Song Chi
25-06-2014
Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Cộng nằm trên vùng biển thuộc chủ quyền của VN đã gần 2 tháng trời. Và mới đây, Bắc Kinh tiếp tục đưa thêm 3,4 giàn khoan khác ra biển Đông, trong đó giàn khoan Nam Hải 9 đang được di chuyển tới gần vùng đặc quyền kinh tế của VN.
Điều này cho thấy sau một thời gian thử thăm dò phản ứng của nhà cầm quyền VN cũng như dư luận quốc tế về vụ Hải Dương 981, nhận thấy phản ứng của VN và của quốc tế không đủ mạnh, không đáng sợ, Trung Cộng có vẻ cho rằng đã đến lúc muốn làm gì thì làm, đặc biệt đối với VN.
Về mặt thực tế mà nói, VN xem như đã mất biển. Một quốc gia nằm quay mặt ra biển, có đường bờ biển dài 3260 km không kể các đảo, nay phải chịu cảnh bị chặn mất đường ra biển. Ngư dân chỉ cần đánh bắt cá xa bờ một chút là gặp tàu Trung Quốc, bị Trung Quốc rượt đuổi, đánh cướp, đánh chìm tàu các kiểu, còn người thì bị đánh đập, bắt cóc, đòi tiền chuộc…Vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của VN, nằm trong khu vực biển Đông được đánh giá là giàu có về tài nguyên, dầu khí…nhưng trong tương lai, người Việt chỉ còn có thể giương mắt nhìn tàu “nước bạn” nghênh ngang đi lại, nhìn giàn khoan “nước bạn” khai thác dầu của nước mình.
Không những thế, một khi Trung Cộng đã hoàn tất các căn cứ quân sự trên quần đảo Hoàng Sa Trường Sa mà chúng đánh chiếm được từ VN, thì an ninh quốc phòng của VN thật sự bị đặt trong tình trạng nguy hiểm!
Thế nhưng, nhà cầm quyền VN, suốt trong thời gian giàn khoan Trung Cộng xâm phạm lãnh hải VN, đã tỏ ra thực sự lúng túng, không biết chống đỡ cách nào, ngoại trừ phản đối miệng, phản đối bằng thư, công hàm, cho tàu kiểm ngư lượn vòng xa xa giàn khoan bắt loa phản đối, khuyến khích ngư dân ra khơi giữ vững chủ quyền thay cho nhà nước…
Các quan chức lãnh đạo cho tới tướng tá cao cấp, người này phát biểu mâu thuẫn với người kia, trống đánh xuôi kèn thổi ngược, cho thấy nội bộ đảng và nhà nước cộng sản VN vẫn đang bị chia rẽ sâu sắc trong mối quan hệ với Trung Cộng và phương hướng giải quyết. Khi thấy sự bất bình, phẫn nộ trong dân chúng có vẻ tăng lên thì họ lại lên tiếng mỵ dân vài câu rồi đâu lại vào đó.
Người VN trong nước, ngọai trừ một số bày tỏ sự phẫn nộ, uất hận trên các trang blog, các trang mạng xã hội…số đông còn bận tiếp tục quay cuồng với cơm áo gạo tiền và bao nhiêu mối lo hàng ngày. Bởi có thể làm gì, khi ngay cả biểu tình phản đối Trung Cộng nhà nước cũng không cho phép, và bởi vì “mọi chuyện đã có đảng và nhà nước lo”.
Dân chờ nhà cầm quyền hành động. Trong nỗi tuyệt vọng, dù từ lâu đã mất lòng tin vào quyết tâm chống Tàu của nhà cầm quyền, người dân hết mong chờ cả giàn lãnh đạo thay đổi, tìm cách “thoát Trung”, lại hy vọng có một nhân vật cụ thể trong đảng, trong nhà nước cộng sản dám vượt lên trước, gánh vác trách nhiệm với non sông. Chẳng hạn, chỉ cần ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cất lên đôi lời mạnh mẽ, người ta đã vội mừng, vội đặt niềm tin bất chấp những “thành tích” tệ hại của ông Dũng trong việc điều hành, quản lý kinh tế, bất chấp ông Dũng từng nhiều lần nói mà không làm trong quá khứ.
