Sunday, February 2, 2014

Mồng 3 Tết Thầy!

Thành phố của những ngã ba sông


Từ bỏ quê cha đất tổ, tìm một chỗ an cư nơi phố thị không hề là quá trình dễ dàng đối với người nhập cư. Và không phải ai cũng có thể tìm được chốn nương thân ở nơi phồn hoa đô thị. Nhưng thực tế tại Sài Gòn – TP.HCM, thời nào cũng vậy, vẫn luôn là nơi dung chứa nhiều tầng lớp người nhập cư từ giàu đến nghèo. Ngoài những thế mạnh về tiềm năng kinh tế còn có đặc điểm nữa về nhân văn, tình người.
Liệu rồi những ngã ba sông như thế này có trở thành phố thị.
Sài Gòn hình thành cách đây hơn 300 năm. Có người nói Sài Gòn là thành phố của những ngã ba sông. Đó là ngã ba nào?
Sông Sài Gòn gặp Thị Nghè là một ngã ba. Ít người nhớ sông Thị Nghè có hai cầu cùng tên gọi Thị Nghè là cầu Thị Nghè cũ và cầu Thị Nghè mới (Ba Son). Từ cầu Thị Nghè ngược sông đi lên ta gặp cầu Sắt, cầu Bông, cầu Kiệu và cuối cùng là cầu Công Lý. Tới đó là hết sông Thị Nghè. Ông cha ta đã đào thêm đoạn kênh Nhiêu Lộc ngày nay tạo thành hệ thống kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè dài hơn 13km chảy qua nhiều quận.
Có một ngã ba khác là ngã ba sông Sài Gòn – rạch Tàu Hủ. Nếu kể như vậy thì thành phố còn nhiều ngã ba sông. Đường Nguyễn Huệ xa xưa cũng là một nhánh sông.
Thành phố ta được bao bọc bởi hệ thống kênh rạch chằng chịt. Nhưng người dân thành phố không kiếm sống từ dòng sông bằng cách khai thác nước tưới nông nghiệp, thuỷ sản như ở dưới đồng bằng.
Với Sài Gòn, sông rạch có chức năng chính là giao thông, trước hết là giao thông.
Sông ở Sài Gòn – TP.HCM gần biển, có ảnh hưởng của thuỷ triều nhưng bốn mùa bình yên. Nó không giống như ở thượng nguồn, có mùa nước quá cạn lại có mùa nước chảy dữ dội.
Sự hình thành của Sài Gòn – TP.HCM gắn với hình ảnh “trên bến dưới thuyền”. Những năm có loạn lạc xa xưa trong lịch sử, người dân chạy khỏi vùng loạn lạc. Họ lên thuyền và đi dọc các dòng sông. Họ bám lấy dòng sông, họ cập vào các bến sông nhưng vẫn sống trên thuyền. Họ sống một cuộc sống ở đô thị nhưng không kết nối với hạ tầng của đô thị và đó là nguyên nhân hình thành “khu nhà ổ chuột” ven kênh.
TP.HCM đã có chủ trương trả lại dòng sông cho thiên nhiên, cho cuộc sống. Sau thành công bước đầu ở kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, rạch Tàu Hủ – Bến Nghé ta bắt đầu thấy lại được hình ảnh không gian của một đô thị có hệ thống sông rạch.
Ta thấy rõ trên đường Võ Văn Kiệt, ven kênh Tài Hũ – Bến Nghé, trên Nhiêu Lộc – Thị Nghè, đoạn từ Ba Son đến cầu Công Lý, nước đã bắt đầu xanh lại, cá bắt đầu sống được.
Các con kênh, dòng sông khác cũng có những chương trình làm cho các dòng sông tái sinh lại.
Trở về “trên bến dưới thuyền”
Có người nói ở đâu có sông thì ở đó có thuyền. Ở đâu có thuyền thì ở đó có bến. Ba cái này là kết hợp hữu cơ.
Vận chuyển đường sông vẫn còn quan trọng.
