Vào ngày 16 tháng 6, 1989, nhà văn nữ Thụy An, tác giả Một Linh Hồn (truyện dài, 1942) và Bốn Mớ Tóc (tập truyện ngắn, 1950), từ trần tại Sài Gòn, thọ 74 tuổi. Thơ văn bà viết và đã xuất bản từ ba phần tư thế kỷ qua, tới nay đọc lại, tưởng như của một nhà văn của thế kỷ này. Không những trong văn chương, mà trong đời sống, Thụy An là người mạnh bạo, thúc đẩy và tự thân tranh đấu cho nữ quyền, từ việc nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày (như kêu gọi cắt tóc ngắn, trong Bốn Mớ Tóc), tới viết báo, xuất bản báo riêng tại Sài Gòn, lấy tên là “Ðàn Bà mới” (La Femme nouvelle), chủ trương rõ ràng: “Journal feminin (la femme dans la famille et dans la société), bà là giám đốc quản lý, báo số 1 ra ngày 1 tháng 12, 1934 và sau ba năm thì ngưng ở số 95. Ðến năm 1939, bà tục bản tờ báo ở Hà Nội, chỉ còn lấy tên là “Ðàn Bà, Tuần báo xuất bản ngày thứ sáu” (La Femme - Hebdomadaire paraissant le vendredi). Báo Ðàn Bà số 1 xuất bản ở Hà Nội hôm 24 tháng 3, 1939, sống được 7 năm, đóng cửa vào 1945, số chót là số đôi: 302-303. Như thế về tác phẩm in thành sách, bà chỉ có vài cuốn, song về chữ nghĩa trên báo, báo của bà, có từ năm 1934, lúc bà 20 tuổi. Có một nhà văn nữ nào như thế sau này không? Chúng tôi không thấy.
Thật ra Thụy An còn hơn thế nhiều. Tên khai sinh là Lưu Thị Yến, sinh năm 1915 ở Hà Nội, quê gốc ở làng Vân Ðình, Hà Ðông, con ông Lưu Tiến Ích và và Phùng thị Tôn. Năm 13 tuổi có thơ đăng trên Nam Phong tạp chí của Phạm Quỳnh. Do đó “cô tác giả” đã được Quốc Trưởng Bảo Ðại và Hoàng Hậu Nam Phương tiếp kiến. Khoảng 1950-51, khi còn là một cậu học sinh ở Hà Nội, người viết bài này đã nghe tên tuổi Thụy An vang lừng, song không phải qua văn chương, mà qua tin tức phóng sự nhật báo. Tin tức loan truyền: nhà hoạt động cách mạng Ðỗ Ðình Ðạo, từng là Quân ủy Trung ương của Quốc Dân Ðảng, bị ám sát chết, báo chí có nhắc đến tên Thụy An như là một người trách nhiệm, hoặc liên hệ. Sự thật ra sao cho tới nay không rõ, chỉ xin nhắc lại, đó là lúc chúng tôi đọc nhật báo từ nhỏ, nên biết đến tên của nhà văn nữ. Cuối thập niên '50 khi đã ở Sài Gòn thì tên bà lại được báo chí nói đến nhiều. Lần này bà bị cộng sản Hà Nội qui tội làm gián điệp cho ngoại bang, hoạt động bên cạnh ông Nguyễn Hữu Ðang, Trần Thiếu Bảo, là hai nhân vật chủ chốt trong nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm; bà bị kết án và ở tù 15 năm trong nhà giam Hỏa Lò.
Trong bộ Nhà Văn Hiện Ðại, quyển năm, Vũ Ngọc Phan xếp Thụy An vào khuynh hướng Tiểu thuyết Xã hội cùng với Trương Tửu, Nguyên Hồng, Thạch Lam, Ðỗ Ðức Thu, Nhượng Tống,... Ông dùng những dòng sau đây để kết luận về Thụy An: “Một Linh Hồn cũng đáng kể là một tiểu thuyết xuất sắc nhất của phụ nữ Việt Nam từ trước đến nay: tác giả đã giàu tưởng tượng, truyện lại xây dựng một cách vững vàng, chắc chắn.” (NVHÐ, trang 1208).
