Thursday, October 17, 2013

Chĩa ống kính vào một người đang khóc là một lựa chọn thô thiển

Đỗ Phước Tiến
“Nhiếp ảnh gia”, sơn dầu của Donnamac

Trong bài Đâu là lỗi chính của một nhiếp ảnh gia báo chí? , nhân việc nhiếp ảnh gia Na Sơn chụp người đàn ông áo đen, gạt người đàn ông áo trắng ra khỏi hình, có hai câu hỏi sau:
- Người đàn ông áo đen đi viếng và bước ra khỏi hàng (để quỳ). Người đàn ông áo trắng cũng đi viếng và cũng bước ra khỏi hàng để chụp. Cả hai người xét về mức độ “vi phạm” vị trí là ngang nhau. Vậy có thể đối xử bình đẳng trong việc để họ được ở yên trong bối cảnh (hay bị đuổi khỏi bối cảnh) không?
- Một nhiếp ảnh gia báo chí có quyền can thiệp vào thực tế tại hiện trường không?
Nhà văn Đỗ Phước Tiến có câu trả lời như sau:
*
Hai câu trong vấn đề Soi đưa ra, nhập thành một thì dễ thảo luận, vì cái này là hệ quả của cái kia.
Áo đen và áo trắng bình đẳng chắc rồi, nếu buộc phải vào hàng thì cả hai không nên chần chừ. Chụp ảnh có chỗ thì khóc cũng phải có chỗ. Nhiếp ảnh gia báo chí phải chấp nhận cả hai, hoặc là không ai cả. Can thiệp vào đối tượng này và khai thác đối tượng kia, nghĩa là cắt cúp thực tế. Can thiệp thực tế hiện trường hoặc cắt cúp thực tế là lựa chọn phổ biến của một nền báo chí phát triển chậm, vì nó dễ làm.
Phần tôi thì nghĩ như sau: chĩa ống kính ở một cự ly quá gần vào một người đang khóc là một lựa chọn thô thiển, kém cỏi về mặt nghề nghiệp. Tôi đang cười nhé, cười to thoải mái, bỗng phát hiện có một cái máy ảnh đang chĩa vào mặt mình. Hiểu ý người chụp, tôi vẫn tiếp tục cười, nhưng với một nụ cười khác. Răng tôi vàng quá, mặt tôi nhiều nếp nhăn khi cười quá. Từ thời điểm đó trở đi, cái máy ảnh chỉ ghi được bản năng tự vệ của tôi thôi, làm gì còn nụ cười hồn nhiên nữa.
Cho nên tôi nghĩ ý kiến của chị Phượng xác đáng, yêu cầu của chị cũng không có khắt khe, nếu không muốn nói là đương nhiên, đối với một người có khả năng nghĩ bằng hình ảnh. Cái “thiên kiến” của tác giả mấy cái ảnh chụp người áo đen khiến chúng trở thành những cái ảnh minh họa. Nghĩa là chẳng cần suy nghĩ gì, tìm kiếm gì, cứ chờ đợi và sắp đặt.
Đối với nhiếp ảnh gia, sao bạn không giữ im lặng nhỉ? Tôi nghĩ đó là một lựa chọn tốt khi mà bạn không có khả năng giải quyết câu chuyện có lợi cho mình. Càng nói bạn càng bộc lộ sự nông nổi, hồ đồ là cái mà đã đưa bạn đến câu chuyện không hay ho này. Từ khi nào và ở đâu mà bạn phát hiện ra sự giống nhau giữa quá trình tư duy chữ với tư duy hình ảnh vậy? (*)
“Nhiếp ảnh gia”, 1942, Jacob Lawrence

(*)  SOI: Trong đoạn trao đổi với Đoàn Minh Phượng, Na Sơn có nói:
“Đồng ý với chị là đã là phóng viên thời sự thì ta phải tôn trọng sự thật. Song, cũng như người viết, chị không thể viết tất cả những chi tiết, tình huống đang xảy ra ở một sự kiện. Chị chỉ lọc những chi tiết liên quan nhất, thật nhất (mà chị tin tưởng) vào bài viết của mình thôi- đúng không chị?!
“… Phóng viên ảnh cũng không khác phóng viên viết chút nào về nguyên tắc đó khi làm việc tường thuật bằng ảnh. Trong một sự kiện nhiều thứ diễn ra thì anh ta cũng sẽ chọn những sự thật mà anh ta tin tưởng nhất để chụp và truyền về.”

