Nghệ sĩ Hùng Cường.

>> Đón đọc ấn phẩm Lao Động & đời sống số 18

Ông cũng là nam nghệ sĩ được cho là có nhiều vợ và bồ nhất ở Sài Gòn. Vậy mà khi chết đi, ông nằm trong ngôi mộ nhỏ ven con đường làng ở Bến Tre.

Làm sôi động sân khấu cải lương

Cho tới ngày nay, chưa có ai làm được chuyện “kinh thiên động địa” trên sân khấu cải lương như Hùng Cường. Đó là vào năm 1959, một nghệ sĩ chưa từng được biết trong giới cải lương, chưa từng đảm nhận bất cứ vai phụ nào, bỗng bất ngờ xuất hiện trong vai chính và thành công vang dội.

 Đó là điều không thể hiểu nổi, bởi một người theo nghề cải lương phải mất ít nhất 2-3 năm làm “giàn bao” mới lên được vai phụ, rồi cũng mất chừng ấy thời gian mới lên được vai chính nếu thực sự có tài và khổ luyện. Người làm chuyện “động trời” ấy là ca sĩ tân nhạc Hùng Cường.

Trước đó, dù là ca sĩ tân nhạc nổi tiếng, nhưng Hùng Cường rất yêu thích cải lương, nên bỏ công sức nghiên cứu, học hỏi. Với một nền móng nhạc lý vững vàng, cộng với chất giọng đã được trui rèn và sự kiên trì, cố gắng khổ luyện, ông đã mạnh dạn bước lên sân khấu cải lương và khẳng định ngay tên tuổi của mình.

Đoàn cải lương Ngọc Kiều như đánh cược với chén cơm manh áo của mấy chục con người khi chấp nhận cho ca sĩ tân nhạc Hùng Cường chưa hề hát cải lương đóng vai chính Roméo trong vở mới dựng “Mộng đẹp đêm trăng”. Một giàn diễn viên gạo cội thời đó của đoàn Ngọc Kiều như Ngọc Đáng, Ngọc Giàu, Hoàng Kinh, Thanh Sang, Kim Nguyên, Thanh Kỳ… đã chấp nhận làm “giàn bao” cho Hùng Cường.

Kể từ đó, trên bầu trời cải lương miền Nam xuất hiện một ngôi sao rực sáng, Hùng Cường đã giúp cho tiếng tăm và doanh thu của đoàn Ngọc Kiều cải thiện đáng kể. Với vóc dáng “sáng” sân khấu, chất giọng tenor khỏe, lối diễn xuất vừa tự nhiên vừa tự tin và rất hợp lý, cùng những bài bản cải lương đã được luyện tập kỹ càng, Hùng Cường đã thành công vang dội ngay từ vai diễn đầu.

Tức thì, chủ đoàn Ngọc Kiều ký tiếp hợp đồng với Hùng Cường để hát vai chính trong kịch bản mới “Tuyết phủ chiều đông” sẽ khai trương tại rạp Viễn Trường (Mỹ Tho, Tiền Giang) sau một tháng tập dượt. Hùng Cường đã mướn riêng một nhạc sĩ cổ nhạc đến nhà ông luyện tập ngày đêm. Ngoài ra ông rất nhạy bén, biết được sở đoản, sở trường của mình, nên đã phối hợp với soạn giả cải lương lồng vào kịch bản khá nhiều đoạn tân nhạc, khai thác đúng tài năng của ông.

 “Tuyết phủ chiều đông” của soạn giả Bạch Yến Lan và giọng hát mới toanh Hùng Cường đã tạo nên một sự kiện chấn động “thánh địa cải lương” Mỹ Tho. Rạp Viễn Trường đầy kín từ chỗ ngồi đến chỗ đứng, bên ngoài còn dư khán giả gần nửa rạp.

