Saturday, February 16, 2013

Xã hội hướng đến ổn định là xã hội không thích đi


Văn hóa truyền thống VN không phải là văn hóa đi, mà là văn hóa ngồi, văn hóa làng xã. Sống trong văn hóa đó, người Việt thường ít khi đi ra khỏi lũy tre làng. Đó cũng là tình trạng của một  nước nông nghiệp, cũng như cái cây, cứ loay hoay một chỗ.
Chỉ vào thời triều Nguyễn, chúng ta mới bắt đầu tiếp xúc với văn hóa phương Tây.  Điều này bắt nguồn từ Nam Kỳ. Một phần là do tính cách của người Nam bộ, vốn khác hẳn với người  Bắc bộ và Trung bộ, bản chất  là người đi. Trong cuốn sách sắp tới của tôi, có đề cập đến nhận xét người Nam bộ là những người dương tính nhất trong số những người VN âm tính. Có dương tính mới bỏ đất vào Nam tự sống và tạo ra những thế hệ mới, nòi giống mới. Khác  hẳn với người Bắc và người Trung ít khi di chuyển. Đầu óc phóng khoáng, rộng mở, mới có những ông chủ miền Tây, nổi tiếng ở Bạc Liêu như Bạch Công Tử, Hắc Công Tử…, mới có những nhà nông mua máy bay đi thăm đồng. Con cái họ cũng thích đi Tây, đưa văn hóa Nam bộ VN sang một trang mới, tính chất mới: Người Việt bắt đầu đi ra nước ngoài một cách chủ động, chứ không bị động như trước đó.

Ngoài ra, yếu tố xáo trộn chính trị thời đó cũng là nguyên nhân khiến người Việt bắt đầu đi. Khi nhà Trần diệt nhà Lý, Hoàng thúc Lý Long Tường sang tận Hàn Quốc. Những năm 1954, 1975, 1980 là cột mốc đánh dấu số lượng người đi ra nước ngoài càng nhiều. Trước đó, ngay từ năm 1945 cũng đã có dạng lưu học sinh ra nước ngoài và gần đây có dạng  công nhân đi xuất khẩu lao động.


Việc đi thay đổi tư duy của con người. Thời trẻ người ta thường đi nhiều, vì tuổi thanh niên là tuổi nhiều dương tính nhất. Tuổi trẻ phải đi để mở mang đầu óc, tuổi dương tính đi ra gặp văn hóa dương tính phương Tây, tạo nên sự thay đổi về văn hóa, về tính cách của người Việt. Đối với những gia đình đi diện di tản hay xuất khẩu lao động thì lại khác. Diện xuất cảnh thì cả trẻ con và người già cũng đi, trẻ con tiếp cận nhanh còn người già thì rất khó học. Đối với  diện xuất khẩu lao động thì vì trình độ thấp, họ mang ra thế giới văn hóa thấp, khác với văn hóa truyền thống và khác với cả văn hóa của lớp thanh niên có học. Những người trí thức thì chỉ đi ra nước ngoài nghiên cứu sinh lúc đã đứng tuổi, mang phong cách truyền thống nên khó thay đổi hơn.

Như đã nói, tầng lớp công nhân xuất khẩu có trình độ thấp, sống co cụm với nhau trong những cộng đồng Việt, nên dù họ đi lúc còn trẻ, cũng không thay đổi được bao nhiêu. Chính vì thế mà người nước ngoài nhìn vào họ cũng thấy rất khác. Còn những người trẻ tuổi đi du học thì thường được đánh giá rất cao. 

