Dự án Luật Hộ Tịch đang nhận được sự quan tâm của người dân do tầm quan trọng của nó không những trong công tác quản lý hộ tịch thời đại số hóa mà còn trong ý nghĩa thực tế gắn bó với tất cả các công dân, bất kể đó là hài nhi vừa lọt lòng mẹ hay người đã đến cõi trăm năm. Do trong hơn 20 năm qua tôi thường ngỏ ý với học trò và nhân viên về vấn đề Tên Tiếng Anh Cho Người Việt, nay nhận được lời nhắc nhở và đề nghị tuy chỉ mới của một nhân viên còn nhớ chuyện ngày xưa, tôi cũng muốn nêu lại vấn đề này như một đề xuất đúng thời điểm tuyệt vời vài chục năm mới có một lần này.
A- Dẫn Nhập: Những Vấn Đề Chính Danh
1) Thế Giới Đại Đồng: Thời Kỳ Trước Thời Toàn Cầu Hóa :
Trong số những người nước ngoài tôi quen biết từ những năm cuối của thập niên chót của thế kỷ trước ở Hong Kong và Singapore, họ thuộc một cộng đồng doanh nhân giống y nhau ở hai điều: (a) họ là người có tổ tiên gốc Hoa có tác phong chuyên nghiệp cao và (b) cái tên theo một công thức chung cùa Tên Tiếng Anh + Họ Tiếng Tàu Được Viết Theo Phiên Âm Thành Mẫu Tự Tiếng Anh, như Francis Tan, Samuel So, Catherine Zhu, Maria Wong, Ivan Tong, Robert Yeap, Bonnie Chen, Irene Chan, Frankie Leung, v.v.
Trong nhiều người Việt Nam mà vài người trong số đó là sinh viên cũ của tôi làm việc cho các ngoại giao đoàn và các văn phòng đại diện công ty nước ngoài hoạt động ở Thành phố Hồ Chí Minh từ những năm cuối của thập niên chót của thế kỷ trước, tôi nhận danh thiếp của họ và nhận thấy họ giống y nhau ở hai điều: (a) họ đều là công dân nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và (b) cái tên theo một công thức chung cùa Tên Họ Đầy Đủ Tiếng Việt Không Bỏ Dấu + Dấu Ngoặc Đơn Mở + Tên Tiếng Anh + Dấu Ngoặc Đơn Đóng, như Nguyen Thi Hoang Uyen (Maria), Tran Tuyet Nhung (Rose), Ly Thi Hoa Quynh (Susan), Tran Van Nghia (Tony), v.v. với đặc điểm là tên tiếng Anh trong ngoặc đơn …chẳng dính dáng gì đến ý nghĩa hay hình dạng của tên tiếng Việt mà họ cho tôi biết là do mấy ông sếp tự đặt đại cho mỗi người ngay từ lúc … ký hợp đồng lao động tuyển dụng vào làm việc để sếp dễ kêu dễ gọi.
Thế là đã xảy ra hai sự việc giống nhau tại khu vực Á Đông theo hai chiều hướng hoàn toàn khác nhau cho cùng một mục đích như nhau. Hai chiều hướng khác nhau gồm một bên ở nhiều quốc gia có công dân là người gốc Hoa chủ động tích cực đặt tên cho con cái theo tiếng Anh để phục vụ …toàn cầu hóa của thế giới đại đồng của lĩnh vực ngoại thương dù vào thời điểm những thập kỷ đầu của phần nửa sau của thế kỷ trước chưa ai trên đời chế ra từ “toàn cầu hóa”, và tên tiếng Anh này hiện diện trên giấy khai sinh, giấy hôn thú, bằng lái xe và hộ chiếu; và bên còn lại là công dân Việt Nam thụ động để mấy ông sếp bà sếp nước ngoài đặt tên tiếng Anh để in trên danh thiếp trong dấu ngoặc đơn. Mục đích giống nhau ở một điểm là nhằm giúp thuận lợi tối đa trong giao dịch giao thiệp giao du giao tiếp giao tế giao thương giữa nhân viên người Á Đông với nhân viên Âu Mỹ, khách hàng Âu Mỹ, sếp Âu Mỹ, tức những người không thể phát âm và không thể nhớ các tên Uyên, Nhung, Quỳnh, Nghĩa, Xuân, v.v., của tiếng Việt, hay Tố-chè-sính-sáng, Mẫu-dễ-xì-cun, Hảo-lớ, Bi-xà, Tèng-shi-hwàng, Cung-chúa, Ngộ-tả-lị-xảy-à, v.v., của tiếng Tàu.
