* * *
Vào tháng 10 năm 2013 trường Đại Học Mỹ Thuật tại Sàigòn mà tiền thân là Trường Vẽ Gia Định tròn 100 tuổi. Kể từ 1913 đến nay trường đã đào tạo gần 3.000 họa sĩ, và cũng đúng 30 năm về trước có một sinh viên đã vượt qua rất nhiều cam go thử thách để lọt vào cánh cổng trường vẽ, thực hiện giấc mơ trở thành họa sĩ của mình. Vâng! Người sinh viên đó chính là tôi!
Những chặng đường gian truân
Tưởng cũng nên nói sơ qua về quy trình học tập và đào tạo tại trường vẽ cách đây ba thập niên trước như sau: trường có hệ Trung Cấp và Đại Học. Hệ Trung cấp bao gồm 3 năm và 5 năm, Hệ Đại Học bao gồm Chính quy và Tại chức. Thời gian đào tạo cho hệ Đại Học Chính quy kéo dài 5 năm, học từ thứ hai đến thứ bảy, từ 7 giờ 30 sáng đến 5 giờ chiều. Năm thứ nhất và năm thứ hai học về cơ bản bao gồm các môn: Hình họa, Bố cục, Trang trí, Cơ thể học, Phối cảnh, Lịch sử mỹ thuật, Sinh ngữ, Triết học, Chính trị... Đến năm thứ ba các học sinh được chọn các chuyên khoa mà mình muốn theo đuổi bao gồm: Sơn Dầu, Lụa, Sơn mài, Đồ Họa. Hiện nhà trường đã có thêm khoa Mỹ Thuật Ứng Dụng dạy về kỷ năng sáng tạo trên computer.
Muốn được trúng tuyển vào trường trước tiên các thí sinh phải gửi tranh tham gia phần thi sơ khảo, nếu đậu phần sơ khảo họ sẽ trải qua một tuần lễ tranh tài các môn: Văn, Sử, Hình họa, Bố cục và Trang trí. Nói như thế để mọi người có thể hình dung được phần nào muốn trở thành sinh viên trường vẽ trong thời bao cấp thật không dễ chút nào. Việc một thí sinh ôm bảng vẽ đi thi đến ba, bốn lần mới đậu là chuyện rất bình thường. Nếu thí sinh nào thi lần đầu tiên mà đậu ngay thì biết có người kèm "bài tủ". Thường những thầy, cô hoặc các sinh viên giỏi đã nắm vững "đường lối sáng tác" của nhà trường luyện thi thì các "sĩ tử" có khả năng đậu rất cao. Một vấn nạn rất lớn cho các sinh viên đi thi thời bao cấp là "học tài thi lý lịch". Trong các đơn Dự Thi Đại học bao giờ cũng có bảng Sơ Yếu Lý Lịch đi kèm, trong đó có phần Tiểu sử bản thân và Thành phần gia đình. Nếu gia đình nào có dính líu đến "ngụy quân, ngụy quyền" thì khó mà có cơ hội vào Đại học. Nếu bản thân người đi thi là bộ đội xuất ngũ hay gia đình có công với cách mạng thì sẽ được cộng thêm điểm ưu tiên. Tuy nhiên, tại trường vẽ những năm đó có trường hợp khá hy hữu của một "đồng chí" bộ đội đảng viên. Anh là người miền Bắc đã tham gia "chống Mỹ cứu nước", năm nào người ta cũng thấy anh có mặt tại trường thi; những người cùng đi thi với anh học sắp tốt nghiệp nhưng anh vẫn kiên nhẫn ôm giấc mơ trở thành họa sĩ. Cuối cùng sau bao cố gắng anh cũng đậu được vào trường và đã trở thành một trong những sinh viên không-có-gì-nổi-bật. Anh yêu vẽ nhưng lại không có năng khiếu về hội họa đến khi ra trường anh lại "phất lên" nhờ nghề "trùm" buôn bán tranh của-người-khác-vẽ!