Ta cứ quan sát kênh Nhiêu Lộc ngày nay thì thấy rõ mối quan hệ này. Kênh Nhiêu Lộc không còn thuyền, không còn lối đi cho thuyền. Thì cũng đâu còn cần đến bến. Có thể khi làm quy hoạch ban đầu, ta chưa nghĩ đến điều này nên đã cho làm hệ thống cầu bắc ngang. Nay phải suy nghĩ lại. Tôi nhìn hình ảnh dòng sông không có con thuyền cứ thấy như một dòng sông chết. Ta không cần thuyền chở lương thực thực phẩm như ngày xưa mà thuyền bây giờ để du lịch, để đưa vào đời sống văn hoá. Tại sao ta không nghĩ đến tuyến giao thông 12km có nhiều lợi thế so với một tuyến metro tương tự?
Trên bờ kênh, bờ sông ta cần nghiên cứu về không gian cảnh quan tạo nét riêng cho kênh rạch chứ không phải chỉ là cỏ và cây là xong. Cần một nghiên cứu về không gian đô thị sông rạch để tạo cho người dân khoảng xanh trong lành.
Với hệ thống sông rạch đan xen trong đô thị thì ta nên phát huy hệ thống giao thông công cộng, giảm bớt lưu lượng giao thông cơ giới, vừa giải quyết nhu cầu giao thông vừa có điều kiện đào sâu, tăng lượng chứa nước, giảm ngập.
Trong không gian đô thị, khi ta mở ra các không gian riêng lẻ hướng về dòng sông hoặc có dòng sông làm cảnh quan thì luôn tạo ra giá trị cao. Bằng chứng là trước khi ta cải tạo Nhiêu Lộc, Thị Nghè, nhà ở các khu vực này không có giá cao hơn khu vực khác. Nay thì trên hai tuyến đường Hoàng Sa – Trường Sa ven kênh, giá cao hơn hẳn các khu vực khác tương đương về vị trí. Ta cũng đã bỏ qua một cơ hội là khi tiến hành cải tạo đô thị, vẫn còn để quá nhiều nhà phố đơn lẻ. Nếu ta có thiết kế đô thị hình thành được như khu chung cư cao cấp thì sẽ có giá trị cao hơn.
Với 930ha khu trung tâm hiện hữu, nếu triển khai theo đúng quy hoạch ta sẽ có một đô thị phát triển hợp lý cho tương lai. Một trong những điểm thành công của đồ án là nâng cấp đô thị cũ cho hợp lý để có thể tương tác với đô thị mới là Thủ Thiêm. Tuy nhiên, cũng như Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm nằm ở tầng thấp so với cốt nền chung. Đô thị mới Thủ Thiêm gần như được giữ lại nguyên hệ thống kênh rạch tự nhiên. Quảng trường thành phố đặt ở Thủ Thiêm là một đặc thù song song với quảng trường nước được đơn vị tư vấn cho là hợp lý.
Hiện nay, các ngành du lịch, giao thông vận tải, quy hoạch kiến trúc đang nghiên cứu và bước đầu đã triển khai xây dựng hệ thống giao thông đường thuỷ phục vụ du lịch cho thành phố.
Hy vọng trong tương lai, Sài Gòn – TP.HCM sẽ lại hồi sinh hình ảnh “trên bến dưới thuyền” như một thời đã có.
BÀI: KTS NGUYỄN TRƯỜNG LƯU
 ẢNH: PHAN QUANG
Một cù lao đã được khai thác.


“Đừng quay lưng với những dòng sông”

“Thành phố ta rất giàu quỹ mặt nước”, KTS Nguyễn Văn Tất nói về đặc điểm sông nước của Sài Gòn – TP.HCM và coi đó là một tài nguyên lớn. Cuộc trò chuyện của ông với Kiến trúc & Đời sống đầu xuân 2014 xoay quanh câu chuyện làm sao để có thể sử dụng tốt nhất nguồn tài nguyên này cho sự phát triển, cho đời sống của người dân thành phố.
Sài Gòn – TP.HCM là thành phố có “đặc thù sông nước”. Ông cảm nhận đặc thù đó như thế nào?
