Friday, December 7, 2012

Cõi Nhạc Ngô Thụy Miên


Khi chiến tranh trở thành đôi cánh đen của những con quái vật khổng lồ trên bầu trời miền Nam giữa thập niên 60, khi tình yêu của những người trẻ chỉ còn là những vành khăn tang, quấn vội vã ngang mái đầu xanh, thì cõi nhạc của Ngô Thụy Miên xuất hiện, như cơn mưa xanh, như giòng suối mát. Khác với cõi nhạc Trịnh Công Sơn, chất vấn chiến tranh, kêu đòi trả lại mất mát; cõi nhạc Ngô Thụy Miên mang cho tuổi trẻ thời đó những tàng cây rợp bóng lãng mạn, những đời sống bát ngát mộng mơ. Mà, "Mùa Thu Cho Em" chúng ta sẽ nghe sau đây, là điển hình của những lời kinh nguyện cầu trong sáng ấy.
Khi tuổi trẻ bơ vơ bị đày vào ngõ cụt của những tối tăm tương lai, khi tuổi trẻ của thập niên 60 tội nghiệp giữa những băng hoại của niềm tin tình ái, thì:
"Em như một nụ hồng, cầu mong chẳng lạnh lùng
Em như một ngày mộng mà ta hằng ngại ngùng
Sẽ ru ta niềm nhớ, một ngày thoáng mây đưa, chuyện tình đã như mơ…"
trong "Tình Khúc Buồn" của Ngô Thụy Miên ra đời. Lập tức những âm giai mang tên Ngô Thụy Miên đã trở thành liều thuốc an thần cho vết thương nghiệt ngã nơi trái tim tuổi trẻ miền Nam. Bởi vì:
"Cuộc tình ngỡ đã xa xưa, đã xanh xao từ thuở nào
Chợt người đến với tim ta, xoá tan đi một mảnh đời
Cuộc tình quý giá mong manh, có chơi vơi ngược dòng đời
Nghìn trùng giòng sông có vui..."
Với những tình khúc như "Tình Khúc Buồn" họ Ngô đã đẩy được cánh cửa khác, mở vào những vùng trời khác, không chỉ cho âm nhạc Việt mà cho rất nhiều thế hệ Việt, từ đó. Mời quý vị cùng chúng tôi bước vào cửa lớn. Của Tình Khúc Buồn, Ngô Thụy Miên.
Là sứ giả của tuổi trẻ, là sứ giả của tình yêu, với những cảnh thổ mới mẻ, với những đất trời riêng một. Ngô Thụy Miên không chỉ mang lại cho chúng ta "Tình Khúc Buồn". Ông cũng không chỉ mang lại cho chúng ta một giòng sông nghìn trùng rộn rã buồn vui. Ngô Thụy Miên còn mang lại cho chúng ta "Tuổi Mười Ba", Tuổi Mười Ba của thơ Nguyên Sa. Tuổi Mười Ba của những nhấm nhẳng, những thập thò, ngập ngừng mới lớn:
"Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng?
Mưa tôi trả về bong bóng vỡ đầy tay
Trời nắng ngạt ngào tôi ở lại đây
Như một lần hiên nhà nàng dịu sáng
Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám?
Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba..."
Vâng, tuổi mười ba, con số chỉ như một ví dụ. Ví dụ, họ đã cho lại đám đông, cho lại chúng ta, tuổi thơ mát.
Tình yêu thực sự muôn đời là một đồng tiền hai mặt. Mặt hạnh phúc và khổ đau. Mặt thiên đường và địa ngục. Mặt hạnh ngộ và chia lìa. Mặt hoan lạc và giận dỗi. Cõi nhạc Ngô Thụy Miên làm đầy cả hai mặt tương phản đó của tình yêu. Ðể chân dung tình yêu hiện ra, như một thân thiết, như một an ủi, một vỗ về. Tình yêu, sẽ què quặt, sẽ tật nguyền, sẽ tội nghiệp biết bao, khi tình yêu chỉ cho ta nửa mặt phản bội, nửa mặt dối gian! Xin hãy cùng Ngô Thụy Miên, cùng "Chiều Nay Không Có Em" của ông, để gặp lại mình, gặp lại chính ta trong:
"Chiều nay mình lang thang trên phố dài
Không có em ai chung bước dỗi nhau giận hờn
Không có em đường xưa giăng mắc mây trôi
Chiều nào hai đứa chung đôi
Lặng nhìn mùa Thu lá rơi..."