Ước mơ và Trường Vẽ
Suốt những năm tiểu học và trung học tôi luôn dẫn đầu về môn vẽ nhưng đến những năm cuối phổ thông tôi chỉ học hành "chiếu lệ": một chân trong trường còn một chân thì thấp thỏm sẵn sàng cho những chuyến vượt biên do gia đình sắp xếp. Do vậy, năm đầu tiên vừa tốt nghiệp Tú Tài tôi thi rớt Kiến Trúc là chuyện tất nhiên. Năm thứ hai chỉ vài tháng trước ngày đi thi vào trường vẽ tôi và chị tôi còn chạy bán mạng trong một chuyến vượt biên không thành. Mẹ tôi mất vàng, tốn tiền cho mấy chị em tôi khá nhiều nhưng chúng tôi vẫn "đi không đến nơi mà về lại đến chốn" cuối cùng bà mời được một thầy bói đến nhà xem cho đám con của mình và ông đã phán rằng:
- Mấy cô con gái của bà không có số vượt biên chịu khó chờ một thời gian sau này được đi chính thức có người đưa kẻ đón, các cô này rồi sẽ có chồng ở nước ngoài. Lúc đó em gái của tôi hãy còn nhỏ đứng cạnh đấy, ông chỉ nó nói luôn, cô con gái út của bà sau này cũng được đi chính thức như hai cô chị.
Chẳng biết vì tin lời của "nhà tiên tri" kia hay vì ba mẹ tôi đã cạn hết tiền lẫn vàng nên chị em chúng tôi đã không đi vượt biên nữa mà bắt đầu toàn tâm toàn ý lo việc học hành. Thời gian sau đó tôi đã phải nỗ lực hết mình cho việc luyện thi tiếp vào trường vẽ. Giai đoạn này quả thật gay go và vô cùng vất vả!
Thời khóa biểu của tôi lúc đó là: từ sáng đến 5 giờ chiều đến phụ dì tôi bán hàng, khoảng 6g30' tôi phải đạp xe từ Phú Lâm lên đến tận Đại Học Mỹ Thuật ở Bà Chiểu để theo học lớp luyện thi do trường tổ chức một tuần ba đêm từ 7:30' đến 9g30'. Vào những đêm không học ở trường thì chúng tôi tập trung ở một nhà người bạn trong nhóm mướn người mẫu để luyện thi hình họa. Có vài sinh viên trường vẽ khá tốt bụng thỉnh thoảng đến góp ý bài vở cho chúng tôi. Tôi đã học và làm việc như thế suốt nữa năm, trong khoảng thời gian này tôi luôn bị áp lực đè nặng: nếu thi rớt lần nữa tôi không thể tưởng tượng được mình sẽ làm gì trong một năm tiếp theo, chưa bao giờ tôi thấy cuộc đời mình đen tối đến vậy!
Hạnh phúc biết mấy ngày đi coi kết quả. Sáng hôm đó tôi và anh bạn trong nhóm đạp xe đến trường. Bạn tôi đã thật bình tĩnh khi thấy tên mình được đậu thủ khoa, trong khi ấy tên tôi lại đứng cuối bảng của nhóm thí sinh trúng tuyển thuộc tuyến thành phố nhưng tôi đã nhảy cẩng lên vì vui mừng không sao kể xiết. Việc bạn tôi thi đậu thủ khoa cũng là một "kỳ tích" vì anh cũng là loại thí sinh "tay ngang" như chúng tôi, chỉ khác một điều là mùa thi năm trước anh chỉ thiếu có nửa điểm! Những năm đó các sinh viên đậu thủ khoa đều được học bổng sang Liên Xô, những sinh viên này sẽ có một tương lai rất sáng lạn khi trở về nước làm việc. Thật không may cho thủ khoa của chúng tôi, anh đã không được cấp học bổng đi Liên Xô như những năm trước và sau đó. Chắc đây cũng là một "hữu duyên" vì hai năm sau đó chúng tôi đã trở thành người yêu của nhau trong suốt thời sinh viên!
Vừa học vừa "bơi" đủ kiểu!
