Tôi đang theo học trường Nữ Trung HọcTrinh Vương, trường của ma-sơ trên đường Gia Long phố Qui Nhơn. Khác với trường Nữ Trung Học Công Lập ở đầu đường Nguyễn Huệ thành phố biển QN vào khỏang những năm cuối thập niên 1969-1970. Lớp học chỉ toàn con gái. Chúng tôi thường chuyền cho nhau những tập giấy pelure màu hồng, màu xanh... chép tràn những bài thơ tình mộng mị nhất của các tác giả nổi tiếng thời bấy giờ như Nhất Tuấn, Nguyên Sa, Nguyễn Tất Nhiên... Thơ tình của Nguyên Sa luôn được tôi chép nắn nót tặng các bạn.
Hai bài thơ của Nguyên Sa mà tôi thích nhất là bài thơ Đẹp và Áo Lụa Hà Đông...
Người dáng bước bơ vơ của bầu trời hải đảo
Tóc bồng bềnh trến nếp trán ưu tư
Những ngón tay dài ướp trọn mấy ngàn thu
Mà men sáng trong xanh mầu vời vợi
Hơi thở mới nguyên của đồng tiền mừng tuổi
Tôi nhìn người ngóng đợi mắt lên ba
Người về đây có phải tự trời xa
Với nét mắt vòng cung của cầu vồng che mưa nắng ?
Có phải tên người là âm thanh vô vọng
Nên mắt buồn le lói thoáng bơ vơ
Hay một đêm nao nước lụt Ngân Hà
Thượng đế đưa sao mang gửi về khóe mắt ?
(Đẹp)
Những buổi chiều tan học, chúng tôi thường rủ nhau tung tăng trên đường Lê Thánh Tôn. Con đường trước cổng Nhà Thờ Lớn chạy thẳng ra biển. Con đường rốp nắng quần tụ hai bầy nón lá và một rừng áo dài trắng của hai trường nữ trung học lớn nhất thị xã. Trên bãi biển cát mịn bải lải, dưới những tán lá dừa cao liêu xiêu, Mấy đám con gái thả gót giày, đi chân đất ủn vào nhau cười giỡn đã đời; xong tụm tay vào nhau chấm mút những quả cốc, những quả me xanh, những ổi non hoặc xoài chua tương muối ớt, những quà bánh dành cho đám học trò... Và chia nhau đọc những bài thơ hay mới tìm được trên báo Văn của nhà văn Mai Thảo, báo Tuổi Ngọc của nhà văn Duyên Anh, hay cho đọc ké mấy bức thư tỏ tình của vài chàng trai cùng trang lứa ...
Tôi thường rủ Loan, một đứa bạn chung con đường Võ tánh với tôi cùng đi học. Từ Võ Tánh chúng tôi đi qua phố Trần Cao Vân, Phan Bội Châu, Lê Lợi, Gia Long để đến Trinh Vương. Lẽo đẽo theo chúng tôi ngày ấy, tôi đã nhìn thấy anh vài lần, vì anh là bạn của chú đứa bạn tôi...
Anh là lính Sư Đoàn 22. Mỗi lần về phép anh hay theo sau bước chân tôi mà tôi nào hay biết...
Hai chị em tôi đuổi nhau trước sân để giành nhau đọc trước một bức thư tỏ tình của một chàng trai cùng xóm gởi cho tôi... Anh từ đâu, chạy đến đưa hai tay đón đỡ cây thước thợ may đang cầm trên tay tôi...Hai cánh tay anh giơ cao quá trán, trên môi hô to hai tiếng "Đầu hàng " .
Tôi nhìn anh bỡ ngỡ vì trông anh đã thấy hơi quen quen... Nụ cười anh luôn nở trên môi, áo treillis bạc màu sương gió, Boots desalt loang lổ đất bùn, anh đã mạnh dạn bước vào nhà tôi như đã quen biết nhau từ thuở nào... Và với bước chân vững chải của người lính trận Sư Đòan 22, anh đã bước vào ngưỡng cửa tâm hồn tôi từ lúc nào mà tôi không hề hay biết...
