Thursday, December 26, 2013

Những ông quan làm luật...

      

       Phát biểu tại phiên họp chính phủ hôm cuối năm 2013 về tình hình nợ đọng văn bản luật, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu năm 2014 chính phủ phải có chuyển biến thực sự, chứ không thể để tình trạng “làm luật không được, bị phê bình lên xuống thì khổ sở quá”. Trong khi đó, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh than thiếu thời gian cho việc xây dựng luật. “Nhiều khi anh em viết lên thế nào, thì cứ ký thế. Nhiều quá đọc không hết” – Bộ trưởng Vinh cho biết.
  Một trong những nguyên nhân khiến chất lượng làm luật thấp được một bộ trưởng chỉ ra là do “chi phí làm văn bản luật quá thấp, nên khó có thể tổ chức nhiều hội nghị hội thảo để tập hợp ý kiến phản biện rộng rãi của các bộ, ngành và chuyên gia, dẫn đến chất lượng làm luật không tốt”. Đó là chưa kể đến chuyện có một thực tế là từ trước đến nay dường như chưa có ai bị xử lý hay chịu trách nhiệm về việc ban hành những văn bản pháp luật thiếu tính khả thi, xa rời cuộc sống.
  Tuy nhiên có những văn bản luật mà phía soạn thảo đã không tuân thủ đúng trình tự quy định, dẫn đến chuyện “làm luật không được, bị phê bình lên xuống thì khổ sở quá”!
  Có quy định...
  Theo hướng dẫn tại điểm 2.1 Mục I Thông tư số 01/2004/TT-BTP của Bộ Tư pháp, căn cứ pháp lý làm cơ sở ban hành văn bản quy phạm pháp luật là: Văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên đang có hiệu lực tại thời điểm ban hành văn bản đó, bao gồm: (1) Văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên có thẩm quyền quy định về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan ban hành văn bản. (2) Văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên có thẩm quyền quy định về vấn đề thuộc đối tượng, phạm vi điều chỉnh của văn bản. (3) Những văn bản do chính cơ quan ban hành văn bản đã ban hành, đang có hiệu lực pháp luật tại thời điểm ban hành văn bản mới cũng có thể được dùng làm căn cứ pháp lý để ban hành văn bản mới. 
  Như vậy, căn cứ pháp lý để ban hành một văn bản quy phạm pháp luật gồm hai loại cơ bản: căn cứ thẩm quyền và căn cứ nội dung. Mỗi loại căn cứ có thể có một hoặc một số văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực pháp luật.
  Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 135/2003/NĐ-CP, văn bản được ban hành đúng căn cứ pháp lý là văn bản đảm bảo đủ các yêu cầu: Có căn cứ pháp lý cho việc ban hành. Nghĩa là đã có văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước cấp trên quy định về thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan ban hành văn bản và vấn đề thuộc đối tượng, phạm vi điều chỉnh của văn bản, hoặc văn bản do chính cơ quan ban hành văn bản đã ban hành, có hiệu lực pháp lý cao hơn văn bản mới ban hành quy định về vấn đề thuộc đối tượng, phạm vi điều chỉnh của văn bản mới; Những căn cứ pháp lý đó đang có hiệu lực pháp luật vào thời điểm ban hành. Nghĩa là vào thời điểm ban hành văn bản, các văn bản được lấy làm căn cứ pháp lý chưa bị sửa đổi, bãi bỏ, huỷ bỏ, đình chỉ (bị ngưng hiệu lực) hoặc hết hiệu lực; Cơ quan, thủ trưởng đơn vị trình dự thảo văn bản có thẩm quyền trình theo quy định của pháp luật, nghĩa là chỉ những cơ quan, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý nhà nước về từng lĩnh vực cụ thể theo từng cấp quản lý mới có quyền trình dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực đó lên cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản theo cấp phù hợp. 