Cả hai sự việc trên chứng tỏ đã luôn tồn tại – thậm chí ngay từ thời con người biết theo các thương thuyền vượt biển tìm đến miền đất hứa của nhân loại (tức Châu Á) để mua vàng ngọc châu báu (trả bằng thuốc phiện), cướp bóc, hãm hiếp, truyền đạo – nhu cầu sử dụng một tên gọi mới dành cho con người trong môi trường kinh thương để thay thế tên gốc tiếng địa phương Đông Á.
2) Quan Niệm Về Văn Hóa Dân Tộc
Rất có thể tồn tại trong suy nghĩ một số người Việt rằng đặt tên tiếng Anh là mất gốc, là ngoại lai, là lai căng, là không yêu nước, và là đề xuất không nghiêm túc. Họ không biết – hay cố tình làm ngơ vì nếu “biết” thì với sức mọn biếng lười họ không thể thực hiện được – rằng làm giàu cho đất nước mới là yêu nước, làm vinh danh đất nước với ngoại bang mới là yêu nước, làm việc giỏi và hiệu quả mới là yêu nước, đóng góp tiền của để xây dựng quân đội hùng mạnh mới là yêu nước; rằng mang tên Việt Nam, ngồi tại Việt Nam, ăn cơm Việt Nam thờ ma chống Cộng, làm việc biếng nhác nhưng tích cực bốc phét trên mạng xỉa xói chính phủ nước nhà mới là phản quốc.
Ngoài ra, bài học của anh Trung Nguyên chục năm trước bị một người Mỹ chiếm mất tên Trung Nguyên trên thế giới web domain (thâm chí mới đây lại khù khờ mãi dõi mắt ngó lên “thiên đường” làm mất luôn tên miền cho một sản phẩm về tay một nhà đầu cơ tên miền người Úc) mà không thể phân bua nổi với quan tòa Mỹ với cái lập luận rằng đó là tên tiếng Việt để đòi trả lại, do bất kỳ ai cũng có quyền tự do “sáng chế” ra tên gọi bằng bất kỳ ngôn ngữ nào; giúp chúng ta liên tưởng đến cách lập luận rằng tên tiếng Anh có thể là của người Việt mà tòa án Anh không thể cấm không cho người Việt được sở hữu.
Tên gọi của cá nhân, do đó, không dính dáng gì đến cái gọi là văn hóa, dân tộc, mất gốc, hay vọng ngoại, hoặc yêu nước.
3) Thế Mà Là Tên Tiếng Việt Ư?
Có nhiều công dân ViệtNamngười sắc tộc thiểu số, và có nhiều địa danh ở ViệtNam, có hình thức cấu tạo như Ông K’Rấp, Ông K’Rá, Tỉnh Đắk Lắk, Tỉnh Bắc Kạn, Huyện Đăk R’lấp, Huyện Đăk Glong, v.v. , trong khi tất cả không theo cấu trúc luôn có của tiếng Việt chuẩn.
Tương tự, có nhiều Việt Kiều còn giữ quốc tịch Việt Nam và đang có tên chính thức nếu viết theo thứ tự của tiếng Việt sẽ là Phạm George, Trần Victor, Nguyễn Maxx, Hoàng Josephie, v.v.
K’Rấp, R’lấp, Glong, George Victor, Maxx, Josephie, tất cả không phải tiếng Việt.
Nhưng những địa danh Việt và tên người Việt đang có những chữ như K’Rấp, R’lấp, Glong, chứng tỏ tất cả dù không phải tiếng Việt đều đã, đang, và sẽ tồn tại song hành với tiếng thuần Việt.
Vậy tại sao người Việt không có quyền đặt tên con cái của mình theo các cách không thuần Việt như những chữ còn lại của chuỗi K’Rấp, R’lấp, Glong, George Victor, Maxx, Josephie?
