Sunday, December 8, 2013

Ai tháo chạy trong cuộc rượt bắt làm đẹp vỉa hè?

Sẽ có một ngàn lý lẽ hoàn toàn thích hợp để lực lượng trật tự đô thị đánh và siết cổ người bán hàng rong đến ngất xỉu như trong một clip đăng trên mạng, bởi vì họ đang làm thành phố trật tự hơn. Nhưng câu chuyện liệu có dừng ở đó?

 Lực lượng chức năng bóp cổ anh bán hàng dạo Trịnh Xuân Tình trong một nỗ lực giữ gìn “văn minh đô thị”…
Lực lượng chức năng bóp cổ anh bán hàng dạo Trịnh Xuân Tình... - Ảnh: Chụp từ Youtube
TP.HCM không phải là một nơi xa lạ của những cuộc “dọn dẹp” trật tự đô thị. Câu chuyện cứ như con gà và quả trứng cái nào đẻ ra trước. Người nghèo tứ phương đổ vào Sài Gòn mưu sinh. Vỉa hè là nơi sống duy nhất của hàng vạn người. Nhưng đô thị không phải là nơi để người ta có thể bày hàng quán ra một cách bản năng và mặc nhiên buôn bán. Trật tự đô thị, ngoài nhiều nhiệm vụ khác, có cả nhiệm vụ dọn dẹp vỉa hè và cưỡng chế những người cố ý vi phạm.
Khi lập ra lực lượng trật tự đô thị, nhà nước trao cho họ một quyền lực để thực thi cái nhiệm vụ chung là làm cho một đô thị có trật tự và gọn gàng. Nghĩa là họ được quyền thu giữ những bàn ghế, bảng hiệu, nồi niêu, dụng cụ... để dẹp sạch vỉa hè và những người vi phạm phải bị phạt vì đã làm sai.
Nhưng ở trong nội hàm của cái quyền lực ấy, TP.HCM đã chứng kiến không ít những cuộc cưỡng chế, dọn dẹp của lực lượng trật tự đô thị khiến người ta không sao hiểu nổi.
 
