Friday, June 10, 2011

Bàn cờ

'Không sợ nhưng không muốn xung đột'

Ngồi trong phòng làm việc với máy điều hòa chạy ở 18 độ C mà mồ hôi ông luôn vã ra như tắm. Ông nói rất ít và bảo tôi ngồi xuống đánh cờ tướng với ông.
“Tình hình biển Đông hiện cũng giống như một bàn cờ đang vào lúc giai đoạn giữa. Việt Nam và Trung Quốc đang đấu cờ với việc tính toán từng nước đi. Nhưng kết cục ván cờ đang phụ thuộc nhiều vào những người xem – là nhân dân hai nước”.
“Chỉ tiếc tôi và anh đánh cờ mà chỉ có ba người xem. Nếu có, càng đông người xem, anh sẽ thấy áp lực của người quan sát mạnh cỡ nào đến kết cuộc” – Ông khẳng định. Ba người xem cờ, có hai là học trò của ông, một là một bạn trẻ của tôi đang là giảng viên báo chí.
Còn ông là một trí thức, một Giáo sư, tiến sĩ tham gia cuộc tuần hành, biểu tình chống Trung Quốc một cách ôn hòa vào sáng 5/6 tại Hà Nội.
“Bàn cờ biển Đông càng phức tạp thêm vì những hành động tiếp tục leo thang. Tàu của Trung Quốc lại cắt cáp tàu Việt Nam. Ra sức ép cho chính quyền Việt Nam định hướng dư luận trong nước. Rồi còn cuộc chiến an ninh mạng của hai nước mang tính quá khích, tự phát… Những thứ này đều không cải thiện được tình hình” – ông vừa nhấc quân cờ đi nước đầu vừa phân tích.
Cuộc cờ Biển Đông
Lúc này, trên bàn cờ, bên ông – quân xanh đang có đủ hai xe, một pháo, một mã. Đó còn chưa tính còn một dàn tốt nguyên vẹn đông đảo. Hai xe của ông đang kẹp chặt nách sĩ tượng , pháo đầu đóng chặt. Con mã cuả ông đang ở chân tượng biên đứng yên thủ thế bên sông mình.
Hai cuộc tuần hành chống Trung Quốc đầu tháng 6 ở Hà Nội và TPHCM là chuyện hiếm xảy ra ở Việt Nam
Bên tôi, pháo thủ chặt chân sĩ, hai xe ngang hà, con mã loi choi tiến lên đánh tốt đầu.
Dù nguy hiểm, nhưng ông không thể công kích. Ông sợ tôi đấu xe. Tôi yếu thế sẽ cầm hòa. Đối với tôi, một người cờ thấp hơn ông, ông để hòa coi như thua.
Tạm thời thế cờ đang giằng co. Ông cười : “Hiện tại, tình hình Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng đang như thế này”.
“Đẩy tốt biên, đưa mã lên đánh thẳng vào sĩ” – Người xem vốn là học trò của ông hiến kế.
Ông lên mã thật. Rồi bỏ chiến thuật, dạt pháo đầu đánh pháo nách. Không có xe yểm trợ, tôi mất thêm con mã đành hi sinh vào con sĩ. Tôi thiệt mất một quân.
Ông buông lời khiêu khích. “Bên anh yếu, nên thủ chứ đừng công”. Mặt tôi đỏ bừng . Anh bạn đi cùng nóng mặt: “Đưa pháo lên đi. Hai xe tách ra, lấy công làm thủ, sợ gì?”.
Ông lại cười khiêu khích: “Đừng mất bình tĩnh nếu không, cơ hội thắng toàn diện sẽ về tôi”.
Thay vì lên pháo như anh bạn nói, tôi hai xe đè chặt pháo xanh. Bắt được con pháo xanh, tôi tự tin hơn.
Có thể đánh hòa hoặc chí ít không thua nhanh. Bị mất quân, mất mặt với hai học trò,ông đưa mã lên, lệch tướng dọa đánh tan chân sĩ. “Khuyết sĩ kị song xe”- mặt ông giáo sư đã nóng dần và định công quyết liệt.
“Giáo sư cứ đánh, tôi không sợ”. Nếu cần, tôi hi sinh một xe giữ sĩ và bắt mã xanh. Con pháo ở lì không tiến chỉ thủ. Nhưng quả thật, tôi không muốn mất xe. Như thế quá thiệt hại. Hai con xe đã bằng nửa bàn cờ.
Ngồi phía ngoài, cả anh bạn tôi và hai học trò của giáo sư đều kích động. Họ muốn đánh nhau, đánh mạnh. Phải đưa quân sang sông để ván cờ phải có kết cuộc nhanh chóng. Tôi cũng do dự và giáo sư cũng do dự khi nghe những lời khuyên.
Đến lúc này, vị giáo sư đề nghị: Dừng ván cờ để xem xét những gì đang diễn ra có giống với tình hình biển Đông không.
“Rõ ràng, hai học trò của tôi, yêu tôi, ủng hộ tôi nên muốn tôi thắng giục tôi tiến quân. Bạn anh, cũng với lý do như thế. Muốn tiến quân. Chắc chắn như vậy bàn cờ có một kết cuộc. Có thể thắng, có thể hòa hay thua. Nhưng một điều chắc chắn. Hai bên đều mất quá nhiều quân.”
Ông kết luận: “Đánh cờ thua thắng hay quá khích không quan trọng nhưng chiến tranh thì lại khác. Tranh chấp dẫn đến chiến tranh người thiệt hại nhất là nhân dân.”
Chính phủ Việt Nam không mua băng keo của Trung Quốc để dán vào miệng chúng tôi bày tỏ lòng yêu nước
Một blogger Việt Nam
Không sợ nhưng không chủ chiến
