Wednesday, September 3, 2014

VU CÁO CHÍNH TRỊ, MẬP MỜ HỌC THUẬT

 “Vu cáo chính trị – Mập mờ học thuật” -   là tựa đề bài báo nảy lửa của GS-TS Mai Quốc Liên “phản pháo” hai thư ngỏ của GS-TS Nguyễn Huệ Chi đăng trên mạng TALAWAS ngày 5 và 6 tháng 3 - 2008 . Hai ông Giáo sư - Tiến sĩ một ông ở Hà Nội , một ông ở Sàigòn tuy “đối thủ” của nhau, nhưng đều là cán bộ Nhà nước kỳ cựu.

Nguyên vào ngày Hội thơ rằm tháng giêng năm đó, tập thơ Trần Dần mang bán ở Văn Miếu thì bị …ách lại, đình chỉ phát hành . Đó là một hành động thách thức dư luận nên ngay lập tức một nhóm nhà văn – nhà thơ trong đó có Nguyễn Huệ Chi thảo “Thư ngỏ” gửi Nhà nước yêu cầu giải toả lệnh cấm và lấy chữ ký của nhiều người. Tiếp đó , ông kể lại diễn biến xoay quanh việc cấm sách và vạch mặt chỉ tên kẻ ném đá giấu tay “ton hót cấp trên” không ai khác chính là GS-TS khả kính Mai Quốc Liên :

 “Theo những nguồn đáng tin cậy thì việc ngưng lưu hành cuốn Trần Dần - Thơ trước sau chỉ dựa vào một căn cứ duy nhất là Quyết định của ông Giám đốc NXB Đà Nẵng hủy giấy phép xuất bản do ông Nguyễn Đức Hùng, Phó giám đốc kiêm Tổng biên tập ký…Chúng tôi nghĩ cũng có thể có chuyện “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” trong nội bộ NXB, nhưng chuyện “dàn dựng ra một vụ việc” là khả năng lớn hơn… Các quy trình như nộp lưu chiểu, chờ thẩm định đều đã làm xong đâu vào đấy, rồi khi đem phát hành trong Ngày thơ Việt Nam thì mới sinh chuyện. Có thể đây cũng vẫn là hậu quả của một cú điện thoại như thông lệ vốn có trong mấy chục năm nay; chẳng hạn ông X hay một ông trong cái “nhóm người bất hủ” - mà cả nước đều biết rõ - nổi hứng gọi cho A 25 và Cục Xuất bản rằng Trần Dần – Thơ có vấn đề, thế là dù đã có giấy phép hẳn hoi và mọi công đoạn đều đã trót lọt, sách cứ nhất thiết... phải ngưng phát hành. Chuyện ấy là chuyện của thời Trung cổ (trước Đổi mới) thế mà vẫn nghiễm nhiên tồn tại đến nay và hứa hẹn sẽ còn tồn tại lâu, thế có kỳ quặc không ?”

Người ta thừa hiểu rằng cái “nhóm người bất hủ” – mà cả nước đều biết rõ đó chính là nhóm các GS - TS  Mai Quôc Liên – Trần Trọng Đăng Đàn – Trần Thanh Đạm – Vũ Hạnh  như một thứ “tứ quái Sàigòn.” mà trong thư ông Nguyễn Huệ Chi còn mênh danh là “đội quân thính nhạy” cầm đèn chạy trước ô tô  và đòi “phải được dẹp bỏ, và các vị thượng cấp phải biết rằng cứ tiếp tục chấp nhận cách làm này là đáng xấu hổ, không xứng đáng là người cầm quyền”

Trong lá thư thứ hai đề ngày 6 tháng 3, ông Nguyễn Huệ Chi tiếp tục vạch mặt kẻ “ton hót giấu mặt” :

“Tôi được một người bạn thân cho biết: trong cuộc họp của cái gọi là Hội đồng Lý luận Phê bình Trung ương do Ban Văn hóa Tư tưởng đẻ ra cách đây một thời gian, vừa diễn ra hôm qua, để nhìn lại tinh hình sáng tác văn học nghệ thuật của nước nhà ít lâu nay, ông X đã lên tiếng phê phán gay gắt cuốn Trần Dần - Thơ và ông Y cũng có đế theo tuy giọng không nặng nề bằng. Như vậy là dự đoán mà trong thư hôm qua tôi gợi ý với các anh chị rằng có một cú điện thoại nào đó gọi cho “cấp trên” nên mới sinh chuyện là có cơ sở và nay đã có lời giải chính xác. Còn nhớ bộ Từ điển văn học - Bộ mới của chúng tôi phát hành vào trước cái Tết năm 2005 cũng đã bị một cú điện thoại của đúng kẻ ấy khiến phải ách lại đúng 10 ngày và sau khi không tìm ra điều gì để gán cho tội "phản động" về nội dung như cú điện đã báo, NXB cũng phải nhận phạt 5 triệu đồng vì "sai phạm hành chính" (nhan đề sách không khớp hẳn với giấy phép) rồi mới được đưa ra thị trường.

