"Cũng là phiêu bạt như nhau
Về đây – chót mũi Cà Mau – gặp cò".
Về đây – chót mũi Cà Mau – gặp cò".
Câu thơ của Nguyễn Duy đầy rung cảm, xót xa thân phận người nghèo, nơi cùng trời cuối đất đã theo những người dân tứ xứ, đổ về Sài Gòn kiếm sống, lập thân, lập nghiệp. Những phận đời "cò", "vạc" trôi nổi không chỉ từ chót mũi Cà Mau, hòn Đá Bạc, gành Ráng, ngã ba Vịnh Chèo… mà còn ở những địa danh xa xôi miền Bắc, miền Trung đã gặp nhau ở Sài Gòn, nên vợ nên chồng, sinh ra những đứa con ở Sài Gòn. Những đứa con ấy đã góp phần làm nên hào kiệt Sài Gòn. Trong quá trình đi tìm tư liệu để viết quyển tiểu thuyết Đêm Sài Gòn không ngủ, tôi rung cảm đặc biệt với những thân phận "cò", "vạc" đã làm nên những trang sử anh hùng của Sài Gòn – Gia Định, làm rung chuyển Nhà Trắng một thời.
Anh hùng biệt động Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu) cứ day dứt hoài với những chiến sĩ – hiệp sĩ trong đường dây biệt động của ông. Họ là ai? Đó là bà Bùi Thị Lý từng phiêu bạt từ Bắc Việt Nam sang Lào, vào Nam, làm đồn điền, sống hông đình, hè chợ, hơn 20 năm mới sắm được ngôi nhà ở chợ Vườn Chuối. Vậy mà bà sẵn sàng rời bỏ, sắm ngôi nhà 248/27 đường Nguyễn Huỳnh Đức (nay là đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận) làm kho vũ khí cho biệt động Sài Gòn, đánh vào bộ Tổng tham mưu. Với những bội rau tần tảo, kiên cường vượt qua những cực hình tra tấn của địch, giữ vững bí mật cơ sở. Đó là chị Phan Thị Thuý với nỗi oan "bị đuổi khỏi nhà vì làm vợ bé một sĩ quan nguỵ", chị Võ Thị Sang, vợ Ba Bong Bóng từ Đà Lạt vào Sài Gòn kiếm sống, đã làm theo lời trăng trối của chồng, tiếp tục giữ kho vũ khí để giao lại cho người "có nửa đồng bạc cắt đôi", dùng đánh vào bộ Tổng tham mưu… Đó là chị Trần Thị Út – vợ anh hùng Nguyễn Phú Cương từ nhiều năm liền sống trên " đống lửa" để đêm mùng một tết tiễn chồng ra trận. Chị Nguyễn Thị Hảo – vợ liệt sĩ Nguyễn Tấn Quốc cùng chồng trồng rau muống, bền bỉ xây dựng hầm vũ khí đánh vào dinh Độc Lập. Đó là Đặng Thị Thiệp – vợ thật mà phải đóng vai vợ bé để tạo thế hợp pháp cho chồng là nhà tư sản Mai Hồng Huế từ Bắc phiêu bạt vào Nam, xây hầm vũ khí ngay trước mặt kẻ thù. Và chị Đặng Thị Huệ trong phút nguy nan đã chấp nhận cho Ba Bảo lủi chiếc xe nghi trang cà chua chất đầy vũ khí dùng để đánh vào đại sứ quán Mỹ…
Những phận đời "cò", "vạc" ấy đã làm nên ẩn số của lòng yêu nước mãnh liệt của người dân Sài Gòn. Cho đến phút cuối đời, ông Tư Chu vẫn còn day dứt trước những hy sinh thầm lặng của đôi vợ chồng liệt sĩ Nguyễn Văn Thông, Huỳnh Thị Phát. Họ đã dâng hiến cuộc đời cho những chiến tích của biệt động Sài Gòn, bằng những việc làm thầm lặng của tổ trinh sát công khai. Tất cả những tài liệu, tranh ảnh phục vụ các trận đánh lớn của biệt động trong lòng thành phố đều qua sự sưu tầm, chuẩn bị của tổ trinh sát này. Là người chỉ huy, ông Tư Chu nắm rõ: "Đồng chí Nguyễn Văn Thông là một người hào phóng, tốt bụng ở vùng chợ Nancy, nên có nhiều người yêu mến, có nhiều bạn bè thân thiết. Có nhiều người được đồng chí Thông vận động vào đội ngũ cách mạng, như ông Năm Sơmi người Ấn lai và là thẩm sát viên ngoại hạng ở tổng nha công an cảnh sát nguỵ và người này cung cấp nhiều tin có giá trị. Ngoài ra, ông còn xây dựng được nhiều cơ sở khác như phóng viên báo chí, sĩ quan nguỵ tốt nghiệp khóa 22 quân trường Thủ Đức, một thượng sĩ an ninh quân đội nguỵ, một thợ sửa chữa lính quân cụ nguỵ. Ngoài ra, đồng chí còn có chị Nguyễn Thị Ngọc, một giao liên cần mẫn, tin cậy…" Bên cạnh người chiến sĩ trinh sát nội thành còn có người vợ là chị Huỳnh Thị Phát. Với nghề y tá và chăm sóc sắc đẹp, chị đã tiếp cận, lấy được nhiều tin tức quan trọng, đặc biệt tin tức từ các cô vũ nữ hạng sang, vợ bé các tướng lĩnh. Cấp trên cần một tin tức gì về chủ trương của cảnh sát nguỵ Sài Gòn, chị Phát chỉ cần xách túi đồ nghề, đến nhà vũ nữ vốn là người tình của tướng Nguyễn Ngọc Loan – giám đốc công an