Nói đến Sài Gòn sông nước là tôi nghĩ ngay đến… sông nước Sài Gòn. Ở đây không phải là chuyện chơi chữ. Sông nước Sài Gòn là một yếu tố lớn của đô thị Sài Gòn chứ không phải là bản chất của cấu trúc đô thị. Nó có thể cho mình một định hướng chính xác hơn hoặc xây dựng những hình mẫu cho vấn đề phát triển của thành phố.
Tôi còn nhớ, khoảng đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, có lần tôi đi từ nông trường Đỗ Hoà (Duyên Hải – nay là Cần Giờ) về TP.HCM bằng đường sông. Trời tối, lớ ngớ thế nào, đoàn bị lạc. Dù sống ở Sài Gòn – TP.HCM đã lâu, buổi tối đó là lần đầu tiên tôi được tiếp cận thành phố từ sông nước ở hướng Bình Chánh. Tôi không nhận ra hay nói đúng hơn là kinh ngạc giữa mênh mông sông nước của Sài Gòn. Cho đến lúc đó, tôi cũng nghe nói về một Sài Gòn sông nước nhưng vẫn không thể tưởng tượng được sông nước Sài Gòn lại bao la đến thế.
Nhưng rồi thành phố chúng ta cũng có những thời điểm người ta phải kêu trời vì các dòng sông, dòng kênh bị lấn chiếm, bị ô nhiễm?
Đúng như vậy. Vẫn có những thời điểm, người ta có thể hào hứng, điềm nhiên lấp một đoạn sông rạch nào đó cho cái gọi là “phát triển đô thị”.
Sài Gòn có một mạng sông rạch kênh mương chằng chịt, có thể nói là thành phố ta rất giàu về quỹ mặt nước so với nhiều thành phố khác. Nhưng đã có một sự quên lãng về chính sách trong những năm qua. Đây là sự phí phạm rất lớn nguồn tài nguyên lớn lao này. Tôi nghĩ đó là cách ứng xử quay lưng với những dòng sông.
Tôi cho rằng sự trở lại với quỹ mặt nước phong phú này là việc chắc chắn phải xảy ra, chỉ có sớm hay muộn mà thôi. Nhưng nay đã bắt đầu có chuyển động thì rất đáng hoan nghênh.
Đã có một số cụm đô thị nhà ở khai thác cảnh quan sông rạch, những căn hộ “có view sông” được đưa vào quảng cáo. Ông có nghĩ điều đó là khai thác tốt lợi thế kênh rạch?
Ta đã có một số cụm đô thị mới tiếp cận với sông nước nhưng theo chủ quan tôi nhận xét, đó vẫn chỉ là dùng sông nước như cảnh quan điểm xuyết cho kiến trúc. Với tôi, ứng xử như vậy, với một chút cải thiện, cũng vẫn là một cách quay lưng với dòng sông.
Khác với các đô thị như Venise, Rosterdam hoặc như một vài đô thị khác của vùng Cà Mau có yếu tố sông nước bao trùm, Sài Gòn – TP.HCM là sự giao thoa giữa sông nước và hệ thống giao thông bộ bình thường. Với một đô thị sông nước thì giao thông thuỷ là giao thông chính tắc, là cực kỳ quan trọng. Với đô thị bình thường thì giao thông bộ là chính. Sài Gòn có giao thoa trên bến dưới thuyền, là đầu mối lớn cả về giao thông thuỷ và giao thông bộ. Ngoài sông Sài Gòn, sông Đồng Nai còn có hệ thống sông Thị Nghè, rạch Bến Nghé, rạch Ông… Giai đoạn đầu của phát triển Sài Gòn, bến Bình Đông, rạch Bến Nghé là trục thương mại cực kỳ nhộn nhịp. Nó để lại cho ta một di sản kiến trúc thực sự lớn ở vệt này. Các trung tâm đô thị hình thành ở thời kỳ tiếp sau có thể kể Chợ Lớn, khu Thủ Đức… và hiện nay có thêm Thủ Thiêm. Sự phát triển này dựa trên giao thông đường bộ. Nếu ta xem đó là quy luật để quên đi giao thông thuỷ thì là một sai lầm. Giao thông thuỷ ngày nay rất phát triền. Xa thì có Pháp, Bỉ, Hà Lan, gần thì có Bangkok, họ kết nối giao thông thuỷ và giao thông bộ rất tốt.