Nhân chuyện Na Sơn tác nghiệp:
Đâu là lỗi chính của một nhiếp ảnh gia báo chí? 16. 10. 13 - 7:29 am

Đoàn Minh Phượng
Tóm tắt trước khi vào bài viết ngắn của Đoàn Minh Phượng:
Ngày 13. 10. 2013, khi đoàn xe tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi qua Kim Mã, phóng viên ảnh Na Sơn đã “canh” và chụp được cảnh một người đàn ông (áo đen) khóc và quỳ lạy bên đường.
.

.

.
Đang lúc ấy, một người đàn ông khác (áo trắng) bước vào khung hình, dùng máy cá nhân cũng chụp ảnh người đàn ông quỳ lạy kia.
.
Theo nhiếp ảnh gia Na Sơn, người đàn ông áo trắng chỉ là người đi viếng nhưng đã nhảy ra khỏi hàng, nhiều người xung quanh cũng đã nhắc nhở, trong đó dĩ nhiên có Na Sơn.
Na Sơn nhắc người đàn ông áo trắng bước vào hàng lại
Và vì đã nhắc nhiều lần mà người đàn ông ấy không bước lại vào hàng, Na Sơn đã phải kéo bác ấy về hàng:
Na Sơn đưa người đàn ông về lại khu vực người viếng
Sau khi người đàn ông đó đã về hàng, Na Sơn cũng không chụp thêm bức nào cho người đàn ông áo đen vẫn đang quỳ lạy kia.
*
Hiện đang có thảo luận sôi nổi trên các diễn đàn về hành động này của Na Sơn. Có hai loại thảo luận: thảo luận về đạo đức (xô đẩy người cao tuổi) và thảo luận về can thiệp sự thực tại hiện trường.
Thảo luận về đạo đức thì dĩ nhiên Na Sơn phải thua, chỉ cần người đàn ông áo trắng kia lọt vào diện “người cao tuổi” là bất kỳ ai trong chúng ta cũng thua thôi, nên đề nghị các bạn không bàn về lãnh vực này nữa, trên Soi.
Ở đây xin tập trung vào hai câu vấn đề:
- Người đàn ông áo đen đi viếng và bước ra khỏi hàng (để quỳ). Người đàn ông áo trắng cũng đi viếng và cũng bước ra khỏi hàng để chụp. Cả hai người xét về mức độ “vi phạm” vị trí là ngang nhau. Vậy có thể đối xử bình đẳng trong việc để họ được ở yên trong bối cảnh (hay bị đuổi khỏi bối cảnh) không?
- Một nhiếp ảnh gia báo chí có quyền can thiệp vào thực tế tại hiện trường không?
Mời các bạn đọc ý kiến sau của Đoàn Minh Phượng
*
Ảnh: Na Sơn
Một nhà nhiếp ảnh xô đẩy một cụ già làm vướng góc máy anh muốn chụp một cụ già khác. Người ta buộc anh ấy tội xô đẩy người già. Tôi thấy lỗi ấy không có gì ghê gớm. Còn cái lỗi chính mà một nhà nhiếp ảnh báo chí mắc phải thì ít ai nói tới.
Tôi tưởng tượng thế này: thay vì xô cụ già ra khỏi khung ảnh, anh ấy chụp ảnh một cụ già áo trắng đang lum khum chụp ảnh một cụ già áo đen đang quì khóc. Một bức ảnh như thế hay hơn nhiều chứ. Về cả nội dung, lẫn đạo đức.
Về nội dung, nó có gì đó cảm động và buồn cười, một cái gì đó chữ nghĩa không tả được. Ngày xưa người ta khóc thì chỉ khóc. Còn ngày nay người ta khóc trước một thế giới được trang bị bởi vô số máy chụp ảnh kỹ thuật số và đường truyền lập tức lên fb. Ai nói là điều đó không biến tất cả chúng ta thành diễn viên và đạo diễn trong vô số tình huống? Không có nghĩa là hai cụ già không có tình cảm thật. Nó chỉ nói thêm là thời của chúng ta, cái ý thức diễn viên/đạo diễn nó lẫn lộn vào trong mọi tâm trạng và thời khắc. Thế giới đồng nghĩa với một thế giới được phơi bày và lưu lại bằng kỹ thuật số. Kể cả vào một ngày lịch sử. Nhất là vào một ngày lịch sử.
Về đạo đức, nhà nhiếp ảnh báo chí nọ đã mắc lỗi thay đổi hiện trường. Bạn mời người ta hay mèo chó đi chỗ khác cho trống góc máy, nhặt rác, bẻ cây, thêm bớt đồ vật… thì bạn không có tội gì với họ cả. Mà có tội với người xem ảnh: bạn chỉ cho họ thấy cái bạn muốn cho họ thấy và trừ cái bạn không muốn ra ngoài. Điều đó có nghĩa là khi làm việc, khi “săn” ảnh, bạn luôn có sẵn một đề tài, một khung ảnh, một mục đích trong đầu. Đó là thiên kiến. Và thiên kiến và một trái tim đủ “trống” và trong sáng để nhìn thấy cái gì đó thật và bất chợt thì không đi đôi với nhau.
Điều người xem mong chờ ở một nhà nhiếp ảnh báo chí giản dị là những hình ảnh thật mà người xem không có mặt ở đó nên không nhìn thấy. Họ không mong chờ những hình ảnh để minh hoạ cho những kết luận có sẵn.