4) Quyền Công Dân
Cuối cùng – song lại là điều quan trọng nhất – việc chọn tên để đặt cho con cái là quyền tự do của công dân Việt Nam, tất nhiên theo sự điều chỉnh của Luật Hộ Tịch, trong đó sẽ phải quy định những điều hợp tình, hợp lý, và khoa học, như sẽ được đề ra trong những chương tiếp theo dưới đây.
B- Những Điểm Chính Phải Có Trong Phần Đặt Tên Của Công Dân Trong Luật Hộ Tịch
1) Xác Quyết Về Bảng Mẫu Tự Tiếng Việt
Tất nhiên ai cũng biết bảng mẫu tự tiếng Việt bao gồm những mẫu tự nào. Nhưng để hiện đại hóa và hợp lý hóa tiếng Việt trong tình hình thực tế sử dụng mới, nhất thiết phải quy định lại bảng mẫu tự tiếng Việt như sau:
a- Bảng 29 Mẫu Tự Tiếng Thuần Việt:
a ă â b c d đ
e ê g h i k l
m n o ô ơ p q
r s t u ư v x y
(Ghi chú: đã có sự tự tung tự tác của những người ăn không ngồi rồi khi xếp mẫu tự Y ngay sau mẫu tự I như muốn khoe tài rằng “ta đây đã nhận ra sự phát âm gần giống nhau giữa Y và I nên xếp chúng đứng gần nhau”. Đó không là “phát kiến” mà là sự ngu xuẩn, hủy phá cái nền tương đồng giữa các ngôn ngữ mà theo đó các thứ tiếng có thể dựa vào nhau trên cở sở thứ tự trước sau nhằm phục vụ sự dễ nhớ vốn là một nét quan trọng của sư phạm nơi người muốn học.)
b- Bảng 4 Mẫu Tự Tiếng Việt Du Nhập:
Không thể chối cãi rằng trong thời gian nhiều chục năm qua, những chữ cái của tiếng Anh đã được sử dụng trong các văn bản pháp quy ở Việt Nam, chẳng hạn mẫu tự W đã được dùng để thay thế chữ cái Ư trong chữ viết tắt TW của TRUNG ƯƠNG do khó thể sử dụng chữ tắt TƯ khi văn bản đó được dịch sang tiếng Anh (đồng thời xét về hình dạng thì W cũng tương tự Ư). Ngoài ra, những từ như “zero” hoặc cách nói “từ A đến Z” hay việc sử dụng F trên báo chí như đối với FIFA hay IMF đã trở nên rất quen thuộc với người dân Việt.
Vì vậy, nhất thiết phải luật hóa sự nhìn nhận những chữ cái này dưới tên gọi Mẫu Tự Tiếng Việt Du Nhập, theo các chi tiết sau:
f j w z
c- Bảng 6 Dấu Thanh Dùng Trong Tên Tiếng Việt:
- dấu huyền: Hoàng, Trường
- dấu sắc: Trúc, Thái
- dấu hỏi: Thủy, Hải
- dấu ngã: Hữu, Vũ
- dấu nặng: Thạch, Trọng
- không dấu: Mai, Linh
d- Bảng 2 Dấu Hình Dùng Trong Tiếng Việt:
- dấu gạch nối: Hoàng-Hữu-Phước, Hoàng Hữu-Phước, Phan Nguyễn Tường-Uyên, Phan-Nguyễn Tường-Uyên (*)
- dấu phẩy trên: K’Rấp, R’Lấp (**)
2) Xác Quyết Tiếng Anh Như Ngôn Ngữ Duy Nhất Được Chọn Tên Du Nhập Vào Tiếng Việt
Hoàn toàn không phát xuất từ bất kỳ thiên kiến hay định kiến nào đối với các ngoại ngữ khác, tiếng Anh được lựa chọn ngoài sự thật đó là ngôn ngữ có sự thuận lợi trong sử dụng toàn cầu còn có lý do bảng chữ cái tiếng Anh hiện diện đầy đủ trong bảng chữ cái tiếng Việt và tất cả số chữ cái đặc thù còn lại như F, J, W và Z đều không xa lạ với tuyệt đại đa số người Việt.
