Cần thiết sự công bằng truyền thông
Hàng năm cứ đến dịp 30 tháng 4 là chính quyền lại tưng bừng kỷ niệm “chiến
thắng đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào”. Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn trả
lời phỏng vấn Báo điện tử Pháp Luật TP.HCM, còn cho rằng: “Chúng ta là người chủ
đất nước, chúng ta đi lên thì không có lý gì bỏ rơi họ trong mặc cảm, tự ti. Họ
đã ra đi trong suốt 40 năm qua và luôn mặc cảm, có những hận thù đối với đất nước”.
“Chúng ta” ở đây là những quan chức
trong bộ máy nhà nước. “Họ”, chính là “Ngụy” (1).
Huynh đệ tương tàn thì sao lại tiệc tùng chiến thắng?
Hiệp định Paris được chính thức ký kết
vào 27-1-1973. Hiệp định này thỏa thuận ngưng bắn toàn diện tại miền Nam Việt
Nam, Hoa Kỳ rút hết số quân còn lại tại Việt Nam trong vòng 60 ngày, quân cộng
sản Bắc Việt (khoảng 150.000 binh sĩ) được phép ở lại miền Nam Việt Nam tại những
vùng cộng sản Bắc Việt đã chiếm đoạt, và tất cả tù binh Hoa Kỳ được hồi hương.
Hiệp định Paris cũng kêu gọi Chính phủ VNCH và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền
Nam Việt Nam thực hiện một cuộc bầu cử dân chủ và tự do tại miền Nam Việt Nam để
chấm dứt cuộc xung đột.
Hai tháng sau khi Hiệp định hòa bình
Paris được ký kết, những người lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam, khi Hà Nội
thả tự do những tù nhân Mỹ bị giam giữ ở miền Bắc Việt Nam.
Tuy nhiên, tiếng súng
huynh đệ tương tàn mỗi lúc dồn dập hơn, bất chấp thỏa thuận đã ký kết.
Và với nếp nghĩ định kiến “đánh cho Mỹ
cút – Ngụy nhào” như vậy của một thứ trưởng ngoại giao chuyên trách về các vấn
đề người Việt tại nước ngoài, cho thấy câu nói của cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt
lúc sinh thời, vẫn còn nóng thời sự: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi
nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết
thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó
thêm rỉ máu... Đối với Việt Nam, nhất là ở miền Nam, tôi thường biết và hiểu
nhiều gia đình đều có hai bên hết. Chính trong thân tộc của tôi, các anh em
tôi, các cháu ruột của tôi cũng có số bên này và số bên kia. Cái đó có hoàn cảnh
của nó. Có những gia đình một người mẹ có con đi chiến đấu, chết ở bên này và đứa
con khác thì đi chiến đấu chết ở phía bên kia...”.
Như vậy, trong truyền thông – dù là
tuyên truyền định hướng, nhưng “Tuyên giáo” không thể tiếp tục trên sóng truyền
hình hàng đêm suốt từ tháng 1-2015 đến nay, ra rả những trận chiến “đánh cho Mỹ
cút – Ngụy nhào”. Sự công bằng ở đây là cần loại bỏ ngay khuynh hướng cường điệu
khía cạnh chiến thắng của ngày 30 tháng 4. Cần chú trọng hơn vào khía cạnh hòa giải
hòa hợp dân tộc, và phải coi việc hàn gắn vết thương chiến tranh qua thái độ
hòa giải hòa hợp dân tộc như một thứ trách nhiệm lịch sử tự nhiên phải làm, chứ
không có tính cách ban phát sự hòa giải
cho “phía thua cuộc”.
258 – 88 và 40
40 năm, vẫn tiếp tục chụp mũ chính trị
nhiều công dân bằng các điều 88 và 258 Bộ Luật hình sự. Yêu cầu xóa bỏ hai điều
luật này xem ra khó thể được nhà nước chấp nhận, khi mà trong trả lời phỏng vấn
ngày 2-5-2014, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, cho rằng:
“Chính chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã đưa người Mỹ vào miền Nam và đã phản
bội cả chế độ cộng hòa của họ, gây ra cuộc chiến tranh tàn khốc vô cùng đau
thương cho dân tộc chúng ta. Những người anh em miền Bắc đã phải vào miền Nam để
hỗ trợ anh em miền Nam giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước, đánh đổ đế quốc
Mỹ.