Tiếp theo, đoàn Ngọc Kiều dựng tiếp vở cải lương “Màu tím đèn hoa giấy”, khai trương từng bừng tại rạp hát Nguyễn Văn Hảo năm 1960, rồi tiếp tục lưu diễn nhiều tỉnh, thị xã lớn ở miền Tây. Hùng Cường đóng vai Kha Phong - một kiếm sĩ Phù Tang điêu luyện, bên cạnh tài danh Ngọc Đáng. ''Ngôi sao'' cải lương Hùng Cường rực sáng từ dạo đó.

Đóng phim, đóng kịch, viết nhạc, làm thơ... 

Hùng Cường tên thật là Trần Kim Cường, sinh năm 1936 tại tỉnh Bến Tre, sau theo gia đình về sinh sống ở Sài Gòn. Ngay từ khi còn là học sinh Trường Trung học Trần Hưng Đạo, ông đã có thể tự sáng tác và biểu diễn những bài hát học sinh trong các lần hội diễn của trường. Sau khi học xong “tú tài”, ông chính thức theo nghiệp ca hát tại các vũ trường Kim Sơn, Baccara...

Ngay từ những năm 1954-1955, Hùng Cường đã nổi tiếng với các nhạc phẩm “tiền chiến” như: Ông lái đò, Vọng ngày xanh, Sơn nữ ca, Đường xưa lối cũ… Tất cả đều được thu đĩa và đạt số bán kỷ lục ở Sài Gòn bấy giờ.

Sau khi bước sang cải lương và thành công vang dội, Hùng Cường vẫn tiếp tục gắn bó với sân khấu ca nhạc và lại làm người hâm mộ quay cuồng theo ông với một thể loại nhạc mới lạ lần đầu tiên xuất hiện ở Sài Gòn – nhạc giật, như cách gọi lúc đó là nhạc “kích động”, một dạng pop-rock đã được Việt Nam hóa. Nhạc “kích động” với giọng ca Hùng Cường chỉ thực sự đạt đỉnh cao khi phối hợp cùng Mai Lệ Huyền - một ca sĩ nữ cũng “quậy” không kém.

Những ca khúc tươi vui và “kích động” như: Hai trái tim vàng, Vì chưa ngỏ ý, Túp lều lý tưởng… đã từng làm sôi động giới trẻ miền Nam cuối thập niên 1960 - đầu 1970.

Sau ca nhạc, cải lương, Hùng Cường tiếp tục “lấn sân” sang điện ảnh. Hàng loạt các phim do Hùng Cường thủ vai chính được người xem chú ý thời bấy giờ như: “Chân trời tím”, “Mãnh lực đồng tiền”, “Còn gì cho nhau”, “Nắng chiều”, “Ly rượu mừng”, “Vết thù trên lưng ngựa hoang”… Lúc mới bước sang điện ảnh, Hùng Cường bị châm chích rất ác ý, chê bai là “cải lương”.

Thế nhưng, sau khi thành công với phim đầu tiên “Chân trời tím”, nhiều hãng phim đã mời Hùng Cường cộng tác và phim nào có tên ông cũng ăn khách. Hãng phim Kim Thân đã trả thù lao khá cao để mời Hùng Cường và Mai Lệ Huyền đóng cặp trong phim “Mãnh lực đồng tiền”.

Theo chân Hùng Cường, nhiều đào kép cải lương khác ở Sài Gòn cũng tham gia đóng phim, mà nổi hơn cả là Thanh Nga và Mộng Tuyền. Lúc đầu, các nữ tài tử điện ảnh rất ngại đóng cặp với kép hát cải lương, trong đó có Hùng Cường. Theo báo chí thời ấy, công ty phim truyện Liên Ảnh trước khi mời Kim Vui đã có ngỏ ý mời Thẩm Thúy Hằng đóng cặp với Hùng Cường, nhưng Thẩm Thúy Hằng từ chối, có lẽ do “định kiến” ấy.

