Thursday, December 27, 2012

Sài Gòn, ngày ấy...

Năm 1952, tôi là phóng viên Nhật báo Ánh Sáng – Chủ nhiệm báo Ánh Sáng là bà Nguyễn Ngọc Diêu, bà quả phụ của Ký giả Lư Khê. Ông Lư Khê là chủ nhiệm Nhật báo Ánh Sáng, ông bị bắn chết khoảng năm 1948 cùng với hai ông Ký giả Nam Quốc Cang, Ðinh Xuân Tiếu. Ba ông bị bắn chết năm ấy – nghe nói bị Sureté Pháp thanh toán – ở đường Frère Louis, sau năm 1956 là đường Võ Tánh, Sài Gòn. Tôi – CTHÐ – sẽ có bài viết về những vụ ký giả Sài Gòn bị ám sát trong những năm từ 1945 đến 1975. Chính phủ Quốc Gia cho bà quả phụ Lư Khê, khuê danh Nguyễn Ngọc Diêu, làm chủ nhiệm Nhật báo Ánh Sáng thay ông chồng quá cố. Là phóng viên Nhật báo Ánh Sáng, tôi đến dự một cuộc hội báo ở một vi-la đường Gia Long. Cuộc hội báo không do Bộ Y Tế tổ chức, tôi quên tên ông bác sĩ chủ trì cuộc họp.


Năm 1953 và 6 tháng đầu năm 1954 tôi là Lính của đơn vị Ðệ Nhất Ðại Ðội Võ Trang Tuyên Truyền thuộc Phòng Năm Bộ Tổng Tham Mưu Quân Ðội Quốc Gia Việt Nam. Nhờ việc ở đại đội Lính đi chiếu phim, tuyên truyền, tôi được đi, đến và sống ở nhiều nơi trong miền Nam; tôi vào Ðồng Tháp Mười, đến Ô Môn, Thốt Nốt, Tân Thành, Mỏ Cày, Thạnh Phú, Ðức Hòa, Ðức Huệ, tôi ra biển và đến sống 6 tháng ở đảo Phú Quốc, nơi năm xưa ấy có trại tù binh 12.000 tù nhân; tôi đến Cần Thơ, Sa Ðéc, Trà Vinh, Rạch Giá, Bến Tre, Gò Công, Sóc Trăng, Bặc Liêu, nhưng tôi không có dịp đến Cà Mâu. Nếu năm xưa tôi đến Cà Mâu chắc tôi đã đứng bên dòng sông Trẹm của Cà Mâu, dòng sông Trẹm trong tiểu thuyết của Dương Hà.

Tên của sông là sông Trèm Trẹm. Một tên sông đặc biệt của Nam Bộ. Tìm trên Internet những tài liệu về Sông Trẹm, tôi thấy bài viết ngắn này:

Người viết Trần Mộng Lâm.

Gửi cố nhân. Người con gái Thới Bình bên dòng sông Trẹm.

Cách đây khá lâu, em viết cho anh khi nào anh trở về chốn cũ, em vẫn đợi anh bên rặng cây điên điển. Em còn viết mực nước sông bây giờ xuống thấp và hàng cây thì trụi lá xác sơ, không biết cócòn đó lâu dài được không, kể cả em, sức khoẻ của em ngày một xấu đi.

Lời nói trước của em trở thành việc thật. Anh chưa có dịp về thăm đất nước thì em đã không còn. Tin em chết đến anh trong một ngày mùa đông. Mùa đông, nhớ nhà, anh ra nhìn sông nước xứ người.. Sông xứ người mùa đông không có nước chảy, cũng chẳng có lục bình trôi. Nước sông Saint Laurent đóng thành băng đá. Người thành phố Montréal đi bộ ra giữa sông, đục lỗ, câu cá chơi.

