Thursday, December 6, 2012

"Hai con bú dù" - Quán cà phê "nổi loạn"

Chắc khó tìm ra nơi nào xứng đáng với tên gọi quán văn chương hơn cái hiệu cà phê trông bề ngoài chẳng lấy gì làm to lớn, lại mang cái bảng hiệu kì cục Les deux Magots (nghĩa gốc: Hai con bú dù). 

Bởi lẽ ít có nơi một nhà hàng giải khát đứng ra đề xướng và một mình chủ trì một giải thưởng văn chương lớn mang thương hiệu của mình, suốt 70 năm qua bất chấp đổi thay thể chế, ân cần giới thiệu và làm nổi danh không ít văn tài đích thực. Và chắc cũng không nhiều những nhà hàng dám tự hào, mình từng là nơi lui tới thường xuyên, thậm chí là nơi ăn dầm ở dề, của nhiều tên tuổi chói lọi trong làng văn thế giới như cái quán cà phê đã tồn tại xuyên qua ba thế kỉ. 

Từ những tên tuổi lừng lẫy thuở Ba chàng ngự lâm pháo thủ, Miếng da lừa, Mai nương Lệ cốt... đến các danh gia nức tiếng như cồn thế kỉ 20 tại Pháp như André Gide, Francois Mauriac, Apollinaire, Aragon, Jean-Paul Sartre... cùng không ít văn nhân, nghệ sĩ nước ngoài nổi bật như các văn hào Hemingway, James Royce và tài tử màn bạc Mĩ Marlène Dietrich, nhà viết tiểu thuyết Alberto Moravio cùng ngôi sao điện ảnh Ý Greta Garbo, danh họa gốc Tây Ban Nha Pablo Picasso với nhà viết kịch Đức Bertolt Brecht...; các tên tuổi ấy từng lui tới quán cà phê chẳng phải quá sang trọng Les deux Magots này.

"Les deux Magots" - nơi tụ họp của giới văn chương Paris

*Bút ký đầy thi vị về quán cà phê và giải thưởng văn chương kì lạ của nước Pháp này, được trích trong tập 
"Thơ thẩn Paris" - tác giả Phan Quang

Quá trình ra đời cái giải văn chương này khá độc đáo. Năm 1933, nhà văn trẻ André Malraux bất ngờ được Hội đồng giải của Viện Văn học Goncourt chính thức trao giải cho cuốn tiểu thuyết mới xuất bản của ông viết về một đề tài thời sự: "Thân phận con người".

Hơn một chục tác gia đang dùng điểm tâm và nhâm nhi cốc cà phê tại hiệu Les deux Magots sáng hôm ấy thì đọc được tin sốt dẻo trên các tờ báo lớn  vừa phát hành rầm rộ loan đi. Mọi người trong hiệu hình như chẳng mấy ai đồng tình với quyết định của Viện Goncourt.

Một người nào đó lớn tiếng: "Tại sao chúng ta không lập ra cái giải thưởng văn học riêng của mình nhỉ? Để chúng ta chọn, chúng ta trao. Chỉ cần mỗi người trong số anh em đang có mặt tại đây hôm nay bỏ ra 100 frăng là đủ để làm món tiền thưởng cho sự lựa chọn chắc chắn là đúng đắn, ít ra cũng đúng hơn sự lựa chọn của các vị đạo mạo trong Viện Goncourt..."
Nói là làm. Máu nghệ sĩ mà. Và ngay trong buổi sáng hôm ấy, Giải thưởng văn học Les deux Magots hình thành. Số tiền góp lại chẳng đáng bao nhiêu. Bù lại, không có sự “bảo hành” nào có hiệu lực hơn cho tương lai của nó: các nhà đề xướng và tổ chức giải thưởng mới đều là những tên tuổi thời danh.
Tại đây đã ra đời giải thưởng văn chương tư nhân nổi tiếng nhất nước Pháp

Mấy tuần sau, khi đã hoàn tất các thủ tục pháp lí và chọn xong tác phẩm, Giải thưởng văn học mới được chính thức công bố. Ngay lập tức nó trở thành sự kiện văn hóa vang dội nhất trong năm tại thủ đô Paris. Thông tin về cái Giải văn chương mới lập, và nhất là việc Giải lần đầu tiên được trao cho cuốn tiểu thuyết đầu tay của một tác giả chưa mấy ai biết, chiếm trang nhất hầu hết các tờ nhật báo lớn hồi bấy giờ.