Đó là một cụm từ dành cho những sinh viên chân ướt chân ráo mới vào trường chưa có kiến thức cơ bản về hội họa, chưa có kinh nghiệm sáng tác và chưa có khả năng tư duy như tôi.
Khi vào trường tôi mới biết rằng những kiến thức về chuyên môn của mình quá ít ỏi so với những người đã làm quen với cọ, màu và bút vẽ trước tôi khá lâu. Nhìn những bài hình họa của các sinh viên được đào tạo từ Trung Cấp hay từ trường Mỹ Thuật Đồng Nai mà tôi thật ngưỡng mộ cách họ xử lý hình khối, sáng tối, đậm nhạt rất tinh tế. Hồi mới vào năm thứ nhất tôi sợ nhất là hình họa vì tôi rất yếu về môn này, bù vào đó thế mạnh của tôi nói riêng và đám nữ sinh nói chung là giỏi về màu sắc, trang trí, bố cục... cũng nhờ thế mà tôi mới có cơ hội chen chân vào trường vẽ năm đó. Thế rồi do tự nỗ lực, tìm tòi và cố gắng mãi, đến bài thi Hình Họa Học Kỳ Hai chấm dứt năm học cơ bản tôi cũng đã "ghi bàn" được một điểm A+ cho bài hình họa của mình. Thật vui biết dường nào!
Từ năm đầu tiên chúng tôi đã làm quen với không khí chấm bài của trường sau mỗi mùa sinh viên đi vẽ thực tế. Đó thực sự là một ngày hội của đám sinh viên trường vẽ. Tôi nhớ mình đã từng ngẩn ngơ trước những tranh, những tượng, những bức phù điêu mà các sinh viên đã sáng tác trong lúc đi thực tế. Họ đã làm cho người xem vô cùng thích thú vì những tình cảm họ thể hiện trong tác phẩm của mình thật đa dạng và đầy sáng tạo.
"Cái đẹp" là một triết lý hết sức trừu tượng và học về cái đẹp thì cũng thật vô cùng! Mỗi sinh viên với mỗi cách tư duy sáng tạo, mỗi cách diễn đạt rất riêng trong tác phẩm của mình. Có thể nói những năm đầu mới vào trường tôi lúc nào cũng bị "đuối", mãi đến năm thứ ba tôi mới có thể đuổi kịp các bạn. Tôi còn nhớ bài đi thực tế năm thứ tư và năm cuối của mình được Hội Đồng chấm điểm 10 và được thầy Trưởng Khoa Sơn Dầu lúc đó, hiện nay là cựu Hiệu Trưởng của trường Đại Học Mỹ Thuật, đặc biệt khen ngợi!
Những kết quả học tập kể trên không chỉ riêng bản thân tôi mà tất cả những ai đã từng theo nghiệp vẽ đều phải tự nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ. Có thể khi người sinh viên vào được cánh cổng trường vẽ chỉ do may mắn vì có chút năng khiếu nhưng sau năm năm học tập để trở thành một người họa sĩ thực thụ đòi hỏi họ phải có một khả năng sáng tạo, một tình yêu nghề, yêu cái đẹp, yêu thương con người và tha thiết muốn góp phần làm đẹp cuộc đời.
Nơi đã nuôi dưỡng những trái tim biết yêu thương
Cho đến bây giờ, dù 30 năm đã trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ như in những buổi trưa oi ả với nón xùm xụp trên đầu tôi đã ngồi miệt mài hàng giờ để ký họa cảnh buôn bán trên bến dưới thuyền hết sức tấp nập tại chợ Cà Mau, mặc cho đám con nít và người lớn bu quanh xem chật cả một góc đường. Tôi cũng không thể nào quên được trên những chuyến phà bắc ngang sông Tiền, sông Hậu thời đó chúng tôi đã tranh thủ ký họa chân dung của các lão nông ngồi cạnh. Thỉnh thoảng có mấy em bé bán mía ghim, trà đá, đậu phọng rang, bắp luộc... thích thú chỉ chỏ bạn mình rồi nói: "Chị ơi "diết" thằng này một cái đi chị!". Có lẽ trong đầu của chúng không đủ hình dung được từ vẽ, chúng chỉ biết viết thành tranh nhưng do phát âm Nam Bộ thành "diết". Nghe cũng thật hoảng hồn!