Trong khi tên tiếng Pháp hay Đức có những mẫu tự rất khó thể hiện trên bàn phím máy chữ hành chính thông thường, chẳng hạn như
ç ß œ æ î û ä ï ë ö ü ÿ
còn tiếng Nga hay Hy Lạp, Tàu, Hàn, Nhật, v.v., tất nhiên, càng không thể khả thi và do đó phải được chuyển tải thành tiếng Anh nếu muốn dùng các tên ấy đặt cho người Việt, thí dụ như Tannhäuser phải đổi thànhTannhauser và Кузнецов phải chuyển thành Kuznetsoff, Kuznyetsov, Kuznetsov hay Kyznetsov ***, có như thế việc đánh máy tên tiếng nước ngoài vào Chứng Minh Nhân Dân Việt Nam mới thực hiện được.
3) Giới Hạn Về Tổng Số Chữ Cái Xuất Hiện Trong Tên Một Công Dân
Do thẻ Chứng Minh Nhân Dân luôn có kích cỡ nhỏ bé, và khoảng trống đàng sau dấu hai chấm sau chữ Tên Họ không bao giờ đủ chỗ chứa một tên dài bất thường, tất yếu dẫn đến việc phải luật hóa độ dài của tên người Việt, bất kể đó là tiếng Việt hay tiếng Anh. Việc giới hạn này là sự đương nhiên trên thế giới của thời hiện đại. Nếu ngày xưa người ta có… quyển sổ chứng minh nhân dân đủ dày cộm để ghi tên đầy đủ của họa sĩ Picasso là Pablo Diego José Francisco de Paula Juan Nepomuceno María de los Remedios Cipriano de la Santísima Trinidad Ruiz y Picasso (thật ra “tên” của họa sĩ này là Pablo Diego José Francisco de Paula Juan Nepomuceno María de los Remedios Cipriano de la Santísima Trinidad còn Ruiz là tên cha và Picasso là tên mẹ – theo quy định đặt tên con của hộ tịch Tây Ban Nha), hay tiểu bang Philadelphia của Hoa kỳ có công dân tên Adolph Blaine Charles David Earl Frederick Gerald Hubert Irvin John Kenneth Lloyd Martin Nero Oliver Paul Quincy Randolph Sherman Thomas Uncas Victor William Xerxes Yancy Zeus Wolfeschlegelsteinhausenbergerdorffvoralternwarengewissenhaftschaferswessenschafewarenwohlgepflegeundsorgfaltigkeitbeschutzenvonangreifendurchihrraubgierigfeindewelchevoralternzwolftausendjahresvorandieerscheinenwanderersteerdemenschderraumschiffgebrauchlichtalsseinursprungvonkraftgestartseinlangefahrthinzwischensternartigraumaufdersuchenachdiesternwelchegehabtbewohnbarplanetenkreisedrehensichundwohinderneurassevonverstandigmenschlichkeitkonntefortplanzenundsicherfreuenanlebenslanglichfreudeundruhemitnichteinfurchtvorangreifenvonandererintelligentgeschopfsvonhinzwischensternartigraumjoeblock, Senior mà người ta phải gọi ngắn là Ông Hubert Blaine Wolfeschlegelsteinhausenbergerdorff, Senior và gọi tắt là Ông Wolfe+585, Senior với con số 585 cho biết còn 585 chữ cái nữa dính sau chữ Wolfe trong cái tên đầy đủ dài 590 chữ cái của công dân nhập cư khả kính ấy. Tuy không người Việt nào đặt tên dài như thế cho hậu duệ của mình, nhưng nếu không quy định giới hạn, người ta vẫn la lên rằng luật không cấm người ta đặt tên đưa con gái mỹ miều mới sinh của mình là Trương Hùng Nguyễn Hậu Ngàn Hoa Cẩm Chướng Mẫu Đơn Thiên Hạ Đệ Nhất Mỹ Nhân Diễm Lệ Thúy Huyền Thủy Tú Hoàng Mai Nương Nương mà thẻ chứng minh nhân dân của Việt Nam sẽ không thể chứa hết được tên của cái quý cô mỹ nhân diễm lệ nương nương bà bà ấy.
Thiết nghĩ, quy định của ViệtNamnên là như sau trên thẻ Chứng Minh Nhân Dân:
- tên bằng tiếng Việt có tối đa sáu chữ bất kể chữ đơn hay chữ kép có áp dụng dấu gạch nối, thí dụ như Trương Lâm Bảo Ngọc Thùy Trang hoặc Trương Lâm Bảo-Ngọc Thùy-Trang hay Trương-Lâm Bảo-Ngọc-Thùy-Trang.
