Thursday, December 27, 2012

CÁC CUỘC HÔN NHÂN CỦA GIA LONG NGUYỄN PHÚC ÁNH


TS. ĐINH CÔNG VĨ
Đối với một anh hùng cao cả, có công cứu dân cứu nước như Nguyễn Huệ, hai tiếng ái tình đẹp đẽ mộng mơ dễ tìm thấy hơn, đã thực sự làm xúc động lòng người. Với một ông vua đối lập như Gia Long Nguyễn Ánh, tư liệu kiểu này có mà ít hơn. Phải chăng dùng hai tiếng “hôn nhân” chuẩn hơn, dễ tìm thấy hơn?
Cuộc hôn nhân đầu tiên của ông là với nàng Tống Thị Lan, tên chữ là Liên, người quê gốc ở Tống Sơn Thanh Hóa, con gái thứ 3 của Qui quốc công Tống Phúc Khuông, sinh năm Tân Tỵ (1762) bằng tuổi Gia Long. Người ta nói: “Vợ chồng bằng tuổi ngồi duỗi ra mà ăn”. Thật ra, trước khi “ngồi duỗi” bà đã trải qua một cuộc đời vất vả.
Năm 1774, khi quân Trịnh tấn công Thuận Hóa, bà theo cha vào Gia Định, vì sắc đẹp và vì dòng giống cao quí được tiến cung rồi được tiến phong là Nguyên Phi. Vì sắc và chủ yếu vì tính thận trọng, lễ phép, cư xử theo đúng lễ nghi mà Thị Lan được Nguyễn Ánh đặc biệt sủng ái.
Năm 1783 quân Tây Sơn đánh Gia Định, Nguyễn Ánh phải lánh ra đảo Phú Quốc rồi sang Xiêm, chuẩn bị rước giặc Xiêm về dày xéo đất Nam Bộ. Trước khi sang Xiêm, Nguyễn Ánh cho hoàng tử Cảnh sang Pháp cầu viện. Ông ta đem ra một dật vàng giao cho Thị Lan một nửa và bảo rằng: “Con chúng ta đi rồi, ta cũng sẽ đi đây. Phi ở lại phụng thờ quốc mẫu, chưa biết sau này sẽ gặp nhau ở đâu, vào lúc nào. Phi cất vàng này làm của tin”.
Năm 1788, Nguyễn Ánh lấy lại Gia Định, cho người đến Phú Quốc đón Thị Lan, năm 1806 lập Thị Lan làm Thừa Thiên Cao Hoàng hậu… Thị Lan đem vàng dâng Nguyễn Ánh. Ông ta nói: “Dật vàng làm tin còn, trời tất giúp ta, không nên quên lúc gian lao, cần lưu giữ lại cho con cháu cùng biết”. Sau dật vàng đó giao cho Minh Mạng. Minh Mạng sai khắc trên vàng các chữ: “Thế tổ Đế hậu Quí Mão bá thiên thời tín vật” (của làm tin của Thế tổ Đế Hậu khi bôn ba năm Quí Mão (1783) rồi đem thờ ở điện Phụng Tiên. Thị Lan khi theo chồng bôn ba nơi gian hiểm, thường tự tay dệt nhung phục cho quân sỹ.
Một hôm đang đi thuyền thì gặp địch. Nguyễn Ánh giục quân sỹ cố đánh, bà cũng cầm dùi trống thúc quân khiến mọi người phấn chấn đánh lui quân địch. Đức hạnh của bà đúng như câu được ghi trong văn sách lập hoàng hậu: “Hòa dịu, cần kiệm tỏ đức hay làm khuôn mẫu cho mọi gia đình. Đem phong hóa quan thư, khiến tu tề trị bình được trông cậy”. Bà sinh được hai hoàng tử: Nguyễn Phúc Chiêu (mất sớm) và Nguyễn Phúc Cảnh được lập làm Đông Cung Thái tử. Năm 1814, Thị Lan mất, thọ 54 tuổi, táng ở lăng Thiên Thụ. Sau Gia Long mất cũng táng ở đó. Bà là người duy nhất mộ được đặt cạnh mộ Gia Long.
Đối lập với hôn nhân được trân trọng nâng đỡ đó là hôn nhân bất hạnh. Cũng là câu chuyện ở đảo giữa biển khơi. Dân gian còn truyền lại câu chuyện: Hoàng phi Lê Thị Răm vì con là Hoàng tử Cải, khác với Hoàng tử Cảnh không chịu theo cha cố Bá Đa Lộc đi cầu giặc ngoại về chống lại người trong nước nên bị Nguyễn Ánh sai quăng xuống biển, bà bị bỏ lại đảo và bị một tên biện ở đây làm nhục. Dân gian đã truyền tụng những câu ca dao thương xót cho cuộc đời bi thảm của mẹ con bà:
“Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu đời đắng cay”.