Trong khi đó, cả giàn lãnh đạo cho tới tướng tá nhìn nhau, đùn đẩy nhau rồi cũng…cùng chờ. Chờ các nước khác, nhất là những nước lớn mạnh như Hoa Kỳ, Nhật… có những hành động gây áp lực, hoặc trừng phạt Trung Cộng giúp mình. Thật khôi hài trong việc VN, một mặt luôn tìm mọi cách nhai lại cái quá khứ “thắng” Mỹ, chửi Mỹ, mặt khác lại lên tiếng kêu gọi Hoa Kỳ phải có hành động trước sự hung hăng ngang ngược của Trung Quốc. Có lãnh đạo VN còn hàm ý trách cả…EU, như bà Tôn Nữ Thị Ninh, cựu Đại sứ Việt Nam tại EU và Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, phát biểu trong bài trả lời phỏng vấn một phóng viên của Đức: “EU vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của VN và một số nước khác trong khu vực Đông Nam Á…Tôi cho rằng, giờ là lúc châu Âu tăng cường hiện diện ở đây để hỗ trợ cho việc thực thi một trật tự thế giới đa cực“.
Đây là lời bình trên trang Ba Sàm: “Bà Ninh lại kêu gọi “bọn đế quốc” can thiệp vào “chuyện nội bộ của gia đình”? Chẳng phải bà đã từng phát biểu tại buổi họp báo tại ở Mỹ hồi năm 2004, rằng: “Trong gia đình chúng tôi có những đứa con, cháu hỗn láo, bướng bỉnh thì để chúng tôi đóng cửa lại trừng trị chúng nó, dĩ nhiên là trừng trị theo cách của chúng tôi. Các anh hàng xóm đừng có mà gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng của gia đình chúng tôi”? Mời xem lại: NHỮNG ĐỨA CON HƯ CỦA TÔN NỮ THỊ NINH (LTHQ).”.
Tiếp đến là chờ Bắc Kinh động lòng suy nghĩ lại tình hữu nghị đôi bên. Một số quan chức vẫn gọi Trung Quốc là “bạn”, bản thông cáo của Quốc hội VN vẫn kêu gọi “giữ vững quan hệ hữu nghị giữa hai nước”…
Cuối cùng là chờ… đến tháng Tám khi Tàu Cộng tự động rút giàn khoan đi theo như kế hoạch từ đầu của chúng. Nhưng bây giờ khi giàn khoan thứ nhất chưa rút đi mà các giàn khoan khác lại xuất hiện, thì họ vẫn chưa có hành động gì khác!
…và trạng thái “bị lờn thuốc”
Điều nguy hiểm hơn, về phía dân chúng, sau những phẫn nộ ban đầu khi được biết giàn khoan Trung Cộng kéo vào vùng biển thuộc lãnh hải của VN, tâm trạng chung của số đông dường như đã xìu xuống, nhường chỗ cho sự chán nản, tuyệt vọng, thờ ơ. Bây giờ ngay cả khi nghe tin có 4 giàn khoan, tin Trung Cộng tiếp tục hoành hành trên biển, đang xây đảo nhân tạo trở thành căn cứ quân sự…người dân cũng không phản ứng.
Chuyện vận mệnh của nước mình mà dân mình còn thờ ơ như vậy, trách gì thế giới? Rõ ràng so với mấy hôm đầu báo chí các nước đều lên tiếng về việc Trung Quốc xâm phạm lãnh hải nước láng giềng, dư luận đa số nghiêng về phía VN, nếu lúc đó VN lên tiếng mạnh mẽ hơn, thậm chí kịp thời kiện Trung Cộng ra tòa án quôc tế chứ không chỉ dọa kiện thì có lẽ nhiều nước sẽ ủng hộ. Còn bây giờ, mỗi ngày trên thế giới có bao nhiêu chuyện nóng xảy ra, người ta lại quên chuyện Việt Nam và Trung Quốc.
Nếu so sánh giữa VN và Philippines, hai quốc gia đang cùng chung một hoàn cảnh bị Trung Cộng đe dọa về chủ quyền, người ta có thể thấy rất rõ Philippines thật tâm, quyết liệt chống Trung Quốc.
