Chỉ có những nhà phân phối ở thị trấn Năm Căn mới đo lường được ảnh hưởng của ghe hàng chợ trôi - kiểu mua bán đặc thù ở vùng sông nước cực nam - tới mức nào. Những người tự nguyện sắm ghe máy, tự lo vốn để lấy hàng bán tới mép biển, bìa rừng, rạch mút… nói họ chỉ bán hàng Việt.
Trục xoay từ nhà phân phối
Nhà phân phối “cô Heng” có hai kho hàng ở ven sông và trong thị trấn Năm Căn, mỗi kho rộng vài trăm mét vuông, duy trì nguồn hàng cung cấp ổn định mỗi ngày 400-500 mặt hàng cho cả trăm mối hàng, ghe hàng. “Chợ trôi” hoạt động trong bán kính 15-20 cây số tính từ cầu Kênh Tắc, sông cái Cái Nai. Ông Đỗ Văn Hải, chồng cô Heng, khẳng định: “ 90% hàng trong số này là hàng Việt”.
Nếu ông Hải chỉ cần gởi toa qua chành ở Sài Gòn là hàng được đóng gói chở về tới Năm Căn như cách tạo khác biệt so những nhà phân phối lấy hàng từ TP Cà Mau thì tiểu thương "chợ trôi" chỉ cần một con nước là họ vô tới xóm ấp.
|
Khi các nhà phân phối thay đổi cách chọn hàng, các ghe hàng chợ trôi “tự động” giảm số lượng hàng Trung Quốc và tăng khối lượng hàng Việt lên.
Thật ra ông Hải vẫn bán một vài loại hàng Trung Quốc như nấm tuyết, nấm đông cô, gia vị… nhưng bản thân ông cũng không yên tâm vì hàng Trung Quốc thường là không chứng minh được nguồn gốc, không an toàn và không rõ hạn sử dụng. "Nếu hàng Trung Quốc đổi lốt thành hàng Việt thì dân chợ huyện không tài nào phân biệt”, ông Hải thú thiệt.
Cô Heng và nhật ký mua hàng của các tiểu thương ở chợ trôi. Ảnh: H.L
|
Hệ thống sông, kênh rạch ở Cà Mau chằng chịt với mật độ 1,15 km/km2, tổng chiều dài hơn 6000 km. Riêng Năm Căn, sông rạch và bờ biển dài trên 34 cây số, dân sống ở mé biển nên các tiểu thương chọn cách bán “chợ trôi”. Và dù là mé biển hay bìa rừng họ vẫn xem “đó là nơi cần phải tới”.
Ghe hàng khó vô tới mé để bán khi nước ròng nên 3 giờ sáng họ đã có mặt ở các điểm bổ hàng ven sông, lấy hàng tươi rồi ghé tiệm quán ăn tô hủ tíu, ổ bánh mì , uống ly cà phê đợi kho mở cửa bổ hàng xong là đi về các xã”, ông Trần Đức Quyết, chủ một tiệm cà phê ven sông, nơi tiểu thương chợ trôi “nạp năng lượng”, cho biết.
Vào tháng xổ tôm trúng đậm, doanh số bán ra của cô Heng có thể nhảy vọt lên 400-500 triệu đồng/ tháng và mỗi ghe bán 3-4 triệu đồng/ ngày là chuyện bình thương, tức là gấp đôi thời điểm “ xệ độ” do tôm chết như hiện nay.
Lập nghiệp từ ghe hàng Việt
Huyện Năm Căn có diện tích tự nhiên: 53.291,4 ha, dân số 69.000 người. Tại thị trấn có 4600 hộ, 25.000 người.
Dân tại chỗ hầu như tập trung đầu tư vuông tôm- cua dưới tán rừng. Tôm bệnh, nhưng cua vẫn đứng ở mức 470.000 đ/kg. Còn dân tứ xứ về đây chọn nghề mua bán hàng kiếm sống.
Ghe hàng của tiểu thương chợ trôi. Ảnh: Nguyễn Như
|
Sau tết, những điểm bán cố định bắt đầu bổ nước ngọt, đồ gia vị, bánh... phiên chợ hàng Việt thu hút các tiểu thương chợ trôi vì họ muốn biết giá bán có ảnh hưởng gì tới mình không? Hàng mới có hợp với dân vùng này không? Tự so sánh xem lấy hàng từ chành ở Sài Gòn và từ các đại lý ở TP Cà Mau xem cái nào có lợi hơn?
Tuy nhiên, cô Heng nói, do mối hàng của mình ở các xã chỉ bán đồ ăn thức uống và chành bảo đảm hàng của đủ loại, đủ thương hiệu, thanh toán linh hoạt nên lấy hàng từ chành Sài Gòn về tiện hơn!
