Thursday, December 6, 2012

Buông bức màn nhung....


Rời bỏ khu Chùa và Nghĩa trang Nghệ sỹ, mảnh đất yên lặng của những người đã chết, tôi tìm đến Khu dưỡng lão nghệ sỹ, nơi trú ngụ của những người đang sống. Vẫn là những câu chuyện buồn, những mảnh đời buồn. Tôi gọi, đó là "thế giới phẳng" của những người đang sống. Không gian vẫn lặng lẽ và khuất nẻo, cô lập với Sài Gòn ồn ào và náo nhiệt.
Khu đất rộng chừng 6 công đất (khoảng 6533 mét vuông), thời chế độ cũ ngụy quyền Sài Gòn, nó nguyên là một trại gia binh. Ban Ái hữu nghệ sỹ thành phố Hồ Chí Minh đã đệ đơn xin chính quyền Ủy ban Thành phố làm khu dưỡng lão cho những nghệ sỹ không nơi nương tựa. Xin được đất, Ban Ái hữu cử nghệ sỹ Hoàng Sa ra Hà Nội xin Chính phủ miễn thuế đất và cấp kinh phí 420 triệu để xây dựng.
Ngày 7/3/1993, Khu dưỡng lão nghệ sỹ được khánh thành, gồm một trung tâm hai tầng ngăn thành các phòng nhỏ làm nơi ăn ở cho các nghệ sỹ, một khu nhà cấp 4 làm nhà ăn và công trình phụ.
Tổng kinh phí xây dựng hoàn tất lên đến 1,5 tỷ đồng. Phần kinh phí thiếu hụt, vẫn trông mong vào sự đóng góp của các Mạnh Thường Quân. Số còn lại, các nghệ sỹ tổ chức lưu diễn để quyên tiền từ khán giả và đồng bào. Đến nay, khu nghệ sỹ đã bắt đầu xuống cấp. Một sân khấu ngoài trời được Ban Ái hữu xây dựng làm nơi sinh hoạt văn nghệ cộng đồng. Những dịp lễ tết trung thu, các em thiếu nhi của phường Âu Dương Lân lại có dịp được nghe các dì, các má hát lên những khúc nghê thường, như một sự sẻ chia của những thế hệ.
Ở đây, những công chúng yêu mến đàn ca tài tử miền Tây, sẽ được gặp trực tiếp những tên tuổi nức danh một thời. Những cái tên như nghệ sỹ Kim Chi, Ngọc Đáng, Kiều Lệ Thu, Bạch Yến, Thanh An, Văn Ngà, Ngọc Văn, Mộng Lành, Hoàng Nô... Thế nhưng, đấy là những gì còn lại, những gì thuộc về cuộc đời thực, con người thực. Nhưng hư danh đã theo thời gian lùi xa vào một thời quá vãng.
Ông Tần Nguyên, người quản lý khu dưỡng lão nghệ sỹ.
Nghệ sỹ Lệ Thẩm là một trong những người đầu tiên vô Khu dưỡng lão. Trước, Lệ Thẩm hát ở đoàn Năm Châu. Sinh ra trên mảnh đất Bạc Liêu, quê hương gắn liền với điệu Dạ cổ Hoài Lang đẫm buồn sông nước, những đêm đờn ca tài tử, những câu vọng cổ cứ tự nhiên thấm vào huyết mạch, và gắn cuộc đời, số phận của dì với sự thăng trầm của những ghe hát, đoàn hát ròng rã mấy mươi năm trời.
Từ những năm 60 thế kỷ trước, khán giả cải lương Sài Gòn đã biết tới Lệ Thẩm với những vai đào thương duyên dáng trong các vở "Cô gái áo vàng", "Tấm Cám", "Miếng thịt người"... Rời đoàn Năm Châu, Lệ Thẩm qua "đầu quân" cho đoàn Tiếng Chuông. Một thời gian sau, Lệ Thẩm cùng chồng là nghệ sỹ Tuấn Sỹ xây dựng đoàn hát Nhụy Hương. Sau năm 1975, dì đeo đẳng với sân khấu Sài Gòn thêm vài năm nữa, rồi cơn trọng bệnh đã đưa Lệ Thẩm vào Khu dưỡng lão nghệ sỹ cho đến tận bây giờ.
