Friday, December 7, 2012

Từ Hải


“Cú ngã cuối cùng của Từ không phải vì trách Kiều đã đẩy Từ vào con đường chết. Lại càng không phải cú ngã lụy tình. Mà là cú ngã trả nợ cuối cùng. Món nợ tri âm”.

Từ Hải “đường đường một đấng anh hào, côn quyền hơn sức lược thao gồm tài” 
 

Rằng Từ là đấng anh hùng… 

Trong “Truyện Kiều”, Từ Hải được xem là đấng anh hùng, “đội trời đạp đất ở đời”. Anh hùng kể từ sự xuất hiện đột ngột “bỗng đâu có khách biên đình sang chơi”. Anh hùng ở ngoại hình “râu hùm, hàm én, mày ngài/ vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”. Anh hùng ở tài nghệ “côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài”. Anh hùng trong tiêu xài, “tiền trăm lại cứ nguyên ngân phát hoàn”. Anh hùng trong hành xử, không coi thường quá khứ ca kỹ của Kiều, trân trọng nàng trong lễ cưới, “đặt giường thất bảo vây màn bát tiên”. Anh hùng khi dứt áo ra đi, dù mới “nửa năm hương lửa đương nồng/ trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương”. Anh hùng trong lời hứa với Kiều về một ngày khải hoàn, “tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường”. Anh hùng khi từ chối Kiều, “theo càng thêm bận biết là đi đâu”, rồi “dứt áo ra đi/ cánh bằng tiện gió cất lìa dặm khơi”. Họ Từ anh hùng khi “bất bình nổi trận đùng đùng”, cho quân đi tầm nã những người mà Kiều xem là cừu nhân. Anh hùng khi phân vân về việc có nên ra hàng hay không, qua những dòng thơ hào sảng nhất “Truyện Kiều”:
Một tay gây dựng cơ đồ
Bấy lâu bể Sở sông Ngô tung hoành
Bó thân về với triều đình
Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu
Áo xiêm ràng buộc lấy nhau
Vào luồn ra cúi công hầu mà chi
Sao bằng riêng một biên thùy
Sức này đã dễ làm gì được nhau
Chọc trời khuấy nước mặc dầu
Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. 

Và tất nhiên, Từ anh hùng cả trong cái chết, “khí thiêng khi đã về thần/ nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng/ trơ như đá, vững như đồng”. Chỉ đến khi Kiều “phục xuống”, thì Từ mới “ngã ra”.

Anh hùng khôn qua ải mỹ nhân. Người đời bảo thế. Người đời đổ tại thế.

Nhưng, có thật vậy không? Ta hãy thử xem lại từ đầu cuộc kết hợp của Kiều và Từ.

Trước khi gặp Kiều, Từ làm gì? Từ đã có sự nghiệp gì chưa? Chưa hề. Khi ấy, Từ mới chỉ là một lãng tử phiêu bạt, “qua chơi nghe tiếng nàng Kiều”.

Điều khiến Từ tìm đến với Kiều, là “tấm lòng nhi nữ, mắt xanh chẳng để ai vào có không”, chứ không phải sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, lại càng không phải tài cầm kỳ thi họa của nàng (hình như trong những năm ở với Từ, Kiều chưa từng phải trổ bất kỳ tài nào trong số những tài này). (1) Từ nhìn ra được khí chất ngoại hạng ở Kiều, sống ở lầu xanh mà hành xử ngoài “khuôn phép” lầu xanh.

Từ phi thường. Từ cần bạn đời phi thường. Điều đó không dễ. “Quốc sĩ xưa nay/ Chọn người tri kỷ một ngày được chăng?”. Và Kiều không phụ mong đợi của Từ ngay trong lần gặp đầu tiên ấy.

Thoạt nghe Từ tuyên bố “một đời được mấy anh hùng/ bõ chi cá chậu chim lồng mà chơi”, Kiều nhún “thân này còn dám xem ai làm thường”. Nhưng ngay sau đó, nàng khẳng định “chút riêng chọn đá thử vàng”. Lời Kiều lửng lơ, buông đấy, mà níu đấy. Liệu người có “” để tôi “gửi can tràng” hay không. Rồi Kiều đẩy Từ lên thành “lượng cả bao dong”, gợi về một sự nghiệp bá vương mà nàng muốn Từ gây dựng, “Tấn Dương được thấy mây rồng có phen”.