Bản quy hoạch khu trung tâm hiện hữu TP.HCM vốn bắt đầu từ đồ án được giải của Nikken Sekkei đã được ban hành. Đồ án này được chọn với nhận xét từ hội đồng tuyển chọn là “Nhấn mạnh cảnh quan kết nối đô thị hai bên bờ sông để làm nổi bật đặc điểm đô thị đặc thù sông nước của Sài Gòn – TP.HCM”… Ông muốn chia sẻ thêm điều gì khi quá trình triển khai thực tế đã được bắt đầu.
Có thể đồ án của Nikken Sekkei đã giải quyết được về nguyên tắc khai thác mặt nước kết hợp với bờ sông. Giả sử có một sân khấu nước ở vị trí tiếp cận được bằng đường thuỷ thì sẽ có ấn tượng đẹp về không gian chuyên dụng của công trình.
Có được đồ án quy hoạch với không gian đô thị giàu bản sắc Sài Gòn, theo tôi, cần đặt giao thông thuỷ về đúng tầm vóc của nó. Đó là sứ mệnh chung của cả thành phố này.
Cái đầu tiên cần làm và phải làm được là kết nối giao thông thuỷ – bộ. Ở đây không chỉ là kết nối lý tính thông thường theo kiểu có thuyền thì có bến mà phải là kết nối công năng được tổ chức bài bản, đòi hỏi phải có sự tiếp nhận từ bến đến các phương tiện khác của hệ thống giao thông bộ.
Giao thông thuỷ trong đô thị hiện nay có yếu tố giao thông – giải trí – du lịch chứ không đơn thuần là vận chuyển hàng hoá. Trong đời sống thực tế, con đường hiệu quả nhất không hẳn là đường thẳng. Có công trình ngay bờ sông nhưng cũng có công trình xa bờ sông. Giao thông thuỷ phải có bến, có điểm đón để đưa du khách tiếp tục hoà nhập vào hệ thống đường bộ. Tôi mới đi Bangkok và tham gia một chuyến du lịch đường thuỷ. Tôi nhận thấy có hơn phân nửa là khách nội địa dùng đường thuỷ như phương tiện giao thông thuần tuý. Ở nơi kẹt xe như Bangkok thì giao thông thuỷ đúng là lý tưởng.
Lâu nay ta đầu tư rất nhiều tiền cho xe bus nhưng tại sao tuyến giao thông thuỷ với nhiều ưu điểm về đầu tư lại chưa được quan tâm khai thác? Rạch Thị Nghè – kênh Nhiêu Lộc là một điểm son về cải thiện môi trường đô thị. Cùng với dòng chảy thông thoáng là hai con đường bên rạch. Nói cách nào đó có vẻ như thừa nhưng nếu giao thông thuỷ được tổ chức tốt thì hai con đường hai bên sẽ là nơi thu gom, phân bổ để phát huy tối đa năng lực hiệu quả của giao thông thuỷ. Tiếc là ta chưa làm được điều này. Nếu như chính sách được khẳng định và ấn định từ sớm có lẽ đã không có hàng loạt cầu qua rạch không có độ tĩnh không, không đảm bảo mỹ quan đô thị như hiện nay.
Ta cần còn đường – dòng sông – kênh rạch được kết nối hoàn chỉnh bởi taxi sông, bus sông với đường trên bộ. Ta vẫn còn tư tưởng ngôi nhà quay ra phố mới là nhà mặt tiền, còn nhà quay ra sông là phần phía sau của căn nhà. Ta quên mất dòng sông là một đại lộ thênh thang mát mẻ. Tại sao nó không phải là mặt tiền?
Có nghĩa là từ chỗ quay lưng với dòng sông, bây giờ ta phải quay mặt hướng ra phía dòng sông?
Chính xác là đừng lãng quên, đừng phí phạm giá trị những dòng sông. Nói thì dễ nhưng làm thì không dễ. Nó đòi hỏi phải chuyển từ trong suy nghĩ, đòi hỏi cả một quá trình.
