Tháng 7 luôn nhắc đến những người đã ngã xuống để giữ gìn từng tấc đất quê hương. Trong tôi cũng vậy. Tháng này chợt nhớ đến bao đồng đội màu áo thanh niên xung phong (TNXP) của một thời để yêu và để nhớ.
Tờ báo tường bị miểng cắt làm hai / Đội phó chính trị một mình loay hoay ngồi dán / Miếng cắt nhằm ngay bài thơ tải đạn / Tác giả mới hy sinh trong trận đánh hồi chiều / Nên bài thơ đành bỏ dỡ mấy câu (Tờ báo tường trên chốt tiền tiêu, Cao Vũ Huy Miên)
Đó là câu chuyện của năm 1977. Những TNXP hưởng ứng lời kêu gọi của Tổ quốc lại sẵn sàng, ba lô trên vai lên đường ra biên giới, đảm nhận nhiệm vụ, làm đường, cáng thương tải đạn trên chiến trường Cam Pu Chia ác liệt. Và ngay cả ở giữ lửa đạn cuộc chiến, những chàng trai, cô gái vẫn ngời lạc quan của sức xuân tuổi trẻ: Mặt trận mới yên giờ nghỉ không lâu / Ngồi trên miệng hầm vẫn còn lo giặc pháo / Đội phó chính trị thúc: “mỗi người bài báo” / Ai cũng loay hoay tranh thủ viết ngồi, nằm / Chính ủy Sư đoàn thường ghé tạt hỏi thăm: / “Tờ báo tường Thanh niên xung phong ra chửa đấy?” / Đội phó chính trị gãi đầu, thưa: “thiếu giấy”… / Chính ủy xua tay vào một đám lá rừng
Sự hồn nhiên kỳ lạ của tuổi trẻ khi mà cuộc chiến tranh vệ quốc vừa kết thúc, họ lại cùng cha anh mình tiếp tục bước vào cuộc chiến mới mà không ai ngờ đến sẽ xảy ra. Để rồi ngày đi với đầy đủ các anh em đồng chí từng sát cánh bên nhau trên mặt trận lao động ngày nào, nhưng ngày hoàn thành nhiệm vụ Quốc tế trở về,đã phải chia tay biết bao đồng chí, đã hy sinh trên chiến trường xứ Chùa Tháp ác liệt thuở ấy. Trong một trận càn của giặc vào một buổi sáng tháng 7-1978, những TNXP đã vĩnh viễn mất đi 24 người đồng đội.
Tờ báo tường bị miểng cắt làm hai / Bài thơ tải đạn dở dang không còn viết tiếp / Người làm thơ nằm im thiêm thiếp / Cây viết gãy còn nắm chặt trong tay
Tác giả của “Tờ báo tường trên chốt tiền tiêu”, từng tâm sự với bè bạn về một ước mơ: “Đến một ngày nào điều kiện cho phép, chúng ta sẽ di chuyển tất cả những hài cốt đội viên TNXP về một nghĩa trang riêng, để gia đình, bạn bè tiện việc thăm viếng, đồng thời cũng sẽ chọn một vùng đất nào đó, có đặc điểm lịch sử với Lực lượng TNXP thành phố, dựng lên một tượng đài TNXP, có nam, có nữ để tưởng nhớ và kỷ niệm một lớp tuổi trẻ của thành phố đã và sẽ dâng hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Chốt mùa mưa cò trắng đậu bơ vơ / Giặc bắn tỉa qua đàn cò bay nháo nhác / Mặt trận mới yên chiều lại nghe tiếng hát / Xác giặc phơi mùi trong gió oi nồng…
Sáng sớm 22-7-1978, Trung đội 3 (thuộc Đại đội 3, Liên đội 5) gồm 26 TNXP, trong đó có tám nữ, vừa đặt chân đến chốt mới ở gần xã Long Phước, huyện Bến Cầu (Tây Ninh) được một ngày. Nhiệm vụ chính của họ là chống lầy thông đường cho xe bộ đội đi qua nên chỉ được trang bị vài khẩu súng tự vệ. Yên tâm với một đơn vị bộ đội đóng quân ở vòng ngoài, họ đặt lưng xuống sau một ngày mệt lả. Khi cả trung đội còn đang ngủ thì quân giặc bất ngờ tấn công. Đơn vị bộ đội ở chốt ngoài đã nhận lệnh rút đi đột xuất trong đêm nên không kịp thông báo cho họ biết.
“…Mặt trời vừa lên thì bọn quỷ cũng vừa rút đi. Trên bãi cỏ xanh đã bị xéo nát, đẫm máu, chỉ còn lại những mảnh vải xanh vương vãi… Tám giờ sáng, một đơn vị bộ đội vận động lên ngang đã phát hiện vụ thảm sát. Nghe tiếng rên rỉ, họ tìm ra hai người còn sống sót…”. Câu chuyện này đã ám ảnh tất cả đồng đội TNXP. Những bài thơ viết về dòng sông / Màu đỏ phù sa như màu máu người làm thư đổ giữa chiều biên giới / Những bài thơ như điều nghĩ ngợi / Về tình yêu và những chuyện bất lòng…
Ký ức một thời hoa lửa lãng mạn với “Tờ báo tường trên chốn tiền tiêu” mãi không quên!
No comments:
Post a Comment