Monday, September 9, 2013

Đào sâu nỗi cần thiết của suy tưởng về nghệ thuật

Ở trên đã nói về sự cần thiết suy tưởng nghệ thuật. Bây giờ nói kỹ hơn. Tôi nghĩ thế này.Mày là một loại dị điểu. Càng cao, càng xa, càng nhanh là sự sống, là cuộc đời, là căn phần của mày. Bằng cánh lớn mở to, vượt qua hết những biển xanh, đồng ruộng, núi ngàn mặc dầu những buổi chiều sương mù, những cơn mưa đầu núi, những hờn giận cuồng phong. Để vươn tới, nếu chẳng nhắm vào rừng trăng mùa hạ, hoa trắng mùa xuân, hãy dựa theo mây xám, nương theo gió lạnh. Nếu cần, gọi sao đêm đậu vào đôi mắt, sóng lớn tụ vào đôi vai, nhưng đừng dừng lại, đừng bao giờ dừng lại. Lương thực sẽ thổi tan làn khói mệt mỏi là sự sống. Hãy nuôi dưỡng bằng chất sữa trắng tinh khiết đó. Không một sinh tố nào quý giá bằng chất sữa trắng tinh khiết đó vì nó là kết quả của sự tinh luyện bởi những yếu tố lạ lùng hơn những loài dị thảo ở cuối rừng. Biển và sự đam mê. Núi, rừng và niềm lo ngại. Những cảm xúc lửa bỏng, những đau xót kim châm, những cơn say cuồng nhiệt và buổi sáng bàng hoàng. Tất cả đã được pha chế với sự cân lượng chính xác bởi những ngón tay mầu nhiệm để mang lại cho nó vị đắng vị ngọt, thơm ngát và chua cay.
Đừng bao giờ dừng lại. Phải nhớ kỹ như thế.
Khi sừng sững trước một vách đá cao nhất của đỉnh cao nhất chẳng thể vượt qua, ấy là sự ngưng đọng, khô héo và tê liệt. Trong đôi chân hạ xuống, dưới đôi cánh khép lại, giữa cặp mắt phóng về phía sau, hãy nhìn thấy sự ngưng đọng, khô héo và tê liệt. Đó là hành trang được mang theo trong những ngày tháng khởi đầu cuộc hành trình. Sáng tác là búp non, lộc biếc, là hoa thơm, trái ngọt, là hoa hậu của cuộc dạ vũ ngàn đêm, mọi hình thức suy tưởng về nghệ thuật đều chỉ là lá vàng, cành héo, cây leo, là người đàn bà ế chồng. Sáng tác là vua. Cho nên, hãy chỉ trở về với suy tưởng nghệ thuật đó khi vị đại diện của Trời bị lật đổ bởi thời gian. Dừng lại mà nhìn ấy là ngưng đọng, khô héo tê liệt. Sáng tác cho thật khoẻ vào, ngoài nó chỉ là sự thấp kém. Chỉ có vùng phụ cận của thủ đô. Chỉ có cô phù dâu. Chỉ có chất gọi là rượu nhưng ở đáy cốc, chỉ có cái vừa và cái xoàng. Không hách.