Có thể nói, chính Kiều là người nhìn ra được khả năng “gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà” nơi Từ. Ngay cả nếu Từ có ôm mộng bá vương trước khi gặp Kiều đi chăng nữa, thì cũng phải có Kiều là chất xúc tác, mới đẩy được Từ hành động. Kiều bước vào, đời Từ chuyển hướng, không còn chỉ mải “giang hồ quen thú vẫy vùng/ gươm đàn nửa gánh non sông một chèo” phi mục đích.

Ta không biết trong nửa năm đầu hương lửa đương nồng, Từ và Kiều sống với nhau thế nào, nói với nhau những gì. (2) Chỉ biết, trước khi dứt áo ra đi, Từ hẹn sẽ về rước nàng với “mười vạn tinh binh”. Khó mà tin được Kiều, “tâm phúc tương tri” của Từ, lại không biết Từ lên đường khởi nghiệp chống lại triều đình. Tuy nhiên, Kiều không hề ngăn cản Từ. Hoàng Sào chưa có mặt trong luận thuyết của Kiều lúc này. Hoàng Sào cũng chưa có mặt trong lý lẽ của Kiều khi Từ “năm năm hùng cứ một phương hải thần”. Hoàng Sào chỉ xuất hiện khi Kiều cần tìm đường về cố hương. Nhưng đó là chuyện mãi sau.

Ngày đón Kiều, Từ cho “giáp binh” dưới sự điều khiển của “mười vị tướng quân” cùng “cung nga”, “thể nữ”, với “phượng liễn loan nghi”, với “hoa quan phấp phới, hà y rỡ ràng”, với “trúc tơ”, “kiệu vàng”, “hỏa bài”, “trống chầu”. Lễ rước vương giả và uy nghiêm chứng tỏ Từ hết sức trọng nể Kiều, đồng thời cũng cho thấy Từ muốn gây ấn tượng với Kiều. Thành công của Từ cần Kiều chứng nhận. Vì vậy, khi thân chinh cưỡi ngựa ra ngoài thành đón Kiều, Từ hỏi, “phỏng xem đã bõ những ngày ấy chưa?”. Ta đã bõ cho nàng “để mắt xanh vào” hay chưa? Bõ để nàng “liễu gầy vài phân” chưa? Rõ ràng, “bể Sở sông Ngô tung hoành” không phải là khát vọng của Từ. Khát vọng của Từ là chứng minh cho Kiều thấy mình là một anh hùng. Bởi với Từ, Kiều là một anh hùng, người đã nhìn ra khí chất phi thường của Từ khi chưa ai nhìn thấy cả. “Anh hùng mới biết anh hùng”, là vậy!

Sau khi tái hợp, Từ mải “vinh hoa bõ lúc phong trần” với Kiều. Vậy thì, sau khi có (chút) cơ đồ, tư tưởng của Từ là hưởng thụ. Từ chưa có ý định mở rộng bờ cõi. Vì “thong dong” như vậy, Từ mới có thời gian hỏi Kiều về “sự ngày hàn vi”, để rồi “bất bình nổi trận đùng đùng”. Có người chê trách Từ sử dụng quân lính để trả thù riêng cho Kiều. Nhưng họ chẳng xét cho, nếu không có Kiều, chắc gì đã có tướng ấy, quân ấy. Nghiệp bá vương của Từ là do Kiều, vì Kiều và cho Kiều. Vậy thì, “sấm sét ra tay”, để nàng “tấc riêng như cất gánh đầy đổ đi” nào đã thấm gì.

Sau khi Kiều oán đền ân trả (3), Từ nhủ,
Xót nàng còn chút song thân
Bấy lâu kẻ Việt người Tần cách xa
Sao cho sum họp một nhà,
Cho người thấy mặt là ta cam lòng”. 

