Bị treo bút rồi vô tù vì liên quan đến vụ án Năm Cam, phóng viên nội chính nổi tiếng một thời của Tuổi Trẻ – Hoàng Linh, hồi tưởng lại quãng đời lận đận khi rời quê lên thành phố lập nghiệp, bôn ba qua các ngõ ngách Sài Gòn.
“Cao học” hè phố
Cảm hứng đánh thức ước mơ được viết báo của tôi từ người bộ đội – nhà thơ Phạm Sỹ Sáu. Những năm 80, người bạn học cũ Trương Văn Sáu từ chiến trường K về thăm cho tôi mấy gói thước lá Samit và bài thơ chép tay không đề tựa của Phạm Sỹ Sáu, đây là bài thơ gối đầu nằm của các chiến sĩ trẻ.
Gần đây tôi mới biết đó là bài thơ Gửi bạn bè làm xong nghĩa vụ do Phạm Sỹ Sáu viết ở PoiPét tháng 3 năm 1981. Tôi đọc người bừng bừng, tay chân ngứa ngáy muốn viết ra, bộc lộ điều gì đó trên trang giấy. Không làm thơ được, tôi ghi chép những điều xảy ra chung quanh hàng ngày, có lúc cho rằng mình viết cũng được tôi gửi đến các báo. Tên có ở mục hộp thư nhưng bài chưa bao giờ được đăng.
Tôi đồ rằng làm báo phải có nghiệp vụ rồi phải cọ xát thực tế mới có tác phẩm báo chí. Tạm gác ước mơ,tôi cố gắng hoàn thành chương trình đại học một cách khó khăn do gia đình quá nghèo.
Tốt nghiệp đại học năm 1984, tôi được phân công dạy học ở trường PTTH Lý Thường Kiệt, sau đó là trường THPT Thạnh Lộc. Những ước mơ tuổi trẻ và hoài bão cống hiến nhanh chóng lụi tàn do những khó khăn về vật chất. Cha mẹ tôi là cán bộ xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TPHCM, thuộc diện xã vùng sâu vùng xa, hy sinh lắm mới cho tôi học xong đại học nhưng hình như việc đó không được đền đáp, tôi vẫn là đứa con vô tích sự, không giúp được gì cho gia đình.
Tôi còn nhớ năm nào, chiều 30 tết mỗi giáo viên được lãnh 0,750 kg thịt heo, tôi lấy dây chuối cột giữa treo lên tay cầm xe đạp chạy về nhà, mừng lắm. Nồi thịt kho thơm phức được ăn dè xẻn tối 30, để dành cho năm mới.
Trưa mùng một, 4 học sinh trường THPT Mạc Đĩnh Chi (nơi tôi thực tập năm thứ tư đại học) lên nhà chúc tết và… ở lại ăn cơm. Sang mùng 2, mùng 3 chợ quê vẫn chưa nhóm. mẹ tôi phải ra sau vườn hái rau dại, đọt lang luộc chấm nước mắm để ăn cơm. Tôi be bờ tát cá nhưng chỉ bắt được vài con tép nhỏ, sông dài cá lội biệt tăm!
Việc này thúc giục tôi phải có định hướng mới cho cuộc đời mình. Nghe tôi trình bày, thầy Đoàn Trãi, hiệu trưởng trường THPT Thạnh Lộc đồng ý cho tôi thôi việc.
Ở lứa tuổi đôi mươi phơi phới tôi lên TPHCM kiếm sống. Quá tự do, muốn làm gì thì làm. Ban ngày tôi dạy kèm trẻ tối về nhà trọ học giác hơi đấm bóp, nghề học của những bạn trọ cùng cảnh ngộ. Tôi đạp xe lóc cóc leng keng khắp hang cùng nghõ kẻm để hành nghề, chừa miệt Hóc Môn, Lái Thiêu vì sợ “đụng” học trò cũ.
Vị khách mở hàng cho sự nghiệp đè đầu cưỡi cổ người ta của tôi là gã to béo dị thường, nặng trên 100kg trong chiều cao bình thường. Rất bài bản, tôi thông báo với khách hàng: “Báo cáo huynh, em có 22.000đ, không dây chuyền, không đồng hồ, trước khi cho em về huynh có thể xét người em để đảm bảo em không ăn cắp ăn trộm gì của huynh”.