Nhưng sau đó “người đẹp Bình Dương” Thẩm Thúy Hằng mới tiếc rẻ, khi thấy Kim Vui nổi bật bên Hùng Cường trong phim “Chân trời tím” và phim vừa thành công về tài chính vừa đoạt Giải văn học nghệ thuật Sài Gòn năm 1971, lại vinh dự là lần đầu tiên một cuốn phim Việt Nam phụ đề Pháp ngữ được gửi đi trình chiếu tại Ðại hội điện ảnh tổ chức ở Dianard, Anh Quốc.

Vào những năm 1960, khi cải lương đang chiếm lĩnh Sài Gòn, một nhóm “kịch sĩ” đứng đầu là Vân Hùng, La Thoại Tân, Hùng Cường hợp cùng kỳ nữ Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng và ca sĩ Túy Hồng tạo nên một “đặc chủng” nghệ thuật mới mang tên “Kịch nghệ Sài Gòn”. Kịch Sài Gòn ra đời muộn, không ồn ào, không thu hút ngay được nhiều khán giả tới rạp, nhưng dần dần cũng tạo được chỗ đứng.

Ngoài kỳ nữ Kim Cương vốn là con nhà nòi về kịch nói, số còn lại đều từ điện ảnh, ca nhạc sang. Có thể nói, chính những cái tên như Thẩm Thúy Hằng, Hùng Cường đã lôi kéo một lượng khán giả không nhỏ, giúp sân khấu kịch Sài Gòn có chỗ đứng và phát triển dần. 

Võ sĩ ngoài đời và trên sàn diễn

Trong giới tài tử điện ảnh ở Sài Gòn trước năm 1975, có 2 người được cho là giỏi võ nhất, đó là Lý Huỳnh và Hùng Cường. Lý Huỳnh vừa đóng phim vừa mở võ đường Thái cực đạo, nên được phong là “võ sư”.

Hùng Cường mê đánh quyền Anh từ thời học sinh, sau này ông vẫn tiếp tục tập quyền Anh như là môn võ thể dục giúp rèn luyện sức khỏe. Lúc ấy, phong trào tập luyện quyền Anh ở Sài Gòn rất yếu, số người giỏi chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, trong đó có Hùng Cường.

Năm 1970, khi hàng trăm ngàn bà con Việt kiều bỏ nhà cửa, đất đai, tài sản ở Campuchia về Việt Nam lánh nạn và sinh sống, mở lò dạy quyền Anh thì phong trào mới phát triển trở lại. Sau đó, người ta tổ chức thi đấu môn quyền Anh, Hùng Cường cũng đăng ký “thượng đài”, nhưng vào phút cuối đã bỏ cuộc vì bận theo đoàn hát đi lưu diễn xa. Chuyện này được Hùng Cường thể hiện lại trong nội dung một vở cải lương sau đó.

Hùng Cường còn thọ giáo môn võ Bình Định của một thầy dạy võ nổi tiếng ở Quy Nhơn trong một lần đi diễn ở đây. Khi về Sài Gòn, Hùng Cường rước hẳn thầy dạy võ vào Sài Gòn dạy cho mình cả năm trời. Với năng khiếu bẩm sinh, Hùng Cường đã nhanh chóng thăng đến hạng “đai đen”.

Nhờ tập luyện nhiều môn võ đông tây, kim cổ mà Hùng Cường rất giỏi võ và có sức khỏe hơn người. Khi đóng phim hay diễn trên sân khấu, ông thường ra đòn giống như thật, nếu người bạn diễn cũng giỏi võ, họ sẽ cống hiến cho người xem những màn biểu diễn võ thuật đẹp mắt. Nhờ giỏi võ mà khi đóng phim ở những trường đoạn đánh nhau hoặc cảnh đóng nguy hiểm, Hùng Cường thường tự đóng chứ không nhờ người đóng thế, đó cũng là một lợi thế của Hùng Cường so với những nghệ sĩ đóng phim khác.
Một nghệ sĩ chưa từng được biết trong giới cải lương, chưa từng đảm nhận bất cứ vai phụ nào, bỗng bất ngờ xuất hiện trên sân khấu cải lương trong vai chính và thành công vang dội. Người làm chuyện “động trời” ấy là ca sĩ tân nhạc Hùng Cường.