Dẹp vỉa hè và phạt những người lấn chiếm vỉa hè là nghĩa vụ của trật tự đô thị, nhưng không có nghĩa là người ta có thể vung roi điện lên, siết cổ và đánh xỉu một công dân - cho dù đó là một người nghèo.
Anh bán cà phê Đặng Xuân Sỹ bị tịch thu hết 9 chiếc xe đạp - số tài sản không nhỏ - mà không hề nhận được một tờ biên bản nào làm chứng cứ là tài sản anh bị tịch thu. Hôm nay, anh Trịnh Xuân Tình - một người bán hàng rong khác, đã bị lực lượng trật tự đô thị siết cổ, còng tay, bị roi điện chích, đánh cho đến khi ngất xỉu...
Người ta có thể nói rằng thành phố cần trật tự - vì vậy, những người bày hàng lằng nhằng đó phải bị dẹp đi. Điều đó không có gì sai cả. Nhưng điều sai là những tờ biên bản không được lập, và những cái siết cổ, còng tay được “quyền” mặc nhiên diễn ra - bởi vì những người dân vi phạm kia là những người có thu nhập thấp và đang mưu sinh dựa vào cái sợi dây mâu thuẫn mà thành phố cần triệt bỏ: Để có ăn, người bán hàng rong chiếm vỉa hè. Nhưng họ chiếm vỉa hè nghĩa là làm xấu đô thị.
Hãy lật lại câu chuyện theo một chiều khác, lực lượng trật tự đô thị thì có thể bắt hết 9 chiếc xe đạp của anh Đặng Xuân Sỹ. Họ cũng có thể còng tay, siết cổ đến ngất xỉu anh Tình. Anh Sỹ và anh Tình cũng là công dân bình thường trong xã hội này. Lẽ ra, họ phải được tôn trọng về an toàn thân thể, sức khỏe, được biết và có bằng chứng vì sao tài sản của mình bị hốt lên xe và xách về đồn - trước người thực thi pháp luật. Vậy tại sao, một lực lượng chỉ được sinh ra với cái quyền giữ gìn trật tự cho đô thị lại có quyền tước đoạt tài sản và xâm hại thân thể, làm tổn hại đến sức khỏe người dân? Sau những sự việc như vậy, người như anh Sỹ và anh Tình có thể làm gì, nếu họ muốn làm rõ chuyện này và biết rằng họ đã sai - đúng ra sao trong cuộc xung đột ấy?
Có vài giả định có thể đặt ra, để làm rõ đúng sai, anh Tình bán hàng rong liệu có tiền thuê luật sư? Gởi đơn kiện? Yêu cầu làm rõ? Trong thực tế, những hành vi ấy hoàn toàn xa lạ và nằm ngoài tầm với của người bán hàng rong thông thường, trước nhất là vì thu nhập của họ không cho phép họ có thêm nhiều hành động tự bảo vệ trước sự cưỡng chế vừa xảy ra - dù ở mức độ có bạo lực như vậy. Cũng như anh Sỹ, nếu như đồng loạt nhiều tờ báo không vào cuộc vì vấn đề của anh liệu có ai sẽ trả lời cho anh vì sao họ thu tài sản của anh mà không hề có biên bản?
Trong một khoảnh khắc, những người đại diện cho pháp luật để thực thi nhiệm vụ làm đẹp đô thị, đã có thể vung roi điện lên và đánh xỉu một người bán hàng rong - khi anh ta lấn chiếm vỉa hè và liên tục van xin. Quyền lực ban đầu của họ đã đi quá xa khỏi giới hạn thực tế, và họ đã cho mình một cái quyền khác - là xâm hại đến thân thể của người vi phạm.
Có một góc khác nữa của những cuộc dọn dẹp trật tự trên vỉa hè, hãy nhớ về những cái vỉa hè bên hông Nhà thờ Đức Bà (quận 1). Ngày nào người ta cũng thấy lực lượng trật tự đô thị xuất hiện. Hàng trăm người người uống cà phê nhảy lên xe máy rồ ga tháo chạy. Hàng chục người bán hàng rong ôm hàng chạy biến, vứt lại những vỏ chai, vỏ nước lênh láng cả công viên. Chừng 10 phút sau, đô thị đi, người bán hàng tiếp tục bán.
Hành vi đuổi bắt diễn ra suốt mấy năm nay ở khu vực ấy - với mục đích lập lại trật tự và làm đẹp đô thị. Nhưng đô thị có đẹp lên nhờ đuổi và bắt không? Công viên có đẹp lên chút nào không khi những công dân trẻ đô thị tranh nhau tháo chạy? Thành phố có đẹp lên không khi hàng trăm ly cà phê bị đá đổ trong cơn chạy tán loạn? Những vỉa hè có sạch sẽ và thân thiện hơn khi những người nghèo đến và mưu sinh ở thành phố này bị ''dí'' chạy tưng bừng không? - Vậy lực lượng ấy ở đó để làm gì với mấy năm trời sử dụng tiền thuế của người dân để trả lương cho họ - để đuổi bắt dân nghèo sao?
trật tự đô thị
... trong khi đó…
Cách vỉa hè công viên và những cuộc rượt bắt ấy chỉ vài trăm mét, ở gần khu vực Hồ Con Rùa - cái vỉa hè công cộng được lập ra cho người đi bộ dạo quanh - đã bị chiếm sạch để làm chỗ gửi xe, chỗ bán cà phê, thậm chí là chỗ bày đồ nội thất... cho những hàng quán sang trọng và giàu có. Có ai tự hỏi vì sao ở những nơi này, lực lượng trật tự đô thị và những cuộc rượt bắt kiểu “hành động” như trên không bao giờ diễn ra - giống như cái vỉa hè xung quanh Công viên 30 Tháng 4 và Nhà thờ Đức Bà gần đó vài phút đi bộ? Chẳng ai lại đi đuổi bắt những chiếc xe hơi và hàng xe của các quán cà phê sang trọng chiếm hết vỉa hè cả. Cái vỉa hè nhởn nhơ này khiến tôi nhiều lần nghĩ cuộc rượt khốc liệt trên chỉ dành cho những người mưu sinh nghèo và ít khả năng tự bảo vệ bản thân nhất.
Quay lại câu chuyện cưỡng chế bằng cách siết cổ người bán hàng rong, chắc chắn là không có một người hàng rong nào đủ sức, đủ thời gian, đủ tiền để “bắt đền” nếu chiếc xe hàng của họ bị trật tự đô thị bắt về phường và nó đã bị ném bể nát khi họ quăng nó lên xe. Sẽ không một người hàng rong nào - như anh Tình - biết phải làm gì sau khi ngất xỉu - ngoài việc nhanh chân trốn khỏi bệnh viện. Và anh bán cà phê biết phải làm gì, nếu không có phóng viên đi hỏi giùm anh cơ quan công quyền vì sao lấy xe anh mà không ghi biên bản, rồi lỡ xe anh có bể vỡ hư gì thì sao?
Dẹp vỉa hè và phạt những người lấn chiếm vỉa hè là nghĩa vụ của trật tự đô thị, nhưng không có nghĩa là người ta có thể vung roi điện lên, siết cổ và đánh xỉu một công dân - cho dù đó là một người nghèo.
Khải Đơn

No comments:

Post a Comment