Tôi úp đủ 12 cái ống giác nhưng chỉ chiếm được một góc tư lưng của gã, hao dầu hao đèn. Đến giai đọan đấm bóp mới hãi, làm kiểu gì gã cũng không đã cuối cùng phải đánh đập, đấm đạp như đánh nhau gã mới thấm. Xong việc gã yêu cầu tôi ra phía trước ngủ lại chờ sáng mai vợ gã đi lấy hàng về mới có tiền trả, không thì lấy nửa con vịt quay với hai ổ bánh mì, coi như trừ tiền. Tôi đồng ý.
- A Hoàn lấy vịt quay ra!
Ghê thật gã này chắc nguồn gốc quý tộc lắm mới kêu người làm bằng a hoàn, nhưng không phải, đó là đứa con gái nhỏ của gã, đâu chừng 13 – 14 tuổi, người gầy nhom. Tôi không nhịn, được hỏi trớ trêu: A Hoàn đây rồi còn tiểu nhị ở đâu?
- Thằng Tiểu Nhị anh con A Hoàn đi theo má nó lấy hàng rồi.
Bó tay, chắc gã này tên là Tửu Bảo. Tiếp tục rong ruổi trên đường đời với nửa con vịt quay treo ở tay cầm xe đạp tôi lắc xâu thẻ bài leng keng leng keng tìm khách mới. Được gọi vào căn nhà nửa am nửa chùa nửa thánh thất ở Phú Nhuận…mùi hương trầm thơm ngát xua tan mệt mỏi.
Lần này là một vị khách gầy khẳng khiu đến nỗi vừa đặt ống giác vào là bị bung ra vì không có miếng thịt nào để bám víu. Kiên nhẫn, ông chỉ cho tôi từng đường kinh huyệt đạo để tôi bấm huyệt, một khóa huấn luyện nâng cao,quá may mắn. Làm xong ông giữ tôi lại uống trà và dạy tiếp cho tôi nhiều bài học quý giá để giữ mình trong cái nghề bần hàn nhưng dễ bị lạm dụng này:
- Trang phục phải đơn giản, tốt nhất là áo sơ mi trắng hoặc sậm màu bỏ áo vào quần, không đeo trang sức, không được hỏi chỉ trả lời. Khi chủ nhà hỏi thăm gia cảnh không được than nghèo kể khổ, chỉ nhận tiền công chứ không được xin thêm hay nhận cái gì khác…
Bài học này có thể áp dụng cả đời người, tôi ngẫm nghĩ rồi tập trung trở lại vì chủ đề này mới là hấp dẫn:
- Đặc biệt cẩn thận với các khách hàng nữ, không giác hơi, chỉ bấm huyệt, không được bấm vào những huyệt nhạy cảm tạo nên sự “đảo điên” cho người ta…
“Sư phụ” chỉ tôi những huyệt đạo bấm vào có là thánh nữ cũng nổi cơn sóng gió, hóa ra vị trí của nó không giống như những chỗ mà người con trai mới lớn như tôi thường tơ tưởng.
Thời gia trôi nhanh,do làm ăn đàng hoàng và áp dụng những gì sư phụ dạy tôi có mối mang hẳn hoi, cứ theo lịch mà làm không cần phải chạy long nhong, leng keng trên đường. Đêm đó tôi đi Nhà Bè làm cho một khách quen, anh là thuyền trưởng tàu chở dầu. Kỳ lạ là trong muôn ngàn tiếng còi tàu trên sông Lòng Tàu vọng vào cô vợ trẻ nhận ra ngay tiếng còi của chồng vội vã đi chợ mua gà vịt và cho người đi gọi tôi.
Anh này trả công rất ngon nên có xa hơn nữa tôi cũng đi. Đêm đó thời tiết quái lạ, trời mưa lất phất, lúc nóng lúc lạnh, trong ánh mắt những người phụ nữ tôi gặp đều có vẻ gì đó chờ đợi, oán trách, bực bội…kể cả chị giúp việc ra mở cửa và các cô em gái chủ nhà. Bấm huyệt xong tôi được trả tiền công và “bo” thêm cục xà bông Camay (lúc đó là hàng hiếm), nhớ lời sư phụ dạy tôi từ chối cục xà bông.