Chuyện tình Hùng Cường - Bạch Tuyết
Một tờ báo ở Sài Gòn khai thác chuyện “tay ba” Tam Lang - Bạch Tuyết - Hùng Cường.

Các tuyển thủ miền Nam đã vượt qua các đội Thái Lan, Nhật Bản, Hồng Kông, Miến Điện... để bước lên ngôi vô địch. Chiếc cúp Merdeka 1966 gắn liền với tên tuổi của thủ quân đội tuyển miền Nam là Phạm Huỳnh Tam Lang. Ít người biết rằng, chiếc cúp danh giá này còn có dấu ấn của đôi “sóng thần” cải lương thời bấy giờ là Hùng Cường - Bạch Tuyết.

Xem cải lương trước khi đi dự giải đấu lớn

Giải Merdeka năm 1966 được đánh dấu lần tổ chức thứ 10 liên tục, với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ sừng sỏ về bộ môn bóng tròn là: Đại Hàn (Hàn Quốc ngày nay), Nhật Bản, Miến Điện (Myanmar), Kuwait, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Nam Việt Nam và nước chủ nhà Malaysia. Một món quà bất ngờ đến với đội tuyển trước khi đi Malaysia 3 ngày.

Sau buổi tập sáng, đích thân ''ngôi sao'' cải lương Hùng Cường và bầu Xuân (đoàn Dạ Lý Hương) đến mời toàn đội tới chiêu đãi 1 suất hát tại rạp Quốc Thanh. Nếu chuyện này diễn ra vào năm 2013, ắt hẳn là khá buồn cười nhưng vào thời điểm năm 1966, khi mà cải lương đang thời vàng son, còn các cầu thủ bóng đá chưa cao giá thì lời mời trên là rất vinh dự.

Sở dĩ có cuộc “chiêu đãi” suất hát cải lương này là do Hùng Cường rất mê bóng đá, ông đã bàn với bầu Xuân tổ chức buổi “chiêu đãi”, vừa để quảng bá cho đoàn hát Dạ Lý Hương. Trước giờ kéo màn, bầu Xuân nói vài lời phi lộ và chúc đội tuyển lên đường thi đấu thành công. Các cầu thủ được mời lên sân khấu chào khán giả và để đoàn hát tặng hoa. Cô đào hát nổi tiếng Bạch Tuyết bước đến trước thủ quân Phạm Huỳnh Tam Lang trao bó hoa tươi thắm.

Sau này Tam Lang đã có lần thừa nhận là ngay ở lần chạm mặt đầu tiên ấy, “cải lương chi bảo” Bạch Tuyết đã hớp hồn chàng cầu thủ tài hoa từng được gọi vào đội tuyển bóng đá Châu Á. Không biết “cải lương chi bảo” Bạch Tuyết gửi gắm gì trong bó hoa, mà tại Kuala Lumpur sau đó mấy ngày Tam Lang đá như “lên đồng”. Tam Lang đóng vai trò quan trọng đưa đội tuyển miền Nam đoạt ngôi vô địch tại “chảo lửa” Kuala Lumpur.

Chuyện tình Tam Lang - Bạch Tuyết

Lần gặp nhau đầu tiên vào tháng 8 năm 1966 khi Bạch Tuyết tặng hoa cho thủ quân Tam Lang, giữa họ đã nổ ra tiếng sét ái tình. Thủ quân Tam Lang chợt thấy lòng lâng lâng, giúp anh thanh thoát đôi chân trong những trận cầu căng thẳng sau đó ở Malaysia.

Còn Bạch Tuyết, suốt thời gian dài theo gánh hát cải lương thường lênh đênh trên những chiếc ghe biểu diễn khắp vùng sông nước, nên bà luôn cầu trời ban cho mình một tấm chồng trên bờ. Và bà đã được toại nguyện khi gặp Phạm Huỳnh Tam Lang, cầu thủ bóng đá đang rất nổi danh- không chỉ ở Sài Gòn- mà cả Châu Á.