  ...nhưng lại chưa chịu thuộc bài...
  Từ cách hiểu được quy định như viện dẫn nói trên, cho thấy cần xem xét lại nội dung danh mục cấm sử dụng lao động phụ nữ của Thông tư số 26/2013/TT-BLĐTBXH vừa có hiệu lực thi hành hôm 15-12-2013.
  Bộ luật lao động năm 2012, Điều 160. Công việc không được sử dụng lao động nữ, ghi: “1. Công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh đẻ và nuôi con theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành. 2. Công việc phải ngâm mình thường xuyên dưới nước. 3. Công việc làm thường xuyên dưới hầm mỏ”.
  “Căn cứ Điều 160 Bộ luật lao động ngày 18 tháng 6 năm 2012; Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Theo đề nghị của Cục trưởng Cục An toàn lao động; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư quy định danh mục các công việc không được sử dụng lao động nữ” (trích Thông tư số 26/2013/TT-BLĐTBXH)
  Về mặt ban hành văn bản pháp luật, Thông tư 26 này là dựa vào điều 160 Bộ luật Lao động năm 2012. Tuy nhiên, điều 160 có yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành danh mục các công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh đẻ và nuôi con sau khi đã phối hợp với Bộ Y tế. Trong khi đó, Thông tư 26 không có dòng nào nói là đã thực hiện công đoạn phối hợp với Bộ Y tế nên không rõ căn cứ khoa học để bộ ban hành thông tư là đã rõ ràng chưa. Với những văn bản liên quan đến bình đẳng nam nữ như thế này, ắt cũng phải có ý kiến của những người trong cuộc là phụ nữ và đại diện của họ.
Khi cấm sử dụng lao động nữ trong những công việc như quy định của Thông tư 26, tức sẽ có nhiều người bị mất việc đột ngột. Giới chủ nếu tiếp tục giao phụ nữ làm những công việc này ắt sẽ ép tiền công xuống để bù trừ rủi ro bị phạt. Như vậy một chính sách dù tốt đẹp nhưng dẫn đến những hệ quả không mong muốn thì phải cân nhắc để điều chỉnh bằng không chuyện tốt đẹp đâu chưa thấy, lại thấy bất lợi thêm cho phụ nữ.
...nên mới lắm chuyện... Trời ơi!
Chuyện trời ơi có thể sẽ bắt đầu diễn ra thế này: Bạn không phải là thành viên của một hội đoàn nào đó nhưng bỗng dưng bị bắt nộp hội phí hay đoàn phí, có lẽ chẳng ai chịu nộp tiền một cách phi lý như vậy. Giả thử tiếp các tổ chức hay doanh nghiệp không có hoạt động của hội đoàn này bên trong tổ chức hay doanh nghiệp của mình nhưng lại bị buộc phải nộp hội phí hay đoàn phí thì sự phi lý càng bị nhân lên bội lần.
Theo Nghị định 191/2013/NĐ-CP ban hành ngày 27-11-2013, hiệu lực từ ngày 10-01-2014, tại Điều 4 viện dẫn quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật công đoàn, để yêu cầu doanh nghiệp (DN) thuộc mọi thành phần kinh tế không phân biệt là đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở vẫn phải nộp kinh phí công đoàn.
Viện dẫn này cho thấy không ổn về căn cứ pháp lý. Luật công đoàn, Điều 26. Tài chính công đoàn, ghi: “Tài chính công đoàn gồm các nguồn thu sau đây: 1. Đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam; 2. Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, DN đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động (NLĐ); 3. Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ; 4. Nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của Công đoàn; từ đề án, dự án do Nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài”.