- tên bằng tiếng Anh có họ bằng tiếng Việt và tên bằng tiếng Anh, với họ là chữ đơn hoặc chữ kép, và tên tiếng Anh có hay không có gạch nối, nhưng hợp lại tên họ không quá bốn chữ thí dụ như Hoàng Tannhauser Beowulf Thor****, Hoàng-Nguyễn Beowulf Thor, Hoàng-Nguyễn Beowulf-Thor.
4) Quy Định Về Vị Trí Tên Và Họ Của Công Dân
Tất nhiên, vị trí tên và họ của công dân Việt Nam phải luôn theo công thứcthuận Họ + (Chữ Lót) + Tên, còn khi công dân lúc khai điền vào giấy tờ tiếng Anh, có thể viết theo thứ tự mà văn bản yêu cầu tức theo thứ tự nghịchcủa tiếng Anh Tên + (Chữ Lót) + Họ, với lưu ý chữ kép không được tách rời, thí dụ Beowulf-Thor Hoang-Nguyen.
(Ghi chú về “thuận” và “nghịch”: Tôi từ thời trung học của những năm 60 của thế kỷ trước đã đấu khẩu liên tục về những kiểu cùng đường cùng đinh cùng cực của Âu Tây do cùng thời gian trung cổ thì văn hóa Á Đông đã ở lúc cực thịnh hơn hẳn Tây Âu, nên kiểu viết ngày tháng và tên họ của Âu Tây đã không theo trật tự đúng đắn. Tôi dứt khoát – “dứt khoát” luôn là đức tính của người có quyền lực, dù người ấy là chú bé học lớp 6 hay ông già 99 tuổi – luôn ghi ngày tháng năm tiếng Anh theo đúng trật tự tiếng Việt và khẳng định với bạn học và thầy cô giảng dạy Anh Văn rằng rồi thế giới sẽ phải chấp nhận thứ tự Á Đông này. Sau này, kiểu viết ngày-tháng-năm đã “lẳng lặng” được sử dụng trong tiếng Anh và Microsoft cũng “lẳng lặng” đưa thành một option chọn lựa tiếng Anh cho thế giới sử dụng máy bằng tiếng Anh. Riêng thứ tự họ tên thì ngay từ cuối thế kỷ trước, thế giới Âu Mỹ mà điển hình là Úc đã phải cho in trong đơn xin nhập học đại học bằng tiếng Anh theo đúng thứ tự họ-chữ lót-tên phát cho người ghi danh nhập học bất kể người đó ở bất kỳ đâu trên thế giới vì không ai dại gì không cung phụng ý chí quyền lực thực sự của sức mạnh thực sự của đế chế Á Châu. Tương tự, tôi cũng luôn chê bai cách sử dụng đơn vị đo lường của Âu Mỹ, và trước hậu quả cách nay 15 năm một vệ tinh của NASA lao vùn vụt hơn tên bắn đâm sầm xuống Hỏa Tinh nổ tung thay vì đáp nhẹ nhàng do thiết kế mang số liệu đo lường với inch và dặm, còn nhà sản xuất theo đúng từng chữ số ấy nhưng với ý nghĩ theo hệ cen-ti-mét và ký-lô-mét, làm phá sản vốn đầu tư nhiều tỷ đô-la mà mãi tận nay mới khắc phục được bằng chuyến bay khác, các nhà tổ chức thể thao và kinh doanh trên thế giới đã “lẳng lặng” trang bị đồng hồ đo tốc độ km/giờ của mỗi cú đập bóng ở các giải tennis lớn nhất hành tinh, hay của các tay đua thể thức 1, thay cho dặm/giờ. Do đó, ta có thể ung dung nói răng những gì của ta là “thuận”, kỳ dư của thiên hạ Âu Mỹ là “nghịch”.)