Tôi đã xem phim La vie des Autres và không khỏi rùng rợn vì mạng lưới "an ninh văn hóa" ở những nước xã hội chủ nghĩa sao mà giống nhau đến thế, nhưng hình như loại người tha hóa về phẩm cách, tự nguyện làm “khuyển mã” ở Việt Nam thì còn khủng khiếp hơn ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu nhiều lần vì đó là thứ khuyển châu Á vừa bẩn thỉu, nham hiểm, vừa lì lợm, trơ tráo và man rợ mà ta không tài nào dùng ngôn từ để miêu tả được. Tôi không còn chút băn khoăn nào về cái lý do "mâu thuẫn nội bộ trong NXB" mà vài hôm trước nghe dư luận đồn đại còn hơi phân vân nghi ngờ. Vì thế, mặc dầu hôm nay, trong một cuộc gặp mặt, nhiều anh em cho rằng đây là một hiện tượng rất mới, trước nay chưa có, trong việc đối thoại công khai với nhà cầm quyền, về quyền được tôn trọng của người trí thức, tôi lại nghĩ, điều quan trọng giờ đây không chỉ còn là yêu cầu nhà nước hành xử một cách văn minh, theo đúng luật pháp, đối với các sáng tác văn học nghệ thuật, mà là làm thế nào chấm dứt vĩnh viễn cái cơ chế sinh ra lũ người-khuyển “đánh hơi văn hóa” như một nhu cầu tất yếu. Chỉ có như thế đời sống văn hóa, tinh thần của đất nước mới mong có cơ khấm khá lên được. “

Gần một tháng sau khi ông Nguyễn Huệ Chi công bố hai lá thư trên mạng Talawas, mới đây, ông GS-TS Mai Quốc Liên mới viết bài “phản pháo” ngày trên tờ Hồn Việt do ông làm Tổng biên tập. Ong viết :

“Ông Nguyễn Huệ Chi, trên một mạng nước ngoài, khi nói đến Thơ Trần Dần, có “nhã ý” tặng tôi câu chuyện: vì có cú telephone của tôi mà cuốn sách bị ngưng phát hành. Ban đầu, tôi thấy ông gọi tôi là “ông X” (cũng có thể do ở mạng mà tôi nhận họ dè dặt để thế, còn một nhà nghiên cứu thì cho biết anh đọc thấy thẳng tên), nhưng sau đó, trên e-mail thì ghi MQL. Đây là một sự bịa đặt hoàn toàn, trắng trợn, (và dại dột - điều này tôi sẽ nói dưới đây), một sự vu cáo chính trị, bởi vì ông Nguyễn Huệ Chi đang đưa đơn đến nhiều cơ quan công quyền về cuốn Thơ Trần Dần.

