Monday, May 20, 2013

Đừng sờ thấy u là nghĩ ung thư



Thay đổi sợi bọc tuyến vú
Em 34 tuổi, gần đây em phát hiện vú mình bị đau, sờ vào thấy có cục cứng, rất khó chịu, vừa nhức vừa có cảm giác nóng rát. Em khám ở bệnh viện thì bác sĩ bảo bị thay đổi sợi bọc tuyến vú. Xin hỏi bệnh này có nguy hiểm, có thể sinh con được không? Bệnh có liên quan với ung thư vú không?
(Mỹ Linh, facebook2010@...)
Bị nang tuyến vú có bị ung thư không? Tôi có dùng thuốc nội tiết vì đang chữa hiếm muộn. Nghe nói dùng thuốc nội tiết nhiều dễ bị ung thư vú?
(Quỳnh Thư, phquynhthuvn@...)
“Thay đổi sợi bọc” là tình trạng tăng sản quá mức mô tuyến và mô sợi trong vú gây ra căng, đau hoặc tạo các bọc trong vú. Còn có tên gọi khác là “xơ nang tuyến vú”, do rối loạn nội tiết tố nữ, thường ở phụ nữ 30 – 50 tuổi. Khoảng 90% phụ nữ tuổi tiền mãn kinh có thay đổi sợi bọc. Thay đổi sợi bọc được quan tâm nhiều vì có liên quan đến ung thư vú và cũng thường bị chẩn đoán nhầm với ung thư. Thay đổi sợi bọc thường có biểu hiện dưới dạng một hay nhiều cục “u” hoặc mảng chắc giống như ung thư. Trong thay đổi sợi bọc có thể có kết hợp của ba hình thái, gồm: nang, hoá sợi và tăng sản biểu mô.
Nang vú thường chứa dịch màu vàng, có thể xuất hiện vào khoảng 1 – 2 tuần trước kỳ kinh, có giới hạn rõ, di động, có thể gây cảm giác căng đau nếu chứa dịch nhiều hoặc bị nhiễm trùng, có thể nhỏ đi hoặc tự biến mất sau khi có kinh. Có thể có một hay nhiều nang (đa nang), ở một hoặc cả hai vú. Nang vú thường lành tính. Nếu nang lớn hoặc làm bệnh nhân lo lắng, khó chịu, căng đau, bác sĩ có thể chọc hút dịch trong nang. Nếu nang đau và làm khó chịu nhiều kể cả sau khi đã chọc hút xẹp thì dùng thuốc giảm đau thông thường.
Hoá sợi của vú là mảng hay khối đặc, nhỏ vài centimet, giới hạn không rõ, thường ở 1/4 trên ngoài của vú, đau nhẹ trước mỗi kỳ kinh.
Tăng sản ống tuyến vú thường biểu hiện dưới dạng mảng hay khối đặc (không chứa dịch), kích thước 1 – 4cm, có thể chỉ có một mảng nhưng thường có nhiều mảng ở một hoặc hai vú. Các mảng này giới hạn không rõ ràng, mật độ chắc hơn tuyến vú xung quanh, đau khi ấn, thường thay đổi theo chu kỳ kinh: gần ngày có kinh, kích thước sẽ to hơn và đau hơn. Sau khi có kinh, kích thước các mảng sẽ nhỏ lại và đau cũng sẽ giảm. Chỉ có dạng tăng sản ống tuyến vú cần được lưu ý theo dõi kỹ dù chỉ có rất ít bệnh nhân bị dạng này có ung thư vú.
Thay đổi sợi bọc không ảnh hưởng đến việc có con, cho con bú mẹ. Đa số trường hợp thay đổi sợi bọc sẽ tự khỏi. Chỉ có một số ít cần được mổ (tiểu phẫu) nếu tính chất trên lâm sàng, siêu âm hoặc/và nhũ ảnh không thể phân biệt được với ung thư. Sau mổ, xét nghiệm giải phẫu bệnh sẽ giúp có chẩn đoán xác định.
Điều cần lưu ý là khi đã có thay đổi sợi bọc tuyến vú thì tránh dùng thuốc có nội tiết tố nữ lâu ngày (ví dụ thuốc ngừa thai, nội tiết tố thay thế dùng cho tiền mãn kinh...) Các thuốc này có thể làm thay đổi sợi bọc nặng hơn trong một số trường hợp, dù rất hiếm thành ung thư.
