Saturday, March 16, 2013

Cùng một rọ... dễ phạt!


(Tâm lý chung, người dân sẽ tiếp tục “ngoài vòng pháp luật” như thế, chấp nhận “hên xui” theo kiểu nếu chẳng may bị bắt thì đành chịu phạt rồi làm thủ tục luôn, còn không, dại gì tự đưa hồ sơ ra để bị phạt nặng!)


Câu chuyện phạt "xe không chính chủ" tiếp tục thu hút nhiều ý kiến về tính thực thi của quy định này.
Gom để... dễ phạt!
Ngày 1-3-2013, lãnh đạo bộ Công an ký ban hành hai thông tư 11 và 12, cùng có hiệu lực từ ngày 15-4-2013. Cụ thể, hướng dẫn việc xử phạt một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó có hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định, thông tư 11 yêu cầu cảnh sát giao thông không được dừng xe để kiểm soát, xử lý hành vi này. Việc xử lý chỉ được thực hiện khi phát hiện hành vi vi phạm thông qua công tác đăng ký, cấp biển số; điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; các trường hợp phương tiện vi phạm bị tạm giữ theo quy định và qua điều tra các vụ án hình sự.
Trong khi đó, thông tư 12 quy định từ ngày 15-4-2013 đến ngày 31-12-2014, việc giải quyết đăng ký xe đối với trường hợp xe đã đăng ký, chuyển nhượng qua nhiều người sẽ được thực hiện với thủ tục cực kỳ đơn giản, theo hướng cho người đi đăng ký tự cam kết.
Do thời hiệu xử phạt của thông tư 11 và thời hiệu giải quyết đăng ký xe đối với xe đã qua nhiều đời chủ của thông tư 12 là cùng lúc, nên thực chất, không cần cảnh sát giao thông phải dừng xe nhằm phát hiện và xử phạt mà người có xe “không chính chủ” vẫn sẽ tự “lạy ông tôi ở bụi này” và sẽ phải bị phạt với mức phạt khá cao (theo nghị định 71/2012, mức phạt là 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng đối với xe gắn máy; 6 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với ôtô) khi theo khuyến cáo sẽ giải quyết cho sang tên xe với “thủ tục đơn giản theo hướng cho người đi đăng ký tự cam kết” mà thông tư 12 đã nêu.
Với quy định của hai thông tư trên, dư luận không thể không đặt câu hỏi: liệu đây có phải là một cái bẫy gom những người có xe chưa sang tên đổi chủ vào một nơi để phạt cho dễ và không bỏ sót?
Một nửa Thông tư 12 là khó thực thi
Căn cứ theo các văn bản pháp luật hiện hành về lệ phí trước bạ thì có đến 50% nội dung của thông tư 12/2013/TT-BCA sẽ không thể nào thực hiện được.
Cụ thể, theo quy định của thông tư, chứng từ cần thiết để đăng ký xe trong trường hợp không có “Chứng từ chuyển nhượng xe” là “Chứng từ nộp lệ phí trước bạ theo quy định”. Tuy nhiên, theo quy định tại thông tư 28/2011/TT-BTC để có thể nộp lệ phí trước bạ thì người dân lại buộc phải có “Giấy tờ chuyển giao tài sản được ký kết giữa bên giao tài sản và bên nhận tài sản".
Điều 17. Khai phí, lệ phí. 1. Khai lệ phí trước bạ: (...) c) Hồ sơ kê khai lệ phí trước bạ tài sản khác theo quy định của pháp luật về lệ phí trước bạ (trừ tàu thuyền đánh cá, tàu thuyền vận tải thủy nội địa, tàu biển thiếu hồ sơ gốc hoặc đóng mới tại Việt Nam nêu tại điểm e khoản 1 Điều này), gồm: - Tờ khai lệ phí trước bạ theo mẫu số 02/LPTB ban hành kèm theo Thông tư này; - Hoá đơn mua tài sản hợp pháp (đối với trường hợp mua bán, chuyển nhượng, trao đổi tài sản mà bên giao tài sản là tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh); hoặc hoá đơn bán hàng tịch thu (đối với trường hợp mua hàng tịch thu); hoặc quyết định chuyển giao, chuyển nhượng, thanh lý tài sản (đối với trường hợp cơ quan hành chính sự nghiệp nhà nước, cơ quan tư pháp nhà nước, cơ quan hành chính sự nghiệp của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp không hoạt động sản xuất, kinh doanh thực hiện chuyển giao tài sản cho tổ chức, cá nhân khác); hoặc giấy tờ chuyển giao tài sản được ký kết giữa bên giao tài sản và bên nhận tài sản có xác nhận của Công chứng hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền (đối với trường hợp chuyển giao tài sản giữa các cá nhân, thể nhân không hoạt động sản xuất, kinh doanh).
Nói cách khác, để người dân thực hiện thủ tục đăng ký sang tên xe khi không có “chứng từ chuyển nhượng xe” thì người dân buộc phải có “chứng từ chuyển nhượng xe”. Quy định đánh đố kiểu “trứng có trước hay gà có trước” như thế này thì làm sao người dân có thể áp dụng vào thực tế?

No comments:

Post a Comment