Thursday, December 6, 2012

Nói chuyện với Nguyễn Mộng Giác

LTS: Ðầu tháng 7 năm 2008 đã có một cuộc trao đổi giữa nhà văn Nguyễn Mộng Giác với Phạm Phú Minh và Trần Doãn Nho, tại nhà riêng của ông, thành phố Westminster, Nam California. Ðây không phải là cuộc nói chuyện giữa ba người, mà diễn ra như là buổi phỏng vấn, chia làm hai phần, phần đầu do Phạm Phú Minh, phần sau do Trần Doãn Nho, đặt câu hỏi. Tòa soạn xin đăng lại dưới đây nội dung của phỏng vấn ấy; và để cho gọn, bài không trình bày dưới hình thức vấn đáp, mà chỉ trình bày phần trả lời của nhà văn Nguyễn Mộng Giác.

*


Tôi tên thật là Nguyễn Mộng Giác, sinh năm 1940 tại huyện Bình Khê, bây giờ đổi thành huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Ðịnh. Thời kháng chiến chống Pháp 1946 đến 1954, tỉnh Bình Ðịnh thuộc Liên khu 5, gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên. Tôi đi học tiểu học và trung học tại vùng kháng chiến. Sau Hiệp định Genève 1954, chuyển qua học trường quốc gia, từ lớp Bảy qua học lớp Ðệ Tứ tại trường trung học Cường Ðể, Quy Nhơn, sau đó vào học Võ Tánh, Nha Trang, rồi học năm chót của bậc trung học tại trường Chu Văn An, Sài Gòn.

 Ðậu tú tài 2 xong, tôi học một năm tại Ðại Học Văn Khoa Sài Gòn, rồi ra Huế học Ðại Học Sư Phạm ban Việt Hán. Ra trường năm 1963 tôi dạy tại trường Ðồng Khánh, Huế, hai niên khóa, rồi đổi vào Quy Nhơn làm hiệu trưởng trường Cường Ðể, rồi làm Chánh sở Học chánh tỉnh Bình Ðịnh cho đến năm 1974 thì vào Sài Gòn làm chuyên viên nghiên cứu giáo dục tại Bộ Giáo Dục.

Sau Tháng Tư 1975 tôi bị cho nghỉ việc, đến 1981 thì vượt biên, và định cư tại tiểu bang California Hoa Kỳ từ 1982 cho đến nay.

Công việc viết lách

Tôi gia nhập làng văn hơi chậm, vào năm 1970, lúc đó đã bước vào lứa tuổi 30. Thời điểm xuất hiện trên văn đàn rất quan trọng đối với nhà văn. Nếu một người cầm bút xuất hiện ở lứa tuổi mười tám đôi mươi thì mọi chuyện như quá trình sáng tác hay tư tưởng sẽ diễn tiến bình thường. Còn những người bắt đầu viết văn chậm như tôi thì sẽ rơi vào hiện tượng này: Tuy mới vào làng nhưng mình lại không thuộc giới những nhà văn trẻ nữa, mà cũng không thể thuộc vào lớp lớn cùng lứa với mình, vì “tuổi nghề” mình còn mới mẻ. Khi tôi bắt đầu viết thì những tác giả cùng lứa tuổi với tôi như Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Ðình Toàn chẳng hạn, đã thành danh rồi. Và cùng “khởi hành” với tôi là lớp người rất trẻ, thua tôi khoảng 10 tuổi. Do chỗ lấn cấn này, mình sẽ có cảm tưởng mình là kẻ đứng bên lề, luôn luôn ở vai trò biên tế.


Như đã nói ở phần tiểu sử, sau hiệp định Genève năm 1954 tôi đổi từ vùng Việt Minh sang vùng quốc gia. Việc này có ảnh hưởng lớn về tâm lý. Về đi học lại trong vùng quốc gia, tôi nhận thấy bạn bè cùng lứa họ khác hẳn mình, so với mình họ hồn nhiên, vô tư và cả ngây thơ nữa. Bởi vì họ không trải qua những kinh nghiệm ghê gớm như mình suốt chín năm trong vùng Việt Minh. Chẳng hạn phong trào “rèn cán chỉnh cơ,” cải tạo tư tưởng đã len lỏi vào trường học. Học sinh chúng tôi cũng phải theo những khóa cải tạo, hàng ngày ngồi trước trang giấy trắng cố moi óc tìm cho ra và ghi xuống những “tội lỗi” của mình.

