sông Đáy.
- Còn tôi, luật sư Mạn trả lời, gia đình tôi được một gia đình công giáo ở Bích Tri đón nhận. Mỗi tháng tôi bị gọi lên toà án Binh làm luật sư cãi cho bị can. Một hôm đồng chí Châu là Chánh Án Toà Đại Hình đến chơi. Ông ta cho biết có đảng Xã Hội Việt Nam mới được dựng nên ít lâu nay:
"Chúng tôi biết ông rất kỵ cái việc vào Đảng Cộng Sản vì ông không thích làm chính trị, nên tôi mời ông vào đảng Xã Hội. Đảng này không có kỷ luật chặt chẽ: không có tiểu tổ và không phải họp hàng tuần. Đảng này, đúng như tên gọi của nó, có bổn phận xây dựng tại Việt Nam một chủ nghiã xã hội, loại bỏ sự bóc lột trong kinh tế và xã hội, bảo đảm ưu thế của người lao động, dù chân tay hay trí óc. Tôi không đi vào chi tiết nhưng có thể bảo đảm với ông rằng đây là một đảng tiến bộ phù hợp với người trí thức. Cũng xin nói thêm là đã được một học giả nổi tiếng là cụ Bùi Kỷ gia nhập".
- Châu cũng nói với tôi những điều tương tự. Tôi cũng được người ta cho biết là không nên từ chối lời mời của Đảng cầm quyền. Nhất là nếu mình chẳng được gì thì cũng chẳng mất gì.
- Chúng ta có thể tự hỏi vì lý do gì Đảng cầm quyền đã cảm thấy sự cần thiết phải xây dựng hai đảng "anh em". Theo ý tôi, lý do chính là những người cầm quyền không muốn và không thể để cho bọn trí thức và bọn tư sản lọt ra ngoài vòng kiểm soát của họ. Những đảng anh em được tạo ra nhằm mục đích "nhốt trại chính trị" (encaserner politiquement) tầng lớp trí thức. Không một cá nhân, không một nhóm người nào có thể để cho tự do được. Sự tự do bị cấm ở Việt Nam. (La liberté est intredite au Vietnam).
- Tôi còn thấy một lý do khác: Phong trào thúc đẩy trí thức và tư sản về Hà Nội đoàn tụ với bà con ngày càng không cưỡng lại được. Vì lẽ gì? Trước hết vì sự bất ổn do máy bay oanh tạc và đêm hôm bị lính com-măng-đô lẻn vào cướp của giết người. Sau cùng là sự kiểm soát quá tỷ mỷ của những người cầm quyền cộng sản, công an nổi, công an chìm, thêm sự đói khổ cùng cực vì kiếm sống ở chiến khu vô cùng khó khăn. Chẳng một người chồng nào dù kiên nhẫn và chịu đựng đến đâu, có thể đeo mãi bên cạnh lũ vợ con không ngừng than van khóc lóc ngày đêm. Kiệt lực, anh ta đành đầu hàng, thuê một chiếc thuyền tam bản chở cả gia đình lúc nhúc ngược sông Đáy về tới Đông Quan, cửa thành Hà Nội. Đảng Xã Hội có thể tập trung phong trào này, chận đứng nó lại và giữ những người trí thức còn lại không cho bỏ vào thành. (...)
- Làm sao có thể quên được sự thống khổ mà chúng ta đã trải qua trên hành trình đi tới nơi hẹn mà chúng ta được các nhà lãnh đạo mời, tại một căn nhà lá biệt lập ở phía nam Phủ Lý, chỗ con đường rẽ hai, ngã phải đi Ninh Bình và ngã trái về Nam Định (?)(...) Tôi chắc mái tranh người ta hẹn chỉ là nơi trú của những người canh đêm. Khi bước vào, sự bần cùng dơ dáy tởm lợm đến khó chịu. Trên nền đất, một cái chiếu rách được trải ra. Vách đất há hốc đầy lỗ thủng lớn. Trên bức vách trong cùng, một giải băng vải đỏ hò hét những chữ vàng: "Đảng Cộng Sản Việt Nam muôn năm!" Lá cờ Liên Xô với dấu hiệu búa liềm đối diện với cờ Việt Nam sao vàng trên nền đỏ. Ba vị thánh mác-xít ngự trị vai kề vai với chủ tịch Hồ. Ba đồng chí cộng sản trong đó có Châu, đón và giải nghĩa cho biết là chúng ta được mời đến để làm lễ tuyên thệ với Đảng Cộng Sản và Đảng Xã Hội. Họ yêu cầu chúng ta phải thề vâng lệnh và trung thành với cả hai đảng; chúng ta giơ tay phải và thề. Buổi lễ đơn giản khốn cùng không gây cho chúng ta ấn tượng gì. Nếu ngày nay chúng ta nhớ lại chỉ bởi vì cái đám táng của hai đảng Xã Hội và Dân Chủ vừa được tổ chức với những nghi thức đập vào mắt. (...)