Trước những động thái mà dư luận gọi là “ngang ngược và trắng trợn” khi tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Bình Minh 02 trên vùng biển đặc quyền Việt Nam.
Giới trẻ và giới trí thức Việt Nam đã kêu gọi và biểu tình ôn hòa chống Trung Quốc vào sáng chủ nhật 5/6 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Cuộc biểu tình ở Hà Nội đáng chú ý bởi có nhân sĩ - trí thức, Blogger nổi tiếng như: TS Nguyễn Xuân Diện, TS Nguyễn Hồng Kiên, Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, nhà văn Trần Nhương...
Cuộc tuần hành được nhà nước và truyền thông chính thống đánh giá là “trật tự, hòa bình và tự động gải tán khi được chính quyền giải thích”. Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Trung Quốc khi đưa tin về vụ này với nhiều lời lẽ kích động đã khiến đám đông tham dự biểu tình tức giận.
Đặc biệt khi phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc- Hồng Lỗi nhấn mạnh Hà Nội cần xử lý các vụ bùng phát trong nước đặc biệt là những người tham gia biểu tình “để có một sự đồng thuận”.
Một bloger đã bày tỏ: “Chính phủ Việt Nam không mua băng keo của Trung Quốc để dán vào miệng chúng tôi bày tỏ lòng yêu nước.”
Nhưng chính bloger này cũng khẳng định: “Người dân Việt Nam không sợ Trung Quốc nhưng chúng tôi không cổ vũ chiến tranh.”
Không có mặt tại cuộc biểu tình một trí thức là phóng viên trẻ nói: "Sức mạnh thực sự nằm trong nhân dân, chứ không nằm trong họng súng, trong số lượng vũ khí mà ngoại bang có hay đe dọa."
Trong các comment của trong blog mà chủ nhân là Mai Thanh Hải khi đăng hình ảnh cuộc biểu tình sáng 5/6 đã kêu gọi tiếp tục một cuộc biểu tình khác nhưng vẫn theo đường lối ôn hòa.
Tuy nhiên một comment e ngại: “Liệu chính phủ có cho phép không?”
Người phát ngôn Hồng Lỗi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng về quan hệ với Việt Nam quanh tranh chấp biển
Vĩ đại và tầm thường
Ngay chiều 9/6, khi dư âm cuộc biểu tình 5/6 vẫn còn nóng thì các diễn đàn mạng của Việt Nam lại nóng lên liên tục với hai sự kiện cuộc chiến giữa hacker hai nước Việt Trung và tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Viking 2 của Việt Nam.
Ngay sau một số trang web của Việt Nam bị hacker Trung Quốc đánh sập để lại một số hình ảnh chống Việt Nam, các hacker “mũ trắng” của Việt Nam đã chính thức kêu gọi dừng ngay cuộc chiến và gọi đây là “sự quá khích không đáng có” bằng những đường linh trên Yahoo messenger.
Vụ cắt cáp lần hai này được truyền thông trong nước trích lời bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam coi đó là “hành động có chủ ý, tính toán kĩ lưỡng”.
Trở lại cuộc cờ với vị Giáo sư tham gia biểu tình 5/6.
Vị giáo sư lại trầm hẳn xuống khi biết thông tin. Ông nói mình thích nhất hai biểu tượng của cuộc biểu tình là hình lá cờ Trung Hoa gắn hình đầu lâu cướp biển và hình tương tự với một câu “Trung Hoa vĩ đại, xử sự tầm thường”.
“Sau tất cả những gì xảy ra trên Biển Đông, Trung Quốc lộ rõ ý đồ khiêu khích khi tiếp tục xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Nhưng Bắc Kinh cố tình đi một nước cờ mạo hiểm cố tình leo thang.”
Theo ông, một nước lớn không thể dùng sức mạnh để thách thức một nước khác. Đó là xử sự tầm thường của một nước vĩ đại. Ông không nghĩ Trung Quốc sẽ có những hành xử quá quắt hơn.
Ông đứng dậy, đề nghị tôi đổi bên cờ khi dừng lại lúc trước. Có nghĩa là ông quân đỏ, tôi quân xanh. Ông muốn thay thử ở vị trí tôi khi bị ép cờ. Lúc này cả hai bên còn hai xe, bên ông là pháo thủ, tôi lấy mã công.
Ông lấy ý kiến của anh bạn tôi khuyên tôi lúc trước, bỏ thủ sang công. Chuyển pháo lên trên đánh pháo đầu trực tiếp. Ông nói: “Cân bằng bị phá vỡ nếu bên kia ép cờ quá đáng”.
Xe đấu xe, pháo nổ mã. Cả hai bên chỉ còn những quân cờ tàn. Một bầy tốt hai bên tràn sông chém giết… “Đó là một kịch bản Biển Đông rất tệ nếu hai bên không kiềm chế”.
Ông cũng nói thêm: “Quần chúng cũng như người yêu một bên cờ, kiềm chế để người chơi cờ giữ thế, ngăn cản chiến tranh”
Bài thể hiện quan điểm riêng của nhà báo Trần Phong từ Hà Nội. 

No comments:

Post a Comment