5) Quy Định Về Danh Mục Tên Tiếng Việt Cấm Được Chọn
Ngôn ngữ luôn chất chứa trong nó vô số từ ngữ mang ý nghĩa dung tục, phản cảm, và do đó quyền đặt tên con của người làm thủ tục khai sinh hợp pháp của hài nhi sẽ bị giới hạn bởi một danh sách các từ cấm được chọn nhằm bảo vệ đứa bé về lâu về dài trước sự châm chọc của cộng đồng từ nơi trường lớp ra ngoài xã hội. Những chữ tiêu cực hay thóa mạ như Hận Đời, Hận Kẻ Bạc Tình, Vô Duyên, Khốn Nạn, v.v., hoặc những chữ dù mang nghĩa tiết trời như Thu Phân cũng không được dùng đặt tên cho trẻ. Và ngay cả những từ không có trong danh sách nhưng mang nội dung hoặc có âm tiết bất lợi cho trẻ (như Rắm, Chó, hoặc chỉ bộ phận sinh dục, v.v.) cũng phải được cân nhắc và xem xét bởi người có trách nhiệm ở cơ quan hộ tịch.
6) Quy Định Về Danh Mục Tên Tiếng Anh Cấm Được Chọn
Tương tự, tiếng Anh cũng chất chứa trong nó vô số từ ngữ mang ý nghĩa dung tục, phản cảm, và do đó quyền đặt tên con của người làm thủ tục khai sinh hợp pháp của hài nhi sẽ bị giới hạn bởi một danh sách các từ cấm được chọn nhằm bảo vệ đứa bé về lâu về dài trước sự châm chọc của cộng đồng từ nơi trường lớp ra ngoài xã hội. Ngoài những chữ tiêu cực hay thóa mạ hoặc mang nội dung hay có âm tiết bất lợi cho trẻ cũng phải được cân nhắc và xem xét bởi người có trách nhiệm ở cơ quan hộ tịch. Ngay cả những cái tên như Jesus Christ chẳng hạn cũng không được tự do chọn đặt khai sinh cho con cái.
7) Vấn Đề Việt Hóa Phiên Âm Tên Tiếng Anh
Việc ở Việt Nam Cộng Hòa trước đây có công dân tên Woòng Chấn Sềnh không có nghĩa rằng công dân ấy buộc phải phiên âm tên mình ra tiếng thuần Việt, thí dụ như Vương Chấn Sinh. Đó là quyền của công dân khi muốn hoặc không muốn thay đổi trên thẻ chứng minh nhân dân. Đối với tên tiếng Anh, sẽ không áp dụng kiểu Việt hóa phiên âm vì rất kỳ dị mà bài viếtCu Dơ Nhét Xốp đã từng phân tích rõ. James sẽ là James chứ không là Dêm Xơ. Và Washington là Washington chứ không là Oa Sinh Tơn trong thẻ chứng minh nhân dân ViệtNam.
8) Vấn Đề Dịch Thuật Tên Tiếng Nước Ngoài Sang Tiếng Việt
Tất nhiên một cô gái người Việt gốc Hoa ở Việt Nam, có tên tiếng Hoa mang nghĩa là Mai nhưng phát âm là Mùi. Việc ghi tên Mùi tiếng Việt trong thẻ chứng minh nhân dân theo phát âm tiếng Hoa có thể làm cô gái bối rối vì Mùi có nghĩa là dê hoặc mùi vị trong tiếng Việt. Cô ấy có thể xin ghi tiếng Việt theo ý nghĩa mà không theo phát âm để thẻ chứng minh nhân dân của cô mang tên Mai. Song, đối với trường hợp tên bằng tiếng Anh thì việc dịch nghĩa sang tiếng Việt không là điều đúng đắn. Nguyễn Black không làNguyễn Đen. Trần Smith không là Trần Thợ. Lý Knickerbocker không là Lý Quần Đùi.
C- Những Việc Phải Làm Trước Hoặc Cùng Lúc Với Việc Ban Hành Luật Hộ Tích
1) Cải Cách Giáo Dục Bậc Tiểu Học
Những điểm đã nêu ở phần B.1.a, B.1.b, và B.1.d ở trên nhất thiết phải được dưa vào chương trình giáo dục bậc tiểu học để học sinh Việt Nam biết rằng bảng chữ cái tiếng Việt có tổng cộng 33 mẫu tự, trong đó có 29 mẫu tự thuần Việt và 4 mẫu tự du nhập (loan alphabets, alphabet loans, alphabet borrowings, borrowed alphabets). Các dấu hình như dấu gạch nối và dấu phẩy trên cũng được giới thiệu; nhưng điều quan trọng nhất là phải có cuộc điều nghiên sâu rộng về vấn đề tái lập dấu gạch nối trong ngôn ngữ viết tiếng Việt, điểm quan trọng mà bài viết Vũ Khí Tối Thượng Của Tiếng Việt Cho Thời Kỹ Thuật Số: Hồi Ức Về Một Sự Thật Ít Còn Người Việt Nam Nào Trên Thế Giới Còn Nhớ Hay Biết Đến trước đây đã từng phân tích. Đó là chưa kể đến việc nhất thiết phải có Luật Tiếng Việt, trong đó phần bảng chữ cái, dấu hình gạch nối và dấu hình phẩy trên, cùng những vấn đề khác được luật hóa chỉnh chu.