*

Thời gian, với sự hỗ trợ của sự suy yếu thân thể, sự mệt mỏi tinh thần, vẫn không đủ sức mạnh làm chuyển đổi, trong tôi, vị trí của sự sáng tạo nghệ thuật và sự suy tưởng nghệ thuật. Chất bốc lửa, chất bùng nổ, cái cao nghễu nghện, cái rộng thênh thang, dưới mắt tôi, vẫn tập trung đầy đủ để mang lại cho sự sáng tạo nghệ thuật vị trí siêu việt. Chẳng thể viết một bài phê bình văn nghệ. Sống bằng nhan sắc của những người đàn bà khác, chán lắm. Chẳng thể nghiên cứu để xây dựng một lý thuyết văn nghệ. Mở thẩm mỹ viện để trau dồi nhan sắc cho những người đàn bà khác, mệt lắm. Nhưng thời gian, với những ngày đêm cung hiến cho sự sáng tạo cuồng nhiệt, cho tôi nhìn thấy rằng sự suy tưởng vệ nghệ thuật không phải chỉ gồm có phê bình văn nghệ và lý thuyết văn nghệ. Hơn nữa, những việc làm tự mãn, hãnh tiến của sự phán xét và truyền giảng không những không phải là tất cả sự suy tưởng về nghệ thuật, mà chỉ là sự suy tưởng phụ thuộc, sự suy tưởng hạng nhì. Ngoài chúng, còn có một hình thức suy tưởng về nghệ thuật khác. Dám gọi là sự suy tưởng đích thực về nghệ thuật. Cái sự suy tưởng bất khả phân với sáng tạo. Cái sự suy tưởng là điều kiện, là yếu tố, là thành phần của toàn thể sáng tạo. Như sự sống và suy tưởng về sự sống. Như mọi sinh hoạt của ý thức nhắm vào đối tượng rồi lại trở thành đối tượng, trở thành ý thức về chính mình để cho sự sinh hoạt khởi đầu kia, vừa mệt mỏi, lại thêm hơi thở, chất tươi, sức khoẻ. Trong khoa học chẳng hạn. Sự sống và sự suy tưởng về sự sống, khoa học và sự suy tưởng về chính nó như thế nào? Ăn, ngủ, thở đấy là sự sống. Nuôi dưỡng, bảo tồn, phát triển, sinh sản, đấy là sự sống. Khoan khoái và đau xót, rung động và đam mê, hoài niệm và ước mơ, phán đoán, suy luận, đó là sự sống. Người đàn ông thô sơ kia không phải chỉ thực hiện những động tác liên hệ đến việc nuôi dưỡng và phát triển cơ thể như những xung động vô thức của động vật. Có thể lúc đêm đi ngủ, buổi sáng thức giấc, có thể sau bữa ăn, có thể trong lúc uống ngọn gió lạ chợt vèo thổi vào nó, đem vào nó người lạ mặt chỉ tay vào những sinh hoạt thường nhật, nhìn nó dò hỏi. Người tuổi trẻ kia là thuỷ triều của những buổi trăng lên cao. Nó là con sóng trăm chân, chạy vội vã. Trong những lá thư và những cuộc hò hẹn đầu tiên. Trong những cuộc hò hẹn và đôi mắt mong đợi. Máu chạy vội vã trong cơ thể, ước vọng chạy trong mắt. Bằng cánh tay vùng vẫy, bằng hơi thở cuồng lưu, bằng môi hôn núi lửa, tất cả nó chạy vội vã vào cuồng nhiệt vào đam mê, vào sự sống. Nhưng, vào một lúc nào đó trong đêm, cùng với mặt trăng, thuỷ triều dừng lại, lẻn về phía sau rồi bỏ đi lẳng lặng. Cùng với thuỷ triều, sự hô hấp và tuần hoàn của người tuổi trẻ trở nên điều hoà và nó, một mình, chợt nhìn vào ban đêm. Đừng nghĩ bi thảm rằng sự cô đơn đã bủa vây lấy nó, rồi chốc nữa, sáng mai nó sẽ bỏ lên núi cao, đi đến những xứ sở thật xa, tìm kiếm hòn đảo thật hoang vắng. Có thể, nhưng không chắc. Có thể sự cô đơn đã đến sớm. Có thể là những ý nghĩ hân hoan mang lại cho nó hơi sức để sáng mai chạy khoẻ hơn, mau hơn trong tình ái đam mê, trong sự sống bùng cháy. Nhưng chắc chắn là nó đã nghĩ, không phải là chỉ sống. Sống và nghĩ về sự