Thursday, December 27, 2012

CUỘC ĐỜI ÁI TÌNH CỦA HOÀNG ĐẾ QUANG TRUNG


TS. ĐINH CÔNG VĨ
Cũng như các hoàng đế lẫy lừng thế giới Alêc-xăng Ma-xê-đoan (Hi Lạp), Na-Pô-Lê-Ông (Pháp), cuộc đời của hoàng đế Quang Trung, bên cạnh những thiên anh hùng ca bất diệt, lại có những thiên ái tình đặc sắc xen vào, làm phong phú, sinh động thêm sự nghiệp người anh hùng.
Xác định tình yêu đơn thuần khó khăn hơn là hôn nhân. Có người nói đến sự say mê của nữ tướng Vũ Thị Đức với Quang Trung, hay mối tình của một thiếu nữ Bắc Hà là Đỗ Quyên với người anh hùng áo vải khi nàng giả trai xâm nhập vào quân đội Tây Sơn… Song chứng cứ chưa rõ ràng. Nhưng rõ hơn là ông đã có hai người vợ tấm cám thuở đầu. Một trong đó là mẹ Nguyễn Quang Thùy, người con trai mà vua Càn Long nhà Thanh lầm tưởng là con trưởng Quang Trung, khi Thùy trong đoàn sứ bộ sang chúc thọ 80 tuổi của vua Thanh (năm 1720). Xưa kia (nhất là với vua chúa) không nhất thiết cứ phải lấy người vợ nào trước thì cho người dó là vợ cả. Nếu chưa chọn được người theo ý mình, có thể tạm lấy một người trước để giúp mọi thứ. Cho nên, khó khẳng định mẹ Quang Thùy hay mẹ Quang Toản người nào lấy trước. Có điều là một khi Quang Trung phong mẹ Quang Toản là chính cung hoàng hậu thì Quang Toản thành con trưởng, dù Toản kém tuổi Thùy, tài năng cũng không bằng. Có người căn cứ vào “Đại Nam chính biên liệt truyện” với sự kiện: sau khi từ Thăng Long về (1786): “Nhạc ngày càng hung bạo dâm dật… loạn dâm với vợ của Huệ…”, cho rằng (mẹ Quang Thùy) “lâm vào trường hợp như vậy khi còn ở lại đất của Trung ương hoàng đế nên không được phong làm hoàng hậu”, “có khả năng đây là vợ đầu tiên của Nguyễn Huệ” cũng chỉ là dự đoán. Sách của các sử thần nhà Nguyễn viết về triều đại thù địch với mình, chưa hẳn đã đáng tin cậy. Chính cung hoàng hậu họ Bùi, là anh em cùng cha khác mẹ với thái sư Bùi Đắc Tuyên và Hình bộ thượng thư Bùi Văn Nhật sau này, có quan hệ xa gần gì đó với nữ tướng Bùi Thị Xuân. Vào tuổi trăng tròn lẻ, lọt vào cặt mắt xanh của người anh hùng, bà được Quang Trung chọn làm vợ. Sau mười mấy năm gắn bó với người anh hùng trên những bước đường máu lửa nam chinh bắc chiến, ở cái tuổi 30, bà được phong làm Chính cung hoàng hậu và đã có 5 con (3 trai, 2 gái). Vậy nên, dù chưa hẳn là giai nhân “khuynh quốc” như Ngọc Hân công chúa và các người khác bà cũng được Nguyễn Huệ đặc biệt quí trọng, thương yêu. Bà mất ngày 23 tháng 9 năm 1791, mộ chôn ở dưới chân núi Kim Phụng, thuộc địa phận thành phố Huế, trong tang lễ hết sức linh đình trang trọng, với những giọt nước mắt sầu thảm bi ai, thực sự thương tiếc cho người vợ tấm cám không được cùng mình đi suốt cuộc trường chinh của Quang Trung.
Song nổi tiếng nhất trong cuộc đời Quang Trung là cuộc hôn nhân với Ngọc Hân công chúa, con gái thứ 21 của vua Lê Hiển Tông và bà Nguyễn Thị Huyền. Ngọc Hân sinh ngày 27 tháng 4 năm Canh Dần (tức ngày 22 tháng 5 năm 1770) chỉ bằng nửa tuổi Quang Trung (gái 16 – trai 33), đối với tuổi Thân của Quang Trung là “Thân Dần Tị Hợi tứ hành xung” tỏ rõ gia đình quí phái và người anh hùng không coi nặng vấn đề tuổi tác. Về mối tình này, chính Quang Trung đã có những câu nói nổi tiếng, hết sức lý thú, còn lưu mãi trong sử sách, như: “Xưa nay những kẻ chinh phu xa nhà, tình khuê phòng là rất cần thiết. Hoàng thượng(1) cũng xét đến chỗ ấy kia à? Ừ! Em vua Tây, làm rể Hoàng đế nước Nam, “môn đăng hậu đối” như thế, hộ tưởng cũng không mấy người có được”… “Nhưng nói đùa đó thôi! Ý nghĩa ấy của hoàng thượng thật là mưu kế già dặn. Người muốn cho hai nước hòa hiếu với nhau đấy thôi”… “vì dẹp loạn mà ra, để rồi lấy vợ mà về; bọn trẻ nó cười cho thì sao. Tuy nhiên, ta mới chỉ quen gái Nam Hà, chưa biết con gái Bắc Hà, nay cũng nên thử một chuyến xem có tốt không?”. “Tôi xin kính lạy dưới bệ Hoàng thượng vạn tuế! Ở nơi khe núi hẻo lánh xa xôi tới đây, há dám đường đột như vậy? Bây giờ may sao lại được bám vào cánh vàng lá ngọc, thật là mối duyên kỳ ngộ ngàn năm mới có…”.