Cách đây hai năm, một thân hữu đã gửi tặng Khởi Hành nhiều sách quí hiếm, trong có tập truyện ngắn Bốn Mớ Tóc của Thụy An, do nhà xuất bản Thế Giới xuất bản tại Hà Nội vào tháng 7, 1950. Sách dày 100 trang, trình bày thật mỹ thuật, dù bìa chỉ có 2 màu, đen và màu rêu. Ngoài bài “Thay lời tựa,” sách chỉ gồm có 3 truyện: Một Thương, Bà Mẹ Cô Con và Mớ Tóc, Thế Phát. Cả ba đều viết về tóc, và “Thay lời tựa” cũng nói về tóc.
Nhà xuất bản Thế Giới (mà chúng tôi biết là do ông Nguyễn Văn Hợi chủ trương - ông đã tiếp tục hoạt động in ấn ở Sài Gòn, và đã cho chúng tôi đặt tòa soạn ngay trong nhà in của ông trên đường Phạm Ngũ Lão) đã viết những dòng giới thiệu như sau về Thụy An: “Như nhiều nhà văn khác, bà Thụy An khởi đầu văn nghiệp bằng sự viết báo. Bà đã viết trong những báo Phụ Nữ Thời Ðàm, Phụ Nữ Tân Văn, Essor và Bạn Trẻ, từ năm 1934 đến 1945 bà chủ trương hai tờ tuần báo phụ nữ: Ðàn Bà Mới ở Sài Gòn và Ðàn Bà ở Hà Nội... Chúng ta sẽ thấy ở tác phẩm này và những tác phẩm sau, bà Thụy An với cây bút uẩn súc bằng tấm lòng thành thực đầy tư tưởng đã vượt cái địa hạt văn chương tình cảm và lãng mạn để cảm thông và diễn đạt cái nhịp sống chung của dân tộc, của nhân loại đang trỗi dậy.”
Ngay những dòng đầu của “Thay lời tựa,” nhà văn Thụy An đã cho thấy tâm tư người tác giả ý thức trong cuộc sống thời Hà Nội trong chiến tranh ấy như thế nào. “Mỗi khi qua chợ Ðồng Xuân, có bao giờ các bạn đưa mắt nhìn mấy ngôi hàng ngay trước cửa, bán một thứ hàng đặc biết: tóc, tóc đã sắp thành độn. Ðộn tóc cuộn tròn bày trên giá hàng, độn tóc treo giài [ngày nay ta viết là dài], buông thõng từ giẫy [dẫy] phía sau lưng người bán, làm thành một tấm nền ma quái, hồ nhìn ta vội quay mặt đi ngay, để tránh một cảm giác ghê ghê, rợn rợn. Nhưng mà một câu hỏi cũng đã kịp đến ám ảnh tâm trí ta: ‘Tóc ai đấy nhỉ?’”... “Ta nghĩ ngay đến những xác chết vô thừa nhận của những nhà thương thí... Nhất là trong buổi loạn ly này, với cái số người chạy trốn khói lửa ở miền hậu phương bát ngát, ùn ùn kéo vào cái Hà Nội rất giàu có mà rất kiệt quệ này, những xác chết ấy càng sẵn lắm...”
Bà còn là tác giả những câu thơ:
Cái Tết miền Nam vô vị quá
Câu thơ Nguyễn Bính lại mang ngâm
Nắng thiêu rụi cả, thiêu tàn cả
Còn nét gì đâu gợi tứ xuân
(Tôi về quên mất cả xuân sang)
Hay:
Ghê cái mùa thu Hà Nội
Hững hờ mấy lá vàng bay
Ru nỗi buồn câm phố vắng
Lê chân vẹt mấy gót giầy.
Em những âu vui duyên mới
Lâu lâu chợt nhớ tới anh
Môi đào mỉm cười hóm hỉnh:
“Hẳn là anh ấy giận mình.”
(Sao Lại Mùa Thu, ký Nguyên Quy, Phật danh của Thụy An, bản thảo.)
Mặc dù nhà phê bình Vũ Ngọc Phan trong cuốn sách in từ 1942 xếp Thụy An vào cùng lớp với Trương Tửu, Nguyên Hồng, Thạch Lam, Ðỗ Ðức Thu, Nhượng Tống,... song Thụy An cho tới nay, trong cái nhìn của người viết bài này, là một nhà văn hiện đại.
(VL-26.6.2012)
No comments:
Post a Comment