Sunday, February 10, 2013

Tết ba miền

Tết Quý Tỵ đang hiện diện khắp nơi trong mọi gia đình Việt Nam. Từ thành phố tới miền quê, từ đồng bằng hay cao nguyên tít tắp, người người rộn ràng đón Tết; tuy tâm trạng khác nhau nhưng cái chung của cộng đồng xã hội bao trùm đã khiến khuôn mặt mọi người ấm hồng lên mối thiết tha của một nền văn hóa chung đã hàng ngàn năm hiện hữu.

Miền Bắc

Cái Tết của ba miền tuy có cùng một khuôn mặt nhưng trong mỗi gia đình, bản sắc vùng miền hiện lên rất rõ trong từng cung cách ăn mặc hay vui chơi. Từ Hà Nội nhà văn Võ Thị Hảo cho biết:
“Trong những năm gần đây thì Tết Âm Lịch đối với người Hà Nội cũng có những xê dịch về mặt ứng xử và phong tục.
Chẳng hạn như trước đây Tết Âm Lịch thì người ta hay ở nhà hay chúc Tết họ hàng nhưng bây giờ người Hà Nội người ta đi nhiều hơn. Trong những ngày Tết Âm Lịch thì người ta có thể đi chơi bằng xe máy hay ô tô. Những người có tiền thì du lịch nước ngoài. Tết Tây và Tết Ta cũng có sự giao thoa hơn trước vì Noel cũng gần gũi với người Việt Nam, và ngày càng quan trọng hơn bởi vậy Tết Ta cũng không quan trọng như trước kia nữa.
Trong những năm gần đây thì Tết Âm Lịch đối với người Hà Nội cũng có những xê dịch về mặt ứng xử và phong tục.
Nhà văn Võ Thị Hảo
Năm nay cái Tết của nhiều người nghèo và không khí mua sắm không tấp nập tưng bùng như những năm trước.”
Nét đẹp của tranh trong ba ngày Tết không thể thiếu trong nhà của người Hà Nội đã không còn như xưa. Thay vì Đông Hồ, Hàng Trống, nhiều gia đình đã thay tranh truyền thống bằng tranh chụp từ máy ảnh hay tranh chép, tranh nhái của thị trường:
“Các loại tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống bây giờ cũng khác nhiều vì bây giờ có nhiều thứ để chọn lựa hơn. Ngày nay nhờ công nghệ chụp ảnh, với một máy ảnh tự động và chỗ rửa ảnh chuyên nghiệp thì người ta có một tấm ảnh để trưng bày trong nhà rất nhanh. Bởi vậy người ta không có những khát khao về tranh Đông Hồ hay Hàng Trống, hơn nữa ở Hà Nội có rất nhiều tranh chép giá rất rẻ người ta có thể mua với rất ít tiền.”
Còn cái ăn thì sao? Những món ngon ngày Tết rõ ràng là không thể thiếu hoàn toàn nhưng rất nhiều món không còn trong thực đơn ngày Tết của người Hà Nội mà thay vào đó bằng các món gọn nhẹ, ăn nhanh, dọn nhanh và không cần chuẩn bị:
"Người Hà Nội bây giờ cũng ăn nhiều món Tây hơn. Việc phát triển các siêu thị cũng làm thay đổi tập quán chuẩn bị đồ ăn và dùng các món như bánh chưng, thịt, rồi dưa hành, nhưng bây giờ người ta ăn nhiều món Tây hơn. Cách ăn cũng khác hơn trước rất nhiều và bữa ăn không còn quan trọng nữa. Không cần thiết phải chuẩn bị một cách cầu kỳ rắc rối nữa. Người ta chủ yếu là đi chơi, thăm họ hàng, bạn bè.
Tôi nghĩ năm nay với sự suy thoái kinh tế thì rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân bị vỡ. Nhìn trên đường phố thì biết ,cứ mười cửa hàng thì có đến ba cửa hàng họ đóng cửa không cho thuê được và nhiều doanh nghiệp đã bị vỡ. Nhiều người không có việc làm, thậm chí nhiều doanh nghiệp không có tiền trả lương, và không khí Tết năm nay không tưng bừng gì cả."