Khoảng năm 1995, lúc đó chúng tôi đi thực tế ở Nhà Máy Xi Măng Kiên Lương thuộc tỉnh Kiên Giang, tại đây tôi đã quen với nhiều công nhân ở tận các vùng Kinh Tế Mới xa xôi ở miền Bắc khi họ gồng gánh nhau xuôi Nam lập nghiệp. Chỉ vì cuộc mưu sinh và muốn tìm cho mình một tương lai tốt đẹp hơn mà nhiều người đã bỏ mảnh đất yêu thương của mình để tìm đến một chân trời mới mà họ cho rằng "đất lành, chim đậu.
Cũng tại những vùng quê đã đi qua tôi có dịp nói chuyện với nhiều người dân cả cuộc đời gắn bó với miếng vườn, bờ ao, lũy tre, có lắm kẻ chưa bao giờ đặt chân đến Sàigòn và cũng không hề có khái niệm "muốn đi Sàigòn", Sàigòn đối với họ cũng xa vời như Luân Đôn, Ba Lê hay Hoa Thịnh Đốn... mặc dù Sàigòn chỉ cách họ có vài tiếng ngồi xe đò!
Thú vị nhất đối với tôi là lần đi thực tế năm thứ tư tại Nông Trường Bò Sữa tại Đức Trọng thuộc tỉnh Lâm Đồng- Đà Lạt. Lần đầu tiên tôi được nhìn tận mắt, rờ tận tay những chú bò sữa giống Hoà Lan. Mỗi chú bò đều có một cách "phối màu" và đốm trên mình hoàn toàn khác nhau. Cũng là những đốm với màu nâu hay đen nhưng không chú nào giống chú nào, mỗi chú đều có một ID riêng gắn vào lỗ tai để dễ nhận dạng. Rất nhiều hôm chúng tôi đã ngồi nhìn-lẫn-nhau hàng giờ với những đối thoại không-ai-hiểu-ai.
Khi ngồi vẽ những chú bò trước mặt mình, tôi chợt nghiệm ra rằng chú cũng là một chúng sinh như tôi, chỉ khác là tôi đang mang thân người với nỗ lực làm đẹp cuộc đời còn chú thì đội lớp bò và cũng đang góp phần nuôi dưỡng cuộc đời này bằng những dòng sữa của mình. Nhìn những chú bò hiền lành miệt mài ăn cỏ và nhẫn nại đứng oằn người cho người thợ vắt sữa đến cạn kiệt mà tôi thấy thương làm sao! Thế mới biết làm được thân người là một phước báu rất lớn của kiếp nhân sinh!
Gặp xác người vượt biển
Trong lần đi thực tế năm 1987 tại Vũng Tàu chúng tôi đã chọn đề tài về biển để làm bài thi tốt nghiệp. Tôi nhớ một buổi sáng đang ngồi vẽ thì từ ngoài khơi đưa vào một xác thanh niên chết trôi nằm úp mặt xuống nước. Tôi không thể nhìn được gương mặt của người thanh niên này nhưng qua vóc dáng tôi biết rằng anh ta còn rất trẻ. Có ai đó đã la lên:
- Xác vượt biên!!!
Một người ăn mặc giống dân chài đứng cạnh tôi bảo:
- Khoảng thời gian trước tụi tui thấy mấy cảnh này thường lắm, "nó" trôi đầy ở ngoài biển đến nổi không dám ăn cá luôn, giờ thì thỉnh thoảng mới thấy!
Nhiều người hiếu kỳ chạy đến, xem xong ai cũng chép miệng:
- Tội nghiệp quá! Hỏng biết con cái nhà ai...!?