Thời gian đầu vô trại dưỡng lão, nghệ sỹ Lệ Thẩm nhận vai trò nấu cơm nước phục vụ các đồng nghiệp. Nhưng rồi, căn bệnh tim không cho dì làm được lâu. Mấy năm trở lại đây, dì Lệ Thẩm phải nghỉ ngơi. Khuôn mặt dịu hiền và phúc hậu của tuổi 71 đã đẩy lùi những năm tháng gắn bó với sân khấu cải lương của cô đào Lệ Thẩm.
Nghệ sỹ Kiều Lệ Thu, diễn viên cải lương của đoàn Sài Gòn 2, tuổi nghề đã mấy chục năm lận. 20 tuổi, cô bé Kiều Lệ Thu đi vào nghiệp xướng ca, đã qua nhiều đoàn hát, hay diễn cùng với nghệ sỹ Mỵ Châu, Ngọc Bích. Năng khiếu và tình yêu ca hát từ thời thiếu nữ không nuôi sống được cô kép hát xinh đẹp ngày nào. Những ngày tháng cuối đời, khi bước sang bên này dốc, Kiều Lệ Thu nhận đóng những vai phụ, hay có đạo diễn trẻ nào thương dì, kêu dì đi đóng vai quần chúng, lất ít tiền catsê làm đồng ra, đồng vào.
Cô sáu Ngọc Sương, em gái má Phùng Há - một nghệ sỹ tài danh, học trường Tây, chơi đàn dương cầm, đàn violong nức tiếng cả đất Sài thành cũ, Bạch Công tử một thời si mê Ngọc Sương, cuối đời cũng gửi gắm phần sống còn lại của mình ở Khu dưỡng lão nghệ sỹ. Đứa cháu ruột kêu Ngọc Sương bằng dì rước nghệ sỹ về nhà chăm nuôi, ở nhà đẹp, tiện nghi đầy đủ, có người phục vụ, người giúp việc chăm sóc. Thế nhưng, cuộc sống tài tử của người nghệ sỹ Sài Gòn cũ không chịu được cảnh sống bó buộc, nhất là không có ai làm bầu bạn. Bỏ ngôi nhà khang trang của đứa cháu, nghệ sỹ Ngọc Sương xin vào Khu dưỡng lão, bầu bạn với đồng nghiệp.
Bên cạnh những nghệ sỹ Sài Gòn cũ, không ít những gương mặt nghệ sỹ đất Bắc. Nghệ sỹ Bạch Yến quê Hà Nội, đi hát từ năm 16 tuổi trong đoàn cải lương Kim Chung. Bạch Yến thành danh với nhiều vai diễn để đời như Lữ Bố, Phan Lê Huê.... và thường xuyên được phân vai đào võ hay kép độc. Năm 1954, sau nỗi đau chồng mất, 2 đứa con còn nhỏ, Bạch Yến theo đoàn vào Nam trình diễn. Nào ngờ đó là chuyến đi lâu nhất trong đời bà khi những biến cố chính trị phân chia 2 miền Nam Bắc khiến cả đoàn phải ở lại miền Nam.
Từ đoàn Kim Chung, nghệ sỹ Bạch Yến chuyển qua đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, Năm Phỉ Kim Cương để rồi sau này thành lập đoàn hát riêng mang tên Bạch Yến. Vượt qua trở ngại của một nghệ sỹ đất Bắc vào Nam lập nghiệp bằng nghề ca hát, đoàn hát Bạch Yến vẫn là một trong những đoàn sáng giá của sân khấu miền Nam trước giải phóng.