Như vậy, Khoản 2 Điều 26 Luật công đoàn không hề quy định là buộc các nơi chưa thành lập công đoàn nộp công đoàn phí. Ngoài ra, Luật công đoàn, Điều 6. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động công đoàn, ghi: “1. Công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ. 2. Công đoàn được tổ chức và hoạt động theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam, phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước”. Với quy định cụ thể này, cho thấy “công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện”, do đó vẫn có thể suy ra tại nhiều DN, NLĐ tự nguyện không thành lập công đoàn là chuyện bình thường. Và một khi họ đã không thành lập công đoàn, làm sao bắt họ nộp kinh phí công đoàn cho được?
Ngoài ra, hình thức hợp tác xã, nơi xã viên có sự bình đẳng với nhau chứ không phải dưới hình thức chủ-thợ nên hoạt động công đoàn hầu như không cần thiết và không phù hợp. Thế nhưng hợp tác xã, đơn vị vũ trang nhân dân đều là đối tượng phải nộp công đoàn phí bất kể có hay không có tổ chức công đoàn như yêu cầu của Nghị định 191/2013/NĐ-CP là thiếu tính thuyết phục.
Đơn cử, một DN siêu nhỏ chỉ có 5, 7 công nhân nên không thành lập công đoàn cơ sở mà người chủ vẫn phải trích 2% quỹ lương để đóng phí công đoàn thì làm sao thuyết phục được họ (quỹ lương ở đây là quỹ lương làm căn cứ đóng BHXH cho NLĐ). Hay một DN có vốn đầu tư nước ngoài trong năm đầu tiên hoạt động chưa tổ chức công đoàn cơ sở trong DN của mình vì nhiều lý do, nay bắt nhà đầu tư phải trích 2% quỹ lương để nộp công đoàn phí, làm sao giải thích cho họ hiểu và chấp nhận nộp?
Cái khó lý giải khác ở nội dung Điều 4 Nghị định 191/2013/NĐ-CP là khi chưa có công đoàn cơ sở thì số tiền bắt buộc phải nộp sẽ được chi dùng ra sao, khi mà NLĐ ở nơi buộc phải đóng khoản phí này nhưng không hề được thu hưởng chút an sinh gì từ khoản chi phí đó?.
Vấn đề khác: 2% quỹ lương mà DN phải đóng để công đoàn hoạt động, được gọi là gì? Phí thì không phải. Thuế lại càng không đúng, vì DN đã nộp thuế cho Nhà nước. Vậy đâu là cơ sở pháp lý? Và trong thực tế, từ nhiều năm qua, công đoàn cơ sở chỉ được giữ lại 40%, 60% còn lại phải trích nộp cho công đoàn cấp trên và số tiền này được chi như thế nào, vào mục đích gì, quyết toán ra sao… thì công đoàn cơ sở và DN đều không được biết. Trong khi đó, Luật Ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động của Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có Công đoàn.
Có lập luận: Khi đóng thuế DN đã gián tiếp hỗ trợ kinh phí công đoàn thông qua ngân sách nhà nước. Nếu các đối tượng phải nộp kinh phí công đoàn bao gồm cơ quan, tổ chức DN thì rõ ràng ngân sách nhà nước đã cấp trùng hai lần cho công đoàn: một lần là Chính phủ cấp theo Luật Ngân sách Nhà nước; một lần người sử dụng lao động nộp 2% quỹ lương.
Kinh tế khó khăn, nguồn tài chính không ổn định khiến không ít chủ DN “ăn không ngon, ngủ không yên” khi dịp Tết đã cận kề, đã vậy còn mắc phải chuyện cười không muốn nổi khi tiền thuế của dân buộc phải dành để cho mấy ông quan làm luật trời ơi kiểu như ở trên...
      Ông bà dạy khi bánh ít đi, thì bánh quy lại. Thiếu sòng phẳng trước một thực tế là đến nay dường như chưa có ai bị xử lý hay chịu trách nhiệm về việc ban hành những văn bản pháp luật thiếu tính khả thi, xa rời cuộc sống. Đây chính là “lỗ hổng” dẫn đến sự ra đời của những quy định thuộc dạng… “luật trời ơi!”. Vì vậy, có lẽ đã đến lúc pháp luật cần có quy định rõ ràng về trách nhiệm của người hoặc cơ quan đề xuất, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhằm bịt cho được cái “lỗ hổng” trách nhiệm của những người làm luật “ở trên trời”!

No comments:

Post a Comment