Có sự quảng bá nào cho một thương hiệu tốt hơn, và nhất là ít tốn kém hơn thế? Ông chủ nhà hàng Les deux Magots vốn là một doanh nhân nhạy bén và thành đạt, lại được tiếng là mạnh thường quân của giới văn học nghệ thuật, ngay lập tức chộp lấy cơ hội ngàn vàng.

Ông đề nghị, từ nay trở đi xin giao cho nhà hàng của ông lo liệu mọi phí tổn, từ món tiền thưởng lớn hơn dự kiến nhiều lần đến việc phục vụ Hội đồng giám khảo chọn lựa tác phẩm, cũng như bữa tiệc lớn không thể thiếu chiêu đãi tác gia được giải với sự có mặt của nhiều văn nhân, nghệ sĩ, nhà báo và gương mặt văn hóa của thủ đô. Nhà hàng cậy nhờ các danh gia dùng tài năng và danh vọng lớn của mình chủ trì cho việc lựa chọn tác phẩm xứng đáng để trao giải hằng năm, từ nay sẽ mang tên Giải thưởng văn học Les deux Magots.

Nhà văn trẻ được giải Les deux Magots đầu tiên (năm 1933) tên là Raymond Quéneau, năm ấy mới 30 tuổi. Cuốn tiểu thuyết được giải có tên "Cỏ gà". Với thời gian, cây bút trẻ trở thành nhà viết tiểu thuyết, nhà thơ, nhà hoạt động văn hóa dày dặn, và điều làm không ít người bất ngờ là chính ông rồi sẽ được bầu làm thành viên Viện hàn lâm văn học Goncourt, hằng năm trao giải cho nhiều tác gia trẻ.

Nhà xuất bản đầy uy tín Gallimard ủy thác cho Raymond Quéneau chịu trách nhiệm chủ biên Tủ sách La Pléiade (tạm dịch Tủ sách Tao đàn) chuyên việc chọn in tác phẩm hầu hết đã lừng lẫy của các danh gia trong và ngoài nước Pháp, giống như một loại tổng tập tác phẩm văn học đã trải qua thử nghiệm khắc nghiệt của thời gian. Tác giả nào có sách in trong bộ La Pléiade coi như đã đặt được chân vào ngôi đền văn chương danh giá. Raymond Quéneau qua đời năm 1973, để lại cho đời hơn 50 tác phẩm gồm đủ thể loại.
Raymond Quéneau - nhà văn đầu tiên được nhận giải thưởng Les deux Magots, sau này để lại nhiều dấu ấn tích cực trong văn chương Pháp.

Vậy là từ thập niên 30 của thế kỉ trước, cái giải thưởng văn chương “tư nhân” ra đời và tồn tại cho tới nay. Đến hẹn lại lên, năm nào nó cũng chọn, cũng trao đều đều - trừ hai năm quá bi đát cho nước Pháp là bại trận, bị kẻ thù cưỡi lên cổ: 1939 và 1940.