Xin nói ngay là: tôi không hề biết, và cũng không hề liên quan gì đến cuốn Thơ Trần Dần. Đến lúc nó in ra, nhân ngày Thơ Việt Nam, một vài tờ báo đưa tin về nó, tôi mới biết. Rồi tôi chuẩn bị gấp gáp ra Hà Nội tổ chức cuộc họp Hội đồng Khoa Học của Trung tâm Nghiên cứu Quốc Học nghiệm thu 15 công trình của Trung tâm, đồng thời dự một số cuộc họp khác, nên không hề quan tâm đến chuyện này.
Lấy đâu ra cú téléphone trong hoang tưởng của ông Nguyễn Huệ Chi? Cái cú téléphone ấy gọi ngày nào, cho ai, ông đã nói ra chắc nịch như thế thì hẳn ông phải có chứng cớ. Ông có dám đưa chứng cớ ấy ra không?
Ông lại còn bịa đặt nữa rằng, trong cuộc họp Hội đồng Lý luận - Phê bình TƯ, tôi nói về vụ Thơ Trần Dần. Cuộc họp ấy chỉ diễn ra trong vòng 2 tiếng để bàn về Quy chế và Kế hoạch của Hội đồng, tuyệt nhiên tôi không đả động gì đến Thơ Trần Dần cả, một từ cũng không. Biên bản, ghi âm, và tất cả các vị có mặt buổi họp 6-3 tại số 7 Nguyễn Cảnh Chân còn đủ. Ông Huệ Chi moi đâu ra tình tiết ấy? Ông Nguyễn Xuân Đức, Chánh Văn phòng Hội Đồng Lý luận - Phê bình TƯ cho tôi biết hôm 14/3 rằng ông ta đã điện thoại cho ông để xác quyết là tôi không hề nói gì về Thơ Trần Dần trong các cuộc họp và ông Xuân Đức sẽ cải chính tin này trên báo.
Thông tin của ông một lần nữa lại sai, và sai theo hướng có chủ định, để vu cáo. Ông cho rằng, vì tôi gọi điện thoại mà cuốn Thơ Trần Dần bị đình chỉ lưu hành, trong khi ai cũng biết nó chỉ bị “phạt vạ” vì thủ tục giấy tờ in ấn sao đó.
Không những dựng đứng sự việc, cái nguy hiểm là ông Nguyễn Huệ Chi lấy đó làm cái cớ để viết những lời thóa mạ tôi đủ điều, với một giọng hằn học, thô bỉ, rất không xứng đáng với một người có học, nhưng lại rất xứng đáng được đưa ra tòa vì tội vu cáo và mạ lị người khác, theo Điều 175, của Bộ luật hình sự nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Như vậy, tóm lại, đây là một vụ dựng đứng, không tiền khoáng hậu nhằm mục đích vu cáo và hạ sát cá nhân.

Nhân đây, tôi cũng xin bày tỏ tóm tắt thêm về thái độ của tôi đối với ông Trần Dần, thơ Trần Dần... Khi tham gia Hội đồng xét Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Quốc gia về văn học của Hội Nhà văn, tôi bỏ phiếu tán thành ông Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm… giải Quốc gia, chủ yếu là vì muốn giải toả, chấm dứt một vụ việc kéo dài, nói đi nói lại, chứ chất lượng văn học thì không ai đặt ra, và ở đây ý kiến có thể rất khác nhau mà cũng không phải là để “xin lỗi các anh ấy” như có người nói; rồi mạng nước ngoài đưa tin Chủ tịch sám hối ký lệnh giải thưởng cho các ông ấy! Riêng trường hợp Phùng Quán thì ở Hội đồng sơ khảo không đưa lên; tôi phải nhắc và đề ra quy chế: Hội đồng, trong trường hợp đó, sẽ biểu quyết 2 lần: lần thứ 1 có đồng ý đưa người ấy ra xét giải không, và lần thứ 2 biểu quyết phiếu có đủ quy định không (9/11). Trường hợp ông Trần Dần còn có câu chuyện là ở Hội đồng sơ khảo (cũng đều do nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội làm chủ Hội đồng), do quên ông Trần Dần, ông Thỉnh phải chạy theo mời Hội đồng họp lại. Nhưng vẫn quên phứt Phùng Quán…Chuyện ông Trần Dần – và Nhân Văn với tôi đại loại là như vậy. Chuyện này chẳng có gì đáng kể và tôi cũng không cần nói với ai để làm gì, nhưng ông Nguyễn Huệ Chi vu cáo, thì tôi kể ra cho vui, cho rõ. Làm sao có thể nghĩ rằng trong Hội Đồng tôi bỏ phiếu cho ông Trần Dần, rồi lúc in thơ ông ấy tôi lại chủ trương thu hồi. Không thể có chuyện, và không hề có chuyện tôi gọi điện, gởi thư, phát biểu… để ngăn cản phát hành. Đó là chuyện tôi không biết, không để tâm, thế thôi. Mà chuyện trục trặc trong phát hành cuốn thơ này là do thủ tục hành chính ở Nhà xuất bản, nó xảy ra trước cuộc họp của Hội Đồng Lý luận – Phê bình.

Như thế là chuyện này đã rõ.

Tuy nhiên đó chỉ là ý kiến ông  Mai Quốc Liên trắng đen ra sao vẫn cứ phải chờ phái ông Nguyễn Huệ Chi lên tiếng.



   NT

No comments:

Post a Comment