sống. Và nhận thức về chính sự sống, ý thức về chính ý thức, dưới ngón tay tài ba của một số người, đã trở thành những công trình kiến trúc lớn. Socrate sau khi phóng nhận thức, qua những cuộc đối thoại, về cái Thiện, về cái đẹp, về tình ái, đã biến nhận thức thành một đối tượng và nhận thấy rằng “chỉ biết một điều là chưa biết gì cả” vì như thế ít ra không rơi vào vực thẳm “không biết mà không biết rằng mình không biết”. Những Descartes, Hegel, Bergson đã nói nhiều đến ý thức về ý thức, và gần chúng ta hơn, các nhà văn, một Camus, một Shakespeare, một Tản Đà đã không bằng lòng chỉ sống thôi, đã nêu lên những câu hỏi về chính sự sống. “Đời có đáng sống hay không” đã được viết ở trang đầu của Le mythe de Sisyphe. Trong sự ghen tuông, sau tiếng sét ái tình, những Roméo và những Othello đã đi vào thế giới kinh hoàng của “nên có hay không nên có”. Và giữa hai giấc mộng, khi “chén quỳnh” được cất lên, những người bạn “tri âm” của hôm qua, hôm nay và ngày mai đã, đang và sẽ còn nghe thấy câu hỏi: “Đời đáng chán hay không đáng chán”. Sống và suy tưởng về sự sống, ý thức về ý thức không phải là đồ trang sức, hay căn bệnh của sự sống. Nó không phải là cái-bám-vào-sự-sống. Nó chính là thành phần, là yếu tố cấu tạo của sự sống, chính là sự sống. Không có nó sự sống chỉ còn là sự sống thảo mộc, sự sống động vật, không có chữ S hoa. Anh muốn chỉ-sống-thôi, không nghĩ về sự sống sự suy tưởng để bao giờ già sẽ hay. Anh đã suy tưởng về sự sống khi chủ trương sống đã, nghĩ sau. Đó là một khẳng định, xác nhận, phán đoán, là một quan niệm sinh ra bởi sự suy tưởng về sự sống và hơn nữa “suy tưởng về sự suy tưởng về sự sống có một tương quan tai hại cho sự sống cho nên chỉ sống thôi, không suy tưởng về sự sống. Kierkegaard khi nói “tôi suy nghĩ vậy tôi không hiện hữu nữa”, đã xác nhận một lối hiện hữu, và sự xác nhận đó là kết quả của sự suy tưởng về sự hiện hữu, về tương quan giữa sự suy tưởng và sự sống. Như thế, suy tưởng là một thành phần, là yếu tố của sự sống chứ không phải là cái-bám-vào-sự-sống. Một vài nhà tư tưởng, như Heidegger, còn cho rằng đó chính là bản chất của con người. Con người là sinh vật duy nhất biết thắc mắc về chính nó, biết tìm kiếm về bản chất của chính nó, về hữu thể, vậy phải chăng bản chất của con người là biết thắc mắc về bản chất của chính nó.Khoa học, một sinh hoạt của tinh thần, một phạm vi của văn hoá, cũng như sự sống mà nó là sản phẩm, đã chứng tỏ rằng những nhận thức khoa học, sau khi hướng về đối tượng, lại trở thành đối tượng của nhận thức và sự nhận thức về nhận thức, sự suy tưởng bậc hai đó thường có giá trị của nhịp thở tiếp sức dài hơi, nguồn cảm hứng mới, động lực của những khám phá, phá minh kế tiếp. Những nhận thức triết lý khoa học của những Bacon, Descartes, Claude Bernard, H. Poincaré, Goblot đã mang lại những ảnh hưởng tốt cho khoa học đến sau. Không phải các nhà triết học và khoa học kể trên thiết lập những quy tắc, luật lệ dạy dỗ các thiên tài khoa học thực hiện những khám phá, phát minh. Không có sự “dậy dỗ”, đào luyện thiên tài, sản xuất khám phá, phát minh như những dụng cụ kỹ thuật dây chuyền, tất nhiên. Nhưng nhận thức để lại đó cho phép