Người Việt có khả năng linh hoạt, nhạy bén, thích nghi nhanh, nhiều sáng tạo, sáng kiến, làm việc hiệu quả, nhưng tính cộng đồng thì rất kém. Người phương Tây có tính cộng đồng, nhưng hai tính cộng đồng Tây, ta đều khác nhau. Chưa nói đến sự khác biệt giữa các cộng đồng người Tàu, người Nhật, người Hàn Quốc. Ở phương Tây, tính cộng đồng xã hội nằm ở chỗ khi hợp tác với nhau, dù không quen biết, cũng vì lợi ích chung mà hợp tác, giúp nhau vô tư. Cộng đồng ta là cộng đồng tình cảm,  có tình cảm thì giúp nhau hơn bất cứ dân tộc nào trên thế giới.  Người ngoài cứ thấy người VN có tính cộng đồng cao, nhưng với điều kiện là phải thân nhau, biết nhau, cùng một làng, cùng nghĩa vụ, trách nhiệm, chứ ra khỏi khối đó thì có nhiều cộng đồng phân rã, chống phá, thậm chí kình địch nhau. Khi ra nước ngoài, nếu mình không thuộc về cộng đồng nào thì không cộng đồng nào tiếp nhận mình cả. Các nhóm khác nhau thì thường “đánh” nhau. Ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, hay ở Mỹ hiện giờ cũng thế.

Cộng đồng người Việt cũng có những đặc điểm rất tiêu biểu cho văn hóa VN mà ít phẩm chất quốc tế hóa. Có câu ca dao: “Ăn nhanh, đi chậm, hay cười/Chuyên mua đồ cũ là người VN”. Người phương Tây đi ra đường là chăm chú vào mục tiêu, còn người Việt thì thường tạt ngang tạt dọc, hay lách luật, không có tinh thần luật pháp, ít lý trí, thiên về tình cảm. Bạ việc gì cũng cười, nên mới có kiểu cười trừ.  Có thể nói, nụ cười VN mang nét văn hóa rất đặc trưng. Đặc biệt, tính ham mua đồ cũ cũng thể hiện văn hóa nông nghiệp ăn chắc, mặc bền, tiết kiệm.

Luật lệ là phẩm chất đặc biệt nhất của người Việt. Đó là  linh hoạt, nhất là trong một xã hội nông nghiệp không có gì là cố định, phải trông trời, trông đất, trông mây để sản xuất. Vì sống theo tình cảm, nên luật pháp không có. Luật rõ ràng là lệ, lệ là tùy luật pháp ở mình, mình đặt ra luật pháp thì cũng có thể thay đổi nó. Điều đó thể hiện ứng xử của con người làm chủ. Người làm ra luật pháp là người làm chủ mình chứ không phải là nô lệ của luật pháp.

Mặt xấu, mặt tiêu cực của việc đặt ra luật lệ cho đại trà để bảo vệ con người là mọi sự vi phạm đều diễn ra thường xuyên. Nó sẽ gây ra nhiễu nhương cho bản thân và cho người khác, không còn chuẩn định hình xã hội. Thế nhưng có một điểm lạ lùng là quá trình lưu thông sẽ giảm tai nạn nếu ai cũng lách, còn nếu đi đúng luật thì thể nào cũng có tai nạn. Mọi người lách nhau mà đi, nhìn xuống phố ai cũng luồn lách mà chẳng ai đụng ai.  Một xã hội như thế dĩ nhiên thường lộn xộn, phải được giải quyết theo hướng luật pháp hóa. Nhưng ngay chính bộ luật phương Tây cũng phải thường xuyên sửa đổi. 

Về hệ tư tưởng, có đi ra nước ngoài thì mới mang về những hệ tư tưởng mới và không phải là không có những con người điển hình mang theo hệ tư tưởng, triết lý du nhập vào VN. Tuy nhiên, văn hóa Việt không khuyến khích những hình thức như thế phát triển. Những người có tư tưởng, có khả năng tư duy ra nước ngoài cải cách nhưng khi về VN thì lại mất hết phông, nền, điều kiện để phát huy khả năng của mình, trở lại là người VN bình thường. 

Ngoài ra, văn hóa VN là văn hóa vừa phải, không chấp nhận mức thấp quá, khổ quá cũng không chịu được.

Nói tóm lại, một xã hội hướng tới sự ổn định là một xã hội không thích đi. Trong khi đó, xã hội muốn hướng đến phát triển cần linh động. Đi là một trong những yếu tố đó. Nhưng xã hội VN thường hướng đến sự ổn định. Nhiều nước ở Đông Nam Á cũng vậy. Chính vì thế mà khi cần hợp tác, các nước chỉ lo cho nồi cơm của mình hơn là bắt tay nhau cùng làm.

GS.TS Trần Ngọc Thêm

No comments:

Post a Comment