Sự ngụy biện của Na Sơn và sự lưỡng lự của các phóng viên ảnh 16. 10. 13 - 4:28 pm

Đặng Dũng
Trong trao đổi lại với Đoàn Minh Phượng ở phần cmt, Na Sơn nói như sau:
“… Ở vị trí của em, một người chụp thời sự, đang chụp để truyền về cho một hãng tin mà độ phủ sóng của nó là toàn cầu, sẽ có hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu độc giả xem những tấm ảnh đấy, hàng trăm tờ báo lấy lại đăng, do vậy em phải chắt lọc những khoảnh khắc đắt nhất và tả được sự việc rõ ràng, đầy đủ.
“Thế nên việc em không thể để một người lom khom cầm máy chụp lại một người đang khóc, mông thì chổng ra phía đoàn xe tang vào ảnh được, vì cái ảnh đó nó là một cá biệt (cho dù nội dung của nó, em đồng ý là rất độc đáo, và em cá là nếu có phát về mà đăng thì hãng sẽ có thêm khách hàng là vô số những tờ báo chống Cộng sẽ mua đầu tiên với giá đắt). Mà cá biệt thì không phải là sự thật, theo quan điểm của em và thậm chí nó còn có thể khiến người ta nhìn vào có một cái nhìn lệch lạc khỏi sự việc chung đang diễn ra.
“Làm cho hãng tin nó khác với làm cho một tờ báo có quan điểm, vì chỉ nên đưa ra những cái nhìn chung nhất, không có áp đặt quan điểm chính trị vào đó. Có thể với quan điểm bảo vệ sự thật tuyệt đối trong thực tế diễn ra của chị em chưa đúng nhưng đấy là điều em tin. Và em bảo vệ quan điểm ấy khi làm nghề.” (Na Sơn)
Người đàn ông đang khóc và quỳ trước đoàn xe tang, và người đàn ông áo trắng bước khỏi hàng người để chụp ảnh. Ảnh: Na Sơn
*
Đọc bài viết trên Soi và các cmt kèm theo cũng như ở một số trang fb khác liên quan đến trường hợp của phóng viên ảnh Na Sơn tác nghiệp khi chụp ảnh đám tang tướng Giáp, thấy đây là một trường hợp khá thú vị trong nhiếp ảnh, liên quan đến những vấn đề ngoài khuôn hình.
Theo ý kiến của tôi, bạn Na Sơn có nhiều điểm ngụy biện khi lý giải về quan điểm của bạn lúc xảy ra trường hợp đó.
Để tôi phân tích rạch ròi nhé.
Khi bạn nói người đàn ông áo trắng nhảy ra chụp ảnh người đàn ông đang quỳ lạy là một “cá biệt” và vì thế, bạn coi đó “không phải là sự thật”, thì bản thân việc người đàn ông áo đen từ trong hàng nhảy ra quỳ lạy (trong khi tất cả mọi người ở đó đều đứng phía sau hàng bảo vệ) cũng là một “cá biệt”. Vì sao bạn coi một “cá biệt” này là sự thật, trong khi một “cá biệt” khác lại không phải là sự thật?
Về mặt lý mà nói, nếu người đàn ông áo trắng đó không phải là một ông già mà là một gã trai cao 1m85, nặng chừng 100 ký xăm trổ đầy mình, liệu bạn Na Sơn có dám đến và đẩy (mà nếu đẩy thì có được không) người đàn ông đó ra khỏi khuôn hình mà bạn định chụp không? Điều này cho thấy là “sự thật” của bạn phụ thuộc rất nhiều vào những yếu tố ngoại lai có sự tác động cố ý theo cách này hay cách khác.
Bạn chỉ là một phóng viên ảnh có thẻ tác nghiệp ở bên trong hàng rào bảo vệ nhưng không phải là công an chịu trách nhiệm giữ trật tự khu vực đó, do vậy, về mặt nào đó, bạn cũng chỉ bình đẳng với người đàn ông áo trắng kia, bất kể là ảnh ông ấy chụp chỉ để cho riêng ông ấy xem, còn những bức ảnh của bạn có để dành cho một hãng thông tấn toàn cầu với hàng trăm triệu người xem hay không! Theo Luật báo chí, người đàn ông đó không cản trở bạn tác nghiệp như một phóng viên.