Noi gương thành công, và trước hết nhằm cạnh tranh với Cà phê Les deux Magots, một số nhà hàng khác lần lượt tung ra các giải văn chương, nghệ thuật của mình. Bắt đầu từ Hàng giải khát mang tên Lipp nằm đối diện  ở phía bên kia đường như chiếu tướng Hai con bú dù, đến cái Trại hoa tử đinh hương có lịch sử dài lâu tọa lạc đầu đại lộ Montparnasse, rồi Hiệu cà phê  không mấy kém Magots tên là Flore (Thực vật)... Toàn những thương hiệu quen thuộc của giới văn hóa và sành ẩm thực Paris.
Tranh sơn dầu về quán cà phê nổi tiếng

Ngay từ lần đầu đặt chân tới quán cà phê, cách đây khá lâu, tôi đã băn khoăn: do đâu có tên hiệu kì cục thế này? Hai con bú dù! Không sợ sái ư? Không sợ khách cho rằng nhà hàng khinh mạn, dám diễu cợt gọi những đôi nam thanh, nữ tú dắt nhau tới đây đều là bú dù sao? Hóa ra chuyện này cũng có điển tích văn chương của nó.

Bên trong nhà hàng hiện vẫn có bày tượng hai vị quan hầu Trung Hoa, mặc trang phục đời nhà Thanh ngồi chễm chệ trên cao. Số là, cách đây 200 năm, vào đầu thế kỉ 19, nơi đây vốn là một cửa hàng bách hóa và hiệu thời trang. Cửa hàng chuẩn bị khai trương vào dịp cả Paris đang xôn xao bàn luận về một vở hài kịch ăn khách vừa được công diễn, mang cái tên lạ lẫm Hai con bú dù Trung Hoa(tiếng Pháp, từ magot có thể được hiểu là con người dị dạng hoặc là cái tượng làm bằng gốm sứ, và chủ đề Trung Hoa là chuyện thời thượng ở Pháp hồi bấy giờ).
"Hai con bú dù"  bên trong tiệm 

Cửa hàng bách hóa thuổng luôn cái tên lạ tai làm tên hiệu của mình, chẳng bị ai hỏi han quấy nhiễu chuyện tác quyền. Đến khi làm ăn thua lỗ, cửa hàng bách hóa dẹp tiệm, sang tên. Một chủ hàng giải khát tới. Ông chủ mới quyết định giữ lại cái tên hiệu đã quen thuộc với khách gần xa, đặc biệt giới đam mê thời trang độc đáo.

Trừ các nhà nghiên cứu sân khấu, ngày nay chẳng còn mấy ai biết đến vở hài kịch năm xưa, trong khi Hai con bú dù thì mỗi ngày một nổi tiếng. Nghe nói nhà hàng này làm ăn thành đạt lắm, hằng năm có cả triệu lượt khách tới lui. Nghĩ cũng đáng nể vì. Với cái mặt bằng chật hẹp này, làm sao người ta phục vụ xuể mỗi ngày, hè cũng như đông, bình quân ngót nghét ngàn khách đến dùng cà phê, giải khát hay ăn nhẹ?

Cũng giống như tự bao giờ, trong cái tủ kính kê tại nơi sáng sủa nhất cạnh cửa ra vào chính của nhà hàng, bày thường trực mấy cuốn sách được chính nhà hàng trao giải mấy năm gần đây. Tôi không nhìn thấy tác phẩm được giải năm nay. Tuy nhiên qua báo chí, đã biết bậc văn nhân được Hai con bú dù chọn lựa mà vinh danh năm nay là Stéphane Audeguy, tác phẩm được giải là cuốn tiểu thuyết của ông có đầu đề Cậu con một. Cái giải tinh thần được trao kèm món quà vật chất “chẳng đáng bao nhiêu”, năm nay là 7.750 (khoảng 180.000.000 đồng Việt Nam, tính theo giá hối đoái 2007)!

Tôi nhìn qua một lượt các cuốn sách đoạt giải sáu, bảy năm lại đây. Tên tuổi các tác gia đều mới lạ. Tại mình ít đọc, chưa biết đến họ, hay trên thực tế họ toàn là lính mới? Dù sao, chẳng ai dám nghi ngờ, và lịch sử của cái giải văn học là một minh chứng, trong số những cây bút chưa có tiếng tăm kia, biết đâu sau đây sẽ chẳng tỏa sáng trên văn đàn vài ba tài năng đích thực?
  • Vân Sam

No comments:

Post a Comment