Khuôn viên nhà rộng bát ngát, gia đình chung ở căn biệt thự mặt tiền, vợ chồng vị thuyền trưởng có căn nhà gỗ phía sau vườn,cất trên ao cá tra to đùng, cứ trên nhà cựa mình là phía dưới ca tra nhảy ủm ủm nghe nhức răng, chắc vợ chồng này thích cảm giác lạ? Cô vợ nói nếu tôi rảnh qua nhà bên cạnh bấm huyệt, chủ nhà là đại gia, không thiệt gì đâu.
Căn nhà cũng thiết kế theo kiểu biệt thự vườn, theo người giúp việc tôi đi lên lầu một và vào phòng phía bên trái. Gia chủ nằm úp mặt xuống gối, không quần áo, mái tóc dài chảy xuống chấm đất. Không xong rồi, tôi lùi lại đứng sát tường nói lớn tiếng:
- Xin gia chủ mặc quần áo vào tôi mới bấm huyệt được!
Gia chủ vẫn nằm, tôi nhắc đến lần thứ ba cô ta đứng dậy, không có gì trên người:
- Đồ ngu! Có phước mà không chịu hưởng…
Ngay lúc đó người đàn ông xông vào tát tai cô gái rồi lấy mền khoác lên người cô này, cô nàng gạt mền xuống đất, vẫn thế, tỉnh bơ…Vị đại gia quay sang tôi, tôi chuẩn bị “ăn đòn”,không ngờ ông này móc ra vài tờ tiền:
- Chú cầm lấy ít tiền rồi về đi, đừng kể chuyện này cho ai biết!
- Dạ thôi, tôi có làm gì đâu mà lấy tiền. Chú không hiểu lầm tôi là được rồi!
Thật khổ thân cho cái nghề tủi thân này, người nghèo khổ thật, còn người giàu? Tôi nhớ ngay đến vị đại gia, có cô vợ “nóng’ như thế kia trước sau gì cũng “cháy nhà”. Thấy không ổn, tôi bỏ nghề lóc cóc leng keng theo đám bạn trọ ra Lê Thị Hồng Gấm, gần chọ Bến Thành, bán giày dép cũ.
Được ông chú bán đồ gỗ cũ trên đường Lê Thị Hồng Gấm bảo lãnh, chúng tôi được trải một chiếc chiếu để bán, thời điểm là lúc nhá nhem tối. Đắt hàng nhất là những đôi dép Docker, không hiểu sao những đôi dép gồ ghề này lại có ma lực khủng khiếp với dân chơi như vậy, “hét” mấy cũng bán được. Khách mua giày dép trải chiếu thường ngả giá nhanh mua liền vì sợ người quen bắt gặp đang mua đồ trộm cắp.
Trời nhá nhem người mua không thể nào phát hiện những chỗ cũ nát được tân trang lại nên chúng tôi làm ăn cũng khấm khá. Khách hàng đa dạng, dân chơi quần áo dị hợm đến những bậc khả kính đều có. Thỉnh thoảng lại có mấy em ca sĩ xinh đẹp đến đưa hai bàn chân ngà ngọc ra cho chúng tôi vẽ vào tờ giấy báo lấy ni. Khi nào có giày đúng ni chúng tôi để riêng cho mấy cô. Thú vị là khu Lê Thị Hồng Gấm cùng với khu chợ xe Gia Long (Lý Tự Trọng) là nơi nắm bắt tin tức của khu trung tâm và Quận Tư:
“Ăn Quận năm
Nằm Quận Ba
Hát ca Quận Một
Trấn lột Quận Tư”
Có những con hẻm chuyên “xách giỏ”, sáng ngày họ túa ra khắp các chợ, bến xe để rạch giỏ, móc túi, tối tụ về bài bạc và ăn nhậu. Hẻm khác chuyên “đá xế”, ăn cắp xe đạp… Hẻm chuyên đi ăn xin, sáng sớm chuẩn bị thuốc đỏ bông băng giả làm người tàn tật để xin ăn ở các chùa.