Na Sơn đưa người đàn ông đã cản trở khung hình của anh về lại khu vực người viếng
Bạn có thể lý luận rằng người đàn ông đó “nhảy” vào ống kính trái với ý muốn của bạn, nhưng điều đó chỉ đúng trong trường hợp ông ấy đứng ngay phía trước ống kính che đi đường ngắm, không cho phép bạn tác nghiệp. Còn trong sự kiện này, rõ ràng ông ấy đứng-ở-phía-bên-kia đối tượng bạn định chụp. Và cũng rõ ràng không kém là bạn cũng đã chụp ông ấy trong một bức ảnh khác của mình. Vì sao sau khi “sử dụng” ông ấy cho một bức ảnh của bạn, bạn lại đẩy ông ấy đi để phục vụ cho “sự thật” mà bạn định thể hiện (cho dù sau đó bạn không chụp thêm người đàn ông quỳ lạy nữa)?
Bức ảnh Na Sơn chụp người đàn ông đang quỳ lạy xe tang và người đàn ông (áo trắng) nhảy vào khung hình.
Trong nhiếp ảnh, kể cả nhiếp ảnh thời sự, việc “dọn dẹp” background cho một bức ảnh không phải là không có, đặc biệt là nếu liên quan đến chụp ảnh những nhân vật VIP. Chẳng hạn như chụp ảnh một vị lãnh đạo Nhà nước thì không nên đề phông nền hình ảnh một cô gái khỏa thân phía sau là chuyện đương nhiên, vì vậy người ta sẽ bê tấm hình đó đi hoặc đơn giản hơn là đề nghị “Bác ơi, bác đứng sang phía này cho cháu chụp vì nó đẹp hơn!” Điều này thường đúng với những tờ báo mà bạn gọi là “có quan điểm”.
Nhưng trong trường hợp cụ thể này, khi bạn Na Sơn lại nói rằng bạn chụp cho một hãng tin “chỉ đưa ra những cái chung nhất, không áp đặt quan điểm chính trị” thì rõ ràng bạn đã mâu thuẫn với chính mình khi “dọn” người đàn ông ra khỏi khuôn hình mà bạn định chụp.
Na Sơn nhắc người đàn ông áo trắng bước vào bố cục của anh bước vào hàng trở lại
Sự lưỡng lự giữa các lựa chọn (nói theo kiểu triết cao một tí là lưỡng lự nhị nguyên-hi hi) luôn là điều xảy ra đối với các phóng viên ảnh, đặc biệt là trong trường hợp họ phải quyết định chỉ trong một tích tắc.
Một bài tập thường được các giáo viên nước ngoài đưa ra ở các giờ lên lớp nhiếp ảnh (và luôn khiến cho các học viên Việt Nam vô cùng lúng túng), ấy là một trường hợp giả định: Nếu bạn đang bám theo Công nương Diana cùng với người tình của cô ấy trong chiếc xe chạy với tốc độ cao ở thủ đô Paris; chiếc xe đâm vào gờ đường cao tốc gặp tai nạn, khi ấy, bạn sẽ làm gì:
1- Chạy ngay lại làm các đông tác cấp cứu cho những người trong xe?
2- Đứng sang một bên và chụp những bức ảnh chắc chắn sẽ làm cho bạn nổi tiếng sau này?
Thường thì học viên chia làm hai phe cho hai lựa chọn. Câu trả lời của giáo viên là khi ấy, bạn hãy làm theo những gì mà bản năng của bạn mách bảo!
Trong trường hợp của Na Sơn, tôi nghĩ bản năng của một phóng viên ảnh muốn có những bức ảnh “nuột” đã khiến cho bạn có quyết định đẩy người đàn ông áo trắng ra khỏi “hiện trường”. Bản năng đó hợp lý hay không, tùy thuộc vào góc nhìn của mỗi người, nhưng để lý giải thì không cần phải ngụy biện.
Bài viết này không nhằm vào cá nhân Na Sơn mà chỉ nhằm phân tích một trường hợp thú vị trong nhiếp ảnh thời sự thôi.

No comments:

Post a Comment