người đến sau không phải đi qua những đoạn đường đã đi rồi, phung phí sức lực tìm kiếm những kinh nghiệm đã đắc thủ bởi người đi trước. Và nhất là, sự nhận thức về những giai đoạn của phương pháp khoa học mà mình đã đi qua, giá trị của những nhận thức khoa học đã thâu lượm được sẽ giúp cho chính mình thoát khỏi sự dò dẫm, loại bỏ được những động tác vụng về, rồi từ những mảnh đất đã chiếm đoạt được và đã khai quang được dùng làm bàn đạp thực hiện những cái nhảy cao và xa. Phương pháp luận của Descartes, Y học thực nghiệm nhập môn của Claude Bernard, những nhận thức về phương pháp thực nghiệm và phương pháp toán học của những Bacon, H. Poincaré, Goblot chính là những mảnh đất bàn đạp đã được sử dụng hoặc bởi chính các nhà tư tưởng ấy hoặc bởi những người đến sau để hình thành những khám phá và phát minh giá trị. Bởi đó, khoa học hiện đại vừa mang lại những phát minh mới lạ với những Einstein, Niels Bohr, Heisenberg, Louis de Broglie, nhà triết học G. Bachelard đã nhận thức về những nhận thức đó. Về thuyết tương đối, về nền toán học không–Euclide, nền cơ học không-Newton, về hình học vị tướng, thuyết các nhóm và thuyết các tập hợp, để rút tỉa lấy những bài học quý giá về cái mà ông gọi là “tinh thần khoa học mới” (un nouvel esprit scientifique), về triết lý về cái không (philosophie du non), về một chân lý “gần đúng”, cái trái ngược với tinh thần tuyệt đối, tinh thần tôn sùng khoa học vạn năng của những tay vị khoa – học thế kỷ thứ 19.
Nghệ thuật, cũng như sự sống bất khả phân với sự suy tưởng về sự sống, khoa học gắn liền với sự suy tưởng về sự sống, khoa học gắn liền với sự suy tưởng về khoa học, chẳng thể tách rời khỏi được sự suy tưởng về nghệ thuật. Cái toàn khối ấy, mượn một hình ảnh của Platon đã dùng để nói về sự gắn liền, sự tương quan mật thiết giữa khoái lạc và đau khổ, chính vì thần linh chẳng thể chia lìa nên buộc chúng vào nhau. Như hai anh em liền lưng.
Lịch sử văn học nghệ thuật và sự suy tưởng về nghệ thuật đã nói lên sự dính chặt đó. Hãy nhìn vào lịch sử thi ca (chọn thi ca để nhìn vì các nhà thơ thường được coi là những người mà mọi sinh hoạt của lý trí, của suy luận thường phải nhường chỗ cho tình cảm và trực giác). Vả lại, ở trên đã nói tới các trường hợp này. Bây giờ nhắc lại, nó tiện. Ronsard, Malherbe, V. Hugo, Beaudelaire, Claudel, Valéry, Breton không phải chỉ là những nhà thơ lớn mà còn là những tác giả sáng chói của tư tưởng thi ca. Cũng như Nguyễn Du, Tản Đà, Xuân Diệu cùng với sự sáng tạo đã suy tưởng về sự sáng tạo. Trong những cây số cuối cùng của cuộc hành trình dài mang tên Đoạn trường tân thanh, họ Nguyễn đã dừng lại, vút bay lên cao, ném cái nhìn bao quát về phía sau để tóm thâu lấy trận mạc, hiên Lãm Thuý và sông Tiền Đường. Lời quê góp nhặt dông dài, mua vui cũng được một vài trống canh. Ấy là nhận định về cứu cánh của nghệ thuật hay chỉ nói lên lòng khiêm tốn trí thức về cứu cánh của nghệ thuật? Ấy là nhận thức về bản chất, kỹ thuật thi ca hay cái nhìn bất mãn của nghệ sĩ soi chiếu tàn nhẫn vào vùng sâu thẳm nhất của tác phẩm của chính mình? Ấy là sự tự phê chân thành hay niềm cô đơn của người sáng tạo? Có đúng Truyện Kiều của Nguyễn Du