Báo chí Việt Nam vừa đồng loạt và rầm rộ đưa tin tượng Phật Di Lặc ngồi trên núi Cấm cao 33 mét và tượng Phật nằm trên núi Takou dài 49 mét là “hai tượng Phật Việt Nam lập kỷ lục châu Á”.
Mới nghe, cứ tưởng chuyện đùa. Thế mà cánh báo chí cũng hý hửng, người dân hai tỉnh Bình Thuận và An Giang thì phấn khởi, tự hào. Công trình Phật giáo đạt kỷ lục châu Á, nào phải chuyện chơi.
Hơn 15 năm trước, mới tập tễnh làm hướng dẫn viên, tôi cũng từng tự hào thuyết minh “Tượng Phật nhập Niết Bàn trên núi Takou, Bình Thuận dài nhất Đông Nam Á”. Có khách hỏi lại “lấy gì chứng minh?” thì tôi bảo “Sách, báo và mấy đồng nghiệp đi trước đều bảo vậy”. Tới khi ra nước ngoài mới biết mình bị hố, nói quá, kiểu “ếch ngồi đáy giếng”. Tượng Phật Bonywa Buddha bên dòng sông Chinwin ở Myanmar, dài 90 mét. Trung Quốc có các tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát ngồi ở Quảng Đông, cao 61,9 mét. Tượng Phật Di Lặc Leshan Giant Buddha ở Lạc Sơn, cao 71 mét. Tượng Linh Sơn Đại Phật ở Giang Tô, cao 88 mét. Tượng Phật Quan Âm nghìn mắt nghìn tay ở Hồ Nam, cao 99 mét. Tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát ở Hải Nam, cao 108 mét.
Tượng Trung Nguyên Đại Phật ở Hà Nam, cao 128 mét. Tượng Phật Di Đà Ushiku Daibushu ở Nhật Bản, cao 120 mét...Nếu bảo hai tượng Việt Nam đạt kỷ lục đặt trên núi cao cũng không ổn. Cả hai tượng chỉ ở độ cao chừng 200 mét (lưng chừng núi Cấm) và 475 mét (gần đỉnh Takou). Chưa thể sánh với vô số núi cao hơn ở châu Á, mà núi nào cũng có chùa và tượng Phật. Theo một cán bộ của Vietbook, thông tin về hai bức tượng này chỉ mới được trung tâm kỷ lục Guiness Việt Nam gửi hồ sơ cho trung tâm kỷ lục châu Á, vẫn chưa được xác minh và càng chưa thể gọi là kỷ lục gì.
Các danh hiệu, kể cả quốc tế cũng chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, thiên hạ cũng chẳng mấy ai quan tâm. Chỉ tội người Việt, cả tin, lại chuộng hình thức, thích khoa trương nên mấy lần mừng hụt. Và mong các nhà báo “chỉ viết những điều mình biết chắc” cho dân nhờ.
Theo Nguyễn Văn Mỹ - TBKTSG
Tin liên quan:
2 tượng Phật của Việt Nam trở thành kỷ lục châu Á
Tượng Phật Di lặc trên núi Núi Cấm (An Giang) và tượng Phật nhập Niết bàn trên đỉnh núi Tà Cú (Bình Thuận) vừa được xác lập kỷ lục châu Á.
Tương Phật Di lặc trên đỉnh núi Cấm ở An Giang. Ảnh: Tổ chức kỷ lục Việt Nam.
|
Theo thông tin từ đoàn Tổ chức Kỷ lục Việt Nam ở Ấn Độ, Tổ chức kỷ lục châu Á chính thức xác lập 2 kỷ lục mới của Việt Nam vào lúc 9h sáng 2/3.
Trước đó ngày 27/2, đoàn công tác của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tham dự Ngày hội Kỷ lục châu Á và hội thảo về những sáng kiến Kỷ lục tạo nên các giá trị châu Á lần thứ nhất tại Ấn Độ. Trong chuyến đi này, đại diện Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã có bài giới thiệu trước Hội đồng xác lập Kỷ lục châu Á, đưa ra những thông số chính xác và hình ảnh cụ thể nhất để so sánh và đối chiếu trên toàn châu Á nhằm tiến hành xác lập trực tiếp kỷ lục cho 2 tượng Phật trên.
Thông báo xác lập kỷ lục tượng Di lặc trên núi Cấm, và tượng Phật nhập Niết bàn. Ảnh: Tổ chức kỷ lục Việt Nam.
|
Tượng Phật Di Lặc có chiều cao từ dưới chân đế đến đỉnh đầu tượng là 33,6 m, diện tích bệ tượng 27x27 m. Tổng trọng lượng cả nền và vỏ tượng gần 1.700 tấn bê tông cốt thép. Tượng được đặt trên núi Thiên Cấm Sơn, cao 710 m so với mặt nước biển. Bức tượng đặc tả rõ nét nụ cười an nhiên, từ bi, hỉ xả và bụng to đặc trưng của Phật Di Lặc.
Chân đế bệ tượng làm bằng đá gắn kính phản xạ cao cấp màu xanh ve mang ý nghĩa một khối kim cương. Khi đứng ở vị trí nào trên núi Cấm cũng đều thấy được tượng Phật Di Lặc màu trắng sáng, ngồi uy nghiêm giữa không gian xanh ngát với nụ cười hiền hậu.
Bức tượng này được thực hiện từ tháng 2/2004 đến tháng 12/2005 với khoảng 60 nhân công. Ngày 2/1/2006, tượng Phật Di Lặc được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục.
Tượng Phật nhập Niết bàn an vị tại ngôi chùa Linh Sơn Trường Thọ trên Núi Tà Cú (thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận). Ảnh: Tổ chức kỷ lục Việt Nam. |
Cũng được xác lập cùng thời điểm là pho tượng Phật nhập Niết bàn an vị tại ngôi chùa Linh Sơn Trường Thọ trên núi Tà Cú (thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận). Pho tượng được chế tác ở thế nằm nghiêng, lưng tựa vào vách núi, gối đầu lên tay, dài 49 m tượng trưng cho 49 năm từ khi Đức Phật thành đạo đến khi nhập diệt, ngang nơi bàn chân là 8,8 m, cao từ 2 bàn chân xếp lên là 4,9 m, cao từ vai xuống là 12,2 m.
Nguyên liệu để tạo nên pho tượng là bê tông cốt thép do kiến trúc sư Trương Đình Ý chủ trì thi công từ năm 1963 đến năm 1966. Bên dưới tượng là những tam cấp được nối kết bằng đá chẻ, phía sau lưng tượng là vách núi và cây rừng cổ thụ. Ngày 2/1/2006, tượng Đức Phật nhập Niết bàn được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục.
Dự kiến cuối tháng 4, đại diện Tổ chức kỷ lục châu Á sẽ trực tiếp đến Núi Cấm (huyện Tịnh Biên, An Giang) và Tà Cú (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) để tham quan hai địa điểm đặt tượng Phật ở trên, đồng thời trực tiếp trao bằng xác lập kỷ lục châu Á
No comments:
Post a Comment