Cũng có những con hẻm chuyên bán trá đá dạo, phần lớn là bà con miền xa, cúi mặt kiếm đồng tiền lương thiện không dám làm bậy vì sợ dính dáng đến pháp luật nơi xứ lạ quê người…Nghe thì lộn xộn như vậy nhưng thật ra có người cai quản hẳn hoi: Lai Anh Lai Em coi khu Chợ Cá; Sơn Hai Ẩn coi khu Lê Lai, Quách (công viên Quách Thị Trang); Thành Sùi coi khu trà bắc Nguyễn Huệ, Bình Kiểm coi khu Phạm Ngũ Lão; Cường Híp coi khu Chợ Đũi; nhóm Cu Tư, Băng Châu thì coi việc đá gà ở vùng ven…
Chỉ có chúng tôi là nhìn xuống không nhìn lên, không nhiều chuyện, kỳ lạ là đám giang hồ dữ dằn không bao giờ làm khó dễ chúng tôi, có mua bán cũng sòng phẳng. Những lúc trúng mánh, dư dả chút đỉnh anh em kéo ra đồng hồ bốn mặt uống cà phê cóc chờ xem mặt tứ đại mỹ nhân Sài Gòn.
Tương truyền họ thường đến cà phê nhạc ở đồng hồ bốn mặt (đường Nguyễn Huệ) vào những buổi sáng đẹp trời, đó là Kim Anh, Lan Ấn, Trang Hồng Kông và một diễn viện điện ảnh (không nêu tên)…Tôi không thích thú chuyện này, lời sư phụ dạy văng vẳng bên tai:
“Con chim quý phải ở lồng son – người đẹp không dành cho người nghèo”. Nhớ lại hồi đi học, bọn con gái ở chợ coi thường dân quê tôi ra mặt, chỉ thích nói chuyện với mấy anh con tiệm vàng, chủ sạp chợ…Bất ngờ ba mẹ tôi gọi về Hóc Môn vì mẹ tôi bệnh nặng. Tôi về nhà,tốt nghiệp “cao học” hè phố kèm theo mấy chỉ vàng dành dụm được.
Năm Cam và quyết định mưu tìm cuộc sống hoàn hảo
Những năm đầu 90, giới báo chí mở rộng hoạt động với sự xuất hiện nhộn nhịp của các phụ trương tình yêu hôn nhân gia đình, văn hóa thể thao, vui cười…Tôi ở nhà nuôi bệnh, tập tành gửi bài và được chọn đăng khá đều. Bà con lối xóm nhìn tôi với cặp mắt nể phục vì có tên trên báo.
Dần dà tôi được vài cơ quan báo sử dụng theo quy chế cộng tác viên, cấp giấy giới thiệu cho tôi đi cơ sở viết bài. Chỉ là cộng tác viên nên chúng tôi quan hệ với các nơi thật nhẹ nhàng không có chuyện chìa thẻ nhà báo ra để chất vấn, cũng chính vì vậy tôi đã xây dựng được hệ thống thông tin rộng và đầy tin cậy.
Lúc đó anh Đức Thông phụ trách một tờ báo Vui Cười đang tâm đắc với thể loại phóng sự vui mà anh gọi là phóng …sinh sự và anh gợi ý đề tài để tôi và anh H.S từ Nhà Bè lên thực hiện. Thế là những vấn đề của một đô thị phát triển lại được ngắm nhìn qua hai anh chàng nhà quê nhưng góc nhìn đó lại mới lạ, phóng sinh…sự vẫn ra đều đều và được bạn đọc chấp nhận. Tuy nhiên chốn hậu trường nhiều chuyện buồn cười đã xảy ra…Ngày kia Anh Đức Thông gọi tôi và H.S vào văn phòng bé tí đưa cho mỗi người vài tờ đô la và căn dặn đến mấy lần:
- Giữ cho kỹ không được xài,đây là của tôi mượn người ta đó. Hai ông đóng vai đại gia đi tìm hiểu dịch vụ massage cho tôi, nó mọc lên như nấm mà không thấy hai ông báo cáo gì cả!