Tôi đã giải thích rất rõ cho họ là chính các quý vị trong thời Việt Nam Cộng
hòa đã đưa đế quốc Mỹ vào xâm lược miền Nam. Họ vào không phải để giúp đỡ chúng
ta mà vào để đẩy cuộc chiến tranh mạnh hơn, muốn tiến ra cả miền Bắc để xóa sổ
XHCN miền Bắc, để mong muốn có một nhà nước tư bản chủ nghĩa theo chư hầu của Mỹ.
Chúng ta không chấp nhận chuyện đó. Cho nên Mặt trận Dân tộc giải phóng
miền Nam Việt Nam được thành lập để kháng chiến chống đế quốc Mỹ và những người
anh em miền Bắc phải có trách nhiệm giúp giải phóng miền Nam, đưa đến thống nhất
đất nước. Chính người Mỹ đã rút chạy trước và bỏ lại miền Nam cộng hòa. Giá như
miền Nam cộng hòa lúc bấy giờ đi theo xu hướng của Mặt trận Dân tộc giải phóng
thì chúng ta không có những đau thương về sau...”. (1)
Lẽ ra, ông thứ trưởng phải nhìn đúng
sự thật rằng nhiều chính sách của nhà nước cộng sản miền Bắc sau tháng 4-1975 quá
nặng nề với sĩ quan, binh lính chế độ VNCH cũng như gia đình họ. Rồi chuyện báo
chí Sài Gòn bị đóng cửa hầu hết, tất cả hoạt động kinh doanh của miền Nam bị hạn
chế... Sau đó là hợp tác hóa, cải tạo xã hội chủ nghĩa. Đó là một trong những
nguyên nhân dẫn đến chuyện hàng chục vạn người bỏ nước ra đi, thành phong trào
“thuyền nhân”....
Tại sao không thực hiện được hòa hợp
dân tộc để xảy ra những chuyện như vậy?... Phải chăng, nguyên nhân là phía nhà
nước miền Bắc sau tháng 4-1975 đã choáng ngợp, không kịp suy nghĩ gì cả. Đến
cái mức mà có lãnh đạo cấp cao của đảng cộng sản nói là bây giờ đã hết kẻ thù,
vĩnh viễn sẽ không có chiến tranh nữa.
Bài học cải cách ruộng đất ở miền Bắc,
thật ra không được ai “rút kinh nghiệm” cả. Tư tưởng giáo điều ý thức hệ tiếp tục,
thể hiện ở chuyện “thành phần”. Phân biệt kẻ thắng người thua rất nặng nề. Tư
tưởng địch - ta nặng nề. Rồi tư tưởng XHCN đối lập với tư bản. Nhiều cái giáo
điều ý thức hệ như vậy nên chuyện hòa hợp là không thể.
Vấn đề khác là trình độ nghiên cứu của
nhà nước miền Bắc cũng “rất thấp”. Không nghiên cứu được là sau khi “giải phóng
miền Nam”, thì cái gì sửa cái gì giữ, đối xử với các tầng lớp thế nào... Tương
tự như suốt mấy mươi năm qua, vẫn tiếp tục loay hoay “trồng cây gì – nuôi con
gì”, và “thế nào là thị trường theo định hướng XHCN”…
Xin hãy công bằng trong truyền thông
về câu chuyện của 40 năm. Bởi, “Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc
gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng
sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả... Có một cách nhìn méo mó từ
phía một số người cộng sản, rằng yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội là đúng, còn
những người yêu nước khác mà không yêu chủ nghĩa xã hội thì không yêu nước đủ
như mình... Có hàng trăm con đường yêu nước khác nhau. Tổ quốc Việt Nam không của riêng một đảng, một phe phái, tôn giáo nào...”
(2)
No comments:
Post a Comment