Tuổi 16, với những mơ mộng ngút trời tôi đã viết cho mình những câu thơ diễm mộng Nguyên Sa và chỉ mình tôi đọc không khoe với bạn bè:
Người về đâu giữa đàn khuya dìu dặt
Hơi thở thiên thần trong tóc ẩm hương xưa
Người đi về trời nắng hay mưa
Sao để sương gió trầm tư thêu thùa má ướt
Mắt dịu ngọt đúc từ rừng ngọc bích
Hay linh hồn trăm phiến đá chân tu
Sao người về mang trọn một mùa thu
Với mây trắng lênh đênh của những chiều nguyệt tận
Là gió trăm cây hay là cồn nước đọng
Người không cười mà hoa cỏ gói trong tay
Đường áo màu viền trắng cổ thơ ngây
Màu sắc thời gian người thu tròn giữa áo
(Đẹp)
Thơ Nguyên Sa, câu nào cũng vuông cũng tròn cũng đẹp cũng hạnh phúc mềm mại ngọt ngào. Lúc ấy tôi sửa lại chữ Em thành Anh trong thơ Nguyên Sa và chép lại cho riêng mình để dấu vào ngăn kéo cuối cùng của bàn học ....
Thơ Nguyên Sa câu nào cũng như rót mật vào tai. Câu nào cũng là tâm trạng của tôi ngày ấy .... Mà không riêng chỉ mình tôi, các bạn bè tôi đứa nào cũng thuộc thơ Nguyên Sa ít nhất là một bài... Những câu thơ dễ nhớ nhất mà ai trong lứa tuổi chúng tôi ai cũng có thể đọc trơn tru mà không cần nhìn giấy mực
Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu thương
Anh thêm mực cho vừa màu áo tím ...
(Tuổi Mười Ba)
Những câu thơ diễm tuyệt đi vào tâm hồn non trẻ của những thiếu nữ tuổi mộng mơ và cứ tưởng rằng ngày mai trong cuộc đời họ cũng sẽ có những giấc mơ thành tựu như cuộc đời tác giả, tất cả đều tròn trịa và ấm áp ...
Ấy là em trên đường đi buổi sáng
Trăng ở trên môi và gió ở trong hồn
(Buổi Sáng Học Trò)
Bài thơ Buổi Sáng Học Trò của ông, cho tôi thấy minh như một áng mây bay, chân bước vội mà cứ nghe như bay bổng giữa mây xanh.
Lớp chúng tôi có một ông thầy dạy Việt Văn. Ông cũng thường đọc cho chúng tôi chép những bài thơ Nguyên Sa mà ông yêu thích và cũng với giọng Bắc đằm thắm ông cũng đã làm say lòng vài đứa bạn trong lớp của tôi ngày ấy... Sau một thời gian thầm yêu thầy vì thầy đọc thơ Nguyên Sa và Nhất Tuấn hay quá, những bạn ấy đã đưa thầy lên ngôi thần tượng đầu đời ...
Cho đến một ngày kia họ đọc trên tờ đặc san của trường, dày đặc những bài thơ của thầy viết tỏ tình với một cô gái nhà giàu ngoài phố chợ. Lúc đó tôi không vào nhập cuộc "thần tượng thầy", nên tôi chợt ngộ ra rằng lâu nay thầy đọc thơ Nguyên Sa trơn tru là để rèn luyện cái lãng mạn trong thi ca để thực hiện việc sắp làm,đó là chiếm trọn trái tim cô gái nọ... Vài đứa bạn tôi bị chao đảo vì hay tin nhà ai có pháo nổ đì đùng, Từ đó chúng tôi đã tự tìm chép những bài thơ tình mà không cần người chỉ giáo .
Tôi cũng bắt đầu vẽ cho mình một tình yêu ... Ở đó có yêu thương chất ngất ... có người tình mộng ảo .. sầu lụy là những dây mơ ươm tràn thêm nhung nhớ ...