- Tôi nghĩ rằng người ta đã rắp tâm cho chúng ta biết trước những gì có thể chờ đợi ở đảng Xã Hội. Người ta muốn nhấn mạnh rằng tổ chức này chỉ là bà con nghèo mà người ta giữ trong nhà vì lòng từ thiện, chỉ được hưởng phần cơm thừa canh cặn, chỉ có nhiệm vụ hầu hạ và tuyệt đối gọi dạ bảo vâng. Họ mời ta là để cho biết không nên có ảo tưởng gì về vai trò của mình!
- Dĩ nhiên là chúng ta hiểu rõ điều đó. Và nếu ngày hôm nay cái đám tang mà chúng ta đau buồn đến dự được trọng thể như thế này, lý do quan trọng là để, trái với những gì đã xẩy ra trong hơn một thập kỷ, người ta muốn thổi phồng tầm quan trọng của đảng Xã Hội, cho nó một vai trò mà nó chưa bao giờ có. Trong bối cảnh chế độ đa nguyên đang mở rộng và thắng thế trên thế giới, nước Việt Nam muốn chống lại bằng một sự khước từ dứt khoát, quả quyết. Người ta đã làm một trò bịp bợm lớn lao: Phần "Quan Trọng" của đảng Xã Hội đã tự nguyện tự huỷ để củng cố và mở rộng đảng Cộng Sản mà độc quyền lãnh đạo đã được xây dựng trong sự thoả hiệp nhất trí giữa các đảng phái dân tộc. Bộ dạng trịnh trọng ngày hôm nay là để công bố cho mọi người biết cái chết tự chọn của các đảng phái "anh em" và sự độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng Sản.
Khá khen cho cho những nhà lãnh đạo trong thủ đoạn quỷ quyệt của họ, ngày trước họ dựng nên và ngày nay họ tiêu diệt hai đảng anh em. Một sự thực mà đến mãi bây giờ chúng ta mới hiểu và cuối cùng chúng ta đã hiểu rằng chính quyền cộng sản không bao giờ sai lầm, ngay cả khi họ không có quyền hảnh xử như họ đã làm![17]

● Độc quyền lãnh đạo
Sau khi đi dự buổi lễ vinh thăng Đảng Cộng Sản nhân ngày kỷ niệm sinh nhật 3/2, Đắc và Hiên dừng lại ở một công viên thì thầm trò chuyện. Hiên hỏi:
- Anh nghĩ sao về việc kết án tử hình hai đảng anh em mà đảng Cộng Sản là cha đẻ và cha nuôi?
- Thực ra thì tôi thấy không cần phải bóp cổ hai đứa con mà đảng Cộng Sản đã cho ra đời. Đó là những hài nhi ngoan ngoãn khó bì, giữ trò con rối tuyệt vời. Những máy người này được vô dầu mỡ tốt đến độ chúng chạy hay như những người máy. Đó là những máy hát thời xưa chỉ biết đọc những đĩa cũ. Mặc dù hai đảng anh em biểu thị rõ đặc điểm câm và ỳ, nhưng chúng vẫn là những đảng chính trị có thể làm lợi cho phong trào đa nguyên đa đảng. Vì vậy, đảng Cộng Sản Việt Nam thấy cần phải khẳng định sự độc quyền lãnh đạo.
