Friday, June 10, 2011

Tinh thần lịch sử


Tinh thần lịch sử

Thông Tin bộ phim truyền hình 19 tập: “Lý Công Uẩn- Đường đến thành Thăng Long” sẽ được VTV phát vào giờ vàng lại gây ra một làn sóng dư luận khá gay gắt. Còn nhớ tháng 9 năm ngoái khi có thông tin phim này sẽ được VTV phát vào dịp kỉ niệm Nghìn năm Thăng Long- Hà Nội, dư luận đã râm ran khắp cõi, hàng chục bài báo đã lên tiếng đề nghị dừng phát ngay phim này, vì đó là “phim Trung Quốc nói tiếng Việt”.  Phim đã được dừng lại để chỉnh sửa, đến nay phim đã được Bộ Văn hóa-thể thao-Du lịch (VHTTDL)  cho phép VTV phát sóng. Lý do để Bộ VHTTDL cho phép VTV phát phim này được ghi rõ trong công văn gửi VTV ngày 15/3/2011: “Về cơ bản, tinh thần lịch sử trong phim được tôn trọng,…”  
  Khỏi phải bàn một phim mà kịch bản, đạo diễn, trang phục, đạo cụ , bối cảnh, phim trường, diễn viên quần chúng, hậu kỳ đều do Trung Quốc đảm trách có phải phim Việt Nam hay không. Cũng khỏi phải bàn làm sao người ta có thể sửa được trang phục và bối cảnh. Nói khác đi, đến thánh cũng không sửa được trang phục và bối cảnh, chỉ có cách duy nhất là quay lại bộ phim đó, không có cách nào khác. Ở đây ta chỉ xem xét yếu tố quan trọng nhất mà Bộ VHTTDL đã khẳng định, là: về cơ bản, tinh thần lịch sử của bộ phim được tôn trọng hay không?
Chỉ cần tinh thần lịch sử trong phim được tôn trọng thì người ta có thể thể tất những sai sót, lệch lạc hoặc những sáng tác thái quá khác. Cũng không nên khăng khăng khước từ một sản phẩm văn hóa  do “Tàu làm 100%”, nếu sản phẩm đó tôn trọng lịch sử Việt. Nhưng liệu lịch sử Việt có được tôn trọng không khi “vua Lý khoác long bào hệt như long bào vua Tống” ?  Long bào không chỉ là cái áo vua mang, nó là biểu tượng của quốc thể. Ngày xưa không có quốc kì, long bào được xem như quốc kì vậy. Và theo giáo sư sử học Lê Văn Lan “… rành rành lịch sử viết Lý Công Uẩn lên ngôi ở Hoa Lư, được triều đình đồng thuận, nhưng trên phim thì Lý Công Uẩn lại lên ngôi ở …một ngôi chùa…Tàu”. Chỉ riêng việc long bào vua Lý giống long bào vua Tống và nơi lên ngôi của vua “ở một ngôi chùa Tàu” thì có thể nói ngay lịch sử Việt bị phỉ báng, làm sao gọi là “ được tôn trọng” ?
Cũng theo gs Lê Văn Lan thì “ Lê Hoàn lại hiện ra như một ông vua xa xỉ, chỉ biết bắt dân xây dựng cái gọi là “vườn ngự uyển”, không cần biết đến những lời can gián, thậm chí còn trừng phạt cả Lý Công Uẩn vì đã dám ngăn vua xây dựng những công trình phục vụ cho việc ăn chơi xa hoa.”- “Dương Vân Nga thì ủy mị, sướt mướt”.-  “Chi hậu Đào Cam Mộc hiện lên trong phim, từ đầu chí cuối là một ông tướng võ biền, là cha của một ông tướng trẻ khác, cũng chỉ suốt ngày đòi thách đấu với Lý Công Uẩn. Còn khi được giao việc hộ vệ Lê Đại Hành tuần du thì lại ngơ ngẩn, sơ xuất, để cho hoàng đế của mình bị giặc cỏ bắt sống.” Chỉ chừng đó thôi, nếu gs Lê Văn Lan nói đúng, thì đó là lịch sử bị bóp méo, làm sao gọi là “ được tôn trọng”?
Được biết gs Lê Văn Lan là chuyên gia lịch sử duy nhất trong Hội đồng duyệt phim, ba lần duyệt phim thì cả ba lần Giáo sư đều phản ứng quyết liệt về tính phi lịch sử, phản lịch sử của phim, trong khi đó Hội đồng vẫn khăng khăng cho rằng tinh thần lịch sử của bộ phim được tôn trọng. Thật quá ngạc nhiên.
Nếu không tin về chuyên môn lịch sử của gs Lê Văn Lan thì mời các chuyên gia lịch sử khác để nhờ họ thẩm định cho ra nhẽ, tại sao Bộ VHTTDL vội vàng quyết định cho phát phim? Và tại sao VTV lại vội vàng chấm dứt phát sóng phim “ Huyền sử thiên đô”, một phim lịch sử về Lý Công Uẩn rất thuần Việt và đang được khán giả yêu mến để phát sóng một phim cũng về Lý Công Uẩn đang bị dư luận cho là “ phim Trung Quốc nói tiếng Việt”?
Trong khi biển Đông đang dậy sóng, đó là câu hỏi cần được sớm trả lời*.
………………………
* Khi bài báo nay viết xong thì có thông tin VTV tạm hoãn phát phim  “Lý Công Uẩn- Đường đến thành Thăng Long” vào ngày 30/6 như đã loan báo và sẽ tiếp tục phát phim “ Huyền sử thiên đô”. Tuy vậy vấn đề đã nêu và câu hỏi cuối cùng vẫn không thay đổi.

No comments:

Post a Comment