Người về đâu mà lầu đài hoang phế
Mang dáng người trên mỗi nấm bia phai
Trăm vạn đường mây xê dịch chân trời
Theo tiếng nhặt khoan của từng nhịp bước
Dù về đâu tôi xin đừng chậm gót
Để làm gì cho mỏi mắt trần gian
Có bao giờ tôi sẽ phải làm quen
Lời ngỏ ý sẽ là kinh cầu nguyện ...
(Đẹp)
Những lần về phép anh vẫn đến nhà tôi vì anh đã trở thành bạn của cậu tôi, thân quen hết mọi người trong nhà tôi và ai cũng thương mến anh vì cảm thông cho đời lính chiến xa nhà . Những lúc tôi không có nhà, anh đến đó viết tiếp vào cho đầy những bài thơ Nguyên Sa mà tôi chưa chép hết. Không biết là anh đã thuộc nó tự bao giờ hay chỉ vì biết tôi thích thơ tình của Nguyên Sa, nên anh cũng tìm đọc và biến mình thành một trang sách mới. Tuổi 16 làm sao tôi hiểu được những nghĩ suy của người lón hơn tôi cả một thập niên, lúc đó anh dã 30... Vì thế nên tôi vẫn ngại ngùng khi thấy anh ...
Lần nào về thành phố anh cũng đặt ở bàn học tôi một phong thư. Tôi chỉ đọc mà không hề đáp trả ...
Vào một buổi chiều của một ngày giáp Tết, anh lại đến nhà tôi với vài món quà ngày Tết và tặng tôi một xấp vải áo dài lụa màu mỡ gà mà tôi yêu thích, màu vàng mà tôi thường thấy bay bay theo gió chiều trong những cơn mộng mị...
Áo nàng vàng, anh về yêu hoa cúc ...
Lần đầu tiên tôi khoác lên mình chiếc dài màu vàng trong giấc mơ...Năm ấy tôi vừa bước vào tuổi 17...
Những bức thư thỉnh thoảng tôi nhận được viết từ K.B.C. Anh miên man kể lại những chiến công, những hiểm nguy mà anh đã gặp và luôn có kèm theo những câu thơ Nguyên Sa mà anh đã thuộc từ những ngày anh còn trong nhà tu Chủng Viện Sài Gòn.
Không có anh lấy ai đưa em đi học về ?
Lấy ai viết thư cho em mang vào lớp học?
Ai lau mắt cho em ngồi khóc?
Ai đưa em đi chơi trong chiều mưa ?
Những lúc em cười trong đêm khuya,
Lấy ai nhìn những đường răng em trắng?
Đôi mắt sáng là hành tinh lóng lánh
Lúc sương mù ai thở để sương tan
Ai cầm tay cho đỏ má hồng em
Ai thở nhẹ cho mây vào trong tóc ...
(Cần Thiết)
Những chiếc xe nhà binh chở đầy súng đạn, những chuyến công voa chở những người lính trận đi qua cổng nhà ngoại khi mỗi lần về thăm, những bóng áo xanh màu lá rừng luôn ẩn hiện trong tâm thức với nỗi thương cảm dạt dào và tôi bỗng nghĩ về ai đó ....Anh đang ở đâu? Những vùng quê hương tôi ngập tràn bom đạn, bước chân anh đang giẫm đạp trên đất Phù Mỹ, Tam Quan, Kontum, Pleiku hay Daklac, vùng quê nào đang có dấu chân anh ....
Và ở đó khi mỗi lần dừng chân, anh đã viết gởi về tôi những chữ viết không ngay và những lời viết vội... Có khi giấy viết là phần trái của một bao thuốc lá Pallmall , từ mảnh giấy học trò mà anh kiếm được, Anh đã nhắn gởi về tôi những lời thăm hỏi chân tình, những người lính về phép, ghé qua trao vội, nét chữ nghiêng nghiêng không đẹp lắm, nhưng cũng làm tôi mủi lòng và xếp vào ngăn kéo của cuộc đời tôi từ đó. Qua từng ấy năm... Anh đã bỏ bao nhiêu công sức, bao nhiêu giấy mực viết cho tôi trên từng bước di hành mà tôi vẫn thờ ơ, chưa một lần hồi âm cho người lính trận.
