Monday, April 20, 2015

Khi nào thì bắt khẩn cấp?

Mãi đến ngày 20-4, gia đình của anh Nguyễn Viết Dũng mới biết được “Thông báp về việc bắt khẩn cấp, tạm giữ” hình sự đối với anh Dũng. Lý do bắt khẩn cấp: Gây rối trật tự nơi công cộng xảy ra tại khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), phạm vào Điều 245, Bộ luật hình sự.



BIỂU TÌNH ÔN HÒA

Sáng ngày chủ nhật 12-4, nhóm anh Nguyễn Viết Dũng xuất hiện trong cuộc biểu tình bảo vệ cây xanh tại khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm.

Hình ảnh được phổ biến trên các mạng xã hội cho thấy có khoảng 4-5 thanh niên mặc áo màu đen, trên ngực trái có in biểu tượng hình con ó màu vàng. Phía sau chiếc áo là một biểu tượng chữ V bao quanh bởi một vòng tròn màu đỏ, cùng với thông điệp bằng tiếng Anh:

“People should not be afraid of their governments. Governments should be afraid of their people” – “Nhân dân đừng sợ nhà cầm quyền quyền. Nhà cầm quyền phải sợ Nhân dân”.

KHI NÀO THÌ ĐƯỢC “BẮT KHẨN CẤP”?

Tham khảo Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 (BLTTHS), tại điều 81 (chương VI - Quy định những biện pháp ngăn chặn) có nêu rõ: Trong những trường hợp sau đây thì được bắt khẩn cấp:

a) Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; b) Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn; c) Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.

Trong mọi trường hợp, việc bắt khẩn cấp phải được báo ngay cho Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) cùng cấp bằng văn bản kèm theo tài liệu liên quan đến việc bắt khẩn cấp để xét phê chuẩn. Trong trường hợp cần thiết, Viện KSND phải trực tiếp gặp, hỏi người bị bắt trước khi xem xét, quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.

Trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị xét phê chuẩn và tài liệu liên quan đến việc bắt khẩn cấp, Viện KSND phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Nếu Viện KSND quyết định không phê chuẩn thì người đã ra lệnh bắt phải trả tự do ngay cho người bị bắt.

VIỆN KIỂM SÁT PHÊ CHUẨN CHƯA?

Theo trình tự của pháp luật về tố tụng hình sự, cá nhân người viết bài này hiểu rằng việc bắt khẩn cấp chỉ coi là hoàn thành (đúng pháp luật), khi việc bắt khẩn cấp đó được Viện kiểm sát phê chuẩn (ở đây chưa bàn đến bản thân quyết định phê chuẩn của Viện kiểm sát có phê chuẩn đúng hay không).

Việc một người nào đó bị bắt thuộc một trong các trường hợp khẩn cấp mà chưa được Viện kiểm sát phê chuẩn thì việc bắt đó là chưa hoàn thành, mà chỉ được coi là các bước thực hiện việc bắt khẩn cấp.

Việc bắt người đó chưa hoàn thành thì chưa thể áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ tiếp theo đối với họ theo khoản 1 Điều 83 và Điều 86 BLTTHS dù cơ quan điều tra có cho là cần thiết – bởi theo Hiến pháp là trái pháp luật.

Việc bắt nói chung và bắt khẩn cấp nói riêng trong điều tra hình sự không chỉ là biện pháp ngăn chặn tố tụng mà còn là hoạt động tác nghiệp điều tra của cơ quan điều tra. Do đó bắt khẩn cấp phải đảm bảo ba yêu cầu của hoạt động tác nghiệp điều tra là: Yêu cầu về chính trị, yêu cầu về pháp luật, yêu cầu về nghiệp vụ.

Yêu cầu về nghiệp vụ trả lời câu hỏi bắt ai, khi nào, bắt thế nào, thì yêu cầu pháp luật đặt ra là bắt theo trường hợp nào, thủ tục thế nào, thời điểm nào hoàn thành. Việc bắt khẩn cấp chỉ coi là đạt được khi đảm bảo 3 yêu cầu đó.


Ở đây một phần nhỏ trong các yêu cầu pháp luật đặt ra cho cơ quan điều tra là đối với trường hợp đã bắt khẩn cấp về xét cần phải tạm giữ thì thời hạn đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn phải trong hạn dưới 24 giờ. Nếu Viện kiểm sát phê chuẩn thì ra lệnh tạm giữ, nếu không phê chuẩn thì trả tự do. Chính vì vậy tại khoản 4 Điều 81 BLTTHS mới giành cụm từ “báo ngay”.


No comments:

Post a Comment