Buổi sáng hôm đó tôi đã không tài nào vẽ tiếp được. Tôi đạp xe vô hồn như chạy trốn một nổi ám ảnh trong lòng. Cái xác chết trôi đã đè nặng trong ký ức tôi suốt nhiều ngày tôi tự nghĩ không biết người thanh niên kia có siêu thoát được không khi ước mơ đặt chân đến vùng đất tự do của anh đã không thành và tôi bỗng nhớ đến những lần vượt biên của mình, nếu không may mắn tôi cũng có thể bị ngồi tù hay đã trở thành một thây ma chết sình trôi dạt vào bờ như bao nhiêu người đã bỏ mình trên đường vượt biển. Hơn lúc nào hết tôi thấy thương thân phận những người Việt Nam của tôi như lúc này!
Năm năm học tại Đại Học Mỹ Thuật cho tôi nhiều trải nghiệm. Tôi đã lớn lên theo những mùa thực tế để khám phá và yêu thương từng vùng đất mình đã đi qua, những mảnh đời mình đã gặp, những cảnh vật mình đã thấy. Một chuyến đò ngang ở bến nước Tô Châu - Hà Tiên trong ráng chiều cũng làm tôi xao xuyến vì nét đẹp của thiên nhiên; một nụ cười của em bé thơ người dân tộc đen đủi trong rừng Cà phê ở Lâm Đồng hôm nào cũng đủ cho trái tim tôi rộn ràng hạnh phúc...Và cũng chính từ đó tôi hiểu được rằng không riêng gì tôi mà tất cả những người làm nghệ thuật đều mang một tình cảm đẹp trong người, nếu không có những tình cảm này chắc chắn họ sẽ không sáng tác được. Tôi nhớ đến câu nói bất hủ của Vincent Van Gogh: "Một bức tranh đẹp cũng như một nghĩa cử cao đẹp"!
Những bước thăng trầm khi ra tường
Năm 1998 chúng tôi ra trường không kèn không trống không có một buổi lễ tốt nghiệp như những sinh viên bây giờ. Trường vẽ thời bao cấp nghèo quá làm gì có tiêu chuẩn đãi ngộ chúng tôi đến thế. Suốt năm năm học trường đã chu cấp cho chúng tôi từ A đến Z nào là họa phầm, dụng dụ học tập, cho đến: gạo, đường, sữa, thịt v.v... Những thứ ấy bây giờ chẳng đáng gì nhưng 30 năm trước với bọn tôi thật vô cùng quý giá; ngược lại chúng tôi phải nhận nhiệm sở theo sự phân công của trường. Bản thân tôi đã về Xí Nghiệp Bao Bì gần nhà, bốn năm sau đó do Giám Đốc quản lý dỡ nhưng ăn hối lộ giỏi nên công ty bị phá sản! Lúc này chồng tôi cũng vừa mới đi Mỹ đoàn tụ gia đình, tôi thất nghiệp về nhà vừa vẽ áo dài, vừa trông con nhỏ, vừa đi học các khóa "đồ họa vi tính" đang "đổ bộ" vào Việt Nam khá rầm rộ. Sau đó tôi tìm được việc làm và lần lượt qua các công ty của Việt Nam cuối cùng đầu quân cho một tập đoàn quảng cáo hàng đầu Thế Giới của Nhật có chi nhánh rải rác khắp toàn cầu cho đến ngày theo chồng đi Mỹ vào tháng 4 năm 2000!
Hành trang đi Mỹ
Tôi đặt chân đến Mỹ lúc vừa qua sinh nhật thứ 38 được vài ngày. Tôi không còn trẻ khi quyết định một việc quá quan trọng cho cuộc đời mình, trước đó tôi đã suy nghĩ rất nhiều về việc có nên đánh đổi cả tương lai, sự nghiệp và gia đình chỉ để được làm-vợ-của-chồng-mình.