Miền Trung

Từ Hà Nội lần vào đến Huế việc ăn Tết đã khác đi một chút. Cái se lạnh của mùa Đông vẫn còn trên từng cánh hoa của Huế. Cầu Trường Tiền bắt dài nỗi nhớ đối với những đứa con Huế xa quê. TS Thái Thị Kim Lan, một Việt kiều Đức về ăn Tết tại quê hương đưa ra những nhận xét:
“Dĩ nhiên thì mọi người cũng đều rộn ràng chuẩn bị năm mới nhưng tôi thấy cái rộn ràng vẻ bề mặt hơn là bề sâu. Những truyền thống trong mỗi gia đình đều giữ được một chút. Người nào cũng nghĩ mình phải làm một cái Tết trong gia đình cho nó được ấm cúng, nhưng mà người ta phải chạy theo thời thế quá thành thử nhiều khi có những chi tiết thân thuộc của tình gia đình nó không còn đậm đà như ngày xưa. Đó chỉ là cảm giác riêng của tôi mà thôi. Bởi vì tôi về ăn Tết nhưng chỉ ăn Tết trong nhà tôi mà thôi. Về để tìm lại hương vị Tết của Huế qua hoa cỏ cây lá, sông núi bạn bè cũ. Cái hình ảnh xưa nó không còn nữa. Tôi thấy người ta cố gắng làm cái Tết nhưng không biết hắn có giống với truyền thống không thì đó là vấn đề khác.
Cũng hoa, cũng trái, cũng bánh mứt, nhưng hình như nó bị kỹ nghệ hóa rồi thành thử nó không còn cái cách của ngày xưa như tôi đã trải qua những ngày Tết.
TS Thái Thị Kim Lan
Dĩ nhiên trong thời đại mới thì sự xô bồ, phô trương nó khác với ngày xưa. Cũng hoa, cũng trái, cũng bánh mứt, nhưng hình như nó bị kỹ nghệ hóa rồi thành thử nó không còn cái cách của ngày xưa như tôi đã trải qua những ngày Tết.
Bây giờ mọi thứ đều bị kỹ nghệ hóa rồi, chỉ cần ra ngoài chợ là có đủ thứ hết, Nhưng mứt gừng thì không phải mứt gừng như lúc trước. Bánh chưng cũng không phải bánh chưng như khi xưa. Người ta chạy theo số lượng chứ không phải phẩm chất.”
TS Kim Lan chia sẻ nhận xét của bà về những nét giản dị chân thành còn sót lại trong một lớp dân quê, mà bà cho rằng đây là nét văn hóa còn xót lại của Huế trước những đổi thay to lớn tại nơi từng là kinh thành, từng là đế đô…
“Tôi mới xuống các làng nhỏ để mua hoa thì tôi thấy người dân họ mộc mạc, dĩ nhiên là họ cũng kinh doanh về hoa trái nhưng đời sống của họ vẫn còn giản dị, đơn sơ và dễ thương. Đó là cái mặt khác của Huế. Tôi nghĩ Huế còn đang bị mất rất nhiều nếu tiếp tục hiện đại hóa, chạy theo một số thị hiếu, trào lưu mà không thích hợp với Huế, làm cho Huế mất mát nhiều lắm.”
Từ Huế qua đèo Hải Vân là Đà Nẵng, là Hội An là quê hương của Bài Chòi, của đua ghe ngày Tết. Nhà văn hóa, nhà văn Nguyên Ngọc nói về nét đặc sắc của quê hương ông, đặc biệt là những chiếc bánh giản dị mộc mạc và rất miền Trung:
“Miền Trung vốn có đặc điểm luôn trong tư thế đi, đi vào Nam, cho nên ở đây từ phong tục cho tới tập quán rồi con người, nó thể hiện qua cái ăn với đặc tính của người đang đi. Thí dụ như ngoài Bắc là bánh chưng nhé! Bánh chưng khi mở ra là phải ăn hết ngay mà miền Trung nó có bánh tét, tức là loại bánh nó gói như bánh chưng nhưng hình dáng là một cái đòn dài, chung quanh có nếp và có nhân ở giữa. Người ta làm một đòn bánh dài như thế để cầm đi, và gọi bánh này là bánh tét tức là xắt từng lát ra. Anh dùng sợi lạt anh cắt từng lát, ăn đến đâu thì cắt đến đó xong rồi phủ lá lại và cầm đi. Cái bánh chưng không thể làm như thế được, mở ra là phải ăn liền.
Còn bánh tráng, hay bánh đa cũng là một loại lương khô trong bữa ăn, bữa giỗ hay ngày Tết của miền Trung thì bao giờ cũng phải có bánh tráng. Khi bẻ cái bánh đa kêu “rốp rốp” là dấu hiện của bữa liên hoan, bữa giỗ. Bây giờ những truyền thống này vẫn còn ở miền Trung, cái người đang đi, dấu vết đó vẫn còn. Hội An vẫn giữ được nhiều cái cũ cho nên nó vẫn còn những cái đó khá rõ. Ở đây có những phong vị đó cũng hay hay.”
Nhà văn hóa học Nguyên Ngọc cũng cho biết về loại hình dân gian đặc sắc xuất hiện trong ba ngày Tết đã mất và đang được phục hồi là trò chơi Bài Chòi, ông nói:
"Trong một số năm gần đây người ta đã phục hồi Bài Chòi, người ta có ý thức khôi phục trở lại loại hình này. Đặc biệt ở Hội An nó được khôi phục lại rất tốt. Thường ở những nơi khác người ta làm có tính cách sân khấu hóa, biến nó thành một thứ sân khấu. Ở Hội An có một điều đặc biệt tuy họ cũng khôi phục Bài Chòi nhưng mà họ chơi thật. Cái thú vị ở Hội An là như thế. họ chơi cho khách du lịch xem nhưng họ chơi rất thật nên người xem rất thú vị. Riêng Hội An thì Bài chòi khôi phục khá tốt, tôi rất thích không khí của Hội An vì nó rất dễ thương."