Và buổi chiều, buổi chiều thiết tha, buổi chiều quấn quít nỗi nhớ nhung, chảy miết sau đây.
Với Ngô Thụy Miên, với người sứ giả của tình yêu, kẻ cho tuổi trẻ của Việt Nam những năm giữa thập niên 60, đầu thập niên 70 những dòng sữa yêu thương ngọt ngào, thì ông không chỉ là người mở một cánh cửa khác cho tình yêu tuổi trẻ có nơi trở về, có chốn cư ngụ, mà ông còøn làm mới nhạc ngữ và lời ca nữa. Trước Ngô Thụy Miên, không ai gọi giọt lệ người yêu là những giọt nước mắt ngà. Sau Ngô Thụy Miên, rất nhiều người đã chọn cách ví von châu ngọc này. Mời quý vị cùng chúng tôi nâng niu những giọt nước mắt châu ngọc từng rớt xuống và sẽ còn rớt xuống tâm hồn ta bao nhiêu năm.
Nếu mỗi thời đại, mỗi giai đoạn của đời sống, chúng ta có một ngôn ngữ riêng, thì thập niên 60 và thập niên 70, người mang lại cho tuổi trẻ, cho thế hệ những người yêu nhau thời đó, thứ ngôn ngữ giàu có, thứ ngôn ngữ lãng mạn thời đại, nhiều nhất, là Ngô Thụy Miên. Người sứ giả của tuổi trẻ, kẻ đại diện cho những lên tiếng tuyệt vời của tình yêu trong lửa đạn, trong chia lìa tang tóc, dù ở trường hợp nào vẫn muốn gửi tới cuộc tình lỡ, buổi chia tay, những tình ca, những tiếng hát, như vốn liếng một đời, như thủy chung một kiếp. Mời quý vị cùng chúng tôi bước vào thế giới của "Bản Tình Ca Cho Em". Bản tình ca của người nhạc sĩ, có câu:
"Anh chúc cho em đời yên vui đắm say
Anh chúc cho em dù lòng nghe đắng cay
Một ngày nào đó dẫu tình ta đã lỡ
Một ngày nào đó ta vẫn yêu mãi người thôi"
Ngô Thụy Miên, trước sau vẫn là người tìm tòi trước nhất, với cõi thơ Nguyên Sa, để trở thành, mãi mãi một hôn nhân tốt đẹp nhất giữa ngôn ngữ và âm bậc. Ngô Thụy Miên, trước sau, vẫn là người chứng minh được định đề thi ca vốn chỉ là hai mặt của một đồng tiền nghệ thuật toàn phần. Không có đôi cánh âm giai, thơ vẫn đi tới và ở lại nơi những chân trời rung cảm. Nhưng thêm đôi cánh âm giai, bước đi của thơ sẽ là bước đi với đôi hia bảy dặm. Cõi đến của thơ, sẽ là cõi đến rưng rưng. Và thơ Nguyên Sa và nhạc Ngô Thụy Miên, đã làm thành những chân trời, những cõi đến rưng rưng, kỳ diệu ấy.
"Tình yêu như mây khói thoảng theo gió buồn mơ hồ
Tình yêu như giông tố qua phố đìu hiu
Nhớ dáng xưa yêu kiều trong chiều nhạt nắng cung đàn gợi ý
Chờ nhau trong tê tái..."
Nếu chung cuộc của hầu hết những tình khúc Tuấn Khanh là đoàn viên, là hạnh phúc cầm nắm được, thì cõi nhạc của Ngô Thụy Miên, cốt ráo vẫn là chờ nhau, là nuối tiếc, là khẳng định người xa cách rồi. Không phải đó là dấu vết chiến tranh tìm thấy trong cõi nhạc của người sứ giả tình yêu thời chiến tranh. Mà đó chính là dấu ấn chiến tranh, để lại trong từng vách ngăn, từng tế nang của trái tim ta, một thời, "Mắt Biếc". Mắt Biếc, một thời cháy đỏ, chia ly.