Tôi nhớ lúc hết khóa, ban đêm trong một gian đình giữa đồng vắng, giữa những cây đuốc cháy bập bùng, thằng Nhánh, con một địa chủ, 12 tuổi bạn cùng lớp của tôi, cầm bản phản tỉnh vừa khóc vừa thú nhận đã có lúc muốn hiếp dâm cô con gái của tá điền, hoặc có lúc đã cầm cái gương soi lên trời để làm dấu hiệu cho máy bay địch oanh tạc!

Ðã sống qua những cảnh ngộ như thế, khi về thành phố tôi thấy mình đã già quá giữa những bạn học mới. Cũng vì tâm trạng này, tôi không tham dự những sinh hoạt ồn ào biểu tình xuống đường của học sinh sinh viên sau này tại những nơi tôi theo học.

Sau 1954, tiếp tục đi học tại các trường vùng quốc gia, tôi gặp trở ngại về vấn đề học ngoại ngữ (Pháp văn, Anh văn) vì trình độ yếu so với lớp mình đang theo học. Nhưng chính vì chỗ yếu này đã khiến tôi và những người khác cùng cảnh ngộ phải cố gắng rất nhiều để bắt kịp. Riêng tôi, nhờ sự cố gắng này mà về sau tôi có thể đọc tiểu thuyết tiếng Pháp, và đâm ra mê một tác giả Nga là Dostoievsky qua các bản dịch tiếng Pháp.

Một tác giả ngoại quốc khác cũng làm tôi say mê sau này khi lớn hơn, đó là Kim Dung. Tác giả truyện chưởng này đã gây cho tôi một ấn tượng mạnh khi viết về chính và tà, làm liên tưởng đến sự va chạm giữa cộng sản và tự do ở Việt Nam.

Kim Dung trình bày nỗi giằng xé băn khoăn giữa chính và tà, trong chính có tà, trong tà có chính. Ðó có thể là tâm trạng của một số tướng tá VNCH, họ lớn lên trong cuộc kháng chiến chống Pháp, họ không theo kháng chiến mà lại theo Pháp, sau này khi cuộc diện đã trở thành đấu tranh giữa tự do và cộng sản thì họ vẫn mang tâm trạng không ổn giữa con đường chính nghĩa hay không chính nghĩa lúc đầu. Cảm hứng từ quan niệm chính tà lẫn lộn của Kim Dung, tôi viết một số bài, và gửi cho ông Nguyễn Hiến Lê đọc, không ngờ ông cho đăng lên báo Bách Khoa. Người dẫn tôi vào văn đàn chính là ông Nguyễn Hiến Lê.

Về các sáng tác trước 1975, tôi nhận thấy các cây bút miền Trung có khuynh hướng hiện thực, bám sát cuộc chiến tranh, khác với những nhà văn miền Bắc di cư và nhà văn miền Nam. Các cây bút miền Trung có vẻ coi tình thế đất nước quan trọng hơn là những khuynh hướng văn học nhập cảng từ Paris. Ðiển hình như nhà văn Võ Phiến, đã tỏ ra nóng ruột: Tại sao tai họa cộng sản sờ sờ ra đấy mà mọi người làm như chẳng thấy gì cả, cứ đi viết những thứ phù phiếm!

Khuynh hướng hiện thực đó có mặt trong những sáng tác của tôi trong thời kỳ đầu. Các truyện ngắn “Bão Rớt,” “Tiếng Chim Vườn Cũ,” tôi viết theo lời kể của Lữ Quỳnh về những thảm cảnh của Thừa Thiên. “Qua Cầu Gió Bay,” đăng bốn kỳ trên tạp chí Bách Khoa khai thác tâm trạng của người nữ tù binh, do Hoàng Khởi Phong kể. Truyện dài Ðường Một Chiều, kể một vụ án mạng mà người phạm tội không biết là mình phạm tội, được giải thưởng Văn Bút năm 1974. Tôi viết chậm mà lại bắt đầu trễ, mới từ 1970 đến 1975 là đã phải ngưng. Có lẽ vì còn “ấm ức” nên tôi đã tiếp tục viết Sông Côn Mùa Lũ vào những năm từ 1977 đến 1981.