Miền Nam

Tết không “đến” mà “ùa” về miền Nam, nơi người dân được thiên nhiên ưu đãi nhiều thứ. Từ cây trái đa dạng tới khí hậu ấm áp quanh năm. Từ sông nước bốn mùa đầy cá tới những cánh đồng bạt ngàn lúa gạo, không những dẫn đầu trong nước mà còn xuất ra thế giới đem lợi nhuận về cho đất nước. Tết ùa về khắp nơi và được chào đón bằng những nụ cười hiền hòa chất phác. Người dân miền Nam đón Tết đơn giản nhưng rộn ràng các sinh hoạt chuẩn bị cho Tết sau một năm vất vả với gió sương đồng áng.
Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã, một người gắn trọn đời mình tại miền Nam nói về những gì ông chuẩn bị cho ngày Tết năm nay, đặc biệt là cây nêu, một hình ảnh của Tết mà ngày nay gần như vắng bóng:
“ Đặc biệt tôi thích cây nêu, nó thể hiện truyền thống Việt. Ăn Tết mình có cây nêu tre thể hiện tính Việt của nó, tre vừa là nhu vừa là cương. Tôi đã trồng cây nêu rồi. Ông Trịnh Khải Đức trong Gia Định Thành Thông Chí nói ở miền Nam có cây nêu đặc biệt có cái giỏ đựng vàng mã. Cây nêu của tôi thể hiện cây nêu Nam bộ, ngoài cây tre ra, có khánh có chuông, rồi có cờ ngũ sắc, tua ngũ sắc, nêu cao đất lành ngày xưa người ta tin tưởng bị quỷ quấy rối phải trồng cây nêu lên. Có thể có hình Phật Bà Quan Âm hay là có cung tên tượng trưng để quỷ thần không tới. Nhưng theo tôi tục dựng nêu nói lên ước vọng của người dân muốn sống yên bình, bắt đầu trước Tết dựng nêu đến mùng 7 thì hạ nêu.
Tôi thấy người ta sắm sửa, tiêu dùng hơi quá đáng và thiên về hình thức hơn là tình cảm chân thành trong dịp Tết cổ truyền.
TS Bùi Trân Phượng
Theo truyền thống ăn Tết những món để được lâu, năm nào nhà tôi cũng có giò – nem – ninh - mọc. Năm nào tôi cũng có giò thủ, tôi làm nem Ninh Bình làm lấy, rồi các món ninh, ninh măng lưỡi lợn, mọc thì mua sẵn… có bánh chưng dưa hành, củ kiệu và cả dưa món của miền Trung, ở Saigon phong phú lắm… thịt đông da heo, trong Nam cũng có thịt kho tàu. Nhiều năm nay Saigon Tourist đem khách Tây đến nhà tôi ăn Tết.”
Với ngày Tết tại thành phố lớn nhất Việt Nam thì lại khác. Sài Gòn vốn là trung tâm kinh tế của cả nước nên không tránh khỏi sự xô bồ, chạy đua với thời gian của người dân tại đây. Áp lực cuộc sống biểu lộ rất rõ trên từng khuôn mặt khi phải căng ra tính toán từng đồng bạc hiếm hoi trong nền kinh tế thị trường. Rất nhiều gia đình cảm thấy Tết là lúc nghỉ ngơi, giải trí nhưng cũng không ít người khi mỗi lần Tết đến là sự lo âu lại ập tới đè lên đôi vai vốn đã rất gầy.
