Monday, February 10, 2014

Còn một chút gì để nhớ

Pleiku cũng là một nơi có nhiều kỷ niệm của mình từ thời trẻ đi công tác. Những buổi tối cùng các bạn lang thang dạo đàn, hát hò giữa con phố vắng, hoặc sà vào một quán cafe nhấm nháp và gặm bắp nướng. Một thời sống trẻ trung, tự nhiên, hồn nhiên và rất đẹp. Đẹp và nhớ đến nao lòng…
Cảm ơn anh Đào Dục Tú.
 “Còn một chút gì để nhớ” là tên một bài thơ của Vũ Hữu Định,một người đời thơ ngắn ngủi dở dang ở tuổi ” tứ thập”  tưởng không còn phải nghi hoặc điều gì.Bạn bè thân hữu vẽ chân dung ạnh bằng nét bút phóng túng. Ấy là “người tài hoa lang bạt và có đời sống rất thơ”. Chân dung thơ anh lộ diện rõ nhất qua bài  viết về phố núi Pleiku nghèo buồn,đẹp hoang vắng hiu hắt thời thập kỷ sáu mươi xa lắc xa lơ thế kỷ trước
Thị xã Pleiku trước năm 1975. Nguồn: Trên mạng
          Phố núi cao nguyên  sương khói lãng đãng mơ hồ:
                             Phố núi cao phố núi đầy sương
                             Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
                             Anh khách lạ đi lên đi xuống
                             May mà có em đời còn dễ thương
Tự nhiên liên tưởng đến câu thơ “khach xa gặp lúc mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử.Dù rằng chỉ là khach xa chỉ là khach lạ,nhưng một khi hồn thơ đã không còn xanh sượng,đã  ” chín” với đời thì phố núi hiện ra thân thương như một hoài niệm đẹp :
                             Phố núi cao phố núi trời gần
                             Phố xá không xa nên phố tình thân
                             Đi dăm phút đã về chốn cũ
                             Một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng
Trong ” Mùa xuân chín”, Hàn Mặc Tử găm vào ký ức văn chương nhiều thế hệ độc giả một bóng giai nhân hư ảo nơi quê nhà:
                             Khach xa gặp lúc mùa xuân chín
                             Lòng trí bâng khuâng chợt nhớ làng
                             Chị ấy năm nay còn gánh thóc
                             Dọc bờ sông trắng nắng chang chang
Còn Vũ Hữu Định,anh vẽ giai nhân phố núi bằng nét bút hiện thực tinh tế;
                             Em Pleiku má đỏ môi hồng
                             Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
                             Nên mắt em ướt và tóc em ướt
                             Da em mềm như mây chiều trong
Nguồn: Trên mạng
“Thi trung hữu … nhạc” ,lời thơ trở thành ca từ của một bản tình ca Ngô Thụy Miên  nổi tiếng   với lớp người ” cùng một lứa bên trời lận đận” thời đất nước phân ly chinh chiến .Thơ của tác giả không mới về hình thức,không “phá cách vứt điệu luật” cũng chẳng ấn tượng tân kỳ như thơ các nhóm tiền phong , sáng tạo,hiện đại thời danh Sài Gòn trước 1975.Thế nhưng với điệu thơ nhịp đôi,nhịp ba,nhịp bốn đan xen nhau như tiếng ru trầm, lời thơ giản dị, có chỗ ” ảo hóa bất chợt”, ví như ” da em mềm như mây chiều trong” ấn tượng. . .  khiến bài thơ “Còn một chút gì để nhớ” lặng lẽ đi vào ký ức độc giả.
 Để mấy mươi năm sau,có ai thời ấy bây giờ tuổi ngoại thất tuần “xưa hiếm nay không hiếm” còn tìm được cho mình một phố núi nào đó trên vùng đất kiêu hãnh là nóc nhà của đất nước. Biết đâu sẽ có duyên may nhìn đời bằng đôi mắt thơ, “đôi mắt xanh non” hơn (Hãy nhìn đời bằng đôi mắt xanh non-Xuân Diệu).Để rồi “Mai xa lắc bên đồi biên giới-Còn một chút gì để nhớ để quên”.Thơ như lời nói thầm: Đời  đáng yêu, dù chỉ còn một chút gì để quên, để nhớ  . . . .

No comments:

Post a Comment