Phòng ngừa ung thư vú
Mẹ chồng tôi cách đây năm năm đã cắt vú bên phải do bị ung thư giai đoạn đầu. Hàng năm, mỗi sáu tháng bà đều đi xét nghiệm và kết quả rất tốt. Vậy hiện nay mẹ chồng tôi đã qua giai đoạn nguy hiểm chưa? Con gái tôi sau này có nguy cơ cao về ung thư vú không? Có biện pháp gì để phòng ngừa cho bé sau này không?
Bích Tuyền (bichtuyen2009@.... )
Để đánh giá mức độ thành công trong điều trị bệnh ung thư nói chung, ung thư vú nói riêng, người ta thường sử dụng mốc thời gian năm năm từ lúc bệnh nhân được điều trị. Bởi vì hầu hết ung thư đều dễ bị tái phát, di căn và có thể gây tử vong trong năm năm. Sau thời gian đó càng lâu thì nguy cơ tái phát, di căn, tử vong càng thấp, cơ hội khỏi hẳn càng nhiều. Tuy nhiên, tuỳ mỗi loại ung thư, tuỳ cơ địa của mỗi bệnh nhân mà nguy cơ bị tái phát, di căn, tử vong cũng khác nhau. Đối với ung thư vú giai đoạn 1 như trường hợp của mẹ chồng chị, được điều trị đúng cách thì cơ hội khỏi bệnh khoảng 80 – 90%. Để hạn chế tình trạng tái phát, di căn, thì sau khi điều trị đầy đủ rồi, có một số cách như sau:
Dùng thực phẩm lành mạnh với nhiều rau củ quả, bớt dùng thịt đỏ, mỡ. Bớt dùng những loại thực phẩm có nhiều chất bảo quản và bảo quản lâu ngày. Không uống rượu, không hút thuốc lá…
Giữ thể lực tốt bằng cách tập một môn thể dục phù hợp với tuổi, với cơ thể.
Bà cũng nên đi khám sức khoẻ định kỳ, không chỉ để theo dõi tình trạng ung thư vú mà còn tìm và điều trị các bệnh khác của người cao tuổi.
Con gái của chị “thừa kế” di truyền sau chồng chị nên cũng có thể mang gen ung thư vú của bà nội, nhưng tỷ lệ mang gen rất thấp. Nhưng chị không nên quá lo, vì ngay cả cháu có mang gen cũng không chắc sẽ mắc bệnh. Vì để một ung thư xuất hiện cần có nhiều yếu tố tác động. Cho đến nay, chưa có cách nào phòng ngừa hoàn toàn. Khi cháu được khoảng 30 tuổi trở lên, cháu nên đi khám định kỳ tại bác sĩ chuyên khoa và có lối sống lành mạnh.
GS.TS.BS NGUYỄN SÀO TRUNG
Để sớm phát hiện ung thư vú
Mỗi tháng nên tự khám vú, tốt nhất là trong vòng một tuần sau khi vừa sạch kinh. Nếu đã mãn kinh thì nên chọn một ngày cố định trong tháng. Dùng đầu ngón tay kiểm tra toàn bộ vú hai bên, từ trên xuống dưới và cả vùng hố nách. Qua những lần đầu tự khám, phụ nữ sẽ cảm nhận, làm quen được với mật độ mềm hay chắc hay lổn nhổn ở vú và nếu có bất kỳ một sự thay đổi nào trong vú sẽ được nhận ra ngay. Khi phát hiện có “chuyện lạ” trong vú, cần đến bác sĩ khám và theo dõi ngay.
Phụ nữ sau 30 tuổi nên đi khám vú (khám lâm sàng, siêu âm) định kỳ sáu tháng tại các nơi có khám chuyên khoa. Không nên để nỗi lo vô cớ ám ảnh tâm trí, đến nỗi sờ vào đâu thấy là lạ cũng nghĩ mình bị ung thư. Điều cần lưu ý là khi phát hiện khối u trong vú cũng đừng quá sợ hãi vì đa số các khối u này là những tổn thương lành tính.

No comments:

Post a Comment