Thời gian tám năm xa cách với vài lần về thăm viếng vợ con của anh không đủ thuyết phục tôi phải hy sinh những cái mà mình đang có; hơn nữa tôi cũng đã quen với cuộc sống không chồng chỉ có công việc và con cái làm niềm vui! Nhưng rồi tôi nghĩ đến đứa con gái nhỏ của mình mà quyết định ra đi! Nếu ở lại Việt Nam với khả năng của mình tôi cũng có thể lo cho nó chu toàn, có thể nó cũng sẽ có một người cha khác thay vào vị trí của ba ruột đã vắng mặt tám năm qua, tất cả đều trong tầm tay của tôi! Nhưng trên tất cả, tôi muốn con mình được sống trong không khí tự do mà tôi đã bị mất, đã cố đi tìm nhưng chưa gặp. Đó là cái đang ở ngoài tầm tay tôi, chỉ có một cách duy nhất là tôi phải hy sinh bản thân mình để đổi lấy nó.
Hành trang tôi mang theo lên đường đi Mỹ nặng đầy một nổi nhớ: tôi nhớ gia đình, bạn bè, nhớ công việc...và từ trong sâu thẫm trái tim tôi vẫn nhớ về ngôi trường vẽ của mình với quãng đời đầy bóng mát! Sau đó vốn là người năng động và không thích đầu hàng trước nghịch cảnh nên tôi đã chấp nhận việc đi làm ca đêm suốt mấy năm ròng để buổi sáng đi học lớp ESL rồi lấy bằng Commercial Art với ước nguyện kiếm được một công việc làm thích hợp với ngành nghề của mình. Nhưng thật không dễ dàng chút nào vì từ thị trấn nhỏ chỗ tôi ở phải lái xe đến 1 tiếng rưỡi mới đến thành phố mới có việc làm thích hợp cho tôi. Đúng lúc ấy chồng tôi muốn chuyển công tác dọn về Texas sống, tôi ủng hộ ngay vì hãng của vợ chồng tôi gần Dallas, một thành phố lớn có nhiều triển vọng để tôi kiếm được job! Nhưng khi dọn xuống Texas thì kinh tế nước Mỹ bắt đầu đi xuống cộng thêm cuộc khủng hoảng toàn cầu khiến các nơi sa thải nhân viên hàng loạt. Bằng mọi giá tôi phải bám với công việc mặc dầu "chán chết" của mình nhưng nó ổn định, lương không tệ, benefit tốt do hãng lớn đang thời hưng thịnh nên nhân viên không sợ bị mất việc!
Vui với cái đang có!
Xem phim "Vượt Sóng " của Đạo Diễn Hàm Trần trong một phân cảnh hai người bạn gái trên đường vuợt biên gặp hải tặc bị xâm hại rồi tình cờ gặp lại nhau tại Mỹ. Cô gái trẻ đã hội nhập với cuộc sống mới khuyên người bạn của mình, vẫn còn ám ảnh bởi quá khứ như sau:
- Khi đến nước Mỹ nếu chị muốn sống hạnh phúc thì phải quên đi quá khứ của mình!
Tôi không có một quá khứ đau buồn chỉ vì cuộc sống hiện tại đã không như ý mình "vẽ" ra nên một thời gian dài tôi cứ tự giằn vặt mình như "trâu chậm uống nước đục". Chỉ đến một ngày kia sau khi đã trải nghiệm tâm linh tôi của mới "ngộ" ra rằng hạnh phúc lớn nhất của con người là biết an trú trong hiện tại!
Giờ thì tôi đã khác với tôi xưa. Nếu không gặp lại những người bạn cũ, không để đầu óc mình " buông thả" về quá khứ thì có lúc tôi cũng đã quên rằng 30 năm trước mình đã từng là một sinh viên trường vẽ với mái tóc dài đến gối nên bạn bè hay gọi là Thủy-Tóc-Dài. Và nếu không có cái e-mail của cô bạn cùng lớp bảo: " Thủy ơi, năm tới trường mình kỷ niệm 100 năm Trường vẽ Gia Định nhớ tranh thủ về chơi với bọn mình" thì có lẽ tôi không nhớ rằng đã có một thời mình cũng từng là họa sĩ! Đúng vậy! Tôi muốn cất cái tôi của ngày hôm qua vào ngăn tủ của quá khứ, khóa nó lại và vĩnh viễn cho nó nằm yên ở đó. Cái tôi của ngày hôm nay đã biết vui với những cái mình đang có, không buồn với những cái đã mất và cũng chẳng chờ đợi những cái chưa đến!