Một người vợ khác của Nguyễn Ánh là Trần Thị Đang tên húy là Kính, người làng Văn Xá (Hương Trà Thừa Thiên) là con gái Thọ Quốc công Trần Hưng Đạt sinh năm Mậu Tý (1769), kém chồng 7 tuổi. Gặp biến cố năm 1774, mẹ Nguyễn Ánh ẩn náu ở làng An Dụ, bà được vào hầu. Năm 1778, khi Nguyễn Ánh nhiếp chính ở Gia Định, sai người rước mẹ vào Nam, bà mới 9 tuổi đã cùng các công chúa đều theo hầu. 14 tuổi, bà được Nguyễn Ánh phong làm Tả cung tần, còn gọi là Nhị phi. Khi nhà Tây Sơn còn mạnh, bà theo Nguyễn Ánh phiêu dạt nhiều nơi, đêm đêm thường thắp hương cầu khẩn: “Lúc này, vận nước còn chưa được an định, nếu sinh con mà bỏ đi thì bất nhân mà mang theo thì chỉ thêm bận lòng chúa thượng. Nếu số mệnh có còn thì xin thái bình rồi mới sinh”.
Năm 1788 khôi phục được Gia Định, theo truyền thuyết: một đêm Thị Đang mộng thấy thần nhân dâng lên một cái tỷ và hai cái ấn, tỷ màu sáng đẹp như mặt trời, ấn thì một cái màu Sắc tím, một cái màu rất nhạt. Đến năm 1791, Thị Đang 24 tuổi sinh ra hoàng tử Phúc Đảm (sau là vua Minh Mạng). Gia Long mất, Thị Đang còn sống đến đời cháu nội là vua Thiệu Trị, mất năm 1746, thọ 79 tuổi. Sử sách nhà Nguyễn thường ca ngợi Thị Đang là người “cần kiệm, hiền từ, thông thuộc kinh sử, tính lạ khiêm cung thường lo tới dân”. Bà từng có những lời khuyên Minh Mạng, Thiệu Trị góp phần ích quốc lợi dân. Thị Đang có với Gia Long ba hoàng tử. Trưởng là vua Minh Mạng, hai là Kiến An Vương Nguyễn Phúc Đại, bà là Thiệu Hóa quận vương Nguyễn Phúc Chẩn.
Người vợ xếp hàng thứ 3 của Gia Long (còn gọi là “Đệ tạm cung”) là một bà họ Lê. Một bài báo bằng tiếng Pháp đăng ở tạp chí “Những người bạn của cố đô Huế”, dưới nhan đề: “Ông tơ bà nguyệt đa đoan hay là duyên số kỳ lạ của công chúa Ngọc Hân” nói việc Ngọc Hân lấy Gia Long. Không thể có chuyện vàng thau lẫn lộn, ngọc quý để cho ngâu vầy như thế này. Ngọc Hân người vợ tài, sắc, rất mực thuỷ chung với anh hùng cao cả Nguyễn Huệ cả nước đều biết, làm sao có thể lấy Gia Long. Thực ra bà mất năm 1799 khi Gia Long chưa may mắn chiếm được Phú Xuân. “Nguyễn Phúc tộc thế phả (Nxb Thuận Hóa – Huế năm 1995) cho biết: người vợ ấy là Lê Thị Bình, con gái nuôi của vua Lê Hiển Tông và Từ Cung Nguyễn Thị Huyền, em gái của Ngọc Hân công chúa. Thị Bình sinh năm Giáp Thìn (1785), kém Gia Long 23 tuổi, năm 1802 gặp Gia Long rồi được phong Tả cung tần. Bà mất năm Canh Ngọ (1810). Thị Bình sinh với Gia Long hai hoàng tử (Quảng Uy Công Nguyễn Phúc Công và Thường Tín công Nguyễn Phúc Cự) và hai hoàng nữ (An Nghĩa công chúa Ngọc Ngôn, Mỹ Khê công chúa Ngọc Khuê). Cuộc hôn nhân này bị nhiều lời dị nghị. Theo Phan Thúc Trực trong “Quốc sử dĩ biên” thì Quận công Lê Văn Duyệt từng nói: “Đức hoàng thượng thường dẫn chuyện xưa Ngụy Báu và Bạc Cơ đề giải đáp những nghi vấn”. Bạc Cơ là vợ vua Ngụy là Ngụy Báu. Khi Ngụy Báu bị giết, Hán Cao Tổ thu nạp Bạc Cơ làm vợ sinh ra Hán Văn Đế. Với Lê Thị Bình, Gia Long cũng như Hán Cao Tổ đều cùng là một duộc sát phu hiếp phụ như vậy ở những kẻ thắng cuộc: Thị Bình vốn là vợ vua Tây Sơn Nguyễn Quang Toản, con dâu Nguyễn Huệ. Khi Toản bị Gia Long bắt giết, cùng với sự trả thù khốc liệt và hèn hạ nhà Tây Sơn, ông ta đã thu nạp Lê Thị Bình làm vợ. Nhiều người trong đó có Lê Văn Duyệt thẳng thắn khuyên can. Gia Long đã nói một câu trơ tráo: “Nước của ngụy ta còn lấy, vợ của ngụy có sá gì”. Câu ca dao:
“Số đâu có s lạ đời
Con vua mà lại hai đời chồng vua”
chính là nói Lê Thị Bình đã khuất thân đi lấy kẻ thù của chồng mình.