Dù ăn Tết lớn hay nhỏ thì Sài Gòn vẫn có một sức sống mà không nơi nào có thể so sánh. Tết là lúc người ta ồn ào chay đua với thời gian, mong về nhà với đầy đủ các vật liệu mà ngày Tết đòi hỏi. Từ hoa quả cúng ông bà tới cây mai, chậu cúc trong phòng khách. Chiếc áo mới cho con, phong bao lì xì cho cháu, hay một món quà ý nghĩa cho song thân là những gì mà người Sài Gòn đã quen thuộc từ ba trăm năm qua.
Giờ đây, cái Tết Quý Tỵ của năm 2013 này người Sài Gòn đón nó ra sao? TS Bùi Trân Phượng, hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen nhận xét:
“Nói chung thì cũng có những thay đổi tích cực nhưng cũng không ít điều tệ hại hơn. Thay đổi tích cực là có nhiều người ăn Tết giản dị hơn, văn minh hơn có nghĩa là người ta không sắm sửa quá nhiều mà thậm chí người ta trốn cái cảnh sắm sửa của thành phố để đi du lịch, đi chơi đâu đó trước Tết, trong Tết hay liền ngay sau Tết.
Người ta có xu hướng trốn thành phố, hoặc vẫn ở nhà nhưng không thăm viếng qua lại quà cáp quá nhiều, đó là xu hướng tích cực. Có thể xu hướng tích cực đó nó không liên quan đến số đông. Số đông có những biểu hiện mà riêng cá nhân tôi không thích lắm, tôi thấy người ta sắm sửa, tiêu dùng hơi quá đáng và thiên về hình thức hơn là tình cảm chân thành trong dịp Tết cổ truyền. Ví dụ những giỏ quà rất hoành tráng theo cách nói bây giờ. Nó phô trương và thiếu sự tinh tế.
Bên cạnh đó còn rất nhiều người thiếu thốn và không thực sự hưởng một cái Tết ngay cả trong sinh viên. Tôi nghĩ bất công xã hội càng lớn lên khi nó thể hiện rõ ràng trong mỗi một lần Tết đến.”
Như mọi năm, lớn hay nhỏ gì thì Tết cũng đến trong từng ngôi nhà Việt Nam. Tết không phân biệt ai, nó chia đều hạnh phúc cho mọi người. Khi mùa xuân nhỏ những giọt sương đầu tiên trên cành đào của Hà Nội thì trong Nam những chậu hoa Vạn Thọ đã hiện diện khắp nơi để báo ngày Tết đến. Một cái Tết nữa trong hàng ngàn cái Tết đã qua nhưng vẫn không làm cho chúng ta chán ngán. Phải chăng yếu tố này đã gắn kết người Việt với nhau?


No comments:

Post a Comment