Những hào quang ấy, bây giờ kể lại giống như nhắc lại một câu chuyện rất cũ, từ rất xa xôi. Những gì hiện hữu ở khu điều dưỡng nghệ sỹ, ấy là những căn phòng già nua, cũ kỹ, nằm tít sâu trong con hẻm Âu Dương Lân mù mịt khói bụi. Hàng ngày, họ lặng lẽ với nỗi buồn của riêng mình, sống bằng ký ức và hoài niệm. Thời gian đã đánh gục tất cả, những tiền tài, danh lợi, những hư danh xưa cũ...
Ông Tần Nguyên, thành viên của Ban Ái hữu, là người trực tiếp quản lý trung tâm cho biết: mấy năm trở lại đây, nhiều nghệ sỹ đã khuất núi, do tuổi tác, do bệnh tật, và do cả sự cô đơn! Hình như, đây là khoảng tối nhất không bao giờ có ánh sáng mặt trời!!!
Hào quang sân khấu đã tắt, những nghệ sỹ phải trở về với đời thường, phải đối mặt với những lo toan cơm áo gạo tiền... Cuộc sống nghệ sỹ không biết đến ngày mai của họ, đã khiến họ phải trả giá cho tuổi trẻ của chính mình. Tất nhiên, những nghệ sỹ đó không nhiều, và hẳn, chẳng ai mong muốn mình như thế.
"Cả đời đi theo những gánh hát, gửi cuộc sống vào những nơi bất định, nay đây mai đó, tiền bạc kiếm được tiêu pha không bao giờ tính. Trước, có một anh kép, trên thế giới người ta xài xe gì mới, y như rằng anh cũng tậu cho mình bằng được. Sự ngẫu hứng và phóng túng của họ, khiến họ chỉ biết đến bản thân mình. Con cái thì gửi cho ông bà, vợ chồng theo những đêm diễn, theo những thú tiêu khiển, những thú vui qua ngày... Cho nên, kết cục về sau cũng là một điều không khó lý giải...".
Ngày ở khu dưỡng lão nghệ sỹ như trôi chậm lại. Hơn 5 giờ chiều, chị nấu bếp đã dọn cơm chiều cho các nghệ sỹ. Từ mỗi gian phòng cá nhân, những dáng người già nua chậm rãi ra nhận phần ăn của mình. Căn phòng nhỏ nhắn chừng 5 mét vuông, kê vừa chiếc giường cá nhân và một ngăn tủ gỗ đơn sơ đựng những vật dụng, những chiếc đài chạy băng một cửa, hay một chồng băng maxell tịnh hành của những thập niên 90 về trước... Những cuốn băng ấy, rất có thể là những vở diễn do chính các nghệ sỹ nhận vai. Đấy là những gì còn lại của họ sau cả một cuộc đời đi ca hát?
Chiều le lói ẩn mình. Đám mây đen đột ngột kéo đến, cuốn nắng theo những hàng bạch đàn xạc xào lá. Ông Tần Nguyên đang tiếp nhận một tải gạo chừng năm chục ký của một khán giả hảo tâm gửi tặng. "Đấy là một trong số những tấm lòng hảo tâm hiếm hoi còn nhớ đến những nghệ sỹ đã vang bóng một thời!".
"Những nghệ sỹ trẻ, nếu như họ biết được những mảnh đời, những số phận như thế, họ sẽ nghĩ gì?". Dường như không nghe thấy điều tôi hỏi, ông Tần Nguyên ngó lơ xơ lên rặng bạch đàn đang mùa thay vỏ, trắng như một tấm thân lõa thể: "Tôi nghĩ, đấy là những bài học cho lớp nghệ sỹ trẻ bây giờ. Họ rất tài năng, rất được người ta ngưỡng mộ. Nhưng, họ hãy thực tế với chính mình, bước xuống sân khấu, khi không còn ánh đèn hào nhoáng nữa, họ là những con người bình thường như bao người khác...".
Có thể, điều ông Tần Nguyên nói, sẽ khiến nhiều người khó chịu. Nhưng, tôi tin ông ấy đúng.
Di Linh

No comments:

Post a Comment