cảnh sát nguỵ thời điểm đó; lúc về nhà, chị đã lấy được những tin sốt dẻo. Hai chiến sĩ thầm lặng ấy lần lượt hy sinh. Mãi sau ngày hoà bình, ông Tư Chu mới biết thêm nhiều chi tiết về chiến sĩ của mình: "Đồng chí Thông quê gốc Bến Tre, làm nghề dạy học, cảm tình Đảng Cộng sản Việt Nam trước năm 1945, bị địch truy lùng, cùng vợ lên Sài Gòn tham gia cách mạng trong hai thời kỳ kháng chiến – sau này cả gia đình này (anh chị và bốn con) đều tham gia kháng chiến. Sau Mậu Thân 1968, anh bị sát hại ở nhà lao Thủ Đức. Đồng chí Huỳnh Thị Phát bị địch giết tại ngã ba Tân Hiệp (Tiền Giang) khi chị tránh né tại đó". Dòng chú thích ngắn gọn ấy có sức truyền dẫn mãnh liệt đến những người đang sống, khơi dậy trách nhiệm, nghĩa tình…
Tôi rất ấn tượng về những câu chuyện kể của ông Tư Chu về những hiệp sĩ Sài Gòn. Đó là anh Phan Kim Thạch – một sĩ quan phiên dịch cho Nam Hàn, sẵn sàng làm giao liên đưa hai ông trùm biệt động Tư Chu và Ba Thắng thoát khỏi Sài Gòn sau đêm Mậu Thân 1968. Những ẩn số biệt động thật đáng cho người Sài Gòn thế hệ sau suy ngẫm, bởi có những người lái xe tuy nghiện thuốc phiện vẫn tràn đầy lòng yêu nước, sẵn sàng lái xe qua nguy hiểm, cái chết. Vì lòng yêu nước, muốn đươc Đảng tin cậy, ông đã gồng mình, vật vã cai nghiện. Có người sĩ quan hoạt động đơn tuyến, vì đại cuộc đã tự móc mắt mình để qua mặt kẻ thù. Ở Sài Gòn có nhà tư sản dân tộc Bùi Duy Cận – người sáng lập và là chủ nhân hãng sơn Bạch Tuyết, đã giúp hàng ngàn lượng vàng cho cách mạng. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Cận lúc ấy sang Pháp chữa bệnh đã uỷ nhiệm cho người cháu, hiến toàn bộ tài sản và hướng dẫn cách sản xuất sơn Bạch Tuyết cho cách mạng. Đó là câu chuyện "gia đình biệt động" của má Vũ Thị Lượng, với chiếc xe ba gác, mẹ đẩy sau và đứa con tật nguyền đằng trước, chở rác rưởi, xà bần đi khắp thành phố Sài Gòn, chuyển vũ khí tận tay cho các chiến sĩ cách mạng. Ông Tư Chu mãi day dứt về sự hy sinh thầm lặng của anh Lê Huấn (Hai Hồ) – con trai một tướng lĩnh cao cấp Sài Gòn, quê gốc Quảng Nam đã hoạt động đơn tuyến trong lòng địch. Trong vai một sĩ quan quân đội cộng hoà, chính Hai Hồ lái xe đưa ông vào thị sát bộ tổng tham mưu, chuẩn bị cho Mậu Thân 1968. Đó là người phụ nữ chấp nhận làm người chiến sĩ vô danh khi làm vợ một sĩ quan không quân Mỹ, đã lấy được cho cách mạng tấm bản đồ chi tiết nội đô Sài Gòn, và tấm bản đồ ấy đã giúp lãnh đạo phân khu nội đô nghiên cứu cho kế hoạch tổng tiến công…
Tôi tự hỏi điều gì đã giúp cho những "cò", "vạc" ở Sài Gòn làm nên bản anh hùng ca của Sài Gòn. Và rồi, tôi – một "con vạc" từ Bến Tre lên Sài Gòn lập thân, lập nghiệp, nghiệm ra rằng, chính tính cách thân thiện, hào hiệp, bao dung, công bằng, chí thú làm ăn của người Sài Gòn đã cưu mang những anh hùng, nuôi nấng những nhân tố anh hùng, những hạt giống đỏ, những khát vọng, bứt phá, vượt rào. Tôi còn phát hiện ra một điều thật cảm động. Có lẽ trong sâu xa những phận đời cò vạc nổi trôi tụ về, bà con Sài Gòn rất nhân hậu, bao dung. (Vì lẽ đó, rất nhiều "cái bang" đổ về Sài Gòn hành nghề). Và người Sài Gòn cũng rất rạch ròi, sòng phẳng. Cò vạc đều phải quần quật kiếm sống nên ai làm gì cũng được, miễn ăn hủ tíu trả tiền đàng hoàng, không ăn quỵt. Người Sài Gòn mải mê làm ăn nên ít để ý đến tóc tai áo quần người khác. Mặc gì cũng được miễn đừng quá "dị hợm". Ai làm gì cũng được miễn đừng làm phách mà thấy ghét. Đội quân biệt động của ông Tư Chu đã biết "bình thường hoá" trong sinh hoạt đời thường, lẫn vào người Sài Gòn để làm nên những kỳ tích phi thường. "Ông trùm" biệt động từng nói: "Chỉ có ở Sài Gòn mới có biệt động Sài Gòn!".
Những "cò" những "vạc" từ tứ xứ vào Sài Gòn lập thân, lập nghiệp đều nghiệm ra rằng, chính tính cách thân thiện, hào hiệp, bao dung, công bằng, chí thú làm ăn của người Sài Gòn đã giúp cho họ đứng được trên mảnh đất này. |
BÀI: TRẦM HƯƠNG - ẢNH: HỒNG THÁI
No comments:
Post a Comment