2) Lập Hội Đồng Tư Vấn Cập Nhật Danh Mục Và Xử Lý Các Vấn Đề Ngôn Ngữ
Khi luật đi vào cuộc sống tất nhiên sẽ phát sinh những vấn đề mới cần được xem xét, xử lý kịp thời về hộ tịch. Song, việc tu chỉnh sửa đổi một bộ luật đòi hỏi thời gian không ngắn; do đó, Luật Hộ Tịch cần đề ra một cơ chế để xử lý các phát sinh liên quan đến hộ tịch trong cuộc sống của người dân. Một hội đồng chịu trách nhiệm cập nhật danh mục tên, tư vấn tên, và xử lý các vấn đề ngôn ngữ của tên cần được thành lập, và các quyết định của hội đồng này sẽ có giá trị thực hiện như những “thông tư” nhằm bảo đảm thực hiện Luật Hộ Tịch được xuyên suốt thuận lợi, thuận ý và thuận tiện.
D- Kết Luận: Người Việt Tên Tiếng Anh: Tại Sao Không?
Chắc chắn người Việt có họ tiếng Việt và tên tiếng Anh sẽ không bao giờ là điều quái lạ đối với toàn thế giới; vấn đề, do đó, duy chỉ là do nội tại tư duy của người Việt đối với việc rất nhỏ mang ý nghĩa tự do, hội nhập, toàn cầu hóa, và đại đồng này. Rex và Majestic của ViệtNamvẫn đang tồn tại. Đó là tên các khách sạn hạng sang của doanh nghiệp nhà nước ViệtNam. Nhà nước ViệtNamdo đó khó thể không cho phép người dân đặt tên con mình là Rex hay Majestic. Người Việt Nam do đó khó thể nói rằng Rex và Majestic là dấu hiệu của sự ngoại lai, mất gốc, không yêu nước của hệ thống khách sạn Việt Nam, vì nếu nói thế là cực đoan, phi lý, và vô trí. Người Việt Nam do đó khó thể nói rằng James và Beowulf là dấu hiệu của sự ngoại lai, mất gốc, không yêu nước của con người Việt Nam, vì nếu nói thế là cực đoan, phi lý, và vô trí.
Người Việt tên tiếng Anh: tại sao không?
Tài liệu tham khảo:
* Hoàng Hữu Phước. 18-10-2009. Vũ Khí Tối Thượng Của Tiếng Việt Cho Thời Kỹ Thuật Số: Hồi Ức Về Một Sự Thật Ít Còn Người Việt Nam Nào Trên Thế Giới Còn Nhớ Hay Biết Đến. http://www.emotino.com/m.php?p=18206
** Hoàng Hữu Phước. 28-11-2011. Để Học Giỏi Tiếng Anh (Bài 2): Emotino, D’Passion, She Don’t, You Is, I and You, Th’Universe.http://www.emotino.com/bai-viet/19452/de-hoc-gioi-tieng-anh-bai-2-emotino-dpassion-she-dont-you-is-i-and-th-universe
*** Hoàng Hữu Phước. 15-6-2009. Cu Dơ Nhét Xốp – Vấn Nạn Việt Hóa Phiên Âm Tiếng Nước Ngoài. http://www.emotino.com/m.php?p=17900
**** Hoàng Hữu Phước. 27-9-2011. Vì Sao Là Beowulf Thor?http://www.emotino.com/bai-viet/19308/vi-sao-la-beowulf-thor
Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế
Email: hhphuoc@yahoo.com
Pager: 0988898399
Web: www.myabiz.biz
No comments:
Post a Comment