Thực tình, đọc báo QĐND là một kinh nghiệm không dễ dàng và thoải mái. Những lí giải trong tờ báo đó cùng với những giọng văn đặc thù làm cho người đọc cảm thấy như bị tăng huyết áp. Lại có những lí giải quan trọng mang tính khẳng định nhưng chứng cứ thì chưa được rõ ràng. Tiêu biểu cho tình trạng này là một bài phản ứng trước lời kêu gọi lập đảng chính trị mới của ông Lê Hiếu Đằng, tác giả Trọng Đức viết trên QĐND như sau:
“Thực tế, với tuổi đời như ông Đằng, chắc ông cũng thừa hiểu, trong thế giới hiện nay, hầu như chẳng có nước nào, kể cả những nước đang tự vỗ ngực là dân chủ và muốn áp đặt kiểu dân chủ của mình làm ‘khuôn vàng, thước ngọc’ cho toàn thế giới, cho phép tù nhân đang thụ án ra tù để đi thi đại học. Ở Việt Nam cũng vậy.”
Tôi e rằng phán xét của tác giả là một sai lầm nghiêm trọng. Ở các nước như Úc, Anh và Mĩ (những nơi tôi có chút kinh nghiệm), tù nhân có quyền ghi danh theo học tại các trường cao đẳng dạy nghề và đại học. Dĩ nhiên, họ chỉ theo học các chương trình hàm thụ. Mấy năm trước đây, báo chí Úc đưa tin về một tù nhân thuộc nhóm “tù nhân nguy hiểm” sau khi ra tù lấy liền một lượt 2 bằng đại học! Ở Anh cũng có khá nhiều tù nhân vừa thụ án vừa theo học đại học từ xa. Những chương trình học tù nhân hay theo đuổi là … luật. Ngoài luật khoa, các tù nhân còn thích theo học các chương trình về kinh tế và khoa học xã hội.
Chẳng những tù nhân được theo học đại học, mà Nhà nước và các đại học còn chủ động đem giáo dục đến cho họ. Chẳng hạn như ở bang Nam Úc, Đại học Flinders còn có chương trình dự bị đại học cho những tù nhân chưa có bằng trung học, để trong thời gian thụ án, họ có thể tiếp tục học đại học. Theo chương trình này thì giảng viên của trường đến tận nhà tù để giảng dạy. Họ nói đó là một chương trình độc đáo chỉ có ở Úc, nhưng tôi không rõ có thật sự Úc đi tiên phong trong việc đem giáo dục đại học đến tù nhân hay không.
Những nước đó (Úc, Anh, Mĩ) không “tự vỗ ngực là dân chủ”. Họ thậm chí còn không có những tiêu đề như “Độc lập, tự do, hạnh phúc” dưới quốc danh. Nhưng họ xem đem giáo dục đến tù nhân (không phải “giáo dục tù nhân” hay “cải tạo tù nhân”) là một vấn đề nhân quyền. Nói cách khác, dù trong môi trường mất tự do, nhưng tù nhân có quyền tự do được theo học. Còn phía nhà cầm quyền thì họ xem việc đem giáo dục đến tù nhân là một cách giúp cho họ nhận thức được cái đúng và cái sao, hay cũng là một hình thức giúp cho tù nhân hòa nhập với xã hội khi họ xong án tù phạt.
Báo chí và chính phủ các nước đó cũng chẳng phùng mang trợn mắt khi công dân họ có ý kiến khác chính phủ. Có thể các nước đó chưa biết đến câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh (“Dân chủ là để cho dân mở mồm ra nói. Dân chủ là đừng bịt miệng dân”) nhưng những gì xảy ra trong thực tế tại các nước đó đúng như câu nói nổi tiếng đó.
Bài báo còn có đoạn viết về dân chủ mà tôi nghĩ sẽ làm cho người đọc, kể cả người viết cái note này, lúng túng vì không biết logic đằng sau ra sao. Ví dụ như cách giải thích “Trên thực tế, dân chủ không phụ thuộc vào chế độ độc đảng hay đa đảng mà nó phụ thuộc vào bản chất chế độ cầm quyền phục vụ giai cấp nào.” Giải thích thế nào là dân chủ thì chắc đòi hỏi cả một bài luận văn dài, và trong thực tế đã có nhiều học giả giải thích về câu hỏi này. Cá nhân tôi thì nghĩ đơn giản là dân chủ cũng phụ thuộc vào thể chế đa đảng. Theo cách hiểu của tôi (và chắc nhiều người khác nữa), dân chủ là một hệ thống chính trị mà trong đó sự cạnh tranh quyền lực được diễn ra một cách công minh, là hệ thống chính trị mà người dân cho quyền chọn và truất phế người lãnh đạo và lãnh đạo phải có trách nhiệm với xã hội và người dân. Bởi vì bản chất là cạnh tranh, nên đa đảng là điều tất yếu. Còn nếu chỉ có một đảng thì cạnh tranh chỉ xảy ra trong nội bộ chứ không thể xảy ra ngoài đảng được, và rất khó xem đó là “dân chủ”.