Từ đã nói rõ mục đích của đời mình, là cho Kiều được gặp mặt song thân, dù với giá nào Từ cũng “cam lòng”. Vậy thì chẳng phải vì Kiều “cũng dự quân trung luận bàn”. (4) Chẳng phải đợi Kiều “của nhiều nói ngọt nghe lời dễ xiêu”. Càng chẳng phải nhờ đến “lời nàng nói mặn mà/ thế công Từ mới đổi ra thế hàng”. Mà ngay từ khi chưa “huyện thành đạp đổ năm tòa cõi nam”, cái chết của Từ đã được định.

Khao khát đánh chiếm, mở rộng bờ cõi, để có thể tiến gần đến cố hương của Kiều, Từ mới “thừa cơ trúc chẻ ngói tan”. Nhưng, đất đai của nhà Minh mênh mông là thế. Từ “cõi nam” đến Bắc Kinh còn xa lắm. Hơn năm năm trời, mới thu được có dăm bảy thành. Nếu muốn cho Kiều được sum họp một nhà, phải bao nhiêu năm nữa? Làm gì còn cách nào ngoài “bó thân về với triều đình”. Từ chấp nhận hy sinh tự do đời mình, chấp nhận “áo xiêm ràng buộc hàng thần lơ láo”, là để tròn lời hứa với Kiều. Và vì thế, khi “Kiều vừa phục xuống Từ liền ngã ra”. Cú ngã cuối cùng của Từ không phải vì trách Kiều đã đẩy Từ vào con đường chết. Lại càng không phải cú ngã lụy tình. Mà là cú ngã trả nợ cuối cùng. Món nợ tri âm.

Trong đời một anh hùng như Từ, dễ gì tìm được một tri kỷ như Kiều. Nếu Kim tri âm tiếng đàn của Kiều, thì Kiều tri âm chất phi thường của Từ. Kiều là người đầu tiên khơi dậy ở Từ mộng bá vương và nuôi dưỡng chí khí ấy. Từ bỏ mạng vì nàng, âu cũng là điều dễ hiểu.

Không có “ải mỹ nhân”, hồ dễ có anh hùng.

Chú thích:

(1) Khác với Kim Trọng, người nghe được về sắc đẹp của Kiều trước khi gặp, “trộm nghe thơm nức hương lân/ một đền Đổng Tước khóa xuân hai Kiều/ non xa cách mấy buồng điều/ những là trộm nhớ thầm yêu chốc mòng”. Khác với Thúc Sinh, vì “hoa khôi mộ tiếng Kiều nhi”, nên mới “thiếp hồng tìm đến hương khuê gửi vào”.

(2) Thời gian Kiều sống đời vợ chồng cùng Thúc Sinh, ta biết hai người “mảng vui rượu sớm cờ trưa”. Với Kim sau này cũng vậy, “khi chén rượu, khi cuộc cờ/ khi xem hoa nở khi chờ trăng lên”.

(3) Một vài người đã chỉ ra rằng Kiều báo oán quá mức. Ưng, Khuyển chỉ là gia nhân, làm theo lệnh của chủ, cũng bị Kiều trừng trị như thể họ là những người gây đau khổ cho Kiều. Nhưng hình như không ai để ý đến việc Kiều cũng khá vô ơn khi quên hẳn Mã Kiều, người “xót nàng nên mới đánh liều chịu đoan”. Bất chấp việc Mã Kiều đem tính mạng mình ra bảo đảm với Tú Bà là Kiều sẽ không bỏ trốn nữa, Thúy Kiều vẫn trốn theo Thúc Sinh (“mượn điều trúc viện thừa lương/ rước về hãy tạm giấu nàng một nơi”.) Tuy rằng sau đó Thúc trả tiền cho Tú Bà, hành động của Kiều vẫn ảnh hưởng đến Mã Kiều. Cũng có thể vì hổ thẹn, mà Kiều cố tình quên Mã Kiều chăng?

(4) Việc để Kiều dự quân trung luận bàn, một lần nữa, cho thấy Từ coi Kiều là đồng sự, không phải chỉ là vợ. 
Nguyệt Cầm

No comments:

Post a Comment