Tôi và H.S đều không biết massage là gì, có liên quan gì đến giác hơi không nhưng thừa biết tính anh Đức Thông rất khó nên không dám hỏi gì thêm. Do không đủ tiền nên ở điểm massage sang trọng trên đường Nguyễn Văn Trỗi, H.S đi vào còn tôi ngồi ngoài giữ xe. Rất lâu sau H.S đi ra mặt tiu nghỉu:
- Không lấy được tin gì hết!
Vị đại gia giả hiệu bị lộ tẩy vì cái quần lót…bộ đội và cái giọng Xô Viết Nghệ Tĩnh đặc sệt. Bị anh Đức Thông la, H.S chống chế:
- Tôi đâu biết massage là phải cởi hết đồ ra!
Khi đó anh Đức Thông mới chịu hướng dẫn chúng tôi cách thâm nhập, khai thác tài liệu ở những địa bàn đặc biệt như vậy.H.S tiếp tục đóng vai đại gia ở chốn thượng lưu, còn tôi phải đi Q4 với thế giới tẩm quất bình dân, thế mới đau!
Điểm massage trên đường HD chỉ khang trang, dầu thơm dầu bóng bề ngoài, bên trong đầy những sét gỉ, ôm cái túi được phát để bỏ giấy tờ, tiền bạc…tôi chun đầu vào phòng xông hơi và không cách nào mở được hệ thống xông hơi bằng những ống nước gỉ sét, quê độ tôi lấy khăn vặn hết sức cái khóa hơi và nó bung ra luôn, phun hơi nóng đẩy tôi văng vào góc bên kia.
Chưa kịp hoàn hồn đã nghe tiếng báo cháy vang lên khắp nơi và khói lửa nữa, mạnh ai nấy chạy, hình như đang cháy ở tầng trên, cũng còn may. Cả lũ đàn ông không một mảnh vải trên người chỉ còn cái khăn tắm quấn tạm bợ chạy qua chợ Xóm Chiếu mua quần áo, có lão mặt đỏ vì xấu hổ, có lão mặt xanh lét vì sợ. Mấy bà tiểu thương vừa bán quần áo vừa chửi mấy gã đàn ông mất nết,tôi còn bị bà chị nọ quất cho một câu:
- Lấy kem chống nhục xức vô cái bản mặt đi…
Nhưng rồi loạt bài phóng sự xã hội về dịch vụ buồn cười này cũng xuất hiện trên cả báo Cười và trang Chính trị Xã hội.Và qua nhiều đợt thử thách, khóa đào tạo, tôi được nhận vào làm ở tờ báo có uy tín với số phát hành cao.
Anh H.S được phân công viết về những vấn đề quốc kế dân sinh như tường thuật quốc hội, hội đồng nhân dân, phỏng vấn viên chức chính phủ…còn tôi đi cơ sở, công an phường đưa những tin hình sự như giật hụi, đụng xe, tai nạn…do tính chất công việc tôi còn phải tiếp xúc với nhiều thành phần xã hội khác khá phức tạp.
Tôi có những mối quan hệ xã hội phức tạp, đôi khi nó cũng giúp tôi có nguồn tin đa chiều nhưng tai tiếng nó mang lại thì nhiều hơn
Cũng những năm 1988, 1989 khi chưa làm báo tôi bắt đầu quen biết Năm Cam qua một người bạn, sau khi tìm hiểu gia cảnh của tôi Năm Cam đưa ra lời đề nghị:
- Hiện anh Năm đang mua bán nhà đất nhưng nhà không ai có chữ nghĩa nên nếu chưa có việc làm Linh giúp anh, anh em mình giúp đỡ nhau để kiếm sống lương thiện, nếu bán được căn nào anh sẽ cho Linh chút đỉnh.
Khi muốn mua nhà, Năm Cam đưa tôi địa chỉ, tôi sẽ tìm hiểu ở phòng xây dựng về tình trạng pháp lý của căn nhà, đến khu phố tìm hiểu tính hung cát: có sát chủ không, có hưng thịnh không…Khi tôi nói được, Năm Cam tiến hành đàm phán với chủ nhà để mua, tôi không tham gia quá trình này. Về bán, tôi sẽ viết các mẩu quảng cáo gửi báo Sài Gòn Giải Phóng đăng quảng cáo. Do được thời, Năm Cam mua được nhiều nhà đẹp ở Võ Văn Tần, Đông Du, Hùng vương, Lý Tự Trọng…và bán lại khá dễ dàng.