- Đi từ thực tế Việt Nam, chúng ta thử trình bầy sự độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng Sản:
Một cái đảng giữ độc quyền lãnh đạo khai trừ tất cả những đảng khác, là hình ảnh một kỵ sỹ phi ngựa một mình. Quyền lực của nó là tuyệt đối, nó không lệ thuộc vào bất kỳ điều kiện nào. Nó không cần ai làm cố vấn, không cần hỏi ý kiến người khác. Không thể làm gì nếu không có lệnh của nó và tất cả mọi lệnh mà nó ban ra phải được thi hành. Nó không chịu bất cứ sự kiểm soát nào. Nó cho phép, thậm chí khuyến khích tung hô những cái hay mà nó làm, nhưng cấm phán đoán và phê bình những cái dở do nó gây ra. Luật pháp diễn tả ý nguyện của dân, nhưng cái đảng này ở trên luật pháp và ở trên dân. Không một thẩm quyền nào có thể xử án cái đảng, bởi vì nó không thể tạo ra một toà án để xử chính nó. Nó có thể ra lệnh cho thuộc dân của nó phải tự kiểm thảo, nhưng bản thân nó không làm. Không có con đường kháng cáo nào chống lại một trong những quyết định bị dân kêu ca của nó. Chỉ có nước chờ sự phán xét của Thượng Đế! Nhưng cái đảng còn ở trên Thượng Đế!
Khuyết tật cơ bản của chế độ này là kẻ cầm quyền, khi cần quyết định, không thể lựa trong một số biện pháp khác nhau đã được tuyển chọn, mà hắn chỉ có một biện pháp duy nhất là của chính hắn, mà chưa chắc đã hay.
Người ta có thể phản bác rằng lãnh tụ thế nào chả hỏi ý kiến những nhân vật trong Bộ Chính Trị, trong Ban Bí Thư, trong Ủy Ban Trung Ương Đảng. Nhưng đừng nên quên rằng, trong Đảng bao trùm một không khí kỷ luật sắt và sự lo sợ bị trừng phạt và tham vọng được thăng quan tiến chức và được hưởng đủ loại ân huệ bổng lộc, từ nhà ở, lương bổng, đến những công vụ béo bở ở nước ngoài, rồi những lợi lộc mà con cái được hưởng, và sự sợ hãi cũng như tham vọng làm tê liệt cái lưỡi của hơn một người cộng sản và giải thích tại sao tất cả những thuộc hạ khi được Lãnh Tụ hỏi ý kiến luôn luôn nghiêng mình với nụ cười và tuyên bố kinh ngạc trước thiên tài và sự thông bác của Lãnh Tụ!
Người dân cũng vậy, không thể nào khác, một khi có vinh hạnh được Đảng hỏi đến!
Lãnh Tụ có thể than thở như Moïse: "Tôi đầy quyền lực nhưng cô đơn", nhưng hắn không thể đợi một sự cứu trợ nào của Thượng Đế bởi vì chính hắn là Thượng Đế trong xứ sở của hắn. Hắn bị cấm cố chung thân trong cô đơn!
Hai cuộc Cải Cách Ruộng Đất và Cải Tạo Tư Sản dẫn tới sự tịch thu đơn thuần ruộng đất trong tay địa chủ ở thôn quê và nhà cửa trong tay gia chủ ở thị thành.
 Cuộc cách mạng hoàn tất năm 1945 tự nhận là vô sản. Những người cách mạng vô sản không những thiếu văn hoá trí thức, lại cũng không có động sản và bất động sản nữa, có nghiã là họ không thể cai trị một xứ sở, điều khiển một dân tộc. Không thể đòi hỏi gì ở những người bụng rỗng, quần áo rách, không có cơm ăn, không có nhà trú qua đêm. Khi người ta thiếu tiền, người ta lấy ở chỗ có. Đó là ăn cắp và trong một xã hội có luật, có cảnh sát, thì sẽ bị bắt, bị tù. Nhưng những người cách mạng vô sản nào có coi luật lệ ra gì: họ chỉ cần tuyên bố trắng rằng sở hữu là ăn cắp! Rằng những người có đất có nhà đồng loã với phản động, rằng tất cả đều phải biết câu: lấy của kẻ cắp, không phải là ăn cắp! Về phương diện kỹ thuật thì chỉ cần ban sắc lệnh bãi bỏ sở hữu cá nhân. Là xong![18]
● Vai trò của Quốc hội
Hiên và Đắc, hai trí thức đích thực còn sống tới thập niên 90, nhận định hiện tình sau "đổi mới":
"Luật được "bầu" ở Quốc Hội. Nay cái quốc hội này gồm trăm phần trăm cộng sản chính thức và cộng sản ngầm (crypto communistes) luôn luôn bày tỏ, xác nhận sự trung thành triệt để đối với chính quyền. Cũng có thể mức độ văn hoá của những thành viên trong quốc hội không cho phép họ đề xuất những cuộc thảo luận và phê bình quá khó khăn về kinh tế và luật pháp. Cái quốc hội này được coi là đại diện của dân nhưng nó lại là đại diện của Đảng, và tất cả những điều luật được nó biểu quyết đều do chính quyền gợi ý hay làm ra!