Sẵn dịp, tôi tò mò tìm hiểu xem các Bách khoa từ điển VN định nghĩa dân chủ là gì, và phát hiện một vài khác biệt thú vị. Bách khoa toàn thư định nghĩa về dân chủ như sau: “hình thức tổ chức thiết chế chính trị của xã hội dựa trên việc thừa nhận nhân dân là nguồn gốc của quyền lực, thừa nhận nguyên tắc bình đẳng và tự do.” Sau đó, trang này còn định nghĩa/giải thích dân chủ xã hội chủ nghĩa như sau: “ […]DC xã hội chủ nghĩa là DC của đại đa số nhân dân, gắn với công bằng xã hội, chống áp bức bất công; được thực hiện trong thực tế trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, được thể chế hoá bằng pháp luật và được pháp luật bảo đảm. Đảng cộng sản là người lãnh đạo trong nền DC đó.” Định nghĩa này không dễ hiểu chút nào! Từ điển wikipedia định nghĩa dân chủ là một hình thức chính phủ mà tất cả công dân hợp pháp tham dự - qua người đại diện hay trực tiếp – một cách bình đẳng vào việc để nghị, phát triển và tạo ra luật pháp. Một thể chế dân chủ, theo wikipedia, là bao gồm các điều kiện xã hội, kinh tế và văn hóa cho phép người dân tham gia một cách bình đẳng và tự do vào việc tự lập chính trị. Còn Karl Popper, một triết gia về khoa học, định nghĩa dân chủ là đối nghịch với độc tài, chuyên chế; dân chủ là tạo cơ hội của người dân kiểm soát lãnh đạo của họ và truất phế lãnh đạo mà không cần đến một cuộc cách mạng. So sánh như thế thì thấy định nghĩa dân chủ của sách báo Việt Nam còn rất khác so với cách hiểu chung trên thế giới.
Nói đến tự do, tôi thấy thật là đáng ngại khi tác giả kết thúc bài viết bằng một câu văn so sánh con người với súc vật về tự do: “Con người không thể đòi quyền tự do cắn xé đồng loại như con vật, nói rộng ra, không thể ‘thích làm gì thì làm’ như con vật.” Tôi e rằng tác giả đã [cố tình?] hiểu sai ý nghĩa của hai chữ “tự do” trong bài của ông Lê Hiếu Đằng. Không một người có học nghiêm túc nào lại nói đến quyền “tự do thích làm gì thì làm như con vật”. Một xã hội tự do cho phép các thành viên trong xã hội quyền tự do làm những gì họ thích nhưng phải tôn trọng quyền tự do của người khác và tôn trọng đạo lí xã hội. Một cá nhân có thể tự do mạt sát người khác là súc vật nhưng sự mạt sát đó vi phạm đạo lí làm người trong một xã hội văn minh.
Theo tôi hiểu, ông Lê Hiếu Đằng đề cập đến tự do như là một ý tưởng chính trị, như tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, v.v. (Đâu có ai thấp đến độ nói đến tự do giết người!) Tự do tư tưởng và ngôn luận là môi trường tốt nhất để đi đến sự đồng thuận trong điều kiện bất đồng chính kiến. Không ai có thể nói đúng 100% và cũng chẳng ai nói sai 100%, nhưng trong một xã hội tự do báo chí, những ý kiến sẽ hoàn hảo hơn và hi vọng sẽ đạt đến chân lí. Chính vì thế mà trước đây Nguyễn Ái Quốc đã than rằng “Mãi tới bây giờ chưa có một người Việt Nam nào được phép xuất bản một tờ báo nào cả. Tôi gọi báo là một tờ báo về chính trị, về kinh tế hay văn học như ta thấy ở Châu Âu và các nước Châu Á khác chứ không phải một tờ báo do chính quyền thành lập.” Ông cụ mà sống lại chắc cũng không hài lòng với tình trạng hiện nay.
Nói tóm lại, ở vài nước phương Tây (và tôi tin là các nước khác ở châu Á), những nơi mà người ta không tự xưng là tự do và dân chủ, tù nhân có quyền tự do theo học đại học. Theo như ông Lê Hiếu Đằng thuật lại thì ngày xưa VNCH cũng cho phép tù nhân được ghi danh học hành một cách chính thống. Không có lí do gì một thể chế văn minh với tiêu chí “độc lập, tự do, hạnh phúc” mà không cho phép tù nhân quyền theo học đại học.
No comments:
Post a Comment