Khi đã có việc làm tôi nói với Năm Cam không thể giúp ông được nữa vì đã có việc làm ổn định, Năm Cam đồng ý nhưng lâu lâu vẫn gặp nhau ở nhà hàng TN ăn sáng và nơi đây tôi được giới thiệu với nhiều ca sĩ nổi tiếng ở VN và nước ngoài, còn những người khác Năm cam chỉ giới thiệu chung nên tôi không biết họ là ai nhưng tôi thì mọi người có vẻ biết rất rõ.
Năm Cam bị bắt tập trung cải tạo năm 1995, tôi bị cơ quan kiểm điểm nghiêm khắc. Tôi cam kết không liên quan gì đến việc tổ chức đánh bạc của Năm Cam và thực tế đúng như vậy nhưng tôi cũng hồ nghi rằng số phận của tôi tùy thuộc vào lời khai của Năm Cam.
Năm 1997, Năm Cam cải tạo về, tôi là người biết tin muộn, nhiều anh em khuyên tôi không nên thăm gặp Năm Cam, nhưng thử hỏi nếu tôi không thăm Năm Cam tôi là loại người gì! Tóc bạc, răng sún, chân cà nhắc là những gì tôi trông thấy:
- Anh về rồi, mọi việc vẫn ổn. Linh giúp anh miếng cao để anh trị cái chân và tìm anh mấy mối để bỏ bia nước đá, anh mới mở đại lý bia để kiếm sống…
Dù không tin tưởng lắm về tác dụng trị liệu nhưng tôi vẫn tìm mua cho Năm Cam miếng cao (hồi đó chưa cấm nghiêm ngặt) và giới thiệu Năm Cam với anh T. ở Lê Ngô Cát để bỏ mối bia, sau đó hai anh hùn hạp mở nhiều nhà hàng lớn rất thành công. Tôi mừng vì Năm Cam thành công trong công việc làm ăn lương thiện.
Ngày nọ bất ngờ Năm Cam điện thoại:
- Khi bị bắt mấy anh ở ngoài bộ hỏi Hoàng Linh rất nhiều, anh phải đập đầu vào tường để khỏi trả lời… - Tôi biết bóng ma quá khứ đã hiện về, tuy nhiên tôi thầm nghĩ ông Năm đang giàu có không dại gì làm chuyện bậy bạ để mất tất cả. Năm 2000 tôi không còn làm báo, bạn bè cũ rơi rụng dần nhưng Năm Cam vẫn đối xử với tôi đàng hoàng.
Ngày 12.12.2001 Năm Cam bị bắt và tôi cũng nằm trong danh sách cần phải định tội và những chuyện sau đó ai cũng đã biết.
Nhiều năm trôi qua,Năm Cam phải ra pháp trường, chết rồi vẫn không yên bị quật mồ để bán xác, hai người cháu bị tử hình, con cái tù tội, con rể thân thiết là Hiệp phò mã cũng chết khi chưa hết án tù vì bệnh nặng…Tôi cũng tù tội, nhiều số không kéo theo, tài sản mất hết, cuộc sống hoàn hảo mà tôi theo đuổi hóa ra như vậy sao?
Có người nói thẳng đó là quả báo nhãn tiền, tôi còn chút may mắn phải rút bài học kinh nghiệm.
Thời thơ ấu nghèo khó đầy cay đắng dẫn tôi đến bài học cực đoan rằng nếu bạn không có tiền bạn sẽ không là gì cả, không thể làm được việc gì tốt. “Phú bất nhân bần bất nghĩa” mà …cuộc sống chỉ hoàn hảo khi ta có tiền. Nhưng trải nghiệm bản thân và nhìn sang những người bạn cực giàu mới thấy rằng tiền bạc chưa chắc mang đến hạnh phúc. Không có sự bảo chứng nào cho cả người giàu lẫn người nghèo, bất cứ ai rồi cũng sẽ loay hoay đi tìm hạnh phúc và gặt hái quả đắng nhiều hơn, không có công thức cho cuộc sống hoàn hảo
No comments:
Post a Comment