Đảng và Nhà Nước điều khiển Quốc hội, ngự trên tất cả luật pháp. Quốc Hội lập pháp không đảm trách bất cứ một chức năng chính trị nào, nó không can dự vào việc thành lập chính phủ, cũng không lật đổ chính phủ bằng cách bỏ phiếu bất tín nhiệm. Những người cầm quyền, như vậy, không thể bị tố cáo trước pháp luật, họ ở trên pháp luật và công lý. Trong tất cả các nước văn minh, nguyên tắc thiêng liêng thần thánh là phải tôn trọng sự độc lập của quan toà trong khi họ thi hành nhiệm vụ. Vậy mà ở Việt Nam, các thẩm phán trước khi quyết định tuyên án phải hỏi ý kiến người cầm đầu Đảng. Nhưng nếu đối với phần đông thiên hạ, công lý chẳng có trên đời, thì ở đây câu này lại càng đúng hơn nữa: thẩm quyền công lý không bao trùm những tội ác lớn nhỏ của những người cầm quyền. Cho nên sự vô trách nhiệm của họ thật toàn diện, trọn vẹn, không chỉ trong địa hạt chính trị mà cả pháp lý (...).
Bây giờ chúng ta đã biết thế nào là sự độc quyền cai trị ở đó sự tuyệt đối vô trách nhiệm trải rộng trên mọi địa hạt! Trong môi trường xã hội như thế, nếu cái vi mô đi cạnh cái vĩ mô thì chắc chắn cái vĩ mô sẽ nuốt chửng cái vi mô, không cho nó cơ hội sống theo ý muốn, theo sở thích, mà buộc nó phải chịu theo kỷ luật tập thể, tổ chức cuộc đời bằng cách bắt chước người khác, không được tỏ ý kiến riêng về một lối sống, một ý thích cá nhân nào. Xã hội là một trại lính mênh mông và kỷ luật tập thể áp dụng cho tất cả. Xin một giấy phép đặc biệt để ra trại vô cùng khó khăn và trong đời sống hàng ngày, triệt để cấm diễn tả tự do ý kiến của mình, nhất là ý kiến phê phán cấp trên và những người có chức quyền. Tất cả những ai vô tình hay cố ý vi phạm kỷ luật tập thể, sẽ bị kết tội có khuynh hướng "phản động" và bị trừng phạt nặng nề. Người ta không ra lệnh cho dân phải mặc đồng phục, chỉ vì sự đói khổ đã bắt họ mặc cái đồng phục tôi đòi. Nhưng người ta có thể cưỡng bức nhét vào mọi đầu óc, sự tôn thờ cùng một sắc độ chính trị, chấp nhận cùng một thái độ trí thức, cùng tôn sùng những thánh thần cộng sản. Một tiếng kèn trổi lên, tất cả bắt đầu cùng bước, cùng cất giọng đồng ca!
Người ta dạy dân tín điều Mác-xít xưa nay Việt Nam không ai biết, còn thực hành thì người dân chỉ biết những cấm điều phải tuyệt đối tuân theo, mặc dù trong những diễn văn gửi đến cử tọa quốc tế, các lãnh đạo chối tiệt, bảo ở Việt Nam làm gì có cấm. Ví dụ người ta hay nói đến dân chủ, nhưng những quyền tự do đương nhiên và quyền con người thì không được biết đến ở Việt Nam. Hay quyền tự do ý kiến, có trong tất cả các nước dân chủ, cũng không được biết ở Việt Nam. Cấm phê bình chỉ trích những người cầm quyền trong Đảng và những quyết định của họ, cấm cả sự không tán thành (...)