Ông Dư Bảo Thanh ở xã Hàng Vịnh, bán hàng nhựa, inox, thủy tinh, sành sứ…, nói chợ Cả Nẩy mấy năm nay xôm tụ hơn vì có 3-4 điểm bán bán lẻ. Hầu hết hàng hóa lấy từ Cà Mau về, doanh số trung bình khoảng 2 triệu đồng/ ngày.
Sau năm 2009, được xem là năm được mùa tôm, xôm cả chợ, dân Năm Căn bước vào thời kỳ thất bát, bán ghi nợ 2-3 tháng , thậm chí giựt nợ cũng là chuyện bình thường.
Anh Xuân ở ấp Xẽo Ngay, xã Duyên An Đông, huyện Ngọc Hiển nói từ Ngã ba Bà Xào vô trong sâu, nhờ quen biết nhiều người và mọi người nói “cứ sắm ghe đi lấy hàng về bán, mọi người sẽ ủng hộ” nên anh mạnh dạn khởi nghiệp từ ghe bán hàng rong.
Hiện giờ, mỗi ngày anh giữ doanh số bán hàng 3-4 triệu đồng.
“Mỗi lần tui bổ hàng khoảng 10 triệu đồng, lúc kẹt tiền, nhà phân phối cho nợ tối đa 5 triệu đồng”, anh Xuân đã mua ghe cũ về sửa lại thành ghe hàng hết 23 triệu đồng, vốn mua hàng khoảng vài chục triệu nữa. Hàng hóa không nhiều thì mua ít, thiếu vốn thì chơi hụi ngày và kiên trì phương châm: Cứ bán hàng tử tế, người này sẽ nói người kia mua hàng giúp hội.
Hàng Việt tới cửa
“Ở Kênh Xẽo Lá trước đây cũng có người bán tạp hóa, thành công hay không tui không biết nhưng thấy họ sang được mấy miếng đất nên tui mạnh dạn lấy hàng về bán trong xóm. Hàng nào trong hãng có ghi giá thì tui bán theo giá dù không hưởng chiết khấu , hàng nào không ghi giá thì bán theo giá chợ. Người mua cứ ở nhà chỉ cần thấy ghe tui bóp kèn ngoắt tay là tui ghé vô, khỏi mất công đi xa. Bán riết rồi đoán , có khi dầu ăn hết rồi, bột nêm cũng sắp hết… thì mình bóp kèng hỏi thăm. Nhà có đám tiệc , thường phải ra chợ, bất ngờ thiếu cái gì thì ghe hàng bổ sung. Bán riết vậy mà mỗi ghe ở vùng này chứa tệ gì cũng vài trăm món, nhót 50% là đi bổ hàng liền”- Anh Xuân kể lại
Ghe,thuyền phù hợp đặc điểm sông nước Cà Mau. Ảnh: H.L
|
Chị Đào Thị Hiển, 37 tuổi, từ Bạc Liêu đến Năm Căn lập nghiệp 8 năm nay. Mỗi tuần một lần ghé kho cô Heng lấy 40-50 mặt hàng, trị giá 10 triệu đồng trở lên. Hằng ngày, chị Hiển cùng chồng chạy ghe đi bán khắp kênh rạch ở xã Tam Giang và xã Hiệp Tùng, huyện Năm Căn. Cùng địa bàn với chị Hiển cũng có 3,4 ghe hàng khác, chị nói: “Ai cũng bán các mặt hàng như nhau, nên lợi thế thuộc về người lấy giá gốc”.
Lấy hàng từ đại lý Tư Hoàng (thị trấn Năm Căn), anh Sáu Dũng và gia đình từ huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu đến Năm Căn lập nghiệp, cho biết: Trước đây bán kem bôi da và một số mặt hàng gia dụng của Trung Quốc… nhưng sau này khách không chuộng nên chỉ toàn lấy hàng Việt Nam để bán.
Anh Hoàng Sa, ở ấp Biện Ngàn, xã Duyên An Đông lấy hàng bên Xẽo Lá, được nhà phân phối bán giá sỉ và cho gối đầu 10 triệu đồng. Mua bán lâu năm, anh Sa có ý định trở thành nhà phân phối ở Xẽo Lá? “Nợ còn chưa trả được, nhưng tương lai trả nợ xong tôi sẽ nghĩ tới chuyện làm nhà phân phối vì sức mua ở Xẽo Lá còn lớn lắm”, anh Sa nói..
Ông Nguyễn Quốc Lịnh, chủ tịch UBND Thị trấn 25.000 dân, cũng nghĩ như vậy về phiên chợ hàng Việt về nông thôn vừa qua, vì chỉ hơn 3 ngày dân Năm Căn đã mua hàng Việt trị giá 1,3 tỉ đồng .
HOÀNG LAN
No comments:
Post a Comment