Tôi nhớ lại công việc của mình trước kia lúc nào cũng đầy ấp những áp lực, trách nhiệm từ công việc và những chiến dịch quảng cáo dày đặc. Giờ đây tôi thấy yêu thích cái công việc mà suốt bao lâu nay tôi đã chán ghét và muốn từ bỏ nó, đầu óc tôi hoàn toàn thảnh thơi không cần hơn thua, tranh giành, toan tính. Những gì làm được tôi đã cố gắng hết sức trong quá khứ rồi, bây giờ tôi sống chậm lại, có thời gian suy nghĩ quán chiếu bản thân mình hơn. Nếu người ta bảo "60 năm là một cuộc đời" thì tôi đã sống gần hết cuộc đời này rồi còn gì! Nhìn chung quanh mình sao tôi thấy ai cũng mang một nổi khổ rất riêng và cũng rất chung, không nổi khổ nào giống nổi khổ nào nhưng cùng là nổi khổ của chúng sinh. Do khổ, người ta ao ước được đến một đất nước xa xôi nào đó nơi mà không có nước mắt chỉ có nụ cười, không có bon chen giả dối chỉ có niềm hạnh phúc an lạc. Nhưng chỗ ấy xa xôi dịu vợi quá, nhiều người sẵn có tiền của phước báu họ chỉ việc leo lên máy bay đáp thẳng đến đó thật nhanh lẹ. Còn tôi, tôi chỉ có một chiếc xe cũ kỷ, cọc cạch trên đường thiên lý; muốn đến đó nhanh hơn tôi chỉ có cách duy nhất là vừa đi vừa tranh-thủ-kiếm-tiền để nếu cổ xe này có mục rã thì tôi sẽ có cơ hội tậu một "xế hộp" đời mới "xịn" hơn rút ngắn cuộc trành trình về vùng đất ước của mình. Nhưng dẫu sao tôi cũng may mắn hơn nhiều người đang cỡi xe ngựa, xe trâu hay đi bộ, với phương tiện di chuyển ì ạch kia thì biết đến bao giờ họ mới ra được khỏi chốn bất tịnh này?!
*
Hôm nay nhân 100 Năm Sinh Nhật Trường Vẽ xin chúc cho ngôi trường của tôi luôn vững vàng đi lên, tiếp tục cống hiến cho đời những họa sĩ đủ tài đức góp phần thúc đẩy ngành Mỹ Thuật của nước nhà sánh kịp với nền Hội Họa đương đại của thế giới.
Xin kính gửi đến thầy cô của tôi lòng biết ơn sâu sắc nhất và xin chúc cho những người đang làm công tác đào tạo tại trường luôn đầy nhiệt tình và tâm huyết để hướng dẫn lớp hậu duệ tiếp nối sự nghiệp của mình.
Đối với những người bạn đồng môn của tôi, dẫu còn tại quê nhà hay đang bôn ba nơi hải ngoại, dẫu còn đang bám với nghề hay đã rẽ sang một nghiệp khác, dẫu đang ở trên đỉnh cao danh vọng hay vẫn còn lận đận lao đao; nhưng tôi thật tin rằng với trái tim biết yêu thương và tính cách hồn nhiên của người nghệ sĩ họ sẽ đi qua cõi trần ai này một cách nhẹ nhàng, thanh thản và bình an.
Riêng bản thân tôi, dù hôm nay đã không còn theo nghiệp vẽ, dù cuộc đời đã trải qua khá nhiều thăng thầm nhưng trái tim tôi vẫn đập theo nhịp đập của người họa sĩ vẫn yêu tha thiết cuộc sống này và vẫn nuôi một hoài bão làm đẹp cuộc đời.
Nguyễn Bích Thuỷ
No comments:
Post a Comment