Anh nhớ sông Trèm Trẹm, anh nhớ Vàm Tắc Thủ, sông Tắc Cậu Kiên Giang, anh nhớ Rạch Giá, một đêm nào tại khách sạn, chúng ta chờ sáng đáp tàu đò sang Phú Quốc, tìm mua con đồi mồi…

Bây giờ Phú Quốc chắc chẳng còn như xưa nữa. Có về, phải chăng chỉ thấy ở Phú Quốc những đám du khách, tiếng Tây, tiếng Mỹ u ơ. Dòng sông Trèm Trẹm của chúng ta năm nào, cho dù rất đẹp trong kỷ niệm, đối với anh, giờ đây chỉ còn là một… “The River of No Return.”

o O o


Tôi trở lại Bên Dòng Sông Trẹm và Cuộc Tình Kim Lệ-Dương Hà.

Năm 1952, tôi là phóng viên Nhật báo Ánh Sáng – Chủ nhiệm báo Ánh Sáng là bà Nguyễn Ngọc Diêu, bà quả phụ của Ký giả Lư Khê. Ông Lư Khê là chủ nhiệm Nhật báo Ánh Sáng, ông bị bắn chết khoảng năm 1948 cùng với hai ông Ký giả Nam Quốc Cang, Ðinh Xuân Tiếu. Ba ông bị bắn chết năm ấy – nghe nói bị Sureté Pháp thanh toán – ở đường Frère Louis, sau năm 1956 là đường Võ Tánh, Sài Gòn. Tôi – CTHÐ – sẽ có bài viết về những vụ ký giả Sài Gòn bị ám sát trong những năm từ 1945 đến 1975. Chính phủ Quốc Gia cho bà quả phụ Lư Khê, khuê danh Nguyễn Ngọc Diêu, làm chủ nhiệm Nhật báo Ánh Sáng thay ông chồng quá cố. Là phóng viên Nhật báo Ánh Sáng, tôi đến dự một cuộc hội báo ở một vi-la đường Gia Long. Cuộc hội báo không do Bộ Y Tế tổ chức, tôi quên tên ông bác sĩ chủ trì cuộc họp.

Cuộc họp báo ngắn, ít phóng viên dự, chẳng có gì sôi nổi, cũng chẳng có ai chú ý: ông bác sĩ loan báo:

“Ðể bài trừ nạn mãi dâm trong thành phố, chính quyền sẽ mở một nhà mãi dâm công khai, tất cả những nhà mãi dâm – tâát nhiên là bất hợp pháp – trong thành phố phải vào “làm ăn” trong nhà mãi dâm do chính quyền kiểm xoát, gái mãi dâm phải có giấy phép hành nghề, được khám bệnh thường xuyên. Chủ nhà mãi dâm không truân lệnh sẽ bị bắt, ra toà, phạt tù.”

Sài Gòn mở nhà mãi dâm công khai do chính quyền tổ chức và kiểm xoát. Một việc làm mới tinh năm 1952. Năm ấy chưa có thủ đô nước nào trên thế giới có Nhà Mãi Dâm công khai như Sài Gòn. Nhưng không một tổ chức tôn giáo, xã hội, cũng không có tờ báo nào phản đối vì lý do đạo đức, luân lý. Sài Gòn những năm 1950 đến 1954 có 2 sòng bạc, nay thêm một nhà mãi dâm công khai, có thể nói là thành phố “văn minh” hay “sa đoạ” nhất Ðông Nam Á Châu, vượt xa Bangkok.

Và êm như ru, không qua một chút trục trặc, Nhà Bình Khang ở đường Vĩnh Viễn, Sài Gòn ra đời. Hai khu nhà kiểu cư xá xây cất mới tinh, điện nước, giường nệm bông, sạch, an ninh. Mỗi khu có chừng 10 nhà với 10 chủ nhân, mỗi nhà chừng năm, bẩy em, giá được viết bằng sơn trên tường: “Gái: 100 đồng. La-ve: 12 đồng, Nước ngọt: 8 đồng.” Khu thứ hai gái hạng hai, tồi hơn nên giá rẻ hơn: “Gái: 60 đồng.” Nhưng…

Nhà Bình Khang Sài Gòn năm 1952, 1953 ăn nhậu gì đến người viết tiểu thuyết Dương Hà, tác giả Bên Dòng Sông Trẹm, và nhất là liên can gì đến Chuyện Tình Kim Lệ-Dương Hà?