Sau khi đội bóng đoạt ngôi vô địch trở về, Tam Lang thường xuyên đến đoàn Dạ Lý Hương, nhưng không phải để coi hát cải lương, mà là để thăm Bạch Tuyết. Tính tình hiền hòa, cử chỉ ân cần, phong cách lịch lãm của chàng cầu thủ bóng đá lừng danh Châu Á đã nhanh chóng chinh phục trái tim của cô đào cải lương đang nổi như cồn trên đất Sài Gòn. Họ cưới nhau sau đó gần 1 năm. Thời đó, ở Sài Gòn thanh niên nam nữ rất ngưỡng mộ chuyện tình Tam Lang - Bạch Tuyết mà họ cho là “đẹp như huyền thoại”.

Thế nhưng, cuộc tình tưởng như là hoàn hảo của họ chỉ kéo dài được hơn 6 năm. Bạch Tuyết từng có lần tâm sự: “Hai đứa thương nhau, mà như tuồng cải lương vậy đó. Thương nhau mà không có con được nên đành phải xa nhau vì anh Tam Lang là người cực kỳ tốt và có hiếu với gia đình. Sau anh Tam Lang lập gia đình và có một con gái. Hai đứa thương nhau lắm nhưng xa nhau chỉ vì hoàn cảnh thôi. Tụi này vẫn thân quý nhau”.

Bạch Tuyết cũng cho biết, vì bà theo đoàn diễn rày đây mai đó, còn ông Tam Lang cũng thường xuyên đi thi đấu xa nhà, vì vậy mà thời gian họ bên nhau rất ít. Tuy nhiên, đó không phải là lý do chính làm họ xa cách, điều quan trọng là cả hai vợ chồng mong mãi mà chẳng có một mụn con nào.

Bạch Tuyết quan niệm, là phụ nữ mà không sinh được con thì không nên ràng buộc người chồng. Sau đó bà đã lại có chồng và mang thai, sinh được cậu con trai kháu khỉnh. Bố của cháu là tiến sĩ kinh tế ở Pháp về thăm quê, có lẽ đó là duyên tiền định, nhờ đó mà bà có được cuộc sống yên ấm và có điều kiện nâng cao kiến thức sau này. Trong lúc Tam Lang cũng có mái ấm gia đình khác và có được đứa con gái xinh xắn. Âu cũng là duyên số, trời định!

Quả thật, thời đó bất cứ người hâm mộ nào cũng chạnh lòng trước những cảnh diễn, sự quăng bắt ngọt ngào, đằm thắm giữa Hùng Cường - Bạch Tuyết. Thậm chí có báo còn đưa tin giật gân là vì ghen mà Tam Lang xách súng rulô đuổi bắn Hùng Cường.

Cách đây hơn 10 năm, sau thành công của những vai diễn mang tính thể nghiệm trên sân khấu Sài Gòn như Diễn kịch một mình, Hoàng hậu hai vua, Độc thoại đêm…, một ký giả kịch trường đã hỏi vì sao Bạch Tuyết lại chọn cuộc chơi độc diễn này? Câu hỏi khiến Bạch Tuyết thấy nao lòng.

Khán giả vẫn dành tình yêu cho bà cùng các bạn diễn như Tấn Tài, Thanh Sang, Minh Vương, Thanh Tuấn… Nhưng cất giữ một góc trong lòng khán giả và trong chính Bạch Tuyết, không thể bù đắp, không ai thay thế được, đó là nghệ sĩ Hùng Cường.

Thỉnh thoảng Bạch Tuyết vẫn bắt gặp những câu hỏi tò mò của khán giả, đại loại: “Ai cũng mê Hùng Cường. Bạch Tuyết đóng chung với Hùng Cường đẹp và hợp nhau đến vậy, Bạch Tuyết có mê Hùng Cường không?”. Và Bạch Tuyết đã hỏi lại: “Thế mọi người thấy tôi có mê Hùng Cường không?”. Khán giả hồn nhiên bảo: “Mê quá chớ sao không. Nếu không mê thì làm sao ca diễn tình tứ, hòa quyện vào nhau như thế được…”.