Thời gian đó các bạn tôi, có đứa cũng có người yêu là lính. Có đứa cũng có người yêu là các chàng trai cùng trang lứa, họ chuyền nhau những cánh thư tình dễ thương mà không chia nhau đọc, mỗi đứa có một góc riêng tư. Những buổi chiều trốn học, hay những ngày được về học sớm chúng tôi ra ngồi trên bãi cát dưới những cây thông tán lá vừa che đủ dáng ngồi của của một đôi trai gái, đọc cho nhau nghe những câu thơ tình lãng mạn của Nguyên Sa và hẹn nhau vào cuối mùa thi:
Không có anh nhỡ một mai em khóc
Ánh thu buồn trong mắt sẽ hao đi
Tóc sẽ dài thêm mớ tóc buồn thơ
Không có anh thì ai ve vuốt?
Không có anh lấy ai cười trong mắt
Ai ngồi nghe em nói chuyện thu phong
Ai cầm tay mà dắt mùa xuân
Nghe đường máu run từng cành lộc biếc?
Không có anh nhỡ ngày mai em chết
Thượng đế hỏi anh sao tóc em buồn
Sao tay gầy sao đôi mắt héo hon
Anh sẽ phải cúi đầu đi vào địa ngục ...
(Cần Thiết)
Những thư ngỏ ý, những bài thơ tình chép cho nhau có ướp chút hương thơm của vài giọt nước hoa mà chủ nó muốn cho nhau chút hương tình lãng mạn... Những lời thề thốt nặng kí của các chàng trai mới lớn, có người không ký tên mình mà chỉ viết tắt hay một ký hiệu như "kẻ cô đơn", "người tình muôn thuở". "Giọt nắng ban mai "....
Còn tôi giờ lại có thêm những bức thư viết từ khu chiến binh K.B.C 3688... Những chữ viết ngã nghiêng, ngã ngửa, phần trái của bao thuốc lá Pallmall màu đỏ sẫm... Lúc ấy anh nói rằng anh đang là đại đội trưởng của đại đội trinh sát, đại đội đi đầu của trung đoàn 47 sư đoàn 22.
Tôi bắt đầu sống trong nỗi phập phồng lo sợ cho cuộc sống còn của thân anh và cho cả riêng tôi.. Những đêm giật mình tỉnh thức vì tiếng súng từ xa vọng về... tôi xót lòng lo sợ nhận được hung tin. Bây giờ trong lớp học lại có thêm tôi thẩn thờ quên giấy bút, tôi khấn nguyện, xin cho anh được trở về nguyên vẹn.
Mỗi ngày khi đi học, tôi hay nhìn những chiếc xe jeep chạy qua những con đường mà tôi thấy được từ xa ... Con số 47 luôn là con số tôi muốn kiếm tìm. Từ đó tôi để ý nhìn những con số 22 nằm dưới mấy dãy núi là sư đoàn 22, trong đó có trung đoàn 40,41, 42 và 47, là nơi anh đang hiện diện. Những con số này tôi đã biết qua một đứa bạn có người yêu là lính chiến.
Qua nhiều lần thư qua tin lại, anh không hẹn ngày nào anh trở lại, tôi bắt đầu biết hai tiếng chờ mong .... Một buổi chiều trên nẻo đi về, một mình trên con đường quen thuộc: Lê lợi , Phan Bội Châu, một góc của cà phê Dung... chiếc xe jeep mang số 47 ép sát người tôi vào một góc đường ... Tôi chối từ và bước vội vì sợ bạn bè nhìn thấy...
Con đường Võ Tánh chiều nay như trẩy hội, tôi miên man với những câu thơ sáng màu tình tự ...