Số là năm ấy, năm 1952, Dương Hà đã nổi tiếng với tiểu thuyết Bên Dòng Sông Trẹm nhưng Dương Hà chưa gặp Kim Lệ, nữ độc giả ái mộ Kim Lệ chưa gặp và chưa là vợ tác giả Duơng Hà. Tôi nghe anh em ký giả kể có một em trong Nhà Bình Khang mê đọc Bên Dòng Sông Trẹm và mê luôn tác giả. Lần nào vào Nhà Bình Khang, Dương Hà cũng gặp em này, rõ hơn là được nữ chuyên viên này phục vụ đến nơi, đến chốn. Trong Nhà Ðiếm cũng có ái tình, cảm tình. Ai tưởng gái mãi dâm không yêu, không thương là lầm. Và em này giữ độc quyền Dương Hà. Cho đến một tối Dương Hà bị, hay được một em khác đón, kéo vào một nhà khác. Em này cũng là nữ độc giả ái mộ mê Bên Dòng Sông Trẹm và mê luôn tác giả Bên Dòng Sông Trẹm. Em tình nhân của Dương Hà được tin, nổi ghen, em sang nhà bên làm dữ:

“Ảnh của tao. Ảnh dzô với tao. Sao mày níu kéo ảnh?”

“Của mày hồi nào? Ảnh thích tao ảnh dzô tao. Mày có quyền gì?”

Hai em đánh nhau vì tranh nhau Dương Hà. Ðó là chuyện tôi nghe anh em ký giả kể. Tôi kể chuyện xẩy ra 50 năm xưa để viết lên chuyện năm xưa Dương Hà nổi tiếng đến như thế nào với tiểu thuyết Bên Dòng Sông Trẹm. Trong nhiều năm tôi có thể dễ dàng hỏi Dương Hà:

“Nghe nói năm mày chưa lấy Kim Lệ, có hai em trong Nhà Bình Khang mê mày, tranh mày, đánh nhau vì mày? Có không?”

Nhưng những năm xưa ấy tôi đã không hỏi.

Tôi vào làm phóng viên-nhân viên toà báo Sàigònmới năm 1954. Năm ấy Dương Hà và Kim Lệ mới thành vợ chồng. Tôi có vài lần lên chơi phòng Dương Hà ở toà nhà Ðại Nam đầu đường Hàm Nghi. Kim Lệ năm 1954 đẹp, người không mập, không ốm, đúng là nữ sinh Sài Gòn.

Năm 1954 lương tháng của tôi ở Sàigònmới là 3.000 đồng, tôi mới có vợ, phải mướn nhà ở riêng, lương tháng 3.000 tôi thấy ít quá, vợ chồng tôi không đủ tiêu, tôi đòi tăng lên 4.000 đồng, bà Bút Trà không cho, tôi bỏ Saigonmới, tôi đi làm thư ký Sở Viện Trợ Mỹ USOM trong 2 năm, lương tháng 6.000 đồng chưa kể tiền overtime. Rồi tôi chán công việc thư ký Sở Mỹ, tôi bỏ USOM, tôi viết tiểu thuyết cho nhật báo Ngôn Luận, tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong. Vì chuyện không đâu, tôi hờn dỗi, tôi bỏ không viết cho Ngôn Luận, Văn Nghệ Tiền Phong, đang đói dzài, đói dzẹt thì cái gọi là Série Noire của tôi chấm dzứt, bà Bút Trà đăng báo gọi tôi trở về báo Sàìgònmới.

Tôi trở về Nhật báo Sàigònmới năm 1958. Khi ấy báo Sàigonmới có số bán cao nhất làng báo Sài Gòn. Năm 1960 tôi mới gặp lại Kim Lệ. Mèn ơi.. Từ 1954 đến 1960, qua hai hay ba lần sinh đẻ, cô nữ sinh Kim Lệ xinh đẹp năm xưa nay trở thành người đàn bà to lớn dễ sợ. Không to lắm nhưng một bên đùi nàng có thể nặng bằng toàn thân Dương Hà, chồng nàng.