Vậy là, khán giả trả lời hộ cho bà. Chỉ có điều, sự tình tứ, độ nồng nàn, sức cuốn hút vào nhau trên sàn diễn chỉ còn lại cái dè chừng, nghi hoặc ở ngoài đời.

Đêm - nhân vật của Hùng Cường và Bạch Tuyết bay bổng cùng nhau. Ngày - hai con người, hai cá thể cứ chực sẵn vẻ lạnh lùng, thách thức cố ý. Bạch Tuyết thổ lộ: “Tôi ẩn náu trong sự kiêu hãnh mà kỳ thực, luôn yếu đuối, trẻ con, khờ khạo trước anh lẫn cuộc đời…”.

Về tin đồn rằng vì quá ghen tuông với những cảnh mùi mẫn trên sân khấu nên Tam Lang xách súng rulô rượt bắn Hùng Cường, Tam Lang đã có lần giải thích: “Đúng là khi còn đá cho đội cảnh sát của chế độ cũ, tôi được gắn lon trung sĩ và được phát khẩu súng ngắn. Ngay sau đó tôi trả súng lại vì thấy nguy hiểm, đồng thời cũng không muốn giữ súng vì đâu có chi cần thiết để giắt kè kè bên người. Do đó không hề có chuyện tôi xách súng rượt kép hát ngay trên sân khấu như đồn đại đâu. Ngay cả cái lon trung sĩ cũng là chuyện chẳng đặng đừng vào thuở ấy. Lương cầu thủ chẳng được là bao, do vậy ông bầu của đội mới gắn cho tôi thêm lon trung sĩ cảnh sát để có thêm vài đồng lương hằng tháng”.

Câu chuyện Hùng Cường - Bạch Tuyết - Tam Lang còn được soạn giả nào đó “cắc cớ” viết hẳn thành bài tân cổ giao duyên rất nổi tiếng có tên “Chuyến xe thơ mộng” được chính Hùng Cường và Bạch Tuyết hát liên tục trên đài phát thanh Sài Gòn đầu thập niên 1970.

Nội dung bài hát: Trên một chuyến xe đò “lục tỉnh” về miền Tây, cô gái tên là Nguyễn Thị Bạch Tuyết mơ màng ngủ khi tỉnh giấc thấy mình ngã vào vai của người bạn đường ngồi bên cạnh có tên là “Trần Trung Dũng tự là Hùng Cường”.

Họ làm quen nhau, đưa nhau qua phà Mỹ Thuận, theo xe về Châu Đốc quê Bạch Tuyết. Trước khi chia tay, chàng trai nói: “Xin phép ghé thăm và tặng cô một món quà”. “Món quà gì vậy anh?”, cô gái hỏi. “Một chiếc xe kết đầy hoa trắng”, chàng trai trả lời. Để rồi Bạch Tuyết hát câu cuối cùng của bài hát: “Cảm ơn anh. Xe hoa em đã nhận rồi, người tặng chính là một cầu thủ vang danh”. Bài hát đã dứt, mà thính giả còn nghe giọng Hùng Cường kêu với theo: “Trời ơi!”.

Đầu năm 1971, sau khi đã quá nổi tiếng với tư cách một cặp diễn hoàn hảo, ăn khách nhất ở Sài Gòn, Hùng Cường cùng Bạch Tuyết tách ra lập đoàn cải lương riêng cho họ mang tên “Đoàn cải lương Hùng Cường - Bạch Tuyết”. Hùng Cường và Bạch Tuyết không có đối thủ cạnh tranh với tư cách đôi nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu. Nhưng trong vai trò quản lý, điều hành một đoàn hát thì họ không bằng nhiều “ông bầu”, “bà bầu” có “nanh vuốt” trên đất Sài Gòn. Chỉ hơn 1 năm sau “liên danh” Hùng Cường - Bạch Tuyết tan rã.