Có phải em mang trên áo bay
Hai phần gió thổi , một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay?
(Tương Tư)
Tôi phải đợi như là tôi đã hẹn
Phải thẹn thò như sắp cưới hay vừa sêu
(Tuổi Mười Ba)
Biển Qui Nhơn đã in dấu chân tôi và anh, người lính chiến oai hùng với những băng đạn, áo giáp sắt và nón sắt che kín đầu, bốt đờ sô vững chải bước chân anh trên cát....
Bên anh tôi nhỏ bé và nũng nịu như một con mèo con ngái ngủ... Anh kể cho tôi nhau biết bao nhung nhớ, bao chờ mong có được buổi chiều nay ...
Tôi mỉm cười ví anh lúc này giống hệt như một Thành Cát Tư Hãn sắp ra quân ...Em sợ hãi và quên đi những lời lẽ , ngôn từ mà em muốn nói ...
Những hòn đất ném lên hòn đất
Những ngón tay vẫy gọi ngón tay sầu.
(Tình Yêu Đàn Ông Ba Mươi Tuổi)
Những lần trở về thành phố vội vã trên chiếc xe jeep bám đầy bùn đất. Những súng đạn mang theo... Theo anh là những người lính trận mặt đầy râu tóc, da đen mẽm... Hình ảnh của các anh cho tôi những kinh hoàng khi trong tôi hình dung ra những mảnh khăn sô quấn vội, những đứa trẻ thơ tội nghiệp đầu chít khăn tang và những tấm thẻ bài rung rinh dưới đôi tay của người vợ trẻ...
Sau mấy lần thương tích, thập tử nhất sinh ...Anh được chuyển về hậu cứ để làm công tác chính huấn cho trung đoàn...
Anh đã tặng tôi chiếc nhẫn đeo vào ngón tay áp út , đánh dấu một chuyện tình lãng mạn...
Chúng tôi làm phép cưới ở một nhà thờ nhỏ và một cha tuyên úy của đơn vị anh làm chủ tế ... Đơn vị anh đến chúc mừng chúng tôi trong hoan hỉ và mừng vui vì chúng tôi đã có một chuyện tình đầy lãng mạn và kết thúc có hậu...
Gió có lạnh hãy cầm tay cho chặt
Đêm có khuya em hãy ngủ cho ngoan
Hãy biến cuộc đời bằng những tối tân hôn
Nếu em sợ thời gian dài vô tận ...
(Tháng Sáu Trời Mưa)
Nguyên Sa, trong thơ ông viết:
"Hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn" ...
Nguyên Sa, ông bảo mọi người hãy biến tất cả ngày tháng trong năm thành những đêm tân hôn dài bất tận ...: Đứa con gái tuổi hai mươi với đầy ắp những trang thơ ấm áp của ông, bước vào tình yêu bởi sự đưa đường chỉ lối của thơ Nguyên Sa... Tôi đã chọn cho mình một người đàn ông Bắc cao ráo có tâm hồn đồng điệu, cùng yêu thơ Nguyên Sa như tôi. Một con người bằng da bằng thịt, nói yêu tôi qua những bài thơ tình của ông .
Thơ ông, những lời mật ngọt chóp lưỡi đầu môi, những lời gió trăng ru ngủ tâm hồn một đứa con gái có tâm hồn lãng mạn, dại khờ... Tôi đã không lường trước những gì mà kẻ đối diện viết ra hay những âm thanh phát ra từ môi sẽ tan biến vào gió cát...
Đêm tân hôn của tôi. Một tấm vải ra trắng được lót xuống cuối đáy giường. Người đàn ông "dáng bước bơ vơ của bầu trời hải đảo" đã chỉ tay xuống bãi máu lênh láng trong đêm Thơ "biến cuộc đời thành những tối tân hôn", nói với đứa con gái nguyên sơ rằng máu tân hôn thì chỉ nhấp nhoáng 3 giọt sương hồng trinh nữ đầu đời, chứ sao lại một đống kinh kỳ nhật nguyệt khủng khiếp như máu đàn bà có tháng sót lại thế này...