Tôi nhắc lại sự kiện vừa diễn ra dịp 30.4.2013. Thành phố tổ chức cuộc đua ghe ở cầu Mống. Đường và cầu là khán đài để người dân quan sát sự kiện diễn ra trên mặt sông. Đó là hình ảnh thể nghiệm một quảng trường nước. Dù là một sự kiện nhỏ nhưng cũng đã gặp không ít ý kiến khó khăn. Rất may là sau khi xong mọi chuyện, hình ảnh để lại là ấn tượng tốt.
Lẽ ra với điều kiện tự nhiên của Sài Gòn ta phải làm những cái như vậy nhiều hơn. Có những việc làm mà ta không dễ hình dung ngay ra được.
Hơn 20 năm trước, năm 1990, khi đang làm ở Sài Gòn tourist, tôi có cơ hội góp ý cho phương án đang được cân nhắc lựa chọn cho dự án Phú Mỹ Hưng. Tôi hết sức ấn tượng với một “phạm quy” của công ty Skidmore Owings & Merrill- SOM (Mỹ), đơn vị chủ trì thiết kế Phú Mỹ Hưng. Thay vì chỉ cần vẽ đô thị cho phần sẽ phát triển là 1.600ha thì họ vẽ vượt thêm thành tổng cộng 2.700ha. Dù chỉ là bản vẽ phác nhưng việc vẽ mở rộng thêm cho một vùng với những hoạch định cảnh báo sẽ có liên quan như vậy là cần thiết. Tôi còn nhớ mình đã có ấn tượng đẹp thế nào với bản vẽ tay phác thảo cho một quảng trường nước trung tâm với đường bờ cong ấn tượng. Hơn hai mươi năm sau, cầu Ánh Sao đã hoàn thành ở đó và trở nên một điểm cảnh quan nổi tiếng. Phú Mỹ Hưng đã hình thành giữa vùng sông nước dù thực chất nó không phải là một đô thị sông nước. Quảng trường nước chỗ cây cầu Ánh Sao phải chăng là một giá trị?
Kiến trúc quy hoạch không phải là gạch đá bêtông, là mảng xanh mà giá trị cốt lõi lâu dài là giá trị nhân văn ẩn chứa trong đó.
THỰC HIỆN: HƯNG LONG

ẢNH: THU VÂN

Thăm thần Hoa thưởng cơm Tàu

Như hai địa danh Sài Gòn, Chợ Lớn thường gắn liền nhau, có một thời người Sài Gòn nào chưa thăm thú những địa chỉ thoả mãn cả phần xác và hồn của người Hoa trong khu vực ngày nay là các quận 5, 6, 11 thì chưa được xem là dân Sài Gòn chánh hiệu.
Những ngôi chùa Tàu trên 200 tuổi ở Chợ Lớn.
Cầu phúc tại chùa trăm tuổi
Hãy đến những con đường buôn bán sầm uất nhất của khu phố Tàu tại quận 5 để khám phá những ngôi chùa Tàu trên 200 năm tuổi, được công nhận di tích lịch sử văn hoá quốc gia. Gọi “chùa” nhưng thực ra đó là các đền, miếu được hội quán điều hành. Quận 5 có đến ba nơi thờ bà Thiên Hậu: chùa bà Hải Nam (hội quán Quỳnh Phủ), chùa bà Hà Chương (hội quán Hà Chương), chùa Thiên Hậu (hội quán Tuệ Thành). Chùa Thiên Hậu được nhóm di dân gốc huyện Tuệ Thành, Quảng Đông sang Việt Nam góp vốn góp công xây dựng vào khoảng năm 1760 và được trùng tu nhiều lần. Đây là ngôi chùa được nhiều du khách nước ngoài đến tham quan nhất tại khu vực này. Ngoài ra, còn có chùa Quan Âm (hội quán Ôn Lăng) do một số thương nhân Hoa xây dựng vào năm 1740.
Để cầu buôn may bán đắt, người dân trong khu vực thường đến cúng bái ở chùa Ông Bổn, còn gọi là miếu Nhị Phủ (hội quán Nhị Phủ). Chùa được xây vào khoảng năm 1730, là chùa có lịch sử lâu đời nhất của người Hoa tại TP.HCM. Một ngôi chùa khác là chùa Quan Đế, còn gọi là chùa Ông hay miếu Quan Đế (hội quán Nghĩa An) do người Triều Châu và người Hẹ xây dựng cách đây hơn 200 năm. Nơi đây còn có tên “Vay Phú Miếu”, vì hàng năm vào tết Nguyên đán, chùa chuẩn bị sẵn một số lượng lớn quả quýt, lì xì, lồng đèn… để thiện tín thập phương đến “vay”. Đa số các chùa khu vực này mở cửa từ 6 – 17 giờ hàng ngày.