Ở nơi những tài năng lớn, ở nơi những trái tim rất bỏng tình yêu người, yêu đời, mỗi tác giả, mỗi sứ giả của thương yêu, thường đắm chìm với một ám ảnh siêu hình, một trăn trỡ khôn nguôi nào đó. Ở cõi nhạc Trịnh Công Sơn ám ảnh siêu hình kia là nỗi chết. Ở cõi nhạc Cung Tiến, ám ảnh siêu hình kia, là tấm lòng hoài cổ, là nguồn hương xưa. Ở cõi nhạc Ngô Thụy Miên, người ta thấy, dường ông có hơn một ám ảnh. Ám ảnh thứ nhất dễ nhận thấy trong đời nhạc họ Ngô, là ám ảnh thời tiết, ám ảnh không gian: mùa Thu. Ám ảnh về những chiếc lá chết. Và ám ảnh thứ hai, cũng cùng khắp, cũng luẩn quẩn đâu đó, trong đời nhạc của ông, là nắng mưa lầm lỡ, là mưa nắng xa lìa. Mở đầu tình khúc "Bản Tình Cuối" ngay nơi dòng nhạc đầu tiên, ngay nơi âm giai thứ nhất hơi mưa và bước nắng đã chập chùng theo nhau:
"Mưa có rơi và nắng có phai trên cuộc tình yêu em ngày nào
Ta đã yêu và ta đã mơ, mơ trăng sao đưa đến bên người
Một lần gặp gỡ đã như quen thuở nào
Một lần gặp gỡ nhưng tình ngỡ xa xưa"
Ý niệm thời gian trong "Bản Tình Cuối" đã bị tác giả đảo lộn. Thời gian trong tình khúc này, không hề là thời gian vật lý. Mà nó chính là thời gian tâm lý. Thời gian của dĩ vãng, kiếm tìm. Cho nên chỉ một lần gặp gỡ mà tình ngỡ xa xưa.
Một khi tâm hồn ta đã ký thác cho một nơi chốn, thì mọi nơi chốn chỉ là những nhắc nhở buồn bã. Mọi nơi chốn đi qua sau này, chỉ là những khua thức thương nhớ khôn nguôi mà thôi. Một khi trái tim ta đã ký thác cho một nơi chốn, thì mọi nơi chốn đi qua, sau này, chỉ là hồi chuông lay tỉnh những kỷ niệm xưa, những linh hồn cũ, sống lại. Chúng ta rất dễ dàng nhận ra định đề nghiệt ngã đó trong tình khúc Nắng Paris Nắng Sàigòn. Một định đề, một nhận ra đau lòng, ứa lệ.
"Xin một lần cuối lệ khóc cho người
Những vòng tay ấm trả hết cho đời
Em về bên ấy giấc mơ phai tàn
Nhạt nhoà phấn sắc hương võ vàng
Và ngày tháng âm thầm mãi trôi"
Ở đây, ở tình khúc mang tên "Em Về Mùa Thu", ý niệm thời gian và nơi chốn trở thành một thứ bản ngã nhị trùng. Như những cặp nhị trùng của hạnh phúc và chia ly, đợi chờ và quên lãng. Nhưng dù chờ ở tình huống nào, trỗi bước trong ám ảnh trần gian nào, người ta vẫn nhìn thấy tác giả, người ta vẫn gặp Ngô Thụy Miên đứng ở cuối đường nắng gió, đứng lại bên này, lề phố chia tan.
Khả năng nhân cách hóa là sở trường, là vốn liếng riêng của thi sĩ. Khả năng này thường rất hiếm thấy nơi nhạc sĩ. Bởi vì ngôn ngữ của nhạc sĩ không hề chủ nơi hình ảnh, không hề chủ nơi con chữ. Nhưng, nếu để ý, người ta sẽ không khỏi ngạc nhiên, khả năng nhân cách hóa cũng là sở trường, cũng là vốn liếng lên đường đi tới trong hành trang âm nhạc Ngô Thụy Miên.