chỉ gồm những lời quê hay không? Kiến trúc tiểu thuyết thi ca như thế phải chăng chỉ là sự góp nhặt dông dài – Tác dụng của nghệ thuật phải chăng chỉ là mua vui? Xuân Diệu có tiếp nối quan niệm của thi sĩ Tiên Điền và Malherbe, tác giả của thành ngữ arrangeur de syllabes, hay không khi đi vào thơ tám chữ với “nghề lựa chữ ôi một trò trẻ nhỏ, Dăm câu vui đắp đổi mấy câu sầu…“. Dù sao sự suy tưởng về nghệ thuật đã xen lẫn, đã có mặt ngay trong sự sinh hoạt sáng tạo nghệ thuật của những nhà thơ đó. Với Tản Đà và Thế Lữ, sự suy tưởng về nghệ thuật còn rõ rệt hơn nhiều: nó trở thành một đề tài của sự sáng tạo nghệ thuật. Trong buổi “Hầu trời”, người làng Khê Thượng đã hoá thành Thượng Đế để phán đoán về giá trị tác phẩm của Tản Đà, từ hai quyển Khối tình đến Đài gương, Lên sáu, bằng từ ngữ “văn thật tuyệt” để sau đó phẩm bình về lời vănkhí văn, sự dịu êmtinh khiết, đầm ấmlạnh lùng của lời văn và khí văn của Khắc Hiếu, họ Nguyễn. Rồi người “quê ở Á châu về địa cầu, sông Đà, núi Tản, nước Nam Việt” đó còn mượn lời của Trời để nói về cái, theo ngôn ngữ của văn nghệ hiện đại, gọi là sứ mệnh văn nghệ, mà Tản Đà xác định là sự bảo vệ và phát huy “Thiên lương” Tác giả Mấy vần thơ trong bài “Cây đàn muôn điệu” cũng đã thực sự lấy chính nghệ thuật làm đề tài sáng tạo, lấy sự suy tưởng về nghệ thuật làm chất liệu sáng tạo. Thế Lữ xác định tính chất của cái Đẹp muốn được vẽ bằng bút mượn của nàng Ly tao, như thế đã đi hẳn vào trọng tâm của Thẩm mỹ học.
Sự suy tưởng về sự sáng tạo, dưới ngòi bút của các nhà thơ Pháp chẳng hạn, xuất hiện rõ rệt hơn nữa dưới hình thức của bài thơ, bài tựa, bài giảng, diễn văn hay tác phẩm quy mô. Từ thời Phục Hưng, Du Bellay, trong nhóm Pléiade, đã để lại Deffense de la langue française, với những bài tựa, vớiDiscours sur le poème dramatique, Boileau với Art Poétique, đã để lại quan điểm nghệ thuật của phái cổ điển. Rồi Chénier với ý tưởng “bình cũ rượu mới”, Hugo của phái lãng mạn với “nhiệm vụ của thi sĩ”, Préface de CromwellLe conte de Lisle, phái Thi sơn với bài tựa của Poème Antique, Banville, vớiTraité de poésie, những bài thơ “L’Art”, “Le saut du tremplin” đã đề cập đến những vấn đề mà một Sartre sẽ gọi là viết để làm gì, viết như thế nào, viết cho ai. Kỹ thuật thi ca, bản chất thi ca, cứu cánh của thi ca, thế nào là đẹp, những vấn đề này được Beaudelaire với Salon de 1845Salon de 1849, Verlaine với “Art poétique”, Claudel với “Positions et propositions”, Valéry với Variétes và những bài giảng ở College de France mang tên Poétique, A. Breton với tuyên ngôn của phái siêu thực, lần lượt đi sâu, khai phá. Và tính chất phong phú của những suy tưởng về sự sáng tạo thi ca đó không còn là vấn đề cần biện minh. Sự phát triển của văn chương Pháp đã mang nặng dấu vết của những lời bênh vực Pháp ngữ đối với La ngữ của nhóm Pléiade, bài học kinh nghiệm của Malherbe còn tồn tại đến thế kỷ của những nhà thơ lãng mạn, Beaudelaire với những nhận thức về thi ca, quan điểm về thẩm mỹ, đã mở đường cho thi phái tượng trưng và tiếng nói của Claudel về thơ tự do, Valéry về bản chất của ngôn ngữ thi ca, Breton với thuyết siêu thực còn dõng dạc trong những ngày tháng hiện đại.