Anh em ký giả Sàigònmới loan chuyện: đứng ngoài cửa nhìn vào phòng thấy Kim Lệ nằm trên giường, không thấy Dương Hà đâu nhưng nghe tiếng Dương Hà nói léo nhéo. Nhìn kỹ mới thấy Kim Lệ nằm ngoài, có cái đầu gối Dương Hà thò lên, thì ra Dương Hà nằm trong nên chỉ thấy thò lên có cái đầu gối.

Cuộc Tình Kim Lệ-Dương Hà bền mãi với thời gian. “Nhà Văn Ho Lao” Dương Hà yểu tướng nhưng không yểu mệnh. Nhà văn gầy ốm tong teo nhưng không ho lao. Kể từ năm 1960 trong số những ký giả Sàigònmới đồng tuổi với Dương Hà có ký giả Hoài Việt Bằng qua đời trước nhất, rồi ký giả Mạc Tử đi lính, chết trận; sau năm 1975 ký giả Trọng Nguyên qua đời vì ung thư phổi, ký giả Mai Anh chết bệnh, ký giả Nguyễn Vạn Cường qua đời ở Mỹ. Năm nay 2011, nhân viên báo Sàigònmới còn ký giả Anh Tâm ở Cali, anh làm chủ vườn trái cây, và Vũ Bình Thư ở Sài Gòn. Trước khi viết Lệnh Xé Xác ở nhật báo Tia Sáng, deùng bút hiệu Lã Phi Khanh, rồi đưa Lệnh Xé Xác sang nhật báo Trắng Ðen, Vũ Bình Thư viết tiểu thuyết feuilleton ở báo Sàigònmới cùng với Dương Hà, Trọng Nguyên. Tôi không biết tên thật của Vũ Bình Thư. Một ký giả Sàigònmới năm nay còn sống là anh H2T, người anh em cùng vợ với tôi.

Khoảng năm 1970 vợ chồng Dương Hà mua được căn nhà mặt tiền đường Cao Thắng, gần đối mặt với rạp xi-nê Ðại Ðồng. Khoảng năm 1985 Kim Lệ sang sống ở Pháp, Dương Hà ở lại Sài Gòn. Thiên Hà, người chủ trương biên tập Tuyển Tập “Sài Gòn Ngày Ấy Bây Giờ” cho tôi biết Dương Hà bán căn nhà đường Cao Thắng được 27 tỷ đồng tiền Hồ; anh chia 20 tỷ cho các con anh, anh gửi 7 tỷ đồng vào ngân hàng, tháng tháng lấy tiền lời để sống, anh mua một căn nhà nhỏ ở Thủ Ðức, anh sống một mình ở đó, suốt ngày anh ngồi quán gần nhà, uống bia lạnh, không ăn gì ngoài mấy con tôm và hột vịt lộn. Dương Hà không dùng Internet nên không có I-Meo, I-Méo gì cả. Dương Hà có sang Paris chơi. Tết Nguyên Ðán vừa qua Kim Lệ về Sài Gòn sống với Dương Hà ít ngày.

o O o

Tuyển tập “Sài Gòn Ngày Ấy Bây Giờ ” xuất bản ở Sài Gòn do một nhóm ký giả Sài Gòn trước năm 1975 chủ trương: Thiên Hà, Trương Ðạm Thủy, Lương Trường Thọ và Lý Thụy Ý. Thiên Hà là chủ biên.


LÝ THỤY Ý. CHOÉ vẽ năm 1995.
Ðã có 4 hay 5 Tuyển Tập “Sài Gòn Ngày Ấy..” được xuất bản với cái tên chung là “Bến Tâm Hồn.” Nội dung những tuyển tập “Bến Tâm Hồn” là những bài viết về những văn nghệ sĩ Sài Gòn trước năm 1975. Cái “hay” nhất của những người làm những tuyển tập “Bến Tâm Hồn” là họ tranh đấu và họ thành công trong việc công khai dùng danh từ “Sài Gòn”, cái tên mà những người Cộng Sản Bắc Kỳ muốn xoá bỏ. Những người Bắc Cộng muốn xóa bỏ luôn tên tuổi, tác phẩm của những văn nghệ sĩ Sài Gòn trước năm 1975. Những người biên tập “Bến Tâm Hồn” làm cho tên tuổi và tác phẩm của những văn nghệ sĩ Sài Gòn Xưa sống lại ở giữa cái gọi là “Thành phố Hồ chí Minh.”