Việc sáng tác Sông Côn Mùa Lũ

 Tôi bắt đầu có ý định viết Sông Côn Mùa Lũ vào năm 1977. Hôm ấy tôi tình cờ gặp anh Nguyễn Thành Hải, trước kia làm nhà xuất bản Nhị Khê, anh ấy và tôi ngồi uống cà phê nói chuyện văn nghệ, viết lách. Sau 1975, giới cầm bút chứng kiến cuộc đổi đời, thấy được tâm trạng người trí thức miền Nam, nhưng tôi nói với Hải viết trực tiếp về đề tài này không được, rất nguy hiểm. Bèn nảy ra ý viết về thời Tây Sơn, cũng là cảnh đổi đời, mượn tâm trạng giới trí thức thời Tây Sơn để soi sáng cho thời nay.

Có ý định rồi mới bắt đầu tìm tài liệu. Tôi đến thư viện quốc gia cũ, đường Lê Thánh Tôn, sau 75 vẫn mở cửa cho công chúng, tìm đọc thư của các giáo sĩ Thiên Chúa Giáo đi truyền đạo tại Việt Nam thời ấy, và nhất là hai cuốn quan trọng là Hoàng Lê Nhất Thống Chí và Lịch Sử Nội Chiến Việt Nam của Tạ Chí Ðại Trường.

Tài liệu thì rất nhiều, nhưng vẫn không đủ cho nhu cầu viết tiểu thuyết. Ví dụ thời ấy ăn mặc ra sao? Xưng hô như thế nào? Các chi tiết về khung cảnh cũng không tìm thấy. Hoàng Lê lại viết bằng chữ Hán. Tôi phân vân không biết viết như thế nào. Viết như Ngô Tất Tố trong Bút Nghiên được chăng? Hay là viết theo cách đối đáp trong tuồng hát? Cuối cùng chính Nguyễn Du đã cho lối thoát: Tôi đọc lại Truyện Kiều thì thấy ngôn ngữ của Nguyễn Du đâu có khác bây giờ bao nhiêu, mọi cái đều trong sáng, bình thường. Tôi thấy công việc trở nên giản dị, mình cứ viết bình thường với ngôn ngữ thời nay.

Thai nghén từ 1977, đến 1978 thì bắt đầu viết và hoàn tất vào năm 1981. Trong thời gian này, tôi cố tình cho mọi người biết công việc viết lách của mình, tôi viết một cách công khai. Thỉnh thoảng vẫn trao đổi với Nguyễn Thành Hải. Sau khi viết xong, tôi nhờ ông Thanh Tuệ (nhà xuất bản An Tiêm trước 1975) đóng bản thảo thành bốn quyển bìa đỏ gáy da, trông rất đồ sộ.

Suốt thời gian sau 1975, Hội Văn Nghệ ở thành phố Hồ Chí Minh luôn luôn nhắc rằng hội không phân biệt cũ mới, anh em nhà văn của Sài Gòn cũ có tác phẩm cứ đem đến để được xét xuất bản. Một hôm tôi bỏ bốn tập Sông Côn Mùa Lũ vào một thùng giấy, đèo xe đạp đến nhà xuất bản Văn Nghệ, gặp ông giám đốc Hà Mậu Nhai. Thoạt tiên khi nghe tôi nói muốn xuất bản sách, ông giám đốc rất niềm nở, bảo hãy làm đề cương đi rồi bắt đầu viết, nhưng khi nghe bản thảo đã có sẵn rồi thì ông khựng lại, nhất là khi thấy bốn quyển bản thảo đồ sộ thì ông tỏ ra bối rối. Ông gọi người thư ký vào, bảo lượng định việc ấn loát. Sau khi tính toán, người thư ký cho biết sách sẽ vào khoảng 2,000 trang, nếu in 1,000 cuốn thì phải tốn trên hai tấn giấy. Ông Nhai bảo tôi số lượng giấy quá lớn không thể có để in ngay được, đề nghị tôi gởi bản thảo lại cho ông đọc, khi nào thuận tiện sẽ in. Trong thâm tâm tôi thì đang có ý định vượt biên, việc mang bản thảo đến nhà Văn Nghệ chỉ là tạo ra một cái cớ để có được một thứ giấy chứng nhận nào đấy, phòng khi tôi đi rồi công an xét nhà thì tập bản thảo khỏi bị tịch thu vì có giấy tờ hợp lệ. Tôi bèn nói tôi cần có một hợp đồng xuất bản với nhà Văn Nghệ, và cần chi phí để đánh máy toàn bộ tác phẩm. Kết quả là ông giám đốc Hà Mậu Nhai bằng lòng làm hợp đồng. Có được tờ giấy “an toàn” cho nhà tôi giữ tập bản thảo nếu lỡ tôi đi không lọt bị bắt và bị khám nhà, ít lâu sau tôi có đường dây vượt biên.