Giọt nắng đi hoang vào mắt em buồn hay Nắng ướp mi em ươm tay thơm nồng là những nhân cách hóa, là những lời thơ rất thơ, mà ta tìm được rất nhiều trong tình khúc "Giọt Nắng Hồng". Và, không chỉ trong tình khúc này mà hầu hết mỗi tình khúc của họ Ngô. Nếu chúng ta có bảo họ Ngô có một trái tim thi sĩ trong một tâm hồn nhạc sĩ thì nhận định ấy, hẳn không là lời nói quá.
"Những thành phố em sẽ đi qua đây Ba Lê, đây Luân Ðôn, đây Vienne Nhưng có đâu bằng Sàigòn hôm qua, nhưng có đâu bằng Sàigòn mai sau Em có mơ ngày hát câu hồi hương..."
Con người thi sĩ nơi Ngô Thụy Miên, không chỉ thi sĩ với những tâm cảnh lãng mạn, với những tàn rữa mùa thu mà, con người thi sĩ nơi ông, đã thi sĩ, rất thi sĩ, ngay trong tình yêu đất nước, lòng hoài cố quốc nữa.
"Em nhé khi nào chợt nhớ mùa Xuân
Nhớ lá thư xanh và chuyện tình hồng
Nhớ nắng hanh vàng nhuộm áo Hà Ðông
Anh ở nơi nầy vẫn luôn chờ mong"
Vẫn luôn chờ mong, khúc coda của tình khúc "Em Còn Nhớ Mùa Xuân". Khúc coda này, phải chăng cũng là khúc coda của mỗi chúng ta. Coda để dứt hay coda để trở về, trở về một quê hương máu huyết?
Mỗi ca khúc của Ngô Thụy Miên, như một người tình, một đuối ngất khổ đau hay hạnh phúc lạc loài. Do đó, muốn tan loãng, muốn biến nhập vào cõi nhạc của họ Ngô, ở mỗi tình khúc, tự thân, đòi hỏi nơi người nghe, nơi chúng ta, một cung cách tiếp cận và hòa nhập khác. Như với ca khúc "Từ Giọng Hát Em" tự thân mỗi âm giai, mỗi cung bậc đã đòi hỏi nơi ta một thành khẩn, thiêng liêng nào đó. Niềm thành khẩn, nỗi thiêng liêng của một tín đồ giữa đêm thánh. Bởi với những quãng cách rộng như:
"Còn chờ ngàn kiếp sau một tiếng ca, tiếng ca, tạ tư,ø tạ từ
Bàn tay đã như xanh xao đan cuộc tình mù lòa trọn đời mình
Ta vẫn thương người yêu dấu cũ, dù hồn chơi vơi, dù nhạc buông lơi tàn rồi
Người còn mai sau thôi lạc kiếp mãi chờ nhau"
Chỉ khi nơi ta có một hồn nghiêm, một ý lặng đủ, đầy, ta mới nhập được hồn mình trong cõi chơi vơi, trong cõi tạ từ, tạ từ của ý nhạc lâng lâng, hút hút này.
"Dù cho mưa, tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời
Dù cho mây hay cho bão tố có kéo qua đây
Dù có gió, có gió lạnh đầy,
Có tuyết bùn lầy, có lá buồn gầy..."
Dù, vâng dù thế nào, cách gì, người sứ giả của tình yêu tuổi trẻ Việt Nam một thời lửa đạn, thủy chung vẫn chọn cho mình chỗ đứng của một lãng quên, chỗ đứng bên lề của những hạnh phúc dối gian, của những tình yêu bất toàn, của những phủ phàng trả lại. Ðó là "Niệm Khúc Cuối". Là Ngô Thụy Miên, người chứng của cuộc tình buồn. Ngô Thụy Miên, sứ giả tội nghiệp của thế hệ chúng ta, điêu linh, đất trời, khốn quẫn.
Bây giờ, thưa quý vị, những ngày mưa cuối cùng rồi sẽ bỏ ta. Những ngày nắng, cuối cùng rồi cũng xa ta. Như những chia ly, như những tan tác làm thành cảnh đời mỗi chúng ta. Nhưng những hạt mưa trong cõi nhạc Ngô Thụy Miên, nhưng những hạt nắng trong đời nhạc của người sứ giả tình yêu muôn thuở này, sẽ ở với chúng ta, mãi mãi, như những âm giai mang tên chàng đã đi vào vô tận, mãi sau.

No comments:

Post a Comment