Ngoài ra, Gia Long còn có nhiều vợ như các bà sau:
1. Bà Nguyễn Thị Tần, được phong là Chiêu dung, sinh năm Tân Hợi (1791), kém Gia Long 29 tuổi, mất năm Đinh Dậu (1837), sinh ra hoàng tử Từ Sơn công Nguyễn Phúc Mão. Các bà khác năm sinh năm mất không rõ như:
2. Bà Lâm Thức, được phong làm Chiêu dung, sinh ra Hoàng tử Nguyễn Phúc Trấn mất sớm và hai hoàng nữ (Bình Hưng công chúa Ngọc Quỳnh và Bảo Lộc công chúa Ngọc Anh).
3. Bà Phạm Thị Lộc, được phong làm Chiêu dung, sinh ra hai hoàng nữ (Bình Thái công chúa Ngọc Châu và Bảo Thuận công chúa Ngọc Xuyên).
4. Bà Hoàng Thị Chức, được phong làm Chiêu dung, sinh được một hoàng nữ (Phú Triêm công chúa Ngọc Trân).
5. Bà Tống Thị Thuận, được phong làm Chiêu dung, sinh được một hoàng nữ (Nghĩa Hòa công chúa Ngọc Nguyệt).
6. Bà Dương Thị Sự được phong Tiệp dư. Bà người Duy Xuyên (Điện Bàn – Quảng Nam), con của Tuyên úy tướng quân Dương Trung. Bà sinh được một hoàng tử là Định Viễn Quận vương Nguyễn Phúc Bính và một hoàng nữ là An Lễ công chúa Ngọc Cửu.
7. Bà Dương Thị Dưỡng được phong Tiệp dư, sinh được một hoàng nữ là An Thái công chúa Ngọc Nga.
8. Bà Nguyễn Thị Điền, được phong Chiêu nghi, sinh được một hoàng tử Điền Khánh Vương Nguyễn Phúc Tấn.
9. Bà Trịnh Thị Thanh, được phong Mỹ nhân, sinh được một hoàng tử là An Khánh công Nguyễn Phúc Quang.
10. Bà Cái Thị Thu, được phong Mỹ nhân. Bà sinh được một hoàng nữ là An Điền công chúa Ngọc Vân.
11. Bà Nguyễn Thị Vĩnh, được phong Mỹ nhân. Bà sinh được một hoàng nữ là Định Hòa công chúa Ngọc Cơ.
12. Bà Trần Thị Thế, được phong Mỹ nhân. Bà sinh được một hoàng nữ là Công chúa Ngọc Bích.
13. Bà Trần Thị Hán, được phong Tài nhân. Bà sau được về quê quán, sinh được một hoàng nữ là Công chúa Ngọc Lý.
14. Bà Phan Thị Hạc, được phong Tài nhân. Bà sinh được một hoàng nữ là Công chúa Ngọc Thành.
15. Bà Nguyễn Thị Uyên, được phong Tài nhân. Bà sau được về quê quán, sinh được một hoàng nữ là Công chúa Ngọc Thiều.
16. Bà Đặng Thị Duyên, được phong Tài nhân, sinh được một hoàng nữ là Công chúa Ngọc Trinh.
17. Bà Tống Thị Lâu, được phong Tả cung tần, sinh được một hoàng nữ là Đức Hòa công chúa Ngọc Ngoạn.
18. Bà Nguyễn Thị Thụy, được phong Cung tần, sinh được một hoàng tử là Điện Bàn công Nguyễn Phúc Phổ.
Còn có một số bà không rõ lai lịch tuổi tên.
* Nguồn: NHÌN LẠI LỊCH SỬ, nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, Hà Nội 2003, Tác giả: KS. PHAN DUY KHA – TS. LÃ DUY LAN – TS. ĐINH CÔNG VĨ.

No comments:

Post a Comment