Nếu thích cảnh chùa có sông nước lãng mạn, có thể ngồi đò ra… giữa sông Vàm Thuật viếng Phù Châu miếu. Nơi đây còn được gọi là miếu Nổi, chùa miểng sành, được người Quảng Đông xây dựng cách nay khoảng 300 năm trên cồn đất nổi giữa dòng sông.
Cơm gà Đông Nguyên.
Một quán cơm của người Hẹ ở quận 11.
An lòng ở phố ăn Tàu
Để được “ăn cơm Tàu” chính gốc, chỉ cần dạo vài vòng ở khu vực quận 5, quận 6 và 11 là đủ no nê. Có một đầu bếp người Hoa nhận xét rằng, nếu để ý kỹ sẽ thấy các món ăn của người Hoa ở quận 5 nhiều dầu mỡ hơn ở quận 6 và quận 11. Bởi lẽ, quận 5 chịu ảnh hưởng nhiều của ẩm thực Hong Kong, còn quận 6 và quận 11 vẫn giữ được nét đặc trưng ẩm thực Hoa nguyên gốc.
Muốn ăn cơm gà không thể bỏ qua quán cơm gà Đông Nguyên nằm ngay góc Nguyễn Trãi – Châu Văn Liêm (quận 5) nổi tiếng hơn 60 năm.
Trong con hẻm nhỏ xíu trên đường Lý Thường Kiệt (quận11) cũng có một tiệm cơm của người Hẹ, luôn nườm nượp khách hơn 60 năm qua, bán từ 11 – 14 giờ và 17 – 20 giờ mỗi ngày. Quán có hơn 60 món ăn Hẹ như gà xối mỡ, giò heo phá lấu, trứng ba màu, sườn xào tàu xì, canh sắn dây, khoai môn hấp thịt quay, bắp bò tiềm thuốc bắc… có hương thanh, vị nhạt, dễ hợp khẩu. Quán ăn Triều Châu trên đường Hồng Bàng (quận 6) thì nổi tiếng nhiều năm với các món cải chua ruột heo nguyên gốc Triều Châu ăn kèm cơm và cháo.
Ngoài cơm, hủ tíu của người Hoa cũng nổi tiếng không kém. Đặc biệt sợi mì trong tô hủ tíu vàng mướt, vừa dai vừa giòn. Được coi là một trong những tiệm có thâm niên trong nghề (trên 50 năm) là tiệm Hồng Phát trên đường Tháp Mười, đối diện chợ Bình Tây (quận 6). Hồng Phát trước đây là tiệm nước có bán thêm điểm tâm, bây giờ bán điểm tâm là chủ yếu, từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa.
Nhắc đến hủ tíu không thể bỏ qua món sủi cảo, để thưởng thức có thể ghé đường Hà Tôn Quyền (quận 11) với một dãy quán luôn nhộn nhịp. Sủi cảo ở đây được làm bằng lá hoành thánh, gói thịt băm và tôm nguyên con, đặc trưng ẩm thực Quảng Đông. Còn một loại sủi cảo khác thanh đạm hơn là sủi cảo Sơn Đông, đặc trưng vùng phương bắc Trung Quốc, có thể ăn thử tại quán Đại Nương trên đường Châu Văn Liêm (quận 5)… Ngoài sủi cảo, quán còn một số món Sơn Đông nguyên gốc như dưa chua, phổ tai phá lấu, đậu hũ phá lấu, canh cà chua trứng, canh chua cay… Cũng trên góc đường này là quán lẩu Dân Ích, tuổi trên 20 năm, vẫn còn xài nồi lẩu cù lao, nấu bằng than.
MINH CÚC - ẢNH: TRẦN VIỆT ĐỨC

No comments:

Post a Comment