Đám cưới của hai người vào năm 1786, được tổ chức linh đình giữa kinh thành Thăng Long. Trai gái trong kinh thành nghe tin rủ nhau đi xem đông như ngày hội. Ai cũng cho là việc hiếm có xưa nay. “Hoàng Lê nhất thống chí” và một vài cuốn sách đã mô tả rất kỹ. Sau mấy thế kỷ đất nước phân chia Đàng Trong – Đàng Ngoài, cuộc hôn nhân này là sự hàn gắn một cách uyển chuyển đẹp đẽ nhất nhân tâm vốn đã bị chia cắt, phù hợp với xu thế thống nhất đất nước thuở ấy. Sau đó thì “Thuyền lan chèo quế thuận đường vu qui”, Ngọc Hân về Phú Xuân gắn bó cuộc đời mình với người anh hùng “áo vải cờ đào”. Bà được phong làm Bắc cung hoàng hậu (năm 1788) và đã có với Quang Trung hai con (hoàng tử Văn Đức thọ 11 tuổi, công chúa Ngọc Bảo thọ 13 tuổi). Được 6 năm thì Quang Trung đột ngột qua đời (năm 1792). Tất cả tình cảm, niềm thương tiếc của bà với người anh hùng cao cả được thể hiện trong “Văn tế vua Quang Trung” và nhất là trong tác phẩm “Ai tự vãn” lẫy lừng, đến nay đọc lên vẫn còn làm xúc động lòng người.
“… Mà nay áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước biết bao công trình
Nghe rành rành trước vua Nghiêu Thuấn
Công đức nhiều ngự vẫn càng lâu
Mà nay lượng cả ơn sâu
Móc mưa tưới khắp chín châu đượm nhuần”…
Ngoài hai bà vợ được phong hoàng hậu chính thức, Quang Trung còn có những bà vợ khác mà nay tài liệu thành văn cũng như truyền thuyết dân gian để lại không là bao. Tương truyền có một bà tên là Nguyễn Thị Bích, người Quảng Trị là con gái út thứ 16 của một viên quan nhỏ vào buổi tận cùng của chúa Nguyễn ở Phú Xuân, bà gặp Nguyễn Huệ và có một con trai với ông. Sau khi triều Tây Sơn sụp đổ, bà trốn về Vĩnh Âu (nay thuộc xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) để náu mình, lúc qua đời được mai táng ở gò Thơ Vĩnh Âu. Cũng tương truyền có một bà phi họ Lê người Quảng Ngãi, có một con trai với Quang Trung. Cuộc đời mẹ con bà đến nay vẫn còn khép kín trong màn đêm lịch sử. Lại có một bà thứ phi nữa tên là Trần Thị Quy. Cho đến nay chúng ta vẫn chưa biết bà được Quang Trung chọn làm phi năm nào, có con với ông không? Có truyền thuyết là trong những ngày Tây Sơn thất thế, bà bị tay chân Nguyễn Ánh chém đầu, thả trôi sông. Thi hài của bà được nhân dân bí mật vớt lên khâm liệm, mai táng cẩn thận ở cánh đồng trong xứ Trà Quận, làng Thanh Đông (Quảng Nam – Đà Nẵng) với lời thương cảm truyền miệng:
“Bà Trần không quỵ trên đời
Thanh cao phẩm tiết con người ngát thơm”.
Đặc biệt Quang Trung còn dự định cầu hôn với công chúa nhà Thanh nhưng việc không thoả mãn vì ông đột ngột qua đời. Đây là một sự thật rõ ràng. Biểu cầu hôn của Quang Trung gửi vua Càn Long nhà Thanh, dẫn trong “Bang giao hảo thoại” của Ngô Thời Nhiệm còn đó. Đây có thể là “thử” mà cũng không hẳn là “thử” như một phần ông đã thử người con gái tuyệt diệu Bắc Hà, một cái “thử” đáng yêu đã trở nên thiên diễm tình bất tử nghìn thu.
Khác với một tướng bách chiến chưa lên ngôi, lúc này là một Hoàng đế vừa dẹp xong 29 vạn quân xâm lược, với một chiến lược suy tính lâu dài thì hẳn rằng, cuộc hôn nhân này có khác, rất đặc biệt.
Sự đột tử của vua Quang Trung làm dở dang mối duyên Trung – Việt mà ông tơ bà nguyệt, số phận của hai nước không cho gắn bó. Nó cũng làm dở dang cho hàng loạt cuộc đời các người vợ, các người con của ông, đẩy họ vào số phận hết sức bi thảm trong sự trả thù khắc nghiệt và hèn hạ của bọn phản động Gia Long. Thế nhưng, cũng như những thiên anh hùng ca vốn đã bất diệt trong sử sách và truyền thuyết, những thiên ái tình trong hoạt động chính trị cũng như trong đời thường của Quang Trung vẫn sống mãi, còn làm rung động những thế hệ đời nay và mai sau.
(1) Vua Lê Hiển Tông.
* Nguồn: NHÌN LẠI LỊCH SỬ, nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, Hà Nội 2003, Tác giả: KS. PHAN DUY KHA – TS. LÃ DUY LAN – TS. ĐINH CÔNG VĨ.

No comments:

Post a Comment