Tâm hồn tôi rơi xuống từ đỉnh núi cao, kể từ khi chung cuộc vợ chồng, hay nói đúng hơn là sau cái đêm tân hôn mà ông ngợi ca và bảo mọi người biến nó thành thiên đường cho cuộc đời... Ông Nguyên Sa, trời ơi, sao ông không đóng dấu ngoặc đơn khi ông viết (Hỡi những thằng ngu, mi có biết, hãy sống bằng con tim, không sống bằng sáo ngữ... Những bài thơ tao viết chỉ để nịnh vợ và mua lấy miếng ăn... Thực chất cuộc đời không như thế đâu...) Nguyên Sa hỡi, ông có hay người ta đã mua thơ Nguyên Sa ở nhà sách Tao Đàn trên đường Gia Long Qui Nhơn về ru ngủ đứa con gái tuổi mười lăm...
Rồi tôi đã nhìn thấy cuốn thơ tình Nguyên Sa dày cộm nhét trong ba lô người ta, kèm theo mấy bức hình chụp chung với một người đàn bà khác và một đứa bé lên ba ... Rồi qua lời kể lại của một người lính khác nói người ta tay ôm của một ả giang hồ, viết vội vàng mấy câu thơ Nguyên Sa với nặng mùi súng đạn gửi cho vài người con gái khác... Rồi thôi, từ đó tôi thấy mình đã nát tan những cơn dài mộng mị theo thơ tình Nguyên Sa...
Nếu không có thơ ông vận vào tôi, tôi sẽ bước chân vào trường đại học, hoặc ít nhất tôi cũng là một cô giáo làng Bình Định chơn chất. Tôi sẽ có một cuộc đời êm ả , mộc mạc bên bờ ruộng nương khoai, một gia đình nhỏ bé của một cặp vợ chồng giáo chức nhỏ nhoi , hay với bất cứ ai trong đám con trai theo chân tôi ngày ấy...
Những người con trai chơn chất xứ Cát Nhơn Bình Định quê tôi, ở họ là cả một sự đàm thắm dễ thương đơn sơ như một trái sim rừng. Họ không cho tôi những câu nói ngọt ngào, không sao chép đủ hết những câu thơ lãng mạn của ông , không tự mình thốt trọn những câu nói diễm tình mộng ảo...
Nhưng tôi biết những người con trai chân chất ấy là tấm gương chiếu thẳng không biết dùng tiền ra hiệu sách Tao Đàn đường Gia Long mua về tập thơ Nguyên Sa đã tái bản nhiều lần về sao chép tặng cô gái ngu ngơ vụng dại...
Ông Nguyên Sa, tôi đã về lật tung ngăn kéo nhà mẹ tôi, lấy hết những thơ tình lãng mạn của ông, của tôi chép và của ai kia chép vội, hai bàn tay tôi xé vụn nhũng bài thơ viết tay nắn nót
Những chữ viết ngả nghiêng, ngả ngữa. Chưa hết giận, tôi châm lửa đốt sạch thơ ông như đốt sạch tâm hồn tôi từ đó.... Bây giờ Nguyên Sa, ông bảo tôi phải làm gì ??? Khi cuộc đời tôi chưa có một tối tân hôn.
Chỉ một tối mà cuộc đời tôi rạn vỡ...
Sự bất lực của Thơ ông, và ...
Trái phá liệng vào Cuộc-Đời-Thơ-Ngây-Tôi
Bây giờ tôi nói đây chỉ mình tôi hiểu , một người khác hiểu, và ông cũng hiểu.
Ông Nguyên Sa, hỡi ông Nguyên Sa
Sao ông rao bán gió trăng với đời
Thơ ông vận xuống đời tôi...
...
Nguyên Hạ - Lê Nguyễn
Ghềnh Ráng, Qui Nhơn, 1971
No comments:
Post a Comment