Tôi trích Thơ và bài viết của cô Lý Thụy Ý trong “Sài Gòn Ngày Ấy Bây Giờ”:

Nhiều năm trước những bà Dương Thu Hương, Trần Khải Thanh Thủy bị bọn Công An VC bắt giam ở Hà Nội, Sài Gòn đã có cô Lý Thụy Ý bị giam tù 5 năm vì một bài thơ. Trong bài thơ này có 2 câu:

- Anh giải phóng tôi hay tôi giải phóng anh?

- Tôi kiêu hãnh vì tôi là Ngụy.

Lý Thụy Ý là cô em văn nghệ của tôi, nên tôi gọi cô là cô. Những năm 1970 cô giữ Trang Kaki của tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong. Vì bài thơ của cô gửi ra phổ biến ở nước ngoài, năm 1984 cô bị bọn PA 25 bắt, ghép cô vào cùng bọn Biệt Kích Cầm Bút với các ông Doãn Quốc Sĩ, HIếu Chân Nguyễn Hoạt, Dương Hùng Cường. Ra toà năm 1988, cô bị phang án tù khổ sai 5 năm. Lên trại tù khổ sai, cô gặp và yêu một anh tù. Hai người thành vợ chồng khi họ trở về thành phố. Tôi nghe nói đời sống của cô nay rất khá giả. Mừng cho cô. Sang Mỹ, gặp lại ông Hồ Anh, Chủ Tuần Báo Văn Nghệ Tiền Phong, tôi mới biết những năm 1980 cô Lý Thụy Ý có viết truyện tiểu thuyết “Ngọc Lai” gửi sang ông và ông xuất bản truyện này.

THƠ. Lý Thụy Ý

Ðọc “Gửi Sài Gòn” của Thục Vũ

Rưng rưng khi đoc Thơ Người.
Cỏ thiên thu đã kín nơi anh nằm.
Ngậm ngùi chi chuyện trăm năm.
Người xưa cũng quá thăng trầm, Vũ ơi,

Nói với Ngọc Hoài Phương

Sao buồn thế Ngọc Hoài Phương?
Bao nhiêu năm vẫn quê hương trong lòng.
Mỗi người một kiểu long đong.
Lẽ đâu Hợp Phố chẳng mong châu về?

Người Lính Ấy




Kính tặng anh Hai – T/TPB Trương Huyền Sách – Hoa Kỳ.

Người lính ấy không còn trẻ nữa
Dấu thời gian hằn những nét vô tình
Nhưng ánh mắt vẫn còn nguyên chất lửa
Của một thời lừng lẫy đao binh.
Người lính ấy không nói về cuộc chiến
Chỉ nhắc nhiều đồng đội năm xưa
Nhớ khẩu pháo chưa một lần im tiếng
Dưới đạn thù xối xả như mưa.
Người lính ấy lặng thầm và khắc khổ
Ôm nỗi đau dù chưa bại bao giờ
Năm tháng đã xa dần cơn bão tố
Mà trong hồn chứng tích vẫn trơ trơ.
Người lính ấy không còn trẻ nữa
Nhưng chiều nay hoài niệm chuyện ngày xưa
Trong ánh mắt vẫn còn nguyên chất lửa
Hạ Sài Gòn mà thoang thoáng thu mưa.


VĂN Lý Thụy Ý,

Sài Gòn của tôi, ngày ấy bây giờ.

Sài Gòn vẫn rất dễ thương
Cái tên dù lạ, con đường vẫn quen.

Tôi hay “viện dẫn” hai câu thơ trên mỗi khi phải hồi âm một cánh thư xa nào đấy, thường là thư xa có câu hỏi: “Sài Gòn bây giờ ra sao?”

