Ốm nhe ốm nhách như anh mà cũng vào TNXP à?
Sau 30.4.1975, mình phải nghỉ học, và đã phải đi kiếm việc làm phụ cho gia đình.
Lúc đó, mình 20-21 tuổi, gầy gò, tóc dài ngang lưng, trông như híp-py. Họ coi những thanh niên Sài Gòn như mình là đối tượng chậm tiến. Xin việc đâu người ta cũng hỏi: "Anh có nghiện xì ke không?"
Đã thế, địa phương thì vài tuần một lần lại kêu đi đào mương một đợt. Mình bực quá tuyên bố: "Nếu vậy tôi xin vào TNXP."
Hồi trước '75, ở quê Bọ Lập (Quảng Bình), bạn anh, người ta kể rằng có chú bộ đội cắt tóc cho bọ (ông già) bằng chiếc tông đơ cùn, chốc chốc tóc lại bị giật một cái, đau điếng. Bọ mới bảo rằng: Chú cắt thì cắt hẳn, còn nhổ thì nhổ hẳn, chứ vừa cắt vừa nhổ như vậy, bọ chịu không được.
Hồi đó, chắc anh cũng có cảm giác tương tự như vậy?
Mình nghĩ đơn giản là thực hiện xong cái nghĩa vụ lao động này mới có thể xin việc được. Quả vậy, sau sáu năm ở lực lượng này (1976-1982), mình mới xin được việc ở Nhà in Thanh niên.
Trong những năm tháng đó anh đã nảy ra ý định làm thơ là vì buồn, vì cô đơn?
Chàng nên hiểu bối cảnh của TNXP Sài Gòn hồi đó. Đang lao động thì năm 1978 có chiến tranh biên giới với Căm-pu-chia, bọn mình liền được điều động phục vụ chiến trường, tiếp tế đạn dược, tải thương... Sau giải phóng Phnôm-Pênh (1.1979) bọn mình mới được rút về, đi lao động tiếp.
Những hình ảnh đó khác hẳn với cách nhìn hồi đó với dân Sài Gòn. Mình làm thơ vì cái nhu cầu muốn nói cho mọi người biết "chúng tôi không phải như mọi người vẫn nghĩ".
Bài thơ đầu tiên của anh?
Mình không nhớ. Ngay cả bài thơ đầu tiên được đăng báo Tuổi Trẻ mình cũng không nhớ.
Chỉ nhớ bài thơ "Những bông hoa trên tuyến lửa". Bởi khi nó được đăng, có một sự rúng động đối với thanh niên Sài Gòn lúc đó, và nhiều thanh niên đã đăng ký đi TNXP, để bảo vệ Tổ Quốc.
Hoàn cảnh ra đời của bài thơ?
Mình làm bài đó sau khi tiểu đội nữ TNXP bị Khmer Đỏ bắt sống, hãm hiếp và giết chết. Họ đã không thể chống trả vì trong tay không có vũ khí.
Tại sao họ không được trang bị vũ khí?
Có tới chín mươi phần trăm TNXP ở Sài Gòn là sinh viên, học sinh, và cả binh lính của chế độ cũ. Chàng hiểu vì sao rồi chứ?
Sau vụ tiểu đội nữ TNXP bị thảm sát, bọn mình mới được cấp súng để tự vệ. Và chính những người lính chế độ cũ đó đã dạy bọn mình cách bắn súng.
Khi gặp quân Khmer Đỏ, họ đã chiến đấu rất dũng cảm. Có những người được tặng huy chương, huy hiệu, bằng khen nữa.
No comments:
Post a Comment