Anh bộ đội thương binh vừa tỉnh lại sáng nay / Đã hỏi thăm em người cáng thương hôm trước / “Cô ấy ngã mấy lần tôi đếm được / Mà sao không khóc mới lạ lùng!” (Những bông hoa trên tuyến lửa, Đỗ Trung Quân).
Nhắc lại bài thơ kể về những đồng đội một thuở cùng khoác màu áo xanh thanh niên xung phong (TNXP) trên chiến trường biên giới Tây Nam, nhà thơ Đỗ Trung Quân trầm ngâm: Khi vừa ngưng tiếng súng, TNXP phải ở lại để băng bó, chăm sóc các chiến sĩ bị thương. Không ít lần một tay dìu thương binh, một tay siết cò phá vòng vây của địch…
Chắc anh hiểu rồi em ở tấm lòng / Nước mắt chỉ dành cho người ngã xuống / Nên dù té đau, gai rừng đâm chân buốt / Đâu để vết thương anh rỉ máu hai lần… “Đâu để vết thương anh rỉ máu hai lần”, câu thơ da diết ấy đọc trong tháng 7 đền ơn đáp nghĩa này, phải chăng như sự gợi ý cho những suy ngẫm, chẳng hạn về công cuộc “hàn gắn vết thương chiến tranh” thời hậu chiến - đã có bao vết thương đã rỉ máu hai lần...
Em là người thanh niên xung phong / Không có súng, chỉ có đôi vai cáng thương, tải đạn / Giữa tầm đạn thù, tấm lòng dũng cảm / Em vượt đường dài tiếp thêm lửa tiến công…
Vậy đó, người nữ TNXP ở đây đã bước vào trận chiến như lẽ thường tình của “giặt đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Tháng 7, đất phương Nam là mùa mưa. Từng mùa mưa về trên mảnh đất nông trường; mùa mưa nào cũng giống nhau nhưng rồi có một mùa mưa không bao giờ trở lại: mùa mưa theo tiếng gọi của đất nước, các chàng trai cô gái từ nông trường ra biên giới dẫu biết rằng có đôi khi đi không trở lại: Tôi thấy rồi em ơi giữa cuộc hành quân / Niềm kiêu hãnh trong mắt em kỳ lạ / Trong chiếc áo bạc màu đôi miếng vá / Cô gái Việt Nam đẹp đến lạ thường / Ôi! những bông hoa nở giữa chiến trường.
Bài thơ “Những bông hoa trên tuyến lửa” được nhạc sĩ TNXP Nguyễn Cửu Dũng phổ nhạc, và có thể nói thế hệ TNXP thời hoa lửa đó đều thuộc và nhớ mãi đến tận hôm nay. Ở trong rừng đâu có gương soi / Làm sao em thấy được vết bầm trên má / Chuyến tải thương về mấy lần trượt ngã / Vì mùa mưa nào chưa dứt ở đây. Mùa mưa 2012, phó Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP.HCM, chị Hoàng Thị Diễm Trang, chia sẻ cảm xúc khi hát lại ca khúc này và tưởng nhớ đến người bạn đời cũng là TNXP: “Em đã đi suốt 35 năm trên con đường có nắng vàng rực rỡ, có khoảng trời biên giới Tây Nam ngập tràn mùi thuốc súng, ngậm ngùi khi có người ra đi không bao giờ trở lại cho tổ quốc bình yên. Anh thích em mặc đồng phục TNXP, đội nón tai bèo ngâm bài thơ “Những bông hoa trên tuyến lửa”. Anh nói đó là hình ảnh đẹp của cô gái TNXP ở chiến trường biên giới Tây Nam …”.
Những kỷ niệm của một thời hoa lửa khốc liệt giờ đây đã trở thành một cõi lưu niệm thiêng liêng trong lòng những cựu TNXP.
No comments:
Post a Comment