Trong cảm nhận của tôi, Sài Gòn vẫn thế. Bởi dù trải qua bao nhiêu biến cố, thăng trầm, thì Sài Gòn, Hòn Ngọc Viễn Ðông, thủ đô trong những trái tim miền Nam ngày nào vẫn không bao giờ thay đổi.

Sài Gòn của một thời tôi mới lớn, những “con đường tình ta đi..” Duy Tân, Trần Quí Cáp, Tú Xương, Công Lý. Những chiều bát phố Lê Lợi, Tự Do. Những rạp ciné. Món bánh tôm hẻm Casino. Những xe bò viên Nguyễn Thiện Thuật. Bánh mì thịt trước chợ Trương Minh Giảng, gỏi đu đủ – khô bò – nước mía Viễn Ðông…

Sài Gòn của tôi “sáng nắng, chiều mưa.” Mưa như được lập trình sẵn. Hoặc chiều, hoặc sáng, nhiều ngày mưa cùng giờ nên người Sài Gòn có thể nhởn nhơ dạo phố khi cơn mưa vừa qua, rất ít khi mưa Sài Gòn dai như… đòi nợ. Việc mưa ở Sài Gòn mấy năm gần đây dường như thay đổi: mưa Sài Gòn nay mưa dầm và mưa mất trật tự, người Sài Gòn vốn quen lối “mưa xưa” chẳng biết đầu mà lần. Nắng Sài Gòn không quá gắt. Có lẽ vì thế mà người Sài Gòn thấy chợt mát khi nhìn tà áo lụa Hà Ðông.

Sài Gòn của tôi có những ngôi trường đi vào Thơ và Nhạc, như Văn Khoa, Luật, Gia Long, Trưng Vương, những con đường nhà báo như Lê Lai, Phạm Ngũ Lão. Hồn đất và hồn người quyện nhau hồn hậu, chân tình.

Sài Gòn của tôi có trường Quốc Vương Cam-bốt từng đến học, người Sài Gòn chê hàng Thái, không thèm xài Colgate vì đã có Kem Hynos “anh yêu em, anh yêu luôn kem” xịn hơn.

Sài Gòn của tôi trẻ – luôn luôn trẻ. Không phải vì thiếu phố cổ hay người Sài Gòn không thích “làm ra vẻ cụ” mà vì Sài Gòn luôn luôn mới, hồn nhiên và dễ thương, không điệu đà, kệch cỡm.

Sài Gòn của tôi còn nhiều hơn thế. Không diễn tả hết dù văn hoa cách mấy. Chỉ giản dị mà hàm xúc như lời ca “Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi..”

Không lớn lao gì, kỷ niệm chỉ chưá đầy ngăn cặp học trò. Sự ồn ào sống động dễ thương của vùng đất và con người. Ði xa cứ về đến cầu Sài Gòn hay cầu Bình Ðiền là coi như về đến nhà.

Như bạn hữu cùng trang lưá, tôi giữ Sài Gòn như giữ cuộc đời tôi. Khóc một ngày khi Thương Xá Tam Ða bị thiêu rụi. Thức một đêm khi Eden bị đập bỏ. Thay vào đó có thể là một toà nhà đẹp hơn, nhưng Eden của ngày nào…

“Hành lang Eden còn ghi kỷ niệm
Buổi chiều mưa hai đưá đứng bên thềm
Anh che cho em khỏi ướt tà áo tím
Anh quen rồi, không lạnh. Lính mà em.”

…thì không bao giờ còn nữa.

Vẫn biết thành phố, như đời người, có những đổi thay cần thiết, đôi khi đổi cho tốt hơn, đẹp hơn, nhưng sao vẫn thấy chạnh lòng. Hơn sáu mươi năm hãnh diện làm “dân Sài Gòn”, chợt giật mình tự hỏi: “Có thể nào người ta phù phép làm Sài Gòn biến mất không? Có khi nào Vương Cung Thánh Ðường, Chợ Bến Thành, Bưu Ðiện Sài Gòn …, một sớm mai thức dậy người Sài Gòn ngơ ngác thấy những nơi ấy đã trở thành những trung tâm thương mại, những cao ốc nhiều tầng??”