Người dân Philippines được tự do biểu tình phản đối Trung Cộng, từ người đứng đầu chính phủ là Tổng thống cho đến các nhân vật lãnh đạo cao cấp, người phát ngôn Bộ ngoại giao…luôn luôn có những tuyên bố kịp thời và mạnh mẽ trước mọi động thái của Trung Quốc. Chính phủ Philippines quyết chí kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, nỗ lực nâng cấp mối quan hệ đồng minh với Mỹ, mở toang các căn cứ cho Mỹ, toàn lực chống Trung Quốc.
Trong khi đó, nhà cầm quyền VN chỉ chống Trung Quốc một cách cầm chừng, nửa vời. Người yêu nước biểu tình phản đối Trung Cộng bị đàn áp, còn những người bị bắt giữ trước đây với cùng lý do vẫn chưa được thả ra. Bốn nhân vật có vị trí cao nhất trong bộ máy lãnh đạo là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, lặn mất tăm hoặc chỉ có những phát biểu rất chậm, khi giàn khoan và lực lượng tàu bảo vệ đã vào trong vùng lãnh hải VN, đâm va, gây hư hỏng tàu chấp pháp và tàu cá của ngư dân Việt một thời gian. Nói mạnh hơn, dù vẫn chưa đủ là ông Thủ tướng, thì cũng chỉ nói rồi để đó.
Cả đám lãnh đạo, tướng tá cao cấp trốn trong nhà mặc đội tàu của lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư phải gồng lên chịu đựng những cú va chạm, đâm húc từ phía tàu Trung Quốc đông, to và mạnh hơn hẳn, và ngư dân thì bị đẩy ra làm những “lá chắn sống” bằng những mỹ từ đẹp đẽ “ngư dân kiên trì bám biển, giữ vững chủ quyền”.
Quốc hội họp trong lúc tình hình như dầu sôi lửa bỏng nhưng cuối cùng vẫn không ra nghị quyết về biển Đông. Rồi VN dậm dọa sẽ kiện Trung Quốc nhưng chưa biết bao giờ kiện, còn Trung Quốc thì đã nhanh tay kiện trước. Trung Quốc đã và đang hoàn tất những căn cứ quân sự khủng trên các quần đảo Trường Sa Hoàng Sa, nhưng VN vẫn không dám cho Hoa Kỳ chính thức thuê cảng Cam Ranh, ngược lại, lại “ưu tiên cho Nga sử dụng vịnh Cam Ranh” và chỉ làm những động tác an dân kiểu như cho “Tàu vận tải của hải quân Mỹ vào vịnh Nha Trang“ (Tuổi Trẻ).
Xâu chuỗi lại tất cả quá trình đối phó với Trung Quốc của nhà cầm quyền VN để thấy rằng họ có thực tâm chống Trung Quốc hay không.
Mặt khác, nếu chú ý vào mọi chính sách cho tới cách hành xử của Trung Cộng, chúng ta sẽ thấy rằng Bắc Kinh rất nhất quán với tham vọng trước sau như một về việc độc chiếm biển Đông, làm bá chủ khu vực. Và để thực hiện điều đó, Trung Quốc có chiến lược hẳn hoi, tiến hành từng bước, từng bước cho đến khi hoàn tất.
Hành xử như một kẻ cướp, nhưng Bắc Kinh đồng thời tỏ ra rất am hiểu tâm lý con người. Đó là mọi thứ đều có thể trở thành quen, giống như hiện tượng bị lờn thuốc. Cứ dấn tới, đo lường phản ứng của “đối phương” và của thế giới như thế nào, nếu bị phản ứng mạnh thì sẽ tạm lùi lại chờ thời, còn nếu không thì lại dấn tới, lần sau mạnh hơn lần trước, nhưng đến lần hai, lần ba, lần thứ n… thì kẻ bị tấn công đã trở nên quen, và cam chịu, các nước khác cũng quen. Thế là Bắc Kinh thắng.
Với nhà cầm quyền VN, họ đã quen với nỗi nhục bị Bắc Kinh chơi đểu, lấn lướt, khinh thường, họ cũng quen luôn với việc bị người dân coi như một tập đoàn bán nước, nhưng không lẽ với hơn 90 triệu người VN, viễn cảnh mất nước rồi cũng sẽ trở thành quen và chấp nhận?
No comments:
Post a Comment