Sau khi tôi và đứa con trai đi rồi, bản thảo Sông Côn Mùa Lũ vẫn còn giữ tại nhà. Khi đến Mỹ tôi đã có một số cố gắng để chuyển bản thảo qua, trong đó có việc nhờ Hà Thúc Ðạo, nhưng đều không thành công. Ðến năm 1990 nhà tôi là Diệu Chi cùng cháu út qua Mỹ do tôi bảo lãnh, đã đem được nguyên bộ bản thảo qua như một phép lạ. Nhà tôi bỏ bốn tập vào trong va li, cùng với một số sách giáo khoa mà con tôi đang học, khi công an xét hỏi đó là cái gì, nhà tôi bảo mình là nhà giáo, đó là tập hồi ký của đời dạy học. Thế mà không hiểu sao họ cho qua không thắc mắc. Thời gian đó công an chỉ hay để ý tìm bắt những thứ quý giá như đồ cổ chẳng hạn không cho đi ra nước ngoài, còn những thứ như giấy tờ sách vở thì chắc không để ý mấy. Tôi đón nhà tôi tại phi trường Los Angeles, khi nghe nói cả bộ bản thảo được mang theo an toàn, tôi cảm thấy lạnh cả người, và nghĩ ngay là có Ơn Trên phù hộ.

Ai xem tập bản thảo cũng tưởng là bản chép lại sau cùng, sau nhiều lần sửa chữa trong bản nháp, nhưng thật ra thì đó là bản duy nhất, tôi chỉ viết một lần, không sửa chữa. Cao Xuân Huy nhận phần đánh máy toàn bộ bản thảo để chuẩn bị in. Hai nhà xuất bản Văn Nghệ của ông Võ Thắng Tiết và Thanh Văn của anh Châu Văn Thọ cùng chung vốn in bộ này. Hai cuốn đầu in xong vào năm 1990, hai cuốn sau xong năm 1991.

 Về chuyến vượt biên

 Tôi vượt biên thành công với đứa con trai, vào tháng 11 năm 1981, sau bốn lần thất bại, trong đó có một lần tôi dự định vượt biên tại Long Xuyên, có ghé thăm ông Nguyễn Hiến Lê ăn với ông một bữa cơm tiễn biệt, đó là lần cuối cùng tôi gặp ông.

Chuyến đi thứ năm, sau năm ngày và sáu đêm trên biển chúng tôi được một giàn khoan dầu của Tây Ðức và Hòa Lan vớt, sau đó được đưa vào đảo Kuku (tiếng Nam Dương có nghĩa là cái móng tay) thuộc Indonesia. Với tâm trạng một người vừa thoát khỏi cuộc sống đè nén của chế độ cộng sản, các vết thương từ cuộc sống ấy hãy còn mới mẻ, với cảm giác được tự do, tôi bắt tay ngay vào việc viết lách. Bây giờ nhìn lại, tôi thấy thời gian hai tháng trên đảo Kuku này là thời kỳ hoàng kim trong đời viết văn của mình. Trong tâm trạng “sống lại” đầy mới mẻ mà tôi vừa nói, tôi tìm gỗ làm một cái bàn viết dã chiến ở sườn núi, hằng ngày mang giấy bút lên đấy ngồi viết, viết trong sự tĩnh mịch xa hẳn xã hội, chỉ nghe tiếng gió rì rào, tiếng những đàn khỉ chí chóe đây đó, và đôi khi những đám mây ngưng đọng ngay trong tàng cây trên đầu mình. Tôi viết say sưa, hầu như mỗi ngày một truyện ngắn, buổi chiều xuống núi truyện được người vượt biên trong trại chuyền nhau đọc. Lúc bấy giờ tôi viết với tâm trạng không mưu cầu một cái gì cả, không một ý định nào cả, tôi viết hồn nhiên để bộc lộ chính mình vậy thôi. Trạng thái này trước đây chưa hề có, và sau này cũng không bao giờ gặp lại, thật là một giai đoạn khinh khoái lạ thường của việc viết lách. Tại đây tôi đã viết xong những truyện sau này in trong Ngựa Nản Chân Bon và Xuôi Dòng, và tập I của bộ Mùa Biển Ðộng.