Ôi..! Sài Gòn của tôi..!

Tôi vẫn nói rằng mình giữ lại “Sài Gòn Xưa.” Từng tên đường, góc phố, những chiều hò hẹn: “Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt..” và giữ lại mãi mãi những hình ảnh Sài Gòn dấu yêu xưa.

Và rồi lại buốt tim khi nghĩ đến một ngày nào “Sài Gòn của tôi” sẽ chỉ còn là hoài niệm. Khi ấy người ta sẽ chỉ có thể tìm thấy vài hình ảnh Sài Gòn Xưa trên những trang sách báo cũ.

Sài Gòn ơi…!

Tôi gặp lại “họ” – những người làm văn nghệ xưa – một cách tình cờ trong những tiệm bán sách báo cũ. Những trang giấy không còn mầu trắng, những dòng chữ in nhạt mờ qua năm tháng. Những hình ảnh dù phôi pha nhưng nụ cười, ánh mắt của họ vẫn gợi cho ta nhớ một thời ta đã sống. Thời mà tên tuổi họ được nhắc trên môi những người yêu Nghệ thuật Thứ bẩy, thời họ được trang trọng gọi là diễn viên điện ảnh, nữ minh tinh.

Thời gian chưa xa lắm nhưng cũng đủ để quên những gì không muốn nhớ, và để còn nhớ những gì không muốn quên. Thời ấy khi muốn xem phim, người ta phải đến rạp chiếu phim, thời ấy cứ có phim hay là những rạp ciné Sài Gòn đông khách; khi lối vào những rạp ciné Sài Gòn không có ảnh những diễn viên Tầu, Hong Kong, Hàn Quốc như bây giờ. Tôi say mê điện ảnh ngay khi tôi chưa đến tuổi được đến rạp xem phim một mình. Thời ấy tôi cũng chưa đến tuổi có thể “yêu” dù là yêu thầm, những nam nữ diễn viên điện ảnh Sài Gòn.

Thời đó không có những chương trình giao lưu văn nghệ tạp nhạp, những ca sĩ tân nhạc chưa phải “chạy sô” như bây giờ . Thời đó nghệ sĩ coi nghệ thuật là cứu cánh của đam mê, nghề tay trái hầu như không ai phải làm. Chẳng nghe nói Thẩm Thúy Hằng phải đi …biểu diễn tân nhạc để kiếm tiền, Kiều Chinh không phải tham gia “đại nhạc hội.”

Khó quên được một Kiều Chinh tuyệt vời trong “Hồi Chuông Thiên Mụ, “Thẩm Thúy Hằng tươi trẻ trong “Người Ðẹp Bình Dương, Kiều Nguyệt Nga,” Thu Trang dịu hiền trong “Thiếu Phụ Nam Xương,” Túy Phượng diễm kiều Công Chuá trong phim “Thạch Sanh Chém Chằng.” Tôi yêu nét thùy mị của Thu Trang, nét sắc xảo của Kiều Chinh, nét hiền hậu của Thẩm Thúy Hằng. Nam diễn viên có La Thoại Tân, Hoàng Vĩnh Lộc, Anh Tứ, Lê Quỳnh, Anh Sơn, Ðoàn Châu Nậu, Tâm Phan, Huy Cường, Trần Quang, và Vân Hùng người chuyên đóng kịch nói với Kỳ nữ Kim Cương…

Tình cờ tôi gặp lại “họ” trong những tiệm sách báo cũ của Sài Gòn bây giờ. Nơi này quá khứ lẫn với hiện tại, nơi mà thời gian có để dấu ấn nhưng chưa làm mất được những hình ảnh Sài Gòn Xưa. Gặp lại họ, tôi thấy vui rồi thấy ngậm ngùi . Tôi thấy lại cảnh Lê Hoàng Hoa khi anh mới làm quen với máy quay phim. Ba mươi năm rồi tôi thấy Sài Gòn của tôi với nụ cuời Kiều Chinh, với ánh mắt Thu Trang…

Lý Thụy Ý viết ở Sài Gòn ngày 28 Tháng 5, 2010


No comments:

Post a Comment