Nghĩ và nói về nghệ thuật tất nhiên không nhằm mục đích phán xét hay truyền giảng vì sự tổng quát hoá và hãnh tiến đó giết chết nghệ thuật, là chất độc làm tê liệt, khô héo dần mòn. Đó có thể là sự tin tưởng hay tìm kiếm. Rồi sức nóng của sự tin tưởng lan rộng, thế giới của sự tìm kiếm cá nhân được sự gia nhập của đồng bạn. Không được hơn, hơn thì quá. Sự suy tưởng đó phải được thực hiện bởi chủ thể, cho chính chủ thể và cứu cánh, như thế, sẽ chỉ là sự sáng tạo của chính mình. Cái nghĩ có được nói lên cũng cốt để được nghe nói lại và tiếng nói lại ấy sẽ là mũi nhọn đẩy cái nghĩ đi nữa, đến cái nghĩ mới và tất cả những tảng đá ấy sẽ không thừa cho kiến trúc nghệ thuật khao khát được hình thành, cho sự sáng tạo xứng danh. Cái nghĩ ấy quả thật chẳng thể nào không có. Quả thật, đã có, đang có và sẽ có. Nghĩ về sự cấu tạo thi ca của Nguyễn Du, về ngôn ngữ của Hồ Xuân Hương, tình bạn của Nguyễn Khuyến. Nghĩ về Thơ Mới. Nghĩ về kiến trúc thơ tự do. So sánh sự sử dụng hình ảnh, từ ngữ, vần điệu cổ điển và hiện đại. Nghĩ về những bài thơ hay, những quan điểm thi ca của các nhà thơ thế giới. Và những người gần gũi. Bạn bè và đối thủ. Sự phê bình chụp mũ, sự bôi nhọ cá nhân, sự tôn sùng lố bịch. Sự đứng lại của người này và tiến vọt của người kia. Vẻ đẹp của bài thơ đăng báo hàng ngày đột nhiên đọc thấy. Ánh sáng ý thức còn và chiếu thẳng vào đúng cân não của tâm hồn mình, về cái viết đã có và cái viết muốn có. Cùng với cơn mưa ban đêm, câu hỏi chợt đến: làm thế nào để đừng nhắc lại chính mình, sau khi đã vượt qua giai đoạn nhắc lại kẻ khác? Những yếu tố sinh lý, xã hội, tâm lý nào đã là nguồn khởi phát sự sinh hoạt của tưởng tượng sáng tạo? Những kỹ thuật nào đã được sử dụng? Mình muốn chứng minh gì? Làm thế nào để hơn và khác? Những dấu hỏi cuồng lưu này không độc lập với sự sáng tạo mà nằm ở trong cái kén kỳ diệu đó. Những thắc mắc, lo âu, tìm kiếm là hơi thở của sáng tạo chân đi. Không đợi khi đôi cánh đã hạ xuống, đôi chân dừng lại mệt mỏi, không đợi “già rồi hãy nghĩ” dù có thể, bởi vì khi sự khô héo đã đến, sự sống đã rút đi, hình ảnh của nó để lại chắc mờ nhạt lắm, sự suy tưởng sẽ chẳng thể tươi thắm, rõ ràng. Và hơn nữa, bởi vì, không tham vọng tổng quát hoá sự suy tưởng về nghệ thuật, với chính mình, chỉ cần thiết bây giờ để trong chuyến bay không mừng rỡ vượt qua núi cao khi chỉ lướt qua ngọn cờ, sung sướng đã đi xa khi phi đạo hình tròn. Bởi vì, trên vùng cao của sự sáng tạo đích thực ấy, ánh sáng ném xuống tuyết trắng sáng chói nên sự vận dụng thị giác thiếu tinh luyện có thể đem lại ảo ảnh.

Nguồn: Nguyên Sa, Một bông hồng cho văn nghệ, NXB Trình Bày, Sài Gòn, 1967.

No comments:

Post a Comment