Còn nhớ một vài kỷ niệm, đó là khi viết truyện ngắn “Ngựa Nản Chân Bon” tôi lấy ý trong Thánh Kinh, một vài vị linh mục ở lán bên cạnh đọc được, đến tìm tôi vì tưởng tôi là tín đồ Công Giáo. Rồi khi ngôi chùa trên đảo xây cất xong, bà con Phật tử trong các lán lại nhờ tôi làm một câu đối để khắc vào chùa, tôi đã viết hai câu như sau:

 Vượt biển tìm tự do, sống chết hai hàng lệ ứa

Lên non tạ Phật tổ, sắc không một mảng mây bay

 Sau hai tháng ở đảo Kuku, chúng tôi được chuyển sang đảo Galang. Sang chỗ mới, tôi tiếp tục viết, nhưng không còn cái đà như tại Kuku viết là viết thôi, hoàn toàn với cái hồn nhiên của một kẻ vừa thoát được sống tự do, được làm chủ đời mình. Qua Galang, mọi việc bắt đầu có chủ đích. Tại đây ai cũng cần chứng tỏ mình là nạn nhân của chế độ cộng sản và... cần đi Mỹ. Ai cũng ước ao được đi Mỹ, đến nỗi khi phái đoàn của các nước khác như Pháp, Ðức... đến phỏng vấn để cho tị nạn, người ta trốn lên núi để khỏi gặp phái đoàn.

Tại Galang có một tờ báo dành cho người tị nạn do Linh Mục Dominici, tên Việt là Ðỗ Minh Trí chủ trương. Tôi giúp viết cho tờ báo ấy, và ngưng việc viết truyện lẫn tiếp tục Mùa Biển Ðộng. Tôi cũng liên lạc được các văn hữu ở Mỹ, trong đó có nhà văn Võ Phiến, ông khuyên tôi nên cố gắng xin đi Mỹ, con cái sẽ có tương lai hơn.

Và tôi đã đến Mỹ, vào tháng 11 năm 1982. Thoạt đầu tôi cộng tác với vài tờ báo của bạn bè. Và tôi bắt đầu viết văn trở lại.

 Ðánh giá các tác phẩm của mình

 Ðọc lại tác phẩm của mình, đó là một việc rất ngán đối với tôi, vì mình sẽ thấy nhiều khiếm khuyết quá về mặt kỹ thuật. Vì nhận ra nhiều chỗ hở, chỗ vụng, nên cảm thấy không bằng lòng với tác phẩm. Cũng giống như một người kia sắm một chiếc xe hơi mới, bị người ta gạch một đường trên lớp sơn còn bóng loáng. Anh ta đem xe đi sơn lại, mới y như trước, người ngoài không nhận thấy gì, nhưng chính anh ta thì vẫn bứt rứt, vì biết chiếc xe đã bị vết sẹo, dù bây giờ không còn nhìn thấy nữa.

Lúc chưa bị đau yếu, tôi có ý định sẽ viết một bộ Văn học sử Việt Nam hải ngoại và một cuốn trường thiên tiểu thuyết về cuộc sống của người Việt tại hải ngoại. Nhưng rồi đổ bệnh, sức khỏe kém, tôi biết ý định ấy không còn thực hiện được nữa.

Bây giờ nhìn lại, tôi thấy miền Nam trước 1975 đã có được một cơ chế tôn trọng tự do phát biểu. Trước hiện tượng nhiều nhà văn tại Việt Nam ngày nay khi sắp qua đời mới công bố những lời tự biện hộ cho chính những gì không thật mình đã viết, hoặc những việc không phải mình đã làm, tôi thấy thật là một thảm kịch.

Nếu có một lời nhắn nhủ cho lớp trẻ, tôi sẽ nói: Nếu có ý định làm gì, thì nên làm ngay. Ðừng đợi có điều kiện tối hảo mới làm, như kiểu tự hứa: “Khi có điều kiện, tôi sẽ làm việc này việc kia...” mà nên bắt tay làm ngay.

Cuối cùng, tôi mong mọi người mạnh khỏe, và tận hưởng các thú vui của đời sống. 

No comments:

Post a Comment