Tất cả báo chí, dù ở đâu, tuyệt đối không dám có một bài viết, bài báo ngắn hay bản tin để lộ một ý kiến xấu đối với những người cầm quyền hay đối với đường lối chính trị của Đảng. Một sự kiểm duyệt tỷ mỷ, cẩn mật, đầy cảnh giác không bao giờ cho in những dòng chữ khiếp đảm như thế"[19].
Phải công nhận rằng Đảng đã kiến trúc sự độc quyền lãnh đạo một cách hoàn hảo! Đó là một công trình bất hủ không thể khám phá ra một vết rạn nhỏ và sự thiết bị cũng tuyệt vời đến nỗi không một con kiến nào có thể lọt qua mà không bị bắt quả tang trong tầm thấy của người gác (détenteur) và qua mắt ống chuẩn trực (collimateur)!"[20]
Về hiện tình kinh tế thị trường định hướng xã hội chũ nghiã: "Có người kết luận: Như thế chế độ cộng sản chỉ kéo dài ở Việt Nam trong có một thế hệ. Con cái những nhà cách mạng tiên phong đã trở thành những nhà tư bản chính cống, giết cha về mặt chính trị. (...)
Nay, độc quyền đảng trị cho phép tất cả cán bộ cộng sản được quyền ban những quyết định có trọng lượng vàng: Một chữ ký dưới cái giấy chứng nhận mang lại cho người ký một phong bì đầy đô la, đưa tận tay, kín đáo, vắng bặt những con mắt hiếu kỳ ô uế, câm tiệt những xì xào của kẻ xấu miệng"[21].

Une voix dans la nuit, tác phẩm áp chót của Nguyễn Mạnh Tường, viết xong ngày 19/3/1993, ở tuổi 84-85, cho tới nay là cuốn sách có hệ thống, khúc chiết và sâu xa nhất bao trùm toàn bộ hành trình thiết lập chế độ độc tài toàn trị ở Việt Nam.
Hiện nay, mọi người dường như đã "thích nghi" với "chế độ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghiã".
 Ngậm miệng là điều kiện cần và đủ để thành công mọi mặt, từ công việc làm ăn đến thăng quan tiến chức. Từ miếng giấy thông hành về nước, đến việc dạy học, việc mở hội thảo ở Việt Nam.
Ngoại trừ những khuôn mặt can trường đã vào tù, tinh thần trí thức hướng dẫn xã hội và dân tộc đến bình đẳng tự do, dân chủ, đã bị dẹp tan, gần như diệt chủng, kể cả những "trí thức" đã đi du học, làm việc ở nước ngoài, đã được giải thưởng quốc tế, cũng lộn về để nhận ân sủng, phẩm hàm, nhà cửa.
Thông điệp Nguyễn Mạnh Tường để lại cho chúng ta, mạnh mẽ và dứt khoát: Sống không chỉ có ăn mặc, có nhà cửa, có phẩm hàm, địa vị, mà còn phải có văn hoá, tư tưởng. Phải đòi cho được quyền làm người. Cho chính mình và cho người khác. Nếu không, con người sẽ chẳng khác gì con vật.
Paris ngày 17/9/2011
Bổ sung lần cuối ngày 23/11/2012
Thụy Khuê

 

[1] Trên thực tế, đảng Dân Chủ thành lập ngày 30/6/1944, giải thể ngày 20/10/1988; đảng Xã Hội thành lập ngày 22/7/1946, giải thể ngày 15/10/1988.
[2] Trang 62- 63.
[3] Trang 63-64-65.
[4] Trang 63-64-65-67.
[5] Trang 68.
[6] Trang 68-69.
[7] Trang 70.
[8] Trang 70-71.
[9] Trang 72.
[10] Trang 74-75.
[11] Con người thay đổi và có nhiều mặt NMT lấy lại câu: L'homme est ondoyant et divers" của Montaigne.
[12] Trang 77.
[13] Trang 80-81.
[14] Trang 85-86-86 bis-87.
[15] Trang 87.
[16] Trang 95.
[17] Trang 95.
[18] Trang 96-97.
[19] Trang 100- 101.
[20] Trang 99.
[21] Trang 102.

© 1984-2012 Thụy Khuê

No comments:

Post a Comment